[ LỊCH SỬ CẬN ĐẠI VIỆT NAM 1945 - 1975 ] CUỘC XUNG ĐỘT LỰC LƯỢNG GIÁO PHÁI HÒA HẢO VÀ CHIẾN DỊCH BÌNH ĐỊNH MIỀN NAM VIỆT NAM 1955-1956.

16 Tháng Năm 20227:01 CH(Xem: 1360)
* Chiến dịch Hoàng Diệu
(từ 21-9-1955 đến 24-10-1955): truy kích tàn quân Bình Xuyên tại Rừng Sát. Chỉ huy trưởng chiến dịch: Đại tá Dương Văn Minh, chỉ huy trưởng Phân khu Sài Gòn-Chợ Lớn; Chỉ huy phó: Trung tá Nguyễn Khánh; Tham mưu trưởng: Thiếu tá Nguyễn Hữu Hạnh. Sau khi kết thúc chiến dịch, Đại tá Dương Văn Minh được vinh thăng Thiếu tướng vào ngày 4-11-1955; Trung tá Nguyễn Khánh được thăng Đại tá; các sĩ quan và quân nhân hữu công mỗi người được thăng 1 cấp, trong đó có Thiếu tá Nguyễn Chánh Thi, Chỉ huy phó Liên đoàn Nhảy Dù được thăng Trung tá.
* Chiến dịch Nguyễn Huệ
khai diễn ngày 1-1-1956, kết thúc vào cuối tháng 5/1956: Bình định miền Tây và vùng Đồng Tháp Mười. Tổng chỉ huy: Thiếu tướng Dương Văn Minh. Bộ Tham mưu chiến dịch được thành lập kể từ 29-12-1955 tại Long Xuyên. Đặt dưới quyền chỉ huy về quân sự và hành chính của Thiếu tướng Dương Văn Minh, có các phân khu sau đây: Mỹ Tho, Cần Thơ, Vĩnh Long, Sóc Trăng. Vùng hành quân được chia thành 2 khu chiến và khu trái độn: Khu chiến Miền Tây, Khu chiến Đồng Tháp Mười và khu trái độn thuộc Phân khu Vĩnh Long.
-Chỉ huy Khu chiến miền Tây là Đại tá Dương Văn Đức ( cấp bậc cuối cùng: trung tướng). Chỉ huy Khu chiến Đồng Tháp là Trung tá Nguyễn Văn Là (cấp bậc cuối cùng: trung tướng). Chỉ huy khu trái độn: Đại tá Nguyễn Văn Quan (cấp bậc cuối cùng: thiếu tướng).
Tháng 3/1956, Thiếu tướng Dương Văn Minh họp báo nói về chiến dịch Miền Tây và sự hợp tác của Tướng Trần Văn Soái, và cho biết trong chiến dịch Hoàng Diệu, đã tịch thu 20 kg vàng và 16 triệu đồng, 1/2 số tiền này sẽ dùng để xây cất Cô nhi viện Quốc Gia. (phần này ghi theo tài liệu Việc Từng Ngày của tác giả Đoàn Thêm).
* Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu:
khai diễn vào hè năm 1956 do Thiếu tướng Dương Văn Minh, nhiệm vụ: tiếp tục bình định Miền Tây. Ngày 29 tháng 8/1956, Thiếu tướng Dương Văn Minh được bổ nhiệm làm Tổng thư ký Thường trực Quốc phòng kiêm chỉ huy trưởng Chiến dịch Thoại Ngọc Hầu. Tháng 12/1956, Thiếu tướng Dương Văn Minh được thăng Trung tướng.

Một số sự kiện chính trị nổi bật tại miền Nam Việt Nam giai đoạn 1945-1954 .
Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng và tình hình ở Nam Kỳ 1945-1954
Đức Huỳnh Giáo Chủ, người sáng lập Dân Xã Đảng Hòa Hảo.

Tại Hội Hghị Potsdam Tháng Bảy, 1945, Tướng George C. Marshall, tổng tư lệnh quân đội Hoa Kỳ, đã yêu cầu Đô Đốc Louis Mountbatten, tư lệnh người Anh của quân Đồng Minh tại Đông Nam Á, tiếp quản khu vực phía Nam đường vĩ tuyến 16 chia đôi Đông Dương.
Lực lượng Anh nhân danh Đồng Minh sẽ chỉ làm nhiệm vụ giải phóng (liberation duties) để bàn giao lại cho Pháp Tự Do của Tướng Charles de Gaulle.
Tướng Douglas Gracey, tư lệnh quân Anh, khi nhận lệnh sang Đông Dương năm 1945, đem vào binh đoàn Anh – Ấn.
Quân Anh-Ấn đến Sài Gòn ngày 13 Tháng Chín, 1945, ban bố thiết quân luật ở Sài Gòn và đưa quân ra phố, đẩy Việt Minh ra ngoại ô để người Pháp giành quyền quản trị. Pháp núp dưới bóng quân Anh quay lại Sài Gòn, bắt đầu cuộc xâm lược nước ta lần thứ hai.
Đến Tháng Năm, 1946, các đơn vị tác chiến Ấn Độ và Anh cuối cùng rút khỏi Đông Dương.
Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất ở Nam Kỳ
Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Là một liên minh chính trị thành lập ngày 14 Tháng Tám, 1945, gồm các đảng phái quốc gia và những người Trotskyist (nhóm tranh đấu – Đệ Tứ Quốc Tế tại Việt Nam).
Lấy chủ nghĩa dân tộc làm ý thức hệ, tôn vinh Bảo Đại làm lãnh tụ, gồm có:
-Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng
-Phong Trào Thanh Niên Tiền Phong (về sau tách khỏi Mặt Trận để tham gia Việt Minh)
-Nhóm trí thức
-Liên Đoàn Công Chức
-Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam
-Phật Giáo Hòa Hảo
-Nhóm tranh đấu
-Đoàn thể Cao Đài
Ngày 21 Tháng Tám, 1945, Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất tổ chức một cuộc biểu tình biểu dương lực lượng tại Sài Gòn.
Sau Cách Mạng Tháng Tám các đảng phái thuộc Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất yêu cầu ông Trần Văn Giàu, đại diện Việt Minh, cải tổ Ủy Ban Hành Chính Nam Bộ.
Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất sau này chống lại Việt Minh, và hình thành các đảng phái quốc gia.
Dưới đây là danh sách các đảng phái chính trị của Việt Nam trong giai đoạn 1945-1954.
-Việt Nam Quốc Gia Độc Lập Đảng – 1945, do Hồ Văn Ngà thành lập.
-Đảng Xã Hội Việt Nam – 1946, do Nguyễn Xiển thành lập, sau này ra Bắc theo Cộng Sản.
-Dân Xã Đảng Hòa Hảo – 1946, do Huỳnh Phú Sổ thành lập.
-Cần Lao Nhân Vị Cách Mạng Đảng – 1953, do Ngô Đình Nhu thánh lập.
-Đảng Phục Hưng – 1954, do Trần Văn Hương thành lập.
Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng ra đời do nhu cầu chánh trị
Lúc này ở miền Nam, các tổ chức chính trị xuất hiện như nấm sau mưa, gây nên làn sóng dân chủ, công khai trong sinh hoạt cộng đồng.
Phật Giáo Hòa Hảo với lập trường chống Pháp, Đức Huỳnh Giáo Chủ với sự tham gia của một số nhà trí thức như Nguyễn Văn Sâm, Nguyễn Hoàng Bích, Trần Văn Ân, thành lập Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng.
Đây là một lực lượng chính trị, có lập trường dân tộc.
Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng còn gọi tắt là Dân Xã Đảng do Huỳnh Phú Sổ làm thủ lãnh, công bố ngày 21 Tháng Chín, 1946, với tôn chỉ cách mạng con người, cách mạng dân tộc, và cách mạng xã hội.
Giáo Sư Nguyễn Hoàn Bích, một tín đồ Thiên Chúa Giáo, được cử làm tổng bí thư. (Xin nhắc lại tiền thân của đảng Dân Xã là tổ chức các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo do giáo chủ Huỳnh Phú Sổ đứng đầu tham gia vào Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất thành lập ngày 14 Tháng Tám, 1945).
Phật Giáo Hòa Hảo căn bản lấy Tứ Đại Trọng Ân nên tích cực tham gia Dân Xã Đảng hầu đền đáp Ân Đất Nước và Ân Đồng Bào…
Trước sự bành trướng nhanh chóng và sâu rộng của Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Đảng, thực dân Pháp tìm mọi cách để cản trở, phá hoại.
Dân Xã Đảng tham gia “Giải Pháp Bảo Đại”
Việc Pháp ký kết hiệp ước sơ bộ 6 Tháng Ba, 1946 và thỏa hiệp án 14 Tháng Chín, 1946, với Hồ Chí Minh chỉ là bịp lẫn nhau, vì Hồ Chí Minh bề ngoài nhượng bộ với Pháp là để hợp thức hóa quyền đại diện Việt Nam của ông đối với thế giới.
Trong bối cảnh chánh trị đó, các giới cách mạng quốc gia thấy cần thiết phải có một giải pháp khác để lấy lại chủ động đối với Pháp.
Cựu Hoàng Bảo Đại lúc đó được xem là có vị thế tốt nhứt để tiêu biểu cho giải pháp quốc gia, đại diện dân tộc mà đứng ra thương thuyết với Pháp.
Pháp cũng nhìn thấy như vậy, nhưng vì vẫn còn tham vọng thuộc địa, nên xem Bảo Đại như một yếu tố để dọa dẫm Hồ Chí Minh, đồng thời dùng yếu tố Hồ chí Minh để dọa dẫm lại Bảo Đại.
Với sự đồng ý trên nguyên tắc về giải pháp Bảo Đại, phía Phật Giáo Hòa Hảo-Dân Xã đã cùng với các tổ chức quốc gia khác tham dự các phiên họp với Bảo Đại tại Hồng Kông.
Nhưng, như ta thấy, Pháp chỉ muốn làm ngư ông thủ lợi, chớ không có thiện chí tìm giải pháp hợp tình hợp lý cho vấn đề Việt Nam.
Trên bình diện quốc gia, Pháp đã có thái độ “thù địch” đối với Phật Giáo Hòa Hảo, ta không lấy làm lạ.
Những ngày cuối năm 1948
Với biến cố 16 Tháng Tư, 1947, tạo ra sự vắng mặt của Huỳnh Giáo Chủ, và tình trạng “khủng hoảng lãnh đạo tinh thần,” sức mạnh của tổ chức Phật Giáo Hòa Hảo bị suy giảm rất nhiều.
Pháp mạnh tay tiêu diệt bộ máy lãnh đạo chánh trị, tê liệt hóa các thành phần trí thức, Dân Xã Đảng, làm cho đoàn thể này chỉ còn lại một khối quần chúng mất cả lãnh đạo tinh thần lẫn lãnh đạo chánh trị.
Trong tình huống đó, đương nhiên uy quyền lãnh đạo của tổ chức rơi vào tay các vị lãnh tụ quân sự.
Các vị này, xuất thân từ thành phần bình dân ít học, không đủ ý thức chánh trị và kỹ thuật để lãnh đạo một tổ chức có tầm vóc lớn như Phật Giáo Hòa Hảo!!!
Đây là mục tiêu mà Pháp mong muốn, và cũng là điều mà Pháp đã thiết kế để tạo ra, và đã đạt được vào cuối năm 1948.
Các hoạt động Dân Xã bị tê liệt, các lãnh tụ, cán bộ Dân Xã bị vô hiệu hóa, hay bị tiêu diệt, chỉ còn khối quân sự và Pháp dùng vào công cuộc bình định lãnh thổ, đánh đuổi các đơn vị quân sự Việt Minh ở miền Tây.
(Giáo Sư Trần Văn Chi)

Phật giáo Hòa Hảo Trung tướng Trần Văn Soái
Chỉ huy Liên đội Nguyễn Trung Trực
Chỉ huy Quân đội Hòa Hảo
Trần Văn Soái (1889-1961) tự Năm Lửa, xuất thân là dân lao động tại bến xe, sau này trở thành Trung tướng của Lực lượng Vũ trang Giáo phái Hòa Hảo, xuất thân từ trường Huấn luyện Quân sự Cái Vồn. Hoạt động chống lại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Lực lượng Việt Minh vào những năm cuối thập niên 1940 và đầu thập niên 1950 của thế kỷ trước.
Ông sinh năm 1889 tại Mỹ Thuận, Cần Thơ, thủ phủ miền Tây Nam phần trong một gia đình nông dân về sau theo đạo Hòa Hảo. Ông mới học đến lớp cuối Trung học Đệ nhất cấp.
Quá trình hoạt đông​
Năm 1939 ông được giáo phái Hòa Hảo cho vào học sĩ quan tại trường Huấn luyện Quân sự Cái Vồn. Ra trường là sĩ quan phục vụ trong Lực lượng Giáo phái Hòa Hảo. Cuối năm 1940, ông được phong vượt cấp lên Thiếu tá làm sĩ quan cận vệ cho Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ. Giữa ăm 1942 ông được phong lên cấp Trung tá vẫn làm sĩ quan cận vệ cho Giáo chủ. Tháng 9 năm 1945 ông được phong cấp Đại tá và được cử làm Chi đội trưởng Chi đội 1 Nghĩa quân Cách mạng Vệ quốc thuộc Liên đội Nguyễn Trung Trực. Đầu năm 1946, giữ chức Chỉ huy Liên đội Nguyễn Trung Trực. Tháng 6 năm 1946, ông thành lập Đệ tứ Sư đoàn Hòa Hảo Dân Xã và Chỉ huy đơn vị này.
Ngày 26 tháng 6 năm 1948, ông là Tư lệnh Lực lượng bản bộ Hòa Hảo Dân xã đồng thời ông được phong tặng cấp bậc Thiếu tướng. Vào thời điểm này, Lực lượng Quân sự của Hòa Hảo chia thành nhiều đơn vị đóng quân tại nhiều địa điểm khác nhau:
Lực lượng Trần Văn Soái, tức Năm Lửa, đặt bản doanh tại Cần Thơ chiếm vùng Cần Thơ, Vĩnh Long, Sa Đéc.
Lực lượng Lâm Thành Nguyên, tức Hai Ngoán, bản doanh đặt tại Cái Dầu, hoạt động tại 2 tỉnh Long Xuyên và Châu Đốc.
Lực lượng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt, đóng bản doanh tại Thốt Nốt (Long Xuyên), kiểm soát vùng Rạch Giá, Long Xuyên.
Lực lượng Nguyễn Giác Ngộ đặt bản doanh tại Chợ Mới, đóng quân tại một vài khu vực trong tỉnh Long Xuyên.
Năm 1947, sau khi giáo chủ Hòa Hảo Huỳnh Phú Sổ bị Việt Minh bắt rồi sát hại, Trần Văn Soái đem 2000 quân với 250 tay súng hợp tác với quân đội Pháp, bản doanh đặt tại Cái Vồn, Cần Thơ.
Ngày 29 tháng 1 năm 1953, ông được phong cấp Trung tướng Hòa Hảo, làm Tổng tư lệnh Lực lượng Quân đội Hoà Hảo Dân Xã. Ngày 24 tháng 9 năm 1954, ông ra hợp tác với Chính phủ Quốc gia giữ chức vụ Quốc vụ khanh kiêm Uỷ viên Quốc phòng trong Nội các của Thủ tướng Ngô Đình Diệm và được đồng hóa cấp Trung tướng Quân đội Quốc gia. Ngày 30 tháng 4 năm 1955, ông từ nhiệm các chức vụ trên để rút quân về căn cứ cũ ở Cái Vồn, Cần Thơ. Lực lượng Quân đội Hòa Hảo Dân xã do ông làm Tổng tư lệnh với khoảng 3.800 quân chia thành 7 Trung đoàn.
(Ngay sau khi Tướng Trần Văn Soái từ nhiệm chức vụ Quốc vụ khanh, Thiếu tướng Nguyễn Thành Phương một sĩ quan giáo phái Cao Đài mới ra hợp tác với Chính phủ Quốc gia, được cử vào vị trí này). Ngày 9 tháng 2 năm 1961, ông từ trần tại Sài Gòn. Hưởng thọ 72 tuổi.
Gia đình​
Phu nhân: Bà Lê Thị Gấm (tục danh Phàn Lê Huê), một nữ tướng trong Quân đội Hòa Hảo Dân xã.

Tướng Lê Quang Vinh tự Ba Cụt là một anh hùng tạo thởi thế xuất thân từ nông dân áo vải, tay lấm chân bùn một tín đồ của Phật Giáo Hoà Hảo.
Vừa 20 tuổi, anh đã chạm phải với cái cảnh tang tóc của một xứ sở đang bị dày xéo xâm lăng của Thực dân Pháp. Lòng qủa cảm của một thanh niên đã hun đúc tinh thần yêu nước nồng nhiệt anh quyết tâm thành lập Bộ đội để đánh thực dân Pháp. Suốt 7 năm (1947-1954) những cuộc chiến đấu oai hùng của nghiã quân vang dội trong các tỉnh Châu đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Sa Đéc làm cho Việt Minh Cộng Sản cũng như quân đội Pháp đều phải khiếp đảm. Vì có một thiên phú, tướng Ba Cụt có khả năng điều quân khiển tướng độc đáo đánh đâu thắng đó. Ngoài ra tướng Ba Cụt có những đặc tính: Tiến quân anh đi trước, quân lui anh đi sau, và đối xử với binh sĩ với cấp trực thuộc như là thân nhân ruột thịt nặng nề giáo dục, nhẹ về hình phạt, nhường cơm sẻ áo với chiến sĩ trong những cơn bị địch bao vây.
Năm 1954, sau khi ký hiệp định Genève, ông Ngô Đình Diệm về nước chấp chánh, chính Ngô Đình Nhu thân hành đến gặp tướng Lê Quang Vinh với ý định muốn lôi kéo Tướng Vinh vào phe để khống chế các lực lượng vũ trang của các giáo phái. Nhận thấy ý đồ bất chính của nhà Ngô, Tướng Lê Quang Vinh khẳng định sớm muộn gì Ông Diệm và Ông Nhu đi đến con đường độc tài đó là hậu qủa vô cùng tai hại đưa đất nước Việt Nam đền bờ vực thẳm suy vong tạo cơ hội tốt cho CS trở lại thôn tính Miền Nam. Tướng Vinh rút vào bưng để phán đối. Sự rút quân của Tướng Vinh làm cho Ngô Đình Nhu vô cùng bực bội. và mưu toan thanh toán cho kỳ được người anh hùng trực tính này. Cuối cùng Tướng Lê Quang Vinh bị bắt và bị xử tử tại Cần Thơ (13-7-1956).
Tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt là lãnh tụ Hoà Hảo Dân Xã đảng đã bị phục kích bắt sống trong khuôn khổ chiến dịch Nguyễn Huệ vào năm 1956. Lúc nầy tôi chưa phục vụ dưới quyền chỉ huy của Đại tướng Dương Văn Minh. Tôi được biết qua báo chí lúc bấy giờ và theo lời thuật lại của Đại úy Nguyễn Lể Trí và Đại úy Nhung khi tôi làm việc chung với những người nầy từ năm 1958. Ông Trí là em rể của bà Dương Văn Minh cũng là thuộc cấp của Đại tướng Minh từ các chiến dịch Hoàng Diệu, Nguyễn Huệ, Thoại Ngọc Hầu. Chức vụ sau cùng của ông Trí là Cục Trưởng cục Xã Hội.
Sau khi hoàn tất chiến dịch Hoàng Diệu, Thiếu tướng Dương Văn Minh được đề cử giữ chức vụ Tư lệnh chiến dịch Nguyễn Huệ từ ngày 1.1.1956 để đối phó với lực lượng Hòa Hảo, cụ thể là để thu phục các Tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt và Tướng Trần Văn Soái tức Năm Lửa. Đại úy Trí, thuộc cấp tin cậy của Thiếu tướng Minh lúc bấy giờ, đã gây được sự tín nhiệm đặc biệt với ông Phan Hà, bạn học cũ, của Đại úy Trí. Chỉ sau vài lần trao đổi điều kiện với Đại diện của Thiếu tướng Minh, ông Phan Hà, Cố vấn của Tướng Năm Lửa, đã thuyết phục được bà Trần Văn Soái, nhủ danh Lê Thị Gấm, người được biết nhiều với biệt danh Phàn Lê Huê. Tuy là lãnh tụ của khối quân sự lớn nhứt của Hoà Hảo, Tướng Trần Văn Soái lại chịu sự chi phối cứng rắn của phu nhân mình nhứt là các vấn đề tài chánh nên ông chấp thuận nhanh chóng những điều kiện do Bộ tư lệnh Chiến dịch đưa ra và được soạn thảo bởi Đại sứ Nguyễn Ngọc Thơ.
Ngày 8.3.1956 tại Cái Vồn, trước Thiếu tướng Dương Văn Minh, Tướng Trần Văn Soái, với 1.056 sĩ quan và 4.600 binh sĩ Hoà Hảo, làn lễ tuyên bố về hợp tác với Chánh phủ .
Thu phục xong Trần Văn Soái, Thiếu tướng Minh tiếp đối phó với Tướng Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt. Ông cũng rất muốn thâu phục Lê Quang Vinh nên đã được sự giúp đở của Đại sứ Nguyễn Ngọc Thơ, qua trung gian của ông Giáo Huỳnh Kim Hoành, là cậu Tư cũng là thầy dạy học của Ba Cụt, tiếp xúc để thỏa hiệp với Ba Cụt nhưng không thành vì sự đòi hỏi quá đáng. Lê Quang Vinh tức Ba Cụt muốn được nhìn nhận là Trung tướng quân đội VNCH, ngang hàng với Trung tướng Lê Văn Tỵ, Tổng tham mưu trưởng QLVNCH và sắc lệnh công nhận này phải ban hành trước ngày về hợp tác.
Tôi được Đai tướng Minh cho biết trong thời gian đó, Bộ tư lệnh Chiến Dịch xử dụng tối đa các đơn vị thuộc quyền, hành quân liên tục dọc theo vùng Thất sơn, Châu Đốc ngăn chận đường về núi Sam, Thường Phước, thuộc quận Hồng Ngự gần sát biên giới Kampuchia, là cứ địa an toàn của Ba Cụt. Vì chiến thuật tấn công của TT Minh lúc đó là "chặn mất đường về hang của hổ, buộc hổ phải di động liên tục thì chắc chắn hổ phải sa lưới." Các Tiểu khu tại Miền Tây cũng nhận được lệnh của ông mở nhiều cuộc phục kích ngày và đêm trong vùng trách nhiệm của Tiều khu để náo động tướng Ba Cụt. Đúng như ý muốn của Thiếu tướng Dương Văn Minh, Tướng Lê Quang Vinh phải luôn luôn di động, không thể ở yên một nơi nào, nhứt là sau khi Tướng Trần Văn Soái đã quy thuận. Và cuối cùng hổ sa lưới thật:
Ngày 13.4.1956, Tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt bị một tiểu đội Bảo An phục kích bắt sống tại Chắc Cà Đao cách Long Xuyên 15 cây số cùng với 5 hộ vệ. Trung sĩ Giàu chỉ huy tiểu đội nầy đã thuật lại rằng, tiểu đội của Ông đang phục kích từ khuya đêm 12 rạng 13.4.56, vào khoảng 6 giờ sáng, Ông thấy một toán người từ một chiếc đò cập bến để bước lên bờ. Ông hô to:
- Ai đó! Đứng lại.
- Đừng bắn! Tôi là Ba Cụt đây!
Sau nầy được báo chí hỏi, Thượng sĩ Giàu nhìn nhận là Ông có cảm giác run sợ, nếu biết rõ trong toán người đó có Ba Cụt, không hiểu ông có phản ứng ra sao. Ông và Tiểu đội của Ông được thưởng 1 triệu đồng trong một buổi lễ ngày 22.5.1956.
Bộ tư lệnh Chiến dịch liền giải Ba Cụt về Cần Thơ rồi chuyển phạm nhân sang bộ Tư Pháp và bộ Quốc Phòng. Kể từ lúc đó mọi quyết định về Ba Cụt đều thuộc hai bộ này còn Bộ tư lệnh Chiến Dịch của Thiếu tướng Minh chỉ yểm trợ tỉnh Cần Thơ trong việc bảo vệ an ninh khám đường mà thôi.
Các phiên tòa và bản án của tướng Lê Quang Vinh
Ngày 11.6.1956: Tòa Sơ thẩm Đại hình họp tại Cần Thơ, với thành phần: Chánh án là ông Huỳnh Hiệp Thành, Đại diện Công tố viện là ông Biện lý Lâm Lễ Trinh, các Luật sư biện hộ bị can là ông Vương Quang Nhường, Lê Ngọc Chấn. Tòa tuyên án tử hình theo đề nghị của ông Biện lý Lâm Lễ Trinh.
Bị can chống án:
- 25.6.1956: Toà Thượng thẩm Đại hình họp tại Cần Thơ với thành phần : Chánh án: Lê Văn Thu, Công tố viện: Lê Văn Tuấn, để phúc lại án Lê Quang Vinh và ngày 26.6.56, y án tử hình của toà Sơ Thẩm Đại hình Cần Thơ.
- 3.7.1956: Toà án Quân sự họp tại Cần Thơ để xét về khía cạnh an ninh quốc gia với thành phần Chánh án: Vũ Tiến Tuân, Ủy viên Chánh phủ: Thiếu tướng Mai Hữu Xuân, và ngày hôm sau, 4.7.1956, tòa tuyên án Lê Quang Vinh: tử hình cộng thêm tước đoạt binh quyền và tịch thâu tài sản.
- Tử tội Lê Quang Vinh tự Ba Cụt xin Tổng thống VNCH ân xá.
- Tổng thống Diệm bác đơn ân xá.
- Luật sư Lê Ngọc Chấn thay mặt Lê Quang Vinh xin Tổng thống kiêm Tổng tư lệnh tối cao Q.Đ.V.N.C.H cho tử tội được bị xử bắn theo quân luật thay vì bị hành quyết bằng máy chém.
- Tổng thống Ngô Đình Diệm cũng bác đơn xin nầy.
- Ngày 13.7.1956. Thiếu tướng Lê Quang Vinh tự Ba Cụt, 32 tuổi, bị hành quyết tại nghĩa địa đường Hòa Bình, Cần Thơ bằng máy chém "guillotine" có từ thời Pháp thuộc, chở từ Sài Gòn xuống .

" MÃNH HỔ NAN ĐỊCH QUẦN HỒ - NGƯỜI HÙNG MẠT LỘ SA CƠ - BA CỤT LÊ QUANG VINH "
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn