NHÀ NƯỚC THÁI LAN MANG MÓN NỢ "HẢI TẶC" ĐẪM MÁU HÀNG CHỤC NGÀN THUYỀN NHÂN VIỆT NAM VÔ TỘI TRÊN VỊNH THÁI LAN - SIAM . (Phần 4 of 4)

14 Tháng Tám 20229:24 CH(Xem: 3568)
Đêm Chôn Dầu Vượt Biển .
Tác giả: Châu Đình An

Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh chôn
Anh chôn, chôn hết cả những gì của yêu thương
Anh chôn, chôn mối tình chúng mình
Gửi lại em trăm nhớ ngàn thương
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non.
Đêm nay đêm tối trời anh bỏ quê hương
Ra đi trên chiếc thuyền
Hy vọng vượt trùng dương
Em đâu đâu có ngờ đêm buồn
Bỏ lại em cay đắng thật thương
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non.
Anh phải bỏ đi thắp lên ngọn lửa hy vọng
Anh phải bỏ đi để em còn sống
Anh phải rời xa mẹ Việt Nam đau đớn
Quê mình rồi đây em có đợi chờ
Anh tạm rời xa nước non mình yêu kiều
Ôi người thân yêu người quen hàng xóm
Mong vượt biển Đông mà lòng anh tan nát
Núi mờ mờ xa ôi ngọn núi ở quê hương!
Đêm nay anh gánh dầu ra biển anh đi
Ra đi trên sóng cuộn thấy gì ở quê hương
Xa xa ôi núi mờ xa dần
Một giọt nước mắt khóc phận thân
Hò ơi hò ới phận kẻ lưu vong
Hó ơi hò ới phận kẻ lưu vong
Đêm nay trên bản đồ có một thuyền ra đi
Hiên ngang trên sóng gào tự do đón chào
Xin chào tự do với nỗi niềm cay đắng
Nhìn lại bên bờ nước non mình muối mặn
Khóc nghẹn ngào !!!
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non
Hò ơi! Hò ới! tạm biệt nước non...
(NgheQua YouTube)
Vài Trang Bi Sử – Hướng Về Biển Đông: Hải Tặc Thái Lan sát hại dân tỵ nạn Việt Nam .
NHẬT TIẾN
Tôi vừa nhận được một lá thư gửi từ Thái Lan đề ngày 10-11-1982. Người viết là một thiếu nữ mới chỉ 20 tuổi. Cô rời Việt Nam trên một con thuyền với 5 anh chị em ruột. Tất cả anh chị em cô đều bị giết trên biển bởi hải tặc Thái Lan. Chỉ có một mình cô còn sống sót trong đám 19 thanh niên nam nữ trên thuyền. Sau đây là lời thuật của cô:
“ Trên thuyền, gia đình cháu có 6 người, cháu là người ít tuổi nhất. Có tất cả 19 người trên thuyền – 13 thanh niên và 6 thiếu nữ. Chúng cháu ra khơi vào hôm 24 tháng 3, 1982, tới Vịnh Thái Lan hôm 4 tháng 4. Bây giờ chỉ còn có mỗi một mình cháu sống sót trong nỗi tủi nhục và phẫn uất nguyên nhân vì bọn hải tặc Thái Lan.”
Con thuyền định mệnh này ra khơi mới chỉ một ngày đã bị tầu đánh cá của CSHCM chặn lại, lấy vàng rồi cho đi. Đến ngày 26 tháng 3, lần đầu tiên thuyền của cô bị hải tặc tấn công. Chúng cướp đồ đạc, hãm hiếp rồi cho đi. Nhưng thảm kịch hãi hùng này lại tàu diễn bởi một tầu cướp khác lại ập đến. Cô L.Q. tiếp tục kể :
“ Chúng cột thuyền của chúng cháu ở phía sau rồi kéo đi. Rồi tên thuyền trưởng và đám thuỷ thuỷ đã giết 13 thanh niên bằng cách hết sức man rợ. Chúng trói chân, trói tay họ bằng dây cao su rồi xô họ xuống biển. Lúc ấy vào khoảng 7 giờ tối. Còn đám thiếu nữ thì vừa bị hãm hiếp vừa bị đánh đập. Sau đó chúng nhốt cả đám trên thuyền để hành hạ, rồi 9 ngày sau, chúng quăng từng người xuống biển, cứ khoảng 5 phút lại quăng một người. Các thiếu nữ kia vì không biết bơi nên chết đuối hết. Chỉ có cháu bơi được khoảng 20 phút thì được một con tầu vớt lên .”
Trên đây chỉ là một trong muôn ngàn trường hợp đau thương được phơi bầy ra ánh sáng nhờ kẻ sống sót.
Sau khi được giải cứu, cô L.Q được mang vào đất liền và tạm trú tại một gia đình người Thái trong vài tháng. Cuối cùng Cao Uỷ Tỵ Nạn LHQ đã đưa cô vào trại tỵ nạn Songkhla ngày 25 tháng 10-1982 ( Số Thẻ Tỵ Nạn trong trại của cô là SI # 12818).
Hiện nay cô L.Q sống trong tình trạng khủng hoảng tinh thần sau những thảm kịch kinh hoàng trên biển cả. Đã thế, cô còn phải đối diện với một tình trạng khó khăn mới : Nhà nước Thái chỉ coi cô là một kẻ nhập cư bất hợp pháp và cô có thể sẽ bị tạm giam ở trại Sikiew (miền bắc Thái) để chờ nhà nước CSHCM xử lý.
Cùng hoàn cảnh tương tự với cô là hai trường hợp khác:
1) Cô C.T.T. sinh năm 1962, nhập trại Songkhla hôm 22-10-1982, Số thẻ SI # 12806.
2) Cô P.N. sinh năm 1967, nhập trại Songkhla hôm 22-10-1982, Số thẻ SI # 12805.
Cả hai người đều bị hải tặc Thái Lan bắt cóc vào đất liền, nhưng sau được Cao Uỷ LHQ giải cứu và đưa vào trại Songkhla.
(Bạn đọc muốn viết thư an ủi những cô gái đau khổ này có thể viết thư, đề tên tắt của họ kèm ngày nhập trại (D.O.A) như đã ghi ở trên và gửi về địa chỉ P.O Box 3, Songkhla, Thailand).
Mặc dù chính phủ Thái luôn luôn tranh né trách nhiệm của mình, nhưng sự thật là đã có nhiều thanh niên nam nữ VN đã bị hải tặc trói bằng dây cao su và xô xuống biển, cứ 5 phút một người, một sự tàn bạo vượt trên sức tưởng tượng của con người ở thế kỷ 20 này. Hỏi rằng đã có bao nhiêu trường hợp thảm sát tương tự đã xẩy ra nhưng vì không còn ai sống sót để kể lại như trường hợp của cô L.Q.?
Theo thống kê của Cao Uỷ Tỵ nạn LHQ thì từ tháng 1 đến tháng 7 năm 1982 đã có 167 ghe thuyền mang 4339 thuyền nhân cập bờ Thái Lan. Trong 167 ghe thuyền này, đã có 111 ghe bị hải tặc đánh cướp, mỗi ghe trung bình từ 2 đến 3 lần trong tổng số 309 lần bị tấn công bao gồm cướp bóc của cải, hãm hiếp và bị giết rồi quăng xác xuống biển.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm 1982, số phụ nữ bị hãm hiếp lên tới 139 người và có tới 123 người trong số này đã bị giết và xô xuống biển vì kháng cự trước những hành vi man rợ của hải tặc. Ngoài ra còn có trên 200 trường hợp thiếu nữ bị bắt cóc mang đi và không còn ai nghe được tin tức gì về họ nữa.
Số phận của những thanh thiếu nữ này, hoặc bị thảm sát trên biển như 18 người trên con thuyền của cô L.Q hoặc các cô bị đem bán vào đất liền cho những ổ điếm ô nhục – không được một ai biết đến.
Đã thế, sự tàn bạo của hải tặc thì lại cứ mỗi ngày một gia tăng. Nước biển Đông đã nhuốm máu của nhiều đồng bào và đã trở thành mồ chôn của biết bao nhiêu thuyền nhân vô tội, những anh chị em ta, bạn bè ta, đồng bào ruột thịt của ta.
Bên cạnh những thảm kịch trên biển Đông ấy, lại còn có những đời sống vô cùng thống khổ ở các trại tỵ nạn.
Tin tức mới nhất mà chúng tôi vừa nhận được là từ bác sĩ Dương.. , 1 trong số 19 thuyền nhân được nhà nước Thái trả tự do sau khi bị kết tội tấn công ngư phủ Thái nhưng thực chất là họ chỉ tự vệ trước sự tấn công của hải tặc. Bác sĩ Dương.. hiện nay đã định cư ở Úc. Theo ông, thì những trại tỵ nạn ở Thái quả là “ Địa ngục trần gian”. Thí dụ:
– Ở bệnh viện tâm thần Chon Buri gần Bangkok, có 6 bệnh nhân người VN vì họ đã bị trải qua những hoàn cảnh bị khủng bố tàn bạo và rồi khi nhập trại lại bị ngược đãi.
– Một lần nổi cơn điên, anh Phù .. đã đập vỡ một cái chai và lấy mảnh chai rạch bụng định tự tử nhưng được cứu thoát kịp thời. Sau đó, anh đã dùng một con dao tự rạch một bên đùi và cứa rách thịt ở chân tay mình bằng dây kẽm gai như một sự vùng vẫy cố thoát khỏi cơn điên loạn.
– Ở trại tỵ nạn Phananikhorn , Cao Ủy Tỵ Nạn đã ra lệnh cấm xài thuốc trừ sâu và thuốc diệt bọ sau khi đã có vài trường hợp tự vẫn bằng những thứ này, vào ban đêm.
– Tại trại tù Aran ở Ara Pathet, nơi có một số “bộ nhân” Việt Nam bị giam giữ, người tù bị đối xử tàn bạo không khác gì vào thời Trung cổ: Đầu bị cạo trọc, bị nhốt trong hầm chứa phân và bị đánh đập cho đến khi ngất xỉu. Chỉ sau 3 tháng cư ngụ ở một nơi như thế, tất cả đều rất đau đớn và bị nội thương.
Trên đây là một vài trường hợp hãi hùng cụ thể đã từng xẩy ra cho đồng bào của chúng ta tại Thái Lan, trên biển, trong nhà tù, trong trại tỵ nạn (nổi tiếng nhất là trại Sikiew nơi hiện có 7,000 người VN bị giam giữ, không quy chế tỵ nạn và trại NW82 – NorthWest 82- nơi có 2,000 người VN cũng trong hoàn cảnh tương tự.
**** Tháng 12 là tháng kỷ niệm Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền.
Thật mỉa mai cho bộ mặt Nhân Quyền khi nhìn về phương Đông với những cuộc đàn áp, khủng bố, giết hại bởi những bàn tay tàn bạo.
Nhân Quyền là điều không thể dễ dãi hay kêu xin mà có. Muốn có Nhân Quyền, ta phải tranh đấu. Nhân danh những tấn thảm kịch đã và đang còn xẩy ra đối với người tỵ nạn, nhân danh những sự đau đớn, tủi nhục ở mức độ cao nhất mà đồng bào ở các trại Sikiew và NW82 đang phải chịu đựng, chúng ta phải tiếp tục đấu tranh để đòi hỏi thế giới văn minh phải tìm cách chấm dứt.
Mong các anh chị em, bạn bè, đồng hương trên toàn thế giới, xin hãy làm điều gì thiết thực và cụ thể để giúp cho người tỵ nạn.


HoàngLongHải – Bèo giạt – Hải tặc Thái Lan.
Tại sao tôi gọi “Hải Tặc Thái Lan”? Dễ hiểu thôi ! Bởi vì hầu như tất cả các vụ cướp biển, chận bắt tầu vượt biên, giết người, bắt đàn bà con gái, lục soát cướp đoạt tài sản người vượt biên, đánh đắm tầu, không cho ai sống còn để khai báo, v.v… là do ngư phủ Thái Lan cả. Ngư phủ Mãi Lai chỉ xàm xở với đàn bà con gái, cướp dầu, mì gói, lương thực, chứ không giết người, bắt người như ngư phủ Thái Lan.
Bọn ngư phủ nầy tung hoành trong vịnh Thái Lan, không ai làm gì chúng được, vì chúng có dù che!!!???
Để ngăn chận tệ nạn nầy, Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hợp Quốc, mỗi năm chi ra một triệu đô la cho chính phủ Thái Lan để chính phủ nầy có thêm phương tiện hoạt động, nhưng từ khi có thêm tiền thì tệ nạn hải tặc không bớt đi mà lại gia tăng! Ấy là tại sao? Xin đọc hồi sau sẽ rõ.
Cô cao ủy Daeng, như tôi giới thiệu trong phần trên, là người đặc trách về hải tặc của cao ủy tỵ nạn, là người rất có lương tâm, rất tận tâm, cũng phải sợ những cái dù của đám ngư phủ hải tặc Thái Lan.
Việc truy tìm hải tặc Thái Lan không thuộc sở trường của cao ủy Daeng, nên cô không tìm được nhiều những tên hải tặc do các nạn nhân, thoát chết, tới được đảo, khai báo với cô. Thường lời khai các nạn nhân thì có: nhân dạng (mặt mũi, mầu da, tóc tai, tuổi tác,…).
Nhận dạng người và nhận dạng tầu.
Người thì nhỏ nhưng dễ nhận dạng vì khi chúng nhẩy qua tầu vượt biên, chúng không cần phải che dấu mặt, nghênh ngang cầm dao lớn hay mã tấu, đi tới đi lui trên ghe, lục soát, nạt nộ người nầy, đâm chém người kia, bắt con gái đàn bà mà không sợ ai cả. Còn ghe của chúng thì to lắm, gấp ba gấp bốn ghe vượt biên, nhưng người ta không rõ tầu gì. Bọn hải tặc lấy các tấm bạt nylon che mất số tầu. Người ta chỉ nhìn cách chúng nó trang trí ghe như thế nào, sơn mầu xanh mầu đỏ gì đó, vẽ hình những con vật gì đó để khai với cao ủy Daeng.
Khi tôi tới đảo, anh Võ.. cựu đại úy Cảnh Sát, sau khi du học ở Mỹ về, hoạt động trong ngành Interpol của bộ Tư Lệnh Cảnh Sát Việt Nam Cộng Hòa, tới đảo trước tôi ít lâu, đã giúp việc cho cao ủy Daeng một thời gian.
Ông Võ dùng những phương pháp chuyên môn trong ngành như phân tích nhân dạng, phân tích tầu, đối chiếu, v.v… và tìm ra được một số tầu, một số người để các cô gái nạn nhân nhận dạng người và tầu. Nhờ vậy, cô cao ủy Daeng dẫn các nạn nhân qua Bangkok để nhận mặt các tên hải tặc, một số bị tòa án Thái Lan xử tù.
Từ đó, bọn hải tặc Thái Lan không vào bờ. Khi tầu của chúng đánh cá xong, trở vào bờ, gần tới nơi, chúng nhảy qua những tầu ra khơi để đi tiếp. Cảnh sát Thái Lan có biết tên tuổi chúng, cũng không làm gì được.
Vả lại, chủ tầu đánh cá Thái Lan là “bọn” tướng tá quân đội và cảnh sát Thái Lan. Tôi dùng chữ “bọn” không phải sai đâu! Vì quyền lợi đánh cá, “bọn” tướng tá nầy bao che cho “bọn” hải tặc, ngăn chận và hăm dọa những người hoạt động trong công việc chống hải tặc, nên những người nầy sợ chúng, chẳng dám làm gì hơn.
Chính cao ủy Daeng, người Thái Lan, biết chuyện đó, cũng sợ chúng. Mỗi lần đi Bangkok, khi cao ủy Daeng tới biên giới Mã Lai – Thái Lan, cô phải cải dạng, ăn mặc như một người đàn bà Thái Lan bình thường, để khỏi bị chúng nhận ra và ám hại.
Kể từ khi Cảnh Sát Thái Lan bắt giữ và đưa một số ngư phủ hải tặc Thái Lan ra tòa, hành động của chúng càng tàn ác và hung tợn nhiều lắm. Thay vì cướp của, bắt đàn bà con gái, giết những ai chống lại chúng rồi thả cho ghe vượt biên đi. Bây giờ cướp ghe nào, sau khi lấy hết những gì chúng muốn, bắt những ai chúng muốn, giết những ai chúng muốn, còn lại, chúng đánh chìm ghe vượt biên, cho chết hết, ở ngoài biển khơi, để không còn ai sống sót mà khai báo với Cao Ủy Tị Nạn.
Tàu chúng thì to, mới và rất tốt, ghe vượt biên thì nhỏ, cũ, mong manh. Chúng chỉ cần cho tàu của chúng đâm thẳng vào ghe vượt biên, ghe vở toang ra, chìm xuống biển, chẳng ai sống sót.
Ghe của tôi mang số MC 483. Ghe trước tôi, không nhớ rõ, hình như MC 482 hay MC 481 khoảng 130 người vượt biên trên ghe, bị chết đuối trên biển hết trọi, sau khi bị ghe hải tặc Thái Lan đánh cướp, bắt đi mấy người con gái, đàn bà. Những người bị bắt nầy bị chúng đem về nhốt ở một hoang đảo nào đó, rồi trước sau cũng chết vì đói khát, vì bị chúng hảm hiếp liên miên, hoặc bị chúng giết, thả xuống biển, sau khi chúng đã chán chê.
Khi tôi đang ở đảo, báo Đường Sống, báo của di dân hải ngoại viết về thuyền nhân, có kể chuyện một cô gái, hình như con của một đại úy phi công chế độ cũ, bị hải tặc bắt, đem về giam ở một hòn đảo hoang, sau có một tên hải tặc đã già đem cô về đất liền Thái Lan để làm vợ. Cô gái ấy trốn được, lên tận Bangkok, tố cáo với Cao Ủy Tỵ Nạn. Mấy tên hải tặc bị bắt, bị tòa xử tù. Cô gái thoát nạn được định cư ở Mỹ, và tuyên bố cô ta sẽ xây dựng lại đời cô, sẽ thành một bác sĩ. Tôi ước mong cô ta sẽ toại nguyện. Con người can đảm như thế, khí phách như thế, sẽ đạt được ý nguyện của mình thôi!
Khi tôi còn làm việc ở phòng SB, một hôm, thấy có năm hoặc sáu người vượt biên mới tới, từ Văn Phòng Lực Lượng Đặc Nhiệm Mã Lai đưa sang. Nhìn họ, tôi nói với kỹ sư Nguyễn.., ngồi làm việc bên cạnh tôi:
– “Ông xem, mấy người nầy trông ghê quá!”
Da họ đen xạm, nhiều chỗ nứt nẻ, rướm máu. Họ đi không vững, có người phải có người đỡ.
Ông Nguyễn ra đứng xem, hỏi chuyện với họ. Sau đó tôi được biết:
Tầu họ khoàng 120 người, bị hải tặc Thái Lan tấn công. Sau khi bắt đi mấy cô gái, chúng cho tầu của chúng đâm vào ghe vượt biên. Ghe vỡ, phần đông chết đuối cả. Mấy người nầy ôm những tấm ván vỡ, trôi lềnh bềnh trên biển hai đêm hai ngày, may nhờ tầu đánh cá Mã Lai vớt được, đưa vào Terrenganu. Hai ngày hai đêm trên biển, vừa đói vừa khát, vừa đuối sức nhưng cũng cố bám vào tấm ván nên sống sót. Trên thì nắng nhiệt đới, dưới là nước biển, da họ bị sưng lên, rồi vở ra, nứt nẻ nên trông khiếp như vậy. Tôi nhớ ghe của họ được đặt tên là MC 513.
Hôm sau, lại thêm ba người nữa được đưa tới, cũng tình trạng y như những người đến ngày hôm qua, đuối sức, da nứt nẻ, đi không vững. Hỏi ra, họ đi cùng ghe với những người ngày hôm qua, nhưng được vớt trễ hơn một ngày, có người vướng vào lưới đánh cá của ghe ngư phủ Mã Lai, được lưới kéo lên. Những người nầy được đặt tên là MC 514, tuy cùng ghe với những người trước.
Ngư dân hải tặc Thái Lan không phải là những tên gan dạ. Chẳng qua vì người vượt biên sợ hãi quá, nhát gan quá, lại không ai chỉ huy, thống nhứt để chống lại nên chúng mới lộng hành như thế.
Có một ghe vượt biên, phần đông là thanh niên Saigon, gan lắm. Khi ghe hải tặc Thái Lan đến gần, họ cùng đứng lên, gặp gì, thấy gì, họ cầm lên, cương quyết chống cự. Có người thì quăng nồi, quăng thùng sang tầu hải tặc, có người lăm cầm cây sào chờ bọn hải tặc nhảy qua tầu họ là họ sẽ tấn công. Thấy “khí thế” như vậy, bọn hải tặc Thái Lan quay mũi tầu chạy mất.
Người Thái Lan theo đạo Phật, nhưng theo tôi thấy, họ không giống người Việt theo đạo Phật chút nào. Đạo Phật Việt Nam ở trong truyền thống dân tộc, ai chăm thì đi chùa thường, học kinh học kệ, nói ra thì đầy những kinh sách, Phật dạy thế nầy, thế kia. Ngoài ra, giới bình dân, người ta ít đi chùa hơn, mỗi năm vài ba lần trong những ngày vía, rồi thôi. Đạo Phât của họ là trong cách sống thường nhựt, ăn hiền ở lành, thương người nghèo khó, hoạn nạn, ăn mặn nhưng tránh sát sanh, … nên người ta ít cuồng tín.
Người Thái Lan đi chùa rất thường, rất cung kính, cầu nguyện, xin xỏ, mong cầu, phù phép, và rất tin, phần đông cuồng tín. Họ tin Phật như vậy mà tại sao ác thế. Hay cứ làm ác rồi vào chùa cầu xin là xong. Họ cũng chẳng hiền hòa như người bình dân Việt Nam...
Nhà nước Thái Lan đã im lặng ,đồng lõa với bọn Hải tặc Thái Lan khát máu , trả thù trên thân xác hàng chục ngàn Thuyền nhân Việt Nam vô tội . " Hải tặc Thái Lan mối hận muôn đời ,không thể nào quên !"

Xác Em Nay Ở Phương Nào .
Tác giả: Trần Chí Phúc .

       Chiều ra biển đứng ê chề
Tìm trên ngọn sóng ngó về xác em
Vớt rong rêu ngọn tóc mềm
Quay về hướng gió tưởng em thơ dại
Tìm trong bọt trắng thân người
Nghẹn ngào dấu vết còn phơi lõa lồ
Xác em nay ở phương nào
Tấp sang đất Thái hay vào Nam Dương
Có khi xác vượt trùng dương
Trôi về Bắc Mỹ trách hờn người yêu

Biển lớn cuốn em đi
Biển lớn cuốn em đi
Rồi xa, rồi xa, rồi xa mãi

Biển ơi, trả cho ta ...
Biển ơi, trả cho ta ...
xác em yêu
xác em yêu
Chiều ra biển đứng ngậm ngùi
Nhớ em và nhớ cả trời Việt Nam.

(NgheQua YouTube)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn