CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : HÀNH QUÂN HẠ LÀO - CĂN CỨ HỎA LỰC 31 (FSB 31) hay Hill 31 (LZ 31) NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG .

06 Tháng Mười Một 20226:49 CH(Xem: 1282)
Cuộc tiến quân qua Lào khởi sự ngày 8/2/71 với sự tham dự của thành phần các lực lượng QLVNCH : Sư đoàn Dù, Sư đoàn Thuỷ Quân Lục Chiến, Sư đoàn 1 Bộ Binh, Liên đoàn 1 Biệt động Quân, và Lữ đoàn 1 Kỵ Binh. Quân số khoảng 19.000 người.
Trong khi đó, Cộng quân đã có tới hơn 60000 người của các sư đoàn 2, 304, 308, 320, 324, hai trung đoàn độc lập 27 và 278, 8 trung đoàn pháo binh, ba tiểu đoàn thiết giáp với các chiến xa hiện đại T-54 của Liên sô, 6 trung đoàn phòng không, 8 tiểu đoàn đặc công, và các đơn vị hậu cần, vận tải.
Lệnh hành quân cho thấy Sư Đoàn Nhảy Dù VNCH (SĐND) sẽ có trách nhiệm phòng thủ các căn cứ (CC) được thiết lập:
Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù-LĐ3ND coi CC30, 31, 32; Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù-LĐ1ND, CC11, 13, 14; và LĐ2, sau khi đổ bộ bằng trực thăng chiếm Tchepone, sẽ giữ CC21 và CC22. Quân tấn công có đủ quân để bảo vệ nhiều cứ điểm như được sọan thảo hay không? LĐ1TK chỉ có hai thiết đoàn dưới tay, ThĐKB11 và 17. Mỗi thiết đoàn có một chi đội xe tăng và hai chi đội thiết giáp xung kích. Với số quân này, nếu không có quân nhảy dù đi kèm, họ không thể vừa giữ Bản Đông, vừa tiến đánh Tchepone. Có thể toán quân Dù-Thiết Kỵ ngừng lại để chờ quân tiếp viện thêm, sau khi ra khỏi Bản Đông năm cây số trên hướng về Tchepone.
Hành quân - Đường về Tchepone Lam Sơn 719 ...

Căn Cứ Hỏa Lực 30 và 31 Thất Thủ .
Cùng ngày khi CCBĐQN của TĐ21BĐQ thất thủ, địch khởi động áp lực trên toàn vùng hành quân. Ở nam Đường 9, mặt trận của SĐ1BB, các đơn vị CS bám chặc vào CCHotel2, tấn công TĐ2/TrĐ3/SĐ1BB. SĐ1BB gởi thêm một tiểu đoàn vào chiến trận, hy vọng cứu TĐ2 và giải tỏa áp lực; nhưng địch vẫn bám sát. Ý định của SĐ1BB là muốn rút pháo đội đại bác 105 ly ra khỏi CCHotel2 để chuẩn bị di chuyển về hướng Tchepone. Dưới hỏa lực pháo của địch, đến tối ngày 23 một phần pháo đội mới di tản được khỏi CCHotel2. Nhưng sau nhiều ngày tác chiến liên tục, TĐ2/TrĐ3 gần như tan nát. Ngày 24 tướng Lãm được lệnh thay đổi kế hoạch hành quân: Thay vì LĐ2/SĐND là đơn vị được trực thăng vận vào chiếm Tchepone, nhiệm vụ đó bây giờ được giao cho SĐ1BB. Nhiệm vụ mới của Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù-LĐ2ND là tăng cường yểm trợ cho tuyến/ bãi đáp Alpha (nửa đường từ Bravo về Bản Đông) trên Đường 9. LĐ147/SĐTQLC sẽ thay vào chổ trống của những tiểu đoàn của SĐ1BB đang đóng trên CCHotel1 và CCDelta; LĐ258TQLC sẽ thay bộ binh đóng trên cao điểm Co Roc và những cao điểm lân cận.
Bản đồ tổng quát của vùng Hành Quân LS719. Bản đồ của phi công trực thăng Hoa Kỳ. Mục tiêu Tchepone chưa ghi trên bản đồ.
Hai ngày trước đó, ngày 22, Tổng Thống Thiệu nói với tướng Abrams Giai Đọan III (giai đoạn đổ bộ vào Tchepone) sẽ bắt đầu trong ba ngày nữa. Đồng thời ông Thiệu thay đổi luôn Giai Đoạn IV (giai đọan lui quân): Trên đường về SĐ1BB sẽ đi theo đường 922 để tiếp tục phá hủy các kho hàng trong căn cứ hậu cần 611.
Đó là ý muốn của Tổng Thống Thiệu — một ý muốn quá xa thực tế của chiến trường. Trừ khi Abrams báo cáo lộn, hay Tổng Thống Thiệu nhớ lộn, chứ từ Tchepone hành quân trở ngược về biên giới Việt Nam qua Đường 922 là chuyện khó tưởng tượng. Đến giờ phút đó mà Sài Gòn vẫn còn nghĩ lực lượng VNCH sau khi tấn công Tchepone, có thể đi theo Đường 922 về thung Lũng A Shau, để đánh trở lại căn cứ hậu cần 611 (căn cứ bị Mỹ tấn công tháng 2-1969, trong phạm vi thung lũng A Shau-Sekong).
Nguyên thủy kế hoạch hành quân là quân rút lui sẽ về theo Đường 914 để phá những kho hàng chung quanh Mường Nông (giao điểm của Đường 92C và 914). Đoạn Đường 922 về biên giới xa hơn Đường 914 hơn gấp đôi. Có thể vào ngày 22 khi các căn cứ phía bắc chưa mất, BTTM/ Sài Gòn vẫn còn lạc quan (CCBĐQB mất đêm 20, nhưng không biết đến lúc nào Sài Gòn mới nhận tin chính thức từ QĐI). Đến ngày 25 thì tình hình chiến trường cho thấy rút quân trở về biên giới — cùng lúc phá hủy và lục soát trên đường về — qua ngã Đường 922 là chuyện vô cùng nguy hiểm, nếu không nói khó thực hiện.

Sáng ngày 25, TrĐ64/SĐ320 CS với xe tăng yểm trợ, tấn công mãnh liệt vào Căn Cứ 31 Nhảy Dù - CC31ND. Xử dụng hơn 20 chiến xa giữa ban ngày trước hỏa lực không kích của Mỹ cho thấy quyết tâm của địch muốn triệt tiêu căn cứ. Cùng lúc tấn công CC31ND, địch dùng cối và đại bác tầm xa bắn rất chính xác vào CC30ND và CCBảnĐông, gây trở ngại cho hai pháo đội đang yểm trợ về hướng căn cứ bị tấn công. Pháo súng cối của địch càng lúc càng chính xác: Trong hai ngày cách nhau, ngày 23 ở CC31 và ngày 25 ở CC30, súng cối bắn ngay vào bãi đáp trực thăng đang lên xuống, gây tử thương cho phi hành đoàn và một số người trên phi cơ .
Hai lần tấn công buổi sáng và trưa ngày 25 từ hướng đông bắc và tây nam không thành; 4 giờ chiều địch chuyển hướng, tấn công ồ ạt từ hướng đông nam của căn cứ.
Như đã nói, ở CC31ND có bộ chỉ huy Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù - LĐ3ND; bốn đại đội tác chiến cơ hữu của TĐ3; một đại đội trinh sát; và một pháo đội 105 ly. Hai đại đội 31 và 32 đóng tiền đồn ở hướng đông và đông bắc; đại đội trinh sát đóng trên một cao điểm ở tây tây bắc; hai đại đội 33 và 34 và pháo đội đóng bên trong căn cứ.
Ngày 25, trước khi căn cứ bị tấn công và thất thủ, hai đại đội 31 và 32 được lệnh di chuyển về hướng nam và đông nam để đón nhận một lực lượng thiết kỵ-nhảy dù (đơn vị của ThĐ17TK và TĐ8ND) từ Bản Đông lên tiếp viện. Theo một một sĩ quan của đại đội 32 thuật lại, đại đội không đến điểm hẹn đúng như dự liệu. Nhưng không thành vấn đề nữa, vì đơn vị Thiết Kỵ-Nhảy Dù từ hướng nam đi lên cũng gặp trở ngại, vì vừa đi họ vừa phải “nhổ” những chốt của địch cản đường.
Trong hai đại đội còn lại phòng thủ căn cứ, đại đội 34 đã bị tổn thất nhiều trước ngày thất thủ. Báo cáo cho biết đại đội 34 chỉ còn 60 tay súng. Như vậy, hai đại-đội-thiếu (-) và một pháo đội 105 ly là tất cả những gì còn lại của CC31ND để “đi tiền” với ba tiểu-đoàn cộng (+) của TrĐ64/SĐ320 và TrĐ1/SĐ2BB CS.
Trung Đoàn 64/SĐ320 gồm hai Tiểu Đoàn 8 và 9 (tám đại đội) cộng với một đại đội xe tăng, có mặt ở vùng hành quân từ 6 tháng 2, và bắt đầu bao vây CC31ND từ ngày 20. TrĐ64/320 được nhắc đến trong điện tính của tướng Sutherland ngày 22. Điện tín cho biết TrĐ64 và TrĐ1/SĐ2BB CS đang họat động phía tây, sát Bản Đông và bắc Đường 9. Nhiệm vụ của hai trung đoàn này là gài mìn, đóng chốt và làm lô cốt kháng cự trên Đường 9 về hướng Tchepone. Sutherland trấn an MACV với nhận định, “Tôi không quân tâm về những kháng cự này; B-52 sẽ hủy diệt được.”
Quan tâm hay không, 11 giờ sáng ngày 25 hai đại đội của TrĐ64 tấn công căn cứ ở hướng bắc sau khi đã pháo liên tục từ 7 giờ sáng; 12 giờ: địch thay đổi hướng tấn công vào phía đông nam; 1giờ: một đại đội địch chọc thủng phòng tuyến của căn cứ ở phía bắc; 3 giờ chiều: 20 xe tăng và bộ binh tùng thiết tấn công vào căn cứ từ hai hướng đông và tây bắc; 5 giờ chiều: ba xe tăng với hai đại đội bộ binh tùng thiết đã đến trên đầu hầm bộ chỉ huy LĐ3 và ban chỉ huy TĐ3. Căn cứ 31 Nhảy Dù kể như bị tràn ngập khi một vài sĩ quan chỉ huy lên máy truyền tin chào vĩnh biệt đồng đội.
Đích thân Đại Tá Nguyễn Văn Thọ, Lữ đoàn trưởng LĐ3ND, gọi về Trung Tâm Hành Quân SĐND ở Khe Sanh: “Lương ơi! Căn cứ đã bị tràn ngập. … Vĩnh biệt bạn!” (Lương là Đại Tá Nguyễn Thu Lương, trưởng phòng hành quân SĐND trong thời gian đó.) .
Ở CC30ND, cách CC31ND chừng năm cây số, Đại Úy Trương Duy Hy, pháo đội trưởng 155 ly, nhận lời chào cuối cùng của Đại Úy Pháo đội trưởng Nguyễn Văn Đương ở đầu dây, “… Cộng quân tràn lên bãi trực thăng đông quá. … Tôi phải ra trực xạ đây.” Và Đại Úy Đương chỉ có thể trực xạ đến 4 giờ 16 chiều, vì đến giờ đó, tiểu đoàn phó TĐ3 Pháo Binh Dù, Đại Úy Phương, lên máy truyền tin cảm ơn lần cuối: “Thành thật cảm ơn các bạn đã tác xạ hết mình. Nhưng bây giờ không còn cách nào cứu vãn. Vĩnh biệt các bạn. Vĩnh biệt các bạn.”
Truyền tin qua lại của hai đại đội 31 và 32 cho thấy họ di chuyển khỏi vị trí, rút về hướng nam chờ bắt tay với TĐ8ND và ThĐ17KB từ Bản Đông lên. Đại đội trinh sát của LĐ3ND, đang đóng ở hướng tây tây bắc, được lệnh đánh trở lại căn cứ để cứu những quân nhân còn tử thủ.
Nhiều chuyện không may xảy ra cho sự thất thủ của CC31ND: máy bay tiền sát hướng dẩn hỏa lực đến không kịp giờ gì bị lạc tọa độ; phản lực cơ Mỹ đang đánh bom yểm trợ bỏ vị trí đi cứu bạn (một phản lực cùng phi tuần bị bắn rơi trong lúc yểm trợ) trong khi xe tăng của địch tiến lên đồi; từ 3giờ 30 đến 5 giờ hơn, một cơn mưa giông trút xuống vùng Khe Sanh-Lao Bảo, ngăn cản mọi yểm trợ không lực, sau khi không lực Mỹ đã thực hiện được 108 phi vụ yểm trợ cho CC31ND.
Trong đêm 25, đại đội trinh sát đụng mạnh với CS khi họ tiến về CC31ND với hy vọng cứu bộ chỉ huy lữ đoàn, hay bất cứ ai còn sống sót. Đại đội bị thiệt hại nặng nhưng vẫn không vào được bên trong căn cứ.
Rạng sáng ngày 26, B-52 bay 15 phi vụ, trải bom bắc, tây bắc và đông bắc CC31ND.
Ngày 26, TĐ8ND và TĐ17TK trên đường tiến lên CC31ND tiếp viện, quần thảo với một đại đội của địch đóng ở phía tây nam, cách căn cứ chừng 200 đến 400 mét.
Quân tiếp viện nhìn thấy căn cứ, nhưng không vượt qua được sức kháng cự của địch quân CS .
Một đại đội của TĐ8/TrĐ64 CS đang đóng chốt cản hướng đi.
Tại vị trí này, Từ ngày 26 đến ngày 3 tháng 3, ở phía nam và tây nam CC31ND xảy ra nhiều trận giao tranh đẩm máu giữa hai lực lượng đối kháng. Đến ngày 3 tháng 3 hai tiểu đoàn của TrĐ64 gom quân lại và đẩy lực lượng Dù-Thiết Kỵ ngược về Bản Đông.
Trận đánh đêm 2 tháng 3 giữa lực lượng đặc nhiệm Dù-Thiết Kỵ và TrĐ64/SĐ320, xảy ra cách CC30ND chừng năm cây số về hướng tây, nhưng ở Căn Cứ 30 những người lính của TĐ2ND có thể cảm nhận được hỏa lực địch — Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù bây giờ đứng bơ vơ một mình giữa Binh Đoàn 70.
Tình hình Căn Cứ 30 Nhảy Dù được tướng Sutherland nhắc đến trong một điện tín báo cáo về MACV ngày 22 tháng 2. Sutherland cho biết pháo nòng dài và pháo cối của địch rất chính sát, làm giới hạn tối đa những phi tuần tiếp liệu cho căn cứ. Hỏa lực phòng không đầy trời, nhưng máy bay quan sát không tìm được mục tiêu đặt súng. Sutherland báo cáo bốn đại bác 105 ly trên căn cứ bị hư và cần thay thế. Trừ những trở ngại đó, căn cứ của Nhảy Dù “vẫn bình yên.” Báo cáo của Sutherland cũng đúng: Cho đến ngày 22 tháng 2, mặt trận của vùng hành quân ở phía tây tương đối yên tĩnh — yên tĩnh cho đến khuya 24 khi CCBĐQN của TĐ21BĐQ thất thủ; đêm 25 đến lượt CC31ND của LĐ3ND và TĐ3ND bị mất.
Và sau khi củng cố tập trung lại quân số sau trận Căn Cứ 31, lực lượng của B70 mạnh hơn.
Tối đêm 3 tháng 3, lực lượng Dù-Thiết Kỵ được lệnh bỏ tuyến; và bỏ luôn ý định trở lại CC31ND. Nhưng trước khi rời vị trí, Thiết Đoàn 17 và TĐ8ND đánh một trận để đời ở Hạ Lào: Giao chiến với một tiểu đoàn địch, lực lượng Dù-Thiết Kỵ đổi 100 thương vong để lấy 383 xác đối phương. Sau trận đánh lực lượng đặc nhiệm lui về Đường 9, về phòng tuyến ở Bản Đông. Cho đến lúc đó, trừ sự hiện diện của TĐ2ND ở đông bắc Bản Đông, vùng hành quân từ biên giới đến bắc Bản Đông nằm trong gọng kềm của Binh Đoàn B70. Chỉ sau một tuần phản công, ba sư đoàn CS đàn áp tất cả các lực lượng VNCH ở hướng bắc của trục tiến quân.
Đến ngày cuối của Tháng 2 (ngày 28) trên CC30ND vẫn còn một số lính BĐQ kẹt lại (quân của hai TĐ39 và 21). Căn cứ đông và chật hơn. Theo quan sát của phi công trực thăng yểm trợ, căn cứ đông và chật đến độ nếu pháo binh địch bắn vào, thì thế nào cũng có lính bị thương hay chết. Lính bị thương mà không được di tản ngay, lại trở thành một gánh nặng cho quân trú phòng. Vòng đai phòng thủ của căn cứ càng ngày càng nhỏ lại.
Ngày 27 địch đã đột nhập đến bãi đáp trực thăng, quân trú phòng phải nghênh chiến cách phòng tuyến của họ chưa đến 50 mét.
Trong ba ngày 26 đến 28, các đơn vị của TrĐ64/SĐ320 và TrĐ88/SĐ308 thay phiên nhau tấn công vào CC30ND nhưng thất bại: Địch không dám tập trung quân nhiều vì sợ trúng bom B-52 (B-52 đánh hàng ngày chung quanh căn cứ); nếu dùng ít quân thì đánh không qua được phòng tuyến của Nhảy Dù. Nhưng địch không cần tràn ngập phòng tuyến bằng lính bộ binh và xe tăng nữa. Họ chỉ cần tiếp tục pháo … pháo cho đến khi quân trú phòng phải di tản khỏi cao điểm. Ngày 2 tháng 3 địch pháo vào căn cứ hơn 1.000 quả đạn, trong đó có đạn đại bác 152 ly. Đạn pháo kích bắn trúng vào hầm đạn 105 ly, và nổ lan qua hầm đạn 155 ly, thiêu hủy một góc của căn cứ, phá hủy tất cả đại bác của hai pháo đội. Tiểu đoàn được lệnh chuẩn bị chờ trực thăng đến di tản. Nhưng trực thăng nào dám đáp xuống một giữa một xạ trường như vậy. Rút lui bằng trực thăng không được, xế trưa ngày 3 tiểu đoàn được lệnh di chuyển bằng đường bộ.
Tiểu Đoàn 2 Nhảy Dù VNCH, sau sau hai mưoi lăm ngày phòng thủ CC30ND, rời căn cứ vào 5 giờ chiều.
Hai giờ sáng ngày 4 tháng 3, sau khi tất cả đã xuống được chân đồi, trên đường di chuyển, tiểu đoàn Đ2ND đánh một điện tín, yêu cầu phi cơ tiền sát đang bay trên đầu nếu nhận được thì chuyển về cho BTL hành quân/ tư lệnh SĐND ở Khe Sanh. Điện tín vắn tắt, “Bị vây hãm và bị tấn công liên tục mười ngày; không nhận được tiếp tế; có 200 thương vong. … Hai ngày không có lương thực và nước uống. … Cần trực thăng tải thương và tiếp tế gấp khi trời sáng.”
Hơn một tuần trước khi TĐ2ND bỏ cứ điểm CC30ND, SĐND đã thực hiện kế hoạch tái phối trí vị trí và trách nhiệm của sư đoàn. Thay gì nhảy vào Tchepone như kế hoạch hành quân nguyên thủy, LĐ2ND, với ba tiểu đoàn 5, 7 và 11, bây giờ có trách nhiệm củng cố an ninh trên Đường 9 từ Lao Bảo đến Bản Đông: BTL LĐ2ND đóng ở Lao Bảo; TĐ11ND phụ trách bãi đáp/ tuyến Bravo; TĐ5ND, tuyến Alpha; và TĐ7ND đi xa về hướng bắc để đón TĐ2ND trên đường di tản từ CC30ND về, và làm một hành lang kiểm soát ở hướng bắc, khoảng giữa Alpha và Bản Đông. Cùng lúc, SĐTQLC, từ vai trò trừ bị, cũng được điều động vào vùng hành quân: Hai Lữ Đoàn 147 và 258 sẽ thay thế hai Trung Đoàn 1 và 3, SĐ1BB ở một vài cao điểm, để hai trung đoàn này rời vị trí, tiến xa về phía tây.
Ngày 3 tháng 3, hành quân ngày N+23, trận liệt của VNCH và CS hoàn toàn thay đổi.
Theo báo cáo của Phòng 2 BTTM VNCH, đến thời điểm đó lực lượng CS có 16 trung đoàn ở vùng hành quân.
Mười một trong số mười sáu trung đoàn này đã tham chiến; năm trung đoàn còn lại nằm trong vùng hành quân và có thể tham chiến bất cứ lúc nào.
Đó là các trung đoàn bộ binh, đơn vị yểm trợ của CS trong vùng hành quân gồm một trung đoàn chiến xa; một phòng không; và hai pháo binh. Cùng ứng chiến như một đơn vị độc lập , Binh Đoàn 559 có 12 tiểu đoàn phòng không; 12 tiểu đoàn vận tải; và 17 tiểu đoàn công binh trong vùng hành quân, với nhiệm vụ bảo vệ căn cứ của CS.


TIỂU ĐOÀN 63 PB / BK 24 KONTUM.
Có một đám thư sinh ...
Mơ thanh bình đất nước ,
Nên từ khước phồn hoa ...
Khoác áo trận xa nhà ,
Lên vùng Ba biên giới .
Đời pháo thủ nổi trôi .
Ôi ! đồng đội tôi ơi ...
Ôi ! Cuộc đời quân ngũ .
Tiểu đoàn xưa nay đâu ?
Ba mươi năm gục đầu .
Với nỗi sầu chiến bại ,
Với tủi nhục trên vai .
Kéo dài theo năm tháng ...
Sáu mươi ba biết chăng ?
Bể bọt nước thăng bằng .
Lệch hằng trăm li giác ...
Ôi ! cọc dấu tan hoang ,
Ôi ! Đại bác nghiêng càng .
Hỡi tiểu đoàn năm cũ ...
Hỡi chiến hữu năm xưa ?
Đứa sống kiếp sống thừa ,
Đứa đi chưa trở lại ...
Tủi nhục mấy cho vừa ?
Tui mượn tạm vần thơ ...
Khóc xạ biểu bơ vơ !
Thương độ giạt hững hờ ,
Biểu xích mờ trên giấy ...
Căn cứ ,cháy tan hoang .
Có một gã thư sinh !
Khoác áo lính xa xôi ...
Trên vùng Ba biên giới .
Qua rồi thời binh lửa ,
Lệ còn đổ ...chưa vơi ./.
(Tâm sự người Pháo thủ 105 ly VNCH)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn