SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : TRƯỜNG SƠN NAM LAN RA SÁT BIỂN - BÁN ĐẢO&VỊNH CAM RANH . HUYỀN THOẠI ĐÁ DAO TRỤ NÚI ĐÁ CHỒNG - PHAN RANG. (Phần 4b of 5)

14 Tháng Bảy 20229:33 CH(Xem: 995)
BÁN ĐẢO&VỊNH CAM RANH
Cam Ranh là một hải cảng đứng vào hàng hải cảng tốt nhất Á Đông, vừa rộng rãi vừa kín đáo về mặt quân sự cũng như về mặt thương mại.
Người dân Khánh Hòa không quên Cam Ranh và không quên câu chuyện năm Ất Tỵ (1905).
Năm ấy Nhật thắng Nga. Tàu chiến của Nga chạy ngang qua phần biển Khánh Hòa, chạy vào trốn tại vịnh Cam Ranh. Nhân đi vào Nam, qua Khánh Hòa, ba nhà chí sĩ Phan Châu Trinh, Trần Quý Cáp, Huỳnh Thúc Kháng ghé lại Cam Ranh xem tàu Nga.
Đi thăm, sự thật không phải cốt để thỏa mãn tính tò mò, mà chính để mừng chiến thắng oanh liệt của một dân tộc da vàng, để thêm phần tin tưởng ở sự thành công sau này của cụôc cách mạng dân tộc do những nhà chí sĩ ái quốc lãnh đạo, trong đó có hai cụ.
Bọn mật thám của Pháp theo dõi, biết được.
Và bọn quan An Nam tay sai, khi kết án hai cụ về tội “mưu đồ phản loạn’, đã vin vào việc đi thăm tàu Nga là một bằng cớ để múa bút tà ngụy buộc tội cho thêm nặng nề!
Đồng bào Khánh Hòa cũng không quên bãi cát Cam Ranh là nơi đày những chiến sĩ Cần Vương, sau khi phong trào đã bị tan rã (1887), và nhiều người đã vùi thây nơi cát trắng biển xanh.
- Bờ biển thuộc hải phận Cam Ranh là một bán đảo chạy từ chân Hoàng Ngưu Sơn (núi Đồng Bò) ra biển, xiên xiên theo hướng Đông Nam. Cát trắng chen núi xanh, chạy dài hơn 30 cây số, làm cánh cửa che cho vũng Thủy triều và vịnh Cam Ranh suốt mặt phía Đông. Đi ngoài biển nhìn vào chỉ thấy núi xanh cát xanh.
Bãi Dài chạy từ Thủy Triều đến Cam Ranh, dài trên dài trên 16, 17 cây số. Cát trắng phau phau, trắng hơn cả cát Nha Trang, Đồng Đế. Nhưng vì ở xa nơi thị tứ nên du khách ít vãng lai. Sau nầy khi Cam Ranh đã trở thành nơi đô hội phồn hoa thì Bãi Dài nhất định sẽ trở bên bãi biển quyến rũ du khách thừa lương hơn bãi nào hết.
Nhìn về tương lai của bờ biển Cam Ranh, với hy vọng:
Nước non vốn nước non nhà,
Dẫu thay đổi mới vẫn là nước non.
Vịnh Cam Ranh rất rộng nhưng kín đáo nhờ các cụm núi che chắn án ngữ các hướng bao quanh .
Núi Đồng Bò cao 978M nằm phía Bắc bán đảo giáp ranh với Nha Trang - Cầu Đá , sát ven biển có hòn Cù Hin cao 643 M vòng vèo uốn lượn sát biển , trước khi tới Bãi Dài .
Núi Chúa sừng sững bảo vệ nhánh phía Nam của bán đảo Cam Ranh , giáp giới với Du Long - Ninh Thuận .
Núi hòn Rồng cao 728M nằm trong đất liền phía Tây của vịnh , như một vọng gác quan sát tầm xa ngoài biển Đông .
Núi Ao Hồ cao 460M nằm ở cuối bán đảo phía Bắc của vịnh Cam Ranh , không cao lắm nhưng tỏa rộng và đủ kín đáo để che chắn quân cảng và sân bay .
Nằm ngay cửa vịnh là đảo Bình Ba và một vài hòn đảo nhỏ nằm kề nhau che kín cửa vịnh Cam Ranh với địa thế núi non.
Có một cây cầu nối liền bán đảo lớn qua vịnh Cam Ranh vào trong đất liền gọi là cầu Long Hồ rất thuận tiện .
HÒN BÀ 1574M .
Đó là do hình thể của núi mà đặt tên. Vì Hòn Bà là vị “nữ vương” trong đám quần sơn của vùng. Đám quần sơn này lại nối kết thành một bức trường thành bàng bàng khúc khúc, chạy từ Bắc vào Nam. Hòn Bà đứng chính giữa, nổi bật lên trên tất cả các ngọn núi cao, trên đỉnh thường thường có mây hoặc mù bao trắng.
Bích Sơn là tên cả dãy núi mà Hòn Bà là đại biểu. Còn Hòn Bà là tên của người địa phương đặt ra do lòng tín ngưỡng.
Ở Ninh Hòa cũng có Hòn Bà. Nhưng núi Ninh Hòa gọi là Hòn Bà là vì trên núi có miếu thờ bà Thiên Y A Na. Còn ở Cam Lâm gọi là Hòn Bà là vì đó lành cung của bà Thiên Y vậy. Truyền rằng mỗi lần Bà giá lâm thì thấy một đạo hào quang dài như một cây lụa xổ bay xuống núi, rồi nghe ba tiếng sấm nổ vang rừng. Nhiều khi không thấy ánh sáng đáp xuống núi. Cũng không nghe tiếng sấm dậy, nhưng từ trong núi lại có ánh hào quang phát ra chói sáng hàng trăm dặm. Những lúc ấy biết rằng có Bà ngự nơi núi, người địa phương đốt hương đốt trầm làm lễ. Ngự giá thường qua lại những đêm trong gió mát.
Tiếng đồn như thế, nhưng từ đệ nhất thế chiến (1914 - 1918) trở về nước, không một người Kinh nào dám lên đến Hòn Bà để thưởng ngoạn và tìm cho biết thực hư. Bởi vì không có đường đi. Núi lại nhiều đá, lớp chồng chất lên nhau, lớp đứng sừng sững như vách, thêm cây cối rậm rạp, thú dữ đầy rừng. Xét thấy không có lợi gì cho bản thân, ai dại gì mà dấn thân vào nơi nguy hiểm.
Mãi năm 1914, vì cần nơi thí nghiệm giống Quinquina, Bác sĩ Yersin và nhà vạn vật họcKrempf mới tìm cách lên đến tột đỉnh.
Sau khi nhận thấy Hòn Bà thích hợp với giống Quinquina (chỉ sống trên núi cao trên dưới 1.500 thước ở miền nhiệt đới), Bác sĩ bèn mở trại mở vườn thí nghiệm. Ngoài ra Bác sĩ lại còn đặt một phòng xem thiên văn và một trạm vô tuyến điện. Tất cả đều ở trên đầu núi cao trên dưới 1.500 thước so với mặt biển.
Lúc bấy giờ Hòn Bà hoàn toàn chìm sâu trong sương khói trong đá cây. Chỉ cách Nha Trang 50 cây số, cách sở Suối Dầu 30 cây số, nhưng đường liên lạc thật là thiên nan vạn nan. Để lên xuống được phần dễ dàng, Bác sĩ lo trổ một con đường nhỏ từ Suối Dầu đến chân núi, và từ chân núi lên tới đỉnh. Nhờ Giải thưởng của Viện Hàn Lâm Khoa học (Académie des Sciences) đã cấp đúng lúc và sức ủng hộ của người Thượng địa phương, Bác sĩ đã hoàn thành công tác trong năm 1917.
Sau đó Chánh phủ Pháp mưói mở rộng khúc đường từ Suối Dầu đến chân Hòn Bà. Xe ô tô qua laị được dễ dàng (nay là hương lộ số 4). Từ ấy người đến viếng Hòn Bà mỗi ngày mỗi thêm đông.
Nhưng đến chân Hòn Bà rồi còn phải leo bộ ngót sáu giờ đồng hồ nữa mới tới đỉnh. Đường đi vất vả. Song đến nơi rồi thì thân tâm tự nhiên thấy khoan khoái. Vì khí hậu trong mát không kém Đà Lạt, phong cảnh lại thanh lệ thâm u.
Không một mảy may trần cấu. Nóng không quá 26 độ. Lạnh không dưới sáu độ rưỡi.
Mưa rất thường. Cho nên cây cao rừng rậm. Phần nhiều là sồi (chêne), phong (érable) và tô hạp (liquidambar). Chỉ có một số ít tòng và bá. Nhưng cây nào cũng cao lớn hơn mọi thứ cây chung quanh. Và cây nào thân cũng nổi u nổi gân, cành cũng rắn rỏi khúc khuỷu. Hình thù trông rất cổ quái. Những bức tranh lão tùng của người đời Tống nhìn không khoái mục khoái tâm bằng. Chen cung đám cổ thụ, đá là đá! Lớp to lớp nhỏ, lớp đứng lớp nằm, chồng chất, ngổn ngang. Và tảng nào cũng đóng rêu xanh rêu xám.
Trên cành cây cổ thụ, phong lan bám đầy. Trong các khoảnh vườn ương và chung quanh trại của Bác sĩ Yersin, hoa hường cùng dâu tây (fraisier) trồng từng luống từng đám. Mùa xuân mùa hạ, lan nở hường nở, trăm hình nghìn sắc. Và mùi hoa theo gió trộn cùng mùi hương tô hạp, bay ngào ngạt khắp rừng sâu.
Tuy cây đá rậm rạp, Hòn Bà không có thú lớn. Voi, cọp, beo... không hề thấy bóng. Heo rừng chỉ đi ngang qua chớ không mấy khi dừng bước. Nai và sóc ở các thung lũng chung quanh rất nhiều, nhưng không mấy khi lui tới Hòn Bà. Ruồi mòng, sâu bọ cũng không có. Thêm một điểm nữa: Miền rừng núi Cam Ranh là những nơi “bào chế bệnh sốt rét” của tỉnh Khánh Hòa, nhưng ở Hòn Bà muỗi rất ít và tuyệt nhiên không có giống anophèle.
Trái lại Hòn Bà có rất nhiều chim và khỉ.
Thường thường trong rừng già chim chóc ít tụ tập. Nhưng ở đây nhiều phi thường! Nhiều đến nỗi có thể tin rằng số chim chỉ em số lá! Nhiều giống chim lạ không hề thấy nơi bình nguyên. Lại đủ cỡ đủ màu. Lớn nhất bằng bắp vế, nhỏ nhất bằng ngón tay cái, ngón tay út. Con thì xanh, con thì vàng, con thì xám, con thì nâu, con thì trắng tuyết, con thì rằn ri..., con thì như trái ớt chín, con thì như lá chuối non... Bay nhảy suốt ngày, tiếng kêu tiếng hót khắp nơi. Những con chim tí hon len lỏi trong những khóm hoa hường, trong những cụm phong lan, để tìm sâu, hút mật... thái độ hiền lành nhưng nhí nhảnh, trông hết sức dễ thương. Chim lớn phần nhiều không tích hoa bằng thích trái. Những dám dâu tây được chúng chiếu cố hết sức. Mùa trái chín chủ nhân ítkhi được hưởng thỏa thuê. Hột theo mỏ, theo phân của chúng, gieo vãi khắp nơi. Và nhờ thổ nghi, không cần săn sóc bón tưới, tới đâu cũng mọc dễ dàng và sanh hoa kết trái rất thạnh.
Còn khỉ thì từng đoàn từng đội! Mỗi buổi sáng, hễ mặt trời hé bóng là chúng thức dậy. Tiếng kêu chí chóe vang dội cả rừng. Rồi kéo nhau đi tìm miếng ăn. Đến chiều kéo về, lố nhố lao nhao khắp cả cành cao cành thấp.
Cho nên cảnh Hòn Bà không đến nỗi cô liêu. Đứng ở nơi sở thí nghiệm của Bác sĩ Yersin trông ra bốn mặt thì vọng cảnh bao la:
Phía đông, trên mặt biển màu thủy ngân, chân trời chạy dài từ mũi Varella đến mũi Padaran. Những ngọn núi ở phía Nam ở phía Bắc cùng những ngọn ở phía Đông, tuôn lài lài màu lục xuống các thung lũng và xuống tận đồng bằng duyên hải mà hoa màu và cát trắng đã chi thành bàn cờ. Ban đêm dưới ánh trăng vằng vặc, sóng xanh của cây rừng nhịp nhàng theo sóng bạc của nước biển, mông lung phiếu diếu, trông nửa thực nửa hư.
Và tiết mùa thu mùa đông, nhiều khi vùng núi Cam Lâm chìm ngập trong biển mây trắng, chỉ có đỉnh Hòn Bà và đôi ba đỉnh nữa nổi lên trên mặt sóng chờn vờn.
Phong quang tuyệt mỹ.
HÒN GIAO 2062M
Hòn Giao nằm sát ranh giới Khánh Hòa và Tuyên Đức (Lâm Đồng - Đà Lạt) , ở giữa đám quần sơn mây khói thâm u. đỉnh cao nhất vùng. Mưa nhiều, lạnh gắt. Những lúc nắng ráo, thì hễ mặt trời vừa lặn là bắt đầu có sương. Sương xuống mỗi lúc mỗi dày, trông như mưa phùn, như hoa cải. Mãi đến khi mặt trời mọc, mới tan dần.
Núi mọc toàn ngo (cây Thông) . Ở dưới thấp thì cây tươi tốt như ngo Đà Lạt. Nhưng lên cao thì không cây nào lên quá hai thước năm. Thân hình lại u nần khúc khủyu, cành gân guốc cong queo, lá lưa thưa và vàng vọt. Trông hầu những cây tùng trồng kiểng lâu năm.
Đây là một hòn núi đá. Song đá bị rêu phủ lấp hết. Lớp rêu dày có nơi đến hàng thước. Mỗi khi rủi trượt chân té ngã thì êm ái như ngã trên đệm mousse có ressort.
Chim rừng thú rừng, cả muỗi nữa, đều không có. Nếu khí trời được ấm áp thì ban đêm có thể ngủ ngay trên nệm rêu giữa trời.
Vì đỉnh núi cao trên 2.000 thước, nên ban đêm trông lên phía Tuyên Đức thì thấy ánh đèn điện thành phố Đà Lạt, trông xuống Khánh Hòa thì thấy ánh đèn điện thành phố Nha Trang. Ánh sáng mờ mờ và thu hẹp lại một vùng băng cái nong. Nhưng không phải đêm nào cũng trông thấy được. Muốn ngắm chơi cho thích thì phải đợi lúc không mưa và không sương. Những lúc nầy năm khi mười họa mới có. Cho nên được ngắm ánh đèn dưới thành phố là cái thú tuyệt thú của người vì phận sự phải ở trên Hòn Giao lâu ngày.
Phía Tây Hòn Giao về địa phận Tuyên Đức có người Thượng Gia Rích ở. Phía Đông về địa phận Khánh Hòa có người Thượng Gia Lách ở. Hai giống người này hiềm khích nhau tự nghìn xưa. Hễ người bên nầy sang bên kia, người bên kia sang bên nầy, thì thế nào cũng bị bắt giết để tế lễ. Nhưng gần mười năm nay người Gia Lách được các nhà truyền giáo Tin Lành khuyên nhủ, nên mối thù truyền kiếp đã được giải tỏa lần lần. Và người Gia Rích, gần đây đã đến phần đất người Gia Lách để tránh đói rét.
Chính nhờ hai giống người Thượng nầy mà người Kinh lên đến Hòn Giao vậy.
Đèo Khánh Lê (Omega) : là đèo lớn và dài nhất ở Việt Nam , chiều dài lên đến 33Km, và có chiều cao lên đến 1700M so với mực nước biển. Đèo Khánh Lê này nối liền từ Nha Trang - Miền Thùy dương cát trắng cho đến Xứ Hoa Đào - Đà Lạt . Tuyến đường mới Nha Trang – Đà Lạt 140 Km . Sườn bên phía Khánh Hòa-Nha Trang dài gần hết đèo .
Đây là ngọn đèo vượt qua đỉnh cao nhất ở phía Tây của cụm núi hòn Bà , đó là hòn Giao 2062M sau đó là tiếp nối với cao nguyên Lâm Viên (Langbian) ở huyện Lạc Dương trước khi tới Đà Lạt trong sương mù .
Trong khu vực núi non này có những con suối nhỏ và góp nước chảy vào ba con sông chính như : sông Dinh ở Ninh Hòa ; sông Cái qua Diên Khánh và Nha Trang ; một con sông Dinh cùng tên chảy qua cầu Đạo Long thuộc Phan Rang - Ninh Thuận.
Hầu như các nguồn nước đều từ trên dãy Trường Sơn Nam ở rìa cao nguyên Dak Lak và Lâm Viên (Langbian) phân thủy và hòa nước ra biển Đông .
Xem thêm bài đã đăng : Việt Nam Quê Hương Thương Nhớ tỉnh Phú Yên ; Khánh Hòa ; Ninh Thuận sẽ có thêm nhiều chi tiết .
PANDURANGA (PHAN RANG) : Chặng đường cuối cùng của vương quốc ChămPa (Chiêm Thành).
Nhà nước Chiêm Thành - Panduranga (1471 - 1832)​
Năm 1471, sau khi vua Lê Thánh Tông của Đại Việt thân chinh đi đánh Chiêm Thành, hạ thành Đồ Bàn, bắt vua Trà Toàn, cho sáp nhập lãnh thổ phía Bắc Chiêm Thành từ Phú Yên đến Quảng Nam vào Đế chế Đại Việt. Tướng Chiêm là Bồ Trì Trì ở Phan Rang tự xưng vương vào năm 1472, giữ được 1/5 lãnh thổ cũ của Chiêm Thành từ đèo Cù Mông đến hết xứ Panduranga và kinh đô được đặt ở Băl Cau, được xác định là Phan Rang-Tháp Chàm ngày nay. Vương triều Chiêm Thành-Panduranga định đô ở đây trong gần 1,5 thế kỷ (từ năm 1471 - 1613). Năm 1611, do quân Chiêm Thành liên tục quấy nhiễu vùng biên giới Hoa Anh thuộc Bắc tỉnh Phú Yên ngày nay. Chúa Nguyễn Hoàng sai tướng người Chăm là Văn Phong đi dẹp. Quân Chăm nhanh chóng bị đánh bại, Vua Po Nit đã cho rút quân xuống phía Nam đèo Cả, bỏ lại đất Phú Yên cho Chúa Nguyễn. Sau sự kiện này, đúng 2 năm sau, triều đình Chiêm Thành cho dời đô từ Phan Rang/Băl Cau về Băl Canar thuộc Phan Rí Cửa, Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận ngày nay, và đây cũng là kinh đô cuối cùng của người Chiêm, trước khi bị người Việt sáp nhập toàn bộ. Phan Rang/Băl Cau thuộc Ninh Thuận trở thành kinh đô áp chót của một nhà nước độc lập do người Chăm dựng lên ở miền Trung (Việt Nam).
Huyền thoại của một Danh nhân “hòn Đá Dao, núi Mặt Quỷ” của Tổng thống Thiệu tại núi Đá Chồng .
"Đá Dao kỵ Mặt Quỷ".
Chuyện trấn yểm Long mạch - Cuộc đất Từ đường .
Trung tướng Nguyễn Văn Thiệu (5 tháng 4 năm 1923 – 29 tháng 9 năm 2001) là một sĩ quan cao cấp , chính khách Việt Nam, người từng giữ chức Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa, Chủ tịch Đảng Dân chủ và Mặt trận Quốc gia Dân chủ Xã hội trong giai đoạn 1967–1975, sinh ra tại Phan Rang-làng Tri Thủy, một ngôi làng nhỏ nằm bên bờ đầm Nại hữu tình .
Theo giai thoại lịch sử ghi chép các nhân vật nổi tiếng trước năm 1975, Tổng thống Thiệu là một người đa nghi và tin Tử vi , Lý dịch được liệt vào hàng bậc nhất trong các đời tổng thống của Việt Nam Cộng Hòa.
Sau vụ Ngô Đình Diệm bị ám sát, ông Thiệu trở nên ngày càng lo lắng, bởi vậy, ông đã dùng đủ mọi cách từ mưu kế đến tâm linh hòng hy vọng sẽ giữ vững được vị trí của mình.
Để thực hiện cho điều này, ông đã không ngần ngại đổi ngày tháng năm sinh của mình từ ngày 05/04/1923 thành ngày 24/12/1924. Theo âm lịch thì đây thuộc ngày Tý, tháng Tý, năm Tý, còn được gọi là “tam tý vương” chỉ sự hưng thịnh, cát tường. Mục đích của việc đổi ngày ngày tháng năm sinh ý nói ông chính là người mang “chân mệnh đế vương”.
Sự cuồng tín của ông còn làm cho người ta phải trầm trồ hơn khi cho trấn yểm hòn đá Dao trên núi Đá Chồng ở Phan Rang và xây dựng Hồ Con Rùa mô phỏng bát quái đồ để trấn trạch long mạch Sài Gòn.
Khi chưa nhậm chức tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu cũng đã rất tin dùng ba thầy chiêm tinh, tử vi, bói toán là Huỳnh Liên, Minh Nguyệt và Khánh Sơn. Có giai thoại kể rằng, lúc còn là Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ Binh, đóng quân tại Biên Hòa, Huỳnh Liên đã chấm tử vi cho ông Thiệu rằng vào năm 1963, ông phải về “hất văng tảng đá cản đường” để “đăng cơ”.
“Tảng đá” đó, không ai khác chính là Tổng thống Ngô Đình Diệm.
Vì thế, sau khi lên làm Tổng thống, Nguyễn Văn Thiệu càng ngày càng say mê hơn với những lá tử vi, các thuật phong thủy.
Ở Ninh Hải nơi ông Thiệu sinh ra, có ngọn núi tên là Đá Chồng, trên núi có 3 tảng đá lớn chồng lên nhau thành một hình thù rất dữ tợn nên người dân vẫn thường gọi là đá Mặt Quỷ.
Cách đá Mặt Quỷ tầm 1 cây số về hướng Bắc có một tảng đá lớn giống như một chiếc dao. “Chiếc dao” này được xem như “vũ khí trấn quỷ” nên dân Phan Rang xưa hay lưu truyền câu nói “Mặt Quỷ kỵ Đá Dao”.
Trong một lần về thăm quê, các thầy phong thủy sau khi xem xét long mạch đã phán, Mặt Quỷ và Đá Dao chính là mấu chốt “yểm mệnh” tổng thống Thiệu. Theo đó, do nhà ông Thiệu giáp mặt với đá Mặt Quỷ là điềm vô cùng xấu, ảnh hưởng đến quan lộ của ông cả đời.
Nhưng công danh của ông vẫn rực rỡ khi nghiễm nhiên ngồi ghế tổng thống là nhờ hòn Đá Dao “trấn quỷ”.
Tin tưởng nhiều vào lời quân sư bói toán , Tổng thống Thiệu đã cho trấn yểm núi Đá Chồng, “tăng lực” cho Đá Dao để tiếp thêm linh khí cho mình.
Để chấn trạch núi Đá Chồng, ông lệnh cho tỉnh trưởng tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận điều một Trung đội công binh gấp rút xây lại Văn Thánh miếu thành 3 ngôi nhà lớn tạo thành hình chữ Công. Và để tiện cho việc đi lại, ông cho làm hằn con đường trải nhựa hình vòng cung tư dưới tỉnh lộ lên đến Văn thánh miếu. Đặc biệt, để giữ vững “linh khí”, Tổng thống Thiệu cắt nguyên một trung đội biệt động quân đến núi Đá Chồng để ngày đêm túc trực bảo vệ .
Hòn Đá Dao sụp đổ ...Thiên cơ bất khả lậu !
Câu chuyện xảy ra vào năm 1974, hòn đá Dao đột nhiên vỡ đôi lăn lông lốc xuống chân núi. Và cho đến bây giờ, người dân Phan Rang vẫn còn rất nhiều người dân tường tận “vụ án hòn Đá Dao” như chỉ mới xảy ra vào hôm qua.
Theo lời các cao niên sống quanh núi thì vào một buổi chiều trời quang mây, nắng ráo, bỗng nhiên hòn Đá Dao vỡ làm hai rồi rùng rùng lăn xuống tông vào đá Mặt Quỷ, khiến 3 hòn đá chồng lên nhau bị lung lay dữ dội rồi cũng vỡ ra.
Các tảng đá lớn lăn xuống chân núi rồi dừng lại, không gây thiệt hại gì cho dân nhưng ông Thiệu thì vô cùng lo lắng bi quan .
Và trong vòng 1 năm sau, Nguyễn Văn Thiệu đã chính thức từ chức Tổng thống , kéo theo sự thất thủ của chính thể Việt Nam Cộng Hòa.
Lại nói về sự mê tín của ông Nguyễn Văn Thiệu, sau khi trấn yểm ở quê nhà, ông tiếp tục cho xây dựng Dinh độc lập mà trước kia người tiền nhiệm Ngô Đình Diệm đang xây dang dở. Các vị quân sư của ông Thiệu cho rằng: “Vị trí của Dinh có vấn đề, cần phải trấn yểm tổng thống mới mong ngồi vững ở nơi đây”.
Tuy nhiên, cả 3 thầy tử vi là Huỳnh Liên, Huỳnh Sơn và Minh Nguyệt đều chưa đủ trình để tính ra phương án. Buộc lòng ông Thiệu phải mời một thầy địa lý nổi tiếng là “chiêm tinh cốc quỷ” tận Hồng Kông sang để xem xét long mạch. Vị này phán, cần thiết phải trấn yểm tại vị trí Công trường chiến sĩ trận vong tức Hồ Con Rùa ngày nay.
Và Hồ Con Rùa với thiết kế hình bát giác, trụ đứng vươn lên cao được cho là công trình phong thủy chấn trạch long mạch Sài Gòn của vị tổng thống nổi tiếng cuồng tín Nguyễn Văn Thiệu.
Giai thoại về ông Nguyễn Văn Thiệu kể rằng trong một lần đi xem phong thủy tại vùng đất nơi ông sinh ra, các thầy phong thủy nổi tiếng bấy giờ đã cho hay nhà ông Thiệu có hướng đối diện với núi Mặt Quỷ là điềm rất xấu, nhưng nhờ có đá Dao nên hòn đá này chính là vật tối quan trọng với bổn mạng của ông.
Đá Dao là một tảng đá dựng đứng trên sườn phía đông của núi Đá Chồng- một ngọn núi thấp có vô vàn tảng đá chồng chất lên nhau, mọc đơn độc giữa cánh đồng lúa xanh biếc ở làng gần thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải, tỉnh Ninh Thuận.
Mặt núi hướng ra biển, địa thế tuyệt đẹp. Hòn đá mang hình lưỡi dao có mũi nhọn hướng thẳng về núi Mặt Quỷ nên mới sinh ra cái tên này. Dân gian nơi này vẫn truyền nhau câu "Đá Dao kỵ Mặt Quỷ".
Do vậy ông Thiệu đã gấp rút làm con đường quanh chân núi Đá Chồng, đồng thời xây dựng trên đỉnh núi một ngôi chùa và trên sườn núi gần đá Dao tòa Văn Thánh miếu để trấn yểm, giữ cho hanh thông.
Nhưng số mệnh đến lúc sóng gió !
Đột nhiên, vào một buổi chiều năm 1974, trong khi trời quang mây tạnh, không hề có sấm chớp , đất Phan Rang mang khí hậu bán sa mạc, lượng mưa và lượng sấm chớp đều ít nhất cả nước , đá Dao bỗng vỡ đôi ra trong một tiếng động lớn, rồi lăn xuống chân núi. Không biết có phải ứng với điềm trời hay không, nhưng chỉ một năm sau, chính quyền ông Thiệu sụp đổ.
" Vận Nước Suy Vong - Tướng Công Rối Trí "
Xem thêm bài đã đăng NHỮNG NGÀY XƯA GHI DẤU SỬ XANH : (2/ 4 .1975 - 17/ 4 .1975) PHAN RANG - NINH THUẬN - QLVNCH THIẾT LẬP PHÒNG THỦ DUYÊN HẢI QUÂN ĐOÀN II & CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : GIAO TRANH CẦM CỰ PHÒNG TUYẾN PHAN RANG - NINH THUẬN ( 11/4/1975 - 17/4/1975 ).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn