GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG - LỄ HỘI ĐỀN HÙNG : [“Dù ai đi ngược về xuôi ...Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba - Khắp miền truyền mãi câu ca ... Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”]

09 Tháng Tư 20225:29 CH(Xem: 1311)
Khởi Nghiệp của các vị Vua Hùng .
Vua Hùng hay vẫn chúng ta vẫn thường gọi là Hùng Vương là tên hiệu các vị thủ lĩnh tối cao (KHUN) của nhà nước Văn Lang của người Lạc Việt. Theo truyền thuyết thì các vị vua này là hậu duệ của Lạc Long Quân và Âu Cơ.
Truyền thuyết kể lại rằng vua Hùng bắt đầu từ thời xã hội Văn Lang còn tồn tại. Đứng đầu nước Văn Lang là những thủ lĩnh tối cao, được người dân biết đến với tôn hiệu Hùng Vương. Hùng Vương đồng thời là người chỉ huy quân sự, là người chủ trì những nghi lễ tôn giáo. Dưới Hùng Vương còn có các Lạc tướng, Lạc hầu để giúp việc, hỗ trợ nhà vua. Cả nước được chia thành 15 bộ (bộ là đơn vị hành chính lớn) có Lạc tướng còn trực tiếp cai quản công việc của các bộ. Dưới Lạc tướng là các Bố chính, đứng đầu các làng bản.
Nhà nước Văn Lang .
Kinh đô của nhà nước Văn Lang được đặt tên là Văn Lang. Tuy nhiên, các sử gia nước ta bị ảnh hưởng của các sử gia bên Trung Quốc nên mới chép kinh đô nước Văn Lang là Phong Châu, nay thuộc tỉnh Phú Thọ. Tại thời này, công cụ là đồng thau trở nên phổ biến và bắt đầu có những công cụ được làm bằng sắt. Người dân có nền kinh tế nông nghiệp trồng lúa nước, đã biết dùng sức cày kéo của trâu bò là phổ biến nhất.
Không những thế, con người còn săn bắt, chăn nuôi, đánh cá và làm nghề thủ công như đúc đồng, làm đồ gốm. Sự phân công lao động giữa nông nghiệp và thủ công nghiệp đã dần dần xuất hiện từ đây. Sự tích về các vua Hùng
Ở trong cuốn sách “Thế thứ các triều vua Việt Nam” của nhà sử học Nguyễn Khắc Thuần, danh sách 18 vị Vua Hùng được liệt kê một cách đầy đủ và rõ ràng. Tuy nhiên, sau phần danh sách đó, tác giả đã đưa ra một nhận xét thuộc một trong hai quan điểm được nhiều nhà sử học tạm chấp nhận đó là: 18 vị Vua Hùng mà chúng ta nghĩ hiện nay không phải là 18 người cụ thể, mà đó là 18 chi (nhánh/ ngành), mỗi chi này có nhiều vị vua thay phiên nhau trị vì và dùng chung vương hiệu.
Còn theo những nghiên cứu và những căn cứ trong cuốn “Đại Việt Sử Lược”, 18 đời Vua Hùng trị vì đất nước vào khoảng những năm 688-280 trước công nguyên. Vua đầu tiên tên là Kinh Dương Vương, tức Lục Dục Vương sinh năm Nhâm Ngọ (2919 tr. TL) lên ngôi năm 41 tuổi và vị vua thứ 18 là Hùng Duệ Vương sinh năm Canh Thân (421 tr. TL), lên ngôi khi mới có 14 tuổi. Khi đó, người Lạc Việt đã gọi các vị vua của nước Văn Lang là Hùng Vương.
Tên 18 vị vua Hùng :
1.Kinh Dương Vương (涇陽王): 2879 – 2794 TCN (số năm trị vì là ước đoán). Húy là Lộc Tục (祿續).
2.Hùng Hiền vương (雄賢王), còn được gọi là Lạc Long Quân (駱龍君 hoặc 雒龍君 hoặc 貉龍君): 2793 – 2525 TCN. Huý là Sùng Lãm (崇纜).
3.Hùng Lân vương (雄麟王): 2524 – 2253 TCN
4.Hùng Diệp vương (雄曄王): 2252 – 1913 TCN
5.Hùng Hi vương (雄犧王): 1912 – 1713 TCN (phần bên trái chữ “hi” 犧 là bộ “ngưu” 牛)
6.Hùng Huy vương (雄暉王): 1712 – 1632 TCN
7.Hùng Chiêu vương (雄昭王): 1631 – 1432 TCN
8.Hùng Vĩ vương (雄暐王): 1431 – 1332 TCN
9.Hùng Định vương (雄定王): 1331 – 1252 TCN
10.Hùng Hi vương (雄曦王): 1251 – 1162 TCN (phần bên trái chữ “hi” 犧 là bộ “nhật” 日)
11.Hùng Trinh vương (雄楨王): 1161 – 1055 TCN
12.Hùng Vũ vương (雄武王): 1054 – 969 TCN
13.Hùng Việt vương (雄越王): 968 – 854 TCN
14.Hùng Anh vương (雄英王): 853 – 755 TCN
15.Hùng Triêu vương (雄朝王): 754 – 661 TCN
16.Hùng Tạo vương (雄造王): 660 – 569 TCN
17.Hùng Nghị vương (雄毅王): 568 – 409 TCN
18.Hùng Duệ vương (雄睿王): 408 – 258 TCN
Công lao của các Vua Hùng .
Sự nghiệp dựng nước của các Vua Hùng là sự nghiệp chống giặc ngoại xâm, bảo vệ nước của người Việt cổ. Đây là sự thật được lịch sử được hiển hiện qua hàng trăm di chỉ. Di tích cổ xưa hơn 4000 năm thể hiện qua các đồ đá, đồ đồng, đồ sắt … với những chiếc cuốc đá, rìu sắt, lưỡi cày, liềm hái đồng thau … Đó là những minh chứng chứng minh cho cả một chặng đường dài. Và lịch sử đã qua dài vài thiên niên kỷ trước công nguyên.
Trong những truyền thuyết của người Việt, có nhiều câu chuyện liên quan đến thời đại của các Vua Hùng được truyền lại trong dân gian đến nay như chuyện Vua Hùng kén rể, chuyện nàng công chúa Tiên Dung với Chử Đồng Tử hay sự tích bánh chưng, bánh dày gắn với tích Hùng Vương chọn người truyền ngôi báu…Tất cả đã tạo được dấu ấn sâu sắc trong lòng người Việt.
Vua Hùng lấy nơi đóng đô ở Bạch Hạc, đó là nơi hội tụ của ba con sông cửa ngõ của giao lưu đường thuỷ. Vào mùa xuân hằng năm, trên bến sông diễn lại tích “Thổ lệnh Thạch Khanh”. Từ thời nhà Hùng, sự tích Vua Hùng dạy những người dân cấy lúa được thể hiện lại ở Minh Nông. Đất Dữu Lâu có từ vườn trầu của nhà Vua; đất Hương Trầm gắn liền với tích về cánh đồng. Đây là nơi Lang Liêu trồng lúa thơm để làm bánh chưng, bánh dày…
Đền Hùng ở đâu ?
Đền Hùng là tên gọi khái quát của Khu di tích lịch sử Đền Hùng – quần thể đền chùa thờ phụng các Vua Hùng và tôn thất của nhà vua trên núi Nghĩa Lĩnh, gắn với Giỗ Tổ Hùng Vương – Lễ hội đền Hùng được tổ chức hàng năm vào ngày 10 tháng 3 âm lịch. Từ chân núi đi lên, qua cổng đền, điểm dừng chân của du khách là đền Hạ, tương truyền là nơi nàng Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng. Trăm trứng ấy đẻ ra trăm người con, năm mươi người theo cha xuống biển, bốn chín người theo mẹ lên núi. Người con ở lại làm vua, lấy tên là Hùng Vương (thứ nhất). Qua đền Hạ là đền Trung, nơi dùng làm nơi họp bàn với các Lạc hầu, Lạc tướng. Trên đỉnh núi là đền Thượng là lăng Hùng Vương thứ sáu. Trong dân gian gọi là mộ tổ. Từ đền Thượng đi xuống phía Tây nam là đền Giếng. Đây là nơi có cái giếng đá quanh năm nước trong vắt. Tương truyền ngày xưa các công chúa Tiên Dung và Ngọc Hoa thường tới gội đầu tại đó.
Lễ Hội Giỗ Tổ Hùng Vương ( Ngày 10-3 Âm Lịch ) .
Lễ hội đền Hùng bao gồm những hoạt động văn hóa, văn nghệ mang tính chất nghi thức truyền thống và những hoạt động văn hóa dân gian khác… Các hoạt động văn hóa mang tính chất nghi thức còn lại đến ngày nay là lễ rước kiệu vua và lễ dâng hương. Đó là hai nghi lễ được cử hành đồng thời trong ngày chính hội.
Đám rước kiệu xuất phát từ dưới chân núi. Rồi lần lượt qua các đền để tới đền Thượng, nơi làm lễ dâng hương. Đó là một đám rước tưng bừng với những âm thanh của các nhạc cụ cổ truyền. Và màu sắc sặc sỡ của bạt ngàn cờ, hoa, lọng, kiệu, trang phục truyền thống… Dưới tán lá mát rượi của những cây cổ thụ. Hòa vào âm vang trầm bổng của trống đồng. Đám rước như một con rồng uốn lượn trên những bậc đá huyền thoại để tới đỉnh núi Thiêng.
Xem thêm bài đã đăng : Ngày 06/05/2021 GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG - LỄ HỘI ĐỀN HÙNG : [“Dù ai đi ngược về xuôi ...Nhớ ngày Giỗ Tổ mồng mười tháng ba - Khắp miền truyền mãi câu ca ... Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm”.]
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn