SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : NHỮNG DÒNG SÔNG,CON SUỐI&NHỮNG DÃY NÚI BIÊN CƯƠNG MIỀN TÂY BẮC VIỆT NAM : DÃY NÚI HOÀNG LIÊN SƠN VÀ TỈNH XƯA HƯNG HÓA .(Phần 1 of 3)

25 Tháng Ba 202310:49 SA(Xem: 606)
SƠ LƯỢC ĐẠI VIỆT CỔ SỬ - SÔNG NÚI NƯỚC NAM .

Tiền thân của tỉnh Hưng Hóa là đạo thừa tuyên Hưng Hóa, rồi trấn Hưng Hóa. Hưng Hóa nguyên là đạo Đà Giang thời Trần gồm 2 phủ Quy Hóa (Lào Cai, Yên Bái, vùng đất trung lưu sông Hồng) và Gia Hưng (Sơn La (Mộc Châu, Yên Châu, Phù Yên, Mai Sơn, Thuận Châu), Hòa Bình, vùng đất hạ lưu sông Đà và giữa sông Đà và Sông Mã).
Đến năm 1431, Lê Lợi thu phụ Đèo Cát Hãn, có thêm châu Phục Lễ (Mường Lễ), vùng thượng lưu sông Đà do Đèo Cát Hãn cai quản, từng là châu Ninh Viễn của Vân Nam, nhập về.
Châu Phục Lễ là đất căn bản của phủ An Tây xứ Hưng Hóa gồm 10 châu (Lai Châu, Luân Châu, Quỳnh Nhai, Chiêu Tấn, Khiêm Châu, Tuy Phụ, Hoàng Nham, Hợp Phì, Tung Lăng, Lễ Tuyền).
Tháng 6 âm lịch Năm Quang Thuận thứ bảy (1466), vua Lê Thánh Tông đặt 13 đạo thừa tuyên là Thanh Hóa, Xứ Nghệ An, Thuận Hóa, Thiên Trường, Nam Sách, Quốc Oai, Bắc Giang, An Bang, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, phủ Trung Đô và Hưng Hóa.
Đây là lần đầu tiên từ "Hưng Hóa" được nhắc tới trong sử sách Việt Nam ở cấp một đơn vị hành chính như cấp tỉnh ngày nay . Tuy nhiên, từ Hưng Hóa đã được nhắc tới từ những năm 1419 như là một xứ. Đạo thừa tuyên Hưng Hóa bao gồm đất đai thuộc các tỉnh Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình (vùng Tây Bắc) và Phú Thọ (vùng Đông Bắc) ngày nay, cùng một phần lãnh thổ Lào (thuộc các tỉnh Hủa Phăn, Sầm Nưa) và một phần tỉnh Vân Nam Trung quốc hiện nay. Không biết chính xác ai là người đầu tiên thay mặt vua cai quản đạo thừa tuyên này. Tuy nhiên, sách Đại Việt sử ký toàn thư có chép.
": Năm Quang Thuận thứ tám 1467...tháng ba... lấy Hưng Hóa thừa tuyên sứ tham nghị Nguyễn Đức Du làm ngự sử đài thiêm đô ngự sử; tri phủ Quy Hóa Nguyễn Thúc Thông làm Hưng Hóa thừa tuyên sứ tham nghị."
Như vậy, có thể ông Nguyễn Đức Du là người đầu tiên cai quản vùng đất có tên gọi khi đó là thừa tuyên Hưng Hóa. Năm 1469, vua Lê Thánh Tông chia đạo thừa tuyên Hưng Hóa thành 3 phủ gồm 4 huyện, 17 châu...

Tháng 4 năm 1884, quân Pháp dưới sự chỉ huy của Thiếu tướng Brière de l'Isle mở cuộc hành binh đánh lấy thành Hưng Hóa. Quân nhà Nguyễn cùng quân Cờ Đen thấy không giữ được nên nổi lửa đốt thành rồi bỏ ngỏ đồn lũy, rút lên mạn ngược (khu vực sau là các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Yên Bái). Chiếm được Hưng Hóa, người Pháp cho phân định lại địa giới, cắt thêm những tỉnh mới cùng tiểu quân khu để dễ dàng cai trị: Tháng 5 năm 1886 thành lập tỉnh Chợ Bờ (tức tỉnh Mường, sau đổi thành tỉnh Hòa Bình)
Ngày 7 tháng 1 năm 1899, thành lập đạo quân binh IV bao gồm Tiểu quân khu Yên Bái và Tiểu quân khu Lào Cai, Tiểu quân khu Vạn Bú.
Lào Cai là đạo lỵ (về sau đổi thành các tỉnh dân sự như: tỉnh Yên Bái, tỉnh Vạn Bú (sau đổi thành tỉnh Sơn La) đều năm 1895, tỉnh Lào Cai (tháng 7 năm 1907) và tỉnh Lai Châu (tháng 6 năm 1909)...

Dãy núi Hoàng Liên Sơn chạy dài theo hướng Tây bắc - Đông nam qua biên giới phía Bắc thuộc Lào Cai đến Yên Bái . Xưa kia thuộc về Đạo thừa tuyên Hưng Hóa dưới thời nhà Hậu Lê - Lê Thánh Tông (1466).
Dãy núi Hoàng Liên Sơn là một dãy núi ở vùng Tây Bắc Việt Nam.
Dãy núi này được gọi là Hoàng Liên Sơn vì trên dãy này có nhiều cây hoàng liên. Người Thái gọi dãy núi này là Khau Phạ nghĩa là "sừng trời".
Dãy núi Hoàng Liên Sơn rộng khoảng 30 Km, chạy dài 180 Km . Đây là phần cuối của dãy núi Ai Lao Sơn - đầu chót út phía đông nam của dãy núi Himalaya.
Phần lớn diện tích của Hoàng Liên Sơn nằm trên khu vực các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Sơn La và Yên Bái.
Hoàng Liên Sơn là một dãy núi cao, 16 trên tổng số 20 đỉnh núi cao nhất của Việt Nam đều thuộc dãy núi này. Trong đó có đỉnh Fansipan với độ cao 3.147 M là đỉnh núi cao nhất Việt Nam.
Hoàng Liên Sơn có khí hậu lạnh quanh năm và mưa nhiều và đất đai là mùn do địa hình núi cao phân hủy theo thời gian dài .
Rừng ở Hoàng Liên Sơn gồm hai kiểu chính: rừng thường xanh núi thấp và rừng thường xanh núi cao.

Tuyến đường sắt tới Lào Cai được xây dựng từ thời Pháp thuộc.
Khi xây dựng tuyến đường, người Pháp dự định khai thác tài nguyên của vùng Tây Bắc (Việt Nam) và vùng Tây Nam (Trung quốc), nơi được có rất nhiều mỏ khoáng sản, lâm sản phong phú và thúc đẩy hình thành các đô thị nơi đường sắt đi qua.
Đầu năm 1901, công trình chính thức được khởi công, bắt đầu từ Hải Phòng nối đến Hà Nội lên Việt Trì, Yên Bái, vào cuối năm 1906, đường sắt thông tuyến tới Lào Cai.
Tới ngày 1-4-1910, tuyến đường sắt được khánh thành với độ rộng đường ray 1M, chiều dài toàn tuyến 855 Km; đoạn đường nằm trong lãnh thổ Việt Nam dài 389 Km. Tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai hầu như chạy dọc theo sông Hồng Hà và đi lên mạn thượng du Bắc Việt tới biên giới Việt Nam - Trung Hoa .

Sông Hồng Hà (còn gọi là sông Cái, sông Thao, Nhị Hà, Nhĩ Hà) là con sông có tổng chiều dài là 1.149 Km bắt nguồn từ Vân Nam, Trung quốc chảy qua Bắc Việt và đổ ra vịnh Bắc Việt . Trên đất Việt Nam dài 510 km. Đây là dòng sông quan trọng của nền văn hóa lúa nước Việt Nam. Sông trước thời Đồng Khánh (1886) là Nhị Hà hay Nhĩ Hà, được gọi theo sông từ tỉnh Vân Nam - Trung quốc. Tới thời Pháp thuộc (cuối thế kỷ XIX) được đổi thành Hồng Hà, gọi tắt là sông Hồng. Sông cũng hay được gọi Sông Cái (người Pháp đã phiên tên gọi này thành Song-Koï, tuy nhiên họ thường dùng tên gọi Fleuve Rouge hơn) bởi sông Hồng là khởi nguyên cho nền Văn minh lúa nước của Việt Nam. Đoạn chảy trên lãnh thổ Trung quốc được gọi là Nguyên Giang ,đoạn đầu nguồn có tên là Lễ Xã Giang.
Dòng chính của sông Hồng bắt nguồn từ vùng núi thuộc huyện Nguy Sơn, tỉnh Vân Nam, Trung quốc ở độ cao 1.776 M. Chi lưu phía đông bắt nguồn từ vùng núi huyện Tường Vân. Chủ yếu nó chảy theo hướng tây bắc-đông nam, qua huyện tự trị Nguyên Giang của người Thái , ở Việt Nam gọi là người Hà Nhì). Đến biên giới Việt - Hoa , sông Hồng chạy dọc theo biên giới khoảng 80 Km; bờ nam sông thuộc Việt Nam, bờ bắc vẫn là lãnh thổ Trung quốc.
Điểm tiếp xúc đầu tiên của sông Hồng với lãnh thổ Việt Nam là tại xã A Mú Sung, ( Bát Xát, tỉnh Lào Cai), chính giữa sông là điểm phân chia lãnh thổ hai nước.
Đến Lào Cai, sông Hồng chảy hẳn vào lãnh thổ Việt Nam. Đến phía đông Lào Cai, sông thành ranh giới giữa Lào Cai và huyện Bảo Thắng, đi qua Bảo Thắng và Bảo Yên, dọc theo ranh giới Bảo Yên và Văn Bàn.
Sông chảy qua Văn Yên rồi Trấn Yên - Yên Bái, sang Hạ Hòa (Phú Thọ), dọc theo ranh giới giữa Hạ Hòa, Thanh Ba, thị xã Phú Thọ, Lâm Thao, Việt Trì ở tả ngạn và Cẩm Khê, Tam Nông ở hữu ngạn.
Sông chảy dọc theo ranh giới giữa tỉnh Vĩnh Phúc (các huyện Vĩnh Tường, Yên Lạc) ở tả ngạn và Hà Nội ở hữu ngạn.
Sông chảy qua Hà Nội với các quận, huyện Đan Phượng, Bắc Từ Liêm, Tây Hồ, Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Thanh Trì ở hữu ngạn và Mê Linh, Đông Anh, Long Biên, Gia Lâm ở tả ngạn.
Ở Lào Cai - sông Hồng cao hơn mực nước biển 73 M. Đến Yên Bái cách Lào Cai 145 Km thì sông chỉ còn ở cao độ 55 M. Giữa hai tỉnh đó là 26 ghềnh thác, nước chảy xiết . Đến Việt Trì thì triền dốc sông không còn mấy nên lưu tốc chậm hẳn lại. Đồng bằng sông Hồng nằm ở hạ lưu con sông này.
Sông Hồng có lưu lượng nước hàng nǎm rất lớn, tới 2.640 m³/s tại cửa sông với tổng lượng nước chảy qua tới 83,5 tỷ m³, tuy nhiên lượng nước phân bổ không đều. Về mùa khô lưu lượng giảm chỉ còn khoảng 700 m³/s, nhưng vào cao điểm mùa mưa tới 30.000 m³/s.

ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT .
Những Anh Hùng của Khởi Nghĩa Yên Bái 1930 .

Tôi đã đọc “Cuộc khởi nghĩa Yên Bái” trong tủ sách lịch sử Việt Nam.
Tôi đã đọc “Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng” của nhà sử học Bạch Diện.
Tôi đã đọc “Nhà yêu nước Nguyễn Khắc Nhu” của chính con trai ông viết.
Lần giở từng trang sử Việt, tôi thật sự đã gặp những anh hùng, những người con của đất Việt thân yêu từ gần trăm năm trước. Hình ảnh cuối cùng đọng lại trong tôi là vào một buổi sáng mờ sương, rét căm căm, 13 người anh hùng hiên ngang lên máy chém thực dân. Có anh thoáng nụ cười, anh gật đầu vĩnh biệt, anh lặng lẽ nhìn đất trời, mắt trừng sáng quắc, hiên ngang ngẩng đầu thách thức, thẳng bước ung dung và giơ tay vẫy tạm biệt. Người vang khúc hát, kẻ sang sảng đọc thơ, cùng tung hô câu “Việt Nam vạn tuế!” tiếng hát ấy vọng theo sông theo núi vang rền trên quê hương Việt Nam, lặn vào trong đất Việt Nam, thấm vào từng con tim, thớ thịt của những con người Việt Nam từ ngày ấy đến muôn đời sau.
Tôi đã lặng người đi khi ngắm nhìn bức tranh bi tráng và hào hùng đó, lịch sử đã sản sinh ra những anh hùng bất khuất, dân tộc Việt Nam lại có thêm những người con trung kiên lẫm liệt, đem máu mình thấm vào đất mẹ để trăm năm sau người đời còn nhớ và truyền nhau khúc hùng ca bi dũng đó.
Suy ngẫm !
Có nhiều điều để con cháu ngày nay kính cẩn nghiêng người và suy ngẫm.
Tôi khâm phục họ, những con người đương thời, vì dân tộc mà sống, chiến đấu và hy sinh anh dũng.
Tôi đọc lịch sử và thấm, thấm từ cách họ sống, họ suy nghĩ và đấu tranh từ cách anh em nghĩa sĩ đối đãi với nhau như người thân thuộc.
Tôi suy nghĩ mãi về mẫu chuyện Nguyễn Thái Học từ chối lời đề nghị trốn trại của một cai ngục sau khi ông bị bắt cùng 12 đồng chí khác, hồi hộp và mong chờ trước hình ảnh ông ngồi suy tính và quyết định, ông nhớ từng nét mặt, từng thói hay tật xấu của từng anh em nghĩa sĩ của mình, ông lo cho họ, lo lắng thật nhiều. Tôi đã lặng thật lâu sau đó khi đọc đến đoạn ông thinh lặng cả tuần lễ để suy xét về quyết định từ chối của mình việc cùng trốn ngục. Không phải vì ông yếu bóng vía hay hèn nhát mà rốt cuộc cũng chỉ vì lo cho những người anh em. Thế đấy, tấm lòng ông nặng về đạo đức và trách nhiệm, trọng tình cảm hơn là vội vàng, toan tính và thủ đoạn.
Tôi đã đọc và cảm nhận trong cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái những sắc thái nổi bật hơn cả những gì mà nhiều sách sử đã từng viết. Đó chính là hai từ tình nghĩa. Thứ tình nghĩa toát ra từ chính những con người lãnh đạo, từ chính lòng nhân dân. Tôi đã đọc đến đoạn cuộc họp ở làng Võng La, khi bị gián điệp bán đứng và giặc bao vây, thì chính những người lãnh đạo được nhân dân cưu mang che chở. Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu được người dân cho mượn áo, cuốc xẻng vờ giả làm nông dân ra đồng, các đồng chí khác cũng len lõi vào cùng với dân làng. Phó Đức Chính thì được một người phụ nữ vừa sinh xong giấu vào ổ rơm, khi đó ông bị thương rất nặng.
Tôi đã nhìn thấy cô Giang trong hôm Nguyễn Thái Học bị chém. Tôi cảm nhận được nỗi đau của cô, tôi đã đọc hai bức thư cô viết và lặng người rất lâu trước gốc đa bên đường nơi người con gái trung liệt ấy tuẫn tiết.
Tôi đọc về thời đi học của Nguyễn Thái Học và Nguyễn Khắc Nhu, thấy nhiều câu chuyện ấn tượng, về nếp sống, về suy nghĩ, về cách nhìn đời và lý tưởng của các ông. Các ông sống có lý tưởng và có cái nhìn thức thời trước thời cuộc và vận mệnh đất nước.
Nguyễn Khắc Nhu cũng là một thanh niên hiếu học, yêu nước, trọng đạo, ông yêu dân và quan tâm đến việc cải cách xã hội, ông dạy học, bốc thốc chữa bệnh, ông vận động nhân dân đào giếng uống nước sạch, dệt khăn cho từng người dùng riêng, giảm bớt nhiều hủ tục lạc hậu trong nhân dân.
Tôi để ý đến cái tình người trong cách các ông đối đãi với nhau và với những nghĩa sĩ anh em, sống như các ông, sống hết mình và tràn đầy nhiệt huyết.
Tôi cảm nhận được tiếng hét căm thù giặc nơi các ông. Tôi nghe văng vẳng bên tai lời Nguyễn Khắc Nhu thống thiết kêu gọi quân lính đầu hàng, chĩa giáo mác về phía quân thù trong cái đêm khởi nghĩa ấy. Tôi hiểu ông suy nghĩ thế nào khi bị thương và tự sát, mà phải tự sát đến lần thứ ba mới được chết để giữ tròn khí tiết. Cái chết oanh liệt của ông đã gây xúc động mạnh cho nhân dân cả nước, các sĩ phu yêu nước thời bấy giờ và muôn đời sau. Ông đã “vì dân quyên sinh, vì nước quyên sinh, vì đảng nghĩa quyên sinh, thề chẳng tham nhìn giặc nước; lòng ông không chết, danh ông không chết, tinh thần ông không chết, quyết đem cái chết giục đồng bào”.
Tôi còn ngạc nhiên hơn khi đọc câu chuyện lãnh tụ Nguyễn Khắc Nhu tự nguyện sát nhập tổ chức Việt Nam Dân Quốc vào Việt Nam Quốc Dân Đảng, và bằng lòng đứng dưới quyền chỉ huy của một người sinh viên kém ông cả về tuổi đời lẫn kinh nghiệm đấu tranh. Ngẫm nghĩ mãi, tôi mới hiểu rằng lịch sử có lý do khi khắc ghi tên tuổi của họ. Bởi vì những con người ấy đã có một hành động thật bình thường và rất tự nhiên - họ đã đặt quyền lợi Quốc gia Dân tộc lên trên quyền lợi của đảng phái và cá nhân.
Khi nói về cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái nhằm Dân chủ hóa Việt Nam và Đông Dương của Việt Nam Quốc Dân Đảng, khi nói về Nguyễn Thái Học, Nguyễn Khắc Nhu, Phó Đức Chính, Đoàn Trần Nghiệp, Cô Bắc, Cô Giang, Đỗ Thị Tâm, thú thật, người Việt Nam nhiều thế hệ nay ít ai biết đến, hay chỉ là biết rất sơ sài và tổng thể đó là một cái gì đó mờ nhạt, ánh lên trong lịch sử rồi qua đi rất nhanh. Môn lịch sử trong nhà trường Việt Nam , nay ít chú trọng đến tổ chức này, phong trào này và những cái tên này.
Đó là sự thật và là một thiếu sót vô cùng lớn vì người ta cần đọc lại một thời Hào hùng của Dân tộc Việt Nam mà đôi khi nhiều người đã cố tình bỏ qua./.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn