TIẾNG VIỆT À ƠI ! BÀI HỌC 35 : VIỆT NAM THỜI VUA TỰ ĐỨC - LIÊN QUÂN PHÁP- TÂY BAN NHA ĐÁNH CHIẾM THÀNH BIÊN HÒA (1861–1862).

25 Tháng Năm 202510:31 SA(Xem: 245)
Sau khi thành Gia Định thất thủ (17 tháng 2 năm 1859), tiếp theo là Đại đồn Chí Hòa cũng bị đánh chiếm (24 tháng 2 năm 1861), thì ở Biên Hòa quân và dân đã làm xong tám cái cản bằng gỗ và một cản bằng đá ong trên sông Đồng Nai, nhằm ngăn chặn quân Pháp theo sông Bến Nghé lên tấn công. Và hễ dưới sông có cản, thì trên bờ có đồn lũy, đại bác cùng những chiếc thuyền con chở đầy thuốc nổ để dùng cho thuật đánh hỏa công.
Lúc bấy giờ, sau khi Đại đồn Chí Hòa bị san bằng, triều đình Huế cho cách chức tướng Nguyễn Tri Phương, cử Khâm sai Nguyễn Bá Nghi vào thay. Ở Biên Hòa, trong tay ông có khoảng ba ngàn quân, gồm những tàn binh từ Gia Định đến và những đạo quân từ miền Trung vào.
Để dọn đường cho cuộc tấn công Biên Hòa, tướng Bonard sai hai toán quân đi thám thính. Một đội đến Suối Sâu , Biên Hòa - Đồng Nai, thì bị quân Việt đánh đuổi; một đội khác đến hai thôn là Bình Thuận và Bình Chuẩn (thuộc Biên Hòa), thì bị Phó đề đốc Lê Quang Tiến cho quân tập kích, làm đối phương cũng phải tháo lui.
Sau khi chuẩn bị xong, ngày 14 tháng 12 năm 1861, tướng Bonard vừa gửi tối hậu thơ cho tướng Bá Nghi & Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan, vừa ban lệnh khởi binh.
Theo sử liệu , Liên quân Pháp – Tây Ban Nha, có khoảng một ngàn người được chia làm 4 đạo như sau:
•Đạo quân bộ thứ nhất do Thiếu tá Comte chỉ huy gồm pháo binh và bộ binh Tây Ban Nha.
•Đạo quân bộ thứ nhì do Trung tá Domenech Diégo chỉ huy gồm một đại đội thủy quân lục chiến Tây Ban Nha và một đội kỵ binh Pháp cùng 2 súng đồng 4 nòng.
•Đạo quân thủy thứ ba do Đại tá Lebris chỉ huy gồm 2 đại đội thủy quân lục chiến.
•Đạo quân thủy thứ tư do Chủ tỉnh Renommée chỉ huy.
Ngay ngày đầu, đạo quân của Thiếu tá Comte đã đánh chiếm được Gò Công Trao Trảo .
Ngày 15, đội quân trên hợp với cánh quân của Trung tá Domenech Diégo, cắt đứt liên lạc giữa Mỹ Hòa và Biên Hòa, rồi cùng bao vây đồn Mỹ Hòa, khiến quân Việt phải bỏ căn cứ rút qua sông.
Trong khi đó, đoàn tàu chiến do Trung tá Ha-ren chỉ huy tiến theo sông Đồng Nai vừa phá cản vừa bắn phá các pháo đài trên bờ.
Đồng thời, một cánh quân thủy khác do Đại tá Lebris cầm đầu, theo rạch Gò Công Trao Trảo đánh vào phía sau các pháo đài.
Sau khi các cản và pháo đài của quân Việt đều bị phá vỡ, đến ngày 16, cả bốn đạo quân của đối phương đều có mặt trước thành Biên Hòa.
Trước tình thế đó, tỉnh thần là Tuần phủ Nguyễn Đức Hoan vá Án sát Lê Khắc Cẩn cho lui quân về giữ đồn mới là Hồ Nhĩ; còn tướng Bá Nghi thì từ phủ Phước Tuy (Bà Rịa) lui vào rừng Long Kiên, Long Tả rồi chạy tuốt về Bình Thuận.
Ngày 18 tháng 12, liên quân tiến vào chiếm đoạt thành, mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào nữa.
Ngày 28 tháng 12, từ Biên Hòa, liên quân đánh chiếm Long Thành.
Ngày 7 tháng 1 năm 1862, liên quân lại theo dòng sông Đồng Nai, đánh lấy thành Bà Rịa (phủ lỵ Phước Tuy) ngay trong ngày này.
Theo Sử gia Phạm Văn Sơn cho biết thành Biên Hòa không hề bị bỏ ngỏ, mà đã chống trả quyết liệt mới cam chịu thất thủ. Ông ghi:
Sáng sớm ngày 16 tháng 12, quân Pháp tấn công quân Việt trên cả hai mặt đường. Chiến hạm Pháp lợi dụng nước lên, Trung tá Trung tá Domenech Diégo được lệnh xung phong cho quân ào ạt bức thành, nã đại bác vào trong như long trời lở đất, yểm trợ cho quân thủy và quân bộ kéo lên. Tuần Phủ Nguyễn Đức Duy, Án sát Lê Khắc Cẩn chống đỡ suốt ngày, xét thấy giữ không xong, nhờ đêm tối lui quân về Hồ Nhĩ...Ngày 17 tháng 12 năm 1861, liên quân Pháp – Tây Ban Nha vào trong thành.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn