CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : TRUNG TƯỚNG NGÔ QUANG TRƯỞNG VÀ NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG CỦA QUÂN ĐOÀN I - QUÂN KHU I VNCH .

21 Tháng Ba 20249:08 CH(Xem: 300)
(4412)
Quân Đoàn I tháng 3/1975 – Tuyến đầu thất thủ .
Quân khu I là một giải đất dài và hẹp hình cán chảo chạy theo hướng Tây bắc, Đông Nam, gồm 5 tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên, Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, dân số vào khoảng ba triệu người. So với các Quân khu khác Vùng Một nhỏ hẹp nhất, đây là nơi tiếp giáp với Bắc Việt Nam, chiến tranh có thể bùng nổ bất cứ lúc nào nên cũng gọi là vùng Hoả tuyến. Từ sau khi ký hiệp định Paris, nửa triệu quân đồng minh đã rút đi, VNCH một mình phải gánh vác toàn bộ chiến trường. Lãnh thổ quá rộng, không đủ lực lượng trấn giữ nên tại đây VNCH chỉ còn kiểm soát được phần đất nằm phía bên phải của giải đất theo chiều dọc tức là phía Đông, còn phía Tây thuộc quyền kiểm soát của CS. Dần dần VNCH chỉ còn những tỉnh lỵ và thị xã và các quận do sự lấn chiếm theo lối tằm ăn dâu của địch, kể từ sau ngày 19/3/1975, nếu nhìn trên bản đồ quân sự sẽ thấy miền Nam chỉ còn kiểm soát được vào khoảng gần một phần ba (1/3) diện tích Quân khu I.
Bố trí chủ lực quân VNCH như sau:
- Sư đoàn Nhảy Dù vàTQLC, Lữ đoàn 1 Thiết kỵ từ Bắc Thừa Thiên lên tới Nam sông Thạch Hãn kéo dài sang phía Tây Quảng Trị
Lực lượng cơ hữu của Quân khu và các Liên đoàn Biệt động quân bảo vệ các tỉnh còn lại:
- Sư đoàn 1BB và Liên đoàn 15 Biệt động quân đóng tại Thừa Thiên,
- Sư đoàn 3 BB và Liên đoàn 14 BĐQ đóng tại Đà Nẵng, Quảng Nam
- Sư đoàn 2 BB và hai liên đoàn 11, 12 BĐQ bảo vệ Quảng Tín, Quảng Ngãi.
Các đơn vị yểm trợ gồm trên 10 tiểu đoàn pháo binh, một tiểu đoàn phòng không, một lữ đoàn thiết kỵ. Hải quân gồm các giang đoàn xung phong, trục lôi, tuần thám tại Thuận An, các duyên đoàn tại Cửa Việt, tại Thuận An, Tư Hiền… Sư đoàn 1 Không quân đóng tại Đà Nẵng. Quân số của Quân đoàn vào khoảng 90,000 chủ lực và 75,000 địa phương quân, nghĩa quân, số gồm cả thành phần không tác chiến. Đây chỉ là con số lý thuyết, trên thực tế thì thấp hơn, không được như vậy vì nhiều lý do.
Ngày 27 tháng 1-1973, VNCH không còn chọn lựa nào khác hơn là ký vào hiệp định ngưng bắn; tự ký vào một bản án tử hình cho chính mình. Tuyến đầu Vùng I của Trung Tướng Ngô Quang Trưởng bị áp lực thường xuyên từ mùa thu năm 1974. Không còn lo sợ không lực của Hoa Kỳ, cộng sản rãnh tay kiến tạo hệ thống tiếp liệu của họ: đường “mòn” Hồ Chí Minh bây giờ là một xa lộ với những quán ăn như “Quán ăn Trường Sơn”. Phi trường Khe Sanh trở thành một căn cứ hỏa tiễn SAM của địch. Trực thăng CS có thể đáp ở phi trường Vĩnh Linh, bên kia bờ sông Bến Hải, để đưa các cán bộ cao cấp CS đi thẳng vào thăm các binh trạm của binh đoàn Trường Sơn. Tháng 7-1974, sư đoàn 304 đánh chiếm Thường Đức, Quảng Nam, rất đau lòng, rất lo lắng, nhưng tướng Trưởng phải “mượn” hơn một lữ đoàn Nhảy Dù để giải tỏa áp lực của địch từ cao điểm 1062 đang đè xuống Đà Nẵng. Dĩ nhiên Nhảy Dù giải tỏa được cao điểm 1062. Nhưng phải tốn 500 quân chết và gần 2000 quân bị thương – trận đánh lớn nhất từ sau ngày ngưng bắn. Vùng I, trong những ngày tháng đó, chỉ ổn định được với sự hiện diện của hai sư đoàn tổng trừ bị Nhảy Dù và TQLC.
Lực lượng Cộng sản tại Quân khu I chia hai địa bàn hoạt động, lấy đèo Hải Vân làm ranh giới do các Tướng Lê Tư Đồng, Nguyễn Hữu An, Chu Huy Mân chỉ huy. Theo Nguyễn Đức Phương, tại đây CS có 7 sư đoàn (324B, 325, 320B, 312, 304, 711, 2) và 3 Trung đoàn độc lập, tổng cộng vào khoảng 8 sư đoàn (Sách đã dẫn trang 752).
Theo ông Cao Văn Viên, tại đây CS có 5 sư đoàn (341, 325C, 324B, 304, 711), 10 trung đoàn độc lập (52, 4, 5, 6, 27, 31, 48, 51, 270, 271), 3 Trung đoàn đặc công (5, 45, 126), toàn bộ vào khoảng hơn 8 Sư đoàn. Lực lượng cơ giới yểm trợ gồm 3 Trung đoàn xe tăng, 12 Trung đoàn phòng không, 8 Trung đoàn pháo binh (Những Ngày Cuối Của VNCH trang 160)
Theo Nguyễn Đức Phương lực lượng địch tổng cộng vào khoảng 71,000 người. Cộng quân có ưu thế về quân số và vũ khí đạn dược hơn VNCH rất nhiều, chủ lực quân coi như gấp hai.
Phước Long mất vào đầu năm 1975; Ban Mê Thuột mất 11-3, và PleiKu, Kontum bỏ ngỏ để di tản vào ngày 16 tháng 3-75. Vùng I và Tướng Trưởng chờ một quyết định tối hậu từ Sài Gòn: Tử thủ hay rút quân về những cứ điểm để phòng ngự.
Ngày 13 tháng 3-75, Sài Gòn gọi tướng Trướng về để duyệt xét lại các kế hoạch phòng ngự Vùng I. Trong buổi họp này – và cho đến ngày VNCH bị thất thủ – ai nói gì quân lệnh ra sao, nhiệm vụ của tướng Trưởng là gì . . . vẫn còn nằm trong vòng bí mật. Chúng ta biết một chút nội dung, biết một cách gián tiếp, nhưng không ai trong cuộc trực tiếp nói rõ chuyện gì xảy ra. Chúng ta biết ngay trong buổi họp ngày 13 TT Thiệu ra lệnh cho Tướng Trưởng phải giữ Vùng I với số quân cơ hữu của quân đoàn và sư đoàn TQLC. Cũng trong buổi họp này, Tướng Trưởng biết Quân Đoàn I phải “trả” sư đoàn Nhảy Dù lại cho Bộ Tổng Tham Mưu, nhưng ông xin TT Thiệu cho ông giữ lại sư đoàn TQLC để dân quân có được tinh thần. Trước mặt ông, TT Thiệu cho ông tùy nghi xử dụng TQLC, chỉ trả sư đoàn Dù lại mà thôi. Nhưng sau buổi họp, trong lúc nói chuyện riêng giữa ông và thủ tướng Khiêm, Thủ tướng Khiêm nói hé ra là Sài Gòn có thể lấy TQLC khỏi Vùng I. Ngày 14, TT Thiệu ra Nha Trang ra lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú di tản tất cả quân còn lại ở Kontum và PleiKu về Tuy Hòa, Nha trang, để tái trang bị và bổ sung rồi từ đó … đánh ngược lên chiếm lại Ban Mê Thuột và Vùng II !
Trở lại Quân Đoàn I ngày 14, Tướng Trưởng thông báo quyết định của Sài Gòn cho Trung tướng tư lệnh phó Lâm Quang Thi. Ông nói quân đoàn sẽ được giữ lại 2 trong số 3 lữ đoàn củaTQLC. Hai lữ đoàn TQLC sẽ về thay Nhảy Dù ở Đà Nẵng, vì lữ đoàn 2 Dù có thể được trưng dụng trong kế hoạch chiếm lại Ban Mê Thuột. Ngày 18 thủ tướng Trần Thiện Khiêm bay ra Đà Nẵng họp với tướng Trưởng (theo lời yêu cầu của Tướng Trưởng) để giải quyết vấn đề dân di tản. Trong buổi nói chuyện ngày 13, Tướng Trưởng xin thủ tướng Khiêm giúp ông giải quyết vấn đề dân di tản đang dồn về thành phố. Theo ông, dân di tản sẽ làm ứ động quốc lộ 1 con đường huyết mạch để chuyển quân trên toàn Vùng I. Ngày 19, ông được yêu cầu trở về Sài Gòn thêm một lần nữa để trình bày lại kế hoạch di tản và phòng thủ Vùng I. Trong lần họp này, với tình hình dân chúng di tản tấp nập trên quốc lộ 1, Tướng Trưởng nói rút quân từ Huế về Đà Nẵng trong tình trạng hỗn loạn đó sẽ khó thực hiện được, ông đề nghị cho ông ở lại tử thủ Huế, Đà Nẵng và Chu Lai sẽ là điểm kháng cự cuối cùng của Vùng I. Tổng thống Thiệu và đại tướng Cao Văn Viên đồng ý. Tướng Trưởng bay trở lại Quân Đoàn I và thông báo cho trung tướng Lâm Quang Thi quyết định của TT Thiệu thêm một lần nữa.
Ngày hôm sau, 20 tháng 3, TT Thiệu lên đài phát thanh đọc lời hiệu triệu, ra lệnh dân quân giữ Huế bằng mọi giá. Nhưng tối đêm đó, TT Thiệu đổi ý: ông ra lệnh cho Bộ Tổng Tham Mưu đánh cho Tướng Trưởng một quân lệnh, cho biết Sài Gòn chỉ còn đủ phương tiện để yểm trợ cho một cứ điểm kháng cự. Trong ba cứ điểm Huế, Chu Lai, Đà Nẵng , Tướng Trưởng phải chọn một. Dĩ nhiên, Đà Nẵng phải là cứ điểm ưu tiên. Tướng Trưởng ra lệnh di tản về Đà Nẵng. Tướng Lâm Quang Thi, trong tác phẩm The Twenty-five-year Century của ông, có nói quân lệnh thay đổi như vậy, nhất là ở cấp quân đoàn thì khó làm việc, và gây thêm nhiều hoang mang cho người thừa hành. Đại tướng Frederick Weyand, đang là tư lệnh Lục Quân Hoa Kỳ, trong tờ tường trình cho tổng thống Ford sau chuyến viếng thăm ở Việt Nam cuối tháng 3-75, cũng cho biết trong tuần lễ đó, Tướng Trưởng đã nhận 3 quân lệnh trái ngược nhau từ TT Thiệu.
Trong hoàn cảnh hỗn loạn của Đà Nẵng, ngày 25 Tướng Trưởng nhận thêm một tin không vui từ Sài Gòn: đích thân trung tướng Lê Nguyên Khang – đang là tổng tham mưu phó quân đội – bay ra Đà Nẵng đưa cho Tướng Trưởng một quân lệnh yêu cầu ông trả lại sư đoàn TQLC ngay lập tức. Tướng Trưởng phản đối, ông nói Đà Nẵng không thể nào phòng thủ được nếu không có mặt của TQLC. Trong hai ngày 26-27,.Tướng Trưởng và Tướng Lâm Quang Thi cố gắng san sẻ quân để lấp vào những lổ trống của vòng đai phòng thủ càng lúc càng xiết chặt chung quanh Đà Nẵng. Chín giờ đêm ngày 27 ông gọi cho Tướng Viên báo cáo tình hình và yêu cầu cho phép ông di tản sư đoàn TQLC và những trung đoàn còn lại của sư đoàn 1 và 3. Tướng Viên nói đó là quyết định của tổng thống Thiệu. Tướng Trưởng gọi Dinh độc Lập, nhưng tổng thống Thiệu không có mặt; khoảng 10 giờ đêm tổng thống Thiệu gọi lại … sau khi nghe Tướng Trưởng báo cáo tình hình, ông Thiệu hỏi Tướng Trưởng sẽ giải quyết ra sao. Tướng Trưởng trả lời ông sẽ giải quyết theo sự biến chuyển của tình hình. Tổng thống Thiệu cúp điện thoại. Vài phút sau Tướng Trưởng ra lệnh di tản khỏi Đà Nẵng. Nhưng không, đến đó không còn di tản nữa. Vì chữ di tản có chứa đựng một khái niệm về sự thứ tự và trật tự trong lúc lui quân. Địch đã cắt nát quốc lộ 1 ra từng đoàn và đang dùng pháo binh để hăm dọa các cửa khẩu từ biển đi vào bờ. Đến giờ phút đó, chữ bỏ ngõ có nghĩa và đúng nghĩa hơn chữ di tản. Đà Nẵng và Vùng I mất hai ngày sau đó, và ngày sau, cộng quân gom tất cả lực lượng của họ đang có mặt ở Vùng I lập ra một binh đoàn có tên là Binh Đoàn Duyên Hải. Từ đó họ tiến về Vùng III.
Cuộc đời có nhiều nghịch lý và bi hài kịch. Tướng Ngô Quang Trưởng sanh ra và lớn lên ở Bến Tre, một vùng đất được mệnh danh là cái nôi của cộng sản; một nơi mà trong năm Mậu Thân 1968, một sĩ quan Hoa Kỳ tuyên bố phải tàn phá hết để xây dựng lại, nhưng ông đã xả thân chống lại những người cộng sản, chủ thuyết cộng sản, cho đến hết cuộc đời. Sanh ra ở Bến Tre, nhưng Tướng Trưởng lớn lên, yêu, quí mến, và bảo vệ một vùng đất thật xa cho đến hết cuộc đời : ông thương Quảng Trị và Thừa Thiên đến độ ông đặt tên người con trai út là Ngô Trị Thiên.
Có một lần, khi được thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh chuyển lời, người viết có dịp nói chuyện với Tướng Trưởng. Trong lần nói chuyện đó, với bản tính thích tìm căn nguyên của lịch sử, người viết mạo muội hỏi Tướng Trưởng về thái độ của người Mỹ trong cuộc chiến “Mùa Hè Đỏ Lửa’’ năm 1972; hỏi về nội dung những đối thọai giữa ông và TT Thiệu vào tháng 3-1975. … Nhưng Tướng Trưởng tránh không trả lời thẳng những câu hỏi đó. Ông chỉ nói . . cũng không có gì để nói . . . tất cả đã được nói hết rồi … những gì anh em chúng ta làm trong quá khứ đều có nghĩa”. Câu chuyện tiếp tục được vài phút sau thì người viết lại cố gắng “lái” về hai câu hỏi nguyên thủy. Lần này ông cũng tránh trả lời. Nhưng lần này ông nói cho người viết nghe về triết lý của một người quan võ Á Đông. Đại khái Tướng Trưởng muốn nói đến câu “Bại binh chi tướng bất khả ngôn dũng. Vong quốc chi đại phu bất khả ngôn trí” (Tướng bại trân thì không thể nói mình anh dũng. Bậc trí sĩ đại phu khi đã mất nước thì không thể nói mình có mưu lược). Thâm thúy, thật thâm thúy.
Với tất cả sự kính trọng của một hậu sinh đối với Trung Tướng Ngô Quang Trưởng, người viết xin kính dâng lên vị tướng quá cố đôi dòng tưởng niệm này./.
Xem thêm Bài đã đăng ( 3/15/2020 ) : CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : MẶT TRẬN CAO NGUYÊN TRUNG PHẦN - QUÂN ĐOÀN 2 VNCH - TRIỆT THOÁI TỪ CAO NGUYÊN ĐẾN DUYÊN HẢI QUÂN ĐOÀN 2 - VNCH.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn