[ LỊCH SỬ CẬN ĐẠI VIỆT NAM 1945 - 1975 ] "Hiến Chương Vũng Tàu" 16-8-1964 & Trung Tướng Nguyễn Khánh từ chức.

30 Tháng Bảy 20231:39 CH(Xem: 201)
Sơ lược Tiểu sử Trung tướng Nguyễn Khánh .

Sau khi Chính thể Đệ nhất Cộng Hòa được thành lập vào hạ tuần tháng 10 năm 1955, ông được thăng cấp Đại tá. Đầu năm 1956, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 1 Dã chiến thay thế Thiếu tướng Lê Văn Nghiêm. Giữa năm 1957, nhận lệnh bàn giao Sư đoàn 1 Dã chiến lại cho Đại tá Tôn Thất Đính, 2 tháng sau ông được cử đi du học lớp Chỉ huy Tham mưu cao cấp tại Học viện Chỉ huy và Tham mưu Fort Leavenworth thuộc Tiểu bang Kansas, Hoa Kỳ (thời gian thụ huấn 16 tuần). Sau đó được du học tiếp lớp Tham mưu và Phối hợp Đồng minh tại Nhật Bản. Tháng 9 năm 1958 từ Nhật về nước, ông được cử giữ chức vụ Tư lệnh Miền Hậu Giang .
Ngày 18 tháng 8 năm 1959, ông được bổ nhiệm làm quyền Tổng thư ký Thường trực Quốc phòng thuộc Phủ Tổng thống. Ngày 21 tháng 1 năm 1960, ông được thăng cấp Thiếu tướng và được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Đệ ngũ Quân khu.
Giữa tháng 9 cùng năm, ông được chuyển về Bộ Tổng tham mưu giữ chức vụ Tham mưu trưởng thay thế Thiếu tướng Phạm Xuân Chiểu được chỉ định làm Chỉ huy trưởng Trường Đại học Quân sự (tiền thân của Trường Chỉ huy Tham mưu). Ông giữ vai trò quan trọng trong việc tổ chức phản công dẫn đến sự thất bại của vụ Đảo chính ngày 11/11/1960 do Đại tá Nguyễn Chánh Thi cầm đầu. Năm 1961, ông được cử làm Trưởng đoàn hướng dẫn Phái đoàn công du thăm viếng Đài Loan.
Ngày 17 tháng 12 năm 1962, bàn giao chức vụ Tham mưu trưởng Bộ Tổng tham mưu lại cho Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm để đi nhận chức vụ Tư lệnh Quân đoàn II và Vùng 2 Chiến thuật thay thế Thiếu tướng Tôn Thất Đính.
Khi cuộc Đảo chính ngày 1/11/1963 nổ ra, ông đã án binh bất động và không tỏ rõ thái độ.
Ngày 2 tháng 11, cuộc đảo chính thành công, ông tuyên bố ủng hộ Hội đồng Quân Nhân Cách Mạng. Do đó, ông được Hội đồng Quân Nhân Cách Mạng thăng cấp Trung tướng.
Ngày 11 tháng 12 năm 1963, hoán chuyển nhiệm vụ với Trung tướng Đỗ Cao Trí giữ chức vụ Tư lệnh Quân đoàn I, ngược lại tướng Trí thay ông Tư lệnh Quân đoàn II...
TRUNG TƯỚNG NGUYỄN KHÁNH VÀ HIẾN CHƯƠNG VŨNG TÀU (16-8-1964) .

Trung tướng Nguyễn Khánh thực hiện cuộc chỉnh lý ngày 30-1-1964. Trung tướng Khánh vẫn giữ trung tướng Dương Văn Minh làm quốc trưởng , sau đó ông truất phế chính phủ Nguyễn Ngọc Thơ .
Nguyễn Khánh tự đứng ra lập chính phủ ngày 8-2-1964 và tự lên làm thủ tướng .
Tại Vũng Tàu, ngày 16-8-1964 trung tướng Nguyễn Khánh họp Hội đồng tướng lãnh, mà từ nay được gọi là Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng (chứ không là Quân Nhân Cách Mạng). Đồng thời trong cuộc họp nầy, Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng thông qua một hiến chương mới, về sau thường được gọi là "Hiến chương Vũng Tàu", và bầu trung tướng Nguyễn Khánh lên làm chủ tịch VNCH, trung tướng Dương Văn Minh làm cố vấn. Trung tướng Nguyễn Khánh kiêm thêm hai chức quốc trưởng và thủ tướng.
"Hiến chương Vũng Tàu" ngày 16-8-1964 gồm “Lời nói đầu”, 8 thiên, 62 điều, bị chống đối từ nhiều phía, nhất là trong giới tín đồ Phật giáo và sinh viên học sinh. Nhiều cuộc biểu tình xảy ra tại các tỉnh trên toàn quốc, nhất là tại các thành phố phía bắc miền Trung như Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng, Quảng Ngãi…
Tại Sài Gòn, hàng ngàn người biểu tình trước chợ Bến Thành ngày 25-8-1964, kéo đến phủ chủ tịch (Dinh Gia Long), đả đảo độc tài, đả đảo "Hiến chương Vũng Tàu". Đoàn biểu tình càng lúc càng đông và không chịu giải tán. Cuối cùng trung tướng Nguyễn Khánh xuất hiện, cũng hô to khẩu hiệu: “Đả đảo độc tài quân phiệt”, tuyên bố hủy bỏ "Hiến chương Vũng Tàu" và từ chức.
Chiều 25-8, Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng họp gấp tại bộ Tổng tham mưu. Cuộc họp kéo dài trong nhiều ngày. Ngày 26-8, Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng ra tuyên cáo gồm các điểm: thu hồi hiến chương ngày 16-8-1964; sẽ bầu nguyên thủ quốc gia và sẽ ủy cho nguyên thủ quốc gia thực hiện cơ cấu dân chủ; các tướng lãnh sẽ trở về với quân đội; ủy cho chính phủ hiện thời tạm điều hành việc nước. Như thế là "Hiến chương Vũng Tàu" chính thức bị bãi bỏ ngày 16-8-1964, nhưng hậu chấn vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình.
Ngày 27-8-1964, Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng quyết định thành lập Ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc Gia gồm tam đầu chế là các trung tướng Dương Văn Minh, Nguyễn Khánh và Trần Thiện Khiêm, trong đó Dương Văn Minh làm quốc trưởng, Nguyễn Khánh làm thủ tướng, Trần Thiện Khiêm đứng đầu quân đội. Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng cử chính phủ Nguyễn Khánh tiếp tục nhiệm vụ, nhưng phải triệu tập Quốc dân Đại hội trong vòng hai tháng.
Ngày 6-9, Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng thông báo thành lập Thượng Hội đồng Quốc gia để cố vấn cho Ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc Gia . Ngày 7-9, Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng bầu trung tướng Dương Văn Minh làm chủ tịch Ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc Gia .
Tình hình chính trị vẫn không ngừng xáo trộn, cao điểm là binh biến ngày 13-9-1964 do trung tướng Dương Văn Đức và thiếu tướng Lâm Văn Phát lãnh đạo. Cuộc binh biến không được Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng ủng hộ.
Ngày 15-9-1964, trung tướng Dương Văn Đức rút quân và tuyên bố không phải là đảo chánh, mà chỉ có cuộc biểu dương lực lượng để cứu vãn uy tín chính phủ và quân đội.
Tình hình tạm thời lắng dịu.
Ngày 26-9-1964, Thượng Hội đồng Quốc Gia làm lễ trình diện tại Hội trường Diên Hồng (đường Công Lý, Bến Chương Dương). Hôm sau, Thượng Hội đồng Quốc Gia bầu ông Phan Khắc Sửu làm chủ tịch Thượng Hội đồng Quốc Gia .
Do áp lực từ nhiều phía, ngày 19-10-1964, ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc Gia đưa ra tuyên bố rằng Thượng Hội đồng Quốc Gia có quyền và có bổn phận thực hiện các cơ cấu quốc gia, chọn quốc trưởng và lập chính phủ trước ngày 27-10-1964.
Thượng Hội đồng Quốc Gia công bố Hiến chương Lâm thời ngày 20-10-1964, gồm 10 thiên, 49 điều, theo đó Việt Nam là một nước Cộng Hòa, lãnh thổ bất khả phân, chủ quyền thuộc về toàn dân. Quyền lập pháp thuộc về Quốc Dân Đại hội , do dân bầu. Quốc Dân đại hội có quyền tuyển chọn quốc trưởng. Quốc trưởng đứng đầu ngành hành pháp, chỉ định thủ tướng với sự chấp thuận của Quốc Dân Đại hội . Quyền tư pháp thuộc về Hội đồng thẩm phán tối cao. Thượng Hội đồng Quốc Gia sử dụng quyền của Quốc Dân Đại hội cho đến khi Quốc Dân Đại hội được thành lập. Lúc đó, Thượng Hội đồng Quốc Gia sẽ là Thượng viện. Thượng Hội đồng Quốc Gia bầu chủ tịch Thượng Hội đồng Quốc Gia là Phan Khắc Sửu làm quốc trưởng VNCH ngày 24-10-1964 và hôm sau 25-10, bầu Nguyễn Xuân Chữ làm quyền chủ tịch Thượng Hội đồng Quốc Gia , thay Phan Khắc Sửu. Ban Lãnh đạo Lâm thời Quốc Gia liền chính thức chuyển giao quyền hành cho tân quốc trưởng Phan Khắc Sửu ngày 26-10-1964, đồng thời thủ tướng Nguyễn Khánh đệ đơn từ chức.
Ngày 31-10-1964, quốc trưởng Phan Khắc Sửu ban hành sắc lệnh SL.005/QT/SL, bổ nhiệm ông Trần Văn Hương lập nội các. Trần Văn Hương thành lập chính phủ hoàn toàn dân sự ngày 4-11-1964. Tuy đã có Hiến chương Lâm thời (20-10-1964) và chính phủ dân sự, Hội Đồng Quân Đội Cách Mạng được xem như chấm dứt hoạt động, nhưng quyền lực thật sự ngấm ngầm vẫn nằm trong tay các tướng lãnh.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn