CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : MẶT TRẬN QUÂN ĐOÀN III - ĐÔNG NAM PHẦN - XUÂN LỘC - LONG KHÁNH PHÒNG TUYẾN ĐẪM MÁU GIAO TRANH ( 8/4/1975 - 20/4/1975 ).

20 Tháng Tư 20216:41 CH(Xem: 5319)
(1423)
Mặt Trận Xuân Lộc - Long Khánh - Sư Đoàn 18 Bộ Binh - Quân Đoàn III VNCH .
Trận chiến Xuân Lộc là cơn phẫn nộ cuối cùng của một quân đội anh hùng bị bội phản.
Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo là vị tướng đã cùng với 2 phụ tá: Đại Tá Lê Xuân Mai (Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 18) và Đại Tá BĐQ Phạm Văn Phúc (Tỉnh Trưởng Long Khánh) chỉ huy phòng tuyến thép Xuân Lộc từ rạng sáng 8/4/75 cho đến khi được lịnh rút quân ngày 21/4/75.
Xuân Lộc là tỉnh lỵ của tỉnh Long Khánh được TT Diệm thành lập từ năm 1957 bằng cách cắt bớt phần đất của tỉnh Biên Hòa, mục đích định cư đồng bào Việt, Mường, Nùng, Thái di cư năm 1954. Tỉnh có diện tích vào khoảng 3,457 Km2, đất đai phần lớn là núi thấp, đồi cao, rừng thưa và đồn điền cao su -- trong kháng chiến là một vị trí chiến lược quan trọng vì là ngã ba của 2 quốc lộ 1 và 20, cửa ngõ từ miền Trung, miền Cao Nguyên vào Sài Gòn chỉ cách nhau 80 Km, do đó Xuân Lộc được coi như vòng đai ngoài bảo vệ phi trường Biên Hòa và thủ đô. Xuân Lộc nằm trên đường giao liên giữa chiến khu C và D của cộng sản với các mật khu Mây Tầm, Cù Mị, Xuyên Mộc, Đất Đỏ của tỉnh Phước Tuy, con đường mạch máu mà cộng quân dùng để nhận tiếp tế bổ sung quân và tiếp liệu bằng đường biển, vì vậy từ lâu Sư Đoàn 18 BB đã được bố trí tại tỉnh này để ngăn chận.
Để cắt đứt đường rút quân của VNCH từ 2 tỉnh Tuyên Đức, Lâm Đồng, CS tấn công quận Định Quán do Tiểu Đoàn 2/43 trấn giữ và trong khi giao tranh đẫm máu, không quân VN đã thả lầm 2 trái bom 500 cân Anh vào vị trí của quân ta tại núi Đất, khiến gần 200 người chết và bị thương trong đó có cả vị tiểu đoàn trưởng làm Định Quán mất ngày 17/3/75.
Để tấn công Long Khánh, cộng quân đã tung vào chiến trường này Quân Đoàn 4 gồm 3 Sư Đoàn 6, 7, 341 , các đơn vị có sẵn của Quân Khu 7 và một sư đoàn pháo 130 ly, 122 ly và phòng không. Trung đoàn chiến xa và các đơn vị đặc công. Thiếu Tướng CS Hoàng Cầm là tư lịnh, chính ủy là Thiếu Tướng Hoàng Thế Thiệp. Trận chiến đẫm máu đã đồng loạt xảy ra tại 3 phòng tuyến: ngã ba Dầu Giây, thị xã Xuân Lộc và Gia Rai (nằm tiếp cận giữa Bình Tuy và Long Khánh), lực lượng ĐPQ+NQ tỉnh và các đơn vị tăng phái gồm Trung Đoàn 8 (Sư Đoàn 5), lữ đoàn 3 Thiết Kỵ, Liên Đoàn 7BĐQ, 2 Tiểu Đoàn Pháo Binh, Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù và toàn bộ Lữ Đoàn 1 Dù (với các Tiểu Đoàn 1, 2, 8, 9) và Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù, Sư Đoàn 4 không Quân VN từ phi trường Cần Thơ phụ trách không yểm chiến thuật.
Chiến trường Long Khánh gồm 3 mặt trận chính: mặt trận ngã ba Dầu Giây do Trung Đoàn 52 BB và một thiết đoàn chiến xa trấn giữ. Mặt trận núi Chứa Chan, Gia Rai do Liên Đoàn 7 BĐQ và Trung Đoàn 43 BB. Thị Xã Xuân Lộc do Trung Đoàn 43 BB và các Tiểu Đoàn ĐPQ bảo vệ... Bộ tư lệnh hành quân của Tướng Lê Minh Đảo đặt tại quận đường Xuân Lộc ngã ba Tân Phong-Long Giao được bảo vệ bởi các đơn vị trừ bị của sư đoàn, pháo binh và một thiết đoàn chiến xa .
Thế rồi vào lúc 5g30 ngày 9/4/75, khi vạn vật bắt đầu một ngày mới, chim chóc rời tổ kiếm ăn, dân chúng dọn hàng ra chợ, các tín đồ Thiên Chúa Giáo đi xem lễ sớm tại các nhà thờ, các loa phóng thanh của Ty Thông Tin Xuân Lộc mở đầu bằng các bài hát trữ tình thương lính...thì cũng là lúc cộng quân nã hàng trăm ngàn loại pháo đủ loại vào thành phố, đa số rớt vào chợ, nhà thờ và các nhà của dân chúng khiến cho người dân vô tội chết và bị thương như rạ, vì trận pháo kích kéo dài trong 2 tiếng đồng hồ với hơn 3,000 trái đạn, liên tục không dứt, dân chúng chạy đâu để trốn tránh tử thần.
8 giờ...quân CS tấn công vào thành phố nhưng bị chận lại bởi Trung Đoàn 43 BB và Tiểu Đoàn 3/4 ĐPQ Long Khánh nên phải chém vè sau khi bỏ lại tại chỗ 100 tử thi. Nhiều T54 và PT76 bị hạ khắp nơi bởi các hỏa tiễn M72 và các phản lực cơ A37, F5 của Không Quân.
Ngày 10/4/75, Cộng Quân trở lại tấn công Xuân Lộc với 2 Sư Đoàn 6, 7 và các trung đoàn thiết xa, khắp các mặt trận Đông, Tây, Nam, Bắc thành phố từ tòa thị chính Long Khánh đến sân bay, nơi nào Cộng Quân cũng sử dụng quân số cấp trung đoàn. Cuộc chiến kéo dài trong nhiều ngày, cả 2 phía giành dựt từng ngôi nhà, phòng tuyến để sống. Không Quân VN đã yểm trợ tích cực và hữu hiệu cho các đơn vị dưới đất bằng các phản lực cơ tối tân F5E, góp phần tiêu diệt số lớn Cộng Quân. Trung Đoàn 43 BB mặc dù đã bị Cộng Quân cắt ra từng đơn vị nhỏ, nhưng vẫn tiếp tục chống trả mãnh liệt, gây cho địch nhiều tổn thất.
Qua đến ngày 4 của cuộc chiến, Lữ Đoàn 1 Dù gồm các Tiểu Đoàn 1, 2, 8, 9 và Tiểu Đoàn Pháo Binh Dù mới từ miền Trung về, được lịnh tăng cường cho Xuân Lộc. Tất cả trực thăng của 2 Trung Đoàn 3, 4 Không Quân gồm hàng trăm trực thăng bán phản lực HU1B đã thả hơn 2,000 quân Dù từ Trảng Bom vào trận địa, các pháo đội Dù cũng được trực thăng Chinook chuyển vận đến Bộ chỉ huy hành quân Dù đóng kế Bộ tư lịnh Sư Đoàn 18 BB.
2 Tiểu Đoàn Dù đầu tiên đã nhảy xuống đồn địch để chiếm lại Bảo Định, chiếm lại quốc lộ 1, nơi 2 trung đoàn thuộc Công Trường 6 CS đang tập trung tấn công Bộ Tư Lịnh Sư Đoàn 18 BB tại Tân Phong. Một tiểu đoàn Dù khác nhảy xuống chiếm lại khu vực vườn cây của cố Thống Tướng Lê Văn Tỵ. Ngoài ra các tiểu đoàn khác nhảy vào Xuân Lộc để giải vây cho các tiểu đoàn ĐPQ và Bộ Chỉ Huy tiểu khu Long Khánh.
Tại ngã ba Dầu Giây, Cộng quân cũng đồng loạt tấn công Chiến Đoàn 52 BB từ ngày 12/4/75 bằng biển người và tăng, pháo. Lần lượt các tiền đồn, phòng tuyến của Trung Đoàn 52 BB từ Kiệm Tân về tới ấp Phan Bội Châu trên quốc lộ 20 bị tràn ngập. Cuộc chiến trở nên ác liệt và đẫm máu đã xảy ra chiều ngày 15/4/75 ngay tại xã Dầu Giây, ngã ba 2 quốc lộ 1-20, giữa Chiến Đoàn 52 BB (gồm Trung Đoàn 52, Lữ Đoàn 3 Thiết Kỵ, các lực lượng ĐPQ Kiệm Tân, Long Khánh; tổng cộng gom lại 2,000 người) và Binh Đoàn 4 Cộng Sản (trong đó có sư đoàn tổng trừ bị của Hà Nội 341 vừa từ Thanh Hóa vào), do Trần Văn Trà vừa thay thế Hoàng Cầm, chỉ huy đã cho ứng dụng chiến thuật biển người. Trong trận chiến nướng quân man rợ, tàn bạo và khủng khiếp này của CS, 1 người lính VNCH đã phải chọi với 10 binh sĩ CS với tăng và pháo. Chiến Đoàn 52 BB cuối cùng đã tan hàng vào đêm 15/4/75, tất cả pháo binh, thiết giáp, người đều bị CS hủy diệt sau mấy ngày đêm cầm cự. 9 giờ đêm đó, khi chiếc hầm chỉ huy của chiến đoàn bị bắn sập, đại tá chiến đoàn trưởng mới cho rút quân, theo ông chỉ còn...200 binh sĩ VNCH sống sót.
Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư Lịnh Quân Đoàn III, sau khi trình Bộ Tổng Tham Mưu, ông đã ra lịnh cho Không Quân sử dụng 2 trái bom "Daisy Cutter" tại ngã ba Dầu Giây trong đêm 15/4/75, vào vùng tập trung quân của cộng quân ngay khi Chiến Đoàn 52 BB bị tan hàng, gần 10,000 quân CS với chiến xa T54, đại pháo đang di chuyển trên quốc lộ 20 vừa tới ngã ba Dầu Giây đã bị hủy diệt toàn bộ.
Qua 12 ngày các chiến đãm máu, tuyến thép Xuân Lộc vẫn đứng vững dù Phan Rang đã thất thủ vào 17/4/75, Phan Thiết mất 18/4/75, Bình Tuy bỏ ngỏ -- giờ đây Xuân Lộc là vùng giới tuyến của đất nước. Tin thắng trận của Sư Đoàn 18 BB, Lữ Đoàn 1 Dù, Biệt Động Quân, Thiết Giáp, Địa Phương Quân, Lôi Hổ và Không Quân đã tạo nên một niềm hy vọng tràn dâng tại miền Nam Việt Nam .
Theo báo cáo của Tướng X. Smith, Trưởng Phòng Tùy Viên Quân Sự (DAO) lên chức Tham Mưu Trưởng Liên Quân Mỹ:
:"Tại chiến trường Long Khánh rõ ràng QLVNCH đã chứng tỏ sự quyết tâm và anh dũng chiến đấu chống lại địch quân đông gấp nhiều lần..."
Tư Lịnh Sư Đoàn 18 BB Lê Minh Đảo:" Tình hình bắt đầu thay đổi khi ngày 16 tây thì mặt trận Phan Rang bắt đầu bể, một quân đoàn gọi là quân đoàn 2 Hương Giang họ đi ở quốc lộ 1 xuyên qua Phan Rang họ xuống Phan Thiết để về Sài Gòn. Họ đi vô Bình Tuy ngang Xuyên Mộc về Bà Rịa để tấn công con đường Bà Rịa đi Biên Hòa, đây là một sự uy hiếp vì họ không thể đi ngõ Xuân Lộc nên họ đi ngõ đó. Đồng thời Trần Văn Trà đã thay đổi kế hoạch họ đánh phá rất mạnh vào phi trường Biên Hòa vì họ biết phi trường đó còn thì sẽ yễm trợ cho chúng tôi. Mỗi ngày chúng tôi có chừng 50 phi xuất của Biên Hòa thành ra yễm trợ cho chúng tôi nhất là trực thăng võ trang anh em đó đánh rất là ngoan cường, đánh rất hay rót bom lên địch thành ra họ bị thiệt hại rất nhiều vì phi pháo của chúng tôi.
Chiến đoàn 52 của tôi ở tại ngã ba Dầu giây họ đánh nhiều ngày hết đạn dược rồi nên họ xuyên rừng đi thẳng vào rừng, họ đi xuyên rừng Bình Sơn để về Biên Hòa. Trước sự uy hiếp trên quân đoàn sợ rằng mặt trận của tôi nằm ở phía trên mà cộng sản nó đã lọt được vào bên dưới do quân đoàn Hương Giang đi từ bên kia nó vòng ngõ tắt về Biên Hòa cho nên ông trung tướng Toàn ra lệnh phải thay đổi chiến thuật, xin Tổng thống Thiệu và Tổng thống chấp nhận phải đổi chiến thuật là đưa sư đoàn 18 bộ binh về giữ mặt trận Trảng Bom, giữ quốc lộ 1 từ Trảng Bom về Biên Hòa.
Mặt trận này hồi nào đến giờ do chuẩn tướng Khôi, tư lệnh lữ đoàn 3 thiết giáp, đem chiến đoàn lên giữ mặt trận đó mà không lên tiếp được cho sư đoàn 18 tại vì ổng kẹt ngay chỗ đó vì tụi CS nó chận và ổng phải cầm cự ở đó. Thật ra thì ông Toàn cũng muốn giữ lực lượng đó để bảo vệ cho quân đoàn III nếu cái đoạn này mà lữ đoàn 3 dính vào mà nó đánh vô thì ổng không có đường mà đỡ, ổng ra lệnh cho tôi rút càng sớm càng tốt.
Một đơn vị khi đang chạm súng mạnh và hàng ngày như thế này mà phải rút quân là chuyện khó vô vàn. Đánh thì dễ còn rút thì dễ hỗn loạn và bị thua nhưng bây giờ lệnh thì phải rút."
10 giờ sáng ngày 20/4/75, lịnh bỏ Long Khánh được ban hành bởi Tư Lịnh Sư Đoàn 18 BB. Tất cả lực lượng tại đây dùng liên tỉnh lộ 2, phát xuất từ Tân Phong, Long Giao về Phước Tuy với 3 cánh quân Sư Đoàn 18 BB, tiểu khu Long Khánh + ĐPQ, Lữ Đoàn Dù + Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Dù. Trong cuộc rút quân này, Lữ Đoàn 1 Dù bị thiệt thòi và chịu số phận bi đát nhất vì là đơn vị đi đoạn hậu: họ phải chống trả CS, 2 bên còn đang giao tranh ác liệt tại Bảo Định thì 7 giờ tối ngày 20/4/75 có lịnh rút quân, trong khi các thương binh và tử thi lính VNCH chưa được di tản. Nhưng tất cả đành phải bỏ lại như năm nào tại Hạ Lào, bởi vì đối với người còn sống, đoạn đường đầy xác lính VNCH hơn 4 Km trong rừng cao su đen nghịt để ra quốc lộ 1, là các cửa địa ngục phải vượt qua. Tất cả thảm trạng trên đều là những oan khiên bi thảm của người lính VNCH mà ít ai biết đến.
9 giờ tối, các tiểu đoàn Dù này mới tới quốc lộ và một hoạt cảnh cảm động đã diễn ra, tất cả giáo dân của xóm đạo Bảo Định, Bảo Toàn, Bảo Hòa đã tập trung sẵn 2 bên vệ đường để theo chân lính di tản. Thì ra người lính VNCH trong suốt cuộc chiến nồi da xáo thịt, luôn luôn là những kẻ giữ nhà, giúp dân -- tình quân dân thắm thiết chỉ được nhắc tới trong những lúc cùng khốn, cực nguy...
Mấy chục cây số đường rừng bị bỏ hoang trên liên tỉnh lộ 2 từ Tân Phong, đến Đức Thành, Long Lễ và Bà Rịa không phải là chuyện bình thường của một đoàn quân có dân chúng lẫn lộn, bởi vậy ngay trong đêm rút quân 20/4/75, Đại Tá Phạm Văn Phúc và Trung Tá Lê Quang Định, tiểu khu trưởng và tiểu khu phó tiểu khu Long Khánh đã bị tử thương vì nhiều loạt B40 của CS bắn sả vào đoàn quân dân đang di chuyển. Lữ Đoàn 1 Dù rút lui sau cùng, chỉ riêng Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh được di chuyển trên đường lộ với đại đội Trinh Sát Dù, các tiểu đoàn tác chiến đều mở đường bọc sâu trong rừng.
4 giờ sáng ngày 21/4/75, tại ấp Suối Cá, gần ranh giới Long Khánh - Phước Tuy, Tiểu Đoàn 3 Dù đã bị 2 tiểu đoàn CS phục kích. Pháo đội C và trung đội trinh sát bảo vệ, hầu hết đều bị thương vong trước biển người tấn công. Cánh quân đi đầu của Tiểu Đoàn 9 Dù cũng đụng độ nặng với cộng quân tại thung lũng Gia Rai, dưới chân núi Cam Tiên. Ngoài những thiệt hại kể trên, cuộc rút quân trên liên tỉnh lộ 2 coi như hoàn tất, kết quả tốt đẹp. Sư Đoàn 18 BB được chỉ định về phòng thủ tuyến phía Đông thủ đô Sàigòn từ tổng kho Long Bình đến kho đạn thành Tuy Hạ, tiếp cận với các lực lượng của trường Bộ Binh Thủ Đức, trường Thiết Giáp và một Lữ Đoàn Dù có trách nhiệm bảo vệ quốc lộ 15 từ Long Thành về Bà Rịa.
Sau khi rút lui các đơn vị tham chiến của QLVNCH ra khỏi Xuân Lộc , nhằm mục đích thiết lập Vòng đai phòng thủ Sài Gòn .
Ngày 21/4/1975 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã từ chức và chuyển giao quyền lực cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương.
TT Nguyễn Văn Thiệu sau đó đã rời Sài Gòn, bay đến Đài Loan vào ngày 25 (với tư cách là đặc sứ của Việt Nam Cộng Hòa đến phúng điếu Tưởng Giới Thạch, qua đời hôm mùng 5 tháng 4), sau đó tới Anh định cư, (và cuối cùng tới Massachusetts, Mỹ sinh sống cho đến khi qua đời năm 2001.)
Ngày 23/4/1975 Chuẩn Tướng Lê Minh Đảo được Quyền Tổng Thống Trần Văn Hương vinh thăng Thiếu Tướng .
Tất cả binh sĩ Sư Đoàn 18 BB, cùng các đơn vị khác của Quân Lực VNCH tiếp tục chiến đấu chống cộng sản cho tới 30/4/1975 vào lúc 11 giờ 30 mới chấm dứt./.
Xem thêm Bài đã đăng 4/2020 : CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : MẶT TRẬN QUÂN ĐOÀN III - ĐÔNG NAM PHẦN ( 8 /4/1975 ) - Chiến Đoàn 52 VNCH và Thiết Giáp Giao Tranh Tây Bắc Xuân Lộc - Ngã Ba Dầu Giây - Long Khánh & CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : QUÂN ĐOÀN 3 VNCH - MẶT TRẬN XUÂN LỘC - LONG KHÁNH - Ngã ba Dầu Giây - CBU.82 : Quả BOM thả trong Trận Long Khánh .
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn