VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG THƯƠNG NHỚ ! XỨ SỞ PANDURANGA - SÔNG DINH PHAN RANG ( NINH THUẬN ) - NAM TRUNG PHẦN.

24 Tháng Bảy 20219:41 CH(Xem: 2077)
Sơ lược Lịch sử xứ sở Panduranga - Phan Rang
Panduranga (1471 - 1832)
Panduranga-Chăm Pa và Thuận Thành trấn
Phần đất còn lại của vương quốc Chăm Pa từ sau năm 1471 mà sách sử người Việt gọi là Chàm hay Chiêm Thành chỉ từ đèo Cả ngày nay trở về nam, gồm hai địa khu Kauthara và Panduranga. Năm 1594 vua Chăm là Po At đã gửi lực lượng sang giúp sultan xứ Johor tấn công quân Bồ Đào Nha ở Malacca.
Năm 1611 Nguyễn Hoàng đã thực hiện cuộc Nam tiến đầu tiên sau khi trấn giữ Thuận Quảng. Tiến chiếm đất từ đèo Cù Mông (bắc Phú Yên) đến đèo Cả (bắc Khánh Hòa) của vương quốc Chăm Pa khi đó đã suy yếu rất nhiều, lập thành phủ Phú Yên gồm hai huyện Tuy Hòa và Đồng Xuân, giao cho Văn Phong trấn giữ.
Năm 1629, Văn Phong liên kết với người Chăm Pa nổi lên chống lại chúa Nguyễn. Chúa Sãi cử Phó tướng Nguyễn Hữu Vinh đem quân dẹp yên, và đổi phủ Phú Yên thành dinh Trấn Biên.
Năm 1631, chúa gả con gái là Ngọc Khoa (có sách gọi là Ngọc Hoa) cho vua Chăm Pa là Po Rome. Cuộc hôn phối này làm quan hệ Việt - Chăm diễn ra tốt đẹp
Năm 1653, Bà Thấm quấy nhiễu ở đất Phú Yên, chúa Hiền cho 3000 quân sang đánh, quân Nguyễn hạ được thành. Bà Thấm trốn chạy, sau phải dâng thư xin hàng, vùng phía đông sông đến địa đầu Phú Yên (vùng Kauthara) bị mất vào tay chúa Nguyễn, chỉ còn phần phía tây sông (vùng Panduranga) là thuộc về Chăm Pa.
Tới năm 1693, tướng Nguyễn Hữu Cảnh tấn công vào Panduranga, bắt vua Po Sout đưa về Phú Xuân và đưa em trai của Po Sout là Po Saktiray Da Patih (Kế Bà Tử) lên làm vua, Panduranga được đổi thành Thuận Thành Trấn và vua Chăm được gọi là Trấn Vương cai trị Thuận Thành Trấn với sự giám sát chặt chẽ của các quan lại của chúa Nguyễn. Chế độ tự trị này được duy trì cho đến tận năm 1832 qua các đời chúa Nguyễn, thời Tây Sơn và thời kỳ đầu triều đại nhà Nguyễn. Tuy nhiên, các đời chúa Chăm sau Po Saktiray Da Patih không còn duy trì được mối quan hệ trực tiếp với các chúa Nguyễn và mọi công việc của Thuận Thành Trấn được tiến hành thông qua phủ Bình Thuận.
Ngay sau khi Minh Mạng lên ngôi, ông phân bố lại hành chính, chia Bình Thuận trấn thành 2 phủ Ninh Thuận và Hàm Thuận. Minh Mạng hạn chế hơn nữa quyền lực của hoàng gia Chăm. Năm 1822, Chánh Chưởng (Cơng Can), vị vua cuối cùng của Champa rời kinh đô Bal Canar (Tịnh Mỹ - Phan Rí) lưu vong tại Kampuchia.
Năm 1832 người Chăm lại nổi dậy chống lại vua Minh Mạng nhân dịp có cuộc khởi nghĩa Lê Văn Khôi ở phía nam nhưng không thành công. Chính quyền tự trị hạn chế của người Chăm chấm dứt tồn tại vào năm 1832, khi Hoàng đế Minh Mạng đổi Thuận Thành thành phủ Ninh Thuận và đặt quan lại cai trị trực tiếp. Lịch sử vương quốc Chăm Pa chính thức dừng lại ở đây.
Lịch sử miền đất Tây Nguyên ngày nay sau khi tách khỏi lịch sử Chăm Pa vào năm 1471 còn chưa được các học giả quan tâm nghiên cứu. Mối quan hệ lịch sử giữa Chăm Pa (trước thời Lê), Nam Bàn (thời Lê) và hai nước Thủy Xá, Hỏa Xá (thời Nguyễn) còn chưa được chứng minh. Tuy nhiên theo Cương mục thì vua Lê Thánh Tông phong cho dòng dõi chúa Chăm Pa làm Nam Bàn quốc vương, đây là một quốc gia cổ sơ khai của người Giarai và Ê đê và đất đai Nam Bàn chính là đất phụ thuộc Chăm Pa xưa (trước thời Lê) và vào thời Nguyễn đấy chính là đất của hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá (tức Tây Nguyên ngày nay). Sau khi Chăm Pa bị sáp nhập hoàn toàn vào Việt Nam thì hai nước Thủy Xá và Hỏa Xá của người Ê đê và Giarai tức miền đất Tây Nguyên ngày nay vẫn giữ được độc lập nhưng trở thành phiên thuộc của nhà Nguyễn cho đến thời Pháp thuộc.
Người xưa đâu ?..Người xưa đâu ?..
Ba Tháp (Tháp Hòa Lai) : Tháp được xây dựng ở thế kỷ 9, trong giai đoạn phong cách Hoà Lai, hiện là một trong những cum tháp Chăm cổ nhất hiện còn .
Một điểm đặc biệt về cụm tháp này là mặc dù tháp rất đẹp và bề thế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng người Chăm đã bỏ không thờ cúng tại cum tháp này từ rất lâu, thậm chí là sau khi xây dựng xong, người Chăm chưa từng thờ cúng tại đây. Một trong các giả thuyết lý giải việc này là khu tháp đã bị người Khmer chiếm trong một cuộc chiến giữa hai vương quốc Khmer và Champa, vì thế cụm tháp đã bị ô uế.
Tháp Hòa Lai là một trong những cụm tháp cổ Chăm Pa, gồm có ba tháp hiện nằm ở thôn Ba Tháp, xã Bắc Phong, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận. Được đánh giá là một trong những di tích cổ nhất và đẹp nhất còn tồn tại.
Tháp Hòa Lai là một khu di tích lớn, nằm trên vùng đất cao nhất của một cánh đồng dài và rộng ở phía bắc thành phố Phan Rang–Tháp Chàm, cả khu di tích được xây dựng trong một khoảnh đất chữ nhật kéo dài theo hướng đông – tây, dài 200 mét, rộng 125 mét. Ngoài ba ngôi tháp, còn vết tích của nhiều kiến trúc phụ khác như tường gạch bao phía đông, tháp cổng, gian nhà dài ở khu sân ngoài và nhiều công trình nhỏ khác nhau.
Khu Di tích Ba Tháp
Tháp trung tâm hiện chỉ còn phần thân và một bộ phận của tầng thứ nhất nhỏ hơn hai ngôi tháp hai bên, nhưng lại được xây dựng cẩn thận hơn và còn giữ lại nhiều hình trang trí hơn, theo các nhà nghiên cứu vào cuối thế kỷ 19, người Pháp và quan chức địa phương đã cho phá phần trên của tháp trung tâm để lấy gạch lát con đường cái quan tức là quốc lộ 1 bây giờ đi qua đó. Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, tháp trung tâm đã bị sụp đổ luôn tầng thứ nhất chỉ còn lại phần nền.
So với tháp trung tâm, tháp phía bắc cao hơn về mặt bằng và về chiều cao, cũng như tháp trung tâm, phần nền của tháp bắc được trang trí tương tự. Riêng về tháp nam, so với ba ngọn tháp thì đây là tháp lớn nhất và còn nguyên vẹn nhất, tuy nhiên một số chi tiết trang trí trên mặt tường đang còn ở dạng phác thảo, về cơ bản tháp nam giống với hai tháp kia nhưng lại khác ở điểm trong cách bố cục và trang trí các chi tiết, các trụ ốp được đặt gần nhau hơn và mặt giữa trụ ốp hẹp hơn, cửa giả rộng hơn nhưng lại không có hình người đứng bên trong .
Hai ngôi tháp còn lại ở Hoà Lai, theo đánh giá của các nhà nghiên cứu mỹ thuật, là những kiến trúc tháp thành công nhất, đẹp nhất của Chăm Pa. Toàn bộ thân tháp là một khối lập phương khoẻ nhô lên từ một phần bệ vuông và đỡ cả một hệ thống các tầng nhỏ hơn. Trang trí hoa văn bên ngoài mặt tháp chỉ giới hạn ở vòm cửa, ở các trụ ốp, ở bộ diềm mái. Trang trí ở tháp Hoà Lai vừa mang tính chức năng - nhấn mạnh ấn tượng cho các thành phần cấu trúc đỡ vừa phô bày vẻ đẹp của các hoa văn .
Yếu tố đặc trưng tiêu biểu nhất của tháp Hoà Lai là những vòm cửa tò vò trùm lên trên cửa ra vào, các cửa giả và các ô khám của các tầng, vành của cửa vòm được phủ kín bằng những hoa văn hình là cuộn, vọt ra từ miệng của quái vật Kala trên đỉnh. Khoảng tường giữa hai trụ ốp cũng được phủ bằng các hình chạm khắc hoa lá. Phần trên của từng và bộ diềm mái là một hoa văn tràng hoa chạy dài và hình các thần điểu Garuda đang xoè cánh. Một trong những nét rất đặc biệt của tháp Hoà Lai là tường tháp không thẳng đứng mà lại hơi choãi ra về phía trên ...
Sông Dinh qua Phan Rang .
Sông Dinh, còn có tên là sông Tô Hạp nơi đầu nguồn thuộc Khánh Sơn , tỉnh Khánh Hòa hay sông Cái Phan Rang, là một con sông đổ ra Biển Đông. Sông Dinh chảy qua các tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận, Việt Nam .
Thượng nguồn của sông Dinh từ trên sườn phia Đông của dãy núi thuộc cao nguyên Lâm Viên - Langbian đâm xéo ra biển theo hướng Đông bắc tới đèo Cả - Thạch Bi Sơn - Tỉnh Phú Yên.
Sông có chiều dài 135 Km và diện tích lưu vực là 3.109 Km² .
Sông Dinh bắt nguồn từ dãy núi cao E Lâm Thông giáp với Lâm Viên ở vùng Phan Rang hạ nguồn của thuỷ điện Đa Nhim.
. Khu vực thượng nguồn của sông có dạng bậc thềm có độ cao 800 – 1000m lòng sông dài và có độ trũng. Lưu vực các nhánh sông phân bổ hình rễ cây, từ Tân Mỗ về xuôi, sông chảy qua vùng đồi thấp là đồng bằng Phan Rang.
Đoạn hạ lưu sông Dinh chảy ngang thị xã Phan Rang qua cầu Đạo Long ra hướng biển Đông ...
Bãi biển Cà Ná :
Cà Ná - một cái tên theo ngôn ngữ Chăm . Nơi có núi, có rừng, có biển, và một nền văn hóa Chăm rất độc đáo. Vẻ đẹp thiên nhiên kết hợp với nét văn hoá đã tạo nên thu hút rất nhiều du khách .
Theo trên quốc lộ 1A, khi đến đoạn giáp ranh Bình Thuận- Ninh Thuận, biển Cà Nà hiện ra bát ngát, bao la . Biển xanh, cát trắng, ghềnh đá, núi non... với các tuyến đường giao thông uốn luợn qua các eo biển, tạo cho Cà Ná một khung cảnh ngoạn mục với khí hậu nắng ấm quanh năm .
Bãi biển nằm trên quốc lộ 1A cách trung tâm thị xã Phan Rang 30Km về phía nam. Cà Ná được thiên nhiên tặng cho một vị trí rất đẹp, gần với tuyến đường sắt xuyên Việt và con đường QL 1 Bắc Nam. Nơi đây được coi là một trong những bãi biển đẹp ở Việt Nam .
Nước biển trong xanh với những bãi cát trải dài quanh co uốn lượn khiến cho phong cảnh Cà Ná đẹp như một bức tranh sơn thủy hữu tình...
Đất Linh sinh Anh Kiệt : Quê hương cố Tổng Thống VNCH Nguyễn Văn Thiệu
Ông Nguyễn Văn Thiệu sinh tại làng Tri Thủy, xã Tân Hải, quận Thanh Hải, tỉnh Ninh Thuận (nay là xã Tân Hải, huyện Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận).
Từ làng Tri Thủy, những đứa bé đi học phải qua một cái đầm lớn là đầm Nai. Như bao nhiêu đứa trẻ khác, cậu bé Nguyễn văn Thiệu phải hằng ngày lội qua cái đầm ấy rồi đi bộ 5-7 Km để đến trường. Cởi quần áo ra, áo quần và cặp sách đội trên đầu, cậu bé lội quãng đường hơn nửa cây số dưới đầm.
Lớn lên, thành đạt, cậu bé Nguyễn Văn Thiệu ngày nào nghĩ đến những đứa trẻ phải lội biển đến trường như mình nên cho xây một chiếc cầu, chiếc cầu ấy được người dân địa phương gọi là cầu Nguyễn văn Thiệu. Hiện giờ, cầu mang tên là cầu Tri Thủy.
Không dừng lại ở đó, Ông Nguyễn Văn Thiệu cho xây một ngôi trường ở Tri Thủy cho trẻ em khỏi phải đi học xa. Như chiếc cầu, ngôi trường này được mang tên trường Nguyễn Văn Thiệu. Sau này trường được nâng cấp lên, hiện giờ là trường Cao đẳng Sư phạm Ninh Thuận (Ninh Thuận không có trường đại học, chỉ có 2 trường cao đẳng).
Trên bãi biển Ninh Chữ có một ngôi nhà xưa của ông Nguyễn Văn Thiệu. Ngôi nhà này được xây dựng để ông và gia đình nghỉ mát mỗi khi ông về quê . Ngôi nhà khá đơn giản, không hoành tráng như dinh Bảo Đại, biệt thự Trần Lệ Xuân (ở Đà Lạt), và có lẽ nhỏ hơn so với nhà của nhiều người thời nay.
Nhưng đây chính là nơi đầu đời sinh thành một lãnh đạo ,có sự nghiệp nổi tiếng của Việt Nam Cộng Hòa trong suốt cuộc nội chiến 20 năm tương tàn Quốc - Cộng trên dải đất Việt Nam ( 1954 - 1975 ).
Tiểu sử Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu (5 tháng 4 năm 1923 – 29 tháng 9 năm 2001) là một sĩ quan, chính khách người Việt Nam, người từng giữ chức Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa, Chủ tịch Đảng Dân chủ và Mặt trận Quốc gia Dân chủ Xã hội trong giai đoạn 1967–1975. Trong cương vị một trung tướng bộ binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Nguyễn Văn Thiệu được hội đồng tướng lĩnh bầu làm Chủ tịch Ủy ban Lãnh đạo Quốc gia, trở thành Quốc trưởng Việt Nam Cộng Hòa vào năm 1965. Là một chính trị gia theo đường lối chống cộng mạnh mẽ, ông đắc cử tổng thống sau khi giành chiến thắng trong một cuộc bầu cử diễn ra vào năm 1967 và nắm giữ cương vị này cho đến khi từ chức chỉ vài ngày trước khi Sài Gòn thất thủ . Sinh ra tại Phan Rang, duyên hải Nam Trung Bộ Việt Nam, Nguyễn Văn Thiệu ban đầu gia nhập lực lượng Việt Minh vào năm 1945, nhưng đào ngũ và tìm đường vào Sài Gòn chỉ một năm sau đó. Tại đây, ông gia nhập lực lượng Quân đội Quốc gia Việt Nam thuộc Liên hiệp Pháp. Sau khi người Pháp rút khỏi Đông Dương, Quân đội Quốc Gia dần chuyển đổi thành Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa còn Nguyễn Văn Thiệu trở thành Chỉ huy trưởng Trường Võ bị Đà Lạt trước khi được thăng cấp đại tá và trở thành một tư lệnh sư đoàn. Tháng 11 năm 1963, Nguyễn Văn Thiệu tham gia đảo chính lật đổ anh em Ngô Đình Diệm, Ngô Đình Nhu. Sau đó, ông được thăng cấp bậc thiếu tướng và bắt đầu tham chính. Nền chính trị Việt Nam Cộng Hòa bước vào một giai đoạn bất ổn khi các cuộc đảo chính thường xuyên diễn ra. Bằng cách hành xử khôn khéo,ông Nguyễn Văn Thiệu leo lên vị trí hàng đầu trong bộ máy quyền lực Sài Gòn giữa lúc các sĩ quan xung quanh ông vướng vào những cuộc đấu đá và thanh trừng nội bộ. Năm 1965, tại thời điểm Nguyễn Văn Thiệu được Hội đồng Quân lực bầu vào chức vụ quốc trưởng thì nền chính trị miền Nam đã dần ổn định trở lại.
Năm 1967, quá trình chuyển dịch từ chính quyền quân sự thành một chính phủ dân sự ở miền Nam Việt Nam được lên kế hoạch. Sau những cuộc tranh giành quyền lực ngay bên trong nội bộ quân đội, Nguyễn Văn Thiệu, trong liên danh cùng Nguyễn Cao Kỳ, đã tham gia tranh cử tổng thống và giành chiến thắng. Tuy nhiên, căng thẳng bên trong bộ máy lãnh đạo ngày càng trở nên rõ rệt. Nguyễn Văn Thiệu tìm cách vô hiệu hóa Nguyễn Cao Kỳ bằng việc loại bỏ những người ủng hộ ông Kỳ ra khỏi các vị trí trọng yếu trong quân đội và nội các. Để nắm chắc phần thắng trong cuộc bầu cử năm 1971, Nguyễn Văn Thiệu tiến hành áp đặt các quy định mới, ngăn cấm quyền tham gia tranh cử của hầu hết ứng cử viên. Số người còn lại, trong đó có Nguyễn Cao Kỳ, đều tự rút tư cách ứng cử viên vì biết trước rằng cuộc bầu cử sẽ có gian lận. Là ứng cử viên duy nhất tham gia tranh cử tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu tái đắc cử với 94% số phiếu...
Và trở thành Tổng Thống của Nền Đệ Nhị Cộng Hòa miền Nam Việt Nam cho đến ngày 25-4-1975 ông đã tuyên bố từ chức và trao quyền Tổng Thống cho Phó Tổng Thống Trần Văn Hương trước khi ông và gia đình di tản sang Đài Loan - Taiwan ./.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn