ĐẠI VIỆT ( VIỆT NAM ) VÀ CÁC CUỘC GIAO TRANH NGĂN CHẬN XIÊM LA ( THÁI LAN ) TRÊN BÁN ĐẢO ĐÔNG DƯƠNG.(Phần 1 of 4)

17 Tháng Sáu 20228:03 CH(Xem: 1170)
Lịch sử​ Siam - Xiêm :
Người Thái cổ xuất xứ từ vùng núi Altai, đông bắc tỉnh Tứ Xuyên, Trung quốc từ 4500 năm trước, sau đó di cư dần xuống vùng đất thuộc vương quốc cổ Phù Nam trước Thế kỷ 7, hiện nay là Thái Lan do sợ hãi trước cuộc tấn công xâm lược của quân Mông Cổ .
Có nhiều giả thuyết khác nhau về nguồn gốc của người Thái, một trong số đó liên hệ người Thái tới sự di cư ào ạt sau sự sụp đổ của vương quốc Đại Lý ở vùng Vân Nam thế kỷ XIII đã bị chứng minh là không chính xác.
Các nghiên cứu ngôn ngữ học chỉ ra rằng nguồn gốc của người Thái cổ nằm ở vùng ranh giới Quảng Tây-Quý Châu ngày nay, nơi người Tráng và Bố Y vẫn sinh sống.
Khoảng thế kỷ thứ VIII-thế kỷ X, họ bắt đầu di cư xuống phía nam vào vùng ngày nay là bắc Lào và Chiêng Sẻn (Chiang Saen เชียงแสน) qua Muang Then , sau đó tỏa xuống đồng bằng sông Chao Phraya. Tại vùng đất mới xâm nhập, người Xiêm đánh đuổi các cư dân bản địa như người Môn, Wa, Khmer... đồng thời cũng chịu nhiều ảnh hưởng ngôn ngữ-văn hóa từ họ và đặc biệt là Phật giáo Ấn Độ.
Lan Na (tiếng Thái: ล้านนา; Hán-Việt: Lan Nạp 蘭納) là tên một vương quốc cổ từng tồn tại từ cuối thế kỷ 13 đến gần cuối thế kỷ 18 ở miền núi phía Bắc của Thái Lan hiện nay. Lan (ล้าน, lán) có nghĩa là "triệu", còn Na (นา, na) có nghĩa là "nương lúa". Chủ nhân của nó là người Thái Yuan. Đây cũng là chủ nhân của các nhà nước trước Lan Na, đó là Ngoenyang (thế kỷ 7-13) và Yonok (trước thế kỷ 7). Nguyên sử gọi là Bát Bách Tức Phụ (八百媳婦).
Lan Na được thành lập vào năm 1292, khi vua Mengrai - vị vua cuối cùng của Ngoenyang - dời đô từ Ngoanyang ( Chiang Saen ) về Chiang Hai ( Chiang Rai ) để mở rộng sự kiểm soát của mình từ lưu vực sông Ping sang cả lưu vực sông Kok. Lãnh thổ của Lan Na dưới thời vua Mengrai đã có lúc bao trùm khắp một miền rộng lớn ở miền Bắc Thái Lan hiện nay (trừ một số nơi thuộc về Payao và Sukhothai), ở miền cực Đông của bang Shan Myanma ngày nay, và ở phía Nam của Sipsongpanna ( Cảnh Hồng Vân Nam Trung quốc) ngày nay. Chiang Mai được vua Mengrai xây dựng vào năm 1296 làm kinh đô lâu dài cho đất nước. Là một sự tiếp nối của vương quốc Ngoangyang, Lan Na đã nổi lên đủ mạnh trong thế kỷ 15 để cạnh tranh với vương quốc Ayutthaya, cùng với nhiều cuộc chiến tranh đã đi qua trong lịch sử.
Cuối thế kỷ 14 đến giữa thế kỷ 15, Lan Na có vài cuộc chiến tranh với Ayutthaya từ phía Nam và nhà Minh Trung quốc từ phía Bắc.
Dưới thời vua Tilokaraj (giữa đến cuối thế kỷ 15), Lan Na rất hùng mạnh, đánh bại cuộc tấn công của Ayutthaya, xâm lược Payao. Năm 1449, nhà vua đã mở những cuộc viễn chinh để mở rộng lãnh thổ cho Lan Na sang phía Đông, tới vùng thành phố Nan ngày nay. Năm 1480, vua Tilokaraj đã phái quân tới Lan Xang để giúp nước này chống cự quân Đại Việt tranh chấp xứ Bồn Man ( Trấn Ninh ) với Lan Xang ( Ai Lao ) . Nhà vua cũng mở rộng lãnh thổ của Lan Na hơn nữa về phía Tây nơi có người Shan cư trú. Tilokaraj đã cho xây kinh đô Chiang Mai nằm phía bắc Thái Lan bây giờ .
Cho đến đầu thế kỷ 13, người Thái dù đã định cư vững chắc ở miền Bắc Thái Lan ngày nay, song họ phải chịu sự chi phối của Đế quốc Khmer hùng mạnh.
Tuy nhiên, Đế quốc Khmer đã bắt đầu suy yếu từ sau khi vua Jayavarman VII qua đời, khiến cho sức chi phối của người Khmer ở vùng đất người Thái định cư suy yếu đáng kể.
Kết quả, năm 1238, Pho Khun Pha Muang là thủ lĩnh người Thái ở Lato (nay là Mueang Phetchabun, tỉnh Phetchabun, phía bắc Thái Lan) và Pho Khun Bang Klang Hao là thủ lĩnh người Thái ở Banyang (Nakhonthai) đã cùng nhau đánh đuổi quân Khmer, tuyên bố độc lập, chiếm thành phố Sukhothai làm kinh đô .
Pho Khun Bang Klang Hao sau đó trở thành vị vua đầu tiên của Sukhothai, tự xưng là Pho Khun Si Indrathit (hay Intradit), lập niên triều đại đầu tiên của Sukhothai là Triều Phra Ruang. Sự kiện này về mặt truyền thống đã đánh dấu sự thành lập quốc gia Thái - Lào hiện nay, dù các vương quốc nổi tiếng của người Thái khác như Lan Na, Phayao, Chiang Saen, Muang Sua, Heokam, Mong Mao cũng được lập vào khoảng cùng thời gian tranh thủ khoảng trống quyền lực ở khu vực do việc Đế quốc Mông Cổ xuôi dòng Mê Kông tấn công Đế quốc Khmer rồi rút về.
Sukhothai mở rộng bằng cách tạo các liên minh với các vương quốc Thái khác . Dưới thời vua Ramkhamhaeng Đại Đế, Sukhothai trải qua một thời kỳ hoàng kim thịnh vượng. Ramkhamhaeng đã có công tạo ra bảng chữ cái Thái (được coi là có niên đại vào năm 1283, dựa trên chứng cứ là văn bia Ramkhamhaeng gây nhiều tranh cãi, văn bia này được cho là lưu giữ dạng cổ nhất của chữ viết Thái. Vào thời đỉnh cao của mình, ảnh hưởng của vương quốc này trải dài từ Martaban (nay thuộc Myanma) đến Luang Prabang (nay thuộc Lào) và xuống tận bán đảo Mã Lai cho đến phía Nam tận Nakhon Si Thammarat, phạm vi ảnh hưởng của vương quốc này rộng hơn nhiều so với lãnh thổ Thái Lan ngày nay, dù mức độ kiểm soát thực tế không như tầm ảnh hưởng.
Sau khi Ramkhamhaeng băng hà, con trai ông là Loethai kế vị. Các vương quốc chư hầu lần lượt giành độc lập, đầu tiên là Uttaradit ở phía Bắc, và ngay sau đó là các vương quốc Lào Luang Prabang và Viêng Chăn.
Lan Na giành quyền kiểm soát Tak, một trong những thành thị đầu tiên dưới quyền kiểm soát của Sukhothai. Về phía Nam, thành Suphanburi giàu có cũng sớm ly khai khỏi triều Loethai. Do đó, vương quốc này đã nhanh chóng suy giảm về lại với tầm vóc của thời kỳ đầu.
Trong khi đó, Ayutthaya - Xiêm La trở nên hùng mạnh nằm phía dưới hạ lưu sông Chao Phraya (Mê Nam) , và cuối cùng vào năm 1378, vua Thammaracha II của Sukhothai đã phải chịu thuần phục cường quốc mới này.
Sukhothai trở thành chư hầu của quốc gia Ayutthaya giữa 1365 và 1378. Năm 1412, Ayutthaya đã dựng lên một thái thú và vua Thammaracha IV được Ayutthaya đưa lên ngôi. Khoảng năm 1430, Thammaracha dời đô đến Phitsanulok. Sau cái chết của ông năm 1438, vương quốc này bị hạ xuống chỉ còn là một tỉnh của Ayutthaya - Xiêm La .
Từ giai đoạn này nhà nước Ayutthaya-Xiêm La hay Thái Lan đã định hình .

Người Thái và tham vọng " Đông tiến " .
Xiêm La - Thái Lan đã nhìn sang phía Đông nhiều thế kỷ nay .
Các cuộc chiến tranh giữa Xiêm La với Đại Việt .
Cuộc giao chiến trên đất Lan Xang ( Lào ) .
1/ Cuộc can thiệp quân sự đầu tiên của Xiêm (Lan Na) tranh giành ảnh hưởng với Đại Việt thời vua Lê Thánh Tông (1480) .
Trong thời điểm năm 1478, theo “Việt Nam sử lược” thì Bồn Man (Muang Phuan) từ lâu vốn thần phục Đại Việt, thì Tù trưởng là Lư Cầm Công bỗng liên kết với Lan Xang đem quân cướp phá châu Quy Hợp (thuộc Nghệ An ngày nay). Vua Lê quyết định cất quân sang đánh nhằm giữ yên vùng biên giới.
Theo sử Lào thì quân của Lan Xang đặt dưới sự chỉ huy của Thái tử Chao Chienglaw cũng có 20 vạn quân , 2.000 thớt voi cùng 6 vị dũng tướng là Norasing, Noranarai, Noradet, Norara, Muen Luang và Phya Kwatepa.
Ngoài ra năm 1480 vua xứ Lan Na phía bắc Thái Lan là Tilokaraj cũng đưa quân sang giúp Lan Xang đánh trả quân Đại Việt .
Đây là cuộc giao tranh quân sự đầu tiên của Xiêm (Lan Na) tranh giành ảnh hưởng với Đại Việt trên đất Lan Xang là nước Lào - Ai Lao ngày nay .
Quân Đại Việt nhanh chóng vượt qua Bồn Man, các cánh quân lần lượt tiến đến Lan Xang và giành các chiến thắng. Quân chủ lực Lan Xang chuẩn bị sẵn một trận địa mai phục ở đồi Poomung nhằm chặn quân Việt đến Kinh đô.
Các cánh quân Việt lần lượt đến đồi Poomung, những trận đánh lớn diễn ra tại đây, kéo dài suốt 3 ngày, cuối cùng quân Đại Việt thắng, quân Lan Xang rút chạy đến Na Khaochao (nay là chùa Wat Vixun).
Quân Việt truy đuổi đến, giao tranh lớn diễn ra ở cánh đồng Na Moungkon và Na Haidio. Cuối cùng quân Đại Việt bao vây và đánh bại quân Lan Xang, 2 tướng Muen Kwatepa và Muen Neua tử trận.
Lan Xang vội cử 2 tướng Muen Bun và Muen Luan đến cứu viện nhưng cũng bị đánh bại. Các tướng Norasing, Noranarai, Noradet và Norara bị bắt sống. Thế tử Chao Chienglaw bị thương nặng rồi sau đó cũng bị bắt.
Vua Lan Xang là Xaiyna Chakhaphat vội cùng hoàng tộc bỏ Kinh thành chạy đến Chieng Khan của vương quốc Lan Na (nay thuộc tỉnh Loei của Thái Lan). Quân Đại Việt tiến chiếm Kinh đô Luang Prabang.
Quân Đại Việt thu giữ rất nhiều của cải và lương thực ở Kinh đô Luang Prabang, nhờ đó tiếp tục truy đuổi tàn quân Lan Xang đến tận Lan Na tại lưu vực sông Irrawady (giáp biên giới Miến Điện) .
Cuộc giao chiến trên đất Chân Lạp - Khmer ( Cao Miên ).
2/ Xiêm La bại trận Sầm Khê trên đất Chân Lạp - Cao Miên (1705).
Sầm Khê là khu vực Rạch Gầm thuộc tỉnh Định Tường , trước đây Cao Miên gọi là Thủy Chân Lạp .
Chuyện phải đến đã đến, thế lực của Nam Hà vươn dài vào phương Nam rồi cũng sẽ đụng phải Xiêm La – hay còn gọi là đế quốc Ayutthaya, một lực lượng có thể nói là mạnh mẽ nhất khu vực Đông Nam Á khi đó. Vì để ngăn quân chúa Nguyễn ảnh hưởng đến Chân Lạp mà hai bên Việt Xiêm đã nổ ra trận chiến đầu tiên vào năm 1705 tại Sầm Khê. Sử chép:
“Ất Dậu, năm thứ 14 (1705 – tức thời Lê Vĩnh Thịnh năm 1, Thanh Khang Hy năm 44), Sai Chánh thống cai cơ Nguyễn Cửu Vân ,con Nguyễn Cửu Dực đánh Chân Lạp và đưa Nặc Yêm về nước. Yêm là con Nặc Nộn. Trước là Nặc Nộn chết, Nặc Thu phong Yêm làm chức Tham Đích Sá Giao Chùy, đem con gái gả cho. Sau Thu vì tuổi già, truyền ngôi cho con là Nặc Thâm. Thâm ngờ Yêm có chí hướng khác, nổi binh đánh nhau, lại nhờ Xiêm La giúp. Yêm chạy sang Gia Định cầu cứu với triều đình. Chúa bèn sai Vân lãnh quân thủy bộ Gia Định tiến đánh Nặc Thâm. Vân đến Sầm Khê gặp quân Xiêm, đánh vỡ tan. Thâm cùng em là Nặc Tân chạy sang Xiêm. Nặc Yêm lại trở về thành La Bích. Bấy giờ Xá sai ty Phiên Trấn là Mai Công Hương làm tào vận tới sau, bị quân giặc chặn lại, lính vận tải sợ chạy. Hương bèn đục thủng thuyền làm đắm lương thực, rồi nhảy xuống sông chết. Giặc không được gì hết. Chúa nghe tin, sai phong Hương làm thần “Vị quốc tử nghĩa”, dựng đền để thờ. Chân Lạp dẹp xong, Vân nhân khẩn ruộng ở Cù Ao (thuộc tỉnh Định Tường), làm gương cho quân dân noi theo. Lại vì giặc thường đến đất này quấy rối sau lưng quân ta, bèn đắp lũy dài để vững phòng ngự.”
(Đại Nam thực lục).
Nguyễn Cửu Vân chưa rõ thân thế. Chỉ biết vào tháng 7 năm Ất Dậu (1705), khi nội bộ vương triều Chân Lạp xảy ra việc tranh giành nhau quyền lực, ông được chúa Nguyễn Phúc Chu cử vào Nam.
Theo sử liệu thì thời bấy giờ nước Chân Lạp cứ loạn lạc luôn. Nặc Ông Thâm nghi cho Nặc Ông Yêm có ý làm phản, bèn khởi binh đánh nhau. Nặc Ông Thâm lại nhờ quân Xiêm La sang giúp mình, Nặc Ông Yêm chống không nổi phải chạy sang cầu cứu quan quân chúa Nguyễn đang đóng ở dinh Phiên Trấn (Gia Định). Vì lẽ ấy, cai cơ Nguyễn Cửu Vân được lệnh mang quân vào gấp để đánh Nặc Ông Thâm.
Ở Sầm Khê (Chân Lạp), Nguyễn Cửu Vân đánh đuổi được quân Xiêm La, đem Nặc Ông Yêm trở về thành La Bích (La Vách, Lovek) làm vua như trước. Tuy nhiên, sau đó Nặc Ông Thâm ở Xiêm La cứ thỉnh thoảng đem quân về đánh Nặc Ông Yêm.
Tháng 8 năm 1708, Mạc Cửu người Lôi Châu, tỉnh Quảng Đông, trước đó đến khai thác vùng đất Hà Tiên, dâng thư lên triều đình đem đất Hà Tiên quy thuộc miền Nam (Đàng Trong - Chúa Nguyễn) xin được bảo hộ quân sự chống lại Xiêm La . Chúa Nguyễn Phúc Chu nhận lời và phong cho Mạc Cửu làm làm Thống binh trấn giữ đất Hà Tiên.
Xiêm La tấn công Hà Tiên lần thứ 1 (1715-1718 ).
3/ Mùa đông năm Đinh Dậu (1717), Phi nhã Chất Tri ở Xiêm đem 10.000 quân bộ đến đồn trú ở Tầm Bôn.
Vì chúa Nguyễn cho quân sang Chân Lạp trợ giúp cho Nặc Ông Yêm (Ang Em), và cũng để cướp phá trấn lỵ giàu có này, Xiêm La(Ayutthaya) đã điều quân tấn công vào Hà Tiên để trả đũa.
Hà Tiên bị tấn công​ (1718)
Theo sách Gia Định thành thông chí :
Tháng 2 năm Mậu Tuất (1718), Phi nhã Cù Sa đem 5.000 thủy binh hợp đồng với quân Thâm cướp đường kéo xuống Hà Tiên cướp phá. Mạc Thống binh (Mạc Cửu) không địch nổi phải tạm xuống Lũng Kỳ , gặp khi có cơn gió lớn thổi mạnh, thuyền bè của quân Xiêm bị chìm, người chết rất đông, Cù Sa bèn thu tàn quân trở về Xiêm La, chỉ còn Thâm thì chạy đến chỗ binh thứ của Tân ở thủ phủ Bô Bô. Khi ấy một mình Yêm chống với Thâm và lén sai sứ nạp lễ cống cho vua Xiêm. Quân của Chất Tri ở lâu mà không làm được gì, nhân đó mới đem bọn Thâm, Tân cùng về Xiêm La, từ đấy nơi biên cảnh mới yên tĩnh.
Sách Việt sử tân biên, Quyển 3 :
Năm 1715, mười lăm ngàn quân Tiêm La (Xiêm La) lại sang tỉnh Battambang (Tầm Bôn) giúp Nặc Ông Thâm (Thomo Racha) về tranh ngôi với cùng với Nặc Ông Yêm. Ông Yêm không chịu thỏa hiệp, và trước thế mạnh của quân Việt, quân Tiêm La đành rút về nước.Năm sau (1716) họ lại sang với Nặc Ông Tôn (lãnh sứ mạng của Ông Thâm) về Chân Lạp xui dân nổi loạn. Nặc Năm, Ông Yêm cùng quân Việt liền chặn đánh quân Tiêm. Ông Tôn bị thương chạy trốn lên núi thuộc tỉnh Pursat chờ quân cứu viện của triều đình Băng Cốc. Vua Tiêm La nhất quyết đánh Chân Lạp cả hai mặt, vừa cho quân tiến về phía Đông, vừa tự mình dẫn 3.000 thủy quân đánh vào Hà Tiên. Tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu chống lại rất giỏi nhưng vì không có thành lũy nên không cầm cự được lâu dài. Quân Tiêm vào đây cướp phá rất hại nhưng ít bữa sau hạm đội của họ bị bão đánh tan, họ đành phải triệt thoái.
Kết cuộc, theo sử gia Phạm Văn Sơn thì mặc dù Tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Cửu chống lại rất giỏi nhưng vì không có thành lũy nên không cầm cự được lâu dài. Quân Tiêm (Xiêm) vào đây cướp phá rất hại nhưng ít bữa sau hạm đội của họ bị bão đánh tan, họ đành phải triệt thoái.
Xiêm La tấn công Hà Tiên lần thứ 2 ( 1771-1772 ).
4/ Chiến tranh Việt- Xiêm (1771-1772) là cuộc chiến giữa Thái Lan dưới Vương triều Thonburi của vua Taksin và Đàng Trong nước Đại Việt (Việt Nam ngày nay) thời chúa Nguyễn Phúc Thuần cuối thế kỷ 18.
Cuộc chiến này bao gồm nhiều trận lớn nhỏ, phần lớn đã xảy ra ở các tỉnh thuộc miền Nam Việt Nam. Trong hai năm đối đầu này, đôi bên đều bị thiệt hại nặng về người và của, nhất là xứ Hà Tiên .
Sau khi Trịnh Quốc Anh lên ngôi vua ở Xiêm La, biết con vua cũ (Phong vương) là Chiêu Thúy còn ở Hà Tiên (Việt Nam), sợ ngày sau sinh ra biến loạn, bèn đến tháng 10 năm Tân Mão (1771) đem binh thuyền sang vây đánh Hà Tiên.
Diễn biến​ :
Theo Việt Nam sử lược thì sau đó Tổng binh trấn Hà Tiên là Mạc Thiên Tứ giữ không nổi phải bỏ thành chạy về Trấn Giang (Cần Thơ). Mạc Thiên Tứ là con trai của cựu Tổng binh trấn Hà Tiên Mạc Cửu với bà vợ người Việt Nam .
Vua Tiêm La (Xiêm La) để tướng Chen Li-en ở lại giữ Hà Tiên rồi tiến quân sang đánh Chân Lạp. Quốc vương là Nặc Tôn phải bỏ chạy. Vua Tiêm La đóng quân ở thành Nam Vang và lập Nặc Non lên làm vua Chân Lạp.
Tháng 6 năm sau (1772) chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Thuần) sai quan Tổng suất là Nguyễn Cửu Đàm lĩnh chức Điều khiển đem binh thuyền đi đánh quân Tiêm la. Quân của Nguyễn cửu Đàm tiến sang đến Nam Vang, quân Tiêm La bỏ chạy về Hà Tiên, Nặc Non cũng chạy về Cần Bột. Nặc Tôn lại về làm vua Chân Lạp. Vua Tiêm La về đến Hà Tiên sai người đưa thư sang gọi Mạc Thiên Tứ về để giảng hòa. Mạc thiên Tứ không chịu. Vua Tiêm La bèn để Chen Li-en ở lại giữ Hà Tiên, rồi bắt con gái Mạc thiên Tứ và Chiêu Thúy đem về nước.
Năm sau Mạc Thiên Tứ thấy việc không xong, bèn sai người sang Tiêm La xin hòa. Vua Tiêm La gọi Trần Liên về và cho người con gái của Mạc Thiên Tứ về Hà Tiên. Còn Chiêu Thúy thì đem giết đi. Từ đó Mạc thiên Tứ lại về giữ đất Hà Tiên.
Sử sách viết rằng: " Khi quân Xiêm qua xâm chiếm, chúng đã phá hết thành lũy Hà Tiên, phá tan nhà cửa, cướp hết của cải, nhân dân đều bỏ trốn chỉ còn lại gò đất hoang mà thôi."
Anh hùng Tây Sơn - Nguyễn Huệ đánh bại quân Xiêm La tại Rạch Gầm - Xoài Mút (Mỹ Tho - Tiền Giang).
5/ Trận Rạch Gầm - Xoài Mút ngày 18/1/1785 .
Năm 1771, ba anh em Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ đứng dậy khởi nghĩa. Sau khi hai chúa Nguyễn (Nguyễn Phúc Thuần và Nguyễn Phúc Dương) bị giết năm 1777, chúa mới là Nguyễn Phúc Ánh, dù bị đánh thua nhiều lần, vẫn cố tập hợp lại lực lượng để khôi phục.
Tháng 2 năm Quý Mão (1783), vua nhà Tây Sơn là Nguyễn Nhạc sai hai em là Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ mang quân vào Nam Bộ. Tướng Nguyễn là Châu Văn Tiếp dùng hỏa công chống ngăn nhưng không được. Thua trận, chúa Nguyễn Ánh phải chạy xuống Ba Giồng (Định Tường), còn Châu Văn Tiếp phải men theo đường núi qua Cao Miên rồi qua Xiêm cầu viện.
Trong giai đoạn này nước Xiêm La lúc bấy giờ đang lúc thịnh vượng và tham vọng chiếm Cao Miên và Gia Định để mở rộng bờ cõi. Khi nghe Châu Văn Tiếp - một bề tôi thân tín của chúa Nguyễn - đến cầu cứu, vua Xiêm là Rama I liền đồng ý.
Được hứa hẹn, Châu Văn Tiếp gửi ngay mật thư báo tin cho chúa Nguyễn. Sau khi hội đàm với tướng Xiêm tại Cà Mau xong, vào tháng 3 năm Giáp Thìn (1784), chúa Nguyễn qua đến thành Vọng Các (Bangkok) hội kiến với vua Xiêm. Được tiếp đãi và giúp đỡ, chúa Nguyễn Ánh tổ chức lại lực lượng.
 Tướng Tây Sơn giữ đất Gia Định là Trương Văn Đa được tin cấp báo ,thấy quân Tiêm La (Xiêm La) sang đánh phá, thế lực mạnh lắm, bèn sai người về Quy Nhơn phi báo. Vua Tây Sơn sai Nguyễn Huệ đem binh vào chống giữ.
So sánh lực lượng, biết không thể nào đánh thẳng vào Sa Đéc hay Trà Tân được, Nguyễn Huệ liền đi xem xét địa hình, thăm dò lòng dân ở đây và tìm hiểu điểm mạnh, yếu của đối phương. Cuối cùng, ông quyết định chọn khúc sông Mỹ Tho từ Rạch Gầm đến Xoài Mút, cách Mỹ Tho khoảng 12 Km, làm trận địa quyết chiến.
Sau khi bí mật cho quân và tàu chiến ẩn náu ở các nơi hiểm yếu, Nguyễn Huệ lệnh cho quân đến khiêu khích. Lập tức, Chiêu Tăng giao Sạ Uyển ở lại giữ đại bản doanh, cử Lục Cổn dẫn bộ binh men theo tả ngạn sông Tiền để cùng phối họp; còn ông cùng với tướng tiên phong là Chiêu Sương, dẫn hàng trăm thuyền chiến tiến xuống Mỹ Tho, nơi đặt đại bản doanh của Tây Sơn.
Đêm ngày 18 tháng 1 năm 1785 (ngày 8 tháng Chạp năm Giáp Thìn), lợi dụng con nước đang xuôi, cả hai đạo thủy bộ quân Xiêm cùng rầm rộ tấn công.
Đến khoảng đầu canh năm ngày 19 tháng 1 năm 1785, đoàn thuyền chiến của địch lọt vào trận địa mai phục của quân Tây Sơn ở Rạch Gầm-Xoài Mút, tức thì pháo lệnh tấn công của Tây Sơn nổ vang. Mở đầu trận đánh, hai đội thủy binh Tây Sơn từ Rạch Gầm, Xoài Mút bất ngờ lao ra, chặn đánh hai đầu, dồn quân địch vào vòng vây đã bố trí sẵn. Đồng thời, từ hai bờ sông Tiền (đoạn Rạch Gầm-Xoài Mút) và dọc bờ cù lao Thới Sơn, bãi Tôn, cồn Bà Kiểu, Rừng Dừa... các đại bác cùng pháo hỏa hổ của bộ binh Tây Sơn bắn ra dữ dội vào khúc giữa đoàn thuyền địch lúc bây giờ đang bị ùn lại.
Đồng loạt, đoàn thuyền Tây Sơn từ rạch Xoài Mút, Rạch Gầm, từ trong những nhánh rạch nhỏ chảy quanh các cồn bãi, nhanh chóng kéo ra chặn đánh đầu. Một đoàn thuyền Tây Sơn khác ẩn náu sau cù lao Thới Sơn, xông ra đánh mạnh vào hông (nhằm chia cắt đội hình) và đánh chặn đường lui, dồn đoàn thuyền của đối phương vào thế tiến thoái lưỡng nan. Cùng lúc ấy, quân Tây Sơn, cho những thuyền nhẹ chở đầy những vật liệu dễ cháy đâm thẳng vào những chiến thuyền đang rối loạn làm cho số bị chìm, số bị cháy...
Quân Tây Sơn, thủy bộ phối hợp với nhau, khép chặt vòng vây, tiêu diệt quân địch hết mảng này đến mảng khác. Dưới sự chỉ huy và đốc chiến của Nguyễn Huệ, quân Tây Sơn lao vào cuộc chiến đấu quyết liệt. Một viên tướng quân Nguyễn về Long Hồ kể cho Mạc Tử Sinh biết: "Nguyễn Huệ đốc chiến ở phía sau, ra lệnh liều chết đánh, quân sĩ nào không quyết chiến thì chém ngay để làm răn. Vì thế các tướng sĩ đều liều, không nghĩ gì đến tính mệnh... tiến công rất là mãnh liệt"
Trời vừa rạng sáng, thì chiến cuộc cũng vừa dứt. Kết quả là 300 chiến thuyền và 2 vạn thủy binh của Xiêm cùng một số quân của chúa Nguyễn, không đầy một ngày, đã bị quân Tây Sơn phá tan. Hai tướng Chiêu Tăng, Chiêu Sương chạy trốn về Sa Đéc, bị truy kích, lại hối hả cùng Sa Uyển dẫn vài nghìn tàn quân chạy bộ sang Chân Lạp rồi về Xiêm.
Riêng chúa Nguyễn Ánh vừa thấy "thế giặc mãnh liệt, không thể chống nổi" (Mạc Thị gia phả) đã cùng đoàn tùy tùng vội vã rút chạy theo sông Trà Luật ra sông Tiền rồi tìm đường sang Trấn Giang (Cần Thơ). Tại Long Hồ, Mạc Tử Sinh đưa 3 chiếc thuyền còn lại để đón chúa Nguyễn chạy sang Hà Tiên.
Còn quân bản bộ của chúa Nguyễn thì tan tác mỗi người một ngả. Viên cai cơ chỉ huy quân thủy là Nguyễn Văn Oai bị chết tại trận. Những viên tướng khác như Nguyễn Văn Thành, Tôn Thất Huy, Tôn Thất Hội...mỗi người cũng chỉ còn được dăm chục quân.
"...quân Xiêm (từ sau khi thua trận Rạch Gầm – Xoài Mút) tuy ngoài miệng thì nói khoác nhưng trong bụng thì sợ Nguyễn Huệ như sợ cọp."
Vua Xiêm Chakri I gọi Chiêu Tăng, Chiêu Sương là "ngu hèn, kiêu căng, hung hãn đến nỗi bại trận làm bại binh, nhục quốc".
Sau khi thất bại trận Rạch Gầm - Xoài Mút , Nguyễn Phúc Ánh xin vua Xiêm cho ra ở Đồng Khoai, ngoại thành Vọng Các. Ở đây, đoàn chúa Nguyễn lo khẩn hoang, làm ruộng, đốn củi...để nuôi nhau.
Còn Anh hùng Tây Sơn - Nguyễn Huệ, sau khi đánh dẹp xong giặc Xiêm La và quân Nguyễn Ánh , liền đem đại quân về Quy Nhơn, cử Đô đốc Đặng Văn Trấn ở lại giữ Gia Định.
ĐẠI VIỆT ( VIỆT NAM ) VÀ CÁC CUỘC GIAO TRANH NGĂN CHẬN XIÊM LA ( THÁI LAN ) TRÊN BÁN ĐẢO ĐÔNG DƯƠNG . (Phần 2 of 4).
(Sẽ Tiếp Theo)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn