VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG THƯƠNG NHỚ ! KHÁNH HÒA LÀ XỨ TRẦM HƯƠNG : SÔNG CÁI NHA TRANG - SÔNG DINH NINH HÒA - NAM TRUNG PHẦN VIỆT NAM .

29 Tháng Năm 20214:32 CH(Xem: 3572)
Sông Cái Nha Trang :
Còn có tên là sông Phú Lộc, sông Cù, là sông lớn nhất tỉnh Khánh Hòa .
Sông có chiều dài 84 Km, diện tích lưu vực 1.732 Km² .
Lưu vực này bao gồm toàn bộ Diên Khánh , vùng núi phía tây Diên Khánh , khu vực bình nguyên Nha Trang và núi cao Tây bắc huyện Cam Ranh , độ cao trung bình 548 m, độ dốc trung bình 22,8% . Có 15 phụ lưu với chiều dài trên 10 Km. Tổng lượng nước cả năm 1,79 Km3, tương ứng với độ sâu dòng chảy 940 mm. Mùa lũ từ tháng 10 đến tháng 12, chiếm khoảng 73% lượng dòng chảy cả năm, Mùa cạn từ tháng 1 đến tháng 9, chiếm khoảng 27% lượng nước cả năm .
Sông phát nguyên từ Hòn Gia Lê, cao 1.812 M, chảy qua các huyện Khánh Vĩnh, Diên Khánh và thành phố Nha Trang rồi đổ ra biển ở Cửa Lớn (Đại Cù Huân). Sông Cái Nha Trang có 7 phụ lưu, bắt nguồn ở độ cao từ 900 đến 2.000 M nhưng lại rất ngắn, thường dưới 20 Km nên độ dốc rất lớn tạo nhiều ghềnh thác ở thượng lưu : các phụ lưu chính như sông Giang , sông Chò ở phía bắc ; Suối Dầu , sông Cầu , sông Khế ở phía nam ; ngoài ra có một số sông suối nhỏ xuất nguồn từ vùng núi cao , sườn đông của khối Quần sơn Lâm Viên - Langbian chạy xéo ra biển Đông theo hướng Đông bắc, kéo dài tới dãy núi đèo Cả - Đá Bia - Thạch Bi Sơn là ranh giới của tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên .
Sông chảy đến thôn Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc, thành phố Nha Trang thì chia làm hai nhánh:
Một nhánh chảy theo hướng Đông-Nam : men theo chân núi Đồng Bò, chảy xuống Trường Đông, Vĩnh Trường và chảy ra cửa biển Tiểu Cù Huân, gọi là Cửa Bé - Bình Tân . Nhánh này hiện nay đã bị lấp, chỉ đến mùa nước lũ, dòng chính mới hiện rõ ở đoạn đồng thấp trên QL1 từ cầu Dứa lên đến Lư Cấm - Võ Canh.
Nhánh thứ hai chảy xiên theo hướng Đông - Bắc : đây là nhánh chính của sông Cái từ Xuân Lạc, xã Vĩnh Ngọc chảy đến Ngọc Hội, sông chia làm 2 chi chính :
Chi thứ nhất chảy vào Phương Sài, gọi là Ngư Trường người xưa mượn bến Trường Cá tại Phường Củi mà đặt , rồi chảy xuống Hà Ra nơi đây xưa kia, nước xoáy tạo thành một đầm rộng gọi là đầm Xương Huân nay đã lấp cạn để xây chợ Đầm - rồi chảy tiếp ra cửa Đại Cù Huân, tức Cửa Lớn Nha Trang.
Chi thứ hai rộng và sâu hơn, chảy xuống Xóm Bóng - Cù Lao, rồi cũng chảy ra cửa Nha Trang như chi qua Hà Ra .
Sông Cái đoạn ở Nha Trang chia làm hai chi nhánh Xóm Bóng - Hà Ra : hai chi trước khi chảy ra cửa biển, gặp nhau và cùng ôm lấy cồn đất phù sa, tên gọi là Cồn Dê hay Cồn Ngọc Thảo và xóm Bóng .
Phần thượng lưu của sông Cái Nha Trang có rất nhiều thác. Từ cửa sông Chò trở lên thì có thác Đồng Trăng, thác Ông Hào, thác Đá Lửa, thác Nhét, thác Mòng, thác Võng. Qua khỏi thác Võng thì có thác Dằng Xay, thác Tham Dự, thác Ngựa, thác Hông Tượng, thác Trâu Đụng, thác Giang Ché, thác Trâu Á, thác Nai, thác Rùa, thác Hòm... Phần trên nguồn còn có rất nhiều thác nhưng ít người lên đến nên không có tên gọi.
Nha Trang là do tiếng Chàm Ya Tran mà ra. Ya là nước, là sông; Tran nghĩa là cây lau, cây sậy. Ya Tran nghĩa là sông lau. Vì con sông Cái chạy từ Diên Khánh xuống đến biển, mọc đầy lau lách ở hai bên bờ nên người Chàm gọi là Ya Tran. Sau khi đất Chiêm Thành sáp nhập vào lãnh thổ Việt Nam, thì người Việt phiên âm chữ Ya Tran ra Nha Trang để gọi con sông Cái chạy từ Diên Khánh đến biển.
Phần đất Khánh Hòa ngày nay, khi còn thuộc về người Chiêm Thành tức người Chàm thì gọi là Cù Huân (Kaut Hara). Đất Cù Huân sáp nhập vào lãnh thổ Việt nam khoảng đầu thế kỷ thứ 18, thời Chúa Nguyễn, chúa Nguyễn đổi tên đất Cù Huân làm dinh Bình Khang, sau đổi là Bình Hòa. Dinh Bình Hòa chia làm 2 phủ là phủ Ninh Hòa và phủ Diên Khánh. Dinh quan Tổng trấn Bình Hòa đóng tại Ninh Hòa trên bờ sông ,cho nên con sông Ninh Hòa mang tên là sông Dinh . Sông Dinh là con sông lớn nhất trên đất Ninh Hòa. Sông Dinh, theo Đại Nam nhất thống chí ghi là sông Vĩnh Phú, trước đó gọi là sông Vĩnh An, rồi sau gọi là sông Ninh Hòa, sông Dinh… Cũng có nghĩa là, thượng nguồn sông Dinh chính là nơi hợp lưu của ba con sông (ba ngọn nguồn): sông Cái, sông Đá Bàn, sông Cây Sao, và hạ sinh ra nó. Tất cả tên gọi trên nhằm để gọi một con sông chảy qua địa phận huyện Ninh Hòa - thị xã Ninh Hòa , tính từ Vĩnh Phú ra biển.
Hậu bán thế kỷ thứ 18 dinh Bình Hòa thuộc về nhà Tây Sơn. Tướng Tây Sơn là Trần Quang Diệu vào làm Tổng trấn, nhận thấy Ninh Hòa không có thế dụng binh, bèn dời dinh vào Diên Khánh. Để trấn giữ quân Chúa Nguyễn ở phía Nam, Trần Quang Diệu bèn xây thành đắp lũy kiên cố nơi đóng binh và gọi là Diên Khánh thành.
Vào cuối thế kỷ thứ 18, chúa Nguyễn là Nguyễn Phúc Ánh đánh lấy được thành Diên Khánh, và cử tướng Nguyễn Văn Thành làm Tổng trấn Bình Hòa. Nguyễn Văn Thành cho xây đắp lại thành Diên Khánh và lấy tên Nha Trang của con sông Cái mà đặt tên cho thành gọi là Nha Trang thành.
Dòng thơ của Quân Trường Đồng Đế Nha Trang :
" Anh đứng nghìn năm thao diễn : Nghỉ !
Em nằm xõa tóc đợi chờ anh ..."
Tháp Po Nagar nằm sát bờ sông Cái Nha Trang :
Yang Po Inư Nagar hay Yang Pô Ana Gar (Inư, Ana trong tiếng Chăm, Eđê, Jarai theo âm cổ gốc có nghĩa là Mẹ) (tên đầy đủ là Po Inư Nagar, hay còn gọi là Po ANagar) là ngôi đền Chăm Pa nằm trên đỉnh một ngọn đồi nhỏ cao khoảng 10-12 mét so với mực nước biển, ở cửa sông Cái (sông Nha Trang) tại Nha Trang, cách trung tâm thành phố khoảng 2 Km về phía bắc, nay thuộc phường Vĩnh Phước. Tên gọi "Tháp Po Nagar" được dùng để chỉ chung cả công trình kiến trúc này, nhưng thực ra nó là tên của ngọn tháp lớn nhất cao khoảng 23 mét. Ngôi đền này được xây dựng trong thời kỳ đạo Hindu (Ấn Độ giáo) đang cường thịnh khi Chăm Pa trong giai đoạn có tên gọi là Hoàn Vương quốc, vì thế tượng nữ thần có hình dạng của Uma, vợ của Shiva.
Truyền thuyết​ Po Nagar :
Nữ vương Po Ina Nagar (còn gọi là Yang Pô Nagara, Po Ana gar (ana trong tiếng Chăm Eđê, Jrai có nghĩa là Mẹ theo âm cổ) hay Bà Đen mà người Việt gọi là Thiên Y Thánh Mẫu Ana) là vị nữ thần được tạo nên bởi áng mây trời và bọt biển, người tạo dựng ra Trái Đất, sản sinh gỗ quý, cây cối và lúa gạo. Bà có 97 chồng, trong đó chỉ một mình Po Yan Amo là người có uy quyền và được tôn trọng hơn cả. Bà có 38 người con gái, tất cả đều hóa thân thành nữ thần, trong đó có ba người được người Chăm chọn làm thần bảo vệ đất đai và còn thờ phụng cho tới ngày nay: Po Nagar Dara - nữ thần Kauthara (Khánh Hòa); Po Rarai Anaih - nữ thần Panduranga (Ninh Thuận) và Po Bia Tikuk - nữ thần Manthit (Phan Thiết).
Tương truyền, tượng bà Thiên Y Thánh Mẫu Ana theo tín ngưỡng phồn thực của người Chăm ( Chàm - Chiêm Thành ), không có quần áo. Po Nagar hiện nay được người Việt Nam sử dụng, nhưng đã cho nữ thần ăn mặc theo kiểu Phật. Ngôi đền này cũng nổi tiếng đối với các du khách.
Cụm tháp tại Po Nagar :
Ngôi tháp bằng gỗ trước kia thờ nữ vương Jagadharma (công chúa Tchou Koti hay Thiên Y Thánh Mẫu) (cai trị Lâm Ấp từ năm 646 đến năm 653) được Prithi Indravarman cho xây dựng lại bằng vật liệu cứng tại Aya Tră (Nha Trang), trên một ngọn đồi cao cạnh cửa sông Cái (Xóm Bóng), để thờ tượng nữ thần Bhagavati (bằng vàng). Năm 774, quân Nam Đảo (Java, Indonesia) vào cướp phá. Đền Po Nagar, bị quân Nam Đảo phá hủy, sau đó được Satyavarman cho dựng lại bằng gạch, năm 784 thì hoàn thành và tồn tại cho tới ngày nay, nhưng cũng đã bị hủy hoại một phần đáng kể. Sau này quốc vương Harivarman I và con trai ông là Vikrantavarman III sau này có thể đã lần lượt xây dựng thêm 5 tháp nữa.
Những cấu trúc xây dựng còn sót lại có niên đại sớm nhất, theo Trần Kỳ Phương là mandapa - nó đã được xây dựng vào thời gian nào đó trước khi có câu khắc trên bia vào năm 817, có nói tới nó. Trần Kỳ Phương cho rằng tháp nhỏ ở phía tây bắc có niên đại khoảng thế kỷ X, và ngôi tháp chính có niên đại khoảng thế kỷ XI.
Những bia ký còn sót lại ở Po Nagar cho người ta thấy được dấu vết của một quốc gia hùng mạnh đã từng tồn tại trong quá khứ.
Các bia ký tự
Tháp Bà còn lưu lại nhiều bia ký cổ nhất của người Chăm. Bergaigne, một nhà khảo cổ học người Pháp đã liệt kê các bia ký theo thời gian như sau:
Nhóm A: Trên bia đá hình lục giác, do vua Satyavarman dựng năm 781 ghi chuyện tháp bị giặc biển đốt phá năm 774, việc xây dựng tượng thần Sri Satya Mukhalinga vào năm 784.
Nhóm B: Do vua Vikrantavarman III ghi lại công lao xây dựng của các tiên vương.
Nhóm C và nhóm D: Do vua Vikrantavarman II ghi các lễ vật dâng cúng chư thần.
Nhóm E: Ghi việc vua Indravarman II dựng pho tượng Bhagavati (tức Po Nagar) bằng vàng vào năm 918; pho tượng này về sau bị người Khmer xâm lăng cướp đi, và đã được thay thế bằng tượng bằng đá vào năm 965.
Bia đá ở hai bên cửa của tháp chính ghi việc cúng ruộng và dân công nô lệ cho nữ thần. Bia ở phía nam của tháp chính ghi việc vua Jaya Harivarman I ca tụng thần Yang Po Nagar vào năm 1178. Bia ở phía bắc tháp chính ghi việc dựng đền thờ thần Bhagavati Matrilingesvara vào năm 1256. Ngoài ra còn bia đá dựng năm 1050 của vua Paramesvaravarman I ghi việc tái lập tượng Bà, việc dâng cúng ruộng đất và nô lệ đủ sắc tộc: người Champa (Chăm), Kvir (Khmer), Lov (Tàu), Pukan (Mã), Syam (Xiêm) ... Bia của vua Rudravarman III (Chế Củ) dựng năm 1064 ghi việc xây cổng tháp rất tốn kém, và liệt kê những cống phẩm quý giá. Bia năm 1143 ghi lời xưng tụng Bà. Bia năm 1165 của vua Indravarman IV ghi việc dâng cúng một kim mão cho nữ thần Bhagavati Kautharesvati . Dựa vào lời ghi này có thể tạm dịch là "Đức thánh mẫu vùng Kauthara" và so sánh với các bia khác, có thể đoán là người Chăm chỉ thờ thần Parvati như Thánh Mẫu của từng địa phương ... tháp Nhạn (Phú Yên) và Ba Tháp , tháp Mỹ Sơn ( Ninh Thuận ) cũng có tháp thờ Thánh Mẫu của vùng đó, chứ chưa hẳn là ở mức độ toàn xứ Chiêm Thành . Các bia sau cùng ở thế kỷ thứ XIII hay XIV tiếp tục ghi những vật dâng cúng Bhagavati .
Tháp Bà Thiên Y A Na Thánh Mẫu nằm bên bờ bắc của cầu xóm Bóng theo hướng từ trung tâm Nha Trang đi ra . Đây là một địa điểm di tích cổ xưa của nền văn hóa Chàm anh em . Nếu có dịp nên ghé đến thăm viếng , hương khói ấm áp và cúng dường công đức .
Ca dao dân dã xứ Trầm Hương :
Ngó ra ngoài biển thấy tàu ,
Ngó vào trong bến thấy lầu ông Năm ...
Bác sĩ Alexandre Yersin sinh năm 1863 tại Aubonne, Vaud (Thụy Sĩ). Ông tốt nghiệp y khoa tại Lausanne rồi chuyển sang Marburg (Đức), cuối cùng đến Paris (Pháp).
Năm 1886, ông về làm việc tại phòng nghiên cứu Louis Pasteur theo lời mời của Emile Roux đồng thời tham gia phát triển huyết thanh chống bệnh dại. Yersin nhận bằng tiến sĩ khi vừa tròn 25 tuổi. Ông gia nhập Viện Pasteur thành lập năm 1889, cùng với Roux khám phá ra độc tố bạch hầu.
Yersin nghỉ việc ở Viện Pasteur, lên đường đến Đông Dương một năm sau đó với vai trò là bác sĩ cho công ty Vận tải Hàng hải trên tuyến Sài Gòn - Manila và Sài Gòn - Hải Phòng. Năm 1891, ông đặt chân đến Nha Trang.
Ông yêu mến mảnh đất này. Ông cho dựng nhà ở Xóm Cồn-Nha Trang đồng thời mở phòng khám, trở thành bác sĩ người Pháp đầu tiên hành nghề trong vùng. Ông đã có những hoạt động rất thiết thực giúp đỡ bà con. "Ông Năm" là cái tên bình dân mà người dân xóm Cồn đã gọi ông như một cách bày tỏ lòng biết ơn.
Sơ lược Tiểu sử Bác sĩ Alexandre Émile Jean Yersin (22 tháng 9 năm 1863 – 1 tháng 3 năm 1943)
Là bác sĩ y khoa, nhà vi khuẩn học, và nhà thám hiểm người Pháp gốc Thụy Sĩ. Ông được nhắc đến như là người đồng phát hiện ra trực khuẩn gây ra bệnh dịch hạch, sau này được đặt tên để vinh danh ông (Yersinia pestis). Một nhà vi khuẩn học khác, Kitasato Shibasaburo, được ghi nhận là đã xác định độc lập vi khuẩn này vài ngày trước đó, nhưng có thể đã xác định được một loại vi khuẩn khác và không phải là mầm bệnh gây ra bệnh dịch hạch. Yersin cũng lần đầu tiên chứng minh rằng loại trực khuẩn có trong bộ gặm nhấm cũng xuất hiện trong bệnh dịch ở người, do đó nhấn mạnh được các phương thức lây truyền khả thi.
Thuốc trị bịnh Sốt rét rừng ( Ký ninh ) được Bác sĩ Yersin nghiên cứu và bắt đầu ươm giống thử nghiệm cây thuốc Canhkina ( Quinquina - Cinchona ) tại Hòn Bà , cây Cao su tại vùng nông trại suối Dầu giữa Diên Khánh và Cam Ranh trước khi trồng ở miền Đông Nam Phần , Cao Nguyên .
Ông cũng là người khám phá Cao nguyên Lâm Viên - Đà Lạt và vạch ra một con đường bộ từ Trung Kỳ sang Cao Miên, cũng là người thành lập và là hiệu trưởng đầu tiên của Trường Y Đông Dương (tiền thân của Đại học Y Hà Nội). Ông được người dân xóm Cồn gọi bằng cái tên thân thuộc: "Ông Năm".
Nhớ quê .
Dù đi xa , lòng mãi không xa !
Một chốn dừa xanh , gọi chốn quê nhà .
Hình ảnh diệu kỳ , lòng luôn nhớ mãi !
Ôi ! những phố phường , làng cũ mến yêu xa .
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn