SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : TRƯỜNG SƠN NAM - DÃY ĐẠI LÃNH - TAM PHONG - VỌNG PHU VÀ KHÁNH HÒA LÀ "XỨ TRẦM HƯƠNG". (Phần 4a of 5)

05 Tháng Bảy 202212:26 CH(Xem: 1316)
SÔNG NÚI NƯỚC NAM .
Vùng núi cao thuộc dãy Vọng Phu cao hơn 1000 m, trong đó có dãy Tam Phong gồm ba đỉnh núi cao là Hòn Giữ (cao 1264M), Hòn Ngang (1128M) và Hòn Giúp (1127M). Dãy Đại Lãnh 620M- Tam Phong - Vọng Phu có hướng Tây nam - đông bắc, kéo dài trên 60 Km, tạo thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Khánh Hòa, Phú Yên, Đak Lak .
Trên đường Quốc lộ 21 từ duyên hải Ninh Hòa tỉnh Khánh Hòa đi về hướng Tây vượt qua đèo Phượng Hoàng , có địa danh M’Drắk hay Khánh Dương .
Từ đây , đi xéo ra theo hướng Đông 18Km , ở ranh giới giữa 2 tỉnh Dak Lak và Khánh Hòa có một dãy núi lớn. Dãy núi có 2 đỉnh là Chư Mư và Vọng Phu 2051M nằm ở độ cao khoảng 2.000 m với cảnh thiên nhiên rất đẹp mắt.
Đây là dãy núi thuộc phần rìa phía đông của cao nguyên Dak Lak . Hòn Vọng Phu có thể nhìn thấy từ hai phía Đông và Tây đều rõ nét như nhau .
Khánh Dương là một thị trấn nhỏ, nằm ở độ cao khoảng 1,000m, cạnh Quốc lộ 21, nối liền vùng cao nguyên Ban Mê Thuột (Dak Lak) với vùng duyên hải tỉnh Khánh Hòa, cách QL-1 khoảng 60Km.
Khánh Dương là vùng đất đồi núi trong khung cảnh thiên nhiên bao quanh bởi những khu rừng già thật hùng vĩ, như che chở sự sống bình yên cho những người dân di cư trú ngụ từ bốn phương trời. Hầu hết, họ là những gia đình quân nhân di hành theo bước quân ngũ đến đây lập nghiệp sinh sống. Quanh Khánh Dương là những bản Thượng có nhiều sắc dân thiểu số hiền hòa sinh sống, đông đảo nhất là sắc tộc Ê-Đê. Họ sinh sống với nghề ruộng rẫy, săn thú rừng và tiểu công nghệ.
Cách Khánh Dương về hướng Đông không bao xa, sừng sững khối đá lớn trông như tạc hình ảnh mẹ bồng con đứng nhìn ra biển gọi là hòn Vọng Phu, hay còn gọi là núi Mẹ Bồng Con.
Sự tích Hòn Vọng Phu dựa theo câu truyện dân gian: Thuở xa xưa, trong thời tao loạn, có hai anh em ruột vì chạy giặc phải ly tán từ thuở nhỏ. Khi chàng trai và cô gái gặp nhau vì không nhận ra nhau nên thương yêu nhau và kết duyên vợ chồng, sinh hạ được đứa con, ăn ở với nhau rất hạnh phúc. Thế rồi một ngày, người chồng gội đầu cho vợ, thấy có vết sẹo, lần mò câu chuyện, người chồng mới vỡ lẽ vết sẹo đó do chính chàng gây ra cho cô em gái từ thuở nhỏ. Người chồng đau khổ, ân hận, không dám nói cho vợ biết, lặng lẽ ra đi. Biệt tăm chàng, người vợ thương nhớ chồng, ôm con lên núi đứng chờ cho đến khi hóa đá.
Phượng Hoàng là tên gọi theo hình dáng đôi cánh chim Phượng Hoàng tung bay lên , khi nhìn con đường vượt qua đèo từ trên cao dọc theo QL-21 trên đèo M’Drak, khởi đầu từ chân đèo Phượng Hoàng đến Khánh Dương.
Đoạn đường đèo này dài khoảng 20Km, hai bên đường vách núi dựng đứng. Phía Bắc là dãy núi Chư-Kroa cao 958M, phía Nam gồm các chỏm núi nhỏ thấp hơn, ngọn cao nhất vào khoảng 609M. Về phía Tây Bắc đỉnh đèo khoảng 2Km là Tỉnh lộ 98 dẫn về phía Cũng Sơn-Tuy Hòa.
Phượng Hoàng từng là trận tuyến phòng thủ suốt 11 ngày đêm của QLVNCH trong nổ lực ngăn chận CS, từ cao nguyên Dak Lak tràn xuống đồng bằng duyên hải Khánh Hòa vào cuối tháng 3.1975 .
( Xem thêm bài đã đăng : NHỮNG NGÀY XƯA GHI DẤU SỬ XANH : MẶT TRẬN CAO NGUYÊN TRUNG PHẦN - QUÂN ĐOÀN 2 VNCH - PHÒNG TUYẾN KHÁNH DƯƠNG M'DRAK QUỐC LỘ 21 - LỮ ĐOÀN 3 NHẢY DÙ ,TRUNG ĐOÀN 40 / SƯ ĐOÀN 22 BB , 2 Tiểu đoàn/ Liên đoàn 922 ĐỊA PHƯƠNG QUÂN TK KHÁNH HÒA -QLVNCH GIAO CHIẾN QUYẾT LIỆT. )
Bác sĩ Alexandre Yersin và 3 cuộc thám hiểm Cao nguyên Trung Phần.
Alexandre Yersin, một Bác sĩ y khoa, nhà vi khuẩn học, nhà thám hiểm có công lớn đối với thế giới và cho dân tộc Việt Nam.
Một bác sĩ trẻ có cha Pháp và mẹ người Thụy Sĩ , tốt nghiệp tiến sĩ y khoa năm 25 tuổi, gia nhập vào Viện Pasteur chỉ mới thành lập được một năm (1889) . Nhưng, qua năm sau ông đã quyết định rời nước Pháp để làm bác sĩ trên tàu viễn dương Volga chạy tuyến Manila – Sài Gòn. Trong thư viết cho mẹ, ông bày tỏ:
“Con sẽ không buồn nếu phải rời Paris vì con chán ngấy kịch nghệ, đám thượng lưu làm con kinh tởm, và " ĐỜI MÀ KHÔNG ĐI THÌ CÒN GÌ LÀ ĐỜI"
Những cuộc thám hiểm cao nguyên Trung Phần .
Ông bắt đầu tự tổ chức những chuyến thám du cho mình ở Philippine và Nam Kỳ. Thời gian này Albert Calmette, một môn đệ khác của Pasteur có tìm ông để nổ lực thành lập viện Pasteur Sài Gòn. Lúc đó ông còn đang mãi mê với những chuyến lữ hành của mình. Năm sau ông lại chuyển sang làm việc trên tuyến hàng hải mới mở Sài Gòn-Hải Phòng để đi dọc bờ biển hình chữ S của Việt Nam. Trên tàu ông tích cực học sử dụng kính lục phân,nghiên cứu trắc địa,ký họa địa hình bờ biển với sự hướng dẫn của vị thuyền trưởng và bổ sung kiến thức toán học để nghiên cứu thiên văn.
Tàu mỗi chuyến ra vào Nam-Bắc đều ghé Nha Trang. Chính vẻ đẹp hoang sơ, huyền bí của một vùng biển chưa ai từng khám phá đã giữ chân Yersin ; bởi lẽ cả Calmette từng đề nghị ông ở Sài gòn và Andre Loi môn đệ đầu tiên của Louis Pasteur từng tìm ông đi Úc để thành lập viện Pasteur, nhưng ông đều từ chối !
Năm 28 tuổi ông thôi việc ở công ty hàng hải và định cư sống ở Nha Trang.Ông cất một căn nhà gỗ ở Xóm Cồn, mở phòng khám bệnh và là người Âu châu đầu tiên hành nghề y tại đây. Ông chữa bệnh lấy tiền của người giàu, nhưng miễn phí cho dân nghèo. Dân chúng xóm Cồn gọi ông bằng một cái tên thân mật Việt Nam: Ông Năm.
Hàng ngày ông luyện tập chạy bộ ven bờ biển để có sức khỏe hầu thường xuyên đi những chuyến điền dã vào sâu trong núi, rừng Nha Trang, đến những làng người “Mọi”, học ngôn ngữ, săn bắn và chữa bệnh cho họ.
Ông muốn tìm một con đường bộ đi về Sài Gòn nên đi ngựa đến Phan Rí, thuê người dẫn đường vào rừng, tình cờ lại phát hiện ra cao nguyên Di Linh, đến đây không thể đi tiếp, ông quay về Phan Thiết và trở về Nha Trang bằng thuyền.
Lúc này khi ở tuổi 29 ông lên kế hoạch tìm một con đường bộ đi từ Nha Trang băng qua dãy Trường Sơn để đến sông Mê Kong phía bên kia.
Ngày 23.9.1892 ông dẫn đoàn thám hiểm 7 người, vài con ngựa, 2 con voi, một khẩu súng săn đi từ Nha Trang qua Ninh Hòa rồi lên Ban Mê Thuột. Ba tháng sau, đoàn đến Stung Treng bên bờ sông Mê Kong. Ông bán ngựa, voi rồi cùng đoàn lên thuyền độc mộc ngược dòng Mê Kong đến Phnom Penh. Bản đồ lộ trình di chuyển do ông vẻ cẩn thận được gởi về Luang Prabang ở Lào để đối chiếu với ghi chép của phái đoàn thám hiểm Pavie rồi được ông mang về Pháp. Ở lại Paris 3 tháng ông ghi danh học ở Đài Thiên Văn Montsouris. Vài tháng sau ông gia nhập Đoàn Y Sĩ Hải Ngoại để khỏi phải quá lo lắng về tài chính cho những chuyến thám hiểm .
Một năm sau, vào tháng 6 năm 1893, Toàn quyền Đông Dương Jean-Marie de Lanessan ủy nhiệm Yersin tổ chức đoàn thám hiểm đi bộ từ Biên Hòa ra Đồng Nai, lên Di Linh rồi cuối cùng khám phá ra Cao Nguyên Lâm Viên mà lần đi từ Phan Rang lên ông đã biết .
Nhật ký ngày 21.6.1893 Yersin ghi nhận vài làng sắc tộc D’lac rải rác ở cao nguyên Langbiang. Sáu năm sau, toàn quyền Đông Dương Paul Doumer quyết định thành lập một khu nghỉ dưỡng nơi đây cho người Âu châu, đó chính là Đà Lạt. Trên đường trở về, ông bị cướp đâm phải tải thương bằng cáng đưa về Phan Rang, suýt chết.
Cuối năm 1893, ông dẫn một đoàn 54 người với một toán lính tập có súng thực hiện chuyến thám hiểm thứ ba. Lần này ông đi từ Biên Hòa lên Đà lạt đến cao nguyên Đắk Lắk vào Attopeu của Lào rồi đi ngược hướng đông ra biển.Ông đặt chân lên Đà Nẵng vào ngày 17.5.1894 tức mất gần 6 tháng trong chuyến đi .
Sau này , Bs Yersin còn mở ra một khu đồn điền trên khu vực núi hòn Bà 1500M nơi giáp ranh Diên Khánh và Cam Lâm-Cam Ranh , nhằm nghiên cứu và trồng cây thuốc Ký ninh để trị bịnh sốt rét rừng nhiệt đới ( Malaria ).
ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT .
Nghĩa quân Cần Vương Kháng Pháp : Anh hùng Trịnh Phong và Trần Đường .
Trịnh Phong (?-1886) là một trong những người lãnh đạo Phong trào Cần Vương chống Pháp tại tỉnh Khánh Hòa .
Tiểu sử​ :
Trịnh Phong sinh tại thôn Phú Vinh, tổng Xương Hà, huyện Vĩnh Xương (nay thuộc xã Vĩnh Thạnh, Nha Trang). Năm 1864 ông đậu Võ cử nhân và nhận chức đề đốc của triều đình nhà Nguyễn. Năm 1885, hưởng ứng theo Chiếu Cần Vương của vua Hàm Nghi, ông cùng với Lê Nghị, Trần Đường, Nguyễn Khanh, Phạm Chánh, Nguyễn Dị, Nguyễn Lương, Nguyễn Sum, Phạm Long, Nguyễn Trung Mưu thành lập Bình Tây cứu quốc đoàn với khẩu hiệu Tiểu tặc trừ gian bình quốc loạn; Hưng binh ứng nghĩa phục giang san kêu gọi người dân Khánh Hòa tham gia quân khởi nghĩa chống Pháp. Trịnh Phong được nhân dân tôn làm Bình Tây đại tướng thống lĩnh nghĩa quân đóng tại thành Diên Khánh.
Mùa thu năm 1885, quân Pháp đổ bộ vào Nha Trang, Trịnh Phong giao thành Diên Khánh cho Lê Nghị, tự mình dẫn quân xuống đánh, bị thua phải bỏ Nha Trang chia binh làm 2, một nửa kéo về giữ thành Diên Khánh. Thành bị vây mấy tháng, Trịnh Phong phải thừa lúc đêm tối mở vòng vây giải thoát, kéo quân ra phía Bắc hợp với quân của Trần Đường tại núi Phổ Đà.
Quân Pháp sau khi ổn định tại Nha Trang và Diên Khánh, tiếp tục tiến đánh phía bắc Khánh Hòa. Nhờ thế núi hiểm trở, sử dụng lối đánh du kích và sự ủng hộ của nhân dân, nghĩa quân cầm cự được gần 1 năm. Quân Pháp phải cầu viện Sài Gòn.
Tháng 6 năm 1886, Pháp sai thiếu tá De Lorme, công sứ Aymonier và đốc phủ sứ Trần Bá Lộc kéo đại binh ra Khánh Hòa. Tổng hành dinh ở núi Phổ Đà bị tấn công, Trần Đường bị giết. Trịnh Phong phục kích ở khoảng giữa Hòn Hèo và Hòn Khói, dùng hỏa công diệt trọn 1 toán quân lê dương. Nhân dân bị khủng bố không dám để cho con em gia nhập nghĩa quân và không dám cung cấp lương thực, dẫn đến quân Cần Vương yếu dần và thua trận ở núi Đá Đen (Vạn Ninh), núi Tiên Du (Ninh Hòa), đèo Rọ Tượng. Trong vòng không đầy ba tháng, Trần Bá Lộc đã dẹp yên được phong trào Cần Vương ở Khánh Hòa. Cuối tháng 8 năm 1886, Trịnh Phong bị bắt. Ngày 11 tháng 9 năm 1886, ông cùng với 6 người khác trong đó có Nguyễn Khanh, Phạm Chánh, Nguyễn Sum, Phạm Long bị xử trảm và gần một trăm người bị đày vào Cam Ranh.
Nghĩa quân đã chiến đấu kiên cường, dựa vào hệ thống bố phòng có sẵn, được dân chúng hết lòng giúp đỡ, nên cho dù chỉ với vũ khí thô sơ như giáo, mác, súng cò mổ, một số ít súng thần công… đã gây cho địch nhiều tổn thất tại Thủy Xưởng, hòn Đá Lố, thành Diên Khánh, Dốc Thị. Hiện nay ở Hòn Khói vẫn còn địa danh Đồng Cháy, lưu truyền là địa điểm quân ta đã tổ chức phục kích, dùng hỏa công thiêu cháy một số quân địch khi chúng đổ bộ từ biển Hòn Khói lên.
Dựa vào vũ khí áp đảo , sử dụng những biện pháp khủng bố dã man như đốt trụi nhà cửa, giết sạch dân làng từ già đến trẻ, phạt tiền rất nặng những làng có người tham gia kháng chiến, kết hợp với thủ đoạn mua chuộc… khiến cho phong trào kháng chiến ngày một khó khăn. Sau khi thành Diên Khánh bị thất thủ, Trịnh Phong đã chuyển hầu hết nghĩa binh rút lui về phía Bắc, một bộ phận lớn lên núi Hòn Hèo tiếp tục kháng chiến. Trải qua một số trận đánh, lực lượng nghĩa quân ngày càng bị tổn thất, nhiều tướng lĩnh sa vào tay giặc và đến cuối tháng 8-1886 Trịnh Phong cũng bị giặt bắt. Biết rằng không thể mua chuộc được người anh hùng, thực dân Pháp đã xử trảm ông cùng một số đồng chí của ông để uy hiếp tinh thần yêu nước của người dân tại Hòn Khói (11-9-1886).
Cùng lúc đó, người bạn chiến đấu thân thiết của ông, Tổng trấn Trần Đường cũng đã hiên ngang đón nhận cái chết để cứu dân làng.
Một số nghĩa binh đã rút ra Phú Yên tiếp tục sát cánh chiến đấu cùng nghĩa quân của Lê Thành Phương.
Tổ Quốc Ghi công​ :
Miếu thờ Trịnh Phong nằm gần cây Dầu đôi thuộc thôn Phú Ân Nam, xã Diên An, tỉnh Khánh Hòa.
Tiểu sử Anh hùng phong trào Duy Tân : Trần Quý Cáp .
Trần Quý Cáp người làng Bất Nhị, thuộc tỉnh Quảng Nam (Trung phần), hiệu là Thái Xuyên. Mặc dù ông thông minh, học giỏi nhưng lại lận đận trong khoa trường. Năm 1903 ông vẫn còn là Tú tài trong khi các bạn đồng môn người thì Tiến sĩ, kẻ thì Phó bảng hay Cử nhân. Mãi đến năm 1904 ông mới được đặc cách cho thi Hội rồi thi Đình, đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, cùng khoa với Huỳnh Thúc Kháng và Đặng Văn Thụy.
Là một người cầu tiến, và vì chịu ảnh hưởng của các học giả Trung Hoa là Lương Khải Siêu, Khang Hữu Vi, ông cực lực đả kích lối từ chương khoa cử, đề nghị một lối học mới có tinh thần cứu quốc. Năm 1905, ông cùng với các đồng chí là Phan Chu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng định vào Nam hô hào công cuộc duy tân.
Tới Bình Định gặp lúc quan tỉnh mở kỳ thi khảo hạch, ra đầu bài thơ là Chí thành thông thánh và bài phú Danh sơn Lương Ngọc, cả ba ông định nhân dịp cổ động việc nước, liền nộp quyển làm bài. Những bài của 3 ông khiến quan tỉnh phải điên đầu, báo cáo về triều đình Huế để quyết định.
Vào đến vịnh Cam Ranh, nhân có chiến hạm Nga vào đó lánh nạn, 3 ông thuê thuyền ra tận nơi xem.
Tới Bình Thuận, 3 ông kết giao với các sĩ phu yêu nước tị địa từ miền Nam, bao gồm Trương Gia Mô, Hồ Tá Bang, Nguyễn Hiệt Chi và hai anh em Nguyễn Trọng Lợi, Nguyễn Quý Anh là con trai của nhà thơ yêu nước Nguyễn Thông, dấy lên phong trào Duy Tân ở đây. Chính phong trào này dẫn đến sự sáng lập của Liên Thành Thư Xã, Liên Thành Thương Quán và Dục Thanh Học Hiệu trong các năm sau.
Năm 1907 ông làm Giáo thụ ở phủ Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam. Ông mở một lớp chữ Pháp trong trường, rước thầy về dạy học sinh. Bọn quan lại cựu học không ưa, liền tìm cách đổi ông vào Khánh Hòa.
Năm 1908, xảy ra cuộc kháng thuế ở Quảng Nam, phần lớn thân sĩ trong tỉnh bị bắt. Việc này làm chấn động các giới trong nước. Tại Khánh Hòa, Trần Quý Cáp làm một bức thư gửi cho các bạn hữu tại Quảng Nam, trong đó có những lời lẽ dí dỏm như sau:
“ Cận văn ngô châu cử nhứt khoái sự, ngô văn chi, khoái nhậm, khoái thậm.
” Nghĩa là:
“ Gần đây nghe trong tỉnh nhà làm một việc rất thú, tôi nghe tin lấy làm thích lắm.
” Sau đó ông bị bắt giam và bị chính quyền nhà Nguyễn tỉnh Khánh Hòa khép vào tội mưu phản, lãnh án chém ngang lưng tại Khánh Hòa.
Tương truyền khi gia quyến và học trò đưa quan tài Trần Quý Cáp ngang qua Bồng Sơn (thuộc huyện Hoài Nhơn), Tri phủ Hoài Nhơn Nguyễn Đình Hiến đã thiết án bên đò Bồng Sơn làm lễ, lạy khóc thảm thê. Công sứ Bình Định biết tin, cho rằng Nguyễn Tri phủ đã đồng lõa với Trần Quý Cáp. Nhờ có Tổng đốc Bình Định là cụ Bùi Xuân Huyên can thiệp, bày cho ông Nguyễn Đình Hiến giả đang mắc bệnh tâm thần nên chuyện mới được cho qua.
Quốc dân Tưởng nhớ .
Đền thờ Trần Quý Cáp ở Diên KhánhTrước cái chết của Trần Quý Cáp, chí sĩ Huỳnh Thúc Kháng có làm bài thơ khóc như sau:
Dịch:
Gươm xách xăm xăm tách dặm miền
Làm quan vì mẹ há vì tiền
Quyết đem học mới thay nô kiếp
Ai biết quyền dân nảy họa nguyên.
Bồng đảo gió chưa đưa giấc mộng,
Nha Trang cỏ đã khóc hồn thiêng,
Chia tay chén rượu còn đương nóng,
Đà Nẵng đưa nhau lúc xuống thuyền.
Hiện có một đền thờ ông tại nơi ông bị xử chém bên cạnh cầu Sông Cạn, thuộc ngoại thành Diên Khánh, huyện Diên Khánh, được các thân hào, trí thức và người dân xây dựng trong dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông (1970).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn