[LỊCH SỬ TIỀN CẬN ĐẠI VIỆT NAM - GIAI ĐOẠN THỰC DÂN PHÁP XÂM LĂNG ( 31/ 8/ 1858 ) đến TUYÊN CÁO VIỆT NAM ĐỘC LẬP ( 11/3/1945 )] CÁC XU HƯỚNG CHÍNH TRỊ CỦA GIỚI TÂN HỌC VIỆT NAM : Kỹ Sư Bùi Quang Chiêu và Đảng Lập Hiến Đông Dương (Parti Constitutionaliste Indochinois) năm1923 .

26 Tháng Sáu 20207:51 CH(Xem: 1984)
Bối cảnh chính trị Việt Nam sau Đệ Nhứt Thế Chiến 1914 - 1918 :
Những năm 1916-1917 có điều gì đó của một khúc quanh trong sự phát triển trong chủ nghĩa dân tộc Việt Nam.
Tại Nam Kỳ (Cochinchina), một cuộc tấn công không thành công vào nhà tù trung ương Sàigòn trong tháng Hai 1916 được tiếp nối bởi nhiều vụ bắt bớ lớn lao và sự phá hoại thực sự, trong thời gian này, của mạng lưới các hội kín vốn đã tăng trưởng tại nhiều tỉnh ở thuộc địa trong suốt thập niên trước. Nhiều đoàn viên của các hội kín như thế đã bị mang ra trước các pháp đình quân sự đặc biệt (được biện hộ bởi sự kiện rằng nước Pháp đang trong thời chiến tại Âu Châu) và bị kết án tử hình, lưu đầy, hay án tù dài hạn.
Tại Trung Kỳ (An Nam), một âm mưu khác bị bóp chết, có lẽ hoàn toàn riêng biệt, được trù tính tại Huế trong Tháng Năm 1916, liên can việc bắt cóc vị hoàng đế thiếu niên, Duy Tân; nhưng nhà vua bị tìm thấy bởi người Pháp hai năm sau đó, trước khi một cuộc nổi dậy dự phóng tại các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi có thể được khởi sự. Nhà lãnh tụ của âm mưu này, ông Trần Cao Vân, đã bị hành quyết cùng với ba người khác, và vị Hoàng đế bị truất ngôi đã bị đầy sang đảo Réunion.
Các biến cố này tại Nam Kỳ và Trung Kỳ đã đưa đến một sự đình chỉ, ít nhất trong một thời gian, các hoạt động của các nhóm dân tộc chủ nghĩa bí mật, mà nguồn cảm hứng ban đầu được rút ra từ Nhật Bản, vốn gia tăng sức mạnh từ khoảng năm 1905.
Tại Bắc Kỳ (Tongking), cũng đã có các hội đoàn bí mật, phần lớn nhìn nhận sự lãnh đạo của ông Phan Bội Châu, người khi đó đang lưu vong tại thành phố Quảng Châu (Canton), và bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi các phương pháp cách mạng của Tôn Dật Tiên (Sun Yat-Sen).
Nhưng cũng có diễn ra, hoạt động quan trọng sau cùng của họ trong vài năm, hồi Tháng Chín 1917, khi Lương Ngọc Quyến, trốn thoát khỏi nhà tù ở Thái Nguyên và đã có thể nắm quyền kiểm soát thị trấn trong một tuần lễ, trước khi bị đánh đuổi và đã tự vẫn .
Và bế tắc hơn là Chí Sĩ Phan Bội Châu đã bị bắt giữ bởi Trung Hoa vào năm sau đó.
Chính trong các tình huống này, với việc người Pháp thụ hưởng một sự kiểm soát vững chắc tại Đông Dương hơn bao giờ hết, đã bắt đầu xuất hiện tại Sài Gòn một phong trào chính trị thuộc một loại khá khác biệt, được lãnh đạo bởi các người chuẩn bị sử dụng các phương pháp hiến định nhằm cố gắng cưỡng buộc chính quyền thực dân phải tuân hành đúng theo các lý tưởng được bày tỏ của chính nó.
Sự việc khởi đầu với sự thành lập, trong tháng Tám 1917, một tờ báo bằng Pháp ngữ, tờ La Tribune Indigène (Diễn Đàn Bản Xứ).
Các quan điểm của tờ La Tribune Indigène (Diễn Đàn Bản Xứ) được chia sẻ bởi một người Nam Kỳ khác, có lẽ là người thúc đẩy chính yếu đàng sau sự thành lập tờ báo và người lãnh đạo thực sự của nhóm ủng hộ tờ báo.
Kỹ Sư Bùi Quang Chiêu .
Đảng Lập Hiến có lực lượng tham gia chủ yếu là người Việt thuộc thành phần giai cấp tư sản dân tộc, đại địa chủ, tri thức tiểu tư sản, một số là binh lính phục vụ trong hàng ngũ quân đội thực dân Pháp. Đảng này hoạt động chủ yếu ở Nam Kỳ Lục Tỉnh .
Kỹ Sư Bùi Quang Chiêu (15/10/1873-1945) là một nhà chính trị tranh đấu đòi tự trị cho Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.
Lớn lên trong gia đình vốn có truyền thống Nho học nhưng có học trường Tây.
Bùi Quang Chiêu (1873-1945), người con trai thứ nhì của ông Bùi Quang Đại , nguyên quán quận Mỏ Cày, tỉnh Bến Tre trong vùng châu thổ, thuộc gia đình có truyền thống mạnh mẽ theo Nho Học lẫn chống đối người Pháp.
Bản thân ông Chiêu theo học ở một trường Pháp và, bất kể một vài sự miễn cưỡng từ phía cha của ông, ông đã chụp lấy cơ hội để ra đi và theo học ở hải ngoại. Trước tiên ông đến Algiers, nơi mà người che chở cho ông là cựu Hoàng Hàm Nghi, kẻ đã bị người Pháp lưu đày đến đó trong năm 1888; và sau đó đến chính nước Pháp.
Trở về nước năm 1917, ông gia nhập vào công việc của Phủ Toàn Quyền Đông Dương vào lúc bắt đầu có các sự cải cách của Paul Doumer, và không lâu sau đó được bổ nhiệm về Sở Canh Nông (Service Agricole).
Có khả năng chuyên môn về kỹ sư nông nghiệp, và đặc biệt về ngành trồng dâu nuôi tằm, ông ở vào vị thế thăng tiến cao hơn nhiều trong công vụ thuộc địa so với các thư ký và các thông dịch viên vốn tạo thành khối đông đảo thành viên bản xứ trong guồng máy hành chính.
Vào năm 1913 ông thuyết trình tại Hội Nghiên Cứu Đông Dương (Société des Études Indochinoises) như một chuyên viên về lụa.
Bởi ông được tuyển dụng bởi Phủ Toàn Quyền chứ không bởi Chính Quyền Nam Kỳ, ông đã được bổ nhiệm tại các kỳ khác nhau trong Liên Bang, vào trong những năm đầu tiên của thế kỷ 20, ông có mặt ở Huế.
Rất có thể ông đã gặp ở đó các nhân vật nổi tiếng gần thời đại của ông, ông Phan Bội Châu (1867-1940) và ông Phan Chu Trinh (1872-1926), các người mà trong năm 1904 ở trong số các nhà thành lập ra Duy Tân Hội (Reformation Association).
Tuy nhiên, ông Chiêu bị cách biệt với các nhân vật như thế bởi một biển học to lớn, bởi trong khi ông đã thành công trong hệ thống của Pháp ở Đông Dương, họ lại tiếp nhận nền giáo dục Trung Hoa cần thiết để chuẩn bị cho họ trong các cuộc khảo thí làm quan của An Nam.
Rất nhiều phần rằng ông Chiêu đã không tham gia vào phong trào Duy Tân, nhưng có lẽ ông có hay biết về sự hiện diện của nó và về nỗ lực mà phong trào đưa ra trong các năm 1905-1908 nhằm thuyết phục thanh niên rời nước và đi học tại Nhật Bản.
Quan điểm riêng của ông rõ ràng là bởi Việt Nam không thể nào hy vọng sẽ thành công trong việc canh tân hóa kinh tế và xã hội của mình nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài, nó có thể học hỏi từ Pháp giống như từ người Nhật.
Vào năm 1906 ông Chiêu đang làm việc tại Hà Nội, và trong Tháng Tám năm đó, ông được đề cập tới như là vị chủ tịch đầu tiên của một Hội Tương Trợ (Société de Secours Mutuel) được thành lập bởi cư dân Nam Kỳ tại miền Bắc Kỳ.
Hội tương trợ lẫn nhau là một tổ chức mang đặc tính Việt Nam, và trong thực tế các hội kín có các hoạt động chính trị làm kinh hoàng người Pháp rất nhiều, đã có như một trong các mục đích chính yếu của chúng, mục tiêu giúp cho các hội viên nương tựa vào người khác khi cần thiết.
Người Pháp đã sẵn sàng để cấp phép cho các hội không có mục đích chính trị, và ông Bùi Quang Chiêu đã làm nhiều việc để phát huy sự khai triển các hội hợp pháp thuộc loại này.
Vài năm sau đó, trở lại Sàigòn, ông đã đóng một vai trò lãnh đạo trong sự tạo lập một hội của các cựu học sinh Trường Collège Chasseloup-Laubat, cũng như trong sự mở rộng Hội Giáo Dục Tương Trợ (Société d’Enseignement Mutuel) nguyên thủy được thành lập bởi người Pháp tên A Salles.
Vào năm 1918, ông là chủ tịch của cả hai hội. Chính từ các hội thuộc loại này mà Đảng Lập Hiến đã được tạo lập.
Ông Bùi Quang Chiêu có quốc tịch Pháp. Ông được gia đình gửi sang Algérie rồi sang Pháp học ở trường École Coloniale từ năm 1894.
Ba năm sau ông là người Việt đầu tiên đỗ bằng kỹ sư canh nông (ingénieur agronome) của Pháp.
Vua Hàm Nghi bấy giờ bị Pháp đày sang Algérie và ông là người Việt duy nhất được vào thăm cựu Hoàng lúc đó.
Bùi Quang Chiêu kết hôn với bà Vương Thị Y và có sáu người con,trong số đó có Louis và Henriette học y khoa ở Pháp, Camille theo học ở Haute École de Commerce, Hélène và Madeleine không đi du học.
Ở Pháp ông có gặp gỡ Nguyễn Ái Quốc (HCM) một vài lần, nhưng không đồng quan điểm .
Ông là người thành lập tổ chức Association mutuelle des Indochinois, một trong những đoàn thể có mặt sớm nhất của người Việt ở Pháp.
Sau khi về nước ông hưởng ứng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục mở mang dân trí, ông liên lạc với các nhà trí thức Nam Kỳ nổi tiếng và cùng chí hướng như luật sư Dương Văn Giáo, Diệp Văn Kỳ, nhà báo Nguyễn Phan Long, bác sĩ Trần Như Lân, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh.
Bùi Quang Chiêu cũng cổ động cho phong trào Duy Tân của Phan Châu Trinh cũng như phong trào Đông Du của Phan Bội Châu.
Nhưng ông chủ trương " Pháp - Việt Đề Huề " .
Năm 1923 ông thành lập Đảng Lập Hiến Đông Dương, vận động đòi tự trị cho Việt Nam để lần hồi giành lại độc lập hoàn toàn.
Đảng Lập Hiến dùng 3 tờ báo: La Tribune Indochinoise, L'Echo Annamite và Đuốc Nhà Nam làm diễn đàn.
Triết lý của họ được tóm lược bằng chữ nghĩa của một bài xuất hiện trên tờ La Tribune Indigène hồi giữa năm 1923:
“Có hai cách để chinh phục tự do: bằng súng đại bác hay bằng văn hóa; chúng tôi chọn văn hóa.” [Il y a deux faҫons de conqueror la liberté: par la canon ou par la culture; nous sommes pour la culture, tiếng Pháp trong nguyên bản, chú của người dịch].
KS Bùi Quang Chiêu cũng là đảng viên đảng Cấp tiến và Xã hội Chủ nghĩa Cấp tiến của Pháp (tiếng Pháp: Parti Radical et Radical-Socialiste).
Nên nhân lúc Alexandre Varenne của đảng Xã hội Cấp tiến Pháp được bổ nhiệm làm toàn quyền vào năm 1926 với hứa hẹn cải tổ cai trị ở Đông Dương,KS Bùi Quang Chiêu lại sang Pháp vận động chính giới Pháp với loạt bài "Pour le Dominion Indochinois".
Ông đưa ra "Bản yêu sách 9 điều khoản" gồm:
1.Tự do ngôn luận,
2.Tự do báo chí,
3.Tự do hội họp và lập hội,
4.Tự do đi lại,
5.Cải cách giáo dục,
6.Điều chỉnh chế độ lương bổng cho công bằng giữa người Pháp và người Việt,
7.Nới rộng quyền đại diện chính trị,
8.Nâng cao đời sống lao động,
9.Bãi bỏ độc quyền kinh tế.
Chủ trương của Lập Hiến Đảng là đấu tranh ôn hòa, thỏa hiệp với thực dân Pháp vào đầu thập kỷ 20 của thế kỷ 20 nhằm giành quyền lợi về kinh tế cho người Việt, chủ trương dành độc lập dân tộc thông qua việc duy tân, thu nhập và phát triển văn hóa mới theo phương Tây.
Sau khi Đảng Lập Hiến của Bùi Quang Chiêu ra đời thì báo Tribune Indigène được dùng làm cơ quan ngôn luận của Đảng.
Hai tờ L'Echo Annamite và Đuốc Nhà Nam cũng thuộc Đảng Lập Hiến cùng phát động rầm rộ chiến dịch tẩy chay hàng hóa người Tàu (Hoa kiều) năm 1919 và ủng hộ việc tham gia các hoạt động tài chính, ngân hàng trong nền kinh tế của người Việt vào giữa thập niên 1920.
Khi Alexandre Varenne qua Đông Dương chấp nhiệm làm toàn quyền năm 1925 thì đảng Lập Hiến soạn "Le cahier des vœux" 50 trang đưa ra một số nguyện vọng về cải cách thủ tục nhập tịch công dân Pháp, phép cai trị, nền giáo dục, lệ quân dịch, và tự do báo chí, đại để đều nằm trong khuôn khổ hạn chế chứ không thách thức gì chính quyền.
Varenne hứa hẹn sẽ xét cải tổ một số điểm về ngạch công chức cho người Việt và mở thêm trường sở nhưng giữ nguyên lập trường hạn chế đám đông tập họp và kiểm duyệt với báo chí tiếng Việt.
Tribune Indigène là tờ báo tiếng Pháp đầu tiên của người Việt, ra đời tháng 8 năm 1917 ở Nam Kỳ nguyên do Nguyễn Phú Khai thành lập nhưng kinh phí do chính phủ Liên bang Đông Dương đài thọ.
Ông Nguyễn Phú Khai có lập trường bài Hoa, thường dùng báo cổ động đấu tranh kinh tế với Hoa kiều.
Ông cũng là người Việt đầu tiên mở nhà máy gạo năm 1915 cạnh tranh với người Hoa ở Mỹ Tho.
Các báo này sau dùng để chuyển đạt đòi hỏi bình quyền giữa người Việt và người Pháp nên tháng 2 năm 1925 tờ Tribune Indigène bị chính phủ Thuộc địa ép phải đình bản.
Sang năm sau, 1926 tờ Tribune Indochinoise mới ra đời (F H Schneider đứng tên) phục hoạt làm tiếng nói của Đảng.
Báo này hoạt động đến năm 1942 thì chấm dứt. Tờ Lục tỉnh Tân văn của Nguyễn Văn Của và Lê Quang Liêm cũng được dùng làm cơ quan ngôn luận của Đảng Lập Hiến.
Vào những năm đầu thập niên 1920 uy tín Đảng Lập Hiến rất lớn. Vào năm 1926, trong số 10 ghế dành cho người bản xứ trong Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ thì đảng viên Đảng Lập Hiến đắc cử cả 10.
Toàn quyền Alexandre Varenne cũng tỏ ra muốn lắng nghe nguyện vọng của Đảng Lập Hiến nhưng ngoài việc cách chức viên thống đốc Nam Kỳ bảo thủ là Maurice Cognacq, Varenne chỉ hứa hẹn cứu xét chứ không đáp ứng được mấy nguyện vọng tự do xã hội của người Việt.
Cao điểm của Đảng Lập Hiến là vào thập niên 1930 khi KS Bùi Quang Chiêu làm đại diện Nam Kỳ tại Thượng Hội đồng Thuộc địa ở thủ đô chính quốc Paris trong khi Nguyễn Phan Long và những đảng viên khác đắc cử trong Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ và Hội đồng thành phố Sài Gòn.
Dù vậy Đảng Lập Hiến không mấy chú tâm vào việc vận động quần chúng lao động mà chỉ trông vào giới trung lưu người Việt.
Ưu tiên của Đảng Lập Hiến là thỏa hiệp với chính quyền thuộc địa để đạt được tiến bộ xã hội và bình đẳng với người Pháp rồi tiến đến tự trị.
Trong khi đó chính quyền thực dân địa phương thì giữ mãi thái độ trì hoãn và không thực tâm cải cách để duy trì quyền lực nên Đảng Lập Hiến bị chính quyền chi phối.
Chính trường bên chính quốc Pháp cũng trở về với đường lối bảo thủ khiến Đảng Lập Hiến không đạt được cải cách gì dù là biện pháp khiêm tốn.
Ngoài ra các đảng viên phần đông vì là công chức lệ thuộc vào nhà cầm quyền nên không dám thoát ly hẳn với chính sách thuộc địa.
Do vậy sự đấu tranh chính trị của họ bị hạn chế, không phát triển rộng khắp nơi để đi sâu vào tầng lớp bị trị.
Cùng lúc đó nội bộ Đảng Lập Hiến cũng bị phân hóa vì xung khắc giữa Nguyễn Phan Long và Bùi Quang Chiêu. Nguyễn Phan Long dần ngả hoạt động với giáo phái Cao Đài, làm giảm lực lượng của nhóm Lập Hiến. Năm 1937 thì Nguyễn Văn Thinh lập ra Đảng Dân chủ Đông Dương, thu hút một số không nhỏ giới chuyên môn người Việt khiến ảnh hưởng của Đảng Lập Hiến càng suy giảm. Trong cuộc bầu cử năm 1939, cả ba ứng cử viên của Đảng Lập Hiến đều thất cử, đánh dấu thời kỳ suy thoái và mất bóng trên chính trường.
Năm 1938 KS Bùi Quang Chiêu rời chính trường bỏ về Mỏ Cày một ít lâu rồi lại ra Sài Gòn năm 1943.
Chức vụ của ông trong chính quyền là Viện trưởng Hội đồng Quản hạt Nam Kỳ (đến 1939), đại biểu Nam Kỳ tại Thượng Hội đồng Pháp quốc Hải ngoại, chủ trương "hợp tác Pháp - Nam, để làm cho xứ này được tiến bộ dưới sự trông nom của nước Pháp và tinh thần thống nhất giữa người Việt Nam ở ba kỳ", phát biểu trong một lần ra Bắc kỳ.
Ngày 29 tháng 9 năm 1945 ở Chợ Đệm, Sài Gòn, Kỹ Sư Bùi Quang Chiêu bị lực lượng Việt Minh CS thủ tiêu .
Cùng bị giết với ông là năm người trong đó có người con gái út 16 tuổi.
Trong số các con ông, người ta còn nhắc đến bà Henriette Bùi đỗ bằng bác sĩ y khoa Pháp năm 1929. Bà là nữ bác sĩ y khoa Việt Nam đầu tiên.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn