SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : TRƯỜNG SƠN NAM - DÃY NÚI AN KHÊ ( TÂY BÌNH ĐỊNH ) VÀ DÃY CHU DJU & CHU DLÉYA ( PHÚ BỔN ) PHÍA ĐÔNG SÔNG BA- ĐÀ RẰNG . (Phần 3a of 5)

06 Tháng Sáu 20227:19 CH(Xem: 1681)
SÔNG NÚI NƯỚC NAM .
DÃY NÚI AN KHÊ VÀ DI TÍCH THỜI TÂY SƠN KHỞI NGHIỆP .
Tây Sơn là dãy núi phía Tây tỉnh Bình Định thuộc hệ thống Trường sơn. Nằm trọn trong phần đất ba quận Vĩnh thạnh, Cam túc, Bình khê hiện tại. Tây Sơn làm ranh giới cho tỉnh Bình Định ở phía đông và Pleiku, Kontum ở phía tây.
Dãy núi An lão và Kim sơn cũng thuộc hệ thống Trường sơn, cũng nằm phía tây tỉnh Bình Định (ở phía bắc) và cũng dính liền với dãy Tây Sơn (ở phía nam) nhưng không mang danh Tây Sơn. Bởi vì cổ nhân lấy tỉnh lỵ làm điểm đứng ngắm. Tỉnh lỵ Bình Định trước kia là thành Đồ Bàn ở Nam an, Bắc thuận (An nhơn), thời gần đây là thành Bình Định ở An ngãi, Liêm trực (An nhơn), và hiện nay là Qui Nhơn. Đứng trong ba nơi này mà trông thì dãy Tây Sơn nằm hẳn về chính tây, còn hai dãy Kim sơn và An lão nằm về tây bắc. Tên Tây Sơn đã có từ lâu.
Vì núi mệnh danh là Tây Sơn, nên các vùng sơn cước, bình nguyên ở chung quanh cũng gọi là vùng Tây Sơn. Trước kia gọi là Ấp Tây Sơn.
Ấp Tây Sơn gồm có ba phần:
1. Tây Sơn Thượng gồm toàn cõi An khê thuộc quận An túc hiện nay, lấy đèo An khê làm ranh giới.
2. Tây Sơn Trung gồm phần đất đai thuộc quận Vĩnh thạnh hiện nay, tức từ đèo An khê đến địa đầu Hữu giang, Tả giang.
3. Tây Sơn Hạ gồm đất đai từ Hữu giang, Tả giang đến An chính, tức là phần đất quận Bình khê hiện nay.
Ấp Tây Sơn xưa kia thuộc huyện Tuy viễn (đất Đồ Bàn sau khi trở thành đất Việt Nam thì chia làm ba huyện: Bồng sơn, Phù ly, Tuy viễn). Tên ấp bị bỏ từ đời Gia Long.
CÁC NGỌN NÚI CÓ LIÊN HỆ MẬT THIẾT ĐẾN NHÀ TÂY SƠN
Ở bắc ngạn sông Côn có hòn Trung sơn, nằm trong địa phận thôn Phú lạc (chánh quán của Tây Sơn tam kiệt).
Ở nam ngạn sông Côn có những núi:
Núi HOÀNG ĐẾ, núi HIỂN HÁCH ở quận An túc Đèo An khê.
Núi Ông Bình, núi Ông Nhạc ở phía đông đèo An khê.
Núi Tâm phúc, núi Lãnh lương, hòn Hoành sơn, hòn Ấn, hòn Kiếm nằm dọc theo quốc lộ 19, từ núi Ông Nhạc xuống đến thôn Trinh tường, xã Bình tường, quận Bình khê.
Từ Tiên thuận trở xuống, dọc theo con sông Côn, đến Hữu giang, Phú lạc núi vẫn nối liền nhau, quanh co khúc khuỷu. Nổi danh nhất là hòn TRUNG SƠN. Hòn Trung sơn thuộc thôn Phú lạc, quê hương của tam kiệt nhà Tây Sơn và anh hùng Mai Xuân Thưởng. Núi không lấy làm cao (422 thước) nhưng trông rất khôi hùng. Trông gần thì mập mạp hung hăng như con bò đực sung sức lúc nào cũng sẵn sàng để chiến đấu. Nên người địa phương thường gọi là hòn SUNG. Lưng núi có nhiều chỗ nổi từng vồng từng ụ, như bị đánh sưng. Nên nhiều người gọi là hòn SƯNG thay vì hòn Sung. Núi còn có tên nữa là ĐỘC XỈ SƠN và ĐỘC NHŨ SƠN, vì ở xa, nếu đứng xiên một phía mà trông thì giống như một chiếc răng nanh dựng ngược, còn đứng trước mặt mà ngó thì tương tợ một nấm vú vun (. Do đó núi lại có tên nữa là BÚT SƠN. HÒN SUNG là tổ sơn trong vùng hữu ngạn. Mặt hướng về đông nam và lấy dãy Sơn Triều sơn ở Cầu Gành, thuộc An nhơn làm Tiền án , và long mạch chạy xuống hướng đông đến hòn Mạ Thiên sơn tục gọi là hòn Mò O ở giữa An nhơn và Phù cát, thì hồi cố . Phía trước mặt và hai bên tả hữu,gò đống nổi đầy, cuồn cuộn nhấp nhô như sóng biển. Và những ngọn núi chung quanh đều xây mặt về triều củng, như các vị đại thần đứng chầu một đấng anh quân. Còn gò đống kia là quân lính dàn hầu. Đến viếng Hòn Sung, một du khách có để lại mấy câu rằng:
Hòn Sung tuy thấp mà cao
Trời cho làm chốn anh hào lập thân
Kìa ai áo vải cứu dân
Kìa ai ba thước gươm thần chống Tây
Chuyện đời rủi rủi may may
Hòn Sung cây trải đá xây bao sờn
Trên đỉnh hòn Sung có một vùng đá hình chữ nhật, bằng phẳng, bên cạnh có hai tảng đá vuông vức chồng lên nhau. Người ta bảo đó là "Mả mẹ chàng Lía". Truyền rằng mẹ chàng Lía lâm chung tại hòn Chớp Vàng thôn Phú phong. Lía muốn đưa hài cốt đến táng nơi hòn Sung cách đến 5 cây số về hướng bắc, bèn lên đỉnh núi, đầu đội quan tài mẹ, một tay vịn, một tay nắm chiếc mâm đồng ngắm phía hòn Sung mà vút mạnh. Chiếc mâm vụt bay. Liá liền nhảy theo đứng trên mâm, rồi lấy thế nhảy vọt đến hòn Sung. An táng mẹ xong, lía rinh đá khối xây mộ, và chồng hai tảng đá bên mồ để ngồi khóc mẹ.
Do đó người địa phương còn gọi hòn Sung là hòn "Mả Mẹ Chàng Lía". Sau lưng và phía tả phía hữu của hòn Sung, có nhiều ngọn núi không cao nhưng hiểm trở. Như hòn HÀNH SƠN tục gọi là Dốc Dài nối liền hòn Sung và hòn VINH ĐO tức hòn Dồ ở Hữu giang. Nhưng đặc sắc hơn hết là hòn ĐÁ DÀN, tên chữ là DƯƠNG THẠCH SƠN.
Hòn ĐÁ DÀN ở phía bắc hòn Sung, cạnh hòn Sống. Trên núi, đá chồng chất, lớp dựng lên lớp giăng ra. Do đó núi mệnh danh là ĐÁ DÀN (dàn bày ra). Dưới chân và trên triền núi, cây cối rậm rạp. Nhưng trên đỉnh lại chỉ có bụi còi. Đỉnh núi bằng phẳng và chạy dài như một con đường quan lộ. Có lối đi từ chân núi lên đỉnh rồi chạy qua hòn Sống, ra đèo Bồ Bồ..., theo đường tắt ra vùng Kim sơn. Chính nghĩa quân Cần Vương đã dùng con đường này để liên lạc với các mật khu trong hai vùng Bắc Nam.
Trong dãy núi phía sau lưng hòn Sung, có ngọn suối gọi là SUỐI ĐÁ vì khô quanh năm và trong lòng ngổn ngang là đá, thiên hình vạn trạng, chơm chởm, chập chồng. Đi vào trong sâu, có nhiều hang hố ẩn núp được kín đáo, và muốn vào suối phải qua nhiều lớp gò nổng. Thật có thế "một người chống được cả trăm". Nơi đó là một trong những mật khu của nghĩa quân Cần Vương, do em ruột Mai anh hùng là Mai Xuân Quang trấn giữ.
Những núi non của dãy Tây Sơn ở phía hữu ngạn sông Côn đại khái là thế. Còn bên tả ngạn, thì núi non cũng trùng trùng điệp điệp. Cùng theo một chiều, lớp chạy lên trên An khê, lớp chạy thẳng vào biên giới Phú yên, lớp chạy xiên xiên xuống hướng đông nam, từ Định quang xuống Thượng giang, Tả giang, Trình tường, Phú phong; thành từng giây dài, chằng chịt, liên miên... chằng chịt.
Đèo AN KHÊ
Mở lối giao thông giữa Bình Định và vùng Tây Nguyên. Tên An khê mới thông dụng từ thời Pháp thuộc. Trước kia gọi là đèo VĨNH VIỄN. Đèo An khê cao đến 740 thước và dài trên 10 cây số, chạy từ đông lên tây. Đường đi rất hiểm trở. Ngày xưa khi Quốc lộ số 19 chưa mở, hành khách phải chịu lắm nỗi gay go. Dọc đèo có nhiều nơi dốc ngược, đá mọc lởm chởm. Có khúc phải dăng hai chân mà leo mới khỏi té. Nơi này tục gọi là dốc CHÀNG HẢNG. Dưới dốc Chàng hảng về phía đông có một cái nghẹo, nơi nghẹo có một cây khế rất sai. Hành khách lên đèo mỏi mệt, thường dừng chân nơi gốc khế để nghỉ ngơi và giải khát. Nghẹo ấy tục gọi là Nghẹo CÂY KHẾ. Cách nghẹo Cây Khế chừng một khỏang có hai cây cổ thụ sống trên vài trăm năm, thân cao tàn cả, một cây KÉ, một cây CẦY. Đó cũng là hai trạm nghỉ chân rất được hành khách lưu luyến. Trên đỉnh đèo có đồn Thượng an do người Pháp cất.
Thời chiến tranh Việt Pháp (1945-1954), nơi đồn này đã xảy ra nhiều trận kịch chiến. Và trước ngày ký Hiệp định Genève, quân Pháp ở trong đồn đã bị nghĩa quân tiêu diệt gần hết. Tiếp đó đồn An khê ở phía tây đèo, cũng bị bao vây. Thực dân Pháp và các nhà tư bản Việt Nam ở thị trấn An khê phải tản cư bằng máy bay.
Trước đây gần 200 năm, đèo An khê là con đường lên xuống của binh mã nhà Tây Sơn. Hùng khí vẫn còn ngùn ngụt. Chung quanh đèo, núi non chồng chất. Ở vùng An khê (tức quận An túc hiện giờ) có núi HIỂN HÁCH tục gọi là Hảnh Hót và Đại Nam Nhất Thống Chí chép là HINH HỐT là một danh sơn có nhiều danh mộc, và chung quanh có nhiều ngọn núi qui triều. Núi vùng An khê liên tiếp với vùng Cao nguyên.
Phía đông đèo An khê, thuộc Tây Sơn Trung, núi cũng cao chớm chở như vùng Tây Sơn Thượng, tức vùng An túc. Ngọn núi có danh nhất là hòn ÔNG BÌNH. Hòn ÔNG BÌNH nằm phía tây thôn Thượng giang. Tuy cao chỉ có 793 thước, song trông rất kỳ vĩ, và có vẻ bí hiểm. Cây cối sầm uất, ngó mịt mờ thăm thẳm như không có đường lưu thông. Nhưng sự thật thì có nhiều đường lối ra vào. Nơi triền phía bắc, có đường đèo đi từ Đồng hào ở ngả đông, lên Trạm Gò, Cửu an ở ngả tây. Đèo này gọi là đèo VẠN TUẾ, tuy ngắn song dốc và đá mọc lởm chởm, nên rất khó đi. Ở triền phía nam, có con đường mòn chạy theo hướng đông nam để đến đèo An khê là con đường lịch sử . Đối trĩ cùng hòn Ông Bình, xiên xiên về hướng đông nam có hòn ÔNG NHẠC cao và rậm không kém hòn Ông Bình. Khí thế cũng rất hùng hiểm.
Từ hòn Ông Nhạc, núi chạy lớp thì vào thẳng trong Nam, lớp thì chạy xiên xiên xuống hướng đông nam. Danh sơn đều nằm trong dãy đông nam. Trước hết là hòn TÂM PHÚC, tục gọi là hòn BÀ PHÙ. Hòn Tâm Phúc không cao, hình giống như chiếc nón lá úp sấp. Núi có nhiều cây cổ thụ và nhiều thú rừng, nhất là heo. Đây là một hòn núi cấm, không ai được vào đốn củi, săn thú. Nhưng không cấm cũng ít ai dám vào, vì truyền rằng núi rất linh thiêng. Bà Thiên-Y A-Na thường tới lui, hào quang sáng chói. Thường ngày lúc mặt trời gần lặn, người ở gần núi thường nghe tiếng ụt heo inh ỏi. Người ta bảo rằng đó là tiếng của những kẻ bộ hạ ở nuôi heo cho bà Thiên Y. Vì núi có bà Thiên Y tới lui nên mới mệnh danh là hòn Bà Phù, tức là hòn núi của bà có Phù Phép.
Gần hòn Bà Phù có hòn MÀN LĂNG. Hai núi đối trĩ nhau. Thầy địa gọi hòn Màn Lăng là hòn Nhật, hòn Bà Phù là hòn Nguyệt. Giữa hòn Màn Lăng và hòn Bà Phù có một thung lũng bằng phẳng và kín đáo, tục gọi là Hóc Yến. Qua khỏi Hóc Yến đến núi ĐÔNG PHONG tục gọi là hòn LÃNH LƯƠNG. Những ngọn núi thượng dẫn liên hệ mật thiết với nhau, chẳng những về phương diện địa lý vì cùng một sơn mạch; mà còn liên hệ về mặt lịch sử, lịch sử nhà Tây Sơn.
Núi non Bình Định :
Bình Định, phía Đông giáp biển, ba mặt kia đều có núi non trùng điệp bao bọc, làm ranh giới thiên nhiên với các tỉnh lân cận. Núi non ở Bình Định có thể xếp thành 6 nhóm chính, nứt ra từ dãy Trường Sơn, rẽ ngang hướng về Đông, tạo thành những dãy song song cao ngất, liên kết nhau, rất hiểm trở. Nhưng càng xuống đồng bằng núi càng thấp dần, rời rạc, rồi tan biến hoặc nhô ra tận biển.
Dãy Thạch Tấn:
Trường Sơn nằm ở phía Tây Trung Việt, chạy dọc từ Bắc vào Nam, khi đến cuối Quảng Ngãi mọc ra một nhánh lớn rẽ ngang, chạy về Đông và đâm ra biển. Ngăn cách hai tỉnh Bình Định và Quảng Ngãi, chỉ còn thông nhau qua đèo Bình Đê.
Dãy An Lão:
Sơn hệ trùng điệp, có các ngọn núi như: Nước Teup nằm ở phía Nam xã An Vinh (huyện An Lão) cao 979 M, Kon Dong ở phía Tây xã An Toàn cao 917 M, và Seo ở phía Đông xã này, cao 899 M. Ngoài ra, còn các ngọn núi như: Nước Ôn (xã An Toàn), núi Động Của (xã An Quang), núi Sống Trâu và núi Xong (xã An Trung), núi Hóc Đèn (xã An Hưng) cũng tương đối cao.
- Sông An Lão khởi nguồn từ miền núi vùng Tây bắc huyện An Lão, tỉnh Bình Định. Thượng nguồn của sông An Lão là hai dòng sông Nước Đinh và Nước Ráp. Ở thượng nguồn sông An Lão chảy theo hướng Nam - Bắc, sau khi ra khỏi xã An Dũng sông chuyển hướng Tây bắc – Đông nam và tiếp tục chảy theo hướng này cho đến khi gặp sông Kim Sơn. Trên đường đi, sông được bổ sung nước từ các sông Nước Điệp và Nước Sáng. Sông An Lão có chiều dài khoảng 85 Km và lưu vực rộng khoảng 697 Km².
Dãy Kim Sơn:
Gồm các núi nằm trong huyện Hoài Ân có độ cao khoảng 500 M như: núi Cà Lang cao 589 M và ở phía Đông xã Ân Hảo, núi Ông Thu ở phía Đông xã Ân Sơn và phía Đông Bắc xã Ân Tín, núi Ba Bên trong xã Bok Tới, núi Dong Trục ở phía Đông xã Ân Nghĩa và phía Tây xã Ân Tường Tây, dãy núi Đồng Hầm thuộc các xã Ân Hữu, Ân Đức và Ân Tín.
Dãy Vĩnh Thạnh:
Cũng như các dãy núi khác của Bình Định, dãy Vĩnh Thạnh là hiện tượng Trường Sơn nứt nhánh, liên kết với dãy An Lão và dãy Kim Sơn. Nơi đây, quy tụ nhiều ngọn núi cao, tại xã Vĩnh Kim có ngọn Kon Wir Klang cao 840 M (phía Bắc), ngọn Kon Kiêng (phía Đông) và ngọn Bok Bang cao 755 M (Đông Nam). Dãy Vĩnh Thạnh theo hướng Đông Nam đến huyện Phù Cát, rồi sơn mạch chạy ngầm dưới đồng bằng, qua khỏi chợ Gồm (thôn Vĩnh Tường, xã Cát Hanh) núi bổng vụt dậy, tạo thành quần sơn trải rộng và tiến dần về Đông cho tới sát biển. Tiêu biểu cho hệ sơn ở vùng này là núi Bà, thuộc xã Cát Nhơn, cao 544 M. Chưa hết, sơn mạch khi ẩn khi hiện, kéo dài đến núi đá Phương Mai (cao 318 M) thuộc xã Nhơn Hải, mới chấm dứt.
Dãy Tây Sơn:
Gồm những núi non trong vùng Tây Sơn cũ (Bình Khê và An Túc). Ngày xưa, Nguyễn Nhạc chuẩn bị cho cuộc khởi nghĩa, đã tụ binh và lập căn cứ trên những núi này. Ở cực Bắc huyện Tây Sơn ngày nay (tức Bình Khê) có núi Hòn Nóc, đỉnh cao 913 M, tại biên giới xã Bình Tân (Tây Sơn) và xã Cát Sơn (Phù Cát). Phía Nam huyện Tây Sơn, có Núi Chúa, đỉnh cao 828 M, tại biên giới các xã Tây Phú, Tây Xuân (Tây Sơn) và xã Canh Liên (huyện Vân Canh). Phía Tây Nam huyện Tây Sơn, tại xã Vĩnh An có ba ngọn núi cao 807, 841 và 771 M.
Dãy Nam San:
Đáng kể nhất là dãy Nam San, còn gọi là dãy Bình Sau, trải khắp huyện Vân Canh, nhưng phần lớn các núi cao dồn về xã Canh Liên. Xã này rất rộng, Tây giáp với tỉnh Gia Lai; Bắc giáp các xã Vĩnh An, Tây Phú, Tây Xuân (huyện Tây Sơn) và xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn); Nam giáp huyện Đồng Xuân tỉnh Phú Yên. Phía Đông xã Canh Liên có núi hòn Am, hòn Ông, hòn Bà cao 1.122 mét, làm biên giới với xã Canh Hiệp và Canh Thuận. Chưa hết, Canh Liên còn 14 ngọn núi khác cao từ 600 đến 1081 M.
Trước khi xuống đồng bằng, dãy Nam San đi theo hai ngả đường:
– Phía Bắc, có hai nhánh núi song song, cùng tiến qua xã Nhơn Tân, thị xã An Nhơn: Một nhánh từ xã Canh Liên, có ngọn Thư Dương cao 582 M, đi qua ngả bờ Tây hồ Núi Một. Một nhánh nữa, từ xã Canh Hiệp và Canh Vinh vào xã Nhơn Tân, qua ngả bờ Đông của hồ, có hòn An Tượng cao 605 M. Gọi là An Tượng, vì dáng núi giống như con voi nằm, thân voi ở xã Nhơn Tân, đầu voi hướng về Đông và gác qua xã Nhơn Thọ, chiếc vòi ngoằn ngoèo vói tới thôn Huỳnh Kim, phường Nhơn Hòa. Núi này, cũng gọi là nguồn An Tượng, vì nơi đây phát nguyên nhiều sông suối chảy vào sông Côn.
– Phía Nam Dãy Nam San kéo dài và thấp dần về hướng Đông qua các xã Canh Thuận, Canh Hòa, Canh Hiệp (huyện Vân Canh), rồi xã Phước Mỹ, phường Bùi Thị Xuân, phường Ghềnh ráng (Qui Nhơn), ngăn cách với tỉnh Phú Yên, chỉ thông nhau qua đèo Cù Mông, hoặc đoạn Quốc lộ mới chạy dọc theo bờ biển phường Ghềnh Ráng.
- Sông Côn còn gọi là sông Kôn hoặc sông Kone là dòng sông lớn nhất của tỉnh Bình Định, Việt Nam.
Sông dài 171 Km. Lưu vực sông có diện tích 2980 Km² thuộc các huyện An Khê (Gia Lai), An Lão, Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Vân Canh, An Nhơn và Tuy Phước (Bình Định).
Dòng chảy​ :
Dòng đầu nguồn có tên là sông Say (hoặc suối Say) bắt nguồn từ hợp lưu các suối ở khối núi Ngọc Roo từ độ cao 925 m, nơi 2 huyện giáp nhau là huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum và huyện Kbang tỉnh Gia Lai, chảy về hướng đông nam .
Dòng có tên sông Côn bắt nguồn từ phía bắc xã An Toàn huyện An Lão, chảy về hướng tây nam rồi nam, và hợp lưu với sông Say ở rìa bắc xã Vĩnh Sơn huyện Vĩnh Thạnh.
Sau đó sông chảy theo hướng đông nam qua huyện Vĩnh Thạnh nơi có hồ Vĩnh Sơn, thủy điện Vĩnh Sơn, hồ Định Bình, huyện Tây Sơn để rồi gặp các nhánh nhỏ bắt nguồn từ An Khê và Vân Canh tạo thành dòng lớn hơn.
Đoạn giữa ở huyện Tây Sơn có tên là sông Hà Giao. Sau đó nó tiếp tục chảy qua Thị xã An Nhơn và gặp một nhánh khác từ hồ Núi Một (Vân Canh) chảy xuống.
Đoạn hạ lưu chia thành vài nhánh, trong đó một chi lưu có tên là sông Cái.
Các chi lưu đổ ra đầm Thị Nại, vịnh Quy Nhơn.
Sông Kỳ Lộ là một con sông ở các tỉnh Gia Lai, Bình Định và Phú Yên ở Nam Trung Bộ Việt Nam. Phần thượng lưu còn được gọi là sông La Hiên, trong khi phần hạ lưu còn được gọi là sông Cái.
Có nghiên cứu cho rằng cái tên Kỳ Lộ là do người Pháp khi cai trị Việt Nam đổi từ tên cũ của sông là Cà Lố mà ra.
Dòng chảy​ :
- Sông Kỳ Lộ dài 120 Km, bắt nguồn từ vùng núi La Hiên cao trên 1000 M tại giáp ranh giữa Bình Định và Gia Lai.
Sông chảy về hướng Đông Nam qua các huyện Đồng Xuân, Tuy An, đổ ra cửa biển Tiên Châu ở Tuy An (Phú Yên) với một phân lưu đổ vào Đầm Ô Loan.
Các chi lưu của nó là Kẻ Cách, Cà Tơn, suối Cối, Thác Dài. Đoạn chảy trên địa phận tỉnh Phú Yên dài 76 Km.
Phần thượng lưu của sông chảy giữa các dãy núi, nên hẹp, sâu và có độ dốc lớn. Mùa mưa trên sông hay có lũ. Do có đặc điểm như vậy, hàng ngàn năm những chân núi mà sông đi qua bị bào mòn tạo ra nhiều cảnh quang thiên nhiên đẹp và nên thơ. Tới hạ lưu, sông rộng hơn; hai bên bờ có nhiều bãi cát phẳng. Mùa hè nước sông trong veo tươi mát màu ngọc bích, có nơi nhìn thấy đáy sông.

ĐỊA HÌNH NÚI CAO PHÍA ĐÔNG SÔNG BA (EA PA) HAY SÔNG ĐÀ RẰNG Ở HẠ LƯU RA BIỂN ĐÔNG .
( Xem thêm bài đã đăng : VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG THƯƠNG NHỚ ! SÔNG BA ( EA PA ) HAY SÔNG ĐÀ RẰNG TỈNH PHÚ YÊN MIỀN TRUNG - TRUNG PHẦN VIỆT NAM .)
Địa danh Phú Bổn nằm ở cao độ từ 150 M đến 1.000 M, có núi rừng bao bọc chung quanh. Những ngọn núi cao ở đây gồm có Chu Tryan 1.331 M, Chu Kheur 1.088 M; Chu Dju cao 1.230 M, Chu Dlé Ya cao 1.215 M.
Sông chính của Phú Bổn là sông Ba (người Thượng còn gọi là Ia Ba hay Ea Pa), bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Rô, tây bắc tỉnh Kon Tum, chảy theo hướng bắc - nam, đến Cheo Reo thì hợp lưu với sông Ayun.
Sông Ayun bắt nguồn từ chân núi Kon Lack (thuộc tỉnh Pleiku), chảy vào Phú Bổn theo liên tỉnh lộ số 7. Sông Ba có các sông nhánh chính là sông Ea Thul, phát nguồn từ núi Kong Wan Riom; sông Cà Lúi và sông Ba M'la, phát nguồn từ núi Chu Prong và sông Krông H'Năng phát nguồn từ núi Chu Dlé Ya. Vào mùa mưa, sông Ayun và sông Krông H'Năng thêm nước vào sông Ba làm lưu lượng nước chảy mạnh về phía đông nam, cuốn nhiều đất phù sa bồi đắp cho bình nguyên Phú Bổn và đồng bằng dọc theo sông Đà Rằng thuộc Tuy Hòa - Phú Yên .
Phía đông nam có hai dãy núi cao là Chu Dju cao 1.230 M, Chu Dlé Ya cao 1.215 M. Địa hình có dạng đồi hoặc núi thấp nhưng lượn sóng mạnh và chia cắt sâu.
Dãy Chu Dju nối tiếp theo dãy núi An Khê tại khu vực phía Nam đèo An Khê , sau đó là dãy núi Chu Dlé Ya thấp hơn một chút .
Dãy Chu Dlé Ya là nơi đầu nguồn nước sông Krông H'Năng là con sông phụ lưu sông Ea Pa ( sông Ba ) nằm ở phía Đông nam tỉnh Phú Bổn thời VNCH , nay là Krông Pa thuộc tỉnh Gia Lai .

ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT .
ANH HÙNG KHÁNG PHÁP MAI XUÂN THƯỞNG .
Mai Xuân Thưởng (1860 – 1887), lúc nhỏ tên là Phạm Văn Siêu, là sĩ phu và là lãnh tụ phong trào kháng Pháp cuối thế kỷ 19 ở Bình Định (Việt Nam).
Thân thế & sự nghiệp​ .
Mai Xuân Thưởng là người thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tuy Viễn (nay là huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định). Cha ông là Mai Xuân Tín, từng làm Bố chính tỉnh Cao Bằng; mẹ là bà Huỳnh Thị Nguyệt, con một nhà quyền quý trong làng .
Thuở nhỏ ông thông minh, ham học. Năm lên 6 tuổi, cha mất sớm, ông lớn lên dưới sự nuôi dạy của mẹ và của tú tài Lê Duy Cung, nên giỏi cả văn lẫn võ. Năm 1878, Xuân Thưởng thi đỗ tú tài.
Đầu tháng 5 năm Ất Dậu (tháng 7 năm 1885), nổ ra cuộc phản công của phe chủ chiến ở Kinh thành Huế, khi ấy ở Bình Định đang diễn ra kỳ thi Hương. Đến khi nghe tin Tôn Thất Thuyết phò vua Hàm Nghi chạy ra Quảng Trị, xuống dụ Cần vương, mấy nghìn sĩ tử liền bỏ thi, trở về quê tụ nghĩa. Ở lại thi tiếp, chỉ còn 8 người và tất cả đều trúng tuyển cử nhân, trong số đó có Mai Xuân Thưởng. Thi đỗ xong, Mai Xuân Thưởng trở về quê Phú Lạc chiêu mộ nghĩa sĩ, lập căn cứ ở Hòn Sưng (nay thuộc thôn Phú Lạc, xã Bình Thành, huyện Tây Sơn).
Khi ấy, nguyên Tổng đốc Đào Doãn Địch sau khi về Bình Định truyền hịch Cần Vương, cũng đã chiêu mộ được khoảng 600 nghĩa quân rồi đóng quân ở thôn Tùng Giản (nay thuộc xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước). Kể từ đó (cho đến năm 1887), phong trào Cần Vương ở Bình Định diễn ra rất sôi nổi, và lan nhanh ra đến Quảng Ngãi, Phú Yên...lôi kéo hàng ngàn người thuộc mọi tầng lớp tham gia.
Giữa tháng 7 năm 1885, chủ tướng Đào Doãn Địch tổ chức đánh chiếm thành tỉnh Bình Định. Trừng trị viên quan thân thực dân Pháp là Tổng đốc Lê Bá Thận xong, quân của ông còn kéo nhau đi đánh phá các làng theo đạo Thiên Chúa giáo. Từ Quy Nhơn, quân Pháp kéo lên đàn áp. Đoàn Doãn Địch dàn quân kháng cự lại. Hai bên giao tranh dữ dội ở Trường Úc và Phong Niên. Trước hỏa lực mạnh, lực lượng của Đoàn Doãn Địch bị đánh tan, buộc vị thủ lĩnh này phải chạy về đại bản doanh của Mai Xuân Thưởng, lúc này đang đặt tại Lộc Đổng (Đồng Hươu) ở thôn Phú Phong (huyện Bình Khê, tỉnh Bình Định).
Tháng 9 năm đó (1885), Đào Doãn Địch lâm bệnh mất, Trước đây, khi Mai Xuân Thưởng ứng nghĩa, được Đào Doãn Địch phong làm Tán tương quân vụ; nay trước khi mất, ông cử Mai Xuân Thưởng lên làm Nguyên soái thay mình. Sau khi làm lễ tế cờ tại Lộc Đổng, Mai Xuân Thưởng cho xuất quân và giao chiến với đối phương nhiều trận tại Cẩm Vân, Thủ Thiện, Hòn Kho (Tiên Thuận)...Hồi này, theo giúp sức Mai Xuân Thưởng, có các ông: Tăng Bạt Hổ, Nguyễn Đức Nhuận, Nguyễn Bá Huân, Nguyễn Trọng Trì, Bùi Điền, Đặng Đề, Nguyễn Hóa, Lê Thượng Nghĩa, Hồ Tá Quốc, Võ Đạt... cùng hàng ngàn sĩ phu và nhân dân các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận...
Nhận thấy lực lượng của Mai Xuân Thưởng ngày càng lớn mạnh, và đã gây nhiều thiệt hại cho mình. Soái phủ Sài Gòn liền điều Thiếu tá De Lorme đem pháo thuyền án ngữ biển Quy Nhơn. Đồng thời sai Trần Bá Lộc mang quân từ Khánh Hòa đánh ra, Nguyễn Thân từ Quảng Ngãi đánh vào. Nhờ pháo binh yểm trợ, hai cánh quân này nhanh chóng gặp nhau tại Bình Định, rồi cùng tiến lên Phú Phong mặc sức tàn phá.
Tháng 3 năm 1887, sau trận ác chiến ở Bàu Sấu (An Nhơn), Mai Xuân Thưởng bị thương nặng, phải cho rút tàn quân vào Linh Đỗng (núi Phú Phong) ẩn náu, tính kế kháng chiến lâu dài.
Theo vài tài liệu cũ, thì vào tháng 4 năm Đinh Hợi (1887), Trần Bá Lộc kéo quân đến tàn sát dân chúng ở quê ông và còn bắt tra tấn mẹ ông. Đau lòng, ông ra nạp mình để cứu mẹ và dân lành vào ngày 23 tháng 4 năm 1887. Triều đình Đồng Khánh hay tin, bèn ban lệnh lột áo mão cử nhân và hành quyết ông.
Gần đây, theo những tư liệu được khai thác từ kho lưu trữ của Pháp... thì Mai Xuân Thưởng bị bắt chứ không phải ra hàng.
Theo báo cáo gửi Thống đốc Nam Kỳ ngày 10 tháng 5 năm 1887, đã cho biết khá tường tận về trường hợp bị bắt của Mai Xuân Thưởng như sau:Lúc ấy, Mai Xuân Thưởng có năm mươi người đi theo ông, trong đó có toàn bộ gia đình của ông: mẹ, vợ và những người phụ tá, kể cả em của ông. Ngày 4 tháng 4, cả nhóm bị vây hãm trong một làng Chàm (có thể là Vân Canh), nhưng sau đó chạy thoát. Ngày 21 tháng 4 gia đình Mai Xuân Thưởng bị bắt, nhưng ngay đêm hôm sau ông Thưởng lại giải thoát được. Nhưng, đêm 31 tháng 4 rạng ngày 1 tháng 5, một trong những thủ hạ của Mai Xuân Thưởng bị bắt làm tù binh, đã chịu hàng và chỉ chỗ ở những người đang chạy trốn. Trần Bá Lộc và Bùi Giảng đã bắt được Mai Xuân Thưởng ngày 4 tháng 5 khi ông đang trốn trong một cái hang núi Hòn Nhên ở làng Thang Ót, ở gần chỗ giáp giới Phú Yên và ngọn nguồn sông Côn. Ngày hôm sau, gia đình ông bị bắt.Sau ông, những thủ lĩnh cuối cùng hầu như cũng bị bắt hết: Nguyễn Ngọc Loan bị bắt 14 tháng 5; Lê Khanh 20 tháng 5..." .
Vào ngày 21 tháng 4 năm 1887, Trần Bá Lộc đã cho quân bao vây căn cứ Hầm Hô, Linh Đổng và cuối cùng, đã chiếm được căn cứ, bắt được một số nghĩa quân, trong đó có mẹ Mai Xuân Thưởng. Tuy nhiên, đêm 30 tháng 4 năm 1887, Mai Xuân Thưởng đã cử một đội quân cảm tử đột nhập doanh trại Trần Bá Lộc, giải vây cho những người bị bắt, trong đó, có bà mẹ Mai Xuân Thưởng. Sau khi giải vây, Mai Xuân Thưởng cùng đoàn thuộc hạ gồm 50 người vượt núi vào Phú Yên, tiếp tục kháng chiến, nhưng khi đến đèo Phủ Quý (ranh giới giữa Bình Định và Phú Yên) thì bị phục binh Trần Bá Lộc đón bắt hết. Sau đó, đối phương cho đem tất cả nhóm về Phú Phong, tổ chức ăn mừng chiến thắng và phao tin Mai Xuân Thưởng ra hàng để hạ uy tín của ông...
Trần Bá Lộc dụ hàng, Mai Xuân Thưởng khẳng khái nói: Chỉ có đoạn đầu tướng quân, chứ không có hàng đầu tướng quân . Biết không thể khuất phục được, đối phương đã đưa ông cùng các thuộc hạ ra xử trảm tại Gò Chàm (phía đông thành Bình Định cũ). Thi hài ông sau đó được đưa về táng tại Cây Muồng (nơi cha ông đã yên nghỉ), thuộc thôn Phú Lạc.
Và theo báo cáo do Tirant thiết lập ngày 11 tháng 6 năm 1887 gửi Thống đốc Nam Kỳ (tư liệu số Aix11.929), thì:
Có ba đợt hành quyết: ngày 1 tháng 6 có năm người, trong đó có Lê Khanh; ngày 7 tháng 6 có 12 người, trong đó có Mai Xuân Thưởng và Bùi Điền; ngày 12 tháng 6 có chín người và ngày 13 tháng 6 có một người. Tổng cộng có 27 người bị hành quyết, trong đó có một vài người là thủ lĩnh lớn nhất của phong trào Bình Định-Phú Yên.
Căn cứ vào đây thì Mai Xuân Thưởng bị xử chém vào đợt thứ hai, ngày 7 tháng 6 năm 1887, chứ không phải ngày 6 tháng 6 như tài liệu lâu nay đã ghi.
Năm 1961, nhà thơ Quách Tấn và nhiều người dân đã đứng ra vận động xây dựng lăng mộ nhà Mai Xuân Thưởng và các lãnh tụ Cần Vương khác của quê hương Bình Định. Ngày 22 tháng 1 năm đó (1961), nhân dân ở Tây Sơn đã làm lễ đưa hài cốt ông từ Phú Lạc về lăng mộ trên một quả đồi cao thuộc thôn Hòa Sơn, xã Bình Tường. Đây cũng chính là căn cứ mà lúc sinh thời, ông dựng cờ khởi nghĩa chống Pháp .
" ANH HÙNG TỬ . KHÍ HÙNG BẤT TỬ "
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn