SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : DÃY TRƯỜNG SƠN NAM - QUẦN SƠN NGỌC LĨNH 2598M - TÂY NGUYÊN ( Phần 5 ) : Cao nguyên Trung Phần - Lưu vực sông Đồng Nai - Vàm Cỏ - Cửu Long - Việt Nam và những cuộc cạnh tranh sinh tồn trên bán đảo Đông Dương.

25 Tháng Mười 20203:12 CH(Xem: 2731)
-Thuộc dòng dõi con nhà tướng, tổ tiên là Đinh Quốc Công Nguyễn Bặc - vị khai quốc công thần thời nhà Đinh; ông nội Nguyễn Triều Văn giữ chức quan tham chiến Triều Văn hầu, lại lớn lên trong thời kỳ Trịnh - Nguyễn phân tranh nên Nguyễn Hữu Cảnh như một viên ngọc quý sớm được mài giũa.
Khi độ tuổi mới chớm đôi mươi, Nguyễn Hữu Cảnh đã nổi tiếng khắp vùng bởi văn võ song toàn. Ông được tiên phụ đặc cách cho đi theo chinh chiến, trải nhiều trận mạc. Tuổi trẻ, sớm lập được nhiều chiến công nên Chúa Nguyễn Phúc Tần cũng đặc biệt chú ý đến Hữu Cảnh. Chúa Nguyễn phong cho ông chức Cai cơ, một chức võ quan thuộc bậc cao. Ngoài ra, với vóc dáng hùng dũng, nước da ngăm đen, lại sinh năm Dần nên thời đó, thay vì tên thường gọi người ta tôn ông với danh “Hắc Hổ”.
Hành trình chiêu dân, mở cõi :
Năm Quý Dậu 1693, Vua Chiêm Thành là Bà Tranh bỏ không tiến cống, Chúa Nguyễn Phúc Chu hết sức tức giận, phái quan tổng binh Nguyễn Hữu Cảnh đem binh bình định vùng biên cương.
Trận bình định này, cuốn Việt Nam sử lược, quyển II, xuất bản năm 1971 cũng chép rõ: “Bắt được Bà Tranh và bọn thần tử là Tả trà Viên, Kế bà Tử cùng thân thuộc là Bà Ân đem về Phú Xuân. Chúa Nguyễn đổi đất Chiêm Thành làm Thuận phủ, cho Tả trà Viên, Kế bà Tử làm chức Khám lý và ba người con của Bà Ân làm đề đốc giữ Thuận phủ, lại bắt phải đổi y phục theo như người Việt Nam để phủ dụ đất Chiêm Thành. Qua năm sau lại đổi Thuận phủ ra làm Thuận Thành trấn, cho Kế bà Tử làm Đô đốc”.
Cuộc bình định vừa xong, một nhóm người Thanh đã kết bè đảng dấy loạn. Nguyễn Hữu Cảnh lại nhận lệnh Chúa Nguyễn đi đánh dẹp, rồi được cử làm Trấn thủ dinh Bình Khương (nay là vùng Khánh Hòa - Ninh Thuận). Là vị quan trấn thủ đầu tiên vùng đất mới, Chưởng cơ Nguyễn Hữu Cảnh đã nhanh chóng thiết lập hệ thống cai quản, tổ chức nhân dân khẩn hoang, ổn định cuộc sống, đề ra chính sách hòa đồng sắc tộc Chăm - Việt. Chính chính sách hòa đồng này đã góp phần giữ ổn định, hòa hợp những điểm bất đồng trong lối sống các tộc người.
Tháng hai, năm Mậu Dần (1698), nhằm đáp ứng nhu cầu khai mở đất đai, ghi rộng chủ quyền nên Nguyễn Hữu Cảnh thành lập một đoàn thuyền men theo đường biển, ngược dòng Đồng Nai đến cù lao Phố. Đến đây, ông nhanh chóng cho đặt đại bản doanh, nghiên cứu thổ nhưỡng, lập kế chiêu mộ lưu dân khẩn hoang.
Theo đó, một số lượng lớn người gồm nhiều thành phần như lưu dân, tù binh, người Hoa lưu vong... đã được đưa đến vùng đất mới này. Nguyễn Hữu Cảnh nhanh chóng thiết lập cơ sở hành chính thôn xã, lập Gia Định phủ trên phần đất từ sông Đồng Nai đến sông Tiền và chính thức cho sáp nhập vào bản đồ Đại Việt.
Để quản lý đất đai và số nhân khẩu lớn này, Nguyễn Hữu Cảnh đã cất đặt các bộ phận trông coi mọi việc khá khoa học. Chẳng hạn như chức Ký lục, chuyên trông coi về hành chính, thuế khóa; Lưu thủ chuyên trông coi về quân sự; Cai bộ phụ trách trông coi về công tác tư pháp. Ngoài ra, giúp việc cho các quan là các Xá Ty và một số đơn vị vũ trang. Riêng đối với người Hoa, Nguyễn Hữu Cảnh tập hợp họ thành những tổ chức hành chính riêng như xã Thành Hà (Trấn Biên), xã Minh Hương (Phiên Trấn) để tiện bề kiểm soát, quản lý.
Để đảm bảo thương mại phát triển, sự giao lưu thông suốt giữa các vùng dân cư trong Phủ, ông cho lập đường thủy ven các nhánh sông, lấy khu ngã ba sông Bình Dương làm trung tâm giao dịch, thương lưu với cù lao Phố, Bến Nghé, Cần Giờ, Rạch Cát, Vũng Cù (Cần Giuộc) và Gò Vấp. Nhờ vậy, tàu thuyền chở hàng hóa có thể ra vào một cách dễ dàng. Cuộc sống của dân cư nhanh chóng ổn định và khá phát triển, từng bước chủ quyền của người Việt được xác lập trên vùng đất Nam bộ. Sài Gòn - Gia Định trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa của vùng đất mới.
Nam chinh bảo vệ chủ quyền Năm 1699, Vua Chân Lạp là Nặc Thu đắp lũy Bích Đôi, Nam Vang và Cầu Nam cướp bóc dân buôn người Việt. Chúa Nguyễn Phúc Chu cử Nguyễn Hữu Cảnh làm Thống suất đem quân lính, thuyền chiến hợp cùng tướng Trần Thượng Xuyên lo việc đánh dẹp và an dân. Rất nhanh chóng, lực lượng thủy binh của ông đã tiến thẳng đến thành La Bích (thủ phủ Nam Vang), đánh tan quân Nặc Thu. Vua Chân Lạp đầu hàng.
Tháng 4 năm 1700, Nguyễn Hữu Cảnh cầm quân về đóng ở cồn Cây Sao còn gọi là cù lao Sao Mộc, nay thuộc chợ Mới, An Giang, báo tin thắng trận về kinh. Theo Gia Định thành thông chí thì tại đây, một thời gian ông bị nhiễm bệnh, hai chân tê bại, ăn uống không được. Gặp ngày Tết Đoan Ngọ ông miễn cưỡng ra dự tiệc để khích lệ tướng sĩ rồi bị trúng phong và thổ huyết. Khi quân về đến đến Sầm Giang thuộc địa phận Mỹ Tho thì ông mất. Nhân dân vùng đất mới khai phá, người Việt cũng như người Hoa, Chăm… đều nhớ ơn, họ đã lập đền thờ, bài vị của ông ở nhiều nơi. Thậm chí ở xứ Nam Vang, ngày nay là CamPuChia người ta vẫn thấy dấu vết của ngôi đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh.
Có thể nói, chính sự khai phá vùng đất mới của Nguyễn Hữu Cảnh là cơ sở để Chúa Nguyễn từng bước thu phục các vùng đất khác. Từ khi Gia Định phủ ra đời, thế lực của Chúa Nguyễn trên vùng đất Nam bộ phát triển mạnh mẽ.
Chứng kiến cảnh đó, vua nước Chân Lạp xin dâng Hà Tiên cho Chúa Nguyễn (1708). Sự kiện đất Hà Tiên được sáp nhập vào lãnh thổ của chúa Nguyễn mở ra bước ngoặt cho hành trình mở cõi, chỉ trong vòng nửa thế kỷ mà Chúa Nguyễn đã chiếm lĩnh trọn đất Đồng bằng sông Cửu Long. Năm Đinh Sửu (1757), Chúa Nguyễn tiếp quản vùng đất Tầm Phong Long do Nặc Ông Tôn dâng tặng. Hà Tiên và Tầm Phong Long được sáp nhập lãnh thổ Đàng trong đánh dấu hành trình mở cõi về phía Nam hoàn thành.
-Nước Xiêm La ( Thái Lan ) xuất hiện thế kỷ 13 và cuộc sát phạt mới bắt đầu :
Người Thái- Xiêm (Siam ) có liên hệ ngôn ngữ với một số dân tộc tại miền Nam của Trung quốc và chính vì vậy họ cho rằng, nguồn gốc của dân tộc Thái được cho là từ tỉnh Vân Nam. Tuy nhiên, cũng có người lại cho rằng từ đồng bằng sông Menam Chao Phya lên mạn Nam Trung Hoa rồi gặp thời kỳ bành trướng của Hốt Tất Liệt nên lại di chuyển xuống phía nam mới là dân tộc gốc của người Thái Lan.
Vương quốc Sukhothai:
Năm 1238, người Thái đã đánh đuổi các lãnh chúa Khmer và thiết lập nên một nhà nước mới đó là vương quốc Sukhothai.
Dưới thời Sukhothai, vua Ramkhamhaeng đã xâm chiếm lãnh thổ của người Khmer đến tận miền Nam Nakhon Si Thammarat. Ngoài ra, ông còn đóng góp vào sự phát triển trong văn hóa của người Thái Lan khi chính là người đã tạo ra bảng chữ cái đầu tiên của người Thái và làm cho người dân hiểu rõ sự giá trị của nghệ thuật.
Năm 1300, ông qua đời và được đánh giá là báo hiệu một sự suy thoái của đế quốc Sukhothai. Năm 1378, một nhà nước mới ra đời là Ayuthaya tấn công và chiếm đóng Sukhothai và một bước trở thành nhà nước hùng mạnh nhất trong trong lịch sử tất cả các vương quốc Thái.
Vương quốc Ayutthaya:
Nổi tiếng là vương quốc hùng mạnh nhất trong lịch sử tất cả các vương quốc tại Thái Lan, Vương quốc Ayutthaya tiến hành bành trướng chiến tranh với các nước láng giềng khác.
Sau khi tiêu diệt được vương quốc Sukhothai, Vương quốc Ayutthaya tiếp tục xâm chiếm miền Nam. Năm 1431, vua Boromaraja đệ nhị cướp được thành phố Khmer Angkor Thom và đã buộc người Khmer phải dời về Phnom Penh.
Năm 1569, Ayutthaya trở thành lãnh thổ của Miến Điện và phải đến năm 1584 mới đuổi hết được người Miến Điện ra khỏi đất nước.
Trong những thế kỷ tiếp theo, Xiêm La bắt đầu được các nước phương Tây chú ý. Năm 1601, những thương nhân Hà Lan đầu tiên đã đặt chân lên đất nước này. Kể từ đây, người Châu Âu bắt đầu cạnh tranh nhau nhằm giành những đặc quyền về bến cảng và buôn bán tại Thái Lan. Giai đoạn này đánh dấu vương quốc Ayutthaya yếu dần và sụp đổ sau 1 cuộc tấn công thiêu rụi thủ đô của quân Miến Điện.
Giai đoạn 1763-1782:
Sau khi vương quốc Ayutthaya sụp đổ, vị tướng Taskin đã quyết định chiếm lại thành phố nhưng sau đó lại dời đô đến Thonburi.
Năm 1763 là cuộc tấn công mạnh mẽ nhất của người Miến Điện vào Thái Lan nhưng đã bị người dân Thái Lan phản công. Chính vị tướng Taskin đã đẩy lùi được cuộc chiến này và chinh phục được các nước chư hầu và chiếm lại miền Bắc từ người Miến Điện.
Ông đã chỉ huy hàng loạt các cuộc chinh phục toàn bộ các dân tộc Thái như: Tấn công người Miến Điện ở phía Bắc năm 1774, chiếm Chiang Mai năm 1776 và thống nhất Thái Lan.
Đến năm 1782, Chao Phraya Chakri phế truất Taksin khỏi ngôi vua và chính thức lên ngôi trở thành vua Rama I, lập ra triều đại Chakri cho đến ngày nay tại Xiêm La - Thái Lan .
-Trận Rạch Gầm - Xoài Mút , sông Tiền Giang ​- Mỹ Tho :
Tháng 2 năm Giáp Thìn (1784),chúa Nguyễn Ánh sang Xiêm La hội kiến với vua Xiêm La là Chất Tri (Chakri, Rama I) tại Vọng Các (Bangkok). Vua Xiêm sai hai tướng là Chiêu Tăng, Chiêu Sương đem 2 vạn quân thủy cùng 300 chiếc thuyền sang giúp. Ngoài ra còn có 3 vạn quân bộ tiến sang Chân Lạp với danh nghĩa giúp vua Chân Lạp, nhưng thực chất ý đồ nhằm tạo gọng kìm phía tây, chờ cơ hội tiêu diệt Tây Sơn - Nguyễn Huệ .
Quân Xiêm nhanh chóng lấy được Rạch Giá, Ba Thắc, Trà Ôn, Mân Thít, Sa Đéc, ra tay cướp phá bừa bãi. Tướng Tây Sơn giữ đất Gia Định là phò mã Trương Văn Đa , thấy quân Xiêm thế lực mạnh, bèn cố thủ tại Gia Định và sai người về Quy Nhơn báo. Vua Tây Sơn sai Nguyễn Huệ đem binh vào chống giữ.
Sau khi vào Gia Định, Nguyễn Huệ đánh vài trận nhưng không thắng, có ý rút binh nhưng gặp dịp một tướng của Nguyễn Ánh là Lê Xuân Giác về hàng bày mưu phục binh. Mưu hợp với ý của Nguyễn Huệ nên ông nghe theo, liền cho bố trí trận địa và nhử quân Xiêm đến gần Rạch Gầm và Xoài Mút (ở phía trên Mỹ Tho) để đánh một trận lớn tiêu diệt quân Xiêm.
Đêm 19 rạng 20 tháng 1 năm 1785 (đêm 9 rạng 10 tháng 12 năm Giáp Thìn), quân Xiêm lợi dụng thủy triều xuôi theo dòng sông để tấn công Mỹ Tho nhằm phá vỡ đội thuyền phòng thủ của Tây Sơn. Quân Tây Sơn giả thua rút dần về hướng Mỹ Tho, nhử đối phương lọt vào trận địa mai phục đoạn Rạch Gầm-Xoài Mút. Quân Xiêm quen mùi thắng nên tiến vào trận mai phục của Tây Sơn , khi quân Xiêm lọt vào trận mai phục, bất ngờ quân Tây Sơn sử dụng pháo bắn uy hiếp dữ dội ở cù lao Thới Sơn và bờ sông Tiền, khóa chặt hai đầu, dồn quân Xiêm vào thế "tiến thoái lưỡng nan". Bên cạnh đó, pháo hỏa hổ ở hai bên bờ nã đạn tới tấp vào đội hình làm quân Xiêm rối loạn, tinh thần hoang mang rồi bỏ chạy. Cùng lúc đó, một đội thuyền cảm tử chở đầy rơm và những vật liệu dễ cháy đâm thẳng vào thuyền quân Xiêm làm cho số bị chìm, số bị cháy. Trong khi đó, cánh quân bộ Xiêm La ngay từ đầu đã bị quân Tây Sơn chặn đánh không cho cứu viện.
Một trận quyết chiến diễn ra trong không đầy một ngày đã tiêu diệt gần như hoàn toàn 2 vạn quân Xiêm, số còn sống sót chỉ được vài nghìn người chạy theo đường thượng đạo trốn về nước. Cánh quân bộ nghe tin thất trận cũng tan rã và tháo chạy. Nhị Vương Xiêm La Chiêu Tăng, Chiêu Sương chạy theo đường bộ về Xiêm; còn Nguyễn Ánh phải chạy ra đảo Thổ Chu rồi về Cổ Cốt được Cai cơ Trung đón sang Xiêm.
Sau trận đánh này, quân Xiêm khiếp đảm trước sức mạnh của Tây Sơn, "ngoài miệng thì nói khoác nhưng trong bụng thì sợ quân Tây Sơn như sợ cọp". Đánh dẹp xong, Nguyễn Huệ đem quân về Quy Nhơn để đô đốc là Đặng Văn Trấn ở lại trấn đất Gia Định.
-Đại tướng quân trấn thủ Trấn Tây, Trương Minh Giảng :
Ông đỗ cử nhân năm Kỷ Mão 1819, được bổ chức Tư vụ, dần thăng tới Lang trung bộ Binh, rồi đổi sang bộ Hình. Năm 1829 ông thăng chức Tham tri, được phái vào Nam công cán ở Gia Định, khi đổi về kinh ông làm Tả tham tri bộ Hộ, không lâu sau được thăng lên Thượng thư bộ Hộ, kiêm quản Khâm thiên giám.
Năm 1832, ông cùng với Thượng thư bộ Lễ Phan Huy Thực biên soạn bộ Liệt Thánh Thực Lục. Cũng thời gian này, ông giữ chức Tổng tài Quốc sử quán, chủ trì việc biên soạn bộ Đại Nam thực lục chính biên.
Năm Quý Tị 1833, Lê Văn Khôi nổi loạn chiếm giữ thành Gia Định (bấy giờ được đổi tên là thành Phiên An, còn gọi là thành Bát Quái hay thành Quy). Trương Minh Giảng được sung chức Tham tán quân vụ, cùng Thảo nghịch tướng quân Phan Văn Thúy đem quân vào dẹp loạn Lê Văn Khôi. Dựa vào thành cao hào sâu, quân Lê Văn Khôi cố thủ hữu hiệu, mãi 2 năm sau cuộc nổi dậy Lê Văn Khôi mới bị dập tắt.
Lãnh thổ bảo hộ Chân Lạp 1818-1863:
Do công thắng trận, Trương Minh Giảng được vua Minh Mạng khen thưởng một tấm bài bằng ngọc và tiền phi long bằng vàng.
Trong lúc đó, do Lê Văn Khôi cho người cầu viện Xiêm. Quân Xiêm do các tướng Chao Phraya Bodin và PhraKlang chỉ huy tiến vào xâm phạm lãnh thổ Đại Nam, ông cùng Nguyễn Xuân đẩy lui được quân Xiêm, được tấn phong tước "Bình Thành Nam". Nhân thắng lợi, Trương Minh Giảng cùng Trần Văn Năng đánh đuổi quân Xiêm, giúp Chân Lạp thu phục lại thành Nam Vang, được gia phong tước Bình Thành bá. Rất nhanh chóng sau đó, ông được phong hàm Hiệp biện đại học sĩ, lãnh chức Tổng đốc An Giang.
Không lâu sau, ông lại được phong hàm Đông các đại học sĩ, kiêm chức Bảo hộ Cao Miên.
Năm 1835, vua Chân Lập Ang Chan mất mà không có con trai nối dõi, theo lời khuyên của Trương Minh Giảng, vua Minh Mạng cho đổi đất Chân Lạp thành Trấn Tây thành, sáp nhập vào Đại Nam. Do công lao trấn giữ Trấn Tây thành, năm 1838, khi triều đình dựng bia võ công, tên ông được khắc hàng đầu đặt trong Võ miếu Huế. Như vậy, Trương Minh Giảng là vị tướng quân có uy quyền cao nhất Đại Nam lúc đương thời.
Dấu ấn triện Trấn Tây tướng quân chi ấn (鎭西將軍之印) kích cỡ 90x90, đóng vào tấu chương của hội đồng tướng quân Trấn Tây ngày 7 tháng 9 năm Mậu Tuất niên hiệu Minh Mệnh 19 (1838).
Trong thời gian làm Trấn Tây tướng quân, kiêm Tổng đốc An - Hà, Trương Minh Giảng gặp phải sự nhiều phản kháng từ người Chân Lạp. Bên cạnh đó, Xiêm cho tướng quân là Chất Tri (Chao Phraya Bodin Decha) chiếm đóng các vùng phía Tây Chân Lạp để tranh giành ảnh hưởng. Các anh em của vua Ang Chan là Ang Em, Ang Duong được Xiêm hỗ trợ, liên tục tấn công quân Đại Nam đóng ở Trấn Tây.
Suốt thời gian làm Đại tướng quân trấn thủ Trấn Tây, Trương Minh Giảng và Chất Tri liên tục tranh giành ảnh hưởng và đối đầu. Đây có thể xem là cuộc giằng co giữa hai vị đại tướng có quyền lực nhất ở hai nước Việt - Xiêm lúc bấy giờ trên đất Chân Lạp.
Năm 1841, Minh Mạng qua đời, Thiệu Trị lên nối ngôi. Thiệu Trị không có nhiều tham vọng về lãnh thổ như vua cha.
Lúc bấy giờ, tình hình Trấn Tây đang rối ren vì gặp phải sự chống đối mãnh liệt của người Chân Lạp (Cao Miên), vua Thiệu Trị sau khi bàn bạc với quan lại trong triều đã quyết định rút quân, bỏ Trấn Tây thành (tức Phnom Penh ngày nay) và toàn bộ Trấn Tây, phục hồi vương quốc Cao Miên. Trương Minh Giảng phải theo lệnh rút quân về trấn thủ An Giang.
Từ đó đường biên giới Việt Nam và Cao Miên hiện hữu cho đến ngày nay . Tất cả những người dân gốc Khmer Krom đang sinh sống trong phần lãnh thổ Đại Nam đều phải đổi sang các họ do triều Nguyễn qui định là : Sơn , Thạch , Kim , Kiên , Trầm và trở thành sắc tộc thiểu số trên đất Việt Nam .
-Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa hành quân qua Cambodia ( CamPuChia ) - Trung Tướng Đỗ Cao Trí tư lệnh Mặt Trận Cambodia năm 1970.
Các cuộc hành quân vượt biên của Quân Lực VNCH sang Cambodia nhằm phá hủy các căn cứ hậu cần của Cộng sản HCM được tiến hành sau khi Thủ tướng Lon Nol và Hoàng thân Sirik Matak thực hiện cuộc đảo chính Quốc Vương Cambodia Sihanouk vào ngày 18 Tháng Ba, 1970. Sau đó lên tiếng yêu cầu các lực lượng Mỹ và VNCH hành quân sang đất Chùa Tháp để giúp họ đẩy lùi các cuộc tấn công của quân Cộng sản Khmer Đỏ vào các thành phố Sihanoukville và Kompong Cham cũng như vào chính thủ đô Phnom Penh.
Trong khoảng thời gian từ ngày 20 Tháng Ba, 1970, đến 22 Tháng Bảy, 1970, đã có đến 13 cuộc hành quân ngoại biên lớn, nhỏ của Quân Lực VNCH và quân đội Mỹ đánh sang Cambodia, trong đó có cuộc hành quân Toàn Thắng 41 ngắn ngày và hai cuộc hành quân quy mô là Hành Quân Toàn Thắng 42, và Hành Quân Toàn Thắng 43. Các cuộc hành quân của Quân Lực VNCH đều được đặt dưới quyền chỉ huy trực tiếp hoặc tổng quát của Trung Tướng Đỗ Cao Trí, tư lệnh Quân Đoàn 3 và Vùng III Chiến Thuật.
Hành Quân Toàn Thắng 41 :
Khai diễn ngày 14 Tháng Tư, 1970, tại vùng Cánh Tiên (Angel’s Wing) tại tỉnh Svay Rieng trên lãnh thổ Cambodia, bên kia biên giới vùng Gò Dầu Hạ thuộc tỉnh Tây Ninh của Việt Nam. Sau ba ngày giao tranh, các lực lượng Quân Lực VNCH, được sự yểm trợ hỏa lực của Sư Đoàn 25 Bộ Binh Hoa Kỳ, đã tiêu diệt hơn 700 Cộng Quân, bắt sống 37 người và phá hủy căn cứ hậu cần của họ tại đây, gồm vũ khí, thuốc men, thóc gạo, đạn dược, mìn bẫy…
Sau cuộc Hành Quân Toàn Thắng 41, ba Thiết Đoàn Kỵ Binh thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh đã cùng với ba tiểu đoàn Biệt Động Quân VNCH triển khai cuộc Hành Quân Cửu Long từ Tây Ninh đánh sang vùng Mỏ Quạ (Crow’s Nest) và phá hủy nhiều kho vũ khí và quân dụng của CS .
Hành Quân Toàn Thắng 42 :
Cuộc hành Quân Toàn Thắng 42 (Victory 42), bắt đầu ngày 29 Tháng Tư và kết thúc ngày 22 Tháng Bảy, 1970, kéo dài ngót ba tháng trời và bao gồm 50,600 binh sĩ Mỹ tham chiến cùng với 58,600 binh sĩ Quân Lực VNCH, mà nỗ lực chính là Sư Đoàn 18 Bộ Binh, Trung Đoàn 46 thuộc Sư Đoàn 25 Bộ Binh, Liên Đoàn 3 Biệt Động Quân, 4 Thiết Đoàn Kỵ Binh thuộc Sư Đoàn 9 Bộ Binh, và Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù VNCH cùng với các đơn vị yểm trợ tiếp vận.
Mặt Trận B3 của Cộng sản HCM trên đất Cambodia do Tướng Hoàng Văn Thái làm tư lệnh và Phạm Hùng làm chính ủy, phối hợp với Trung Ương Cục Miền Nam (Cục R) gồm các lực lượng thuộc Công Trường 9, với quân số ước lượng chừng 40,000 cán binh, chưa kể các lực lượng du kích địa phương.
Cuộc hành quân gồm sáu giai đoạn tấn công, trong đó có năm giai đoạn là hành quân hỗn hợp giữa các lực lượng VNCH và Hoa Kỳ, và chỉ có giai đoạn cuối, từ 1 Tháng Bảy tới 22 Tháng Bảy, 1970, là do các lực lượng thuộc Quân Đoàn 3 VNCH thực hiện mà thôi.
Mục tiêu của Giai Đoạn 1 và 2 trong cuộc Hành Quân Toàn Thắng 42 là càn quét khu Mỏ Vẹt (Parrot’s Beak) từ biên giới Việt Nam-Cambodia tới Svay Rieng. Trong Giai Đoạn 3, quân bạn càn quét khu vực từ Svay Rieng cho đến vùng phía Bắc tỉnh Tây Ninh. Giai Đoạn 4 tập trung khai thông Quốc Lộ 1 trên đất Cambodia, từ Svay Rieng tới Kompong Trabeck. Trong Giai Đoạn 5, các đơn vị Mỹ-Việt tấn công vào Đồn Điền Chup, và trong Giai Đoạn 6, các lực lượng VNCH càn quét khu vực Đồn Điền Minot.
Theo kết quả cuộc hành quân, Cộng quân có 11,369 cán binh thiệt mạng và 2,328 người bị bắt sống cùng vô số hầm hố, tiếp liệu, đạn dược, súng ống và tài liệu bị phá hủy hoặc tịch thu cùng với hàng trăm hầm hố bị san bằng. Về hía quân bạn, có 638 chiến sĩ VNCH bị tử thương, và 35 người mất tích cùng với 338 binh sĩ Mỹ tử trận và 13 người mất tích.
Hành Quân Toàn Thắng 43 :
Ngày 1 Tháng Năm, 1970, chỉ hai ngày sau khi khai diễn cuộc Hành Quân Toàn Thắng 42, trong khi Tổng Thống Hoa Kỳ Richard Nixon loan báo với dân chúng Mỹ và thế giới rằng quân đội Mỹ và Quân Lực VNCH sẽ vượt biên qua Cambodia để tảo thanh các mật khu của quân Cộng sản tại vùng phía Đông của nước này, Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 3 VNCH đã phối hợp với quân đội Hoa Kỳ mở thêm một cuộc hành quân khác, mệnh danh Hành Quân Toàn Thắng 43, với lực lượng chính bên phía VNCH là Lữ Đoàn 3 Nhảy Dù.
Về phía Mỹ, cuộc hành quân này do Task Force Shoemaker (Lực Lượng Đặc Nhiệm Shoemaker) đảm nhiệm, với lực lượng nòng cốt là Sư Đoàn 1 Kỵ Binh Không Vận (1st Calvary Division). Mục tiêu của cuộc hành quân hỗn hợp Việt-Mỹ này là nhằm càn quét mật khu 353 của Cộng quân trong vùng Lưỡi Câu (Fishhook), là nơi thiết đặt bộ chỉ huy của lực lượng Cộng sản tại miền Nam Việt Nam, gọi là Trung Ương Cục Miền Nam, tức Cục R.
Sáu phi vụ dội bom trải thảm do siêu pháo đài bay B-52 đánh xuống vùng phía Nam Lưỡi Câu đã mở đầu cuộc hành quân này. Kế đó, 94 khẩu trọng pháo của Pháo Binh Hoa Kỳ cũng bắt đầu nhả đạn vào các mục tiêu, và tiếp theo đó là hỏa lực của 148 phản lực cơ Không Lực Hoa Kỳ từ các phi trường ở Nam Việt Nam và Thái Lan bay đến, cày nát các mật khu 352 và 353 của Cộng sản HCM trên đất Chùa Tháp.
Cuộc oanh tạc vừa chấm dứt, các tiểu đoàn Nhảy Dù VNCH được trực thăng vận vào chiến trường. Khoảng 100 trực thăng đã đổ quân tấn công thẳng vào các mục tiêu được chỉ định và đã gặp phải sức chống trả mãnh liệt của Cộng quân, bởi vì đây là một căn cứ hậu cần quan trọng của địch, với một nhà kho chứa khoảng 10 tấn thuốc men, 150 khẩu súng K-54 cùng với hàng nghìn khẩu súng đủ loại từ đại liên, trung liên, súng cối, súng CKC cho đến hỏa tiễn 122 ly, và khoảng 100 tấn đạn cược các loại.
Các lực lượng Hoa Kỳ thì chia thành hai mũi dùi tấn công thẳng vào Cục R, một mũi xuất phát từ Tây Ninh để tấn công vào mạn Bắc, và mũi thứ nhì tấn công từ hướng Đông sang. Tuy bị đánh bất ngờ, Cộng quân vẫn cầm cự quyết liệt trước khi tháo chạy, bỏ lại trậ địa 152 xác, phần lớn chết do phi pháo của Mỹ dội xuống trước cuộc tấn công.
Tại Snoul, Trung Đoàn 11 Thiết Kỵ Hoa Kỳ bất ngờ đánh thẳng vào mặt Nam của thị trấn, và cuộc giao tranh dữ dội với Cộng quân đã diễn ra ngay khu trung tâm thành phố trước khi các lực lượng Mỹ chiếm được Snoul. Nhưng các cuộc đụng độ với Cộng quân chung quanh thị trấn này vẫn tiếp diễn suốt 5 ngày sau đó, với 600 Cộng quân bị loại khỏi vòng chiến trong khi thiệt hại nhân mạng về phía quân Mỹ được coi là nhẹ.
Trong khi các Lữ Đoàn 1, 2, và 3 Kỵ Binh Không Vận Mỹ cùng với trung Đoàn 11 Thiết Kỵ vẫn còn lưu lại Snoul thì tại vùng Lưỡi Câu, các lực lượng VNCH lại được tăng viện thêm Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù để mở một mặt trận mới: Cuộc Hành Quân Toàn Thắng 45.
Thành quả rực rỡ của các cuộc Hành Quân Toàn Thắng 42 và 43 :
Hành Quân Toàn Thắng 42 và 43, cũng như các cuộc hành quân ngoại biên trước và sau đó của liên quân Việt-Mỹ, thành công phần lớn là do yếu tố bất ngờ tối đa cùng với hỏa lực trọng pháo và phi pháo hùng hậu của quân bạn.
Đối với Quân Lực VNCH, thành quả rực rỡ này là bằng chứng cho thấy kế hoạch Việt Nam Hóa Chiến Tranh của Hoa Kỳ đã thành công trong bước đầu, ít ra thì cũng là khi các lực lượng VNCH được cung cấp đầy đủ súng ống và đạn dược để tiếp tục cuộc chiến tranh chống du kích cam go và tốn kém mà Hoa Kỳ, vì nội tình nơi chính quốc, đã không thể đảm đương nổi .
Về phía Quân Lực VNCH, chiến thắng to lớn này cũng là nhờ tài điều binh, khiển tướng tuyệt với của vị tư lệnh chiến trường, Trung Tướng Đỗ Cao Trí, tư lệnh Quân Đoàn 3 và Vùng III Chiến Thuật.
Vị danh tướng của Quân Lực VNCH đã được Tạp Chí Time, số ra ngày 8 Tháng Sáu, 1970, tặng cho danh hiệu “Tướng Patton của Mỏ Vẹt” (“The Patton of Parrot’s Beak.” Tờ The New York Times của Mỹ cũng khen tặng vị tướng tài ba này trong một bài báo của ký giả James P. Sterba, đăng ngày 4 Tháng Sáu, 1970, dưới tựa đề “A Fighting General” (“Vị Tướng Lãnh Thiện Chiến”).
Chẳng những là một thiên tài quân sự, Tướng Trí còn là một chiến binh gan dạ và rất xông xáo trên chiến trường. Ngay trong cuộc Hành Quân Toàn Thắng 42, có lần Tướng Trí đã đáp trực thăng thẳng xuống vị trí đóng quân của Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù vào giữa đêm khuya để đích thân ra lệnh cho tiểu đoàn này cùng với Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh VNCH cấp tốc tấn công vào Đổn Điền Chup, nơi Công Trường 9 của Cộng Quân đặt bộ chỉ huy. Rồi Tướng Trí đã ngồi trên một chiến xa của Thiết Đoàn 5 để trực tiếp chỉ huy đoàn quân, tiêu diệt hầu hết bộ chỉ huy của Cộng quân trong trận này.
-Quân Tình nguyện Việt Nam làm Nhiệm vụ Quốc tế trên đất chùa tháp Campuchia năm 1978-1989 do quân đội CSHCM tiến hành :
Ngày 4 tháng 5 năm 1975, một toán quân Khmer Đỏ đột kích đảo Phú Quốc, 6 ngày sau quân Khmer Đỏ đánh chiếm và hành quyết hơn 500 dân thường ở đảo Thổ Chu . Tức giận quá , CSHCM phản công giành lại các đảo này. Trận đánh ở Phú Quốc làm quan hệ Việt Nam và Trung quốc đang xấu đi. Mối lo ngại này càng tăng thêm vì sự hiện diện của cố vấn Trung Quốc ở Campuchia và Trung quốc tăng cường viện trợ quân sự cho lực lượng vũ trang Khmer Đỏ.
Tiếp theo sau cuộc đột kích vào các đảo Thổ Chu và Phú Quốc, bên cạnh nhiều cuộc đột kích nhỏ, Khmer Đỏ tiến hành hai cuộc xâm nhập quy mô lớn vào Việt Nam. Cuộc tấn công lớn đầu tiên diễn ra vào đêm 30 tháng 4 năm 1977, quân chính quy Khmer Đỏ sử dụng lực lượng cấp sư đoàn và lực lượng địa phương các tỉnh biên giới, bất ngờ đồng loạt tiến sâu 10 km vào lãnh thổ Việt Nam. Khmer Đỏ đánh vào 13 đồn binh vũ trang và 14/16 xã trên dọc tuyến biên giới, từ Vĩnh Gia đến Vĩnh Xương, chiếm một số vùng ở tỉnh An Giang và tàn sát một số lớn dân thường.
Cuộc tấn công lớn thứ hai diễn ra vào ngày 25 tháng 9 năm 1977, 9 sư đoàn chủ lực Khmer Đỏ cùng lực lượng địa phương mở cuộc tiến công đánh sang các tỉnh An Giang, Kiên Giang, Long An, Đồng Tháp lên hướng Tây Ninh. Riêng ở tỉnh Tây Ninh, 4 sư đoàn quân Khmer Đỏ đánh chiếm nhiều điểm ở các huyện Tân Biên, Bến Cầu, Châu Thành, đốt phá 471 ngôi nhà, làm gần 800 người dân bị giết, bị thương hoặc mất tích. Tính từ ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến tháng 6 năm 1977, quân Khmer Đỏ đã xâm phạm biên giới Việt Nam trên 2.000 lần, sát hại hơn 4.000 người dân. Các cuộc tiến công và pháo kích vào An Giang tính đến ngày 19/5/1977 đã giết hại 222 người và làm 614 người dân Việt Nam bị thương, bắt đi 10 người, đốt cháy 552 nhà dân, cướp 134 tấn lúa và nhiều tài sản của nhân dân.
Để trả đũa, ngày 31 tháng 12 năm 1977, Quân đội CSHCM tập trung 8 sư đoàn mở đợt phản công, đánh thiệt hại 5 sư đoàn Khmer Đỏ, đánh vào sâu 20–30 km trong đất Campuchia đến tận Neak Luong rồi mới rút lui , đồng thời mang về một số nhân vật quan trọng bên phía Campuchia, trong đó có cả Hun Sen. Cuộc tấn công này được xem là lời "cảnh cáo" cho Khmer Đỏ.
Nhưng Khmer Đỏ phớt lờ, vẫn tiếp tục quấy nhiễu vùng biên giới Tây nam Việt Nam
Khmer Đỏ đã thực hiện thảm sát đối với người Việt Nam, vụ thảm sát Ba Chúc- An Giang vào tháng 4 năm 1978 với 3.157 dân thường bị giết hại, trong đó hơn 100 gia đình bị giết cả nhà. Từ năm 1975 cho tới năm 1978, có tới 30 ngàn người Việt Nam bị Khmer Đỏ sát hại trong các cuộc tấn công dọc biên giới. Tính từ tháng 5/1975 đến ngày 23/12/1978, quân Khmer Đỏ đã giết hại hơn 5.230 dân thường Việt Nam, làm bị thương gần 5.000 người, bắt cóc hoặc đưa đi thủ tiêu hơn 20.000 người ...
Ngày 13 tháng 12 năm 1978, được sự trang bị và hậu thuẫn của Trung quốc, Khmer Đỏ đã huy động 19 trong 23 sư đoàn (khoảng 80.000 đến 100.000 quân) tiến công xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới. Ba sư đoàn đánh vào Bến Sỏi với mục tiêu chiếm thị xã Tây Ninh, 2 sư đoàn đánh vào Hồng Ngự (Đồng Tháp), 2 sư đoàn đánh khu vực Bảy Núi (An Giang), 1 sư đoàn đánh Trà Phô, Tà Teng (xã Phú Mỹ, huyện Giang Thành, tỉnh Kiên Giang). Tại những vùng chiếm đóng, Khmer Đỏ đã thực hiện sách lược diệt chủng đối với người Việt, như đã làm với người Khmer.Từ tháng 12 năm 1977 đến 14 tháng 6 năm 1978, hơn 30 vạn thường dân Việt Nam phải tản cư vào sâu trong nội địa, bỏ hoang 6 vạn ha đất sản xuất ...
Khmer Đỏ từ chối đàm phán, Trung quốc không chịu làm trung gian hòa giải. Liên Hiệp Quốc không có biện pháp , để giải quyết chấm dứt cuộc xung đột. CSHCM phải chuyển sang sử dụng vũ lực để giải quyết cuộc xung đột.
Ngày 23 tháng 12 năm 1978 Cuộc tấn công vượt biên giới Tây nam bắt đầu ...
Xem mục đã đăng :
( NHỮNG NGÀY XƯA GHI DẤU SỬ XANH : CUỘC CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI TÂY NAM VIỆT NAM - CSHCM VƯỢT BIÊN GIỚI ĐÈ BẸP KHMER ĐỎ- CAMPUCHIA ( 5- 1975 TỚI 8-1- 1978 )./.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn