[ LỊCH SỬ CẬN ĐẠI VIỆT NAM 1945 - 1975 ] 19-6-1965 QUỐC TRƯỞNG PHAN KHẮC SỬU TRAO QUYỀN CHO QUÂN LỰC VNCH ĐIỀU HÀNH QUỐC GIA : VIỆT NAM CỘNG HÒA ĐỆ NHỊ .

19 Tháng Mười Hai 20239:08 CH(Xem: 541)
Ngày 20.7.1954 đánh dấu ngày Quốc Hận thứ nhất của dân tộc Việt Nam, sau khi Cộng sản HCM cùng với thực dân Pháp ký kết Hiệp định Genève chia đôi đất nước, lấy vĩ tuyến thứ 17 chạy ngang con sông Bến Hải làm ranh giới Bắc Nam. Đó cũng là ngày đánh dấu cuộc di cư từ bỏ chế độ cộng sản lần thứ nhất của người Việt với gần một triệu dân miền Bắc gồng gánh bồng bế nhau tìm đủ mọi cách để được đáp tàu vào vùng đất miền Nam tự do, nơi đó nước Việt Nam Cộng Hòa non trẻ đang chập chững những bước đầu tiên trong cộng đồng chính trị thế giới.
Giữa bối cảnh một nửa đất nước oằn oại rên siết trong gông cùm cộng sản, trong bóng đêm của dối trá và tội ác, một nửa nước còn lại vừa phải đối phó với quân cộng sản còn nằm mai phục trong các chiến khu cũ thời Pháp và đương đầu với những vấn đề ổn định nội bộ, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, danh xưng lúc đó là Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, tiếp nhận tài sản và phương tiện nghèo nàn do phía quân đội Pháp hồi hương bàn giao lại, đảm nhận trọng trách nặng nề bảo quốc an dân.
Ngày 1.7.1955 Bộ Tổng Tham Mưu của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam chính thức hình thành, đánh dấu ngày khai sinh một quân lực non trẻ mà đã dám chiến đấu chống lại cả một đại khối cộng sản quốc tế hung hãn tràn xuống từ phương Bắc. Hồ Chí Minh kẻ giết hàng triệu người mà miệng vẫn cười ... một cán bộ cao cấp của cộng sản quốc tế, cúi đầu nhận vũ khí và thực hiện sách lược “Dùng người Việt giết người Việt” của quan thầy Nga Sô và Trung Cộng, vơ vét thanh thiếu niên miền Bắc đẩy vào miền Nam , dùng tổ chức tay sai Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam thực hiện sách lược “Dùng người Miền Nam giết người Miền Nam” tàn sát chính đồng bào ruột thịt của mình.
Thời của Tổng Thống Ngô Đình Diệm của nền Đệ Nhất Cộng Hòa, sau khi ông tự hợp lệ hóa chức vụ Tổng Thống trong cuộc Trưng Cầu Dân Ý 1955 đầy sự tuyên truyền một chiều giả hiệu và độc diễn màn " Truất phế Bảo Đại " .
Quân Đội Quốc Gia Việt Nam được cải danh thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, với xác quyết quân đội sẽ được phát triển và tối tân hóa thành một đạo quân mạnh để đập tan bất cứ một cuộc xâm lược nào từ phương Bắc. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong suốt lịch sử 20 năm chiến đấu bảo vệ tổ quốc, tuy có những lúc thăng trầm nghiêng ngửa, có những lúc thiệt hại nặng nề, nhưng những người chiến binh dũng cảm Việt Nam Cộng Hòa vẫn giữ vững ý chí chiến đấu, không chấp nhận chế độ cộng sản, quyết đánh cho đến hơi thở và giọt máu cuối cùng.
Từ ngày 1.11.1963, sau khi một nhóm tướng lãnh đảo chánh lật đổ Tổng Thống Diệm, đất nước và quân đội Việt Nam Cộng Hòa bị suy yếu trầm trọng vì tình trạng chỉnh lý tranh giành quyền lực liên miên giữa các tướng lãnh và do sự bất mãn ,buông thả nhiệm vụ của nhiều sĩ quan và binh sĩ mất chỗ dựa từ chế độ Ngô Đình Diệm . Cộng Sản HCM nương cơ hội này lăm le tràn xuống đánh dứt điểm miền Nam. Hồi tưởng lại hoàn cảnh đất nước thật đen tối trước ngày 19.6.1965, vận mệnh của nước Việt Nam Cộng Hòa như sợi chỉ mỏng manh treo nghìn cân trước làn sóng xâm nhập đã bắt đầu ồ ạt với hàng trăm ngàn quân chính qui CS đã có mặt ở Miền Nam.
Về chính trị, tình hình đầy xáo trộn và bất ổn. Những cuộc xuống đường dưới sự khích động của những phần tử cộng sản nằm vùng và trà trộn liên miên xảy ra, mà hậu quả hiển nhiên và tức thì là sự rối loạn, khẩn trương của xã hội, dân chúng lúc nào cũng lo âu trước thời cuộc hỗn độn. Cộng sản nhân đó gia tăng những hoạt động tuyên truyền, phá hoại, lũng đoạn hàng ngũ những người Quốc Gia. Ở nông thôn thì cộng sản gia tăng khủng bố dân chúng, bắt cóc, thủ tiêu và ám sát dã man những viên chức xã ấp tận tụy với chính nghĩa quốc gia, thậm chí những người dân vô tội dù chỉ tỏ chút ngần ngừ hay biểu lộ thái độ không hợp tác, ủng hộ, là đã có thể bị cộng sản tuyên án tử hình và hạ sát. Bầu không khí sợ hãi, chết chóc bao trùm khắp miền nông thôn, nhất là ở những cùng xa xôi hẻo lánh mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa chưa thể thiết lập nền an ninh vững chắc.
Về mặt quân sự, lợi dụng lúc giao thời, chính phủ dân sự Việt Nam Cộng Hòa không có khả năng tập họp được sức mạnh của quân đội, cộng sản liên tục cho binh đội xâm nhập Miền Nam, chuyển dạng thái chiến tranh xâm lược từ du kích chiến sang vận động chiến, mở những trận đánh lớn để thử thách sức mạnh và ý chí chiến đấu của quân dân Việt Nam Cộng Hòa, điễn hình là những trận đánh Bình Giả và Đồng Xoài cuối năm 1964 và giữa năm 1965. Trong bối cảnh chính tình nhiễu nhương, quân đội không được lãnh đạo và chỉ huy thích đáng, đã đưa đến thiệt hại rất nặng cho quân ta trong hai trận đánh này, mà chỉ trông cậy vào trái tim nồng nàn tình đất nước tình đồng bào và chính thân xác của các anh, người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa mới có thể cắn răng ngăn chống được cơn sóng dữ cộng sản đã mấp mé gần ngưỡng cửa Sài Gòn.
Về mặt kinh tế, vì chiến tranh tàn phá, đất đai bị bỏ hoang, do đó mức sản xuất sút kém, đời sống dân chúng lệ thuộc vào ngoại viện. Một đất nước từng xuất cảng gạo mà phải nuốt nước mắt nhận những hạt gạo gọi là viện trợ của nước ngoài. Trong khi đó cộng sản luôn tìm cơ hội cắt đứt đường tiếp tế giữa nông thôn và thành thị, làm cho mức sinh hoạt của xã hội ngày càng đắt đỏ và rất khó kiểm soát, gian thương lộng hành trắng trợn. Người dân ở thành thị khốn khổ vì nạn vật giá gia tăng hàng ngày bao nhiêu, thì người dân ở nông thôn càng oằn nặng dưới sự khủng bố và bóc lột ghê rợn của cộng sản bấy nhiêu. Đóng góp nuôi quân, thuế khóa nặng nề, dân công, sưu địch, con em bị bắt buộc cầm súng trong vùng cộng sản kiểm soát đã là nguyên nhân thúc đẩy đồng bào liều chết bỏ chạy ra vùng quốc gia để được quân đội bảo vệ và chính quyền giúp đỡ.
Hoàn cảnh bi đát của Việt Nam Cộng Hòa trước ngày 19.6.1965 là như vậy. Đất nước đã bước đến mấp mé bên bờ vực thẳm, chỉ một bước nữa thôi, quân dân Miền Nam rất có thể sẽ nằm dưới sự thống trị của cộng sản Hà Nội. Nhưng những người lính Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ cho phép điều đó xảy ra. Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, một tập thể duy nhất có tổ chức chặt chẽ và tinh thần kỷ luật cao, không thể chần chờ trước cơn quốc biến, nên đã đứng ra nhận chịu trên vai trách nhiệm nặng nề cứu nguy đất nước và dân tộc. Cho đến gần giữa năm 1965, Hội Đồng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã loại bỏ được những thế lực phân chia sức mạnh quân đội, cùng chia xẻ trách nhiệm lãnh đạo và điều hành guồng máy quốc gia. Nhưng để tỏ rõ thiện chí và quyết tâm kiến tạo nền dân chủ cho Miền Nam.
Ngày 5.5.1965, Hội Đồng Quân Lực đã quyết định trao quyền lãnh đạo đấ nước lại cho chính phủ dân sự, cụ Phan Khắc Sửu được mời làm Quốc Trưởng, Bác sĩ Phan Huy Quát làm Thủ Tướng. Nhưng cũng chỉ hơn một tháng sau, ngày 11.6.1965, chính phủ dân sự do cụ Phan Khắc Sửu làm Quốc Trưởng nhận định rằng tình hình đất nước đã đến lúc lâm nguy nếu người quốc gia không mạnh mẽ hành động và tìm ra một con đường tức thời nào đó. Con đường đó, sau những cân nhắc, chính là sức mạnh của Quân Đội. Chính phủ Phan Khắc Sửu quyết định trao trả quyền lãnh đạo đất nước lại cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bằng tuyên cáo chính thức như sau:
TUYÊN CÁO CỦA QUỐC TRƯỞNG - CHỦ TỊCH HỘI ĐỒNG QUỐC GIA LẬP PHÁP VÀ THỦ TƯỚNG CHÁNH PHỦ VIỆT NAM CỘNG HÒA
Sau khi duyệt lại tình trạng ngày càng một khẩn trương của đất nước, sau khi đã xét lại và xác nhận rằng : những cơ cấu và thể chế Quốc Gia hiện tại không còn phù hợp với tình thế, sau khi đã hội ý cùng toàn thể tướng lãnh Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa tại Phủ Thủ Tướng ngày 11.6.1965, chúng tôi, Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa, Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp, Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa đồng thanh quyết định long trọng trao trả lại cho Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa trách nhiệm và quyền hành lãnh đạo quốc gia đã được Hội Đồng Quân Lực ủy thác cho chúng tôi chiếu theo Quyết Định số 8 ngày 5.5.1965, Tuyên Cáo số 7 ngày 5.5.1965, Quyết Định số 5 ngày 16.2.1965, Quyết Định số 6 ngày 17.2.1965 và Quyết Định số 4 ngày 16.2.1965.
Yêu cầu toàn thể đồng bào các giới không phân biệt giai tầng địa phương, đảng phái và tôn giáo, ủng hộ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong việc lãnh đạo toàn Quân và toàn Dân đúng theo tinh thần của Cách Mạng 1.11.1963.
Làm tại Sài Gòn ngày 11.6.1965
Phan Khắc Sửu
Quốc Trưởng Việt Nam Cộng Hòa
Phan Huy Quát
Thủ Tướng Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa
Phạm Xuân Chiểu
Chủ Tịch Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp
Ngày 12.6.1965, trong một buổi họp quy tụ tất cả những tướng lãnh đang nắm những trọng trách trong Quân Đội từ cấp Tổng Tham Mưu Trưởng, Tư Lệnh bốn Vùng Chiến Thuật cho đến các Tư Lệnh Quân Binh Chủng, Hội Đồng Quân Lực đã đề cử Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu đảm nhận chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (tương đương Tổng Thống), Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đảm nhận chức vụ Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (tương đương Thủ Tướng), thông qua quyết định như sau:
QUYẾT ĐỊNH THÀNH LẬP ỦY BAN LÃNH ĐẠO QUỐC GIA
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa
- Sau khi nghiên cứu Bản Tuyên Cáo Chung của Quốc Trưởng, Hội Đồng Quốc Gia Lập Pháp và Chánh Phủ Việt Nam Cộng Hòa ngày 11.6.1965 trao trả trách nhiệm và quyền hành lãnh đạo Quốc Gia cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
- Chiếu biên bản Đại Hội Đồng các Tướng Lãnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ngày 12.6.1965.
Các Tướng Lãnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, Tư Lệnh các vùng chiến thuật và quân binh chủng đã quyết định:
Quyết Định:
Điều 1. Thành lập một ủy ban lãnh đạo của Quân Lực mệnh danh là Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia.
Điều 2. Thành phần của Ủy Ban nói trên gồm có : một Chủ Tịch, một Tổng Thơ Ký, một Ủy Viên phụ trách điều khiển Hành Pháp, Tổng Trưởng Quốc Phòng, Tổng Tham Mưu Trưởng, các Tư Lệnh Vùng Chiến Thuật, Tư Lệnh Biệt Khu Thủ Đô.
Điều 3. Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia thay mặt toàn thể Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa điều khiển Quốc Gia.
Điều 4. Hoàn toàn tín nhiệm và chỉ định:
A. Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu.
B. Tổng Thư Ký : Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu.
C. Ủy Viên phụ trách điều khiển Hành Pháp: Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ.
Điều 5. Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia có nhiệm vụ thiết lập thể chế và các cơ cấu Quốc Gia cùng thành lập một Nội Các Chiến Tranh.
Sài Gòn, ngày 14 tháng 6 năm 1965
Toàn thể các Tướng Lãnh và Tư Lệnh Quân Binh Chủng
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa

Đó là ngày đánh dấu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đứng lên gánh vác hai trách nhiệm lớn: bảo vệ nền tự do độc lập của Việt Nam Cộng Hòa, làm tiền đồn ngăn chống làn sóng cộng sản và xây dựng một đất nước lạc hậu nghèo khó vì chiến tranh triền miên với mục đích tiến lên thành một quốc gia phú cường, ngẫng cao đầu sánh vai với cộng đồng thế giới. Ngày 19.6.1965 thành phần Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương trong một buổi lễ ra mắt được tổ chức long trọng ở Thủ Đô Sài Gòn, đã tuyên thệ trung thành với Tổ Quốc, nhận trách nhiệm lèo lái quốc gia và làm thành phần tiền phương của quân dân Việt Nam Cộng Hòa chỉ huy Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bảo vệ đất nước. Từ thời điểm đó, ngày 19.6 được đánh dấu như là một cái mốc lịch sử, một chương mới của cuộc chiến đấu chống đại khối cộng sản quốc tế của quân dân Miền Nam, mà Quân Lực Việt Nam Cộng hòa là thành phần gồng gánh trách nhiệm lãnh đạo đất nước, xây dựng nền độc lập, tự do và dân chủ, bình định những mầm móng nằm vùng bạo loạn, ở tiền tuyến thì chỉ huy quân đội ngăn chống cơn sóng xâm lăng cuồng sát của đạo quân hiếu chiến cộng sản . Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu sau khi đắc cử Tổng Thống đầu tiên của nền Đệ Nhị Cộng Hòa trong tháng 11.1967 vẫn tiếp tục cho tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm hàng năm ngày Quân Lực 19.6 với những cuộc diễn binh của tất cả các đơn vị và quân binh chủng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, để biểu dương sức mạnh và ý chí quật khởi của dân tộc Việt Nam chống xâm lược cộng sản từ phương Bắc.

Từ ngày 29-12-1954 Bộ Tham Mưu hỗn hợp Việt Pháp được cải tổ và cải danh thành Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, vào đầu năm 1956 các Bộ Tư Lệnh Quân khu được cải danh thành Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn; vào đầu năm 1958 các đơn vị Sư Đoàn Khinh Chiến, Dã Chiến cũng dần dà được canh tân thành các Sư Đoàn Bộ Binh; vào cuối năm 1965 các Lữ Đoàn Thủy Quân Lục Chiến, Liên Đoàn Nhảy Dù cũng theo đà canh tân Quân Đội, được bành trướng thành các Sư Đoàn Tổng Trừ Bị; các Đại Đội Biệt Động Quân được thành lập thành Tiểu Đoàn, Liên Đoàn, rồi Sư Đoàn; các đơn vị Thiết Giáp cấp Chi Đội, Chi Đoàn được canh tân, hiện đại hóa bằng những thiết giáp tân tiến và tăng trưởng thành các Thiết Đoàn; các Chiến Hạm Hải Quân cũ kỹ do quân đội Pháp để lại được thay thế bằng những chiến hạm tân tiến hơn, đồng thời ào ạt nhận thêm chiến hạm mới các phòng Hải Quân bên cạnh Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn được thành lập thành các Bộ Tư Lệnh Hải Quân Vùng; các đơn vị Không Quân từ những khu trục cơ cánh quạt được thay thế bằng những Phản Lực cơ siêu âm rồi các Phi Đoàn, Sư Đoàn Không Quân ra đời; các binh chủng, nha sở cũng được trang bị hiện đại hơn và tăng cường quân số cho phù hợp với nhu cầu của chiến trường và nhu cầu chỉ huy, liên lạc, tiếp vận. Chính vì vậy mà một vị Tướng lãnh tên tuổi ngoại Quốc (chúng ta thường có tinh thần vọng ngoại) đã phải tuyên bố xác nhận rằng : Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa là một quân lực tinh nhuệ và hùng hậu đứng vào hàng thứ năm trên thế giới.
Cũng từ năm đó, năm 1960 là năm mà Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa bắt đầu chao đảo theo tham vọng của một số các cấp chỉ huy, Quân Lực đã bị lợi dụng bởi tham vọng cá nhân, có khi còn bị lèo lái theo tướng số, bói toán và tử vi nữa.
Năm 1963 cơn bão loạn chính trị, được khơi dậy bằng những cuộc xuống đường, của học sinh, sinh viên, Phật Tử phản kháng lại sự độc tài , gia đình trị của anh em ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu . Trung Tướng Dương Văn Minh, số đông các tướng lãnh và một số sĩ quan trung cấp đang nắm quyền chỉ huy các đơn vị chung quanh Thủ Đô Sài Gòn đã lật đổ chính phủ Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963; Kết quả là hai anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị hạ sát trên thiết vận xa M113 ngay trong lòng Thủ Đô Sài Gòn-Chợ Lớn.
Ngày 18 tháng 11 năm 1963, Đại Tá Nguyễn Chánh Thi và Trung Tá Vương Văn Đông sau ba năm bôn ba nước ngoài vì đảo chánh không thành trở về nước.
Ngày 23 tháng 11 năm 1963, Tổng Thống Hoa Kỳ Kennedy bị ám sát tại Dallas tiểu bang Texas, Phó Tổng Thống L. Johnson lên thay.
Hơn một tháng say mê trên chiến thắng (Cách Mạng) một Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng được thành lập do Trung Tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch, các ủy viên gồm các Trung Tướng Trần Văn Đôn, Tôn Thất Đính, Trần Thiện Khiêm, Phạm Xuân Chiểu, Lê Văn Kim, Lê Văn Nghiêm, Mai Hữu Xuân, Trần Văn Minh; các Thiếu Tướng Đỗ Mậu, Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Hữu Có; Đồng thời Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng cũng chỉ định Đốc Phủ Sứ Nguyễn Ngọc Thơ thành lập chính phủ; (Phó Tổng Thống của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, người đã đánh lừa Ba Cụt, hứa nếu về đầu hàng chính phủ, sẽ được khoan hồng nhưng khi Ba Cụt về đầu hàng, lại cho một toán quân phục kích bắt sống Ba Cụt rồi đem xử tử). Nhưng thay vì mở rộng cho các đảng phái tham gia chính quyền, thì chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ lại là một chính phủ bè phái, chia rẽ, rõ rệt, nhất là sự hiện diện của nhóm sĩ quan Đại Việt, như Đại Tá Đỗ Kiến Nhiễu Đổng lý Văn phòng Quốc Trưởng Dương Văn Minh, Đại Tá Nhan Minh Trang Chánh Võ Phòng Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ, Đại Tá Nguyễn Văn Quang Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội, Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa Chỉ huy Trưởng Thiết Giáp Binh, Đại Tá Huỳnh Văn Tồn Tỉnh trưởng Gia Định, nhóm này chủ trương lật đổ chính phủ của Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ và mời lãnh tụ Đại Việt là Bác Sĩ Nguyễn Tôn Hoàn, đang sống lưu vong bên Pháp về lập chính phủ.
Nhưng dự tính nhóm này chưa kịp thi hành, thì bị Trung Tướng Trần Thiện Khiêm tư lệnh Quân Đoàn III phối hợp cùng Trung Tướng Nguyễn Khánh tư lệnh Quân Đoàn I, Đại Tá Nguyễn Chánh Thi tư lệnh phó Quân Đoàn I, dùng ưu thế trong Quân Đội dập tắt, trong phiên họp ngày 12-12-1963 tại Sài Gòn, quyết định ngày 31-1-1964 giải tán chính phủ, của Thủ Tướng Nguyễn Ngọc Thơ, quan trọng hơn nữa là trong phiên họp này, quyết định bắt giam tất cả các Tướng Lãnh chủ mưu cuộc đảo chánh Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vì lý do nhóm này chủ trương Trung Lập, (cho đến ngày hôm nay cũng chưa có bằng cớ xác thực), ỡm ờ vẫn giữ Trung Tướng Dương Văn Minh, người cầm đầu cuộc đảo chánh ở lại làm Tổng Thống, Trung Tướng Nguyễn Khánh làm Thủ Tướng, thành lập hội đồng Nhân Sĩ gồm 60 vị, Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng đổi tên thành, Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng, Trung Tướng Nguyễn Khánh làm chủ tịch thay thế Trung Tướng Dương văn Minh, rồi đến Tam Đầu Chế (bù nhìn). Tướng Nguyễn Khánh thao túng sân khấu chính trị, làm cho Quân Đội hoang mang, Dân chúng hoài nghi, và nhìn tất cả các tuồng diễn trên sân khấu chính trị, tại Sài Gòn lúc bấy giờ .
Tướng Khánh làm nhiều trò rất ngoạn mục, như hiến chương Vũng Tầu, Tam Đầu Chế (Nguyễn Khánh, Dương Văn Minh, Phan Khắc Sửu) phong cho ông Trần Văn Hương làm thủ tướng và một Thượng Hội Đồng Quốc Gia làm cố vấn cho chính phủ, vì Thượng Hội Đồng Quốc Gia không chịu làm bù nhìn, cho nên Tướng Nguyễn Khánh bắt giam các giới chức trong Thượng Hội Đồng này gồm cả nhà cách mạng Nguyễn Văn Lực (thân phụ của phi công Nguyễn Văn Cử), rồi đầy các nhân sĩ trong Thượng Hội Đồng Quốc Gia lên cao nguyên Trung Phần.
Ngày 7 tháng 6 năm 1964, Công Giáo biểu tình chống chính phủ rất qui mô tại công trường Lam Sơn.
Ngày 2 tháng 8 năm 1964, chiến hạm Maddox của Hoa Kỳ tuần tiễu ở vịnh Bắc Việt bị tàu tuần tiễu CS phóng ngư lôi tấn công, ba ngày sau tàu Mỹ lại bị tấn công, Phi cơ Mỹ trả đũa oanh tạc các tàu chiến và các vị trí quân sự tại ven biển Bắc Việt.
Ngày 26 tháng 8 năm 1964, ẩu đả giữa hai nhóm nhỏ Phật Giáo và Thiên Chúa giáo tại khu Thanh Bồ Đà Nẵng làm 11 người chết, 42 người bị thương, một số nhà bị đốt. Tại Sài Gòn cũng bùng lên tình trạng Phật Giáo và Thiên Chúa Giáo kình chống nhau, Linh Mục Hồ Văn Vui và Thượng Tọa Thích Tuệ Đăng phải ra tận nơi biểu tình của hai bên đang đối đầu nhau để hòa giải mới ổn định được tình hình, có tin cho rằng các cuộc chống chọi giữa Thiên Chúa Giáo và Phật Giáo là do Cộng sản giật dây, cả hai bên chỉ vì thiếu suy xét, chút xíu trở thành đại họa cho đất nước lúc bấy giờ, bài học này ngày nay vẫn còn nóng hổi.
Ngày 8 tháng 9 năm 1964, Tướng Nguyễn Khánh lại chỉ định Thượng Hội Đồng Quốc Gia mới, với nhiệm vụ triệu tập Quốc Dân Đại Hội, soạn thảo Hiến Chương, nhưng sau đó lại bị giải tán.
Ngày 13 tháng 9 năm 1964, Đảng Đại Việt đảo chánh, do Đại Tá Huỳnh Văn Tồn Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh và Trung Tướng Dương Văn Đức Tư Lệnh Quân Đoàn IV (bên ngoài ai cũng tưởng đây là cuộc đảo chánh do Tướng Đức chủ mưu, nhưng không phải như vậy, mà sự thật chủ mưu cuộc Đảo chánh này là do nhóm Sĩ Quan Đại Việt; Tướng Dương Văn Đức thuần túy là một quân nhân, ông cương trực thắng thắn nên dễ bị lợi dụng). Tướng Nguyễn Văn Thiệu lúc đó đang làm Tham Mưu Trưởng liên quân, tại Bộ Tổng Tham Mưu không có quân trong tay nên phải cầu cứu với Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi tư lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh về Sài Gòn để phản công; Tướng Thi nhờ vào uy tín và sự quen biết với các vị Tư Lệnh hai Binh Chủng Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến cũng như Quân Chủng Không Quân; nên ông đã chỉ huy phản công, dẹp Đảo chánh thành công rất dễ dàng.
Ngày 1 tháng 11 năm 1964, ông Trần văn Hương được đề cử làm Thủ Tướng chánh phủ, nhưng không được bao lâu bị chống đối mạnh mẽ từ khối sinh viên Phật Tử.
Ngày 16 tháng 2 năm 1965, sau hơn ba tháng cầm quyền Thủ Tướng Trần Văn Hương từ chức, rối loạn lại càng rối loạn hơn.
Ngày 19 tháng 2 năm 1965, Thiếu Tướng Lâm Văn Phát và Đại Tá Phạm Ngọc Thảo lại làm thêm màn bi kịch đảo chánh trên sân khấu Sài Gòn, nhưng cũng lại bị Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi Tư Lệnh Quân Đoàn I phối hợp cùng Thiếu Tướng Nguyễn cao Kỳ Tư Lệnh Không Quân dẹp tan, nhân dịp này Tướng Nguyễn Chánh Thi với danh nghĩa là Tư Lệnh Quân Đoàn Giải Phóng Thủ Đô, đã yêu cầu Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu giải nhiệm Tướng Nguyễn Khánh, chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH, được giao cho Trung Tướng Trần Văn Minh và ép buộc tướng Nguyễn Khánh phải xuất ngoại trị bệnh. (căn bệnh này là căn bệnh truyền nhiễm)
Ngày 25 tháng 2 năm 1965, Tướng Nguyễn Khánh lên đường lưu vong sau hơn một năm khuấy động,trước khi bước chân lên máy bay ông cầm một nắm đất và tuyên bố: “Tôi đem theo đất nước Việt Nam với tôi và tôi còn trẻ tôi sẽ trở lại đất nước khi có cơ hội” .
Cũng ngày 25 tháng 2 năm 1965, Thủ Tướng Phan Huy Quát thành lập chánh phủ, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu phó Thủ Tướng nhưng lại bị khối Công Giáo biểu tình chống đối, nên chánh phủ Phan Huy Quát phải giải tán sau gần bốn tháng cầm quyền đầy rối loạn, đồng thời Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu cũng nhận thấy ngôi vị của mình không có thực quyền nên đã cùng Thủ Tướng Quát thỏa thuận là nên trao quyền hành điều khiển Quốc Gia lại cho Quân Đội, sự thực các chính phủ dân sự không còn lối thoát, họ không do dân bầu mà do sự chỉ định, khi lên hay xuống cũng do chỉ định mà thôi, cho nên họ hoàn toàn bất lực, không có một chút uy quyền nào.
Ngày 8 tháng 3 năm 1965, hai tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ đổ bộ lên Đà Nẵng, đây là đơn vị đầu tiên của quân đội Hoa Kỳ chính thức tham chiến tại Việt Nam.
Tới đầu tháng 6 năm 1965, mọi việc đều rõ ràng, trong tình thế rối loạn này, nếu Quân Đội không nhận lãnh tạm thời điều khiển quốc gia, để tổ chức bầu cử chọn người lãnh đạo quốc gia, thì không một cá nhân hay đảng phái nào có thể đảm nhận vai trò điều khiển Quốc Gia trong giai đoạn nhiễu nhương này được.
Cho nên ngày 6 tháng 6 năm 1965, Hội Đồng Quân Lực đã nhóm họp khẩn cấp, cuộc họp này hoàn toàn do các Tướng lãnh Việt Nam chủ động, và kết quả là vẫn không bầu được một cơ cấu, sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm điều khiển Quốc Gia.
Ngày 11 tháng 6 năm 1965, cuộc họp giữa chính phủ dân sự chỉ định và Hội Đồng Quân Lực từ 9:00 giờ tối cho đến 3:00 giờ sáng ngày 12 tháng 6; Trong buổi họp này Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu và Thủ Tướng Phan Huy Quát đồng loạt từ chức, giao quyền hành cho Hội Đồng Quân Lực, mọi người đồng ý chờ quân đội chọn người, sau đó mới chọn ngày bàn giao chính thức, cuộc họp lịch sử này do sự thúc đẩy của Hoa Kỳ nhưng hoàn toàn không chịu áp lực của Hoa Kỳ, chương trình nghị sự hoàn toàn độc lập.
Ngày 12 tháng 6 năm 1965, các vị Tướng Lãnh và những vị có chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn trở lên họp từ 9:00 giờ sáng cho đến 9:00 giờ tối tại Bộ Tư Lệnh Binh Chủng Thủy Quân Lục Chiến, dưới sự canh gác vô cùng cẩn mật; Cuộc họp bàn cãi rất sôi nổi về việc chọn một người ra điều khiển Quốc Gia với danh xưng Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, không ai tình nguyện, nên các vị sau đây lần lượt được đề cử:
- Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu
- Trung Tướng Nguyễn Hữu Có
- Trung Tướng Nguyễn Chánh Thi
- Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ
Lúc đầu Trung Tướng Thiệu và Trung Tướng Có từ chối quyết liệt, sau đó Trung Tướng Thi cũng từ chối cuối cùng Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ nhận lãnh, sau cùng đi tới kết quả thành phần lãnh đạo như sau:
Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu Tham Mưu Trưởng Liên Quân làm Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (Quốc Trưởng).
Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ Tư lệnh Không Quân làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ Tướng).
Đồng thời các Tỉnh Trưởng, Quận Trưởng được lần lượt thay thế bằng các quân nhân (không có kinh nghiệm về hành chánh và cai quản) và lấy tên là Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Tỉnh hay Quận.
Nhưng để có thời gian chuẩn bị thành lập nội các, cho nên đến ngày 19 tháng 6 năm 1965, Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương mới chính thức tuyên bố nhận lãnh trách nhiệm lèo lái Quốc Gia và tuyên bố thành phần nội các; cùng quyết định tăng phụ cấp cho binh sĩ; cũng như chọn ngày 19 thang 6 là ngày Quân Lực .
Năm 1965 cũng chính là năm mà Cộng sản Việt Nam nhận định rằng: Sau gần hai năm lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm các tướng lãnh đã lo tranh giành quyền lực không chú ý gì đến quyền lợi của Quốc Gia Dân Tộc, không còn chú ý đến nhiệm vụ chính là Hành Quân bảo vệ dân, tiễu trừ Cộng sản nữa. Nắm cơ hội này chúng đã gửi các Sư Đoàn Chính Quy ào ạt Nam Tiến với mục đích là thôn tính trọn miền Nam; Nhìn rõ ý đồ đó nên Tổng Thống Hoa Kỳ L. Johnson đã quyết định đổ bộ các đại đơn vị Hoa Kỳ vào tham chiến kịp thời, nếu không QLVNCH với vũ khí lúc đó còn thô sơ (Garant, carbine và đại liên 30 ) khó có thể ngăn cản sự tấn công của đạo quân được trang bị tối tân hơn (AK 47, B40, B41 và hỏa tiễn điều khiển địa địa cũng như địa không). Tuy vậy QLVNCH cũng phản tỉnh sau hai năm mơ màng nên lệnh tổng động viên được ban hành, Thiếu Tướng Bùi Đình Đạm cấp thời được bổ nhiệm làm Giám Đốc Nha Động Viên Bộ Quốc Phòng, để thi hành lệnh Tổng Động Viên, trước tình thế khẩn trương của đất nước, các Quân Binh Chủng cũng được bành trướng chẳng hạn như Lữ Đoàn Nhảy Dù và Thủy Quân Lục Chiến, cấp tốc được thành lập thành Sư Đoàn.
Năm 1966 là năm đầu tiên lấy ngày 19-6 là ngày QUÂN LỰC; Một cuộc diễn binh rất quy mô trên đường Trần Hưng Đạo Thành Phố Sài Gòn Chợ Lớn, dưới đất các đoàn quân anh hùng lần lượt đi qua khán đài, trên trời các phi cơ đủ loại biểu diễn ngoạn mục mang lại niềm tin ở sức mạnh của Quân Đội cho dân chúng, nhất là sau một năm tình hình chính trị và quân sự được ổn định dân chúng lại càng an lòng hơn trước đây .
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn