CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : MẶT TRẬN QUÂN ĐOÀN II VNCH DUYÊN HẢI NAM TRUNG PHẦN - CÁNH CHIM BẠT GIÓ ANH HÙNG PHI CÔNG VNCH LÝ TỐNG (LÊ VĂN TỐNG) & KHU TRỤC CƠ A.37 KLVNCH .

06 Tháng Tư 20247:32 CH(Xem: 265)
(922)
Anh Hùng Lý Tống tên thật là Lê Văn Tống sinh ngày 1-9 năm 1948 gốc miền Trung Việt Nam .
Cánh Chim Bạt Gió - Phi Vụ Cuối Cùng .
Vào phút hấp hối của quê Mẹ Việt Nam , Trung uý Phi công VNCH Lý Tống thuộc Phi đoàn 548 Khu Trục Cơ A.37-Sư Đoàn 6 Không Quân VNCH , thi hành phi vụ đánh sập cầu Trà Long (Ba Ngòi) phía nam Cam Ranh, ngăn chận làn sóng tiến công ồ ạt của Cộng quân vào Phan Rang.
Thấy dân chúng tản cư chạy loạn quá đông đúc trên cầu , lũ lượt xô đẩy nhau qua cầu chạy giặc, Lý Tống quyết định bay xuống thấp sát mặt đất làm hiệu để dân chạy nạn tránh đi, nhưng dòng người cứ ào ạt tràn qua cầu.
Do trái tim đầy lòng nhân ái luôn nghĩ đến sự an nguy và tính mạng dân lành vô tội, Lý Tống phải bay thấp đến vòng thứ ba, nên khi vừa lấy cao độ để thả bom, chiếc phản lực cơ A 37 của phi công Lý Tống bị hỏa tiển SA7 tầm nhiệt CS bắn trúng ở cao độ 100 mét, vỡ thành nhiều mảnh.
Tuy nhiên cầu Trà Long cũng bị đánh sập nhịp giữa , phía bên biển . Đoàn xe tăng T-54 của Cộng quân phải đổi lên hướng tây sát dốc Sạn và theo vũng cạn băng qua bờ phía nam .
Lý Tống đã tung cánh dù trong vòng lửa đạn và bị bắt sau hơn 1 giờ bôn tẩu vào ngày 5 tháng 4 năm 1975.
Lý Tống cùng chung số phận với những binh sĩ VNCH , những người tù cải tạo vô tội miền Nam Việt Nam .
Nhưng sau đó , Lý Tống đã nhiều lần vượt ngục CS đầy cam go , liều lĩnh và đã đến biên giới Thái Lan.
Phi vụ cuối cùng của Ó Đen Lý Tống được thực hiện trên chiếc phi cơ A.37 Phi đoàn 548 Khu Trục Cơ ,cất cánh từ căn cứ Không Quân VNCH tại Thành Sơn - Phan Rang - Ninh Thuận từ đầu tháng 4 năm 1975.
Dưới đây là Sơ Lược Lịch sử và Kỹ thuật của Phi cơ A-37 .

PHẢN LỰC CƠ A-37 DRAGONFLY
Cessna A-37 “Dragonfly” là loại phi cơ phản lực tấn công diện địa (ground attack) hạng nhẹ, hai chỗ ngồi phía trước, để sử dụng trong chiến tranh chống phiến loạn (COIN: counter-insurgency), được biến cải từ phi cơ huấn luyện phản lực căn bản T-37C “Tweety Bird” của Không Quân Hoa Kỳ.
A-37 được trang bị hai động cơ mạnh hơn gấp hai lần động cơ của T-37, độ cứng của hai cánh được tăng cường gấp bội, với tám rack bom dưới cánh, hai bình xăng phụ ở đầu cánh, một minigun 7 ly 62 sáu nòng ở mũi phi cơ. Khả năng mang bom đạn: 5.680 lbs (2.576 kg).
Vào tháng 5/1967, kiểu A-37A được bay thử tại căn cứ không quân England, Louisiana, trước khi trao cho Phi Đoàn 604 Cảm Tử (604th Air Commando Squadron) thử nghiệm tại chiến trường Việt Nam trong thời gian 4 tháng.
Cuối tháng 7/1967, chín chiếc A-37A đầu tiên (đã tháo gỡ cánh) được các vận tải cơ C-141 Starlifter chở tới Biên Hòa, sau đó lắp ráp lại. Trước sau, Phi Đoàn 604 đã nhận được tổng cộng 25 chiếc A-37A, đặt căn cứ tại Biên Hòa và Pleiku. Ngày 15/8/1967, các phi cơ A-37A xuất trận lần đầu tiên. Tính tới cuối tháng 9/1967, các phi công của Phi Đoàn 604 đã thực hiện được 1.673 phi xuất.
Mặc dù khả năng bị hạn chế về một số mặt (chẳng hạn tầm hoạt động), và những bất tiện, trở ngại không thể tránh khỏi khi được cải biến từ loại phi cơ huấn luyện với hai chỗ ngồi ngang ở phía trước (nhưng nay chỉ có một hoa tiêu điều khiển), phản lực cơ A-37A đã tỏ ra rất hữu hiệu trong chiến tranh chống du kích. Với vận tốc nhanh gấp đôi A-1 (khoảng 800km/giờ), khả năng chúi thẳng từ cao độ 2.000m (6000 feet) xuống để thả bom rồi vọt lên cao, khả năng cất cánh từ những phi đạo ngắn, thô sơ..., A-37 quả là loại phi cơ lý tưởng để thay thế A-1 trong nhiệm vụ yểm trợ bộ binh trên chiến trường.
USAF A-37A trong Dự án “Combat Dragon”
Vào thời gian này, việc chế tạo hàng loạt A-37 đã bắt đầu, và qua rút ưu khuyết điểm của dự án Combat Dragon, đã có những cải tiến cấp thời để phi cơ thêm hoàn hảo. Những chiếc A-37 xuất xưởng sau khi đã có sự cải tiến này được gọi là A-37B, có khả năng tiếp tế nhiên liệu trên không, và với hai động cơ mạnh hơn có thể tăng lên đến 6G, thay vì 5G như kiểu A-37A.
Vào thời gian dự án Combat Dragon đang tiến hành, 103 phi công Việt Nam thuộc ba phi đoàn khu trục 516 Phi Hổ, 520 Thần Báo và 524 Thiên Lôi đã được chỉ định tiếp nhận phản lực cơ A-37 để thay thế A-1.
Ngày 1/1/1968, phi đoàn đầu tiên trong số này là PĐ-524 ở Nha Trang được lệnh ngưng hoạt động để xuyên huấn trên A-37. Một tháng sau, toán đầu tiên gồm 18 phi công của phi đoàn được đưa sang căn cứ không quân England, Louisiana, học lái T-37.
Cessna T-37 "Tweet"
Tới tháng 5/1968, một toán huấn luyện lưu động của Hoa Kỳ đã tới Nha Trang để huấn luyện các chuyên viên bảo trì A-37. Trong thời gian chuyển tiếp này, 14 chiếc A-1 của PĐ-524 đã được phân phối cho các phi đoàn khác để bổ sung cho số phi cơ đã bị thiệt hại: ba chiếc cho PĐ-516 ngoài Đà Nẵng, 10 chiếc cho PĐ-518 tại Biên Hòa và một chiếc cho PĐ-520 ở Bình Thủy.
Tuy nhiên, công việc trang bị A-37 cho PĐ-524 đã bị đình trệ nhiều tháng trời do ảnh hưởng của các cuộc tấn công của CS trong Tết Mậu Thân (1968). Vì thế mãi tới tháng 11/1968, KQVN mới nhận được những phi cơ đầu tiên, nguyên là những chiếc T-37 của Bộ Chỉ Huy Huấn Luyện Không Quân (ATC) Hoa Kỳ được cải biến thành A-37A.
Tháng 3/1969, các phi cơ A-37 của PĐ-524 bắt đầu xuất trận.
Ngày 19/4/1969, trong một buổi lễ long trọng dưới sự chủ tọa của Tổng thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu, sự hiện diện của Phó Tổng thống Nguyễn Cao Kỳ cùng nhiều viên chức cao cấp trong chính phủ, lễ bàn giao phi cơ và cũng là lễ xuất quân chính thức của PĐ-524 dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Đặng Duy Lạc đã được tổ chức tại CCKQ Nha Trang.
Về phần PĐ-520, vào khoảng cuối tháng 6/1968, nhóm phi công đầu tiên cũng được đưa sang căn cứ không quân England, Louisiana, để xuyên huấn A-37, và tốt nghiệp vào tháng 11 cùng năm. Tháng 3/1969, Phi Đoàn nhận được 5 chiếc A-37 đầu tiên từ Nha Trang.
A-37B của Phi Đoàn 520 “Thần Báo”
PĐ-516, phi đoàn A-37 thứ ba, bắt đầu được xuyên huấn vào tháng 9/1968 và mãn khóa vào tháng 3/1969.
Tới tháng 5/1969, KQVN tiếp nhận thêm 54 chiếc A-37B để lần lượt trang bị cho ba phi đoàn nói trên.
Chỉ một thời gian rất ngắn sau khi bay A-37, các phi công khu trục VN đã nhận ra đây là một loại phi cơ tuyệt vời, lại vừa vặn với kích thước của người Á đông. Dù chưa có nhiều kinh nghiệm bay trên A-37, các phi công đã thực hiện những phi vụ oanh tạc với mức chính xác ngoài dự tưởng (các phi công A-37 kinh nghiệm chỉ cần thả bom trật mục tiêu 20 mét là đủ “tự bất mãn”!)
Phấn khởi trước sự hữu hiệu của loại phản lực võ trang được mệnh danh là “nhỏ nhất thế giới”, các giới chức KQVN và KQHK đã nỗ lực tiến hành chương trình thay thế A-1 bằng A-37.
Sau khi việc thay thế A-1 cho ba phi đoàn 524, 520, 516 hoàn tất, trong thời gian từ cuối năm 1969 tới cuối năm 1970, đã có thêm 2 phi đoàn trang bị A-37 được thành lập là các Phi Đoàn 526 Quỷ Vương (Satan) và 528 Hổ Cáp.
Giữa năm 1971, nằm trong chương trình Việt Nam hóa, việc đào tạo các phi công mới đã được khởi sự tại căn cứ không quân Sheppard ở Wichita Falls, Texas. Sau 30 tiếng “vỡ lòng” trên phi cơ cánh quạt T-41 Mescalero, các khóa sinh được chuyển sang học lái T-37.
Tới cuối năm 1972, đã có thêm năm phi đoàn A-37 được thành lập gồm các Phi Đoàn 532 Gấu Đen, 534 Kim Ngưu, 546 Thiên Sứ, 548 Ó Đen, và 550 Nhện Đen.
Về số lượng phi cơ, tổng cộng trước sau KQVN đã nhận được 248 phản lực cơ A-37 (không kể 24 chiếc T-37 dùng vào việc huấn luyện của Phi Đoàn 920 thuộc TTHLKQ).
[Trong tổng số phi cơ A-37B được hãng Cessna chế tạo, KLVNCH đã chiếm tới 40%. Số còn lại bán cho các “không lực nhà nghèo” ở châu Mỹ La-tinh, gồm có Peru, Chí-lợi, Columbia, Ecuador, Uraguay, Honduras , Guatamala, El Salvador, và sử dụng trong Vệ Binh Quốc Gia (Air National Guard) và các đơn vị Không Quân Trừ Bị tại nội địa Hoa Kỳ]
Theo sơ đồ tổ chức cuối cùng của KQVN (tháng 7/1974), 10 phi đoàn phản lực A-37 được phân bổ như sau:
SĐ1KQ (Đà Nẵng):
- PĐ-516 Phi Hổ (PĐT đầu tiên: Thiếu tá Nguyễn Văn Vượng)
- PĐ-528 Hổ Cáp (Thiếu tá Cao Văn Khuyến)
- PĐ-550 Nhện Đen (Thiếu tá Lê Trai)
SĐ2KQ (Phan Rang):
- PĐ-524 Thiên Lôi (Thiếu tá Đặng Duy Lạc)
- PĐ-534 Kim Ngưu (Thiếu tá Nguyễn Văn Thi)
- PĐ-548 Ó Đen (Thiếu tá Trần Mạnh Khôi)
SĐ4KQ (Bình Thủy):
- PĐ-520 Thần Báo (Thiếu tá Phạm Quang Điềm)
- PĐ-526 Quỷ Vương (Thiếu tá Huỳnh Hữu Hải)
- PĐ-546 Thiên Sứ (Thiếu tá Lê Mộng Hoan)
SĐ6KQ (Phù Cát):
- PĐ-532 Gấu Đen (PĐT cuối cùng: Thiếu tá Lê Tuấn Đạt)
5- KHẢ NĂNG & THÀNH TÍCH:
* Phản lực cơ A-37:
Trong những năm sau cùng của cuộc chiến, A-37 đã trở thành nguồn hỏa lực chính yếu của KLVNCH, và không ai có thể phủ nhận những chú “chuồn chuồn” (Dragonfly) bé nhỏ này quả là loại phi cơ lý tưởng nhất để thay thế các chàng “thiên kích” (Skyraider) trong nhiệm vụ yểm trợ bộ binh trên chiến trường.
Trong bài “Người Khu Trục Việt Nam” tác giả Vân Đình viết:
Có những người KQ “đặt-tên-không-mấy-đẹp” (nghề của chàng) cho A-37, như là “Slow-jet”, hay là “Nòng-nọc-bay”, hay gì-gì đi nữa..., A-37 LÀ MỘT PHI-CƠ TỐT cho chiến-trường VN. Phi cơ dễ bay, dễ bảo trì, nhỏ bé trên cao độ (khó bắn), là một platform vững khi dive-bomb (nhờ hệ thống yaw-dumper) nên bomb thả rất chính xác...
Ngày 19/4/1969, sau buổi lễ xuất quân chính thức của PĐ 524, BTLKQ đã tổ chức buổi biểu diễn hỏa lực của AC-47 (PĐ-817 Hỏa Long) và giải thi đua tác xạ tại bãi biển Nha Trang giữa các loại phi cơ “fixed-wing”, gồm A-1H (PĐ-518 Phi Long), F-5 (PĐ-522 Thần Ưng), và A-37 (PĐ-520 Thần Báo, PĐ-524 Thiên Lôi), với kết quả như sau:
- A-37 của PĐ-520: đạt số điểm 214/240
- A-37 của PĐ-524: 162/240
- F-5 của PĐ-522: 156/240
Cũng nên biết, A-37 có khả năng bay một máy: để tiết kiệm nhiên liệu (gia tăng thời gian ở trên không), trong thời gian chờ đợi tấn công, hoa tiêu có thể tắt một máy tối đa 30 phút, sau khi mở máy lại kiểm soát nếu thấy tất cả đều bình thường có thể tắt máy kia trong khoảng thời gian tương tự.
Có thể viết, tương tự hai chiếc A-1 và F-5 trước đây, chỉ trên chiến trường Việt Nam và trong tay các phi công Việt Nam, A-37 mới chứng tỏ được sự hữu hiệu và khai triển mọi khả năng của nó tới mức tối đa.
Sau khi việc thay thế A-1 bằng A-37 cho ba phi đoàn đầu tiên (524, 520, 516) hoàn tất vào giữa năm 1969, hình ảnh của những “nòng-nọc-bay” đã trở thành niềm tin cho quân bạn và nỗi kinh hoàng cho quân địch. Nhờ khả năng tiếp ứng mau lẹ, không một vùng đất nào của Vùng 1 Chiến Thuật vắng bóng các Phi Hổ (516), không núi rừng nào của Vùng 2 Chiến Thuật không có các Thiên Lôi (524), về phần các Thần Báo (520), tiếng là đồn trú tại Vùng 4 Chiến Thuật nhưng địa bàn hoạt động chính của họ lại là Vùng 3 Chiến Thuật, vì vào khoảng thời gian này, tình hình chiến sự ở Vùng 4 chưa mấy sôi động, trong khi ở Biên Hòa và Tân Sơn Nhất không có A-37.
Năm 1971, lực lượng A-37 đã đóng vai trò không yểm chính yếu trong cuộc Hành quân Lam Sơn 719, tiến đánh các đơn vị chính quy của CS trên lãnh thổ Lào.
Lực lượng địch gồm khoảng 31.000 bộ đội và 1.800 xe vận tải được CS đem sang Hạ Lào, chuẩn bị mở một cuộc tấn công lớn vào miền Nam trong mùa khô. Để đoạt thế thượng phong, Bộ Tổng tham mưu QLVNCH đã quyết định tấn công trước với cuộc hành quân vượt biên quy mô mang tên Lam Sơn 719.
Lực lượng của KQVN tham gia cuộc hành quân này gồm SĐ1KQ và một phần của SĐ2KQ, chủ yếu là phản lực A-37 và trực thăng UH-1.
Khác với cuộc hành quân vượt biên Căm-bốt gần một năm trước đó, lần này các phi cơ của KQVN đã phải đối đầu với hỏa lực phòng không tối tân, hùng hậu chưa từng thấy, gồm hỏa tiễn SAM, SA-7, đại bác phòng không 57 ly điều khiển bằng ra-đa... Theo sự mô tả của các phi công Mỹ từng tham chiến trên bầu trời Bắc Việt, hỏa lực phòng không của địch tại Hạ Lào không thua gì ngoài Bắc!
Nhưng các phi công Việt Nam đã không chùn bước trước những hiểm nguy, khó khăn đó. Trong bốn tuần lễ đầu tiên của cuộc hành quân, các phi công phản lực A-37 của hai phi đoàn 516 Phi Hổ (SĐ1KQ) và 524 Thiên Lôi (SĐ2KQ) đã bỏ xa các phi công Mỹ về cả tổng số phi xuất lẫn giờ bay cá nhân. Đa số chiến xa địch bị tiêu diệt là thành tích của các phi công A-37.
Rồi tới Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, bất chấp cái chết trước mắt khi trở thành mồi ngon cho hỏa tiễn SA-7 và các loại phòng không tối tân của địch, các phi công A-37, cùng với các phi công A-1, F-5, trực thăng võ trang đã anh dũng thi hành mọi phi vụ yểm trợ chiến trường.
Tại Vùng 1 Chiến Thuật, lực lượng A-37, A-1, F-5 đã góp công đầu trong việc tái chiếm Quảng Trị.
Tại vùng 2 Chiến Thuật, trong cao điểm cuộc công hãm tỉnh lỵ Kontum của quân CS, mỗi ngày các phi công A-1, A-37 đã thực hiện trên 150 phi xuất yểm trợ tiếp cận.
Kết quả, cả ba mưu đồ của CSBV trong Mùa Hè Đỏ Lửa - cắt đứt hai tỉnh Quảng Trị và Thừa Thiên ra khỏi lãnh thổ VNCH, đánh chiếm tỉnh lỵ Kontum, đánh chiếm quận lỵ An Lộc – đã thất bại một cách thê thảm.
6- NGÀY TÀN CUỘC CHIẾN
Ngày 27/1/1973, một hiệp định được gọi là “ngừng bắn và tái lập hòa bình” đã được bốn phía Hoa Kỳ, Việt Nam Cộng Hòa, Cộng Sản, và CS trong Nam (Mặt Trận Giải Phóng) ký kết tại Paris, với các điều khoản hoàn toàn thất lợi cho phía VNCH.
Thực ra, nếu tính đầu người, vào thời gian ký kết Hiệp định Paris, so sánh lực lượng bộ binh thì quân số của đôi bên ngang ngửa, nhưng vì phải phòng thủ tới ¾ lãnh thổ miền Nam, lực lượng VNCH đã bị phân tán mỏng. Từ đó, ưu thế của miền Nam tùy thuộc phần lớn vào Không Quân.
Về phần KLVNCH, sau khi nhận được F-5E Tiger II sẽ có đủ khả năng bảo vệ không phận và yểm trợ chiến trường miền Nam, với hai điều kiện: CSBV không vi phạm Hiệp định Paris, và Hoa Kỳ duy trì viện trợ quân sự (phụ tùng phi cơ, nhiên liệu, bom đạn...)
Thế nhưng ngay sau khi đặt bút ký vào bản Hiệp Định, CS đã bắt đầu tiến hành cuộc xâm lược miền Nam, và tới tháng 7/1973, sau khi được Quốc Hội Mỹ bật đèn xanh với Tu chính Cooper-Church (cấm các lực lượng Hoa Kỳ, trong đó có Không Quân, tham chiến tại 3 quốc gia Đông Dương), Hà Nội đã công khai tuyên bố nhiệm vụ của miền Bắc là “giải phóng miền Nam để tiến tới thống nhất đất nước”.
Về phía Hoa Kỳ, Quốc Hội Mỹ do các thế lực phản chiến lũng đoạn, đã cắt giảm viện trợ 1.6 tỷ Mỹ kim trong tài khóa 1973-1974 do Chính phủ Nixon đề nghị xuống còn 700 triệu. Số tiền này còn bị khấu trừ 220 triệu là giá thành của 100 chiến đấu cơ F-5 dự trù chuyển giao, vị chi chỉ còn lại 480 triệu cho cả QLVNCH, trong khi viện trợ của Liên Xô và Trung Cộng cho CS đã lên tới mức cao nhất trong suốt chiều dài cuộc chiến.
Hậu cứ miền Bắc CS đã được (Hiệp định Paris) bảo đảm không còn sợ bị phi cơ Hoa Kỳ oanh tạc, nên toàn bộ hỏa tiễn SAM và các loại súng phòng không tối tân, các dàn ra-đa hướng dẫn đã được di chuyển vào Nam để đối phó với phi cơ của KLVNCH.
Cũng cần nhấn mạnh, tất cả mọi loại phi cơ do KQVN sử dụng đều không được trang bị hệ thống điện tử chống ra-đa địch (ECM: electronic counter-measures) như các chiến đấu cơ của Hoa Kỳ, vì thế khi hoạt động tại những vùng do địch kiểm soát, rất dễ dàng trở thành mục tiêu cho hỏa tiễn SAM và các loại cao xạ hướng dẫn bằng ra-đa.
Bên cạnh đó, CS còn được khối Cộng trang bị loại vũ khí phòng không cá nhân mới nhất, tối tân nhất, hữu hiệu nhất lúc bấy giờ là hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7.
Nguyên nhân đưa tới việc Liên Xô nghiên cứu chế tạo và viện trợ SA-7 cho CS chính là sự hữu hiệu của KLVNCH trong công tác yểm trợ chiến trường. Trong báo cáo gửi về cho thượng cấp, các chuyên viên về phòng không của VC trong Nam cho biết khó khăn của họ là khi phi cơ (của VNCH) bay trên cao làm nhiệm vụ oanh tạc thì đại bác phòng không 37 ly bắn không tới (lúc đó CS trong Nam chưa có 57 ly), còn khi phi cơ xuống thấp làm nhiệm vụ yểm trợ tiếp cận thì đại liên 12 ly 8 không đủ mạnh, đủ nhanh để bắn hạ, chưa kể có thể còn bị hỏa lực của phi cơ tiêu diệt.
SA-7 đã giải quyết được khó khăn nói trên, đã tỏ ra vô cùng hữu hiệu trong việc bắn hạ các phi cơ bay thấp. SA-7 được sử dụng lần đầu tại chiến trường Trị - Thiên trong Mùa Hè Đỏ Lửa 1972, tới đầu năm 1973 đã được đưa vào chiến trường phía Nam cùng với đại bác phòng không 57 ly hướng dẫn bằng ra-đa.
Kể từ khi có sự xuất hiện của hỏa tiễn địa không SA-7 tại chiến trường miền Nam, số lượng phi cơ bị tổn thất và số phi công hy sinh đã gia tăng một cách đáng ngại.
Trong sáu tháng đầu năm 1973, đã có ít nhất 22 hỏa tiễn SA-7 được địch phóng lên, hạ tám phi cơ của VNCH, gồm một A-37, một F-5A, ba A-1, hai UH-1, và một CH-47. Tất cả tám phi hành đoàn hy sinh.
Hoả tiễn tầm nhiệt SA-7 Grail
Trong sáu tháng cuối năm, có thêm 20 phi cơ khác bị SA-7 bắn hạ.
Qua năm 1974, trong số tám chiếc A-37 bị địch bắn hạ trong nửa năm đầu, có tới năm chiếc rớt vì hỏa tiễn SA-7.
Nhưng dù gặp khó khăn, nguy hiểm gấp mấy lần thời gian trước mùa hè 1972, và cho dù đã có những thay đổi về chiến thuật tác chiến (không được xuống thấp trong nhiều trường hợp), trong những phi vụ yểm trợ quân bạn đang giao tranh với địch, các phi công khu trục A-1, A-37, và F-5 thay vì chỉ oanh tạc từ trên cao, vẫn xuống thấp để oanh kích, xạ kích địch quân một cách chính xác, bất chấp mọi hiểm nguy.
Trong giai đoạn này, tính chung về mọi mặt, A-37 là loại phi cơ hữu hiệu nhất vì vừa nhanh nhẹn (có vòng quẹo tương đối hẹp) vừa được trang bị để có thể oanh tạc theo sự hướng dẫn của hệ thống BOBS (Beacon Only Bombing System), giúp phi cơ có khả năng hoạt động về đêm hoặc trong điều kiện thời tiết xấu.
(Khu trục cơ cánh quạt A-1 và phản lực cơ siêu thanh F-5 cũng được trang bị hệ thống BOBS, tuy nhiên toàn bộ A-1 sau này đã bị đình động, còn F-5 thì giữ nhiệm vụ chính là phòng thủ không phận nên cũng ít khi thi hành các phi vụ BOBS).
Trong tháng 11/1973, các phi cơ A-37 của Phi Đoàn 524 Thiên Lôi (SĐ2KQ) đã lập công đầu trong trận Quảng Đức, nơi Trung Đoàn 53 thuộc Sư Đoàn 23 Bộ Binh tái chiếm Quốc lộ 14 từ tay Công trường 9 của CS. Đây là trận đánh lớn nhất kể từ ngày Hiệp Định Paris được ký kết.
Bước sang đầu năm 1974, việc Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ cho tài khóa 1973-1974 cùng với cuộc khủng hoảng dầu hỏa ở Trung Đông đã ảnh hưởng trầm trọng tới hoạt động của KQVN.
Nhưng dù phương tiện hoạt động bị hạn chế, trong năm 1974, lực lượng A-37 cũng đã lập được một chiến công để đời, nếu không muốn nói là vô tiền khoáng hậu: tiêu diệt nguyên một đoàn xe vận tải dài hàng chục cây số của CS.
Được tin tình báo do Quân Đoàn II cung cấp, phi cơ quan sát của Phi Đoàn 118 Bắc Đẩu (SĐ6KQ) đã theo dõi và phát hiện một đoàn xe Molotova vận chuyển vũ khí, đạn dược tại một đoạn đèo trong mật khu An Lão ở vùng Tam Biên. Lập tức, lực lượng A-37 của các Sư Đoàn KQ được điều động tới nơi, và áp dụng chiến thuật “đánh đầu chặn đuôi”.
Vì đoàn xe đang ở trên đèo, một bên là vách núi một bên là vực thẳm, cho nên sau khi những chiếc đi đầu và đi cuối bị tiêu diệt, cả đoàn xe bị kẹt cứng, trở thành những mục tiêu bất động cho A-37. Kết quả toàn bộ đoàn xe đã bị tiêu diệt.
Tuy nhiên, chiến tích nói trên cũng chỉ là một trường hợp hiếm hoi, và ít nhiều do sự chủ quan bất cẩn tới mức không thể chấp nhận của các cấp chỉ huy đoàn xe Molotova!
* * * Tại Vùng 1 Chiến Thuật, mức giới hạn hoạt động của KQVN còn cao hơn nữa do việc CS đã đưa các dàn hỏa tiễn địa không (SAM) SA-2 vào tận Quảng Trị. Bốn trong tổng số tám chiếc phản lực cơ thám tính RF-5 của KQVN đã bị SA-2 bắn hạ trong lúc thực hiện công tác chụp không ảnh trên đường mòn Hồ Chí Minh.
Tại Vùng 4 Chiến Thuật - vùng đồng bằng sông Cửu Long - trước kia thường được xem là tương đối an toàn nhất cho phi cơ vì địa thế bằng phẳng, trống trải, không thuận lợi cho việc bố trí các dàn phòng không, nay lại trở nên nguy hiểm nhất sau khi có sự xuất hiện của hỏa tiễn tầm nhiệt SA-7 (vì thế, đa số SA-7 của địch đã được đưa vào Vùng 3 và vùng 4 Chiến Thuật).
Trong năm 1974, SĐ4KQ đã bị thiệt hại nặng nề về phi cơ cũng như phi hành đoàn khi tham gia hai trận đánh lớn, một giữa Sư Đoàn 7 Bộ Binh và Công Trường 3 CS tại Kiến Tường, một giữa lực lượng Tiểu khu Kiến Hòa và Trung Đoàn chủ lực Đồng Tháp của địch.
Tổng cộng trong năm 1974, KQVN đã mất 299 phi cơ các loại, phần lớn do hỏa lực phòng không địch.
Bước sang năm 1975, theo con số của Khối Đặc Trách Khu Trục BTL/KQ, chỉ trong tháng 1 đã có 17 phi cơ thuộc ngành khu trục bị bắn rớt, gồm 13 A-37, ba A-1 và một F-5. Đây là mức độ thảm hại nhất trong lịch sử ngành khu trục!
Tình hình càng thêm bi đát sau khi Quốc Hội Hoa Kỳ lại quyết định cắt giảm viện trợ quân sự cho tài khóa 1974-1975 xuống chỉ còn 300 triệu Mỹ kim cho cả QLVNCH (nên biết trong tài khóa 1971-1972, chỉ riêng viện trợ cho KQVN đã lên tới gần 500 triệu).
Vì thiếu bom đạn và nhiên liệu dự trữ chỉ đủ cho thời gian hai tháng, các phi vụ đã bị hạn chế tới mức tối đa. Bị ảnh hưởng nặng nề nhất là ngành khu trục, các phi cơ chỉ được trang bị phân nửa bom đạn, và mỗi trái bom được thả phải báo cáo chi tiết về Bộ tư lệnh Không Quân .
Giữa tháng 12/1974, CS thăm dò phản ứng của Hoa Kỳ bằng cách cho hai sư đoàn chính quy CS, được sự yểm trợ của pháo binh, xe bọc thép và các lực lượng phòng không, tấn công Phước Long. Ngày 7/1/1975, tỉnh lỵ Phước Long thất thủ. Hoa Kỳ không hề có một phản ứng gì, cho dù chỉ là một lời tuyên bố suông!
Được “an tâm” về phía Hoa Kỳ, CS liền cho tiến hành cuộc tổng tấn công miền Nam VN, mà theo dự trù trước đây của Hà Nội, phải đợi tới năm 1976.
Sau khi chiếm Phước Long, CS đưa thêm hai sư đoàn quân chính quy vào Nam, nâng tổng số lên tới 15 sư đoàn (lúc đó CS có tổng cộng 18 sư đoàn).
Đêm 9/3/1975, cuộc tổng tấn công của CS bắt đầu với việc tiến đánh Tx Ban Mê Thuột tại Vùng 2 Chiến Thuật. Mặc dù lực lượng đồn trú anh dũng chống trả, và các phản lực cơ A-37 tận tình yểm trợ, bắn cháy năm chiến xa T-54, nhưng với tỷ lệ quân số 1 chọi 5, tới chiều ngày 10/3/1975, phi trường và phân nửa Tx Ban Mê Thuột đã lọt vào tay địch.
Từ Sài Gòn, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Sư Đoàn 23 Bộ Binh phải giữ Ban Mê Thuột bằng mọi giá. Tuy nhiên trước một lực lượng địch áp đảo, cho dù các phi cơ A-37 (chủ yếu là của Phi Đoàn 532 Gấu Đen tới từ Phù Cát) đã thực hiện trên 200 phi xuất yểm trợ tiếp cận, gây cho địch những tổn thất đáng kể, tới ngày 14/3/1975, Ban Mê Thuột đã bị thất thủ.
Cessna A-37 Phi Đoàn 516 "Phi Hổ"
Sau khi mất Ban Mê Thuột, Kontum và Pleiku “di tản chiến thuật”. Tới ngày 29/3/1975, Đà Nẵng lọt vào tay địch.
Sau khi Huế, Đà Nẵng ở Vùng 1 Chiến Thuật lọt vào tay quân CS, tới ngày 31/3/1975, thành phố Quy Nhơn ở Vùng 2 Chiến Thuật cũng bị mất. Tuy nhiên, địch quân đã phải trả một giá khá đắt trước tinh thần chiến đấu dũng cảm tới giờ phút chót của các phi công A-37.
Toàn bộ lực lượng A-37 của Không Đoàn 82 Chiến Thuật (Phù Cát) và Không Đoàn 92 Chiến Thuật (Phan Rang), gồm các Phi Đoàn 532 Gấu Đen, 524 Thiên Lôi, 534 Kim Ngưu, và 548 Ó Đen đã tham gia trận phản công, tiêu diệt hơn phân nửa tổng số chiến xa địch.
Tới đầu tháng 4/1975, tại phòng tuyến Phan Rang, sau khi Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang, Sư đoàn trưởng SĐ6KQ (từ Pleiku di tản về) được Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH chỉ định đặc trách việc phòng thủ Phan Rang, toàn bộ A-37 của Không Đoàn 92 Chiến Thuật - gồm ba Phi Đoàn 524, 534 và 548 - dưới quyền chỉ huy của Đại tá Lê Văn Thảo, đã xuất kích ngày đêm để chặn địch.
Sau khi Phan Rang và Xuân Lộc thất thủ, một trong những hoạt động sau cùng của các phản lực A-37 được ghi nhận là phi vụ oanh tạc trả đũa Phan Rang sau khi Tân Sơn Nhất bị Nguyễn Thành Trung và phi công địch tấn công.
Nguyên vào chiều ngày 28/4/1975, Nguyễn Thành Trung - viên Trung úy phi công F-5 phản bội đã oanh tạc Dinh Độc Lập ngày 8/4/1975 - hướng dẫn bốn chiếc A-37 của VNCH bị bỏ lại, từ Phan Rang bay về Tân Sơn Nhất oanh tạc các bãi đậu phi cơ với ý đồ ngăn chặn việc di tản; kết quả ba chiếc AC-119, một số C-47 bị hư hại, một số A-37 trang bị sẵn bom đạn bị phát nổ.
Ngay trong đêm đó, một phi tuần gồm bốn chiếc A-37 do Thiếu tá Nguyễn Phấn Chấn (Phi Đoàn 548 Ó Đen) hướng dẫn đã bay ngược ra Phan Rang trả đũa, oanh kích phi trường đã bị địch chiếm.
Tại Vùng 4 Chiến Thuật, cho tới 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, phi công A-37 của các Phi Đoàn 520, 526 vẫn tiếp tục cất cánh bay về Vùng 3 để thi hành các phi vụ tác chiến, yểm trợ quân bạn ở vòng đai thủ đô Sài Gòn.
Khoảng 10 giờ sáng, sau khi được tin quân cộng sản đã tràn qua Lộ Tẻ Ba Xe (thành phố Cần Thơ), Phòng Hành Quân Chiến Cuộc đã ra lệnh cho các phi công A-37 của PĐ-520 thực hiện phi vụ oanh kích ở ngay vành đai khu vực an ninh phi trường.
Sau này, một phi công hồi tưởng:
“...Khi chúng tôi vác dù ra phi đạo lấy tàu đánh giặc, thì rất nhiều anh em quân nhân các cấp trong Sư Đoàn 4 Không Quân lúc ấy đã tràn ra dọc theo bãi đậu và cất tiếng hoan hô cổ vũ chúng tôi. Khi cất cánh thi hành công tác, tôi mở máy nghe lệnh đầu hàng của Dương Văn Minh mà nước mắt của mình tuôn trào...” (Phạm Văn Bản - Những chuyến bay định mệnh)
Cùng lúc, các phi công A-37 thực hiện các phi vụ trên không phận thủ đô Sài Gòn, trên đường bay về căn cứ cũng có cùng tâm trạng bi ai khi nghe lệnh buông súng của “tổng thống ba ngày”...
THAY LỜI KẾT Chiều 30/4/1975, khi những chiếc phi cơ (di tản) cuối cùng rời phi trường Cần Thơ, nơi đặt bản doanh của SĐ4KQ, trang sử cuối cùng của Không Lực Việt Nam Cộng Hòa đã chính thức khép lại.
Tính từ ngày 1/7/1955, ngày lá cờ vàng ba sọc đỏ được thượng lên tại CCKQ Nha Trang, đánh dấu ngày quân chủng Không Quân Việt Nam Cộng Hòa được chính thức thành lập, chưa đủ 20 năm.
Riêng ngành khu trục, tính từ ngày 1/6/1956, ngày thành lập Phi Đoàn 1 Khu Trục & Trinh Sát tại CCKQ Biên Hòa, chưa tròn 19 tuổi.
Nhưng sau ngày tấm màn nhung đã hạ xuống trên sân khấu chính trị Việt Nam, KLVNCH nói chung, ngành khu trục nói riêng, đã không bị chìm vào quên lãng, mà những tiếng thơm, những chiến tích, những huyền thoại trong thời gian tồn tại ngắn ngủi ấy vẫn được trân trọng ghi lại trong lịch sử hàng không quân sự quốc tế.
Bài viết này chỉ là một đóng góp nhỏ bé vào việc xác định vị trí xứng đáng của ngành khu trục KLVNCH trong dòng lịch sử ấy.
Nguyễn Hữu Thiện
Cessna A-37 Dragonfly
A-37 Dragonfly Máy bay cường kích - Khu Trục Cơ .
Nhà chế tạo Cessna
Chuyến bay đầu 1963 from T-37 Trainer
Ngưng hoạt động ở Hoa Kỳ năm 1992, vẫn được sử dụng ở một số nước khác ...
Sử dụng chính
United States Air Force
Không Lực Việt Nam Cộng Hòa - VNCH Air Force
Chilean Air Force
Colombian Air Force
Phát triển từ T-37
A-37 Dragonfly là máy bay cường kích - bay hai Pilot đã từng được Không lực Hoa Kỳ sử dụng đa diện trong Chiến tranh Việt Nam và sau đó vào các hoạt động phi chiến sự khác.
Máy bay A - 37 là loại máy bay ném bom hạng nhẹ, được Quân đội Mỹ đặt hàng hãng Cessna phát triển từ loại máy bay huẩn luyện phi công 2 chỗ ngồi T - 37Cs, với mục đích tạo ra một loại máy bay ném bom hạng nhẹ có giá thành thấp. Tầm hoạt động và khả năng mang tải ở mức chấp nhận được, phục vụ cho các phi vụ hỗ trợ bộ binh trong các chiến dịch, đồng thời việc phát triển A - 37 Mỹ còn có một loại máy bay phù hợp để cung cấp cho các nước bạn bè. A - 37 có khung thân được gia cố so với khung thân của T - 37Cs, nhằm tăng khả năng mang bom và nhiên liệu A - 37 có trọng tải cất cánh là: 5.440 kg. Máy bay cũng được trang bị hệ thống điện tử hàng không mới hơn so với T - 37Cs và để đáp ứng được khả năng mang tải cho nhiệm vụ mới, A - 37 được trang bị 2 động cơ General Electric J85 có công suất lớn hơn so với loại động cơ được trang bị trên T - 37Cs.
Tuy A - 37 vẫn giữ lại hai phi công như trên kiểu máy bay gốc T - 37Cs, máy bay A - 37 có khả năng được điều khiển chỉ với 1 phi công trong buồng lái.
Những thay đổi chính của A - 37 so với máy bay T - 37Cs là: A - 37 được trang bị thêm 2 thùng nhiên liệu ở 2 đầu cánh, 1 súng GAU-2B minigun cỡ nòng 7,62mm gắn ở khoang mũi của máy bay. Ở 2 bên canh của máy bay A - 37 có 6 giá treo vũ khí, dùng để treo bom và rocket đối đất.
Thiết kế​
Chương trình máy bay ném bom hạng nhẹ A - 37, được bắt đầu vào đầu những năm 1960 . Nhằm đáp ứng nhu cầu của Không quân Mỹ và Đồng minh trong các chiến dịch hỗ trợ bộ binh đặc biệt là trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nguyên mẫu đầu tiên của A - 37 là chiếc Yat-37D được hãng Cessna cho ra đời vào năm 1963, hay được biết đến nhiều hơn với tên gọi T - 37Cs. Cũng ngay trong năm 1963 nguyên mẫu của máy bay A - 37 được chuyển tới Miền nam Việt Nam để tiến hành các thử nghiệm thực tế trên chiến trường. Với các kết quả thử nghiệm tương đối thành công trên chiến trường, tháng 10 - 1964 nguyên mẫu Yat - 37D chính thức được Không quân Mỹ chấp nhận trang bị với tên gọi A - 37A.
Chiếc A - 37A được chấp nhân trang bị có các cải tiến đáng kể so với nguyên mẫu như: Được trang bị cặp cánh mạnh mẽ hơn so với nguyên mẫu, trên 2 đầu mút cánh của A - 37 được thiết kế để đặt 2 thùng nhiên liệu có dung tích 360 lít/thùng. Đồng thời máy bay A - 37A cũng được lắp 2 động cơ General Electric J-85-GE-5 mạnh mẽ hơn loại động cơ của nguyên mẫu. Máy bay cũng được trang bị hệ thống điện tử hàng không và hệ thống ngắm bắn mục tiêu đối đất mới, nhằm đáp ứng các yêu cầu của nhiệm vụ mới. Đồng thời máy bay mới cũng được trang bị hệ thống thông tin liên lạc tầm xa có nhiều kênh nhằm đảm bảo sự chỉ huy tác chiến và phối hợp với các lực lượng mặt đất.
Về vũ khí A - 37A Được trang bị 1 khẩu súng máy 6 nòng xoay M-134 Minigun cỡ nòng 7,62mm với băng đạn 1500 viên tốc độ bắn 3000 viên/phút được bố trí trong khoang mũi máy bay. Ở 2 bên cánh A - 37A được trang bị 6 mấu cứng để treo các loại bom và rocket đối đất, A - 37A có thể mang loại bom Mk.82, bom Napan; tên lửa Mk 4/Mk 40 FFAR đối đất và tên lửa AIM-9 Sidewinde đối không. Tổng trọng lượng lên tới 1230 kg vũ khí.
A - 37A vẫn giữ bay hai người như trên nguyên mẫu T - 37Cs, 1 phi công làm nhiệm vụ điều khiển máy bay và vũ khí phi công số 2 làm nhiệm vụ hoa tiêu quan sát và tìm kiếm mục tiêu.
Các phiên bản của máy báy A - 37​
Máy bay ném bom hạng nhẹ A - 37 có 2 phiên bản là A - 37B và OA - 37B. Phiên bản A - 37B được đưa vào sản xuất năm 1966 với các đặc điểm khí động học và trang bị vũ khí được giữ nguyên như A - 37A, điểm khác biệt giữa hai bản này là A - 37B được gia cố khung thân để kéo dài tuổi thọ của khung thân máy bay, đồng thời A-37B được trang bị 2 động cơ J-85-GE-17A có công suất lớn và tuổi thọ dài hơn động cơ của A - 37A. A - 37B cũng có khả năng tiếp nhiên liệu trên không do đó máy bay có tầm hoạt động xa hơn.
Phiên bản OA - 37B, về bản chất OA - 37B là máy báy A - 37B được thay đổi để cho phù hợp với nhiệm vụ trinh sát chiến trường, giống như AC - 130 máy bay OA - 37B được phát triển ngay trên chiến trường Việt Nam nhằm thay thế cho máy bay trinh sát Skymaster O-2A đã cũ. OA - 37B được Không quân Mỹ sử dụng cho đến đầu những năm 80 của thế kỉ 20, thì được chuyển giao cho lực lượng Vệ binh Quốc gia của Mỹ dùng làm máy bay dự bị trinh sát.
Thông số kỹ thuật của máy bay ném bom hạng nhẹ A - 37​
- Năm sản xuất: 1964
- Năm gia nhập quân đội: 1964
- Các phiên bản: A - 37A; A - 37B; OA - 37B
- Phi hành đoàn: 2 người
- Chiều dài: 9m
- Chiều dài sải cánh:11m
- Chiều cao: 2,7m
- Diện tích cánh: 17m2
- Trọng lượng máy bay không tải: 2800 kg
- Trọng lượng cất cánh: 6,350Kg
- Trọng lượng vũ khí: 1230 kg
- Số lượng động cơ: 02
- Tốc độ bay tối đa: 816 km/h
- Tốc độ bay tiết kiệm nhiên liệu: 780 km/h
- Tầm hoạt động: 740 km
- Trần bay: 12730m
- Tốc độ lên cao: 35,5 m/s
Lịch sử tham chiến của máy bay ném bom hạng nhẹ A - 37​
A - 37 tham gia nhiều nhất trong chiến tranh Việt Nam, được đưa tới Miền Nam Việt Nam Tháng 8-1967 để tham chiến cho tới 4 - 1975.
Đã có hơn 500 máy bay A - 37 được chế tạo và gửi sang Việt Nam.
Máy bay A - 37 của không quân Mỹ và VNCH đã thực hiện 100.000 phi vụ trên bầu trời Nam Việt Nam.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn