CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA 19-1-1974 - QUẦN ĐẢO HOÀNG SA - PARACEL ISLANDS - BIỂN ĐÔNG -TRUNG PHẦN VIỆT NAM .

18 Tháng Giêng 20247:22 CH(Xem: 375)
(3974)
Sơ Lược Lịch Sử Quần Đảo Hoàng Sa ( HS) - Paracel Islands .
Dưới thời Việt Nam Cộng Hòa đã có đài khí tượng do Pháp xây, trực thuộc ty khí tượng Đà Nẵng và được bảo vệ bởi một tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Năm 1956, hải quân Trung cộng chiếm đóng đảo Phú Lâm (Woody Island) thuộc nhóm Bắc đảo. Năm 1958, Trung cộng cho công bố bản tuyên ngôn lãnh hải 4 điểm, trong đó có tuyên bố chủ quyền của Trung cộng bao gồm các đảo Đài Loan, Đông-sa/Tây-sa (tức Hoàng Sa của Việt Nam) và Nam-sa (tức Trường Sa của Việt Nam), đảo Macclesfield, quần đảo Bành Hồ (Pescadores).
Vào giai đoạn này, Trung cộng vẫn là đồng chí CS nhiệt tình của Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa - tức là CSHCM đang tiến hành cuộc chiến tranh chống lại Việt Nam Cộng Hòa và Hoa Kỳ từ Vĩ tuyến 17 N trở vô miền Nam Việt Nam .
Quần Đảo Hoàng Sa nằm ngoài khơi của khu vực tỉnh Quảng Nam- Đà Nẵng và tỉnh Quảng Ngãi - Quân Đoàn 1 - Quân Khu 1 VNCH .
Cách đất liền VN trung bình khoảng 200 Hải lý hướng Tây .
Ngày 22 Tháng Chín năm 1958, báo Nhân Dân đăng công hàm của Thủ Tướng Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa Phạm Văn Đồng gửi thứ trưởng Bộ Ngoại Giao Trung Quốc, ghi nhận và tán thành bản tuyên bố ngày 4 Tháng Chín năm 1958 của chính phủ Trung cộng quyết định về hải phận.
Năm 1961, chính phủ Việt Nam Cộng Hòa ban hành sắc lệnh khẳng định chủ quyền Hoàng Sa thuộc tỉnh Quảng Nam của Việt Nam Cộng Hòa.
Trong thời gian 1964-1971, hải quân Trung cộng và hải quân Việt Nam Cộng Hòa chạm súng liên tục trên hải phận Hoàng Sa, nhưng không đưa đến thương vong. Trong thời điểm đó, Việt Nam Cộng Hòa cũng thiết lập một sân bay nhỏ tại đảo Hoàng Sa.
Năm 1973, với Hiệp Định Paris, Hoa Kỳ và Đệ Thất Hạm Đội sau khi rút quân và thiết bị ra khỏi quần đảo Hoàng Sa đã xem việc bảo vệ quần đảo này là việc riêng của Việt Nam Cộng Hòa.
Năm 1974 khi một phái đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thăm dò một số đảo Hoàng Sa trong việc chuẩn bị thiết lập phi trường có khả năng chuyên chở vận tải cơ hạng nặng C-7 Caribou thì khám phá ra sự hiện diện của hải quân Trung quốc, và giao tranh xảy ra sau đó.
.........Tương quan lực lượng :
Phía Việt Nam có Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5), Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt (HQ-16), Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4), Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10), một đại đội hải kích thuộc hải quân Việt Nam Cộng Hòa, một số biệt hải (biệt kích hải quân) và một trung đội địa phương quân đang trú phòng tại đảo Hoàng Sa.
Phía Trung cộng có Liệp Tiềm Đĩnh Số 274, Liệp Tiềm Đĩnh Số 271, Tảo Lôi Hạm Số 389, Tảo Lôi Hạm Số 391, Liệp Tiềm Đĩnh Số 282, Liệp Tiềm Đĩnh Số 281 và hai chiến hạm số 402 và số 407 chở quân không rõ loại, Tiểu Đoàn 4 và Tiểu Đoàn 5 thuộc Trung Đoàn 10 Hải Quân Lục Chiến, và hai đội trinh sát.
Ngày 16 Tháng Giêng, 1974, Tuần dương hạm Lý Thường Kiệt sau khi đưa một phái đoàn của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa thăm dò một số đảo Hoàng Sa phát hiện hai chiến hạm số 402 và số 407 của hải quân Trung cộng gần Cam Tuyền, và phát hiện quân Trung cộng chiếm đóng hoặc cắm cờ Trung cộng tại các đảo Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc.
Sau khi cấp báo về bộ tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải tại Đà Nẵng, HQ-16 dùng quang hiệu yêu cầu các chiến hạm Trung cộng rời lãnh hải Việt Nam. Các chiến hạm Trung cộng không rời vùng, và ngang ngược dùng quang hiệu yêu cầu phía Việt Nam Cộng Hòa rời lãnh hải Trung cộng.
Ngày 17 tháng 1 năm 1974, Khu trục hạm Trần Khánh Dư (HQ-4) đến Hoàng Sa chở theo một toán người nhái (biệt hải) và một đội hải kích đổ bộ xuống Hữu Nhật, Duy Mộng, Quang Ảnh để nhổ cờ Trung Quốc, dựng cờ Việt Nam Cộng hòa. Sau đó lính Việt Nam Cộng hòa rút trở lên tàu. Toán biệt hải rời HQ-4 bằng xuồng cao su để lên HQ-16. Cùng trong ngày, hai tàu chống ngầm loại Kronstadt số 274 và 271 của Trung Quốc xuất hiện.
Cùng trong ngày Liệp Tiềm Đĩnh Số 274 và Liệp Tiềm Đĩnh Số 271 của Trung quốc xuất hiện.
Ngày 18 Tháng Giêng, 1974, Đề Đốc Lâm Ngươn Tánh, tư lệnh phó hải quân Việt Nam Cộng Hòa bay ra bộ tư lệnh hải quân vùng 1 duyên hải tại Đà Nẵng để trực tiếp chỉ huy trận đánh. Ông ban hành lệnh hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại các đảo Cam Tuyền, Quang Hòa, Duy Mộng, Vĩnh Lạc.
Lực lượng hành quân Hoàng Sa 1 được tăng cường thêm Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) làm soái hạm cho cuộc hành quân, và Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10).
Ngày 18 tháng 1 năm 1974, Phó Đề đốc Lâm Ngươn Tánh, Tư lệnh phó Hải quân Việt Nam Cộng hòa bay ra Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng 1 Duyên hải tại Đà Nẵng để chỉ huy toàn bộ lực lượng tham chiến tại Hoàng Sa. Cũng trong sáng ngày 18 tháng 1 năm 1974, lực lượng tăng cường cho Hoàng Sa bao gồm Tuần dương hạm Trần Bình Trọng (HQ-5) và Hộ tống hạm Nhật Tảo (HQ-10) có mặt tại trận địa. Do hải hành lâu ngày chưa kịp tu bổ, HQ-10 tham chiến với một máy không dùng được, chỉ còn một máy hoạt động, radar bị hư hỏng. HQ-5, do Trung tá Phạm Trọng Quỳnh chỉ huy, là soái hạm của Hải đoàn đặc nhiệm bao gồm 4 chiến hạm là HQ-4, HQ-5, HQ-10, HQ-16. Đại tá Hải quân Hà Văn Ngạc ở trên HQ-5 là người trực tiếp chỉ huy Hải đoàn.
Khoảng xế trưa ngày 18 tháng 1, Đại tá Ngạc quyết định hải đoàn sẽ phô trương lực lượng bằng một cuộc thao diễn chiến thuật để tiến về phía đảo Quang Hòa với hy vọng có thể đổ bộ chiếm lại đảo một cách hòa bình như đã làm trước đây. Bốn chiến hạm theo đội hình hàng dọc, dẫn đầu là khu trục hạm HQ-4, theo sau là tuần dương hạm HQ-5 trương hiệu kỳ hải đội, thứ ba là tuần dương hạm HQ-16 và sau cùng là hộ tống hạm HQ-10, khởi hành từ nam đảo Hoàng Sa để tiến về đảo Quang Hòa, tốc độ chừng 6 gút. Khoảng cách giữa các chiến hạm là hai lần khoảng cách tiêu chuẩn (1000 yard). Trên đường đến đảo Quang Hòa, Hải đoàn bị 2 tàu chống ngầm hạng nhẹ lớp Kronstad của Trung quốc mang số hiệu 271 và 274 chặn đường. Hai chiếc chiến hạm khác nhỏ hơn mang số 389 và 396 vẫn ở sát bờ bắc đảo Quang Hòa. Chiến hạm 271 của Trung quốc và soái hạm HQ-5 trao đổi với nhau bằng quang hiệu. Cả hai đều khẳng định đây là lãnh thổ của mình và yêu cầu đối phương rút lui. Để tránh đụng tàu đại tá Ngạc đưa Hải đoàn trở về phía nam đảo Hoàng Sa để theo dõi các chiến hạm Trung quốc khi đó quay về đóng tại phía bắc và tây bắc đảo Quang Hòa.
Vào khoảng 23 giờ ngày 18 tháng 1, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh ban hành Lệnh Hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại một cách hòa bình các đảo Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh. Đại tá Hà Văn Ngạc chia lực lượng tham chiến thành hai phân đoàn đặc nhiệm: Phân đoàn I là chủ lực gồm Khu trục hạm HQ-4 và Tuần dương hạm HQ-5 do Hạm trưởng Khu trục hạm HQ-4 chỉ huy; Phân đoàn II có nhiệm vụ yểm trợ gồm Tuần dương hạm HQ-16 và Hộ tống hạm HQ-10 do Hạm trưởng Tuần dương hạm HQ-16 chỉ huy.
8 giờ 30 ngày 19 tháng 1, hai nhóm Biệt hải của Việt Nam Cộng hòa gồm 74 người do Đại úy Nguyễn Minh Cảnh chỉ huy tiếp tục đổ quân vào đảo Quang Hòa. Đại tá Ngạc chỉ thị lực lượng này không được nổ súng trước và có nhiệm vụ yêu cầu toán quân Trung quốc rời đảo. Trên đảo đang có một đại đội của Hải quân Trung quốc trấn giữ. Theo báo cáo của Biệt đội trưởng, chiến sĩ Đỗ Văn Long là người đầu tiên tiến vào đảo và vừa nổ súng vừa tiến vào trong nên đã bị hỏa lực trong bờ bắn tử thương ngay tại bãi biển. Sau đó Trung úy Lê Văn Đơn cũng tử thương. Việc đổ bộ thất bại. Hai toán Biệt hải được lệnh rút về HQ-5. Tổng số thương vong của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa gồm 2 người chết và 2 bị thương.
........Hải quân Việt Nam Cộng Hòa khai chiến.
Việc đổ bộ thất bại được báo cáo ngay về Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải. Chừng ít phút sau đó (vào khoảng 9 giờ 30 sáng) Phó Đô đốc Hải quân Việt Nam Cộng Hòa Hồ Văn Kỳ Thoại theo chỉ thị của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu ra khẩu lệnh vắn tắt "khai hỏa" cho Đại tá Ngạc trên băng siêu tần số SSB (single side band) và không có chi tiết gì khác hơn.
Ban đầu Đại tá Ngạc dự định cho hạm đội bắn pháo lên đảo để dọn đường cho lính thủy đổ bộ. Sau đó do các Hạm trưởng khác phản đối, Đại tá Ngạc quyết định tiêu diệt các tàu Trung quốc trước. Lúc 10 giờ 22 cùng ngày, 2 chiến hạm của phía Việt Nam Cộng Hòa là HQ-16 và HQ-10 tiến vào lòng chảo Hoàng Sa theo thế gọng kìm, nổ súng trước vào các tàu chiến Trung quốc đang neo đậu trong khu vực này. Các tàu Trung quốc tích cực di chuyển và phản kích dữ dội. Hai chiến hạm còn lại của Việt Nam Cộng Hòa là HQ-4 và HQ-5 cũng tiến vào lòng chảo, tham chiến từ phía tây nam. Vì tầm quan sát rất hạn chế, nên từ Tuần dương hạm HQ-5 không quan sát được Tuần dương hạm HQ-16 và Hộ tống hạm HQ-10. Do máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung quốc phá sóng nên Soái hạm chỉ có thể liên lạc với các chiến hạm còn lại bằng máy PRC 25 nên việc liên lạc giữa các chiến hạm không liên tục và ổn định.
Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa đồng loạt khai hỏa trực tiếp vào quân xâm lược Trung cộng -
Cuộc giao chiến bùng nổ vài phút ... Các tàu săn ngầm TQ lớp Kronstadt bắn cấp tập vào HQ-4, trong khi các tàu quét mìn Type 10 tập trung hỏa lực pháo 37mm vào chiếc HQ-16, nhằm vào buồng hoa tiêu, trung tâm thông tin và các radar. Bị bắn hỏng nặng, chiếc HQ-16 phải thoái lui. Các tàu quét mìn chuyển sang bắn vào HQ-10, nhằm vào kho đạn ở đuôi tàu, gây một tiếng nổ khiến phần động cơ phía trước con tàu này tê liệt. HQ-4 bị "trở ngại tác xạ", không phát huy được hỏa lực, nên không thể tham chiến tiếp - lúc này HQ-4 bị thương và không thể điều khiển được nên dạt ra xa .
Sau khoảng 15 phút giao chiến ,các tàu quét mìn TQ chỉ cách HQ-10 có khoảng mười thước, khiến các nòng pháo còn lại của chiếc tàu HQ Việt Nam Cộng Hoà không thể bắn vào những con tàu thấp và nhỏ hơn của đối phương đang tiếp cận sát thân tàu. Súng bộ binh của thủy thủ Trung cộng quét dọc ngang sàn tàu và buồng hoa tiêu, sát hại thuyền trưởng và hầu hết thủy thủ điều khiển tàu.
HQ-10 bị hư khẩu pháo chính 76 ly trước mũi tàu, tàu bị bắn xối xả, bốc cháy tại chỗ; Hạm trưởng là Ngụy Văn Thà tử trận vì bị mảnh đạn phạt ngang cổ, Đại úy Hạm phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng vẫn cố điều khiển HQ-10 húc vào tàu Trung cộng nhưng không thành và cố gắng lao sâu vào chân đảo để giữ chủ quyền Việt Nam .
HQ-16 trúng đạn pháo 127 ly, viên đạn xuyên thủng hầm máy khiến tàu bị nghiêng trên 10 độ, tàu mất khả năng chiến đấu và phải rút lui về phía tây. Theo trưởng khối hành quân của HQ-5 là Bùi Ngọc Nở, thì sau 15 phút chiến đấu, tàu HQ-5 bị trúng đạn pháo của địch khiến các khẩu pháo 127 ly và (10 nòng pháo) 40 ly bị vô hiệu .
Khoảng 11 giờ 25, HQ-16 bị hư hại cố tiếp ứng cho HQ-10 nhưng bị đẩy ra xa bởi hỏa lực của quân Trung quốc. HQ-16 phải rút về phía đông nam, trong khi HQ-4 và HQ-5 rút về phía nam.
Hai tàu săn ngầm lớp Hải Nam của Trung quốc tới nơi khoảng trưa 19/1, bắn tiếp vào chiếc HQ-10 khiến HQ-10 Nhựt Tảo chìm vào lúc 1 giờ chiều .
Hai tàu săn ngầm lớp Kronstadt của Trung quốc chiếm vị trí để theo dõi các tàu HQ-4 và HQ-5, trong khi các tàu quét mìn loại Type 10 bám theo các tàu HQ-10 và HQ-16. Hạm trưởng HQ – 16 dự cảm trận đánh sắp xảy ra – đã tăng tốc vượt lên các tàu quét mìn Trung Quốc, và 14 lính đặc nhiệm VNCH được đưa lên hai thuyền cao su để giành lại đảo Quang Hòa và Quang Hòa Tây.
HQ-16 đâm mạnh và làm hỏng nặng tàu quét mìn 389; thủy thủ trên chiếc 389 bắn vào cầu tàu và ụ súng phía trước của HQ-16, giết hoặc làm bị thương hầu hết thủy thủ HQVNCH trên đó .
Sau khi nhận được tin HQ-16 trúng đạn và mất liên lạc với HQ-10 . Đại tá Ngạc đã phát hiện một chiến hạm của Trung quốc có trang bị mỗi bên 1 dàn phóng hỏa tiễn chống hạm, cách xa chừng 8 đến 10 hải lý đang tiến vào vùng giao tranh với một tốc độ cao. Ông nghĩ rằng Hải đội không thể để bị thiệt hại một Khu trục hạm trong khi Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chỉ có tổng cộng 2 chiếc. Đại tá Ngạc ra lệnh cho HQ-4 và HQ-5 rút lui về phía đông nam, hướng về vịnh Subic, Philippines.
Trong thời gian xảy ra chiến sự, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa nhận được thông báo của Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn, cho biết radar Đệ thất Hạm đội ghi nhận một số tàu chiến và chiến đấu cơ từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Số tàu chiến chi viện của Trung quốc vẫn chưa được xác định chính xác nhưng có thể bao gồm 2 tàu chống ngầm số hiệu 281 và 282 thuộc lớp tàu Hải Nam. Phó Đô đốc Hải quân Việt Nam Cộng Hòa Hồ Văn Kỳ Thoại cho biết họ phải quyết định rút lui khi cố vấn Hoa Kỳ cho biết 17 chiến hạm của Trung quốc trong đó có 4 tàu ngầm đang trên đường tới khu vực và khả năng là sẽ có phi cơ phản lực tới từ đảo Hải Nam nếu Việt Nam Cộng Hòa quyết định tăng viện 2 chiến hạm cho Hoàng Sa, nhưng phía Việt Nam Cộng Hòa chỉ có phi cơ khu trục F-5 thuộc Sư đoàn 1 Không quân tuy đang sẵn sàng hỗ trợ cho hải đội tại Hoàng Sa nhưng lại không đủ sức hoạt động lâu tại đây.
Tiếp đó, quân Trung quốc đổ bộ tấn công các đơn vị đồn trú của Việt Nam Cộng Hòa trên các đảo này. Sau 20 phút, lực lượng của Việt Nam Cộng Hòa trên các đảo bị mất liên lạc với đất liền.
Cho đến cuối chiều 20/1, toàn bộ quần đảo Hoàng Sa đã rơi vào tay Trung quốc xâm lược
Kết quả: Về phía Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa thì tàu HQ-10 trúng đạn vào pháo tháp và bị chìm sau đó. HQ-16 bị hư hại nặng, nghiêng trên 10 độ, HQ-4 và HQ-5 đều bị hư hại . 75 binh sĩ VNCH hy sinh, trong đó riêng HQ-10 có 63 gồm Hạm trưởng Ngụy Văn Thà và Hạm phó Nguyễn Thành Trí. HQ-4 có ba người chết, HQ-5 có 3 quân nhân tử vong và 16 bị thương, HQ-16 có hai người và lực lượng người nhái có bốn người . Tất cả các chiến sĩ VNCH đều anh dũng hy sinh để bảo vệ giang sơn , hải đảo của đất Mẹ Việt Nam .
Phía giặc Trung quốc xâm lăng thì 4 tàu 274, 271, 389, 396 đều trúng đạn và bị hư hại nặng , lật ngang và chìm đuôi , không thể điều khiển và phải dùng tàu khác kéo về đất TQ ./.---------------
[QUẦN ĐẢO HOÀNG SA VÀ QUẦN ĐẢO TRƯỜNG SA MUÔN ĐỜI THUỘC VỀ CHỦ QUYỀN LÃNH HẢI CỦA VIỆT NAM . VIỆT NAM SẼ GIÀNH LẠI TRONG TƯƠNG LAI.]
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn