NHỮNG NGÀY XƯA GHI DẤU SỬ XANH : GIỜ NÀY ANH Ở ĐÂU ? DẤU CHÂN "CHIẾN SĨ VÔ DANH" ĐỊA PHƯƠNG QUÂN&NGHĨA QUÂN - VNCH

14 Tháng Tư 20229:10 CH(Xem: 2617)
Thánh Tổ Địa Phương Quân & Nghĩa Quân VNCH : Lê Lợi - Lê Lai.
Lịch sử hình thành​
A. Địa Phương Quân:
Bảo an đoàn được thành lập năm 1955 trên cơ sở thống nhất các Lực lượng cảnh bị cũ ở các Phần hoặc Miền: Bảo chính đoàn ở Bắc Việt, Nghĩa dũng đoàn ở Trung Việt, Việt binh đoàn ở Nam Việt của Quốc Gia Việt Nam, thu nạp thêm một bộ phận các tín đồ Thiên Chúa giáo Miền Bắc di cư vào Nam năm 1954. Trong thời gian từ ngày 8 tháng 4 năm 1955 Lực lượng Bảo an đoàn trực thuộc Bộ Nội vụ Việt Nam Cộng Hòa.
Bảo an và Dân vệ là chiến sĩ làm nhiệm vụ Cảnh sát Hành chính ở miền Nam Việt Nam, hoạt động giữ gìn trật tự trị an ở từng Địa phương (bao gồm nông thôn, thành thị, đồng bằng, cao nguyên, sông ngòi và hải đảo). Tổ chức đầu tiên là Nha Tổng giám đốc Bảo an gồm có nhiều Sở. Mỗi Phần hoặc Miền tổ chức một Nha. Mỗi tỉnh có một Tỉnh đoàn Bảo an.
Đến ngày 19 tháng 11 năm 1955, Bảo an đoàn trực thuộc Phủ Tổng thống. Tháng 11 năm 1960, chuyển sang trực thuộc Bộ Quốc phòng.
Ngày 1 tháng 5 năm 1964, Bảo an đoàn đổi tên thành Địa Phương Quân và tổ chức thành các Đại đội (khoảng 100 người). Cùng thời điểm Nha Tổng giám đốc Bảo an đổi tên thành Bộ chỉ huy Trung ương, sau đó là Bộ tư lệnh Địa Phương Quân và Nghĩa Quân.
Từ đây, Địa Phương Quân và Nghĩa Quân trực thuộc Bộ Tổng tham mưu, hoạt động trên các Quân khu và dưới quyền điều động trực tiếp của các Tiểu khu, Chi khu (Quận). Các Đại đội được nâng lên cấp Tiểu đoàn, rồi Liên đoàn.
Địa Phương Quân có nhiệm vụ tảo thanh, tiêu diệt các đơn vị du kích và bộ đội địa phương của địch quân tại khu vực trách nhiệm. Hỗ trợ Nghĩa quân giữ an ninh làng, xã. Ngăn chặn các trục giao liên, vận chuyển của địch. Phá vỡ các cơ sở địa phương và cơ cấu kinh tài của địch.
B. Nghĩa Quân:
Tiền thân của Nghĩa Quân là Dân vệ đoàn được thành lập để thay thế các Tự vệ Hương thôn và bảo vệ an ninh xã, ấp.
Tổ chức Dân vệ thành một Nha Trung ương rồi xuống Khu Thanh tra Dân vệ, Phòng Dân vệ Tỉnh, Phòng Dân vệ Quận và Xã đoàn Dân vệ. Về sau trực thuộc Nha Tổng Giám đốc Bảo an.
Ngày 12 tháng 5 năm 1964, Dân vệ đoàn đổi tên thành Nghĩa Quân. Tổ chức đến cấp Trung đội và Liên Trung đội. Nhiệm vụ chính hoạt động trong phạm vi cấp Chi khu, Phân chi khu (Xã).
Địa Phương Quân và Nghĩa Quân là lực lượng chịu nhiều thương vong trong chiến tranh Việt Nam, thương vong của lực lượng này chiếm 25% tổng số thương vong của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
" Anh Hùng Vô Danh” Địa Phương Quân và Nghĩa Quân
Những người lính Địa Phương Quân âm thầm của một tiền đồn xó núi. Địa Phương Quân, cái tên nghe khiêm nhường và hiền lành như đất, như bộ đồ xanh bạc màu của các anh. Địa Phương Quân, thứ lính...âm thầm nhất trong các thứ lính của quân lực; không màu mè, không áo rằn ri, không có những huyền thoại khủng khiệp, không "truyền thống, binh chủng" không có đến những khẩu hiệu nẩy lửa chết người. Nhưng Địa Phương Quân Pleiku chiều hôm qua đã bình tỉnh xin "cho nó nổ trên đầu tôi". "Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi bạn ơi". Xin vĩnh biệt và cảm tạ. Cảm tạ các anh đã đem cái qúi giá nhất của cuộc đời là mạng sống mình để đổi lấy cho quê hương dù đã rách nát tả tơi còn có được những ngày xanh hy vọng. Cho buổi hợp chợ ban mai, dù nghèo nàn thưa thớt vẫn còn được an bình. Cho ngôi trường quận lỵ thấp lè tè những mái tôn cháy nắng còn rộn tiếng trẻ thơ cười. Cho mái chùa cong cong nơi sườn núi còn được ngân lên những hồi chuông tín mộ. Và cho những người ở lại như tôi đây biết rằng mình sống tức còn nợ phải trả.... Các anh chính là những người được mô tả trong một bài học thuộc lòng tôi thuộc làu làu lúc còn là một đứa bé :
Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa quyết liều thân
Để bảo vệ tự do cho tổ quốc
Trong chiến đấu không nài muôn khó nhọc
Cười hiểm nguy bất chấp nỗi gian nan
Người thất cơ đành thịt nát xương tan
Những kẻ sống lòng son không biến chuyển
Tuy tên họ không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khẩn nguyền dâng lễ vật
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và linh hồn chung với tấm tình trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống Việt.

Xin thành kính viết lại một phần bài thơ của Đằng Phương để tặng các anh.
Các anh chính là những "Anh Hùng Vô Danh". Tổ Quốc Việt Nam, dân tộc Việt Nam ngàn đời sẽ còn ghi ơn các anh. Xin vĩnh biệt và cảm tạ.
Lính Nghĩa Quân ở các quận nói chung rất gan dạ, chiến đấu trường kỳ không hề than van ,họ có ưu diểm sống gần nhà ,gần quê quán nên không dám làm gì sai quấy sợ bà con chê cười. Anh em ĐPQ/NQ rất sợ mất lòng dân nên họ giữ gìn kỷ luật rất giỏi. Đây chỉ là nhận xét chung chung ,không có ý so sánh với các binh chủng đàn anh.Bởi vì các trận đánh lớn binh chủng Nhảy Dù ,Thủy Quân Lục Chiến ,Biệt Động Quân v.v.. xứng đáng bậc đàn anh vang lừng trong quân sử còn NQ/ĐPQ chỉ sở trường những trận nhỏ không tên mà thôi.


MẶT TRẬN TIỂU KHU DARLAC (DAKLAK) 10-3-1975.
Từ 9 giờ 30 sáng ngày 10 tháng 3 năm 1975, các mũi tiến quân của Cộng quân từ hướng bắc và hướng Tây bắc đã hoàn toàn tràn ngập trung tâm thành phố và tập trung nổ lực tấn công Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu nằm trên đại lộ Thống Nhất.
Bộ đội và chiến xa T-54 của Cộng quân từ khuôn viên nhà thờ chính tòa tràn qua ngã Sáu, chiếm Câu Lạc Bộ Biên Thùy, khu cư xá sĩ quan, nằm trên Ngã Ba đại lộ Thống Nhất và đường Lê Lợi, nhưng không tràn qua được khu vườn hoang của Bác Sĩ Tôn Thất Niệm, nằm sát hệ thống công sự phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.
Lực lượng phòng vệ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu phản công quyết liệt. Một chiếc T-54 của Cộng quân bị bắn cháy. Dù với chiến thuật biển người và với BKZ 82 ly cùng đại bác 100 ly trang bị cho T-54 bắn trực xạ không ngừng vào hệ thống công sự phòng thủ của tiểu khu, Cộng quân vẫn chưa tiến sát được vào hệ thống công sự phòng thủ này.
Tinh thần chiến đấu và lòng dũng cảm của những chiến sĩ thuộc Tiểu Khu quả thật không thể tưởng tượng. Cứ mỗi đợt tiến công của Cộng quân là những tràng đại liên, M-79 (súng phóng lựu) và M-16 từ các công sự phòng thủ xối xả phản kích làm cho bước tiến quân của Cộng quân đã phải ngừng lại.
Cộng quân lui về cố thủ khu vực cư xá sĩ quan và Câu Lạc Bộ Biên Thùy, đồng thời chia quân tràn qua đại lộ Thống Nhất đánh chiếm Tòa Án, bưu điện, tòa nhà Đại Biểu Chính Phủ, và tiếp tục thực hiện trận mưa pháo bằng đại bác 100 ly từ các chiến xa T-54 và đại bác130 ly cùng hỏa tiễn 122 ly từ hướng Tây thị xã (khu vực Bandon) đổ vào Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu.
Mười một giờ 20, một chiếc T-54 của Cộng quân tiến vào cổng trước Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu trên đường Thống Nhất đã bị bắn hạ. Tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Tiểu Khu càng lên cao.
Mười một giờ 45, hai chiếc Commando Car (thiết giáp với bốn bánh cao su, không xích sắt) của Thiết Đoàn 8 từ hướng chùa Khải Đoan theo đường Quang Trung qua Tôn Thất Thuyết để tiến về đánh bọc hậu lực lượng của Cộng quân đang công hãm Tiểu Khu.
Nhưng khi đến ngã Ba Ama Trang Long Tôn Thất Thuyết, các chiến sĩ Thiết Đoàn 8 bị lực lượng của Cộng quân từ ngã Sáu tràn xuống chận đánh. Hai chiếc Commando Car bị Cộng quân bắn cháy trước Bar Quốc Tế. Nhưng các chiến sĩ của Thiết Đoàn 8 đã len theo khu phố Ama Trang Long để tiến về hướng Tiểu Khu.
· Cũng giờ này, khu chợ Ban Mê Thuột, từ đường Quang Trung chạy dọc theo đường Y Jút đến Ama Trang Long bị trúng đạn và bốc cháy dữ dội. Nhà hàng Thanh-Thế mới khai trương, cũng tân kỳ không thua gì nhà hàng Thanh-Thế ở đại lộ Lê-Lợi Sài Gòn, giờ đây đang là một biển lửa.
· Dãy phố bên kia đường Ama Trang Long, đối diện với nhà hàng Thanh Thế như tiệm Rồng Vàng, nằm mặt sau của Ty Cảnh Sát cũ đã là một bãi gạch vụn.
· Khu phố nằm trên đường Y Jút, đối diện với chợ Ban Mê Thuột như nhà của Bác Sĩ Tôn Thất Hối đã bị sập.
Cho đến giờ này, 11 giờ 45 ngày 10 tháng 3 năm 1975, các chiến sĩ của Tiểu Khu Darlac vẫn cố thủ Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, và lực lượng của Cộng quân từ 2 mặt, phía Bắc, tức là khu cư xá sĩ quan và mặt tiền Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu, tức là từ Bưu Điện, tòa nhà Đại Biểu Chính Phủ đã bám sát hệ thống công sự phòng thủ của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu. Những trận đánh xáp lá cà đẫm máu đã xảy ra dọc theo hệ thống công sự phòng thủ.
Một giờ 15 trưa ngày 10 tháng 3 năm 1975, Trung Tâm Hành Quân của Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu bị trúng pháo, mọi liên lạc truyền tin bị phá hủy.
Mười bốn giờ 20 ngày thứ Hai, 10 tháng 3 năm 1975, Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu Tỉnh Darlac thất thủ, sau hơn 7 tiếng đồng hồ giao tranh với lực lượng biển người của Cộng quân có chiến xa T-54, và các loại đại pháo yểm trợ, mà không có được một đơn vị bạn nào tiếp cứu.
Sáu mươi ngàn dân thị xã Ban Mê Thuột mãi mãi ghi nhớ chiến công, lòng dũng cảm và tinh thần kỷ luật của các chiến sĩ Tiểu Khu Darlac trong những giờ phút lâm nguy đã cố gắng và hy sinh để làm tròn bổn phận cho đến hết sức mình :
· Xin gởi tấm chân tình sâu xa nhất của chúng tôi đến Trung Tá Vĩnh Hy, người trực tiếp chỉ huy mặt trận, với những trận tấn công và đánh xáp lá cà cùng lực lượng biển người của quân thù, và để đến giờ phút cuối đành di tản Bộ Chỉ Huy Tiểu Khu để bảo toàn lực lượng.
· Xin anh linh của những chiến sĩ đã sống hùng thác thiêng, phù trợ cho thành phố này và những đồng đội của mình trên những chặng đường di tản. Các vị mãi mãi là những anh hùng và thần linh của thành phố này.

LIÊN ĐOÀN 922 ĐỊA PHƯƠNG QUÂN&NGHĨA QUÂN TIỂU KHU KHÁNH HÒA CÙNG CÁC BINH CHỦNG VNCH ĐÁNH CHẬN CỘNG QUÂN TẠI PHÒNG TUYẾN KHÁNH DƯƠNG .
Khánh Dương là một thị trấn nhỏ, nằm ở độ cao khoảng 1,000M, cạnh Quốc lộ 21, nối liền vùng Cao Nguyên Ban Mê Thuột với vùng duyên hải Tỉnh Khánh Hòa, cách QL-1 khoảng 60Km. Khánh Dương là vùng đất đồi núi trong khung cảnh thiên nhiên bao quanh bởi những khu rừng già thật hùng vĩ, như che chở sự sống bình yên cho những người dân di cư trú ngụ từ bốn phương trời. Hầu hết, họ là những gia đình quân nhân di hành theo bước quân ngũ đến đây lập nghiệp sinh sống. Quanh Khánh Dương là những bản Thượng có nhiều sắc dân thiểu số hiền hòa sinh sống, đông đảo nhất là sắc tộc Ê-Đê. Họ sinh sống với nghề ruộng rẫy, săn thú rừng và tiểu công nghệ.
Cách Khánh Dương về hướng Đông dọc theo Quốc lộ 1 không bao xa, núi Đá Bia nằm trên Đèo Cả thuộc Phú Yên và dãy núi phía tây Ninh Hòa sừng sững khối đá lớn đứng nhìn ra biển gọi là hòn Vọng Phu, hay còn gọi là núi Mẹ Bồng Con.
Vào những ngày đầu năm 1975, dưới áp lực của địch đè nặng trên cao nguyên, phòng thủ Khánh Dương được tăng cường Trung đoàn 40 thuộc SĐ22BB và hai TĐ/ĐPQ thuộc Liên đoàn 922 Địa Phương Quân thuộc Tiểu Khu Khánh Hòa trấn giữ. Sau khi chiếm lĩnh trọn vùng Cao Nguyên gồm các Tỉnh Buôn Ma Thuột, Kontum và Pleiku, cộng quân muốn tiến về vùng duyên hải để tiến chiếm Khánh Hòa, Phú Yên và Qui Nhơn nên bằng mọi giá họ phải bứng Khánh Dương.
Lực Lượng Địch
- SĐF10 dưới sự chỉ huy của Thượng tá Hồ Đệ và Chính ủy Thượng tá Lã Ngọc Châu với 3 Trung đoàn 24, 28 & 66
- SĐ320 dưới sự chỉ huy của Đại tá Nguyễn Kim Tuấn, Sư đoàn trưởng, và Thượng tá Bùi Huy Bổng, Chính ủy, đã bị thiệt hại nặng khi đụng độ với Nhảy Dù ở Thường Đức chỉ còn Trung đoàn 25 tham chiến tại đây - SĐ316 CSBV do Đại tá Đàm Văn Ngụy, Sư đoàn trưởng, Thượng tá Hà Quốc Toản, Chính ủy và Thượng tá Hải Bằng, Phó Tư lệnh Sư đoàn (trừ bị tại Buôn Ma Thuột)
- Sư đoàn 968 do Thanh Sơn làm Sư đoàn trưởng hoạt động tại chiến trường Nam Lào vừa trở về Việt Nam tham gia chiến dịch Tây Nguyên: Sư đoàn chỉ có 2 Trung đoàn là E19 và E29 và một số đơn vị trực thuộc - Trung đoàn 40 pháo binh gồm 48 khẩu pháo đủ loại và phòng không. Do Nguyễn Hữu Vinh chỉ huy
- 1 Trung đoàn 273 Chiến Xa do Lê Mai Ngọ chỉ huy
- Trung đoàn 198 Đặc Công do Trần Kinh chỉ huy
- 2 Trung đoàn Công Binh, Một Trung đoàn Thông Tin.
Lực Lượng Bạn
- Trung đoàn 40/SĐ22 Bộ Binh do Trung tá Nguyễn Thanh Danh làm Trung đoàn trưởng
- Liên đoàn 21 BĐQ do Thiếu tá Lê Quí Dậu làm LĐT tại phía Nam Thị Xã Buôn Ma Thuột
- Lữ đoàn III Nhảy Dù, LĐT là Trung tá Lê Văn Phát, Trung tá Trần Đăng Khôi LĐP gồm:
* TĐ2ND, TĐT Thiếu tá Trần Công Hạnh; Thiếu tá Phương TĐP
* TĐ5ND, TĐT Trung tá Bùi Quyền, Thiếu tá Võ Trọng Em TĐP
* TĐ6ND, TĐT Trung tá Nguyễn Hữu Thành, Thiếu tá Trần Tấn Hòa TĐP
* TĐ2 Pháo Binh Nhảy Dù, TĐT là Thiếu tá Nguyễn Ngọc Triệu
* Đại Đội 3 Trinh Sát Nhảy Dù, ĐĐT là Đại úy Nguyễn Viết Hoạch.
- 2 Tiểu đoàn thuộc Liên đoàn 922 Địa Phương Quân/Tiểu Khu Khánh Hòa
- Chi Đoàn 2/Thiết Đoàn 8 Kỵ Binh gồm 15 Thiết vận xa M113
- Sư đoàn 6 Không Quân trực tiếp yểm trợ không yểm ...

ANH HÙNG TỬ . KHÍ HÙNG BẤT TỬ .
Một Tiểu đoàn Trưởng Địa Phương Quân tỉnh Bình Định tự sát ngay trước quận đường Phù Cát. Cùng lúc diễn ra trận chiến tại Qui Nhơn Tại Căn cứ Không quân Phù Cát, sau 2 ngày đêm tổ chức cố thủ, Trung đoàn 47/Sư đoàn 22 Bộ Binh đã bị Cộng quân tấn công cường tập. Trong đêm, Trung đoàn này rút về Qui Nhơn thì bị phục kích tại quận lỵ Phù Cát, bị thiệt hại gần 50% lực lượng, Trung đoàn Trưởng là Đại Tá Lê Cầu đã bị quân cộng sản bắt sống. Cộng quân đã chiếm quận lỵ này vào buổi chiều. Thi hài của vị Tiểu đoàn trưởng Địa phương quân (các tài liệu không ghi rõ tên) vẫn còn nằm nguyên trước văn phòng Quận Phù Cát. Thay vì đầu hàng địch quân, vị Tiểu đoàn trưởng này quyết định tự sát.
MẶT TRẬN CHI KHU THỦ THỪA - T/K LONG AN ( 08-4-1975)
Quân dân quận Thủ Thừa chộn rộn hẳn lên trong không khí chiến tranh. Hai tiểu đoàn Địa Phương Quân đổ xuống ngập chợ. Quận lỵ Thủ Thừa nhỏ bé chứa toàn lính là lính. Lấy văn phòng quận làm tâm điểm, một tiểu đoàn cánh trái, một tiểu đoàn cánh phải, lần lượt qua sông dàn quân xuất phát. Từ trên một cái nóc của công sự phòng thủ, chi khu đã liên lạc với cả hai cánh quân, trên sáu trăm người lính dàn hàng ngang đã tạo một chiều dài cả cây số.
Chưa có lệnh xuất phát, vì khi xã Lợi Bình Nhơn thất thủ, chi khu đã ra lệnh cho Đại úy Hải đại đội biệt lập vượt sông Vàm Cỏ về làm tuyến án ngữ phía cầu Long An để chặn đặc công CS có thể xâm nhập vùng đó phá cầu, đồng thời cũng để dò xét dọc sông Vàm Cỏ xem CS có ém quân tại đó hay không. Đại úy Hải chạm súng rất lẻ tẻ chứng tỏ chỉ có du kích quân quấy rối quân ta ở vùng sông Vàm Cỏ mà thôi. Cánh trái của phía cầu Long An đã có quân bạn, hai tiểu đoàn bắt đầu xuất quân. Trời tháng tư, chưa vào mùa cày cấy, đất khô và nứt nẻ, những thửa ruộng bỏ trống đã làm cho quân ta có một xạ trường quan sát rất là xa.
Hai cánh quân liên lạc hàng ngang tiến song song. Từ trên lô cốt, chi khu theo dõi bằng mắt và giữ liên lạc máy với hai tiểu đoàn trưởng.
Hai tiểu đoàn ĐQP (Tiểu Khu Long An) đi khoảng ba trăm thước thì bắt đầu chạm địch. Điều khủng khiếp nhất là chạm súng trên một tuyến dài cả cây số, hỏa lực của địch đàn áp trận địa, súng nổ rền trời, đạn bay vun vút, xé gió như mưa bão nhắm vào quân bạn.
Đạn cày dưới chân như đàn dế rúc. Đủ loại súng mạnh, cối 61, 82 và 131 ly choảng liên hồi về phía bạn. Quân ta chỉ chống trả bằng những vũ khí cá nhân, vì là khu dân chúng nên không thể dùng hỏa lực pháo binh. Không thể ngờ được! Sau những đợt hỏa lực dũng mãnh, cộng quân bắt đầu xung phong và tràn ngập. Chúng ùa lên đen cả cánh đồng trước mặt, nhưng cuộc cận chiến đã không xảy ra, vì trước thế tấn công biển người tàn bạo, hai tiểu đoàn ĐQP đã tháo lui.
Chỉ chớp nhoáng là sáu trăm người lính hoảng hồn đâm đầu xuống nước. Hai tiểu đoàn tinh nhuệ đã bị địch áp đảo đến nỗi không còn sức phản công. Điểm may mắn cuối cùng là có con sông thiên nhiên chắn lối, nếu không, sự tháo lui của hai tiểu đoàn đã lôi theo cả sáu chục ngàn dân trong quận và Thủ Thừa sẽ thất thủ vào tay cộng quân , tình hình bất ngờ xảy ra giữa muôn ngàn lằn đạn của quân thù. Sự lâm nguy của hai tiểu đoàn làm quên cả cái chết, nếu không phản ứng kịp thì chỉ trong năm mười phút nữa, cộng quân sẽ tràn đến, chúng sẽ tha hồ xả súng tiêu diệt quân ta đang loi ngoi lóp ngóp dưới sông.
Nhưng niềm may cuối cùng đã đến, cũng là do lòng trời còn thương đến cái mạng quèn của tôi và đám quân dân, thản hoặc, sự linh thiêng của Đức Tiền Quân Nguyễn Huỳnh Đức đã xui khiến ra không chừng. Số là cái rạch Thủ Thừa ăn thông với sông Vàm Cỏ. Tại đây nó bị ảnh hưởng của nưóc thủy triều, khi lên khi xuống, và nếu gặp nước ròng thì tàu bè xuống thấp, có khi mũi tàu chưa lên cao bằng bờ đất nên vũ khí trên tàu hoàn toàn bất khả dụng khi có nước ròng (thủy triều xuống). Trong lúc này vào đầu tháng âm lịch, thì đặc biệt nước không lên mà cũng không xuống. Nó luôn luôn đầy bờ và giữ nguyên mực nước. Nhờ vậy khi đoàn tàu được che giấu từ cái lạch con ra xung trận.
Đại đội trưởng tuần giang nhận lệnh rất rõ ràng, chiếc tàu nào trúng hỏa tiễn bị chìm là bỏ, không tàu nào được dừng lại tiếp cứu tàu nào, phải tiếp tục xạ kích cho đến khi đẩy lui được địch. Mỗi tàu có 6 đại liên, một bên thành tàu là có 3 đại liên, 6 chiếc tàu của tuần giang có 36 khẩu, nhưng chỉ bắn được 18 khẩu đại liên cho một phía, mỗi khẩu súng này có thể bắn 350 phát đạn trong một phút. Đạn dược thì ê hề ở trên tàu. Sáu cái tàu há mồm với 18 khẩu đại liện một bên, mỗi phút có thể nhả gần sáu ngàn viên đạn về phía địch quân, đã di chuyển hàng dọc trên sông và tác xạ rất nhịp nhàng.
Đại quân CS đang hăng tiết xung phong đến điểm chiến thắng, bất ngờ bị hỏa lực quá mạnh của đoàn tuần giang làm chúng gục xuống như sung rụng. Bọn cộng cũng phản ứng rất nhanh, chúng phản công bằng B-40, B-41 và các loại súng cối thi nhau nổ trên sông. B-40, B-41, đại pháo đã rơi và nổ trên sông như mưa bão.
May mắn đoàn tàu ở thế di chuyển, nên chưa chiếc nào trúng đạn, nhờ vậy mà hàng rào hỏa lực đã chặn đứng được cuộc xung phong khổng lồ này. Đoàn tàu đã tạo một lưới lửa trên sông, những lằn đạn mãnh liệt đã hạ hết cây cối, chướng ngại vật trước mặt, làm cho xạ trường thêm quang đãng.
Tình thế đã đổi ngược không ngờ, quân ta đã chuyển bại thành thắng trong chớp nhoáng. Chi khu tiếp tục quan sát, liên lạc Đại đội trưởng tuần giang … Những tên CS tháo chạy liên tiếp gục ngã bởi những lằn đạn bắn đuổi của đoàn tàu.
Gần một tiếng đồng hồ sau, hai tiểu đoàn ĐPQ mới ngoi được lên mặt đất, tái bố trí và bắt đầu tiến lên để tiếp tục giao tranh với bọn VC. Hai tiếng đồng hồ sau đó, địch bị đẩy lui hoàn toàn. Cảm ơn tất cả những đấng thiêng liêng đã xui bọn CS chọn cuộc tấn công lúc nước thủy triều không xuống thấp, đã cho đoàn tàu không bị sứt mẻ. Sáu cái còn nguyên vẹn, để tạo một chiến thắng lẫy lừng, cứu được quận, cứu được sáu trăm mạng lính. Địch chẳng còn bao nhiêu đã rút thật xa, không lấy được xác, chúng chết nằm ngổn ngang đầy cả một cánh đồng.
Trận sống mái đã nghiêng phần thắng về quân ta.
Quân lính và dân chúng nức lòng lên tinh thần, các nghĩa quân từ các đồn bót bắt đầu xác định tọa độ cho hai khẩu 155 ly pháo kích vào những nơi địch lẩn trốn. Một quả đạn 155 ly nặng 45 ký lô, sức nổ tàn phá và sát hại khoảng 50 thước vuông. Với sự hướng dẫn của các đồn bót, buổi chiều hôm đó ta đã tác xạ trên trăm quả, sự thương vong của địch lên cao đến độ không thể phối kiểm được. Ngày một đã qua đi nhanh chóng, nhờ hồn thiêng sông núi, quận nhà vẫn đứng hiên ngang. Chiến thắng Thủ Thừa đã vang dội cả miền Nam VN . Xin biết ơn Đại Tá Trần Vĩnh Huyến -Tiểu Khu Long An, cấp chỉ huy anh hùng, không hàng giặc, và cũng để biết ơn tất cả quân, cán chính, và đồng bào Long An đã đồng tâm hiệp lực chống lại quân Cộng sản, không đầu hàng. Sau cùng xin tưởng niệm những chiến sĩ anh hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã hy sinh mạng sống cho lý tưỏng tự do.
PHÒNG TUYẾN THÉP XUÂN LỘC - T/K LONG KHÁNH
Chiến trường Long Khánh gồm cả 3 mặt trận chính: Mặt trận ngã ba Dầu Giây di Trung đoàn 52 và 1 Thiết đoàn Chiến xa trấn giữ. Mặt trận núi Chứa Chan, Gia Rai do Liên đoàn 7 BĐQ và Trung đoàn 48 BB. Thị xã Xuân Lộc do Trung đoàn 43 BB và các Tiểu đoàn ĐPQ bảo vệ. BTL hành quân của Tướng Lê Minh Đảo được đặt tại Quận đường Xuân Lộc, mé ngã ba Tân Phong - Long Giao được bảo vệ bởi các đơn vị trừ bị của Sư đoàn, Pháo binh và 1 Thiết đoàn Chiến xa.
Qua đến ngày 4 của cuộc chiến, Lữ đoàn I Dù gồm các Tiểu đoàn 1, 2, 8, 9 và Tiểu đoàn 3 Pháo binh Dù từ Miền Trung về, được lệnh tăng cường cho Xuân Lộc. Tất cả các trực thăng của 2 Sư đoàn 3, 4 Không quân, gồm 100 trực thăng bán phản lực HUIB đã thả hơn 2000 quân Dù từ Trảng Bom vào trận địa, các Pháo đội Dù cũng được trực thăng Chinook chuyển vận đến Bộ chỉ huy Hành quân đóng kề BTL Sư đoàn 18 BB. Hai Tiểu đoàn Dù đầu tiên đã nhảy xuống đầu địch để chiếm lại Bảo Định trên quốc lộ 1, nơi 2 Trung đoàn thuộc Công trường 6 đang tập trung tấn công BTL Sư đoàn 18 BB tại Tân Phong. Một Tiểu đoàn Dù khác nhảy xuống chiếm lại vườn cây của cố Thống Tướng Lê Văn Tỵ. Ngoài ra các Tiểu đoàn khác nhảy vào Xuân Lộc giải vây cho các Tiểu đoàn Địa Phương Quân và BCH Tiểu Khu Long Khánh.
Qua 12 ngày ác chiến đẩm máu, tuyến thép Xuân Lộc vẫn đứng vững dù Phan Rang đã thất thủ 17-4, Phan Thiết mất đêm 18-4, Bình Tuy bỏ ngỏ, giờ đây Xuân Lộc là vùng giới tuyến của đất nước. Tin thắng trận của Sư đoàn 18, Lữ đoàn 1 Dù, BĐQ, Thiết giáp, Địa Phương Quân , Lôi hổ và Không quân tới tấp bay về Sài Gòn như những gáo nước lạnh tạt vào mặt bọn nhà báo, nhà văn, ký giả, trí thức ngoại quốc và VN, khiến chúng không có cách nào hơn để bóp méo sự thật, xuyên tạc, nên cũng cúi đầu kính phục tinh thần bất khuất của người VN, bởi vì đây là chiến thắng vĩ đại cuối cùng của QLVNCH trước khi bị rã ngũ.
TRẬN CHIẾN SAU CÙNG CHI KHU LONG THÀNH-T/K BIÊN HÒA .
Trong trận chiến sau cùng tại Chi Khu Long Thành ngày 24 tháng 4 năm 1975 tôi đã mục kích những người lính Nghĩa Quân Long Thành bắn cháy 4,5 chiếc T54 qua những màn sáp lá cà còn hayhơn phim ảnh Mỹ!!!Ai có dịp đi ngang quốc lộ 15 đoạn quận lỵ Long Thành sau ngày 30.4.75 chắc đã thấy 5,7 xác T54 của CS cháy còng queo trước quận lỵ Long Thành , đó là chiến công của Nghiã Quân Long Thành đánh tăng T54 bằng M72 và M79 chống tăng rất giỏi .Trung Tá Sáu Quận Trưởng kiêm Chi Khu Trưởng đã đánh một trận khiến cho Cộng quân nhớ đời.Trung Tá Sáu trong trận đánh đã đi từng vị trí của Nghĩa Quân để động viên binh sĩ, đồng thời ông cầm nón sắt đi xin các binh sĩ nào còn lưụ đạn để đính thân ông đem ra cổng chánh cho binh sĩ ném vào các chiến xa địch đang tràn vào,một chiếc T54 bị đứt xích 1 bên vì trúng M72 quay vòng vòng trước cổng chi khu sau đó đã bị 1 chiến sĩ Nghĩa Quân phóng lên thảy1 trái lựu đạn vào buồng lái kết thúc cưộc đời của “con cua”gảy càng nầy.Hành động can đãm nầy cuả anh Nghĩa Quân đã trả giá bằng chính bàn tay của anh ,vì thế TT Sáu đã xin trực thăng tản thương anh chiến sĩ can trường nầy trong khi 2 bên còn đang đánh nhau dữ dội !Sau nầy nghe kể lại còn có 1 trung đội Nghĩa Quân đồn trú trên Quốc lộ 15 gần quận lỵ Long Thành ,hết ngày 2 tháng 5 trung đội Nghĩa Quân này vẫn kiên trì chống CS tới viên đạn cuối cùng,vừa bắn nhau vừa kéo chuông nhà thờ kêu gọi quyết tử!!!
Địa Phương Quân và Nghĩa Quân : Tiểu Khu Darlac (ĐakLak) ; Tiểu Khu Khánh Hòa ; Tiểu Khu Bình Tuy ; Tiểu Khu Long Khánh ; Tiểu Khu Long An - Chi khu Thủ Thừa ; Chi khu Phù Cát ( T/K Bình Định ) ; Chi khu Long Thành ( T/K Biên Hòa ) ; Chi khu Kiến Thiện (T/K Chương Thiện - Cần Thơ )... Họ là những " Anh Hùng Vô Danh ".
ĐỊA PHƯƠNG QUÂN&NGHĨA QUÂN T/K BÌNH TUY NỖ LỰC CUỐI CÙNG .
Ngày 22/4/1975 Trinh-Sát chạm địch tại ấp Láng-Gòn cách Bộ chỉ-huy Tiểu-khu hơn 6 cây số từ hướng Quốc lộ I đi vào, Cộng quân có tất cả 24 xe tăng với Quân số Bộ binh cấp Sư-Đoàn đang tiến vào tỉnh lỵ Bình-Tuy . Trinh-sát lui dần đến cầu Láng-Gòn và chận được đơn vị tiền phương của CS tại đây. Toán Mìn của Trinh-Sát cho gài mìn giựt sập cầu Láng-Gòn để ngăn chận Tanks. Suốt ngày 23/04/1975 những đơn vị tiền phương CS không thể nào vượt qua được Đại-đội 512/TS và ĐĐ513/Trinh-sát tại cầu Láng-Gòn, vì là mùa nắng nên sông Láng-Gòn có chổ cạn không có nước do đó cộng quân đã tìm được chổ hai bên bờ thoai thoải dốc để Tanks của bọn chúng vượt qua. Bình-Tuy không đủ quân số và hỏa-lực (chỉ với 2 khẩu đại-bác 105 ly) cũng không có phi-cơ đánh bom để ngăn cản đà tiến quân của cộng-sản .
Lúc 06:00giờ chiều CS bắt đầu pháo vào Tiểu-khu, trung tâm Yểm-trợ Tiếp-vận, Căn cứ pháo-binh nơi đặt BCH/TĐ 344/ĐP và sau đó là khắp mọi nơi trong tỉnh lỵ kể cả khu dân cư. Một trận địa pháo khủng-khiếp không thua gì ở An-Lộc năm 1972…cả tỉnh lỵ biến thành biển lữa. Đến 08:00 giờ tối 12 chiếc xe Tăng T54 với tùng thiết và cả một Trung-đoàn bộ binh theo sau tiến vào Phi-trường nơi tuyến của tôi (TĐ344/ĐP). Chúng tôi không có vũ-khí chống Tank, đại bác 57 ly hết đạn chưa được bồi hoàn, chỉ có 6 khẩu M72 nhưng khi kéo ống phóng thì 3 khẩu bị đứt “giây kích-hỏa” nên không xữ dụng được, hai khẩu bắn trúng Tank nhưng chỉ trượt pháo tháp, chúng chỉ khựng lại rồi tiếp tục tiến tới với hỏa lực tối đa. Chúng tôi không ngán Tank nhưng vì bộ binh của chúng quá đông nên tuyến đầu bị bể phải lui về tuyến sau, xe Tanks CS rượt theo và cán lên cả tuyến sau. Chúng tôi xử dụng lựu đạn để ngăn bộ binh địch trong tình thế tuyệt vọng..!
Gần một giờ quần thảo với Tanks, với hằng ngàn bộ binh địch…chúng tôi chỉ M16 với hai hoả-lực đạn, hai khẩu pháo 105 ly của ta đả bị pháo địch và T54 khống chế, trận chiến bất cân xứng nhưng vì kỷ-luật quân đội, vì danh-dự của người lính VNCH chúng tôi phải chiến-đấu cho dù sự thất bại khó tránh khỏi. Kết quả bi-thảm đến với chúng tôi: Đại-đội chỉ-huy tan rả, Bộ chỉ-huy Tiểu-đoàn gồm có tôi, vài sĩ-quan trưởng ban và một số anh em cận-vệ tất cả 12 người chỉ còn lại 3 người, những người may-mắn đó là Tôi (người viết) một anh truyền-tin và một anh cận-vệ nhờ vào nhửng rảnh sâu do nước mưa xói mòn chúng tôi nằm dưới rảnh khi xe Tăng (Tanks) cán qua.
Tiểu-đoàn 344/ĐP tổn thất lên cao, những người bị thương đều bị bọn chúng bắn bồi hoặc cho Tank cán qua người, các đại-đội khác của Tiểu-đoàn cũng tan hàng với sức tiến vủ bảo của T54 và đông đảo bộ binh địch cấp Trung-đoàn (trong thời điểm này mỗi tiểu-đoàn của chúng tôi quân số chỉ còn lại 1/2 vì không có phương-tiện vận chuyển tân binh bổ-sung từ Saigon, một số binh-sĩ đào ngủ để lo cho đình..v..v..) tiểu-đoàn 341/ĐP của Đ/U Lê-Hùng đã tận lực chiến-đấu với Tanks và đông đảo bộ binh địch và sau cùng cũng chịu chung số phận như Tiểu-đoàn của tôi. Tiếp theo và ngay trên đường nhựa cả đoàn xe hơn 20 chiếc đủ loại chở đầy lính CS và cả chục chiếc T54 chạy thẳng vào tỉnh lỵ sau khi bọn chúng đã phá-hủy mìn chống chiến xa và rào cản trên lộ. Tiểu-đoàn 344/ĐP của tôi hơn 300 người (vì chưa được bổ sung) bị Tanks địch xé nát từng mãnh, cả đại-đội chỉ-huy và bộ chỉ-huy tiểu-đoàn giờ đây chỉ còn 3 người, cả 3 anh em chúng tôi băng mình vào trại cưa gần đó, một chiếc T54 rượt theo ủi sập hàng rào nhưng nhờ những cây súc rất to nên T54 khựng lại không tiến lên được. Dưới hỏa lực của T54 và bọn tùng thiết bắn như mưa anh em chúng tôi lao mình trong đêm tối về hướng bìa rừng cách đó gần 1000 mét tai nghe văng vẳng bọn CS la hét lẫn trong tiếng súng, khói lửa mịt mùng bao trùm cả bầu trời tỉnh lỵ Bình-Tuy.
Khi vào đến nơi tương đối an-toàn, Tôi cố gắng liên- lạc Trung-tâm hành quân, các đơn vị bạn và các đại-đội của tôi nhưng tất cả đều không có tiếng trả lời, Tanks T54 đang tấn công Trung-tâm hành-quân Tiểu-khu, Ty CSQG, bệnh viện Dân Quân-y Tỉnh và khắp nơi lữa cháy ngút trời. Chưa bao giờ tôi xuôi tay bất-lực nhìn địch quân tung-hoành như chổ không người như lúc này, có lẽ những chiến-hữu của tôi ở trung-tâm hành-quân Tiểu-khu đã khan tiếng kêu gọi tiếp viện trong mỏi mòn, viện quân ở đâu ?, những đơn-vị tinh-nhuệ chủ-lực quân đã từng làm cho cộng quân khiếp vía, các Anh đang ở đâu ?!
Thảm-kịch đang xảy ra cho chúng tôi, những phương-tiện chiến-tranh hiện-đại của khối cộng-sản như một cối xay khổng-lồ đang nghiền nát thân xác người lính Địa-phương-Quân Tiểu-khu Bình-Tuy cô-đơn…với trang-bị yếu kém chỉ đủ ngăn chặn bọn CS phá-hoại có tên gọi “Mặt trận giải-phóng miền nam”, chỉ đủ để bảo-vệ hạ tầng cơ-sở của quốc-gia, bảo vệ an-ninh cho đồng-bào trong phạm-vi trách-nhiệm, làm sao chúng tôi có thể chống lại các đơn-vị chủ-lực của địch quân cấp sư-đoàn với đầy đủ phương-tiện cho trận đánh qui-ước !?! Đây cũng là thành-tích và ước mơ của tên đồ-tể Kissinger, với người đồng-minh tán-tận lương-tâm, với hiệp-định Paris man trá: bản án tử-hình dành cho VNCH !. Quay nhìn về hướng BCH/Tiểu-khu… anh em chúng tôi đứng nghiêm đưa tay chào vĩnh-biệt trong uất-hận nghẹn-ngào, sau đó súng cầm tay hướng về phía Vũng-Tàu, cả 3 chúng tôi lầm lủi trong đêm tối mịt mùng ! Đó là lúc 03:00 giờ sáng ngày 24 tháng 04 năm 1975./.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn