SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : TRƯỜNG SƠN NAM - QUẦN SƠN NGỌC LINH (2605M) - VÙNG NÚI THÂM U . MỊT MÙ SƯƠNG GIÓ . (Phần 2 of 5)

22 Tháng Năm 20229:24 CH(Xem: 1628)
SÔNG NÚI NƯỚC NAM .
Khối núi Ngọc Linh hay Quần sơn Ngọc Linh là khối núi cao nhất miền Nam Việt Nam, nằm trên dải Trường Sơn, là một phần của Trường Sơn Nam. Khối núi này nằm trên phần cao nguyên phía Bắc Cao nguyên Trung Phần , Việt Nam, trong địa phận các tỉnh Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Gia Lai. Dãy Ngọc Linh có độ cao khoảng 800 - 2.600M . Đỉnh núi Ngọc Linh cao nhất độ chừng 2598M đến 2605M .
Dãy Ngọc Linh, chạy viền theo ranh giới phía Đông của huyện Đăk Glei, Tu Mơ Rông (Tou Mrong ) của tỉnh Kon Tum với các huyện Phước Sơn và Bắc Trà My, Nam Trà My của tỉnh Quảng Nam, tiếp đến là trên ranh giới giữa huyện Kon Plông tỉnh Kon Tum với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà, Ba Tơ của tỉnh Quảng Ngãi, các huyện Kbang, Đak Đoa của tỉnh Gia Lai. Dãy núi này chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam bắt đầu với ngọn núi Ngọk Lum Heo, núi Mường Hoong, Ngọc Linh, Ngọc Krinh, Ngọk Tem, Ngọk Roo. Dãy Ngọc Linh là đường phân thủy của hai hệ thống sông: một chảy sang phía Tây có sông Sê San, góp nước cho sông Mê Kông và một hệ thống chảy sang phía Đông, đổ trực tiếp ra biển Đông là các con sông Cái (đầu nguồn sông Vu Gia), sông Thu Bồn ở Quảng Nam, sông Trà Khúc ở Quảng Ngãi .
Ngoài ra , sông Ba còn gọi là sông Đà Rằng (theo tiếng Chăm cổ tức là con sông lau sậy) được bắt nguồn từ dãy núi Ngọc Linh, phía Tây bắc tỉnh Kon Tum từ núi Ngọk Roo huyện Kon Plông . Đây là một trong hai con sông lớn nhất Cao Nguyên Trung Phần có lưu vực rộng tới 13.000Km². Sông Ba gắn liền với văn hóa lâu đời của người Kinh, Ba Na, Ja Rai… sông Ba chảy qua tỉnh Phú Yên ra biển Đông .
Các đỉnh núi cao​ :
Ngok Lum Heo, cao 2116M
Mường Hoong, cao 2400M
Ngok Linh (núi Ngọc Linh), được xem là cao nhất Nam Trường Sơn (từ dãy Bạch Mã đến hết cao nguyên Nam Trung Phần) và phía Nam Việt Nam (các vùng phía Nam đèo Hải Vân) với độ cao tuyệt đối là 2.605M.
Ngọc Phan 2.251M
Ngọc Krinh nằm ở trên ranh giới hai huyện Đăk Hà và Kon Plông, cao 2.066M .
Ngọk Tem, thuộc xã Ngọk Tem huyện Kon Plông, cao 1362M
Ngọc Bôn Sơn 1.939M
Kon Bo Ria 1.500M
Ngọk Roo, nằm trên ranh giới hai huyện Kon Plông và Kbang, đầu nguồn sông Ba, cao 1509M
Kon Krông 1.330M
Quần sơn Ngọc Linh hay Khối núi Ngọc Linh là nơi khởi nguồn của các dòng sông ở Quảng Nam và Quảng Ngãi :
Sông Vu Gia bắt đầu từ các con suối ở mạn Tây bắc của khối núi Ngọc Linh và chảy qua miền núi của tỉnh Quảng Nam sau đó theo hướng Tây - Đông ra biển Đà Nẵng với tên sông Hàn .
Sông Thu Bồn khởi nguồn từ phía Đông bắc của khối núi Ngọc Linh và chảy ra Quảng Nam , có một nhánh của sông Vu Gia chia nước vào sông Thu Bồn rồi sau đó chảy ra biển Đông ở Hội An .
Suối nước Lah và Mật khu Đỗ Xá nằm trong vùng thượng nguồn sông Thu Bồn này .
Xem thêm bài đã đăng : CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : QLVNCH HÀNH QUÂN ĐỖ XÁ ( BẮC KONTUM ) NĂM 1964 .
Sông Trà Khúc bắt nguồn từ sườn núi phía Đông nam của Quần sơn Ngọc Linh với dòng suối tên là Đăk Drinh chảy ra Kon Plong phía đông tỉnh Kon Tum , rồi vòng vèo qua miền sơn thượng của tỉnh Quảng Ngãi trước khi chảy ra biển Đông .
Địa danh Ba Gia nằm trên đoạn uốn cong của dòng sông này trên vùng đồi núi phía tây Quảng Ngãi .
Đặc biệt , khu vực phía Tây nam của khối quần sơn Ngọc Linh còn là nơi đầu nguồn của con sông nước chảy ngược sang phía Tây là sông Đăk Bla chảy qua Kon Tum rồi nhập vô sông Sê San chảy qua đất Cao Miên (KamPuChia) hoà nước với sông Mê Kông . Con suối đầu nguồn nước có tên là suối Đăk Lây thuộc địa phận Tou Mrong ( Tu Mơ Rông ).

Tỉnh Quảng Ngãi nằm ở phía Bắc vĩ tuyến 15 cách Sài Gòn 877 cây số. Phía Bắc giáp Quảng Tín, Phía Nam giáp Bình Định; Phía Tây giáp Kon Tum; phía Đông là biển Đông .
Hai phần ba diện tích Tỉnh Quảng Ngãi là đồi núi . Trước năm 1975 Quảng Ngãi có mười quận: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa , Nghĩa Hành, Mộ Đức, Đức Phổ, Trà Bồng, Sơn Hà, Minh Long và Ba Tơ. Quảng Ngãi có các cửa biển Sơn Trà, Sa Kỳ, Đại Cổ Lũy , Mỹ Ý, Sa Huỳnh. và hải đảo Lý Sơn hay Hòn Ré.
Tỉnh Quảng Ngãi xưa kia là đất của Chiêm Thành, Năm 1402 Hồ Quý Ly sai Tướng Đổ Mẫn đem 15 ngàn binh thủy bộ chinh phạt . Vua Chiêm là Ba Đích dâng hai vùng đất Chiêm Động (phủ Thăng Bình, Quảng Nam) và Cổ Lũy (Quảng Nghĩa) và xin bãi binh.
Năm 1414 nhân lúc Việt Nam bị nhà Minh đô hộ, Chiêm Thành đánh lấy lại vùng đất này . Năm 1471, Vua Chiêm là Trà Toàn sang phá quấy vùng biên giới, Vua Lê Thánh Tôn dẫn 20 vạn quân thủy bộ, ngự giá thân chinh bắt được Trà Toàn. Từ đó Chiêm Thành thần phục nước ta. Vua Lê Thánh Tôn lấy đất Đồ Bàn và Cổ Lũy lập ra Đạo Quảng Nam. Quảng Ngãi là một trong ba phủ thuộc Đạo Quảng Nam và thay đổi tên nhiều lần qua các triều đại như Phủ Quảng Nghĩa (1558) Phủ Hòa Nghĩa (1788) Dinh Quảng Nghĩa (1802 ).
Ba Gia (có nơi đọc là Ba Giá) là một đồn nhỏ nằm trên ngọn đồi có tên là Gò Cao cạnh Tỉnh lộ 5 bên bờ sông Trà Khúc, cách Thị xã Quảng Ngãi khoảng 12 Km về phía Tây bắc thuộc quận Sơn Tịnh. Ba Gia, Sơn Hà và Trà Bồng là ba cứ điểm phòng ngự phía Tây của Tỉnh Quảng Ngãi. Đồn Ba Gia do một Đại Đội Địa Phương Quân trấn giữ với 2 khẩu đội pháo Binh 105 ly.
Năm 1960 đồn Ba Gia đã bị cộng sản tràn ngập và sau khi không quân oanh tạc, Quân lực VNCH mới tái chiếm được. Bộ Tư Lệnh quân khu 5 cộng sản tấn công vào đồn Ba Gia để mở màn cho chiến dịch mùa Hè trong khu vực Quảng Ngãi và Kon Tum .
Ngày 28/5/1965 Cộng quân huy động 1 trung đoàn tấn công vào đồn Ba Gia, cách tỉnh lỵ Quảng Ngãi 12 Km về phía Tây bắc.
Trước hết một đơn vị Cộng Sản địa phương tấn công một đồn Nghĩa Quân tại làng Phước Lộc. Tiểu Đoàn Trưởng TĐ1/51 BB chỉ huy 2 Đại Đội từ Ba Gia đi tiếp viện. Đơn vị Bộ Binh này đã lọt ổ phục kích của Tiểu Đoàn 90 CS tại Lộc Thọ.
Tiểu Đoàn 1/51 đã chống trả quyết liệt nhưng vì địch quân quá đông nên đơn vị bị thiệt hại nặng chỉ còn 65 Binh Sỉ và 3 cố vấn Mỹ lọt khỏi vòng vây.
Và sau đó khoảng 4.00 giờ sáng Cộng quân đã xua quân tấn chiếm từ bốn phía vào đồn Ba Gia. Trong khi địch quân vẫn tiếp tục pháo kích tới tấp vào đồn nên các khẩu pháo 105 ly không hoạt động được.
Lực lượng trú phòng cố gắng chống trả nhưng áp lực của địch quân quá đông và hỏa lực quá mạnh. Quân trú phòng cầm cự đến 6.00 giờ sáng thì căn cứ bị tràn ngập. Đến 8.00 giờ phi cơ đã oanh tạc bom lửa Napalm vào trong đồn. Ít nhất hai đại đội Cộng quân đã bị tiêu diệt.
Hành Quân Tự Lực Giai đoạn 1 :
Lực lượng phòng thủ đồn do một đại đội Địa phương quân trấn đóng, và 2 khẩu đội 105 ly. Trước áp lực quá nặng của địch, đơn vị trú phòng đã phải rời bỏ vị trí phòng ngự. Ngay sau đó, Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư lệnh Quân đoàn 1 đã mở cuộc Hành Quân Tự Lực, điều động Trung đoàn 51 Bộ binh Biệt lập, Tiểu đoàn 37 Biệt động quân thống thuộc Quân đoàn 1 và Tiểu đoàn 3 Thủy Quân Lục Chiến - đơn vị tăng phái đang hành quân tại Quảng Nam - khẩn cấp tăng viện để tái chiếm đồn Ba Gia.
Sáng ngày 30/5/1965, ba cánh quân với TĐ3TQLC là nổ lực chính tiến dọc theo Tỉnh lộ 5 ( từ Sơn Tịnh đi Sơn Hà) hướng tiến về Ba Gia. Trong khi TĐ37BĐQ theo đường An Thuyết, Vĩnh Lộc, Vĩnh Khánh tiến chiếm núi Chóp Nón và Trung Đoàn 51 Bộ Binh theo hướng Phước Lộc tiến chiếm Mã-Tổ.
Đến trưa thì mũi tiến quân của BĐQ bắt đầu chạm địch. Sau nhiều giờ giao tranh, TĐ37BĐQ đã chiếm được Chóp Nón, đánh tan Tiểu Đoàn 90 CS tịch thu trên 200 súng cá nhân và hằng trăm xác địch.
Trong lúc đó, TĐ60 CS từ Vĩnh Lộc chận mũi tiến công của TĐ3TQLC, trận chiến diển ra ác liệt TĐ3TQLC bắt được lệnh hành quân của địch với 4 mục tiêu: Chiếm đồn Ba Gia ; tiêu diệt các đơn vị tiếp viện; đánh bại lực lượng tổng trừ bị của QK 1 và dụ Mỹ đưa quân vào tiếp viện rồi tiêu diệt..
TĐ40 CS cũng đã tấn công vào trục tiến quân của Trung Đoàn 51BB. Đơn vị CS này vừa từ Đỗ Xá kéo đến thì đụng đầu với cánh quân của Trung Đoàn 51BB do Trung Tá Nguyễn Thọ Lập chỉ huy.
Chiến trận kéo dài đến 4.00 giờ chiều thì tiếng súng thưa dần.Lực lượng tiếp ứng đã gây thiệt hại nặng cho địch quân. Nhưng sau đó khoảng vài giờ, cộng quân đã huy động thêm lực lượng, dùng đại bác 57 ly và súng cối 82 ly tác xạ để yểm trợ cho Bộ Binh tấn công vào TĐ3TQLC, TĐ37 BĐQ để ngăn chận cuộc phản công của các đơn vị VNCH. Trận chiến kéo dài suốt đêm, tổn thất đôi bên đều bị thiệt hại nặng.
Khởi đầu, tuyến phòng thủ Đại Đội 4 TQLC chịu áp lực nặng nhất của địch quân, một vài nơi phòng tuyến đã bị chọc thủng. Đại Đội 2 được điều động tăng cường phản công. Suốt đêm cộng quân lại tấn công thêm một vài lần nữa nhưng bị đẩy lui.
Đồng lúc đó, quân Tiểu đoàn 45 cộng sản áp dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung tấn công vào đồi Chóp Nón do Tiểu Đoàn 37 BĐQ chiếm giữ từ ngày hôm trước. Đến 3.00 giờ sáng ngày 31/5 thì cứ điểm này bị tràn ngập. Đến sáng ngày hôm sau lực lượng tiếp viện đã thấy nhiều xác chết của binh sĩ đôi bên rải rác trên sườn đồi với dấu vết của nhiều đạn pháo kích. Trong trận nầy Tiểu Đoàn 37 BĐQ tổn thất 108 thương vong.
Để tăng cường lực lượng giải tỏa áp lực địch, bộ Tổng tham mưu QL VNCH đã điều động bộ chỉ huy Chiến đoàn B và Tiểu đoàn 1 TQLC từ Sài Gòn ra Quảng Ngãi .
Trận tái chiếm Ba Gia Giai đoạn 2:
Ngày 1/6/1965, ngay sau khi đến nơi, chiến đoàn B/TQLC gồm 2 tiểu đoàn 1 và 3 đã cùng với trung đoàn 51 Bộ binh khởi động giai đoạn 2 của cuộc phản công. Tiểu đoàn 1 TQLC do Thiếu Tá Tôn Thất Soạn làm Tiểu Đoàn Trưởng kiêm nhiệm Chiến Đoàn Trưởng , được trực thăng vận xuống vùng hành quân thay thế Tiểu đoàn 37 BĐQ- (đơn vị BĐQ này đã đánh bại Tiểu Đoàn 90 CS đẩy địch quân ra khỏi mục tiêu Chóp Nón, tịch thu hơn 200 vũ khí nhưng sau đó địch đã dồn lực lượng chọc thủng phòng tuyến, tiểu đoàn bị tổn thất 108 binh sĩ , chưa kịp tản thương và bổ sung đạn dược nên phải dời về tuyến sau.) và Tiểu Đoàn 3 TQLC do Thiếu Tá Nguyễn Thế Lương làm Tiểu Đoàn Trưởng. Trong giai đoạn này chỉ có những cuộc chạm súng lẻ tẻ không đáng kể. Các đơn vị lục soát quanh khu vực căn cứ Ba Gia, một ĐĐ/ĐPQ được đưa tới tái chiếm và sửa chữa vị trí phòng thủ của đồn. 2 khẩu pháo 105 ly cũng được thay thế.
Liên Kết 66: Chiến đoàn B và Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù tại mặt trận Ba Gia, giai đoạn 3:
Sau khi giai đoạn 2 kết thúc, tin tức tình báo ghi nhận từ một cán binh CS thuộc Sư đoàn 3 Sao Vàng ra hồi chánh đêm trước cho biết: địch tuy bị thiệt hại trong mấy ngày qua, nhưng vẫn chưa từ bỏ ý định tấn chiếm Quảng Ngãi. Lực lượng tiếp viện là đại bộ phận của sư đoàn 3 Sao Vàng CS đã tiến về hướng Tây bắc của đồn Ba Giá và Núi Tròn.
Để vô hiệu hóa kế hoạch và ý đồ của địch, bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 quyết định điều động chiến đoàn B/TQLC mở cuộc hành quân ‘Liên Kết 66’ truy kích, trong đợt này Chiến đoàn B được tăng cường Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù do Thiếu Tá Nguyễn Khoa Nam làm Tiểu Đoàn Trưởng. (Thật sự, Thiếu Tướng Thi đã xin tăng viện hai Tiểu đoàn Nhảy Dù Việt Nam và một Tiểu Đoàn TQLC của Hoa Kỳ nhưng yêu cầu của Thiếu Tướng Thi không được đáp ứng hoàn toàn).
Nỗ lực chính của cuộc hành quân là Tiểu đoàn 1 TQLC và Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù, riêng Tiểu đoàn 3 TQLC làm thành phần trừ bị.
Theo kế hoạch, Tiểu đoàn 1 TQLC từ vị trí đóng quân đêm ở Ba Gia được đoàn trực thăng của TQLC Hoa Kỳ không vận xuống bãi đáp 1 để tiến chiếm hai mục tiêu A và B ở hướng Bắc và Tây bắc đồn Ba Gia. Sau khi bộ chỉ huy Chiến đoàn B và Tiểu đoàn 1 TQLC hoàn tất cuộc đổ quân, đoàn trực thăng quay về phi trường Quảng Ngãi để bốc Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù trực thăng vận xuống bãi đáp 2, chiếm hai mục tiêu C và D ở hướng chính Bắc của đồn Ba Gia, nằm giữa Ba Gia và các mục tiêu A, B với mục đích càn quét tất cả các đơn vị cộng quân còn lẩn khuất trong vùng từ đồn Ba Gia lên tận sông Trà Bồng ở phía Bắc kéo dài ra tới Quốc Lộ 1.
Ngày 2/5/1965, 7.00 giờ sáng ngày N, Thiếu tá Tôn Thất Soạn, Chiến Đoàn Trưởng, ngồi trên trực thăng chỉ huy, bay bao vùng và chọn lựa bãi đáp để đổ quân, hộ tống chuyến bay có hai trực thăng võ trang (gunships). Để tạo yếu tố bất ngờ, chiến đoàn không dùng phi pháo để dọn bãi đáp và bắn vào các mục tiêu. Đến giờ G, trực thăng lần lượt đổ quân từng đại đội của Tiểu đoàn 1 TQLC xuống bãi đáp và ồ ạt chiếm mục tiêu.
Địch quân phản ứng dữ dội trong các giao thông hào, sau một giờ giao tranh các đơn vị TĐ1TQLC cũng làm chủ chiến trường tiến chiếm mục tiêu A và B. Các đơn vị báo cáo: tịch thu nhiều vũ khí, một số cộng quân đang chạy về mục tiêu C".
Cánh quân của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù cũng vừa xuống bãi đáp, Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Khoa Nam tung 2 Đại Đội đi đầu tiến chiếm bìa làng mục tiêu C, địch quân đã chuẩn bị nghinh chiến trong các công sự phòng thủ kiên cố và chống trả ác liệt.
Các Thiên Thần Mũ Đỏ không hề nao núng, đã dàn đội hình thần tốc xung phong chiếm mục tiêu, cộng quân hoảng sợ bỏ chạy tán loạn. Các chiến sĩ Nhảy Dù đã phá tan đội hình kháng cự của địch, thu được một số vũ khí, có một số binh sĩ TQLC đang tràn qua mục tiêu C để thu lượm chiến lợi phẩm, Thiếu Tá Nam đã yêu cầu BCH Chiến Đoàn tránh ngộ nhận. Cuối cùng Cánh A Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù chiếm xong mục tiêu C trong vài giờ giao tranh. Tiếp theo đó, Tiểu Đoàn 5 ND tung cánh B của đơn vị này tiếp tục tấn chiếm mục tiêu D, thu thêm một số vũ khí, phát giác nhiều hầm hố địch. Đơn vị Nhảy Dù có 3 tử thương, 7 bị thương. Sau nửa ngày quần thảo với địch quân, tiểu đoàn 1 TQLC và tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đã hoàn toàn chiếm xong các mục tiêu. Tổng kết: 2 đơn vị Dù và TQLC có 10 chiến binh hy sinh, 22 bị thương, vũ khí bảo toàn. Về phía cộng quân có khoảng 100 xác nằm rải rác trên trận địa, 85 vũ khí bị tịch thu.
Sau giai đoạn 3, Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù xuất phái khỏi hệ thống của Chiến đoàn B/ TQLC. Và TĐ1TQLC tiếp tục hành quân yểm trợ cho một Đại Đội ĐPQ tái chiếm quận Sơn Hà.
Tổng kết :
* Thiệt hại về phía VNCH có 80 tử thương, bị thương và mất tích khoảng 312 mất 446 súng cá nhân.
* Về phía CS ghi nhận có 556 bỏ xác tại trận, 37 tù binh.

ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT .
Anh Hùng Dân Tộc Trương Công Định .
Trương Định (1820 – 1864) hay Trương Công Định hoặc Trương Trường Định, là võ quan triều Nguyễn, và là thủ lĩnh chống Pháp giai đoạn 1859 – 1864, trong lịch sử Việt Nam.
Tóm lược tiểu sử​ :
Trương Định sinh tại làng Tư Cung, phủ Bình Sơn, Quảng Ngãi (nay là xã Tịnh Khê, Tx Quảng Ngãi, Tỉnh Quảng Ngãi). Cha ông là Lãnh binh Trương Cầm, từng là Hữu thủy Vệ uý ở Gia Định dưới thời vua Thiệu Trị.
Năm 1844, Trương Định theo cha vào Nam. Sau khi cha mất, ông trú ngụ ngay nơi cha đóng quân. Sau đó, ông kết hôn với bà Lê Thị Thưởng, vốn là con gái của một hào phú ở huyện Tân Hòa (Gò Công Đông ngày nay).
Năm 1850, hưởng ứng chính sách khẩn hoang của tướng Nguyễn Tri Phương, Trương Định xuất tiền ra chiêu mộ dân nghèo lập đồn điền ở Gia Thuận (Gò Công), vì thế, ông được nhà Nguyễn bổ làm Quản cơ, hàm chánh lục phẩm .
Trở thành thủ lĩnh chống Pháp :
Năm 1861, Pháp tấn công Gia Định lần thứ nhất , Trương Định đem quân phối hợp với binh của tướng Nguyễn Tri Phương phòng giữ chiến tuyến Chí Hòa. Khi Đại đồn Chí Hòa thất thủ, ông lui về Gò Công, cùng Lưu Tiến Thiện, Lê Quang Quyền chiêu binh ứng nghĩa, trấn giữ vùng Gia Định-Định Tường.
Ở đây, Trương Định tổ chức lại lực lượng, triển khai tác chiến trong các vùng Gò Công, Tân An, Mỹ Tho, Chợ Lớn, Sài Gòn, Đồng Tháp Mười và kéo dài đến tận biên giới Kampuchia.
Kể về ông ở giai đoạn này, sử nhà Nguyễn chép:
Trương Định am hiểu võ nghệ, dũng cảm, mưu lược. Tự Đức năm thứ 14 (1861), thành Gia Định hữu sự, Trương Định hưởng ứng việc nghĩa, chiêu mộ thú dõng được hơn 6.000 người, lại kiêm quản những đầu mục thân hào mộ việc nghĩa, dồn lập 18 cơ quân, luôn chống đánh người Pháp, thu được súng ống khí giới và đúc chế thêm để dùng, được bạt bổ làm Quản cơ lĩnh Phó Lãnh binh Gia Định.
Ngày 5 tháng 6 năm 1862, triều đình Huế ký kết hòa ước với Pháp. Cũng theo sử nhà Nguyễn thì:
Tháng 7 năm 1862...từ khi đã định hòa ước rồi, Ngài (Tự Đức) truyền dụ Nam Kỳ nghỉ binh và đòi Trương Định ra Phú Yên. Khi ấy trong các tỉnh Gia Định, Định Tường, Biên Hòa những người ứng nghĩa rủ nhau đoàn kết, tôn Trương Định làm Đại đầu mục, xin cho ra đánh, Đình thần nghị rằng: "bây giờ việc Bắc Kỳ đương khẩn, mà Nam Kỳ chưa có cơ hội gì, xin giao Phan Thanh Giản hiểu dụ". Nhưng Trương Định đã lâu mà không chịu về cung chức, bị cách chức hàm.
Trên thực tế, ông đã từ chối thư dụ hàng của tướng Pháp là Bonard, bất chấp chiếu vua ra lệnh bãi binh do Phan Thanh Giản truyền vào và rút quân về Gò Công, xưng là Trung thiên tướng quân, và được nhân dân tôn là Bình Tây Đại Nguyên soái, lấy nơi này làm bản doanh, xây dựng các căn cứ địa kháng chiến.
Ngày 16 tháng 12 năm 1862, Trương Định đã ra lệnh tấn công các vị trí của quân Pháp ở cả ba tỉnh miền Đông Nam Bộ, đẩy Pháp vào tình thế lúng túng, bị động. Tháng 2 năm 1863, nhờ có viện binh, Pháp phản công tại Biên Hòa, Chợ Lớn, bao vây Gò Công. Ngày 26 tháng 2 năm 1863, Pháp đánh chiếm thành trì, ông thoát khỏi vòng vây và kéo quân về Biên Hòa.
Tháng 9 năm 1863, tướng Lagrandière sang thay Bonard, mở cuộc càn quét thứ hai, bắt được vợ con và một số tùy tùng của Trương Định.
Ngày 19 tháng 8 năm 1864, Hoàng Công Tấn phản bội dẫn đường cho quân Pháp bất ngờ bao vây đánh úp. Bản doanh Đám lá tối trời thất thủ, Trương Định bị trọng thương gãy xương sống. Về cái chết của ông, các nguồn không thống nhất về việc ông có tuẫn tiết hay không. Hầu hết các nguồn cho rằng ông đã tuẫn tiết để khỏi rơi vào tay giặc . Mặt khác, theo Việt sử Tân Biên của Phạm Văn Sơn, "ông và 28 người tùy thuộc bị bắn chết". Khi ấy, ông 44 tuổi.
Hay tin Trương Định tuẫn tiết vua Tự Đức sai truy tặng ông phẩm hàm, và năm 1871 lại cho lập đền thờ ông tại Tư Cung (Quảng Nghĩa). Con ông là Trương Quyền đã rút lên vùng Châu Đốc tiếp tục chống Pháp thêm 6 năm nữa.
Nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu đã làm 12 bài thơ và một bài văn tế điếu ông.
Trích giới thiệu một bài:
Trong Nam, tên họ nổi như cồn
Mấy trận Gò Công nức tiếng đồn
Đấu đạn hỡi rêm tàu bạch quỷ
Hơi gươm thêm rạng vẻ Hoàng Môn
Ngọn cờ ứng nghĩa trời chưa bẻ
Quả ấn Bình Tây đất vội chôn
Nỡ khiến anh hùng rơi giọt luỵ
Lâm dâm ba chữ điếu linh hồn.
Từ đó đến nay, nhiều tên đường tại các thành phố và tên trường học ở Việt Nam được mang tên Trương Công Định .
Đối với nhân dân, đặc biệt là Gò Công và miền Nam, xem Trương Định là người Anh Hùng Dân Tộc. Và, là vị thần bảo hộ cuộc sống của mình.
Qua bao đời nay, người dân Gò Công đã xây dựng, tu sửa, tôn tạo mộ, đền thờ và dựng tượng Trương Định. Hàng năm, tại Gò Công long trọng tổ chức lễ cúng tế, tưởng nhớ Trương Định.
Trước năm 1975, hàng năm lễ giỗ Trương Định được tổ chức vào ngày 17 và 18 tháng 7 Âm lịch. Từ năm 1975 đến nay, hàng năm, vào 2 ngày 19 và 20-8 Dương lịch, Gò Công tổ chức Lễ hội Ghi nhớ Công đức Anh Hùng Trương Công Định.
Đây là một trong những lễ hội lớn ở miền Nam, hướng về cội nguồn, tưởng nhớ công đức của tiền nhân đối với dân tộc và đất nước./.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn