CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : TRẬN QUẾ SƠN 1972 (QUẢNG NAM) VÀ SƯ ĐOÀN 2 BỘ BINH - VNCH .

02 Tháng Mười 20223:59 CH(Xem: 1233)
Những chiến sĩ Sư Đoàn 2 Bộ Binh - VNCH .
Từ những ngày cuối tháng 3.1972, Sư Đoàn 2 Bộ Binh ngày đêm lặng lẽ chiến đấu ở chiến trường Quế Sơn, trong khi các mặt trận lớn tại Quảng Trị, Kontum, An Lộc bùng nổ ác liệt và mang một tầm vóc quan trọng, cũng như thu hút sự quan tâm của cả thế giới. Mặt trận Quế Sơn tuy không có được tiếng xích sắt T 54 nghiến ầm ì trên đá sỏi, hay tiếng rền của đại pháo 130 ly, nhưng cũng đã mang một bộ mặt căng thẳng, gay cấn và đỏ lửa không kém.
Vào đầu tháng 4.1972, hoạt động tiếp sức của Sư Đoàn 711 CS cho Mặt Trận 44 cộng sản tại Quảng Nam đã hâm nóng tình hình Quế Sơn và làm cho nó sôi động trở lại. Các lực lượng cộng quân thuộc Mặt Trận 44 từ trong Tết đã không đẩy mạnh được cao điểm nào, ngược lại gần như tan tác vì cuộc hành quân Quyết Thắng 22B, 22D do Sư Đoàn 2 Bộ Binh tung ra vào những tháng trước khi nổ ra cuộc chiến khốc liệt mùa hè 1972. Sư Đoàn tân lập 711 của CS cố gắng gom góp các thành phần Trung Đoàn 31, 38 và 270 để tạo thành lực lượng nòng cốt. Sư Đoàn 711 CS được tăng cường thêm đến 9 tiểu đoàn yểm trợ pháo binh, phòng không, vệ binh, công binh, … Là sư đoàn mới hình thành, Sư Đoàn 711 vẫn còn rất thiếu hụt quân số sau những cuộc giao tranh ác liệt với Sư Đoàn 2 Bộ Binh.
Những trang quân sử của Sư Đoàn 711 không kéo dài qua khỏi năm 1973, khi Sư Đoàn 3 Bộ Binh của Thiếu Tướng Nguyễn Duy Hinh nhận trách nhiệm bảo vệ tỉnh Quảng Nam, có nghĩa là trực tiếp đối đầu với Sư Đoàn 711. Sư Đoàn 3 Bộ Binh trở lại chiến trường rất sớm từ những ngày giữa tháng 6.1972 sau cơn triệt thoái đầu tháng 5.1972. Trong vòng hơn một tháng, một khoảng thời gian thật quá ngắn ngủi, Sư Đoàn 3 Bộ Binh đã gượng đứng dậy, rồi được trao trách nhiệm an ninh lãnh thổ Quảng Nam, làm vòng đai chống pháo kích và hỏa tiễn của địch cho phi trường Đà Nẵng. Một năm sau, sau ngày Hiệp Định Ba Lê được ký kết, Sư Đoàn 3 Bộ Binh đã tạo nên một chiến công làm những sư đoàn đàn anh phải ngả nón nể phục, đó là đánh thiệt hại nặng Sư Đoàn 711 CS , từ đó sư đoàn này dần dần tan rã và biến mất trên bản đồ trận liệt hành quân của Quân Đoàn I Việt Nam Cộng Hòa. Trong lịch sử chiến tranh xâm lược của quân cộng sản , lần đầu tiên cấp lãnh đạo và tướng lãnh CS cam chịu giải tán một sư đoàn. Những thành phần tàn dư của Sư Đoàn 711 được đưa sáp nhập vào Sư Đoàn 2 Thép và Sư đoàn 3 Sao Vàng CS đang hoạt động ở Liên Khu 5 của cộng quân, vùng đất bao gồm những tỉnh miền duyên hải như Quảng Nam, Quảng Tín, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên.
Theo tin tức tình báo, Sư Đoàn 711 CS cố gắng xâm nhập theo các sơn đạo, từ rặng Trường Sơn đổ xuống vùng thung lũng Quế Sơn, với ý đồ cắt đứt hai tỉnh Quảng Nam và Quảng Tín. Mưu sự là một chuyện, nhưng thành sự hay không lại là một chuyện khác. Nỗ lực chuyển vận lén lút vũ khí, đạn dược, thực phẩm từ một kho hậu cần chôn giấu trong vùng thâm sơn Hiệp Đức về tiếp tế cho mặt trận Quế Sơn gặp nhiều nguy hiểm khó khăn, khi chạm phải quyết tâm của chiến sĩ Sư Đoàn 2 Bộ Binh. Muốn kéo quân xuống được quận lỵ Quế Sơn, Sư Đoàn 711 đã chấp nhận giao tranh nhiều trận đẫm máu với chiến sĩ mang trên vai áo Mũi Tên Thép và Số 2. Chiến sĩ Sư Đoàn 2 Bộ Binh đã đánh quân Sư Đoàn 711 rệu rã thành từng mảnh, buộc chúng phải kêu gọi cấp trên điều quân bổ sung nhiều đợt.
Có tất cả bốn đợt bổ sung. Lần thứ nhất, 1,070 cán binh. Lần thứ hai 930 người. Lần thứ ba, 1,200. Lần thứ tư, 600 binh lính. Tuy vậy quân số Sư Đoàn 711 CS cũng chỉ nhích lên đến khoảng 4,500 cán binh tham chiến. Đè nặng thêm vào nỗi khó khăn, tinh thần chiến đấu của bộ đội sư đoàn hết sức xuống dốc, bải hoải vì sự đe dọa của khủng khiếp của cái đói, bệnh tật và những thảm bom B52 ì ầm dội ngày đêm. Nhưng trên hết, là các Trung Đoàn 4, 5, 6 của Sư Đoàn 2 Bộ Binh Việt Nam Cộng Hòa hành quân càn quét không ngừng nghỉ, nhất quyết không cho quân địch nằm liếm vết thương. Đặc biệt, Thiết Đoàn 4 Kỵ Binh của SĐ2BB luôn được các cố vấn Hoa Kỳ viết tường trình khen ngợi là một đơn vị bách thắng, bởi bánh xích của những chiến sĩ Mũ Đen lăn đến đâu, chiến công theo đến đấy (chi tiết từ tác phẩm Mounted Combat In Vietnam –Kỵ Binh Chiến Đấu Ở việt Nam- của Tướng Donn A. Starry, do Bộ Lục Quân Hoa Kỳ xuất bản năm 1989). Vết thương của SĐ711 cứ bị Sư Đoàn 2 Bộ Binh xé tét ra mãi, cuối cùng Sư Đoàn 3 Bộ Binh cho một phát súng ân huệ, chấm dứt hơi tàn của một sư đoàn sanh non.
Ngày 28.6.1972 đại quân Quân Đoàn I Việt Nam Cộng Hòa gồm Sư Đoàn Nhảy Dù, Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Lữ Đoàn 1 Kỵ Binh, Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân và Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù vượt sông Mỹ Chánh khai diễn chiến dịch Lam Sơn 72 đánh lên hướng Bắc tái chiếm Quảng Trị và Cổ Thành Đinh Công Tráng. Đại quân Việt Nam Cộng Hòa trong những ngày đầu gặt hái nhiều thắng lợi, thẳng tiến vũ bão về thành phố Quảng Trị, Đại Đội Trinh Sát Dù và những toán tiền quân Dù đã đặt chân lên vùng ngoại ô thành phố. Cuộc hành quân Lam Sơn 72 thật sự làm rúng động cơ cấu phòng thủ của các lực lượng địch, Sư Đoàn 312 CS đang hoạt động bên đất Hạ Lào nhận lệnh khẩn cấp kéo về Việt Nam tiếp viện các Sư Đoàn 304, 308, 324, 325 CS đang dàn quân đối phó trối chết với đại quân Việt Nam Cộng Hòa, Sư Đoàn 324 B CS bị Sư Đoàn 1 Bộ Binh của Thiếu Tướng Phạm Văn Phú ghìm chặt tại mặt trận Tây Nam Huế. Ba sư đoàn bộ binh của QLVNCH phải chiến đấu chống năm sư đoàn địch: 304, 308, 312, 324B, 325 cùng nhiều trung đoàn bộ binh độc lập, dù quân số ít nhưng được lợi thế hỏa lực không quân, hải quân và pháo binh Việt – Mỹ, nên trận thế chiến trường dần nghiêng về phía quân Nam.
Từ thế thượng phong chủ động, Mặt Trận B2, tức Mặt Trận Trị Thiên của cộng sản rơi xuống thế hạ phong thụ động, cấp chỉ huy địch lúng túng không phán đoán được ý định hành quân của Tư Lệnh Quân Đoàn I & Quân Khu I, Trung Tướng Ngô Quang Trưởng. Chúng ta nhận thấy là, khi tướng tá địch dàn quân chấp nhận trận địa chiến với quân ta, thì chúng không còn giữ được yếu tố bí mật, chợt đánh chợt ẩn chợt hiện theo lối vận động chiến, là sở trường của chúng. Các đơn vị địch đều chường mặt ra trực diện với quân ta, từ đó cấp chỉ huy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa dễ dàng áp dụng binh pháp thần tốc, chỉa mũi nhọn cường kích lên những mục tiêu được chọn lựa. Trong tư thế chiếm đất rải quân giữ chắc, quân cộng bỗng thấy đang ở trong tình trạng phòng thủ cố định, đại quân Quân Đoàn I dễ dàng tập trung sức mạnh, hỏa lực đánh vào dứt điểm từng vị trí một của chúng. Điều mà quân cộng vẫn thường thực hiện khi chúng tấn công các căn cứ cố định, đồn bót của chúng ta. Trong nhiều trường hợp, quân ta cũng “chơi” chiến thuật đặc công quấy phá và diệt chốt kiềng cả ngày lẫn đêm, công đồn chận viện, làm giặc ăn ngủ không yên.
Muốn hóa giải hay làm giảm thiểu sức mạnh tấn công đang lúc lên cao hừng hực đại quân Cộng Hòa, Mặt Trận B2 chỉ có thể tung ra chiến dịch tấn công tại mặt trận Nam Hải Vân. Mặt Trận 44 tại Nam Hải Vân nhận lệnh bằng mọi cách phải tấn kích, nếu chiếm được càng tốt nhiều vị trí quân ta ở Quảng Nam, Quảng Tín và Quảng Ngãi, với ý đồ tạo chiến trường lớn thu hút quân tổng trừ bị Dù, Thủy Quân Lục Chiến, Biệt Động Quân đang thắng thế ở mặt trận Bắc Hải Vân chia quân về cứu viện, từ đó tốc độ tiến quân của quân ta bị khựng lại. Hoặc nếu đại quân Bắc Hải Vân không kéo về, thì Mặt Trận 44 sẽ cầm chân các lực lượng Nam Hải Vân không thể gửi quân tăng viện ra phía Bắc. Nếu đạt được một trong hai mục tiêu này, coi như Mặt Trận 44 hoàn thành nhiệm vụ.
Nhưng trên thực tế, thì ở cả hai mặt trận Nam và Bắc Hải Vân, tùy theo tình hình, vẫn có các lực lượng tiếp ứng cho nhau mà cường độ trận mạc của quân ta vẫn không giảm. Sư Đoàn 2 Bộ Binh có thể gửi Trung Đoàn 4 Bộ Binh thiện chiến của mình ra tăng viện cho Sư Đoàn 1 Bộ Binh trong chiến dịch phản công tái chiếm các căn cứ hỏa lực nằm dọc theo trục tỉnh lộ 547 phía Tây Nam Huế mà không cảm thấy nao núng trước đối thủ truyền kiếp Sư Đoàn 2 Thép CS hay Sư Đoàn 3 Sao Vàng địch. Rồi sau đó vẫn Trung Đoàn 4 Bộ Binh tăng phái vững vàng cho Sư Đoàn Dù trong chiến dịch phản công Lam Sơn 72 tái chiếm Quảng Trị.
Để “đáp lễ” cuộc tăng phái mặt trận Bắc Hải Vân của Sư Đoàn 2 Bộ Binh, Trung Đoàn 51 Bộ Binh của Sư Đoàn 1 Bộ Binh, trước khi được sáp nhập vào SĐ1BB đã là Trung Đoàn 51 Độc Lập cuối năm 1971, rất quen thông thổ vùng Quảng Nam như quen với lòng bàn tay của mình, vào tiếp viện cho Sư Đoàn 3 Bộ Binh tái chiếm các cao điểm vùng Quế Sơn, Tiên Phước. Liên Đoàn 1 Biệt Động Quân được chọn làm đơn vị cơ động bậc nhất trong lãnh thổ Quân Khu I, khi có mặt tại Nam Hải Vân tăng phái cho Sư Đoàn 2 Bộ Binh, thoắt chốc những chiếc Mũ Nâu đã hiện diện tại chiến trường Tây Nam Huế, rồi cuối cùng hành quân lên trấn giữ cứng ngắt mặt Đông Bắc Cổ Thành Đinh Công Tráng bảo đảm an toàn cho quân Mũ Xanh Cọp Biển xông vào dứt điểm. Ý đồ chia quân và làm suy yếu sức mạnh các đạo quân Quân Đoàn I VNCH của địch bị thất bại hoàn toàn. Để có thể đẩy hiệu năng tác chiến của các sư đoàn bộ binh và những đơn vị Tổng Trừ Bị ở Quân Khu I lên đến đỉnh cao nhất, Trung Tướng Trưởng đã phân chia Quân Khu I làm hai phần trách nhiệm luân chuyển: Mặt Trận Bắc Hải Vân do ông chỉ huy, Mặt Trận Nam Hải Vân do Trung Tướng Lâm Quang Thi, Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I trông coi. Khi Trung Tướng Trưởng vào Nam Hải Vân thì Trung Tướng Thi bay ra chiến trường phía Bắc.
Tuy nhiên, với những lực lượng mạnh của mình, mà cái cột xương sống là Sư Đoàn 711, Mặt Trận 44 được tăng cường nhiều đơn vị thiết giáp, pháo binh, phòng không, đặc công vẫn gây rất nhiều khó khăn cho Sư Đoàn 2 Bộ Binh của Chuẩn Tướng Phan Hòa Hiệp trong suốt hai tháng 7 và 8.1972, là thời gian mà chiến dịch phản công Lam Sơn 72 ngoài Quảng Trị đang lên đến điểm cực nóng. Với sự trở về từ vùng giới tuyến của Trung Đoàn 4 Bộ Binh, Sư Đoàn 2 Bộ Binh đã giao tranh nhiều trận ác liệt với binh đội Mặt Trận 44, lực lượng hai bên đều bị thiệt hại nặng.
Trong ý đồ tiến chiếm quận Quế Sơn trong tỉnh Quảng Nam, Sư Đoàn 711 CS điều quân đánh cao điểm Ross, một tiền đồn nằm về phía Tây quận lỵ Quế Sơn. Muốn chiếm Quế Sơn, địch nhất định phải đánh lấy Ross, từ đó làm điểm tựa pháo kích và tiến quân tấn công quận lỵ Quế Sơn đang nằm dưới sự bảo vệ của Tiểu Đoàn 79 Biệt Động Quân. Trung Đoàn 6 Bộ Binh lập tức thiết trí lực lượng ứng chiến. Tiểu Đoàn 2, Trung Đoàn 6 nhận lệnh bằng bất cứ giá nào cũng giữ chắc Căn Cứ Ross. Chúng ta hãy cùng các chiến sĩ Sư Đoàn 2 Bộ Binh tiến quân về Quế Sơn, đi sâu vào vùng rừng núi Trường Sơn thăm thẳm, để cùng cảm nhận và chia sẻ những nỗi khó khăn, chết chóc rình rập trên từng thước đất. Theo chân các chiến sĩ Tiểu Đoàn 2/ 6, dưới quyền chỉ huy của Thiếu Tá Hồ, Tiểu Đoàn Trưởng lên trấn đóng một điểm cao vô danh được gọi tên là Điểm Cao 621 hay Đỉnh 621. Cuộc hành quân được dẫn dắt bằng chính lời tường trình xác thực và hào tráng của Đại Úy Thuật, Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 2/6 : BẢY NGÀY TRÊN ĐỈNH 621 .
Cuối năm 1971, quân đội Mỹ rút khỏi Quế Sơn bàn giao chi đoàn thiết giáp cho QLVNCH gồm Trung đoàn 6 thuộc Sư Đoàn 2 Bộ Binh VNCH. Tại đây còn có Tiểu đoàn 79 Biệt động Quân biên phòng, 1 chi đoàn xe bọc thép và hơn 10.000 quân gồm một số đại đội địa phương quân, nghĩa quân. QLVNCH án ngữ và bảo vệ căn cứ Cấm Dơi (Căn cứ LZ Ross) phía bắc có dãy Động Mông, Đá Hàm; phía tây nam có Hòn Chiêng, Núi Đất, đồn Lạc Sơn; phía tây có Bằng Thùng; phía đông có quận lỵ Quế Sơn do địa phương quân trấn giữ.
Căn cứ LZ Ross nằm cách quận Quế Sơn khoảng 3Km về phía Tây và nằm dưới một thung lũng , như một chốt lớn trấn ngay ngã ba đường Nông Sơn và Khâm Đức đổ xuôi về Quế Sơn. Lúc này phòng thủ căn cứ LZ Ross do Tiểu đoàn 2 / Trung đoàn 6 của Sư đoàn 2 BB đảm nhận, Tiểu đoàn 79 Biệt Động Quân chịu trách nhiệm phòng thủ quận Quế Sơn ...
Phòng thủ Căn cứ LZ Ross những ngày cuối cùng .
Ngày 27 + 28.7.1972, địch pháo rời rạc, cầm chừng. Chắc tụi bên kia đang điều động quân và lo tiếp tế. Phần chúng tôi tu bổ lại hầm hố. Hố được đào sâu thêm, móc hầm ếch để có thể cuộn tròn như một con sâu trong lòng đất. Lòng đất thật bao dung, đã che chở cho chúng tôi qua khỏi bao cơn hiểm nghèo. Thinh không câm lặng rờn rợn, nghe ghê gai thịt da, bầu không khí đẫn hơi sương. Những người lính còng lưng xuống để đào, chỉ nghe những tiếng cuốc xẻng va vào đá kêu lên những âm thanh chói buốt khô khan. Ba ngày sống trong căng thẳng, chúng tôi chẳng thiết ăn, mà cũng không biết đói. Bây giờ những sợi dây thần kinh chùng xuống mới cảm thấy bụng xẹp lép. Chúng tôi còn một ít gạo sấy tằn tiện vài người chung nhau một bịch. Chẳng cần bày biện nấu nướng, cứ thế bỏ vào miệng nhai nhâm nhi, càng lâu càng tốt. Thật ra không đủ nước để làm những điều mình muốn. Để hạ cơn cháy khát cổ họng, chúng tôi chỉ nhờ vào chút nước của cây giang rừng. Một thứ nước đục nhờ và chan chát. Chặt một đoạn giang rừng dài hay bốn năm thước mới hứng được nửa ca nhôm. Còn một thứ dây leo có thể nhai hút lấy chất nước được, nhưng hiếm thấy hơn loại giang rừng mọc chằng chịt tại vùng này.
Ngày 29.7.1972, địch lại chớm mở cuộc tấn công khác. Dấu hiệu pháo kích trở lại cho chúng tôi kinh nghiệm như thế. Những ngày qua, sức gan lì chịu đựng đã thắng mọi thử thách khủng khiếp. Chúng tôi đã trở thành những thỏi thép nung già lửa, cứng cỏi. Sức cố thủ kỳ diệu trong suốt một tuần lễ đã làm tăng niềm kiêu hãnh và tự tin mãnh liệt trong lòng mỗi chúng tôi.
Thế nhưng, đã đến lúc chúng tôi không còn gì để lưu luyến ngọn đồi tràn ngập máu xương và mùi tử khí của quân thù nữa. Theo lệnh trên, chúng tôi lặng lẽ bỏ Đỉnh 621, tuột theo triền dốc phía Tây Bắc để bắt tay với một đơn vị bạn đến hộ tống. Tiểu Đoàn 61 Biệt Động Quân đã sẵn sàng bảo vệ sau lưng chúng tôi và hướng dẫn đến bãi đáp để đón trực thăng về Nông Sơn. Chúng tôi âm thầm rời thật nhanh ngọn đồi máu 621. Lát nữa đây B 52 cùng đại pháo của ta sẽ biểu diễn một màn chót làm cỏ các đồng chí còn bám lẫn quất quanh những ngọn đồi 720, 621 và 579.
Chúng tôi đã gắng sức làm tròn nhiệm vụ theo quan niệm hành quân ban ra. Sau bất cứ một trận chiến nào, tổn thất đều là chuyện đau lòng phải xảy đến cho hai bên. Nếu ý nghĩa của cuộc chiến thắng là so sánh tỉ lệ giữa đôi bên về tương quan lực lượng và sự thiệt hại, thì chính cộng quân là những kẻ chiến bại. Và nếu cái giá để hoàn tất một kế hoạch không quá đắt, thì các chiến sĩ Tiểu Đoàn 2/ 6 còn hiện diện hay đã khuất đi đều xứng đáng nhận lãnh những vòng hoa chiến thắng cùng mỹ từ “Dũng Cảm Oai Hùng”.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn