NHỮNG VÌ SAO ĐẤT NƯỚC - ĐẾ QUỐC VIỆT NAM ( 11/3/1945 - 22/8/1945 ) - THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ : LỆ THẦN TRẦN TRỌNG KIM

27 Tháng Mười Hai 20209:35 CH(Xem: 1790)
Giáo Sư Trần Trọng Kim xuất thân trong một gia đình Nho giáo, từ nhỏ ông học chữ Hán. Vào năm 1897, ông theo học tại Trường Pháp-Việt Nam Định và học chữ Pháp. Năm 1900, ông thi đỗ vào Trường Thông ngôn và đến năm 1903 thì tốt nghiệp.
Năm 1904, ông làm Thông sự ở Ninh Bình. Năm 1905, vì hiếu học nên ông qua Pháp học trường Thương mại ở Lyon. Năm 1906, nhân có Hội chợ đấu xảo tại Marseille, Pháp, ông xin làm một chân thợ khảm để được đi với Nguyễn Văn Vĩnh (1882-1936) sang dự.
Sau hội chợ, ông xin ở lại để học thêm tại các trường ở Ardèche, Lyon rồi tiếp tục học ở Trường thuộc địa. Năm 1909, ông vào học trường Sư phạm Melun và tốt nghiệp ngày 31 tháng 7 năm 1911 rồi về nước.
Ông lần lượt dạy Trường trung học Bảo hộ (Trường Bưởi), Trường Hậu bổ và Trường nam Sư phạm. Ông là nhà sư phạm mẫu mực, có uy tín trong xã hội, giữ nhiều chức vụ trong ngành giáo dục thời Pháp thuộc như:
Thanh tra Tiểu học (1921)
Trưởng ban Soạn thảo Sách Giáo khoa Tiểu học (1924), dạy Trường Sư phạm thực hành 1931
Giám đốc các trường nam tiểu học tại Hà Nội (1939)
Từ thập niên 1910 đến thập niên 1940, ông cũng viết nhiều sách về sư phạm và lịch sử. Ngoài ra ông còn tham gia các hoạt động xã hội. Ông là Phó trưởng ban Ban Văn học của Hội Khai trí Tiến Đức, Nghị viên Viện Dân biểu Bắc Kỳ, Trưởng ban nghiên cứu Phật học của Hội Bắc kỳ Phật giáo.
Ngày 9 tháng 3 năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm thuộc địa Đông Dương. Vấn đề quan trọng nhất đối với quân Nhật là duy trì bằng được "trật tự và ổn định" cho việc phòng thủ nước Nhật trước đà tấn công của quân Đồng Minh.
Tuy nhiên, đúng lúc đó, bộ máy hành chính thực dân mà Nhật kế thừa từ Pháp đã tan rã, vì thế việc thành lập bộ máy cai trị bản xứ đặt ra cấp bách.
Ngay từ đêm 8/3, quân Nhật Bản đã được phái đến canh giữ nghiêm ngặt nhà của các quan lớn trong triều Nguyễn. Họ giữ các quan này ở trong nhà để chờ lệnh từ chỉ huy Nhật. Quân Nhật đi tìm tất cả các quan trong Viện cơ mật và giam họ lại một chỗ. Đến sáng 9/3, khi đã đưa được Bảo Đại về kinh đô, Bản tuyên bố hủy bỏ các hiệp ước nhà Nguyễn đã ký với Pháp và Bản tuyên bố giải tán Viện cơ mật, tất cả nhằm dọn đường cho việc thành lập nội các Đế quốc Việt Nam.
Ngày 11 tháng 3 năm 1945, triều đình Huế tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, thành lập Đế quốc Việt Nam.
Vua Bảo Đại liền giải tán Hội đồng cơ mật gồm Thượng thư sáu bộ, tuyên bố : “ Cứ theo tình hình chung trong thiên hạ, tình thế riêng cõi Đông Á, chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này Hòa ước Bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập. ”
Vua Bảo Đại đã cho mời Giáo Sư Trần Trọng Kim đứng đầu để thành lập Chính phủ Đế Quốc Việt Nam .
Chỉ trong bốn tháng làm việc với chủ quyền và độc lập rất hạn chế, Chính phủ Trần Trọng Kim đã tạo biểu tượng, đặt nền tảng về pháp lý và giáo dục cho Việt Nam nhiều năm sau.
Nội các Đế quốc Việt Nam của học giả Trần Trọng Kim (1883-1953) tồn tại từ ngày 17/04 đến 25/08 năm 1945 gồm toàn các trí thức: một giáo sư, hai kỹ sư, bốn bác sĩ, bốn luật sư.
Đó là các ông Trần Trọng Kim, Hoàng Xuân Hãn, Hồ Tá Khanh, Trịnh Đình Thảo, Vũ Trọng Khánh, Vũ Ngọc Anh, Trần Văn Chương, Trần Đình Nam, Vũ Văn Hiền, Phan Anh và Nguyễn Hữu Thi.
Năm việc lớn chính phủ của ông làm được năm 1945:
1. Lập lại quốc hiệu Việt Nam
Đây là tên nước 'ước mơ' của Hoàng đế Gia Long nhưng không được Thanh triều công nhận.
Tên nước Đại Nam do Vua Minh Mạng đặt đã bị Pháp xóa để lập ra Bắc Kỳ, Trung Kỳ và Nam Kỳ trong Liên bang Đông Dương.
Được Nhật Bản trao trả 'độc lập', vua Bảo Đại và chính phủ đã nhanh chóng tuyên bố quốc hiệu là Việt Nam.
Đây cũng là cái tên mà Nguyễn Thái Học, Phan Bội Châu đặt cho các đảng phục quốc, cách mạng.
Riêng phái cộng sản chưa dùng tên này cho ba đảng đầu tiên của họ mà từ 1930 đã hợp nhất thành Đảng Cộng sản Đông Dương.
Quốc hiệu Việt Nam do chính phủ Trần Trọng Kim tuyên bố với thế giới sau đã thành tên nước cho cả hai chế độ ở Nam và Bắc đến 1975 và ngày nay.
Đế quốc Việt Nam năm Bảo Đại 20 chọn cờ vàng ba sọc đỏ với một sọc đứt quãng theo quẻ Ly của Kinh Dịch làm quốc kỳ.
Nhà Nho học Trần Trọng Kim dẫn sử để nói đó là màu cờ vàng của Triệu Thị Trinh khi khởi nghĩa chống quân Ngô.
2. Dùng tiếng Việt làm quốc ngữ và Việt hóa giáo dục
Dù có một số nỗ lực dùng tiếng Nhật thời Nhật Bản chiếm Đông Dương, tiếng Pháp vẫn là ngôn ngữ hành chính bên cạnh tiếng Việt và một số văn bản Hán ngữ đến năm 1945.
Giáo sư Hoàng Xuân Hãn, Bộ trưởng Giáo dục, đóng vai trò chính trong việc ra quyết định dùng tiếng Việt hệ quốc ngữ thay tiếng Pháp.
Ông soạn các sách giáo khoa, gồm cả sách toán, kỹ thuật lần đầu bằng tiếng Việt và đưa bộ Quốc văn Giáo khoa thư vào áp dụng ngay trong niên học 1945-46 tại Bắc Kỳ và Trung Kỳ.
Đây là cơ sở cho chương trình trung học trên toàn Việt Nam ở cả hai miền dưới hai chế độ đối nghịch.
Các sách giáo khoa chịu ảnh hưởng của giai đoạn Hoàng Xuân Hãn vừa giảng dạy, vừa nghiên cứu từ 1936 đến 1947.
Đó là thời gian ông xuất bản tiểu sử Lý Thường Kiệt và La Sơn phu tử, soạn từ vựng danh từ khoa học Toán Lý Hóa cho người Việt Nam
3.Đòi lại miền Nam để thống nhất lãnh thổ
Theo sử gia Lê Mạnh Hùng, ngày 16/06, Vua Bảo Đại ra tuyên bố thống nhất tương lai của ba kỳ về một.
Chính phủ Trần Trọng Kim cũng ngay lập tức đàm phán với Nhật để đòi lại ba thành phố trực trị của người Pháp trước đó là Hà Nội, Hải Phòng và Đà Nẵng.
Cuộc gặp của Trần Trọng Kim với gặp Trung tướng Yuitsu Tsuchihashi, Tư lệnh Quân đoàn 38 của Nhật tại Đông Dương trong tháng 7 đã đem lại kết quả quan trọng.
Tân chính phủ Việt Nam được bổ nhiệm lãnh đạo ba đô thị lớn: Trần Văn Lai làm Thị trưởng Hà Nội, Vũ Trọng Khanh làm Thị trưởng Hải Phòng và Nguyễn Khoa Phong làm Thị trưởng Tourane (Đà Nẵng).
Ở Hà Nội, bác sĩ Trần Văn Lai đã cho đổi tên phố từ tên Pháp sang tên những vị anh hùng dân tộc Việt Nam.
Sang tháng 8/1945, Nhật Bản đồng ý trao trả Nam Kỳ cho chính phủ Trần Trọng Kim và ông Nguyễn Văn Sâm được bổ nhiệm làm Khâm Sai Nam Kỳ.
Không có quân đội riêng, chính phủ Trần Trọng Kim chỉ dựa vào tình thế và quyết tâm của các trí thức để đàm phán với Nhật Bản.
Nhưng về mặt chính trị, tâm lý dân tộc và hành chính, nhận lại Nam Kỳ là thành tựu có tính biểu tượng quan trọng.
Hành động này không chỉ xóa nỗi nhục bại trận - cuộc chiến mất nước của Đại Nam bắt đầu từ Nam Kỳ - mà còn duy trì giấc mơ thống nhất ba miền các bậc tiền bối nuôi dưỡng.
4.Soạn hiến pháp nhấn mạnh tự do và độc lập
Dù không có thực quyền và không được các đại cường công nhận - bởi là chính quyền có quan hệ mật thiết với Đế quốc Nhật - Trần Trọng Kim, đã lập ra Hội đồng dự thảo Hiến pháp.
Hội đồng gồm các trí thức, văn nghệ sỹ nổi tiếng: Phan Anh, Nguyễn Tường Long, Vũ Đình Hòe, Huỳnh Thúc Kháng, Đặng Thai Mai, Tôn Quang Phiệt, Hồ Tá Khanh, Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Văn Thinh, Hồ Hữu Tường.
Hiến pháp công nhận tự do lập nghiệp đoàn, các hội nghề nghiệp.
Tổng hội Công chức ra đời để làm lực lượng chính trị ủng hộ cho tân chính phủ.
Các hội đoàn thanh niên sau là cơ sở cho các phong trào vũ trang chống Pháp của cả phe cộng sản và cộng hòa.
Trong Tuyên chiếu 03/05/1945, vua Bảo Đại đã viết:
"Muốn cải-tạo quốc-gia, chính-phủ cần hành động cho quy-củ nghĩa là phải có hiến pháp.
Hiến pháp tương lai của Việt-Nam sẽ căn cứ vào sự hợp nhất quốc-gia, sự quân dân cộng tác, và những quyền tự do chính-trị tôn-giáo cùng nghiệp-đoàn của nhân-dân."
Đặc biệt, theo lời nhà vua, "Chính phủ ngày nay không phải phụng sự một cá nhân hay một đảng phái nào cả."
Tuy nhiên, hoạt động lập pháp này đã không hoàn tất được vì các công việc cấp bách hơn như cứu đói cho miền Bắc.
Theo sử gia Trần Gia Phụng, chính phủ Trần Trọng Kim tuy được Nhật hậu thuẫn, nhưng từ khi thành lập cho đến khi giải tán, đã hoạt động độc lập và không lệ thuộc người Nhật.
5. Rút lui và trao quyền
Các hạn chế của chính phủ Trần Trọng Kim đã được nói đến nhiều, gồm cả việc không có Quốc hội, không có quân đội và không được nước nào công nhận ngoài Đế quốc Nhật Bản.
Nội các này đã tan rã trong làn sóng cách mạng nổi lên và mục tiêu giành giật vùng ảnh hưởng của các đại cường.
Ý thức được những vấn đề đó, các trí thức trong chính phủ này đã chọn con đường trao lại quyền lực không đổ máu .
Là chính phủ chuyên viên đầu tiên của Việt Nam thời hiện đại, nội các Trần Trọng Kim đã rút lui trong hòa bình để trao quyền lại cho thế hệ các chính khách cách mạng chuyên nghiệp.
Theo chính lời ông Trần Trọng Kim kể lại, quốc gia Việt Nam đã nhanh chóng rơi vào giai đoạn tàn sát lẫn nhau giữa Việt Minh và Việt Nam Quốc Dân Đảng trong các năm 1945-46.
Về thể chế, Đế quốc Việt Nam rút lui đã khép lại thời kỳ quân chủ để chuyển sang cộng hòa với các tiến bộ và hệ lụy về sau ...
Mặc dầu chỉ tồn tại thời gian ngắn từ 11-3-1945 đến 22-8-1945 . Nhưng Chính phủ Đế Quốc Việt Nam do Thủ Tướng Trần Trọng Kim điều hành là chính quyền đại diện Việt Nam, đầu tiên thu hồi lại toàn bộ lãnh thổ Việt Nam từ tay của Thực dân Pháp cai trị và mở ra một kỷ nguyên Độc Lập cho đất nước Việt Nam với danh xưng Đế Quốc Việt Nam .
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn