CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : HÀNH QUÂN CỬA VIỆT (QUẢNG TRỊ) - CUỘC GIAO TRANH ĐẪM MÁU (25-1-1973 ---31-1-1973)

16 Tháng Mười 20223:37 CH(Xem: 964)
CỬA VIỆT BỐN NGÀY ĐÊM BÃO LỬA
Sau khi QLVNCH chiếm lại Quảng Trị ngày 16/9/1972, CS còn giữ được Thị xã Đông Hà và một phần đất phía bờ Nam sông Cửa Việt. Sông Cửa Việt là hợp lưu của hai con sông lớn quan trọng, Thạch Hãn và Miếu Giang, tại địa diểm cách bờ biển 10 cây số.
Sông Thạch Hãn bắt nguồn từ phía Đông dãy Trường Sơn, chảy qua thung lũng Ba Lòng, qua Thị xã Quảng Trị rồi đổi về huớng Tây bắc qua quận Triệu Phong cũ, từ đây tiếp tục chảy thêm khoảng 10 cây số để gặp sông Miếu Giang.
Sông Miếu Giang cũng bắt nguồn từ phía Đông dãy Trường Sơn, chảy qua Cam Lộ ( sông Cam Lộ ), qua Thị xã Đông Hà ( sông Đông Hà ) để gặp sông Thạch Hãn cách đó 3 cây số .
Cửa Việt là cửa khẩu chiến lược quan trọng mà CS đã sử dụng để chuyển vận tiếp liệu vào “điểm tập trung” Đông Hà bằng tàu, sau đó phân phối cho các đơn vị hành quân phía Nam và Bắc sông Đông Hà ( Miếu Giang ). Các hải vụ chuyển hàng thường được thực hiện lúc ban đêm để tránh phi cơ quan sát của QLVNCH . Sông Miếu Giang còn “kết nối” với QL9 trên gần thượng nguồn, nên rất tiện cho CS chuyển hàng tiếp qua ngã Hạ Lào bằng đường bộ (QL9), nhập vào hê thống đường mòn Hồ Chí Minh để tiếp tục đi vào cho đến miền Đông Nam Bộ (Đông Nam Phần).
Cuộc hành quân Cửa Việt được tổ chức nhằm chiếm vị trí thuận lợi có thể quan sát sự đi lại thuyền bè của CS ra vào Đông Hà, ngăn chận mọi nguồn tiếp liệu được chuyển từ miền Bắc CS vào bằng đường biển để nuôi dưỡng các sư Đoàn CS đang tấn công QLVNCH.
Lực Lượng Đặc Nhiệm Tango (Nổ lực chính).
Bộ Tư Lệnh LLĐN Tango.
- Đại Tá Nguyễn Thành Trí, Tư Lệnh Phó SĐ/TQLC, Tư Lệnh.
- Trung Tá Nguyễn Văn Tá, Thiết Đoàn Trưởng Thiết Đoàn 20 CX M48 kiêm cố vấn chuyên môn binh chủng.
- Trung Tá Đỗ Đình Vượng, Tham Mưu Trưởng LLĐN Tango và Ban Tham Mưu.
- Trung Tá Trần Thiện Hiệu, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh/TQLC (TĐ3/PB/TQLC) và BCH nhẹ, kiêm Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Phối Hợp Hỏa Lực (TTPHHL). Ngoài ra còn được Pháo Đội A 155 ly thuộc Tiểu Đoàn 44/ QĐ1 tăng cường hỏa lực và đặt dưới quyền điều động trực tiếp của Tiểu Đoàn Trưởng TĐ3/PB/TQLC.
- Toán Không Hải Yểm thuộc Đệ Thất Hạm Đội (đặt cạnh toán Cố Vấn TQLC, dưới sự điều động thống nhất của Thiếu Tá TQLC James R. Sweeney).
- Toán Biệt Đội Kỹ Thuật.
- Toán Quân Cảnh ...
- Do thời tiết có nhiều sương mù hạn chế tầm nhìn xa, nên giờ vượt tuyến xuất phát bị chậm lại 20 phút.
- Đúng 06:50G ngày 27/1/1973, gần một trăm chiến xa và thiết vận xa của cả hai nổ lực chính (LLĐN Tango) và phụ (LĐ/147/TQLC) đồng loạt nổ máy, mang theo gần sáu trăm chiến sĩ TQLC (4 Đại Đội), vượt tuyến xuất phát, hăm hở tiến về hướng mục tiêu phía trước. Không bao lâu thì tiếng súng bắt đầu nổ.
Cùng lúc, các vị trí trên toàn chạm tuyến khác của ta cũng nổ súng theo nhằm cho địch không thể xác định được đâu là hướng tấn công chính.
Bên nổ lực chính, pháo binh được lệnh di chuyển tác xạ về phía sau các vị trí tiền đồn của địch đang bị quân ta tràn ngập nhanh chóng. Các toán tiền đồn địch bị tấn công bất ngờ nên nổ súng lấy lệ rồi bỏ chạy về phía sau. Đoàn chiến xa và thiết kỵ thuộc Cánh A tiếp tục thận trọng tiến quân, vừa tránh các hầm hố, mìn bẫy, vừa sử dụng hỏa lực cơ hữu yểm trợ cho nhau để cùng tiến về mục tiêu A (làng Thanh Hội) dưới hỏa lực súng cối, hỏa tiễn chống chiến xa và pháo binh của địch.
Khoảng gần 10:00 giờ, BCH hổn hợp Cánh A báo về BTL/LLĐN Tango là thiết vận xa chuẩn bị cho TQLC hạ chiến để cùng nhau phối hợp, yểm trợ hổ tương tiến vào chiếm mục tiêu. Cuộc tiến quân rất nhịp nhàng mặc dù đôi lúc, qua hệ thống truyền tin để theo dõi tin tức nội bộ các đơn vị hành quân, ta không sao tránh khỏi nghe được những lời qua lại như “ai vào mục tiêu trước, ai vào sau, hoặc giả sao thiết vận xa cho TQLC hạ chiến quá sớm, tức còn cách mục tiêu khá xa” ... Đây là những trở ngại thường xảy ra giữa chiến xa, thiết kỵ và bộ binh tùng thiết trong bất cứ cuộc hành quân nào; lý do dễ hiểu là đôi lúc chiến xa, thiết kỵ hay bộ binh tùng thiết không cùng một ý niệm chung về việc nhận định tính chất, hình dạng hay khoảng cách mục tiêu lúc hai bên nổ súng, trong khi thực tế ngoài địa thế mục tiêu cũng không hẵn như thấy vẽ trên bản đồ. Tuy nhiên với sự phối hợp tế nhị và linh động giữa Thiếu Tá Tiền và Thiếu Tá Kiều, mọi việc đã được giải quyết ổn thỏa mà không cần đến sự can thiệp của BTL/LLĐN Tango.
Khoảng 11:00 giờ, BCH hổn hợp Cánh A báo cáo đã chiếm mục tiêu A, bắt sống vài chục tù binh chính quy và du kích, tịch thu một số vũ khí. Lệnh cho tiếp tục tiến về mục tiêu B (làng Vĩnh Hoà 1 ), thương vong của ta và tù binh sẽ đươc giao lại cho bộ phận thuộc TĐ4 đi sau lo liệu. Tiểu Đoàn 2 /TQLC, Chi đoàn 1 / 20 CX và Chi Đoàn 2/17/TK được lệnh chuẩn bị thi hành kế hoạch giai đoạn 2 để chiếm mục tiêu C khi quân ta thanh toán xong mục tiêu B .
Bên nổ lực phụ (LĐ/147/TQLC), Cánh B của TĐ5/TQLC tại khu vực Long Quang đang gặp khó khăn do bị hỏa lực mạnh mẽ của các đơn vị thuộc TRĐ 48/320 CS khống chế từ hướng Tây tức sườn bên trái, và được bố trí trong hệ thống phòng thủ kiên cố , nếu Cánh B TĐ5/TQLC không thể tiến nhanh hơn để chiếm mục tiêu E (thôn Lệ Xuyên) thì địch có thể sẽ dùng điạ điểm nầy làm bàn đạp tăng cường lực lượng từ phía Tây và phản công các cánh quân ta bên bờ biển.
Khoảng 12:00 giờ, Cánh A/LLĐN Tango báo cáo chạm địch nặng tại mục tiêu B và đang bị cầm chân tại chỗ, tuy nhiên sẽ điều động tiến lên. Pháo binh 130 ly địch từ khu vực Tây nam Gio Linh và Tây bắc Đông Hà tác xạ vào toàn khu vực hành quân; vị trí Pháo Đội F của Đại Úy Trương Công Thuận đóng tại Gia Đẳng II cũng bị trúng đạn: xe hư hỏng, kho đạn bị cháy, cũng may là người và vũ khí vô sự. BTL/LLĐN Tango yêu cầu hải pháo phản pháo vào các vị trí nghi ngờ có đặt pháo binh của CS . Thiếu Tá TQLC James R. Sweeney, Trưởng toán cố vấn, cho biết hải pháo rất sẵn sàng yểm trợ tối đa vì đây là ngày cuối cùng họ được làm việc với TQLCVN, hơn nữa họ cũng không muốn mang đạn dư về nhiều.
Quá trưa, Cánh A báo cáo địch tăng cường thêm bộ binh và chiến xa tại mục tiêu B. Tình hình nầy cho thấy địch quyết tâm không để ta tiến xa hơn về Cửa Việt. Đôi bên giằng co, giữa thủ và công, nhiều lúc thật quyết liệt để giành lấy mục tiêu B có tính cách quyết định về sự mất còn của Cửa Việt chỉ cách đó không đầy 5 cây số đường chim bay. Một chiến xa và một TVX M113 của ta bị loại khỏi vòng chiến do hỏa tiễn AT3 và sung 82 ly không dật của địch. Về TQLC tùng thiết, ta có thêm một số thương vong cần được chuyển về phía sau.
Lúc này bên LĐ/147/TQLC, “Cánh B/TĐ5 chỉ tiến được khoảng nửa cây số, chưa chiếm hoàn toàn mục tiêu D. Do có một chiếc thiết giáp M41 mà tài xế bị tử thương, cứ tiếp tục di chuyển cán lên tuyến phòng thủ của địch khiến chúng hốt hoảng bỏ chạy. Thừa dịp, quân ta tràn lên chiếm vị trí nói trên. TĐ5/TQLC cũng có xin phi cơ lên vùng yểm trợ dọc theo sườn bên trái cho Cánh B/TĐ5, nhưng không hiểu vì lý do gì chờ mãi mà không được đáp ứng ” .
Trời sắp sửa tối, BTL/LLĐN Tango báo về cho BTL/ SĐ/TQLC biết tình hình bên Cánh A của LLĐN Tango không tiến triển khả quan, hiện đang có kế hoạch sẽ đánh đêm. Tôi mời Trung Tá Nguyễn Văn Tá, Thiết Đoàn Trưởng THĐ/20CX, sang trung tâm hành quân (TTHQ) để cùng bàn thảo kế hoạch tấn công ban đêm. Chúng tôi cùng đồng ý sẽ sử dụng Chi Đoàn 1 /20CX, Chi Đoàn 2/17TK và 1 Đại Đội của TĐ2/TQLC tùng thiết, thành lập một lực lượng xung kích (LLXK). Lợi dụng yếu tố bất ngờ và đêm tối cùng với khả năng di động nhanh, hỏa lực mạnh, LLXK sẽ mở một trục tấn công dọc theo bờ biển cách phía Đông mục tiêu A và B tứ 300 đến 400 thước, lúc thủy triều xuống. Lực lượng nầy sẽ thọc sâu lên Cửa Việt và tấn công thẳng vào mục tiêu T (Tango) dưới sự yểm trợ hỏa lực tối đa của pháo binh và hải pháo. Tôi cũng không quên nhắc nhở Trung Tá Tá dành lại một số chiến xa và TVX M113 vừa phải, để tổ chức thêm một lưc lượng trừ bị xung kích (LLTBXK) với một đại đội tùng thiết thứ hai của TĐ2/TQLC, sẵn sàng tiếp ứng cho mọi truờng hợp khẩn cấp, bất cứ lúc nào và ở đâu. Kế họạch chiếm mục tiêu C được hủy bỏ do nhiệm vụ khẩn cấp phải có mặt trên Cửa Việt trước 08:00 giờ sáng ngày mai, 28/1/1973. (Nếu tiếp tục tấn công theo kế hoạch sơ khởi thì có thể bị chậm lại lâu dài). Riêng tại mục tiêu B, hai Đại Đội/TĐ4/TQLC tiếp tục cầm chân địch, không để bị tràn ngập trong đêm.
Sau đó Thiếu Tá Tiền, lúc bấy giờ đang ở khoảng giữa mục tiêu A và B, được lệnh về BTL/LLĐN Tango (cách mục tiêu A ba cây số rưởi về hướng Đông nam) để nhận lệnh gấp. Tôi cho Thiếu Tá Tiền biết về tổ chức và nhiệm vụ của LLXK trong đó Đại Đội 4/TĐ2/TQLC của Trung Úy Trần Đình Công được chỉ định tùng thiết. (Thiếu Tá Kiều thì nhận lệnh với Trung Tá Thiết Đoàn Trưởng THĐ/20CX). LLXK nầy cũng sẽ đặt dưới sự kiểm soát hành quân cùa BCH/Cánh A hổn hợp.
Đúng 22:30 giờ, LLXK xuất phát. Hải Pháo tiếp tục tác xạ hủy diệt mục tiêu T (Tango) và ngọn đồi 12 có rừng dương xanh bao phủ nằm về phía Nam căn cứ hải quân khoàng 2 cây số, được nghi ngờ là BCH Trung Đoàn 101/325 đóng tại đó thể theo tin tức của tù binh. Pháo binh TQLC 105 ly và Pháo binh 155 ly/ TĐ44/QĐ1 tác xạ dọc theo phía Tây trục tiến quân của LLXK để yểm trợ sườn bên trái cho lực lượng này . Một lần nữa, lực lượng phòng thủ CS bị bất ngờ trước LLXK do Chi Đoàn 1/20CX dẫn đầu.
Ngày N+1 (28/1/1973).
Sau 8 giờ đồng hồ vượt qua nhiều chướng ngại vật thiên nhiên hoặc do địch thiết lập, diệt nhiều vị trí chốt, LLXK vừa nổ súng yểm trợ cho nhau, vừa tiến lên Cửa Việt. Cuối cùng chiếc chiến xa dẫn đầu đến Cửa Việt khoảng 6:30 giờ. LLXK nhanh chóng chuyển đội hình thành hàng ngang, hướng về phía Tây, tức tốc di chuyển và nổ súng tấn công vào các vị trí phòng thủ khu vực căn cứ hải quân. Lực lượng phòng thủ của địch bị bất ngờ vừa nổ súng vừa rút lui về phía trong căn cứ và khu vực đồi 12 có rừng dương xanh bao phủ. Vài chiến xa T-54 và chiến xa lội PT- 86 (hoặc PT- 75) từ rừng dương xông ra tác xạ để yểm trợ cho quân phòng thủ của chúng, thì bị chiến xa ta hạ ngay. Thiết vận xa M113 liền cho TQLC tùng thiết hạ chiến để tiến về căn cứ hải quân Cửa Việt dưới sự yểm trợ trực triếp của hỏa lực cơ hữu và của chiến xa M48.
-07:45, Thiếu Tá James R. Sweeney, Trưởng Toán Cố Vấn TQLC, sang báo cho tôi biết pháo hạm đã ngưng yểm trở và sẽ rời vùng vì hết nhiệm vụ. Tôi nhờ ông ta chuyển lời cám ơn đến pháo hạm đã tận tình yểm trợ liên tục cho các lực luợng hành quân trong suốt thời gian qua.
Tôi trở về TTHQ, lòng bồn chồn lo lắng: không còn bao lâu nữa thì đến giờ ngưng bắn, liệu anh em trên Cửa Việt có hoàn thành được nhiệm vụ mà cấp trên đã giao phó không? Có chiếm xong mục tiêu Cửa Việt không? Tại BTL/SĐ/TQLC Tướng Lân thỉnh thoảng cũng liên lạc với tôi để biết rõ thêm tình hình.
-08:00 giờ, qua máy truyền tin, với giọng xúc động pha lẫn niềm vui, Thiếu Tá Tiền báo cho tôi biết là toán tiên phong của Đại Đội 4/TD2/TQLC đã cấm cờ tại cổng căn cứ Hải Quân Cửa Việt trước đó 2 phút, tức vào lúc 07:58 giờ ngày 28/01/1973. Mọi người đều thở phào nhẹ nhõm. Tôi không quên gửi lời khen ngợi tất cả các đơn vị thuộc LLĐN Tango đã “làm nên lịch sử” trong những giây phút phù du còn lại trước khi Hiệp Định Ba Lê ngưng bắn có hiệu lực. Được tin nầy, Thiếu Tướng TL/SĐ/TQLC gọi điện thoại qua máy siêu tần số để khen ngợi tất cả các đơn vị đang hành quân. Ông cho biết sẽ đến thăm BTL/LLĐN Tango và cũng sẽ có buổi họp báo tại đây vào lúc 10:00 giờ.
Thiếu Tá James R. Sweeney, với nét mặt hân hoan, sang trung tâm hành quân gặp tôi để chúc mừng tin vui quân ta đã chiếm Cửa Việt. Nhân tiện ông cũng cho biết toán cố vấn sắp sửa rời BTL/LLĐN Tango vì nhiệm vụ của họ đã chấm dứt theo lệnh cấp trên và cũng theo các điều khoảng được ấn định trong Hiệp Định ngưng bắn Ba Lê. Tôi sang nơi làm việc của toán cố vấn, bắt tay từ giả từng người với lời cám ơn họ đã giúp LLĐN Tango cho đến giờ phút chót, đồng thời chúc họ được nhiều may mắn trên đường về Hoa Kỳ trước khi trở lại Hương Điền để gặp Tư Lệnh TQLC, Thiếu Tướng Lân. Cuộc chia tay vội vã, không nghi thức nào được chuẩn bị truớc, nhưng đầy cảm động. Trong phút chót, họ nhìn tôi với vẻ ái ngại, có lẽ trước cái không khí “nửa hòa bình, nửa chiến tranh” nầy, họ thầm hiểu kể từ đây chúng tôi sẽ thiếu vắng mọi phương tiện yềm trợ hỏa lực chiến lược hay chiến thuật, nếu chẳng may “hòa bình thật sự” sẽ không đến với nhân dân Miền Nam.
Lợi dụng ngưng tiếng súng (theo tinh thần Hiệp Định Ba Lê), các đơn vị CS đã tập hợp dân chúng phần đông là phụ nữ, người già, từ các nơi xa như Gio Linh, Cam Lộ, Hương Hóa .., trong đó chúng không quên cài thêm “bộ đội” và du kích, với cờ “mặt trận giảỉ phóng miền Nam” trên tay, tiến gần các đơn vị ta, đến đâu họ cấm cờ đến đó, miệng luôn yêu cầu “hoà bình rồi, các anh buông súng và về với gia đình đi”. Giữa mùi thuốc súng còn phản phất, quyện lẫn trong sương mai, hai bên binh sĩ “Quốc Cộng”, chừng như đã bị căng thẳng quá nhiều bởi không khí chiến tranh dai dẳng, giờ đây có dịp bày tỏ “niềm vui hoà bình”, cho dù có tính cách nhất thời, gượng gạo, bằng cách mời nhau thuốc lá, cà phê, mì gói ... Giữa hoạt cảnh bi hài đó, các cấp chỉ huy của họ luôn đòi gặp các cấp chỉ huy của ta để khiếu nại ta “vi phạm” hiệp định ngưng bắn. Tình trạng nầy không chỉ xảy ra trên Cửa Việt, mà trên toàn tuyến của SĐ/TQLC, bất cứ chỗ nào có ta đóng quân. Đặc biệt tại làng Đồng Bào phía Nam của TĐ5/TQLC khoảng 6 cây số, cũng là khu vực phòng thủ của TĐ105/ĐPQ Quảng Trị đang tăng phái cho SD/TQLC, khoảng 500 dân chúng, du kích lẫn “bộ đội” CS cũng đã lấn sâu vào vị trí trong thế “cài răng lược” và cấm cờ Mặt Trận GPMN. TD105/ĐPQ lúng túng không biết giải quyết như thế nào, khiến TQLC phải gửi lực lượng đến can thiệp, chận đứng. Mãi đến chiều, bằng lời lẽ ôn hòa đến áp lực mạnh mẽ, dứt khoát, có lúc phải đe dọa, đơn vị TQLC mới thuyết phục họ ra khỏi tuyến phòng thủ của TĐ105/DPQ. Với chiêu bài “nhân dân đấu tranh”, CS luôn đẫy nhân dân về phía trước làm bia đỡ đạn, trong khi QLVNCH, với lòng vị tha nhân ái được rèn luyện từ các quân trường, từ các cấp chỉ huy đơn vị, từ căn bản bảy điều giáo lệnh Quận Đội, không bao giờ và cũng không nỡ long nào nổ súng vào đồng bào.
Hãy nhớ lại cảnh tàn sát của CS từ Mậu Thân Huế, từ đại lộ kinh hoàng v.v. ta mới thấy rõ dã tâm của con người CS.
BTL/SĐ/TQLC ra lệnh cấm các đơn vị tiếp xúc với dân chúng và binh lính CS bất cứ dưới hình thức nào, cũng như phải đề cao canh giác trước những thủ đoạn tuyên truyền có ảnh hưởng đến tình thần chiến đấu và tâm lý của binh sĩ QLVNCH , đặc biệt không để địch dùng mánh khoé tìm hiểu về lực lượng và cách phối trí quân của VNCH.
-Khoảng 09:30, toán kỹ thuật trình cho BTL/LLĐN Tango một công điện được gửi đi từ Biệt Đội Kỹ Thuật SĐ/TQLC, cho biết đã dò nghe được tin CS sẽ tăng cường lực lượng kể cả chiến xa để phản công ta tại Cửa Việt. Tôi liền báo cho Thiếu Tá Tiền và Trung Tá Tá, Thiết Đoàn Trưởng THĐ/20CX, tin nói trên để chuẩn bị đối phó. Tôi cũng chia sẻ thêm là địch có thể sử dụng một trung đoàn của SĐ 320/CS đang có mặt tại phía Bắc Chợ Sãi, tăng cường để phản công ta trong vòng 3 đến 4 tiếng, tuy nhiên họ chưa có lực luợng chiến xa đủ mạnh để có thể “chọi” lại chiến xa của ta. Có thể địch sẽ dùng pháo binh để tiêu hao tiềm năng ta trước.
-Tại BTL/LLĐN Tango, sau cuộc họp báo và trả lời các câu hỏi của phóng viên báo chí VN và ngoại quốc dưới sự hướng dẫn của đại diện QĐ1, Thiếu Tướng Tư Lệnh TQLC chấp thuận cho họ bay đi quan sát tình hình trên Cửa Việt bằng trực thăng. Tôi phải dặn dò các phi công là nên bay ngoài biển cách bờ càng xa càng tốt, nhưng đủ để các phóng viên quan sát và chụp ảnh, và cũng không được vượt quá phía Bắc Cửa Việt để tránh các trường hợp đáng tiếc xảy ra nếu CS tác xạ phòng không hoặc hỏa tiễn SA7. Rất may phái đoàn phóng viên báo chí đã trở về an toàn…
Tình hình trên Cửa Việt trở nên căng thẳng vào gần trưa khi dân chúng, như có một mật lệnh nào đó, đã lần lượt tản ra và rút về hướng sau đồi dương và căn cứ Hải Quân. Sự kiện dân chúng rút đi khỏi nơi họ tụ tập chỉ xảy ra trên Cửa Việt, còn các nơi khác thì không thay đổi. Rõ ràng họ đang có chuẩn bị gì đây.
BTL/SĐ/TQLC thông báo cho LLĐN Tango biết là QĐ1 đang can thiệp để yêu cầu Ủy Ban Quốc Tế Kiểm Soát và Giám sát (UBKSGS ) tức ICCS (International Commission of Control and Supervision), đến nơi để “xác nhận” là đã có sự hiện diện của LLĐN Tango trên Cửa Việt từ lúc trước khi có lệnh ngưng bắn.
Trước nguy cơ địch có thể mở cuộc phản công, các đơn vị trên Cửa Việt lo phối trí lại lực lượng, tu bổ thêm vị trí phòng thủ, đồng thời xin bổ sung đạn dược, nhiện liệu cho chiến xa, thực phẩm, nước uống v.v. BTL/SĐ/TQLC cho biết QĐ1 sẽ chỉ thị cho Hải Quân cùng Nguời Nhái thi hành nhiệm vụ nầy ngay trong đêm tại Cửa Việt bằng quân vận đĩnh (LCM) với điều kiện bãi đổ bộ phải được bảo đảm an ninh. Suốt đêm chờ đợi, tuy nhiên đơn vị hành quân không liên lạc được bằng vô tuyến với các quân vận đĩnh. Sáng hôm sau thì BTL/QĐ1 cho biềt do biển động, sóng to nên Hải Quân và Người Nhái không thực hiện được cuộc đổ bộ.
Ngày N+2 (29/1/73).
Khoảng 04:00 giờ sáng, các đơn vị trên Cửa Việt báo cáo về LLĐN Tango, địch đang pháo kích và sau đó tấn công, nhưng bị đẫy lui nhanh chóng. Trước tuyến phòng thủ còn nhiều xác chết bỏ lại. Hỏa tiển AT3 và 82ly không giật, từ trong rừng dương và bờ Bắc sông Cửa Việt thỉnh thoảng vẫn tìm cách hạ chiến xa hoặc TVX M113 của ta. Như thế, “hòa bình” chì có vỏn vẹn 16 giờ đồng hồ trên Cửa Việt.
08:00 giờ thêm LLXK thứ hai do Đại Đội 2 của Đại Úy Từ Đức Thọ tùng thiết, lên tăng cường trên Cửa Việt và đặt dưới quyền kiểm soát hành quân của BCH Cánh A hổn hợp.
Sự tăng cường thêm lực lượng nhằm mục đích tăng thêm phần nào “thế quân bình” giữa ta và địch, đồng thời cũng nâng cao tình thần anh em đang chiến đấu trên tuyến đầu. Dọc đường LLXK phải chọc thủng 2 chốt ngoài bờ biển thuộc làng Thanh Hội và Vĩnh Hoà 1 để tiến lên Cửa Việt.
BTL/SĐ/TQLC (theo đề nghị của BTL/LLĐN/Tango) đã can thiệp với Quân Đoàn xin phi cơ oanh kích vào các khu vực đặt pháo về phía Tây nam Gio LInh và Tây bắc Đông Hà, nhưng chẳng những lời yêu cầu không được thỏa mãn mà Quân Đoàn còn chuyển thêm lệnh từ Trung Ương (Tổng Thống) là phải cố gắng giữ Cửa Việt trong khi chờ UBKSGS đến. Còn việc không gửi Không Quân lên hoạt động là chỉ sợ sẽ vi phạm Hiệp Định ngưng bắn, vã lại VNCH cũng đang khiếu nại CS đã và đang vi phạm Hiệp Định.
Khoảng xế trưa, do Hải Quân và Người Nhái không thực hiện được việc tiếp tế, Chi Đoàn 1/17/TK của Đại Úy Tạ Quang Trung cùng với một đại đội TQLC, hộ tống đoàn xe “tiếp tế khẩn cấp”, dưới quyền chỉ huy tổng quát của Thiếu Tá Pham Cang, Tiểu Đoàn Phó TĐ9/TQLC, trực chỉ đến khu vực ấn định (giữa làng Bình An và mục tiêu B) để tạm thời phân phối tiếp tế cho các đơn vị, đồng thời nhận thương vong, tù binh và chiến lợi phẩm do các đơn vị chuyển giao để mang về phía sau. Đoàn xe tiếp tế rời khỏi vùng hành quân khoảng 16:00 giờ, bình yên vô sự.
Sau khi Đại Đội 2/TĐ2/TQLC lên đến Cửa Việt thì thay ngay vị trí cho ĐĐ4/TĐ2/TQLC được rút về phía Đông Nam ít trăm thước, cùng nhau phối hợp với chiến xa và thiết vận xa để phòng thủ theo lệnh của BCH Cánh A hổn hợp.
Ngày N+3 (30/1/73)
Sáng sớm LLĐN Tango lại thêm một lần nữa được lệnh phải cố gắng giữ Cửa Việt để chờ UBKSGS đến, đó là lệnh từ Trung Ương. Thời gian vẫn lạnh lùng trôi qua, chỉ nghe tiếng pháo từ trên Cửa Việt vọng về, thỉnh thoảng một vài trái lại rơi vào tuyến phòng thủ của LLĐN Tango hay bay ngang qua rồi rơi ngoài biển. Có ở tuyến đầu mới thấu được sự chịu đựng phi thường của các anh em đang chiến đấu, hiểu được nỗi khổ tâm của các cấp chỉ huy trực tiếp phài giải thích lý do sao chúng ta không có phản ứng tích cực nào. Các tuần dương hạm, các tiền phong đĩnh (Monitor), các hộ tống hạm v.v. được trang bi các loại đại bác 127 ly, 105 ly, 76 ly của hải quân ta đâu? Sao không thấy xuất hiện để phối hợp với các lực lượng trên bộ, vừa bắn phá vào mục tiêu địch, vừa nâng cao thêm tinh thần quân sĩ ta? Bầu trời Cửa Việt cũng vắng bóng các phi công anh hùng ngày nào khi quân ta tái chiếm Quảng Trị. Chúng ta rất cần đến “tai nghe mắt thấy” từ trên không để có thể đập tan đội hình, phá vỡ mọi nổ lực tăng cường của địch từ mọi hướng. Giờ đây chiến xa M48 và thiết vận xa M113 là “linh hồn” của đoàn quân ta trên Cửa Việt.
Các đơn vị CS tham chiến trận Cửa Việt gồm có : ngoài các Trung Đoàn 27, 48, 64 thuộc SĐ/320 và Trung Đoàn 101/325, còn có thêm các Trung Đoàn 24 thuộc SĐ/304, Trung Đoàn 271 độc lập, thành phần chiến xa của Trung Đoàn 202 và Lữ Đoàn 203, các đội chuyên môn chống CX AT3.
Như vậy địch hiện diện 6 trung đoàn trong vùng, thêm thành phần chiến xa của TRĐ 202 và Lữ Đoàn 203 và các đội CCX AT3. Đó chưa kể còn Trung Đoàn 66/304 được chỉ định làm thành phần trừ bị cho trận đánh tuy chưa vào vùng .
Khoảng 23:30 giờ, sau một vài đợt tấn công nhưng không thành của địch, Thiếu Tá Tiền báo cho tôi biết về tình hình mấy ngày qua anh em đã sử dụng đạn dược khá nhiều nhưng bổ sung chưa đầy đủ, luơng khô, nước uống cũng thiếu, một số chiến xa và thiết vận xa cũng bị hư hỏng…Tôi hiểu được ý Tiền muốn đề nghị gì. Tôi không muốn để Tiền tiếp tục, e rầng việc “cơ mật” bị tiết lộ. Tôi nói xa xôi nhưng dứt khoát với Tiền là hãy chuẩn bị, phối hợp chặt chẻ với Kiều, tức Thiết Đoàn Phó/ THĐ 20,” làm ăn” cho có lớp lang thứ tự. Hà Nội, tức ám danh đàm thoại củaTrung Tá Hiệu, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ3/PB/TQLC, sẽ bảo đảm an toàn bên phía sườn Tây… Bao giờ bắt đầu thì cho báo cho tôi biết.
Liền đó tôi yêu cầu Trung Tá Hiệu chuẩn bị hỏa lực ngăn chận kể cả màn khói, để bảo vệ sườn Tây của cánh quân ta, trường hợp có một cuộc rút lui. Tôi cũng báo cho Trung Tá Thiết Đoàn Trưởng THĐ/20 biết về câu chuyện giữa tôi và Tiền vừa rồi. Anh chỉ nói rất tiếc vì chúng ta không còn cách nào hơn.
Ngày N+4 (31/1/73).
Tôi vẫn túc trực bên trung tâm hành quân để theo dõi tình hình. Khoảng 02:00 giờ Lạng Sơn, tức Tướng Lân, gọi máy cho tôi để hỏi han tình hình anh em trên nầy với vẻ lo lắng. Tôi cũng trình bày những khó khăn, thiếu thốn mà các đơn vị đang gặp phải trên Cửa Việt, điều đó tất nhiên cũng có ảnh hưởng đến tinh thần. Tướng Lân cũng khuyên tôi nên đi ngủ để lấy sức vì ông biết tôi đã thức trắng mấy đêm liền. Ông cũng nói xa gần phải cẩn thận đừng để anh em bị thiệt hại nhiều.
Viêc gì đến đã đến. Sáng sớm tôi được báo địch tấn công mạnh và sau đó không lâu thì được tin lực lượng hành quân triệt thoái khỏi Cửa Việt.
Địch mở thêm một hướng phản công bằng bộ binh có chiến xa yểm trợ nhằm vào mục tiêu B với ý đồ cắt đứt đường rút lui của ta từ trên Cửa Việt.
Tại đây chiến xa QLVNCH và 2 Đại Đội / TĐ4/TQLC đã chận đứng, đồng thời phá hủy 2 CX T-54 hoặc T-34. (xin xem Sơ đồ vị trí các cụm phòng thủ.).
Cuộc hành quân được coi như kết thúc vào lúc 18:00 giờ, sau khi các đợn vị cuối cùng về đến khu vực tập trung liên hệ để kiểm điểm lại quân số và chiến cụ.
Thay lời kết :
Nhiệm vụ được giao phó cho LLĐN Tango trong trận hành quân tái chiếm Cửa Việt gồm 2 phần rõ rệt: (1) Phải chiếm Cửa Việt trước 08:00 giờ ngày 28/1/1972, nghĩa là 25 giờ sau khi vượt tuyến xuất phát. (2) Tổ chức phòng thủ an ninh, kiểm soát, ngăn chận mọi tàu bè ra vào Cửa Việt. Phần thứ nhất, LLĐN Tango đã hoàn thành tốt đẹp. Phần thứ hai, ta phải triệt thoái sau 3 ngày chịu áp lực nặng nề của CS , đặc biệt dưới hỏa lực 130 ly gần như liên tục mà ta không thể sử dụng phượng tiện nào để làm câm họng pháo của địch.
Kế hoạch tấn công Cửa Việt được thực hiện trong thời gian khá gấp rút để đáp ứng với yêu cầu phải vượt tuyến xuất phát lúc 06:30 giờ ngày 27/1/73 (chỉ trong vòng 1 ngày rưỡi kể từ khi nhận lệnh). Là lực lượng Tổng Trừ Bị của QLVNCH, chúng tôi đã quen giải quyết bất cứ mọi tình huống bất ngờ, khẩn cấp nào mà thượng cấp đã giao phó.
Nhưng trường hợp đánh lên Cửa Việt lại rơi vào thời điểm đặc biệt Hiệp Định ngưng bắn Ba Lê ra đời, nghĩa là “hết chiến tranh”, đồng thời chỉ còn mấy hôm nữa là Tết Nhâm Tý đến. Đối với phong tục cổ truyền, ngày Tết rất thiêng liêng trong tình cảm Việt Nam.
Chúng tôi không kịp có thì giờ để cho anh em học tập, chuẩn bị tư tưởng, tâm lý trước khi xuất quân.
Ngày thứ hai chiếm Cửa Việt, tức 29/1/1973, sau khi biết có sự tăng cường của các đơn vị CS để phản công, tôi có đề nghị về BTL/SĐ/TQLC yêu cầu QĐ1 ra lệnh cho hải quân có kế hoạch giúp nâng cao tinh thần quân ta đang đối diện với địch. Hải quân có thể tổ chức các cuộc hành quân thủy bộ nghi binh, biểu dương lực lượng ngoài khơi, hay tích cực hơn, sử dụng các đại bác trên chiến hạm tác xạ vào các mục tiêu trên bờ Bắc sông Cửa Việt. Lực lượng hành quân cũng không có ý đòi hỏi phương tiện tản thương và tiếp tế bằng trực thăng vì biết ở đấy hỏa tiển tầm nhiệt SA7 và phòng không của địch bố trí dày đặc, mà chỉ mong mấy chiếc quân vận đĩnh (LCM) thấp thoáng xa khơi, có lẽ đang chờ biển lặng để vào tiếp tế, bạo gan một lần, trực chỉ vào bờ để “tiếp hơi, tiếp sức” cho anh em đang chiến đấu, đóng góp phần nào nhiệm vụ trong cuộc hành quân đặc biệt này . Nhưng than ôi.. đành chịu cảnh ngậm ngùi !
Sự vắng bóng Không Quân QLVNCH trên bầu trời, đã cho CS cơ hội ngang nhiên tự tại dùng phà chuyển quân, chiến xa để tăng cường lực lượng phản công QLVNCH .
Chúng ta đã mất đi một ưu thế trên chiến trường Miền Nam lúc nào cũng được coi như vô địch. Thật nghịch lý và cay đắng !
Cho dù có những phê phán, nhận xét về hậu quả trận đánh không giống nhau do vị trí, quan điểm , mục đích.. khác biệt nhau, trận Cửa Việt vẫn được coi như một “bi tráng khúc” vang cao bất tận của các chiến sĩ mũ xanh, kỵ binh và thiết kỵ QLVNCH anh hùng bên bờ Nam sông Cửa Việt trong bốn ngày bão lửa ấy.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn