SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : BA VỊ VUA YÊU NƯỚC CHỐNG PHÁP : HÀM NGHI - THÀNH THÁI - DUY TÂN - DÃY NÚI TRƯỜNG SƠN - CỘT XƯƠNG SỐNG CỦA ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM . (Phần 1 of 5)

12 Tháng Mười Một 20217:09 CH(Xem: 1502)
SÔNG NÚI NƯỚC NAM .
Dãy Trường Sơn kéo dài từ thượng nguồn sông Cả (Cao nguyên Trấn Ninh) trên đất Lào giáp Nghệ An tới tận cực Nam Trung Phần.
Trường Sơn bao gồm toàn bộ các dãy núi nhỏ hơn ở Bắc Trung Phần và các khối núi, cao nguyên Nam Trung Phần, xếp thành hình cánh cung lớn mà mặt lồi quay ra Biển Đông.
Trường Sơn được chia thành Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam, ngăn cách bởi đèo Hải Vân và núi Bạch Mã.
Trường Sơn Bắc gồm nhiều dãy núi song song nhau theo hướng tây bắc - đông nam.
Đầu đại Cổ sinh, nơi mà nay là Trường Sơn Bắc vốn chỉ là một địa máng giữa khối nâng Kon Tum và khối Đông Bắc.
Vận động uốn nếp đã tạo ra nếp uốn Trường Sơn Bắc dính liền vào khối cao nguyên KonTum .
( Xem Bài Sông Núi Nước Nam - Đất Linh Sinh Nhân Kiệt : Trường Sơn Nam và Cao Nguyên Trung Phần)
Trải qua những giai đoạn bào mòn và xâm thực khác nhau trong quá khứ, Trường Sơn Bắc trở thành dãy núi thấp và có một số bề mặt san bằng.
Dãy Trường Sơn Bắc bắt đầu từ phía nam sông Cả (Nghệ An) và kéo dài đến dãy Bạch Mã (bắc Quảng Nam - Đà Nẵng) , gồm các dãy núi chạy song song và sole nhau theo hướng Tây Bắc - Đông Nam, càng về phía Nam dãy Trường Sơn càng sát bờ biển, có nhiều dãy núi đâm ngang thẳng ra biển như Hoành Sơn (giữa Hà Tĩnh - Quảng Bình), và Bạch Mã (giữa Thừa Thiên Huế - Quảng Nam). Sườn phía đông dốc, sườn phía tây thoai thoải.
Đoạn từ Vinh (Nghệ An) vào đến Đà Nẵng bề ngang đồng bằng chỉ từ 40 Km đến 60 Km, chỗ hẹp nhất Đồng Hới(Quảng Bình) chỉ khoảng 37 Km.
Cao độ trung bình của dãy Trường Sơn Bắc khoảng 2.000 M, thỉnh thoảng có những đỉnh cao trên 2.500 M.
Các đỉnh núi cao nhất là: (Phu)Pu Xai Lai Leng (biên giới Việt-Lào, Nghệ An) 2711 M, (Phu)Pu Ma (Nghệ An) 2194 M, (Phu)Pu Đen Đin (Nghệ An) 1540 M, Rào Cỏ (biên giới Việt-Lào, Hà Tĩnh) 2235 M, Động Ngài (Thừa Thiên - Huế) 1774 M, Bạch Mã (ranh giới Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng) 1444 M. Khối núi Kẻ Bàng ở tỉnh Quảng Bình cao tới 1178M ... Các dãy núi phụ của Trường Sơn Bắc là: dãy (Pu)Phu Lai Leng, dãy Giăng Màn, Bạch Mã.
Có 5 tỉnh thuộc Bắc & Trung Trung Phần nằm hoàn toàn phia Đông dưới chân dãy Trường Sơn Bắc . Đó là Nghệ An ; Hà Tĩnh ; Quảng Bình ; Quảng Trị ; Thừa Thiên - Huế .
Và những con sông ngắn dốc đổ ra biển Đông như : sông Cả ( Nghệ An ) ; sông Ngàn Trươi ( Hà Tĩnh ) ; sông Gianh ( Quảng Bình ) ; sông Bến Hải -sông Thạch Hãn-sông Mỹ Chánh ( Quảng Trị ) ; sông Hương ( Thừa Thiên - Huế ).
Trên dãy Trường Sơn thỉnh thoảng có những chỗ núi hạ thấp nhất , có thể khai phá để tạo nên đường giao thông theo hướng Đông - Tây để vượt qua biên giới tới xứ Lào ở bên kia dãy Trường Sơn phía Tây .
Đó là các ngọn đèo băng ngang như : đèo Lao Bảo (QL9 - Quảng Trị ) ; đèo Mụ Giạ (QL12 - Quảng Bình ) ; đèo Keo Nưa (QL8 - Hà Tĩnh ) ... Ngoài ra, ở Nghệ An có đường dọc theo thượng nguồn sông Cả xuyên qua biên giới Lào .
Con đường Quốc Lộ 1A (QL1A) và tuyến đường sắt Bắc Nam - Xuyên Việt chạy song song theo bờ biển Đông phải vượt qua hai nhánh núi cao , khởi đầu từ dãy Trường Sơn Bắc và đâm ngang ra biển đó là : Dãy núi Hoành Sơn với đèo Ngang làm ranh giới giữa tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình và dãy Bạch Mã với đèo Hải Vân là phân giới tự nhiên Trường Sơn Bắc và Trường Sơn Nam giữa tỉnh Thừa Thiên và Quảng Nam .
Đây là khu vực đẫm máu lịch sử ... Một khu vực đã chứng kiến không biết bao nhiêu lần tranh chấp giữa Đại Việt và Chiêm Thành trong cuộc Nam Chinh .
Ngoài ra , đây cũng là khu vực nội chiến đẫm máu , nước mắt của thời Trịnh-Nguyên Phân Tranh và cuộc chiến tranh ý thức hệ 20 năm Quốc-Cộng Tương Tàn .
ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT .
Chiến khu Tân Sở - Quảng Trị :
Tân Sở là một vùng đất biệt lập với đồng bằng và xa cách với trung tâm các sở lỵ.
Căn cứ Thành Tân Sở nằm ở làng Mai Đàn, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ - Quảng Trị . Theo Quốc Lộ 9 (QL9) từ Đông Hà đi Lao Bảo, chỗ cây số 12 rẽ theo đường vào Cùa chừng 7 Km sẽ gặp một bình nguyên đất đỏ bazan, được bao bọc bốn phía bởi các dãy núi trùng điệp, đó là vùng đất mà thành Tân Sở khi xưa ...
Bao quanh bốn phía là các đỉnh núi, dãy đồi tự nhiên tạo ra như một vòng thành khép kín. Mặt phía đông hướng ra đồng bằng Triệu - Hải rất thuận lợi cho việc giao lưu với miền xuôi. Các mặt kia đều có những con đường thượng đạo dẫn qua Lào và ra Bắc phòng khi rút lui, vì vậy nơi đây đã được chính quyền quân chủ phong kiến qua các thời kỳ chọn làm đồn trấn ải biên giới, Nha sơn phòng. Đến năm 1883 thì đổi thành Sơn phòng Quảng Trị hay còn gọi là thành Tân Sở.
Căn cứ kháng chiến ở Tân Sở bắt đầu xây dựng từ năm 1883 và đến năm 1885 thì hoàn thành. Dưới sự chỉ đạo của các quan: Nguyễn Văn Tường, Tôn Thất Lệ, Đặng Duy Cát, hàng nghìn binh lính, dân phu đã đào đắp miệt mài suốt ngày đêm. Chính từ công việc đào đất, trồng tre để xây dựng căn cứ Tân Sở vốn tốn rất nhiều công sức .
Thành Tân Sở có cấu trúc theo hình chữ nhật: chiều dài 548m, chiều rộng 418m, tổng diện tích là 22,9 ha. Thành ngoại có 4 cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu đắp bằng đất, phía ngoài có hàng rào cọc nhọn và hệ thống hào bao quanh (sâu 2m, rộng 10m), 4 mặt thành được trồng tre ngà dày đặc gồm bốn lớp cách nhau hàng chục mét, giữa các lớp tre là thành đắp bằng đất. 4 góc thành có 4 giếng nước sâu 20m, bên trong thành ngoại có nhà cửa, trại lính, kho tàng, bãi tập trận của voi ngựa; Ở các cửa và góc thành đều có các đồn lính, ụ súng canh giữ, bảo vệ thành nội.
Thành nội được xây dựng bằng gạch vững chắc, chiều dài là 165 m, chiều rộng 100m, tổng diện tích là 1,65 ha. Nội thành có 5 cửa: Tiền, Hậu, Tả, Hữu và Ngọ Môn giành cho vua và các quan ra vào hành cung. Bên trong thành nội có các khu nhà là nơi ở, làm việc của các quan.
Thực dân Pháp sau vụ bị quan quân triều đình nhà Nguyễn tấn công đã trả thù man rợ. Chúng gây ra vụ thảm sát tàn khốc đối với nhân dân kinh thành Huế, rồi sau đó tức tốc đánh chiếm Tân Sở, bắt cho được vua Hàm Nghi và những người cầm đầu phe chủ chiến. Cuối cùng thì Pháp chiếm được Tân Sở, chúng đã đốt phá, huỷ diệt hoàn toàn.
Tân Sở chìm trong biển lửa, báo hiệu sự kết thúc của một kinh đô - một trung tâm đầu não lãnh đạo phong trào Cần vương, ghi lại một mốc lịch sử vô cùng oanh liệt chống Tây xâm của dân tộc Việt Nam , trở thành nơi chứng kiến, ghi nhận tinh thần dân tộc của một vị vua yêu nước - Vua Hàm Nghi.
Tiểu Sử Vua Hàm Nghi .
Hàm Nghi tên thật là Nguyễn Phúc Ưng Lịch, khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Minh. Ông là con thứ năm của Kiên Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Cai và bà Phan Thị Nhàn, sinh ngày 17 tháng 6 năm Tân Mùi, tức 3 tháng 8 năm 1871 (có tài liệu ghi ông sinh ngày 22 tháng 7 năm 1872) tại Huế. Ông là em ruột của vua Kiến Phúc (Ưng Đăng) và vua Đồng Khánh (Chánh Mông hay Ưng Kỷ). Vua Hàm Nghi là vị hoàng đế thứ 8 của triều đại nhà Nguyễn trong lịch sử Việt Nam.
Là em trai của vua Kiến Phúc, năm 1884 Hàm Nghi được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13. Sau khi cuộc phản công tại kinh thành Huế thất bại năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa ông ra thành Tân Sở (Quảng Trị) và phát chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp.
Nhân danh ông, Tôn Thất Thuyết đã phát động " Phong Trào Cần Vương" , kêu gọi văn thân, nghĩa sĩ giúp vua, giúp nước. Phong trào này kéo dài đến năm 1888 thì Hàm Nghi bị bắt.
Sau đó, ông bị đem an trí ở Alger (thủ đô xứ Algérie) và qua đời tại đây năm 1943 vì bệnh ung thư dạ dày.
Do áp lực của Pháp nên nhà Nguyễn không lập miếu hiệu cho ông.
Ngày nay, lịch sử Việt Nam xem ông cùng với các vua chống Pháp gồm Thành Thái, Duy Tân là ba vị vua yêu nước trong thời kỳ Pháp thuộc.
Tiểu Sử Vua Thành Thái .
Thành Thái tên thật là Nguyễn Phúc Bảo Lân (阮福寶嶙), khi lên ngôi đổi thành Nguyễn Phúc Chiêu (阮福昭). Ông là con thứ 7 của vua Dục Đức và bà Phan Thị Điều, sinh ngày 22 tháng 2 năm Kỷ Mão tức 14 tháng 3 năm 1879 tại Huế. Ông là cháu nội của Thoại Thái vương Nguyễn Phúc Hồng Y và là chắt của vua Thiệu Trị.
Năm ông bốn tuổi, vua cha Dục Đức bị 2 quyền thần là Tôn Thất Thuyết và Nguyễn Văn Tường phế truất và chết trong tù. Đến nǎm được chín tuổi, vì ông ngoại là Phan Đình Bình (làm quan Thượng thư bộ Hộ) bị vua Đồng Khánh bắt giam rồi bỏ cho chết vì mắng Đồng Khánh nịnh bợ và thân Pháp khi Đồng Khánh ra Quảng Bình dụ vua Hàm Nghi đầu hàng, nên Bảo Lân lại phải cùng mẹ Từ Minh lên kinh đô, chịu sự quản thúc, sống trong cảnh thiếu thốn.
Ngày 28 tháng 1 năm 1889, vua Đồng Khánh yểu mệnh qua đời ở tuổi 24. Khi đó con vua Đồng Khánh là Bảo Đảo mới 3 tuổi nên không nối ngôi được, triều đình Huế xin ý kiến của Tổng sứ Trung Bắc kỳ Pierre Paul Rheinart. Ở tòa Khâm sứ lúc này có ông Diệp Văn Cương đang làm thông ngôn. Diệp Vǎn Cương lấy cô ruột của Bửu Lân, và cũng có cảm tình thương hại vua Dục Đức (anh vợ), nên cố tìm cách cho cháu mình lên ngôi. Ông dịch cho Khâm sứ Rheinart nghe hoàn toàn khác với ý của Viện Cơ mật. Vì thế Bảo Lân được chọn lên ngai vàng.
Một hôm, khi Bảo Lân đang chơi đùa với đám bạn trước nhà thì nhìn thấy một phái đoàn đến rước ông lên ngôi, lúc đó mẹ ông là bà Phan Thị Điều đi vắng, ông sợ hãi trốn vào nhà. Đến khi bà Phan Thị Điều trở về thấy phái đoàn đứng trước nhà, chạy vào thì nghe chuyện con mình bị bắt làm vua, bà chạy tới ôm con rồi van xin phái đoàn tha cho mẹ con ông. Bà nghĩ tới cảnh chồng mình là vua Dục Đức và thảm kịch bốn tháng ba vua trước đây nên khóc lóc, năn nỉ. Cuối cùng, sau một hồi khuyên giải từ hàng xóm, Phan Thị Điều mới chấp nhận để cho phái đoàn rước Bảo Lân về Tử Cấm thành.
Vua Thành Thái : tên khai sinh là Nguyễn Phúc Bửu Lân , là vị hoàng đế thứ 10 của triều đại nhà Nguyễn, tại vị từ 1889 đến 1907.
Tinh thần chống Pháp​ .
Thành Thái dần dần bộc lộ tinh thần dân tộc rất cao. Ông khinh ghét những bọn quan lại xu phụ. Một viên quan lớn là Nguyễn Thân đã tiến con gái đến cho vua (là đệ nhất giai phi của Thành Thái) song cũng không được ông trân trọng. Có lần, cầu Long Biên ở Hà Nội được lấy tên Toàn quyền Pháp Doumer, xây dựng xong, Hoàng Cao Khải đưa ra một danh sách xin nhà vua ban thưởng cho những người có công, nhà vua đã cười nhạt mà trả lời: "Ta có biết mặt mũi những đứa nào đâu". Những người Pháp thường xuyên gần gũi không được ông trọng thị lắm vì vậy họ thường có thành kiến với ông. Có những tài liệu nói là nhà vua đã toan bí mật sang Trung Hoa, nhưng mới đi đến Thanh Hóa đã bị người Pháp ngǎn chặn. Lại có ý kiến cho rằng ông đã đồng tình giúp đỡ tạo điều kiện cho Cường Để xuất dương theo Phan Bội Châu sang Nhật.
Dưới triều Thành Thái tuy vẫn còn có những cuộc vận động chống Pháp, nhưng nhìn chung Việt Nam cũng đã đi vào ổn định, nên đã có nhiều công trình mới được xây dựng. Nhất là ở kinh đô Huế, các bệnh viện, trường Quốc học, chợ Đông Ba, cầu Tràng Tiền... đều được xây dựng vào thời kỳ này. Như trường hợp trường Quốc học Huế năm 1896, chính nhà vua đã gợi ý vấn đề thành lập với Thượng thư Ngô Đình Khả. Chính quyền thực dân Pháp phải đồng ý cho tiến hành những công trình đó.
Năm 1890, ông cho ban hành một lá cờ mới có nền vàng với một vạch nằm ngang màu đỏ ở giữa tượng trưng cho ý nguyện thống nhất 3 vùng Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ vốn đang bị chia cắt lúc đó (Nam Kỳ là xứ thuộc địa, Bắc Kỳ và Trung Kỳ là xứ bảo hộ của Pháp). Để qua mặt thực dân Pháp, ông giải thích rằng biểu tượng trên lá cờ là tượng trưng quẻ "càn" trong kinh dịch, vốn tượng trưng cho Trời. Thực dân Pháp cuối cùng bỏ qua chuyện này. Lá cờ này chỉ tồn tại ít lâu thì bị thay bằng cờ của Liên bang Đông Dương do Pháp thiết kế .
Vua Thành Thái còn bí mật lập các đội nữ binh để che mắt Pháp. Một số tài liệu ghi rằng vua đã chiêu nạp được 4 đội, mỗi đội 50 người, đội trước huấn luyện xong thì trở về gia đình và nạp đội mới, khi có thời cơ sẽ cùng nổi dậy chống Pháp. Nhưng sự việc cuối cùng bị lộ khi Thượng thư bộ Lại Trương Như Cương và Cơ mật viện báo cho Khâm sứ Pháp Levécque.
Trước các ý tưởng cấp tiến của Thành Thái, người Pháp lo ngại tìm cách ngăn trở. Để che mắt, Thành Thái giả hành động như một người mất trí. Khi các bản vẽ vũ khí của ông bị phát hiện, Thành Thái giả điên, cào cấu các bà cung phi và xé nát các bản vẽ. Lợi dụng cơ hội này, người Pháp vu cho ông bị điên, ép ông thoái vị, nhường ngôi cho con vì lý do sức khỏe. Khâm sứ Pháp còn nói thẳng là đã biết ông có ý đồ chống Pháp, nên không để ông ở ngôi được. Còn nếu Thành Thái muốn tại vị thì ông phải ký vào một tờ giấy tạ tội, tuyên bố với quốc dân là có âm mưu chống lại nước Pháp, nay phải thành thực hồi tâm. Nhưng ông đã ném tờ tuyên cáo thảo sẵn ấy xuống đất, từ chối.
Ngày 29 tháng 7 năm 1907, nhân dịp Thành Thái không phê chuẩn việc bổ nhiệm một số quan lại đã được Khâm sứ Lévêque và Hội đồng Thượng thư thỏa thuận, Lévêque đã tuyên bố truất quyền và quản thúc Thành Thái trong Đại Nội. Một Hội đồng Phụ chính do Trương Như Cương cầm đầu được thành lập.
Ngày 3 tháng 9 năm 1907, triều thần theo lệnh của Pháp vào điện Càn Thành dâng vua dự thảo chiếu thoái vị, có chữ ký của các đại thần (trừ Ngô Đình Khả), với lý do sức khoẻ không bảo đảm, xin tự nguyện thoái vị. Xem xong bản dự thảo, Thành Thái chỉ cười nhạt, ghi hai chữ "phê chuẩn" rồi quay lưng đi vào.
Thực dân Pháp đã ép vua Thành Thái thoái vị và sau đó bắt buộc phải lưu đày biệt xứ .
Ngày 12 tháng 9 năm 1907, Thành Thái bị đưa đi quản thúc ở Bạch Dinh, Cap Saint Jacques (Vũng Tàu ngày nay). Đến nǎm 1916 ông bị đày ra đảo Réunion cùng với con trai là vua Duy Tân.
Ông cùng gia đình thuê một căn nhà ở thành phố Saint Denis tại đảo Réunion . Cuộc sống của cha con cựu hoàng Thành Thái rất chật vật. Già cả ốm đau, con cái nheo nhóc và tâm trạng luôn mang nặng nỗi buồn vong quốc .
Đầu tháng 5 năm 1945 , nhờ sự vận động của con gái và con rể của ông, vợ chồng luật sư Vương Quang Nhường, cựu hoàng Thành Thái mới được cho về Việt Nam. Ông cùng gia đình sống ở Villa Anna tại Cap Saint Jacques (Vũng Tàu).
Tháng 3 năm 1953, ông được phép về Huế thăm lăng tẩm cha mẹ.
Ông mất ngày 20 tháng 3 năm 1954 tại Sài Gòn và được an táng tại khuôn viên thành An Lăng (lăng Dục Đức) tại xã An Cựu, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên, thọ 75 tuổi.
Tiểu Sử Vua Duy Tân .
Duy Tân (chữ Hán: 維新 19 tháng 9 năm 1900 – 26 tháng 12 năm 1945), tên khai sinh là Nguyễn Phúc Vĩnh San (阮福永珊),sinh ngày 26 tháng 8 năm Canh Tý, tức 19 tháng 9 năm 1900 tại Huế.
Vua Duy Tân là vị hoàng đế thứ 11 của nhà Nguyễn, ở ngôi từ năm 1907 đến năm 1916, sau vua Thành Thái. Khi vua cha Thành Thái bị thực dân Pháp lưu đày, ông được người Pháp đưa lên ngôi khi còn thơ ấu. Tuy nhiên, ông dần dần khẳng định thái độ bất hợp tác với Pháp.
Năm 1916, lúc ở châu Âu có cuộc Đại chiến, ông bí mật liên lạc với các lãnh tụ Việt Nam Quang Phục Hội như Thái Phiên, Trần Cao Vân dự định khởi nghĩa. Tuy nhiên, dự định bại lộ và Duy Tân bị bắt ngày 6 tháng 5 và đến ngày 3 tháng 11 năm 1916 ông bị đem an trí trên đảo Réunion ở Ấn Độ Dương.
Việt Nam Quang phục Hội được Phan Bội Châu thành lập từ 1912. Biết được vua Duy Tân là người yêu nước chống Pháp nên Việt Nam Quang Phục Hội quyết định móc nối. Hai lãnh đạo của hội là Trần Cao Vân và Thái Phiên bỏ tiền vận động người tài xế riêng của vua Duy Tân xin thôi việc. Thay vào đó là Phạm Hữu Khánh, một thành viên của Hội.
Trần Cao Vân (1866 - 1916) - một trong những lãnh tụ của Việt Nam Quang phục Hội.
Tháng 4 năm 1916, khi vua Duy Tân ra bãi tắm Cửa Tùng nghỉ mát, Phạm Hữu Khánh có đưa cho vua một bức thư của hai lãnh tụ Trần Cao Vân và Thái Phiên. Duy Tân đọc thư và muốn gặp hai người này. Ngày hôm sau, ba người cùng đến câu cá ở Hậu hồ, vua Duy Tân đồng ý cùng tham gia khởi nghĩa. Khởi nghĩa dự định được tổ chức vào 1 giờ sáng ngày 3 tháng 5 năm 1916.
Nhưng cuối tháng 4, một thành viên của Việt Nam Quang Phục Hội ở Quảng Ngãi là Võ An đã làm lộ tin. Chiều ngày 2 tháng 5, công sứ Pháp ở Quảng Ngãi là de Taste mật điện với Khâm sứ Trung kỳ biết tin. Nghe tin, khâm sứ Charles ra lệnh thu súng ở các trại lính người Việt cất vào kho và cấm trại không cho một người lính Việt nào ra ngoài.
Đêm 2 tháng 5, Trần Cao Vân và Thái Phiên đưa thuyền đến bến Thương Bạc đón vua Duy Tân. Nhà vua cải trang theo lối thường dân đi cùng hai người hộ vệ là Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu. Họ tới làng Hà Trung, lên nhà một hội viên Việt Nam Quang Phục Hội để chờ giờ phát lệnh bằng súng thần công ở Huế. Nhưng chờ đến ba giờ sáng vẫn không nghe hiệu lệnh, biết đã thất bại, Trần Cao Vân và Thái Phiên định đưa vua Duy Tân tới vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi. Sáng ngày 6 tháng 5 năm 1916, họ bị bắt.
Khâm sứ tại Huế Charles và Toàn quyền thuyết phục vua Duy Tân trở lại ngai vàng nhưng ông không đồng ý:
“ Các ngài muốn bắt buộc tôi phải làm vua nước Nam, thì hãy coi tôi như là một ông vua đã trưởng thành và có quyền tự do hành động, nhất là quyền tự do trao đổi tin tức và ý kiến với chính phủ Pháp. ”
Pháp bắt triều đình Huế phải xử, Thượng thư bộ Học Hồ Đắc Trung được ủy nhiệm thảo bản án.
Trần Cao Vân khi đó bị giam trong ngục, nhờ được người đưa tin cho Hồ Đắc Trung xin được lãnh hết tội và xin tha cho vua. Hồ Đắc Trung làm án đổ hết tội cho 4 người Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Đề và Nguyễn Quang Siêu. Bốn người bị xử chém ở An Hòa.
Vua Duy Tân bị đày đi đảo La Réunion ở Ấn Độ Dương cùng với vua cha Thành Thái vào năm 1916.
Ngày 3 tháng 11 năm 1916, gia đình vua Thành Thái và Duy Tân lên tàu Guadiana ở Cap Saint-Jacques (Vũng Tàu). Đến ngày 20 tháng 11 họ tới bến Pointe de Galets đảo La Réunion lúc 7 giờ rưỡi sáng.
Trong Chiến tranh thế giới thứ hai (1939 - 1945) ông gia nhập quân Đồng Minh chống phát xít Đức.
Ngày 26 tháng 12 năm 1945, ông mất vì tai nạn máy bay ở Cộng hòa Trung Phi, hưởng dương 45 tuổi.
Ngày 28 tháng 3 năm 1987, thi hài ông được đưa từ M'Baiki, Cộng hòa Trung Phi về Việt Nam, rồi đưa về an táng tại Lăng Dục Đức, Huế cạnh lăng mộ vua cha Thành Thái. Ông không có miếu hiệu.
Giai thoại​ .
Một lần nhà vua thiếu niên từ bãi tắm Cửa Tùng hàng năm ông hay ra đây nghỉ mát, tay chân dính cát. Thị vệ bưng chậu nước cho vua rửa. Duy Tân vừa rửa vừa hỏi:
"Khi tay dơ thì lấy nước mà rửa, khi nước bẩn thì lấy chi mà rửa?"
Người thị vệ chưa biết trả lời ra sao thì vua Duy Tân nói tiếp:
"Nước dơ thì phải lấy máu mà rửa, hiểu không? ./.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn