SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : SÔNG LÔ PHỤ LƯU CỦA SÔNG HỒNG HÀ ( NHỊ HÀ ) TRÊN ĐỒNG BẰNG BẮC VIỆT . ( Phần 3 of 3 )

26 Tháng Ba 20224:50 CH(Xem: 1438)
SÔNG NÚI NƯỚC NAM
Sông Lô là phụ lưu ở tả ngạn sông Hồng, chảy từ Trung quốc sang các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ và Vĩnh Phúc, Việt Nam .
Sông Lô bắt nguồn từ tỉnh Vân Nam Trung quốc, gọi là Bàn Long Giang (盘龙江, Pan Long Jiang).
Sông chảy vào Việt Nam tại xã Thanh Thuỷ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang. Điểm cuối là ngã ba Hạc, còn gọi là ngã ba Bạch Hạc hay ngã ba Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, nơi sông Lô hòa nước vào sông Hồng .
Diện tích lưu vực: 39.000 Km², trong đó phần ở Việt Nam là 22.600 Km².
Đoạn sông Lô chảy xuống Việt Nam có chiều dài khoảng chừng 274 Km (từ 264 Km tới 277 Km), là một trong năm con sông dài nhất ở miền Bắc Việt Nam .
Sông Lô vào địa phận Việt Nam ở xã Thanh Thủy, Vị Xuyên. Sông chảy qua Vị Xuyên,Hà Giang, Bắc Quang, Hàm Yên (có một đoạn dọc ranh giới Bắc Quang và Hàm Yên), Yên Sơn,Tuyên Quang, dọc theo ranh giới Yên Sơn và Sơn Dương rồi sang Đoan Hùng rồi lại dọc ranh giới Sơn Dương, Lập Thạch (phía đông) với Đoan Hùng, Phù Ninh, Việt Trì (phía tây).
Sông Lô hợp lưu với sông Hồng ở giáp ranh giữa phường Bến Gót, phường Bạch Hạc (Việt Trì) và xã Tản Hồng (Ba Vì), cách chỗ sông Đà hợp lưu với sông Hồng khoảng 12 Km.
Đoạn dài 156 Km từ ngã ba Việt Trì đến bến Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang, các loại tàu thuyền có tải trọng 100 đến 150 tấn vận tải có thể hoạt động được cả hai mùa.
Đoạn từ Tuyên Quang đến Hà Giang, các tàu thuyền có tải trọng nhỏ có thể chuyên chở được vào mùa mưa.
Các phụ lưu của sông Lô :
Bàn Long Giang bắt nguồn từ Nghiễn Sơn , đoạn này nằm bên phía Trung quốc .
Sông Lô có hai phụ lưu lớn là:
Sông Chảy, chi lưu phía hữu ngạn, hợp lưu tại thị trấn Đoan Hùng, huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ.
Sông Gâm, chi lưu phía tả ngạn, đổ vào sông Lô ở Khe Lau, tỉnh Tuyên Quang.
Ngoài ra còn có các phụ lưu nhỏ khác như:
Sông Phó Đáy, chi lưu phía tả ngạn, hợp lưu gần Việt Trì.
Sông Con, chi lưu phía hữu ngạn, hợp lưu tại thị trấn Vĩnh Tuy, huyện Bắc Quang tỉnh Hà Giang.
ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT
ĐỊA DANH YÊN BÁI và VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG .
Vào thập niên 1920, thực dân Pháp càng ngày càng đè nặng ách thống trị tàn bạo lên đầu lên cổ người dân Việt từ Bắc chí Nam. Chúng đàn áp dã man, bóc lột tới tận xương tủy, nào sưu cao thuế nặng, nào bắt bớ giam cầm, tù đầy, tra tấn, thủ tiêu những người yêu nước. Các phong trào nổi dậy chống Pháp trước đó bị đàn áp dữ dội. Phong trào Đông du của cụ Phan bội Châu cũng bị dẹp tan. Khắp nơi đâu đâu cũng nghe tiếng oán hờn, nỗi uất hận cao ngút thấu trời xanh.
Trước hoàn cảnh cực kỳ đau thương của dân tộc, máu căm hờn sôi sục khắp nơi, những người trẻ Việt nam không thể cúi đầu khuất phục. Nhà cách mạng Nguyễn Thái Học, một sinh viên trường Cao Đẳng Thương mại Hà Nội, lúc ấy mới 24 tuổi, đã cùng các thanh niên Việt nam yêu nước khác như: Nhượng Tống, Phạm Tuấn Tài, Phạm Tuấn Lâm, Hồ Văn Mịch, Phó Đức Chính, Nguyễn Ngọc Sơn, Lê Văn Phúc ... đã đứng lên phất cờ khởi nghĩa, bí mật thành lập một Đảng đấu tranh cách mạng vào ngày 25.12.1927, lấy tên là VIỆT NAM QUỐC DÂN ĐẢNG để chống Pháp, quyết đánh đuổi thực dân giành độc lập, tự do cho dân tộc. Cụ Phan Bội Châu được cử làm Chủ tịch Danh dự, Nguyễn Thái Học được bầu làm Chủ tịch Tổng Bộ tức Đảng Trưởng.
Ngày 09 tháng 02 năm 1929, nhằm chiều 30 Tết Mậu thìn, tên Giám Đốc mộ phu trùm thực dân Pháp tại Hà Nội là Bazin bị các đảng viên VNQDĐ Nguyễn Văn Viên, Nguyễn Đức Lung, Nguyễn Văn Lân ám sát gây chấn động khắp Đông Dương. Mật thám Pháp lại càng gia tăng khủng bố, trả thù tàn bạo.
CUỘC KHỞI NGHĨA YÊN BÁI.
Trước cảnh khổ cực trăm bề của người dân, VNQDĐ quyết định Tổng Khởi Nghĩa vào ngày 10.02.1930. Quân cách mạng đã đồng loạt tấn công vào các cứ điểm quân sự của Pháp: tấn công Yên Bái, Lâm Thao, Hưng Hoá, ném bom trên cầu Long Biên Hà nội, đánh Đáp Cầu, Phả Lại, tấn công đồn binh Pháp tại Kiến An, đánh Phủ Dực, Vĩnh Bảo, Thái Bình, xử tử cháu tên đại Việt gian Hoàng cao Khải là Tri Huyện Vĩnh Bảo Hoàng gia Mô, giết chết nhiều sĩ quan và binh lính địch, chiếm nhiều căn cứ của thực dân. Do sự phản công mãnh liệt của quân Pháp, quân khởi nghĩa cuối cùng bị đẩy lui. Nhiều chiến sĩ cách mạng bị bắt vào ngày 20.2.1930 trong đó có nhà cách mạng Nguyễn Thái Học. Cuộc khởi nghĩa tuy thất bại nhưng cũng tạo tiếng vang khắp nơi và làm rúng động cả chính quốc Pháp.
CUỘC HÀNH QUYẾT 13 LIỆT SĨ VNQDĐ TẠI YÊN BÁI NGÀY 17.6.1930
Nhằm tiêu diệt mầm mống cách mạng, đồng thời khủng bố tinh thần những người yêu nước khác, thực dân Pháp đã xử chém 13 đảng viên VNQDĐ tại Yên Bái ngày 17.6.1930 trong đó có anh hùng Nguyễn Thái Học. Sau đây là một đoạn tường thuật cuộc xử chém của tác giả Hoàng văn Đào trong tác phẩm Từ Yên Bái tới ngục thất Hoả Lò: Yên Bái, một vị trí lịch sử lần thứ hai lại chứng kiến các đảng viên VNQDĐ đền nợ nước. Trong chuyến xe lửa bí mật, riêng biệt khởi hành từ Hà Nội lên Yên Bái,các tử tù cứ hai người còng làm một, trò chuyện ở toa hạng tư trên một lộ trình dài 4 tiếng đồng hồ. Cùng đi với các tội nhân còn có thanh tra sở mật thám Pháp, hai cố đạo người Âu là Linh mục Mechet và Dronet. Máy chém di chuyển theo cùng chuyến xe. Đao phủ thủ phụ trách buổi hành quyết là Cai Công. Cuộc hành quyết khởi sự vào lúc 5 giờ kém 5 phút sáng ngày 17.6.1930 trên một bãi cỏ rộng với sự canh phòng cẩn mật của 400 lính bản xứ. Xác chết 13 người chôn chung dưới chân đồi cao, bên cạnh đồi là đền thờ Tuần Quán, cách ga xe lửa độ một cây số.
Danh tánh của 13 Liệt sĩ đã lần lượt lên máy chém:
Bùi Tử Toàn
Bùi Văn Chuẩn
Nguyễn An
Hồ Văn Lạo
Đào Văn Nhít
Nguyễn Văn Du
Nguyễn Đức Thịnh
Nguyễn Văn Tiềm
Đỗ Văn Tứ
Bùi Văn Cửu
Nguyễn Như Liên
Phó Đức Chính
Cuối cùng là Nguyễn Thái Học.
Tãt cả các Liệt sĩ lên đoạn đầu đài đều hô to: Việt Nam Muôn Năm.
Người Nữ Anh hùng Nguyễn Thị Giang ( cô Giang và em là cô Bắc ) là đảng viên VNQDĐ tuẫn tiết theo Đảng Trưởng.
Ngoài ra, kể từ ngày khởi nghĩa Yên Bái thất bại, trên 30 đảng viên VNQDĐ đã bị thực dân Pháp xử chém và hàng ngàn đảng viên khác bị xử án từ chung thân đến lưu đầy biệt xứ.
TIẾP NỐI TINH THẦN LIỆT SĨ YÊN BÁI.
Xử chém được 13 chiến sĩ cách mạng tại Yên Bái, thực dân Pháp tưởng đã đàn áp được tinh thần yêu nước của toàn dân ta. Trái lại, noi gương hy sinh dũng cảm của các bậc tiền nhân, của 13 vị liệt sĩ Yên Bái, toàn dân ta tiếp tục đẩy mạnh cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập, chống độc tài phong kiến và chống lại ách cai trị tàn bạo của các chế độ độc tài .
" ANH HÙNG TỬ . KHÍ HÙNG BẤT TỬ "
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn