[ LỊCH SỬ CẬN ĐẠI VIỆT NAM 1945 - 1975 ] QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM ( 1950 - 1955 ) VÀ TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ VIỆT NAM SAU HIỆP ĐỊNH GENÈVE 20-7-1954.

15 Tháng Giêng 20225:11 CH(Xem: 2126)
Hình Thành Quân đội Quốc Gia Việt Nam.

Ngày 8 tháng 3 năm 1949, Hiệp ước Élysée công nhận chính phủ Quốc gia Việt Nam nằm trong Liên hiệp Pháp, cùng với lực lượng quân đội riêng của quốc gia này. Theo Nghị định Quốc phòng ngày 13 tháng 4 năm 1949, một lực lượng của Quốc Gia Việt Nam được thành lập, sẽ cùng phối hợp chỉ huy của quân đội Pháp để đánh lại Việt Minh CS .
Ngày 11 tháng 5 năm 1950, Thủ tướng Trần Văn Hữu tuyên bố chính thức thành lập Quân đội Quốc Gia Việt Nam . Quân đội Quốc Gia Việt Nam với quân số lúc đó là 60.000 người .
Ngày 8 tháng 12 năm 1950, Quốc Gia Việt Nam và Pháp ký Hiệp định quân sự thành lập Quân đội Quốc Gia Việt Nam bằng cách đặt một số đơn vị quân đội Pháp tại Việt Nam dưới quyền chỉ huy của Quốc Gia Việt Nam.
Dự kiến quân đội này sẽ bao gồm 120.000 quân và 4.000 sĩ quan, tất cả sĩ quan đều phải là người Việt. Tuy nhiên, điều này không được thực hiện cho đến cuối năm 1951 khi Bộ Tổng tham mưu Quân đội Quốc Gia Việt Nam được thành lập và dường như không có việc bổ nhiệm cho những đơn vị cho đến cuối năm 1953.
Quốc Trưởng Bảo Đại là tổng chỉ huy của Quân đội Quốc Gia Việt Nam từ năm 1950 đến 1955.
Về việc thành lập Quân đội Quốc Gia Việt Nam, người Việt có khả năng trở thành những chiến binh xuất sắc. Chỉ cần vài tuần huấn luyện là có thể tạo ra những đơn vị có khả năng tác chiến. Với số thanh niên đông đảo tại Việt Nam, nếu Quốc Gia Việt Nam không tuyển mộ thì Việt Minh CS sẽ thu hút nguồn nhân lực đó. Vấn đề của Quân đội Quốc Gia Việt Nam là thiếu chỉ huy người Việt.
Trong nỗ lực thành lập Quân đội Quốc Gia Việt Nam, vấn đề cơ bản là đào tạo sĩ quan và hạ sĩ quan. Quốc gia Việt Nam thừa nhận tình trạng thiếu những người được huấn luyện quân sự nhưng vì lý do chính trị, việc sử dụng sĩ quan Pháp là trở ngại.
Pháp có trách nhiệm hỗ trợ Việt Nam trong công tác huấn luyện sĩ quan. Trong khi đó, Pháp lại không chấp nhận trang bị vũ khí cho những đơn vị Quân đội Quốc Gia Việt Nam mới thành lập trừ khi Việt Nam chấp nhận một tỷ lệ nhất định sĩ quan Pháp trong Quân đội Quốc Gia Việt Nam trong thời gian sĩ quan Việt Nam đang được đào tạo tại những cơ sở huấn luyện mới thành lập.
Ngày 12 Tháng Tư, 1952 theo Nghị định 147/QĐ/NĐ thì chính phủ Quốc Gia Việt Nam chính thức thành lập Bộ Tổng tham mưu cho Quân đội Quốc gia Việt Nam. Quân đội Quốc Gia Việt Nam có tổng tư lệnh là Quốc Trưởng Bảo Đại và được đặt dưới quyền quản trị của Bộ Tổng Tham mưu.
Tổng Tham mưu trưởng Quân đội Quốc Gia Việt Nam đầu tiên là một sĩ quan người gốc Việt quốc tịch Pháp, nguyên Đại tá Chánh Võ phòng của Quốc Trưởng, tân Thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh.
Trụ sở Bộ Tổng Tham mưu đặt tại số 1 đường Galiéni, tức thành Ô Ma (Camp Aux Mares), Sài Gòn.

- Quân đội Quốc Gia Việt Nam tham gia chiến dịch Bùi Chu .
Năm 1949 Pháp nhảy dù xuống Phát Diệm...
Một trong những thành công của lực lượng Quốc gia là giữ yên vùng Bùi Chu phía Đông nam đồng bằng Bắc Việt cho đến năm 1954.
Đoàn quân giải phóng Bùi Chu chia ra làm 3 cánh:
1.Một cánh theo sông Đáy vào kênh Quần Liêu xâm nhập huyện Nghĩa Hưng, huyện Nam Trực và huyện Trực Ninh.
2.Một cánh theo sông Đáy lên sông Hồng Hà rồi xuống bến đò Chợ Gà theo sông Ninh Cơ vào Bùi Chu, huyện Xuân Trường
3.Một cánh từ cửa Đài ra bể vào miền duyên hải, xâm nhập huyện Hải Hậu và huyện Giao Thủy, để giải phóng địa phận Bùi Chu.
Trong khi cánh thứ nhất đang tiến quân giải phóng đến huyện Nam Trực thì ông Dương Công bị trúng đạn và tử thương, Cha Hoàng Quỳnh đặt ông Hùng Phi lên thay và trong vòng 3 tuần lễ đã giải phóng xong địa phận Bùi Chu.
Việt Minh cộng sản rút lui vào bí mật.
Từ đó toàn vùng địa phận Bùi Chu được yên ổn, đi lại ngày hay đêm không trở ngại.
Năm 1950 Bùi Chu đã lập xong được Tổng Bộ Tự Vệ Bùi Chu do Cha Đức cai quản Tổng bộ., lập nên Quân Chính Bùi Chu, tách rời Bùi Chu khỏi tỉnh Nam Định và gọi là tỉnh Bùi Chu. Vị Tỉnh Trưởng đầu tiên của tỉnh Bùi Chu là ông Bùi quang Nga.
Phát Diệm cũng đã tách rời tỉnh Ninh Bình thành tỉnh Phát Diệm mà ông Phan như Lân là Tỉnh Trưởng đầu tiên.

- Người Tổ chức Quân đội Quốc gia Việt Nam ​.
Trung Tướng Nguyễn Văn Hinh (1915-2004) :
Nguyên là tướng lĩnh đầu tiên của Quốc gia Việt Nam, là sĩ quan người Việt đầu tiên được phong cấp tướng ở thời kỳ Liên hiệp Pháp, cấp bậc Trung tướng. Ông cũng là Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam. Ông xuất thân từ trường Võ bị Không quân Pháp. Ra trường ông phục vụ trong Quân đội Viễn chinh và Quân đội Thuộc địa của Pháp. Năm 1948, ông chính thức chuyển sang phục vụ Quân đội Quốc gia Việt Nam thành phần trong Quân đội Liên hiệp Pháp.
Ông là một trường hợp đặc biệt trong lịch sử quân sự Việt Nam thế kỷ 20.
Tiểu sử và binh nghiệp​.
Ông sinh ngày 20 tháng 9 năm 1915 trong một gia đình tại Mỹ Tho, miền Tây Nam Kỳ trong thời kỳ thuộc Pháp.
Nguyên gốc dòng tộc của ông là họ Trương, về sau đến đời cụ Nội của ông cải tộc thành họ Nguyễn.
Thân phụ: Cụ Nguyễn Văn Tâm (1895-1993. Nguyên Thủ Tướng Quốc Gia Việt Nam 1952-1953).
Do có Quốc tịch Pháp, từ nhỏ ông được đi du học và theo học chương trình giáo dục của Pháp từ cấp Tiểu học cho đến tốt nghiệp chương trình Trung học phổ thông với văn bằng Tú tài toàn phần (Part II).
Năm 1936 ông nhập ngũ vào Không quân Pháp, theo học khóa 2 tại trường Võ bị Không quân Salon de Provence, Pháp. Năm 1937 ông tốt nghiệp với cấp bậc Chuẩn úy. Ra trường, ông là phi công lái oanh tạc cơ B.26.
Năm 1944 ông tham gia Lực lượng Pháp quốc tự do chống phát xít Đức, được thăng cấp Thiếu úy, Chỉ huy trưởng Liên Phi đoàn oanh tạc và chiến đấu tại Blida, Algerie, Bắc Phi .
Ngày 31 tháng 8 năm 1948, hồi hương phục vụ trong Quân đội Liên hiệp Pháp, ông được thăng cấp Trung úy và được cử làm Sĩ quan Tùy viên cho Thủ tướng Nguyễn Văn Xuân. Giữa năm 1949, ông được thăng cấp Đại úy chính thức gia nhập Quân đội Quốc gia và được cử làm Chỉ huy trưởng Phi đoàn Vận tải GT/62.
Giữa năm 1950, ông được thăng cấp Thiếu tá, chuyển công tác giữ chức vụ Tổng thư ký thường trực Quốc phòng. Đầu năm 1951 ông được thăng cấp Trung tá. Tháng 3 cùng năm ông được cử giữ chức Chánh Võ phòng của Quốc trưởng Bảo Đại tại Đà Lạt. Trung tuần tháng 12 cuối năm, trong chức vụ Chánh Võ phòng, ông được cử làm Tổng Chỉ huy cuộc duyệt binh tại Hà Nội.
Đầu năm 1952 ông được Quốc trưởng Bảo Đại thăng cấp Đại tá. Tháng 3 cùng năm ông được thăng cấp Thiếu tướng và được Quốc trưởng Bảo Đại chỉ định giữ chức vụ Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1953 ông được thăng cấp Trung tướng tại nhiệm.
Chống Thủ tướng Ngô Đình Diệm​ .
Sau khi quân đội Pháp thất trận ở Điện Biên Phủ phía biên giới Tây bắc Việt Nam giáp Lào ngày (7-5-1954), Chính quyền Quốc Gia Việt Nam và Quân Đội Quốc Gia Việt Nam trong Quân đội Liên hiệp Pháp - Phải tập trung về miền Nam phía nam Vĩ Tuyến 17 North theo điều khoản ghi trong Hiệp định Geneve 20-7-1954 .
Các Lực lượng Quân sự Pháp rút về nước và bàn giao lại Chính quyền Quốc Gia Việt Nam cho Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ tướng Ngô Đình Diệm.
Với sự ủng hộ của người Mỹ, Thủ tướng Diệm đã lần lượt thay thế các sĩ quan trung thành với mình vào các vị trí chỉ huy, tìm cách tước dần ảnh hưởng của tướng Nguyễn Văn Hinh, được cho là chịu ảnh hưởng nhiều của người Pháp. Đầu tháng 9 năm 1954 Thủ tướng Diệm ra quyết định cử ông sang Pháp công cán trong 6 tháng để nghiên cứu việc cải tổ và canh tân quân đội, một động thái được cho là đẩy ông ra khỏi vị trí Tổng Tham mưu trưởng. Dựa vào quân đội, cùng với sự hỗ trợ của các lực lượng quân sự của các giáo phái, tướng Hinh đã dự tính làm đảo chính vào ngày 20 tháng 9 để nắm lại chính quyền. Tuy nhiên, do sự can thiệp của người Mỹ cùng sự thờ ơ của người Pháp, tướng Hinh buộc phải từ bỏ ý định. Ngày 29 tháng 11 năm 1954, ông nhận được lệnh của Quốc trưởng Bảo Đại, giao chức vụ Tổng Tham mưu trưởng cho Thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ và sang Pháp .

23-10-1955 “Hai ba tháng Mười là ngày trưng cầu dân ý” là một câu trong bản nhạc thời danh trên các đài phát thanh tại miền Nam Việt Nam vào mùa thu năm 1955, mà nhiều người lớn tuổi có thể còn nhớ. Đó là cuộc trưng cầu dân ý ngày 23-10-1955 do thủ tướng Ngô Đình Diệm tổ chức để truất phế quốc trưởng là cựu hoàng Bảo Đại.
1.- SƠ LƯỢC TÌNH HÌNH TRƯỚC CUỘC TRƯNG CẦU DÂN Ý
Ngày 16-6-1954, quốc trưởng Bảo Đại ban hành sắc lệnh số 38/QT đề cử Ngô Đình Diệm về nước thay Bửu Lộc, làm thủ tướng toàn quyền hành động dân sự và quân sự. (Đoàn Thêm, Hai mươi năm qua: Việc từng ngày (1945-1964), Sài Gòn 1966, California: Xuân Thu tái bản, tt. 148-149.)
Ngô Đình Diệm về tới Sài Gòn ngày 25-6-1954, chính thức nhận chức thủ tướng Quốc Gia Việt Nam (QGVN) và trình diện nội các đầu tiên ngày 7-7-1954. Ngày nầy thường được gọi là ngày Song Thất. Trong khi lo tiếp thu chính quyền từ Pháp, ông Diệm còn phải lo định cư gần một triệu người di cư từ Bắc vào Nam, và nhất là lo đối phó với những thế lực thân Pháp.
Ngày 26-10-1954, thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh (quốc tịch Pháp), tổng tham mưu trưởng quân đội Quốc gia, dự định tổ chức đảo chánh, lật đổ thủ tướng Ngô Đình Diệm. Kế hoạch nầy bị phía Hoa Kỳ ở Sài Gòn cản trở. (Thomas L. Ahern Jr., CIA and the House of Ngo, tr. 49.) Thất bại, thiếu tướng Nguyễn Văn Hinh bỏ qua Pháp ngày 19-11-1954.
Ngày 1-12-1954 quốc trưởng Bảo Đại gởi điện văn cử thiếu tướng Lê Văn Tỵ thay thế thiếu tướng Hinh và cử thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ làm tổng thanh tra Quân đội thay thế tướng Pháp là Marcel Alessandri.
Khoảng 1G.30 sáng 30-3-1955, lực lượng Bình Xuyên (BX) của Bảy Viễn tấn công bộ Tổng tham mưu Quân Đội Quốc Gia (QĐQG) và Sở Cảnh sát Đô thành, do lực lượng Nhảy dù bảo vệ. Quân BX bị đẩy lui ở cả hai nơi. Bình Xuyên pháo kích dinh Độc Lập, nhưng thiệt hại không đáng kể, chỉ có một số người bị thương.
Sau một thời gian thương lượng giữa chính phủ và Bình Xuyên bất thành, ngày 26-4-1955, thủ tướng Diệm quyết định cách chức tổng giám đốc Cảnh sát Công an Lai Văn Sang (Bình Xuyên), cử đại tá Nguyễn Ngọc Lễ thay thế. Đồng thời thủ tướng Diệm ra lệnh giải tán đoàn Công an Xung phong của Bình Xuyên , và quân đội Bình Xuyên phải rút lui khỏi Sài Gòn.
Lai Văn Sang chống lại lệnh của thủ tướng. Ngày 28-4-1955, lực lượng Bình Xuyên tấn công trụ sở Nha Cảnh sát Công an, bộ Tổng tham mưu và pháo kích dinh Độc Lập. Nhiều đám cháy lớn xảy ra ở trung tâm Sài Gòn. Các tiểu đoàn Nhảy Dù trong QĐQG tấn công các vị trí của BX. Cả hai bên đều thương vong.
Trong lúc tình hình hết sức xáo trộn ở Sài Gòn, thì trong cùng ngày 28-4-1955, văn phòng quốc trưởng Bảo Đại tại Cannes (Pháp) gởi về Sài Gòn liên tiếp hai điện văn.
1) Điện văn thứ nhứt yêu cầu các phe nhóm và chính phủ Diệm cố gắng tự chế, tránh bạo động.
2) Điện văn thứ hai đề cử thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ làm tổng tư lệnh QĐQG và yêu cầu thủ tướng Diệm sang Cannes trình bày tình hình.(Đoàn Thêm, sđd. tt. 170-171.)
Hôm sau, ngày 29-4-1955, thủ tướng Diệm trả lời quốc trưởng Bảo Đại rằng ông không thể rời khỏi Việt Nam trong lúc tình hình xáo trộn. Ngày 30-4-1955, thiếu tướng Nguyễn Văn Vỹ từ Đà Lạt đem Ngự lâm quân về Sài Gòn, bao vây dinh Độc Lập, ép thủ tướng Diệm phải thi hành điện văn của quốc trưởng Bảo Đại, nghĩa là ép ông Diệm phải giao cho ông Vỹ làm tổng tư lệnh QĐQG và ông Diệm phải qua Cannes gặp quốc trưởng Bảo Đại, một hình thức trục xuất ông Diệm. (Nhị Lang, Phong trào kháng chiến Trình Minh Thế, tt. 317.)
Lúc đó, Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia (HĐNDCMQG) gồm các nhân sĩ của các đoàn thể chính trị và tôn giáo, đến Dinh Độc Lập gặp thủ tướng Diệm, chứng kiến việc nầy, liền vây quanh tướng Vỹ.
Nhị Lang, tổng thư ký Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia - HĐNDCMQG dùng súng ngắn uy hiếp và buộc tướng Vỹ phải ký giấy quy thuận chính phủ Diệm.
Bị bất ngờ, thiếu tướng Vỹ đành chấp nhận, rồi rút lui lên Đà Lạt và sau đó ra ngoại quốc. (Nhị Lang, sđd. tt. 318-319.)
Trong khi đó, lực lượng Bình Xuyên vẫn tiếp tục chống đối. Ngày 2-5-1955, quân đội Quốc gia (ủng hộ chính phủ Diệm) bắt đầu tiến đánh khu cầu Chữ Y, nơi đặt đại bản doanh của tướng Lê Văn Viễn tức Bảy Viễn (Bình Xuyên ). Tướng Trình Minh Thế, thuộc lực lượng Cao Đài Liên Minh, đem quân nhập trận về phía QĐQG. Cuộc đụng độ rất gay gắt. Chiều ngày 3-5, tướng Thế tử thương tại cầu Tân Thuận.
Quân Bình Xuyên dần dần triệt thoái khỏi khu vực Sài Gòn-Chợ Lớn, trong khi chính phủ ban hành dụ số 31 ngày 3-5-1955, gọi Lê Văn Viễn (Bảy Viễn), Lai Văn Sang là phiến loạn và đặt ra ngoài vòng pháp luật. Ngày 10-5-1955, đồn Công an Xung phong Bình Xuyên cuối cùng ở Sài Gòn bỏ trống. Bình Xuyên rút khỏi Sài Gòn. Như thế là Bình Xuyên bị dẹp yên.
Dẹp xong Bình Xuyên, chính phủ Diệm lại lo ngại thế lực của Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia - HĐNDCMQG, nên cho cảnh sát bao vây trụ sở hội đồng nầy trên đường Phùng Khắc Khoan (Sài Gòn) để theo dõi từ tháng 8-1955. (Nhị Lang, sdđ tt. 315-316.) Vì vậy Hội Đồng Nhân Dân Cách Mạng Quốc Gia - HĐNDCMQG ngừng hoạt động. Để thay thế, chính phủ phỏng theo danh xưng hội đồng nầy, lập Phong trào Cách mạng Quốc gia (PTCMQG), là một mặt trận chính trị, nhằm liên kết các tổ chức quần chúng để hậu thuẫn cho chính phủ, do Trần Chánh Thành làm chủ tịch trung ương, và đặt văn phòng Phong trào Cách Mạng Quốc Gia (PTCMQG) tại các tỉnh và thành phố trên toàn quốc.
2.- TRƯNG CẦU DÂN Ý
Sau khi ổn định tình hình, chế độ khá vững vàng, thủ tướng Diệm liền tìm cách chấm dứt vai trò quốc trưởng của Bảo Đại, người đã tin tưởng ông Diệm và bổ nhiệm ông Diệm làm thủ tưóng với toàn quyền dân sự và quân sự. Vào tháng 6-1955, tổng trưởng Ngoại giao Việt Nam báo cho đại sứ Mỹ George Frederick Reinhardt biết rằng chính phủ Diệm có thể sẽ lật đổ Bảo Đại bằng một cuộc Trưng Cầu Dân ý (TCDY). Reinhardt khuyến cáo là cuộc Trưng Cầu Dân ý cần có sự đồng ý của quốc dân đại hội. Tuy nhiên, lúc nầy chưa có quốc dân đại hội. Khoảng tháng 7 hay tháng 8-1955, thủ tướng Diệm báo cho Edward Lansdale, biết là sẽ tổ chức những cuộc biểu tình chống Bảo Đại và chính phủ sẽ căn cứ vào ý kiến đó, truất phế Bảo Đại. Lansdale là một đại tá CIA hết sức giúp đỡ ông Diệm củng cố chế độ, cố gắng thuyết phục thủ tướng Diệm nên tổ chức Trưng Cầu Dân ý - TCDY. (Thomas L. Ahern Jr., sđd. tt. 92-93.)
Không còn Hội đồng Nhân dân Cách mạng Quốc gia, chính phủ mời đại diện 15 đoàn thể chính trị, tôn giáo, thanh niên, lao động họp ngày 4-10-1955, thành lập Ủy ban Trưng Cầu Dân ý - TCDY. Ủy ban nầy đưa kiến nghị yêu cầu chính phủ truất phế Bảo Đại, suy tôn thủ tướng Diệm lên làm quốc trưởng. (Đoàn Thêm, sđd. tr. 183.) Ngày 6-10-1955, chính phủ quyết định tổ chức Trưng Cầu Dân ý - TCDY để quốc dân chọn lựa ai làm quốc trường giữa Bảo Đại và Ngô Đình Diệm. Ngày 8-10-1955, bộ Nội vụ cho biết sẽ tổ chức TCDY ngày 23-10-1955.
Mở đầu chiến dịch Trưng Cầu Dân ý - TCDY, các đài phát thanh chính phủ đọc đi đọc lại nhiều lần những bài thơ, bài vè xấu xa về Bảo Đại.
Ví dụ :
“Vè vẻ vè ve, Nghe vè Bảo Đại, Là quân ăn hại, Theo gót thực dân...”
Bản nhạc phổ biến rộng rãi là :
“Hai ba tháng mười là ngày trưng cầu dân ý - Bầu cho, bầu cho người nào - Bầu người chống cộng bài phong .
Hai ba tháng mười là ngày trưng cầu dân ý - Đứng lên, toàn quốc viết trang sử mới …”
Những bức hý họa châm biếm Bảo Đại xuất hiện trên báo chí. Những chuyện về đời tư của quốc trưởng Bảo Đại bị xuyên tạc và bêu riếu.
Ngược lại, quốc trưởng Bảo Đại hoàn toàn không có cơ hội trình bày trước quốc dân trường hợp của ông, hay trả lời những cáo buộc, hoặc đối chất các xuyên tạc do bộ máy tuyên truyền của chính phủ Diệm đưa ra trước cuộc Trưng Cầu Dân ý - TCDY.
Như thế, chỉ có phía chính phủ Diệm tự do tuyên truyền một chiều, tự do ca tụng thủ tướng Diệm, tự do đả kích quốc trưởng Bảo Đại, tự do tổ chức và kiểm soát thùng phiếu. Trong cuộc Trưng Cầu Dân ý - TCDY ngày 23-10-1955, hai câu hỏi được đặt ra là:
Câu 1: “Tôi truất phế Bảo Đại và chấp thuận Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Việt Nam, với nhiệm vụ đặt nền móng dân chủ.”
Câu 2: “Tôi không truất phế Bảo Đại, và không chấp nhận Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng để đặt nền móng dân chủ.” (Bảo Đại, Con rồng Việt Nam, California: Xuân Thu, 1990, tr. 539.)
Ngoài việc tuyên truyền một chiều, câu hỏi số 1 (truất phế Bảo Đại, chọn Ngô Đình Diệm) đưọc in trên giấy màu đỏ; câu hỏi số 2 (không truất phế Bảo Đại, không chấp nhận Ngô Đình Diệm) được in trên giấy màu xanh. Ban tổ chức Trưng Cầu Dân ý - TCDY chọn màu đỏ cho lá phiếu của ông Diệm vì ban tổ chức cho rằng đa số dân Viêt tin tưởng màu đỏ là màu may mắn. Ban tổ chức Trưng Cầu Dân ý - TCDY đưa ra câu vè cho dân chúng dễ nhớ: "Xanh bỏ giỏ, đỏ bỏ bì”, hay “Phiếu đỏ ta bỏ vô bì / Phiếu xanh Bảo Đại ta thì vứt đi.” “Xanh bỏ giỏ” nghĩa là lá phiếu số 2 màu xanh bầu cho Bảo Đại bỏ vào giỏ rác đặt dưới thùng phiếu (loại bỏ). “Đỏ bỏ bì” là phiếu số 1, chọn Ngô Đình Diệm, bỏ vào phong bì rồi bỏ vào thùng phiếu, bầu cho ông Diệm.
Hai câu hỏi nầy chỉ đặt vấn đề chọn lựa giữa cá nhân hai nhà lãnh đạo để làm quốc trưởng nhằm mục đích xây dựng dân chủ, chứ không nói đến hình thức thể chế chính trị của Nam Việt Nam, ví dụ quân chủ lập hiến, đại nghị chế, tổng thống chế..., và cũng không nói chức danh người đứng đầu nhà nước như tổng thống, hay chủ tịch hay thủ tướng...
Từ khi phát độngTrưng Cầu Dân ý - TCDY trên toàn quốc cho đến khi bầu cử, kiểm phiếu, công bố kết quả, nghĩa là từ đầu đến cuối, chỉ có nhân viên chính phủ của thủ tướng Diệm điều khiển tất cả các công việc TCDY, mà không có ai kiểm soát. Tuy nói Trưng Cầu Dân ý - TCDY để dân chúng chọn lựa giữa hai người (Bảo Đại và Ngô Đình Diệm), nhưng thực sự chỉ có chính phủ Diệm tổ chức và điểu khiển.
3.- KẾT QUẢ CUỘC TRƯNG CẦU DÂN Ý
Kết quả là thủ tướng Ngô Đình Diệm thắng phiếu một cách áp đảo. Theo thống kê của Bộ Nội vụ, thì kết quả cuộc Trưng Cầu Dân ý - TCDY ngày 23-10-1955 như sau:
- 5, 960, 302 Số cử tri kiểm tra
- 5, 828, 907 Số cử tri đi bỏ phiếu
- 5, 721, 735 Phiếu truất phế Bảo Đại và suy tôn thủ tướng Ngô Đình Diệm lên chức vụ quốc trưởng (98,16%)
- 63, 017 Phiếu không chịu truất phế Bảo Đại. (1,1%)
- 131, 395 Không có ý kiến. (bì không có phiếu)
- 44, 155 Phiếu không hợp lệ. (Đoàn Thêm, sđd., tr. 184).
Kết quả đắc cử của ông Diệm trong cuộc Trưng Cầu Dân ý - TCDY ngày 23-10-1955 (5,721,735 trên 5, 828,907, tức 98,16%) cao hơn cả kết quả đắc cử của Hồ Chí Minh tại Hà Nội ngày 6-1-1946 (169,222 trên 172,725 tức 97,97%). (Đoàn Thêm, sđd. tr. 18.)
Cuộc Trưng Cầu Dân ý - TCDY chẳng những truất phế quốc trưởng Bảo Đại, mà chấm dứt luôn những hoạt động chính trị của cựu hoàng. Sau cuộc Trưng Cầu Dân ý - TCDY, cựu hoàng Bảo Đại không phản đối hay phê phán chính phủ Ngô Đình Diệm. Bảo Đại cũng không lập chính phủ lưu vong ở nước ngoài. Từ năm 1956, thỉnh thoảng có vài cuộc phỏng vấn cựu hoàng Bảo Đại, nhưng ảnh hưởng không quan trọng đến chính trị trong nước.
Ba ngày sau cuộc Trưng Cầu Dân ý - TCDY, ngày 26-10-1955, trước hàng vạn dân chúng tại sân dinh Độc Lập, tân quốc trưởng Ngô Đình Diệm đưa ra bản Tuyên cáo, công bố thành lập nền Cộng Hòa. Tiếp theo bản tuyên cáo, quốc trưởng Ngô Đình Diệm công bố bản Hiến ước tạm thời để điều hành việc nước trong khi chờ đợi một hiến pháp mới. Nguyên văn điều thứ nhứt và điều thứ hai bản Hiến ước tạm thời như sau:
Điều thứ 1 - Quốc gia Việt Nam là một nước Cộng Hòa.
Điều thứ 2 - Quốc trưởng, đồng thời cũng là thủ tướng chính phủ, lấy danh hiệu là Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa.
KẾT LUẬN
Quốc trưởng Bảo Đại bổ nhiệm Ngô Đình Diệm làm thủ tướng toàn quyền dân sự và quân sự năm 1954.
Sau khi nắm vững quyền lực, thủ tướng Diệm tổ chức Trưng Cầu Dân ý - TCDY lật đổ Bảo Đại. Trong cuộc Trưng Cầu Dân ý - TCDY, phía Bảo Đại không được lên tiếng, chỉ có một mình chính quyền thủ tướng Diệm vận động, nghĩa là một hình thức độc diễn.
Kết quả cuộc Trưng Cầu Dân ý - TCDY là “truất phế Bảo Đại và chấp thuận Ngô Đình Diệm làm Quốc trưởng Việt Nam, với nhiệm vụ đặt nền móng dân chủ.” Như thế, thủ tướng Diệm chỉ được dân chúng chọn lựa lên làm quốc trưởng để đặt nền móng dân chủ, chứ không chọn lên làm tổng thống. Theo lẽ thông thường, quốc trưởng Ngô Đình Diệm tổ chức quốc dân đại hội hay quốc hội để tổ chức nầy quyết định thể chế tương lai và quyết định chức danh quốc trưởng.
Tuy nhiên, sau cuộc Trưng Cầu Dân ý - TCDY, quốc trưởng Ngô Đình Diệm tuyên bố ngay việc thành lập nền Cộng Hòa, và tự mình lên làm tổng thống. Sau đó, chính phủ tổ chức bầu cử Quốc hội lập hiến ngày 4-3-1956. Quốc hội soạn xong và thông qua lần cuối bản Hiến pháp ngày 20-10-1956.
Bản hiến pháp được tổng thống Ngô Đình Diệm ban hành ngày 26-10-1956. Điều 96 của bản Hiến pháp nầy hợp thức hóa chức vụ của ông Diệm là vị tổng thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.
GS TRẦN GIA PHỤNG.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn