NHỮNG NGÀY XƯA GHI DẤU SỬ XANH : CUỘC CHIẾN TRANH XÂM LƯỢC CỦA TRUNG QUỐC TẠI BIÊN GIỚI BẮC VIỆT NAM (17/2/1979 --- 18/3/1979) .

16 Tháng Hai 20238:59 CH(Xem: 819)
(743)
Ngày 1-5-1975, CSHCM ban hành một bản đồ mới của nước VN thống nhất, trong đó có hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (hiện do hải quân CS chiếm giữ 6 đảo, khi VNCH di tản ), mà chính Hồ Chí Minh và Phạm Văn Đồng đã giấy trắng mực đen, xác nhận thuộc chủ quyền của Trung cộng vào năm 1958. Đây cũng là một nguyên cớ, để Tàu xâm lăng VN vào mùa xuân năm 1979. Thật ra tình hữu nghi giữa hai nước, đã lung lay từ năm 1967, khi Trung cộng xuí giục Nam Lào tấn công Pathet Lào, vốn là chư hầu của CSHCM . Rồi từ khi Hồ Chí Minh qua đời năm 1969, quyền hành lọt vào tay Lê Duẩn, Lê Đức Thọ vốn thân Nga, lúc đó là kẻ thù không đội trời chung của Trung cộng, nên sự rạn nứt của tình đồng chí lại càng thêm nứt rạn. Nhưng vì kẻ thù trước mặt là Nga-Mỹ vẫn còn, vì vậy hai đảng cố quên bất đồng để hợp tác giai đoạn.
Nhưng tới khi Mao Trạch Đông thăng hà vào năm 1976, Đặng Tiểu Bình lên nối ngôi, đã chấm dứt sự leo dây của CSHCM từ lâu, vì Đặng đã biết rõ CS lúc ấy đang ngả hẳn theo Nga. Nhiều cuộc đụng độ đã xảy ra tại biên giới Hoa-Việt, mà chủ động luôn luôn do Hồng quân gây hấn, theo lệnh của Đặng Tiểu Bình. Đây là một đòn hù dọa cũng như áp lực CS lúc đó đang tiến hành chính sách cải tạo công thương nghiệp, cướp của và đánh đuổi Hoa Kiều Miền Nam, nhất là tại Sài Gòn-Chợ Lớn, ra biển, về Tàu.
Giữa lúc tình hữu nghi của hai nước căng thẳng tột độ, thì Trung cộng ngang nhiên xua 30.000 hồng quân vào các tỉnh Luang Namtha, Udom Say, Phong Salay, Luang Prabang và Sầm Nứa, nói là để bảo vệ công nhân Trung Hoa, đang làm thiết lộ Bắc Lào-Vân Nam. Nhưng thực chất Trung cộng muốn uy hiếp Pathet Lào và bao vây biên giới phía tây bắc của VN. Đây cũng là ý đồ của Tàu, muốn mở một con đường thông thương từ Vân Nam xuống đất Miên, để tiện tiếp tế cho quân Khmer đỏ của Polpot lúc đó, đang du kích chiến với bộ đội CSHCM .
Nhưng Hà Nội - CSHCM đã biết rõ ý đồ của Bắc Kinh, nên đã ra tay trước. Đầu tiên là cùng Pathet Lào ký một hiệp ước quân sự và biên giới ngày 18-7-1977. Sau đó đem 50.000 quân trấn đóng tại Trung và Nam Lào, vừa bảo vệ Pathet Lào, cũng như ngăn cản không cho Trung cộng vào đất Miên. Sự gây hấn đã trở thành công khai vào năm 1978, khi Bắc Kinh gọi Hà Nội - CSHCM là ‘ tiểu bá quyền khu vực ‘, còn CSHCM thì bảo Trung cộng là " chủ nghĩa bành trướng bá quyền Đại Hán " .
Ai cũng biết quan hệ giữa hai đảng CSHCM-Trung cộng, vô cùng gắn bó từ sau năm 1949 khi Mao Trạch Đông chiếm được toàn cõi Hoa Lục. Từ đó, Trung cộng hết lòng giúp đỡ CSHCM mọi mặt, từ quân sự cho tới kinh tế, chính trị, ngoại giao. Nhờ vậy Hồ Chí Minh và đảng cộng sản mới chiếm được miền bắc vào năm 1954.
Trong cuộc chiến Đông Dương lần thứ 2 (1960-1975), hầu như nguồn viện trợ quân sự, kinh tế cho CSHCM xâm lăng VNCH, đều của Trung cộng. Trên đất Bắc, Tàu giúp CSHCM xây dựng nhiều công trình nhà máy, đường xá.. Theo tài liệu công bố, tính tới năm 1978, Tàu đã viện trợ cho CSHCM hơn 20 tỷ mỹ kim ( Dollar ). Từ năm 1965-1970, theo yêu cầu của Hồ Chí Minh, đã có hơn 100.000 quân Trung cộng sang giúp CSHCM tại Bắc Việt, để xây dựng và phòng thủ. Đã có cả ngàn lính Tàu chết ở VN trong cuộc chiến.
Sau 1970, nhiều biến chuyển lịch sử đã xảy ra, nhất là khi HCM chết, làm cho Hà Nội - CSHCM càng ngày càng ngả theo Liên Xô (LX). Do nhu cầu cuộc chiến, CSHCM cần có nhiều quân dụng tối tân như Mig21, tăng 54,55, hoả tiễn Sam.. để đối đầu với vũ khí Mỹ. Nhưng những thứ này chỉ có Nga mới có. Trung cộng biết hết, nhưng vẫn tiếp tục giúp đỡ CSHCM cho tới khi Hà Nội chiếm được miền Nam.
Rồi vì đầu óc thiển cận, các chóp bu trong Bắc Bộ Phủ tự coi như các đỉnh cao của loài người, coi thường mạng sống đồng bào cả nước, lại mù quáng chạy theo chủ thuyết cộng sản đã lỗi thời và nhất là tôn sùng Liên Xô hơn thần thánh. Từ đó, không cần cảnh giác về những kẻ thù xung quanh, lại mù quáng trở mặt và thách đó Trung cộng. Đó là nguyên nhân chính khiến kẻ thù có cớ xâm lăng VN vào năm 1979.
Hồng quân Trung Hoa hay quân đội Trung cộng tuy được thành lập vào năm 1927 nhưng thật sự chỉ thống nhất sau năm 1949 khi chiếm được Hoa Lục. Nói chung CSHCM đã theo đúng khuôn mẫu của Mao, để tổ chức binh đội. Còn chủ thuyết Mao, được coi như nền tảng tư tưởng, dùng làm chiến thuật và chiến lược, gọi là chiến tranh nhân dân, lấy nông thôn bao vây thành thị.
Thời nào, quân đội Tàu cũng đông nhất thế giới. Năm đó, Hồng quân có hơn 4 triệu người, bao gôm hai binh chủng Hải và Không Quân trên nửa triệu. Cả nước được chia thành bảy quân khu : Lan Châu (Tân Cương và Thanh Hải), Bắc Kinh (Nội Mông, Bắc Kinh, Hà Bắc, Sơn Tây), Trấn Giang (Hắc Long Giang, Liêu Ninh), Kiến An (Hà Nam, Sơn Đông), Nam kinh (Phúc Kiên, Giang Tây, Thượng Hải, An Huy), Thành Đô (Vân nam, Tứ Xuyên, Quý Châu, Tây Tạng) và Quảng Châu (Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Bắc, Hồ Nam). Mỗi quân khu có nhiều quân đoàn. Ngoài chính quy và chủ lực, Trung cộng còn có hơn bảy triệu dân quân. Tất cả do Chủ tịch quân ủy trung ương , tức là chủ tịch đảng lãnh đạo, khi Đặng nắm quyền kiêm nhiệm luôn chức này.
Năm 1979, Hà Nội sau khi bị Trung cộng tố cáo là vong ơn bạc nghĩa, kể cả sự phanh phui Võ Nguyên Giáp không phải là người chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. Để trà đũa, CSHCM cho phổ biến bạch thư, nói về quan hệ Việt-Trung trong 30 năm qua, đồng thời tố cáo Hoa Kiều trong nước là gián điệp, tay sai của Trung cộng chống lại VN. Tiếp theo CSHCM xua quân tấn công tiêu diệt Polpot và Khmer đỏ , vốn là đàn em chư hầu của Tàu,khiến cho dầu được đổ thêm vào lửa chiến tranh giữa hai nước, chỉ chờ bùng nổ.
Tại miền Nam, ngày 24-3-1978 bắt đầu đánh tư bản. Hằng ngàn công an, bộ đội và nam nữ thanh niên xung phong đeo băng đỏ trên tay, rải khắp các đường phố Sài Gòn-Chợ Lớn,Gia Định ... xông vào các hãng xường, nhà buôn, tư gia.. những người có máu mặt Hoa lẫn Việt, để lục lọi, vơ vết, xoi khám tịch thu tiền bạc, đô la, vàng ngọc, hàng hóa và tất cả tài sản riêng tư của dân chúng, những ai bị đảng kết tội là mại sản...
Ngày 3-5-1978, cả nước lại được đổi tiền lần thứ ba, khiến đồng bào trước sau trở thành vô sản chuyên chính. Ở miền bắc, hằng ngàn Hoa Kiều bị trục xuất về nước. Trong nam, hằng vạn người Hoa trắng tay, tiêu tan sản nghiệp, bì đầy ải lên vùng kinh tế mới tận Bình-Phước Long, Bình Tuy, Long Khánh, Bà Rịa.
Để trả đũa, Trung cộng ngưng hẳn 72 công trình xây dựng viện trợ cho VN. Đã có 70.000 người Hoa tại VN hồi hương về Hoa Lục. Ngày 16-5-1978, Trung cộng tuyên bố gửi hai chiến hạm tới Hải Phòng và Sài Gòn, để đón hết Hoa kiều. Nhưng đây chỉ là đòn tuyên truyền chính trị, vì tàu chiến chỉ đậu ngoài khơi một ngày, rồi kéo neo về nước. Nắm được yếu điểm của đàn anh, CSHCM lần chót hốt hết những gì còn sót lại qua chiến dịch " xuất cảng người " .Sau đó tống khứ họ ra khơi, khiến cho hơn triệu người bị chết vì sóng gió và hải tặc Thái Lan trên biển Đông, mà những trang Việt sử cận đại, gọi là cơn hồng thủy của thế kỷ.
Sau khi VN bỏ lỡ cơ hội nối lại bang giao với Hoa Kỳ. Ngày 24-5-1978, phụ tá an ninh của tổng thống Mỹ Carter là Brezinski, tới Bắc Kinh ký một hiệp ước liên minh quân sự với Tàu. Từ đó Đặng Tiểu Bình đã có chỗ dựa chống Nga, nên mới ra mặt quyết tâm xâm lăng VN để rửa thù phục hận.
Từ 28 tới 30-1-1979, Carter và Đặng Tiểu Bình đã họp mật tại Tòa Bạch Ốc. Sau đó tổng thống Mỹ đồng ý để Trung cộng trừng phạt VN và còn giúp cầm chân Nga, bằng cách chịu ký với LX hiệp ước SALT II. Để thêm kế nghi binh, Hoa Kỳ cử bộ trưởng tài chánh là Blumenthal tới công tác tại Bắc Kinh. Ngoài ra còn cho Hàng không mẫu hạm Constellation lảng vảng ngoài khơi vịnh Bắc Việt. Tất cả mơ mơ màng màng, khiến cho LX cũng không biết đâu mà mò.
Ngày thứ bảy 17-2-1979, lúc 3 giờ 30 sáng, khi vạn vật, chim chóc và con người đang chuẩn bị cho một ngày sống mới, thì 600.000 quân Tàu, tiền pháo hậu xung, ào ạt mở cuộc xâm lăng đại quy mô vào Việt Nam (VN), trên vùng biên giới từ Lai Châu tới Móng Cáy. Thế là tình nghĩa vô sản quốc tế trong sáng giữa hai nước, đã trở thành hận thù thiên cổ. Những địa danh Cao Bằng, Lạng Sơn, Đồng Khê, Thất Khê.. lại đi vào những trang Việt sử đẫm máu, của VN chống xâm lăng Tàu.
Để tấn công Việt Nam (VN), Trung cộng đã huy động nhiều quân đoàn từ nhiều quân khu khác nhau, gồm QD 13,14 tấn công Lai Châu-Lào Kay. Hai QĐ 41,42 tấn công Cao Bằng. Riêng mạn Lạng Sơn, Quảng Yên, Hải Ninh thi giao cho quân đoàn 43,54,55. Tất cả do Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí chỉ huy trong mấy ngày đầu.
Về phía VN, một phần vì sự tự cao bách thắng của các đỉnh cao tại bắc bộ phủ. Phần khác do quá tin tưởng sự liên minh quân sự với LX. Nên gần như sử dụng gần hết các đơn vị chính quy tại mặt trận Kampuchia. Bởi vậy ngay khi cuộc chiến bắt đầu, trong lúc quân Trung cộng đông đảo lên tới 150.000 chính quy, thì việc phòng thủ miền bắc, nhất là thủ đô Hà Nội, được giao cho các Sư Đoàn (SĐ) 308,312,390 của quân khu I. Nói chung, trong cuộc chiến đấu với Trung cộng tại biên giới, chỉ có các sư đoàn chủ lực của quân khu tham dự như Sư đoàn 3,327, 337, Tây Sơn ( mặt trận Lạng Sơn). SĐ 567, B46, SĐ Pháo binh 66 (mặt trận Cao Bằng). Các tuyến từ Hà Giang tới Lai Châu, do các SĐ 316,345, Đoàn B68, M63, các trung đoàn chủ lực tỉnh, huyện đội, công an biên phòng. Sau đó khi thấy tình hình quá nguy ngập, Hà Nội-CSHCM mới gấp rút điều động các trung đoàn từ các tỉnh trung châu, cùng với các sư đoàn chủ lực của quân khu II và IV từ Kampuchia về tiếp viện.
Cuộc chiến thật đẫm máu ngay từ giờ phút đầu. Quân Tàu dùng chiến thuật cổ điển thí quân với tiền pháo hậu xung, bằng các loại hỏa tiễn 122 ly và đại bác nòng dài 130 ly, với nhịp độ tác xạ 1 giây, 1 trái đạn. Sau đó Hồng quân tràn qua biên giới như nước lũ từ trên cao đổ xuống. Tuy nhiên khắp nơi, Trung cộng đã gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của VN, một phần nhờ địa thế phòng thủ hiểm trở, phần khác là sự yểm trợ hùng hậu của pháo binh các loại, gây cho giặc Tàu nhiều tổn thất về nhân mạng tại Lạng Sơn và Cao Bằng.
Sự thất bại trong những ngày đầu, khiến Đặng giao chỉ huy mặt trận cho Dương Đắc Chí, đồng thời cũng thay đổi chiến thuật, dùng tăng pháo mở đường và bộ binh tùng thiết. Do quân Tàu quá đông, nên sau 10 ngày cầm cự, bốn thị xã Lai Châu, Lào Kay, Hà Giang, Cao Bằng lần lượt bị thất thủ. Riêng tại thị xã Lạng Sơn, Trung Cộng tung vào chiến trường tới sáu sư đoàn chính quy 127,129, 160,161, 163,164 cùng hằng trăm thiết giáp và đại pháo từ khắp nới bắn vào yểm trợ. Phía VN có quân đoàn 14 gồm các SĐ 3,327,338,347,337 và 308. Trong lúc đó hai SĐ chính quy 304 và 325 từ Kampuchia, cũng đựợc không vận và di chuyển bằng xe lửa, tới Lạng Sơn tiếp viện. Nhưng cuối cùng Lạng Sơn cũng bị thất thủ đêm 4-3-1979. Sau đó giặc Tàu dùng mìn, bom phá nát hết các thành phố, thị xã tạm chiếm, kể cả hang Pắc Pó, suối Lê Nin và núi Các-Mác mà Hồ Chí Minh từng tạm trú, trước khi về Hà Nội cướp chính quyền vào tháng 9-1945. Ngày 18-3-1979, Đặng Tiểu Bình ra lệnh rút quân về nước.
Tóm lại sau 30 ngày giao tranh đẫm máu, Trung cộng cũng như Khmer đỏ, tàn phá tất cả tài sản của dân chúng, bắn giết tận tuyệt người VN, san bằng các tỉnh biên giới, mà suốt cuộc chến Đông Dương lần II (1960-1975), gọi là vùng an toàn. Đã có hằng trăm ngàn vừa dân vừa lính của cả hai phía thương vong. Tại miền bắc, hằng triệu dân chúng phải phân ly. Nhà cửa, vườn ruộng, của cải vật chất, đền đài, miếu võ, nhà thờ, di tích tổ tiên bao đời để lại.. đều vì Trung cộng gây chiến tranh xâm lăng , mà tan tành theo cát bụi.
:" TRUNG QUỐC LUÔN LUÔN LÀ KẺ THÙ TRUYỀN KIẾP CỦA DÂN TỘC VIỆT NAM !."
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn