SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : HỆ THỐNG SÔNG THÁI BÌNH (BẮC VIỆT) - TỪ SÔNG KINH THẦY TỚI SÔNG BẠCH ĐẰNG .( Phần 2 of 2 )

06 Tháng Tám 202210:10 CH(Xem: 1115)
SÔNG NÚI NƯỚC NAM .

Sông Kinh Thầy hay còn gọi là Sông Kinh Thày, là một phân lưu của hệ thống sông Thái Bình, nối sông Thái Bình với các sông vùng Đông bắc Việt Nam ,
Dòng chảy​ :
Sông dài 44,5 Km. Điểm đầu từ ngã ba Nấu Khê thuộc vùng Chí Linh, tỉnh Hải Dương, phía nam của ngã ba Mỹ Lộc nơi sông Đuống hợp lưu với sông Thái Bình. Điểm cuối là ngã ba Tri Sơn nơi giáp ranh Kinh Môn, tỉnh Hải Dương . Các loại tàu thuyền có tải trọng 150-250 tấn chạy trên sông trong cả hai mùa.
Tại ngã ba Bến Triều, nó chia nước với sông Mạo Khê. Tại ngã ba Trại Sơn nó chia thành hai sông nhỏ chiều dài khoảng 9 Km mỗi sông, có tên gọi là sông Phi Liệt rồi lại đổ vào sông Mạo Khê một lần nữa, tại ngã ba Bến Đụn, để tạo thành sông Đá Bạch hay là sông Đá Bạc và sông Hàn để chảy vào sông Kinh Môn tại ngã ba Nống, tạo thành sông Cấm.
Lúc đầu là kênh (kinh) Tây vì nó là con kênh nằm ở phía Tây của Đông Triều (sông ở phía Tây) đến thời Pháp thuộc vẫn mang tên sông Kinh Tây, từ thế kỷ XX trở lại đây là sông Kinh Thầy.
Sông Bạch Đằng còn gọi là Bạch Đằng Giang (chữ Nho: 白藤江; tên Nôm từ đằng (藤) là rừng, nên tên gọi tắt là sông Rừng), tên gọi khác là sông Vân Cừ (澐渠 - nghĩa Hán là sông nhỏ có sóng lớn) là một con sông lớn thuộc hệ thống sông Thái Bình ngày nay.
Đây là con sông gắn liền với lịch sử chống giặc ngoại xâm của người Việt Nam.
Sông bắt đầu từ ngã ba nơi hợp lưu giữa sông Đá Bạc và sông Giá (tại Bến Rừng) và chảy theo hướng nam. Tại góc đông nam của đảo Vũ Yên, sông Bạch Đằng nhận thêm nước từ sông Cấm đổ vào và đổi sang hướng đông nam đổ ra biển tại cửa Nam Triệu.
Toàn bộ dòng chảy của sông là ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng cách vịnh Hạ Long 40Km trong hệ thống sông Thái Bình.
Sông Bạch Đằng là con đường thủy tốt nhất để đi vào Hà Nội (Thăng Long) từ miền nam Trung quốc, từ cửa sông Nam Triệu các chiến thuyền đi vào sông Kinh Thầy, sông Đuống và cuối cùng là sông Hồng đoạn chảy qua Hà Nội. Ngày nay, các loại tàu thuyền có tải trọng 300-400 tấn vận tải được cả hai mùa trên sông.
Sông Bạch Đằng nổi tiếng với 3 chiến công của dân tộc Việt Nam:
Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 938: Ngô Quyền đánh thắng quân Nam Hán.
Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 981: Hoàng đế Lê Đại Hành phá tan quân Tống .
Trận thủy chiến sông Bạch Đằng năm 1288: Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đại thắng quân Mông Nguyên trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên lần thứ 3 .
Hiện ở khu vực cửa sông Bạch Đằng có 3 ngôi đền thờ 3 vị anh hùng :
Đình Hàng Kênh (Lê Chân, Hải Phòng) thờ Vua Ngô Quyền.
Đền Vua Lê Đại Hành ở Minh Đức (Thủy Nguyên, Hải Phòng) ,
Đền Đức Thánh Trần Hưng Đạo ở Yên Giang, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh .
Trong khu di tích đền Tràng Kênh ở Hải Phòng có thờ phụng chung ba vị Anh Hùng Dân Tộc : Ngô Quyền ; Lê Đại Hành ; Trần Quốc Tuấn .

Bạch Đằng Giang Hành Khúc .
(Lời hát Nguyễn Thành Nguyên-Nhạc nền Lưu Hữu Phước)
Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng
của nòi giống Tiên Rồng,
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung.
Trên trời cao muôn sắc đua chen bóng ô.
Dưới đáy dòng nước ánh sáng vởn vơ nhấp nhô.
Hàng cây cao soi bóng gió cuốn muôn ngàn lau.
Hồn ai đang phảng phất trong gió cảm xiết bao.
Mây nước thiêng liêng còn ghi chép rành
Thời liệt oanh của bao người xưa trung chánh
Vì yêu quốc gia vui lòng hiến thân
Liều mình ra tay tuốt gươm bao lần.
Dòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng.
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng
Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng
Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung.
Trên dòng sông muôn bóng gợi trong trí ta
Biết mấy thành tích biết mấy gắng công thiết tha
Kìa quân Ngô Tiên Chúa chém giết quân Tàu man
Kìa quân Trần Quốc Tuấn đánh thắng quân Thoát Hoan
Nay đã bao lâu còn đâu nữa rồi
Thời gian qua đã bôi mờ trong đêm tối
Người nay có hay đã vì chúng ta
Người hùng anh xưa giữ nước non nhà
Dòng nước trắng xóa dưới trời quang đãng.
Từ xưa nêu cao tấm gương anh hùng
Dù có sấm sét bão bùng mưa nắng
Đằng Giang vẫn sáng để cho nòi giống soi chung
Đây Bạch Đằng Giang sông hùng dũng
của nòi giống Tiên Rồng,
Giống Lạc Hồng, giống anh hùng, Nam Bắc Trung.

ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT .

Hai vị Anh Hùng Dân Tộc Yết Kiêu và Dã Tượng :
Dưới triều Trần, tất cả các quý tộc và quan lại đều có gia nô (đầy tớ) trong nhà. Yết Kiêu và Dã Tượng là hai gia nô thân tín của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Với tài dùng người, Hưng Đạo Đại vương đã nhận ra tố chất của Dã Tượng và Yết Kiêu rồi tiến cử cho triều đình.
Khi quân Nguyên sang xâm lược nước ta lần hai và lần ba, vì Yết Kiêu có tài bơi lội nên được giao phụ trách đội Thủy binh, còn Dã Tượng là người có biệt tài thuần phục voi nên chỉ huy đội Tượng binh. Trong cuộc kháng chiến ấy, hai ông đã xả thân cứu chủ tướng thoát khỏi vòng vây của giặc và tham gia nhiều trận đánh lớn đánh bại Ô Mã Nhi, Toa Đô.
Mộc bản sách Đại Việt sử ký toàn thư, quyển 5, mặt khắc 45 có ghi lại rằng: Khi quân Nguyên tới, Yết Kiêu giữ thuyền ở Bãi Tân, Dã Tượng đi theo. Đến lúc quan quân thu trận, thuỷ quân tan cả, Hưng Đạo vương định rút theo lối chân núi, Dã Tượng nói: “Yết Kiêu chưa thấy Đại vương thì nhất định không dời thuyền”. Vương đến Bãi Tân, chỉ có thuyền Yết Kiêu vẫn còn ở đó. Vương mừng lắm, nói: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở sáu trụ cánh. Nếu không có sáu chiếc trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi”. Ý nói người tài giỏi phần lớn cũng là nhờ những người xung quanh giúp sức, phò tá, nếu chỉ có một mình thì sao có thể làm nên sự nghiệp lớn.
Không chỉ có tài dùng binh, Dã Tượng và Yết Kiêu còn là những người rất trung nghĩa. Hai ông đã một lòng trung thành và dám đưa ra lời khuyên Hưng Đạo vương nên bỏ mối thù nhà để toàn tâm dốc sức cứu nước. Cha của Hưng Đạo vương là An Sinh vương Trần Liễu có một mối hiềm khích với vua Trần Thái Tông nên trước lúc mất có trăng trối lại: “Con không vì cha lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được!”.
Mặc dù không cho đó là lời nói phải nhưng Hưng Đạo vương vẫn canh cánh trong lòng. Đến khi quân Nguyên sang xâm lược, vận nước lung lay, Hưng Đạo vương được trao quyền Quốc công tiết chế, nắm quyền binh trong tay, có lần Trần Quốc Tuấn đem chuyện đó hỏi người nhà và hai gia nô là Dã Tượng và Yết Kiêu. Trong khi người con trai khuyên nên thực hiện di nguyện đó thì Dã Tượng và Yết Kiêu lại can ngăn. Mộc bản sách Khâm định Việt sử thông giám cương mục, quyển 8, mặt khắc 32 và 33 có ghi lại lời can gián của Yết Kiêu và Dã Tượng với Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn rằng: “Nếu thi hành kế ấy, dầu có giàu sang được một lúc, mà tiếng xấu để mãi đến ngàn đời. Đại vương bây giờ chả phải đã giàu sang rồi ư? Chúng tôi tình nguyện chết già làm nô bộc, chứ không muốn làm sự bất trung bất hiếu để cầu may mà được một chức quan". Quốc Tuấn nghe hai gia nô nói vừa cảm động ứa nước mắt vừa khen ngợi.
“Yết Kiêu” có nghĩa là loài chó săn mõm ngắn, còn “Dã Tượng” nghĩa là voi rừng. Chuyện lấy tên thú đặt cho gia nô, không bàn cũng đủ biết thân phận thấp kém như thế nào. Song, tận trung vì đại nghĩa cứu nước, ai dám bảo Yết Kiêu và Dã Tượng không thể sánh ngang với các bậc hào kiệt khác. Đúng như Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn nói, sở dĩ có được các bậc anh hùng cái thế như chính Trần Quốc Tuấn, trước hết phải có được sự trợ thủ đắc lực của những người như Yết Kiêu và Dã Tượng. Vì vậy, ngày nay tên các ông vẫn được dùng để đặt nhiều tên đường phố trên khắp cả nước. Sau khi Yết Kiêu mất, nhớ đến công lao của ông, triều Trần đã cho lập đền thờ ở bờ sông Hạ Bì , nay là đền Quát ở xã Yết Kiêu (Gia Lộc).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn