SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : DÃY NÚI TRƯỜNG SƠN BẮC - ĐÂY SÔNG GIANH NƠI NỒI DA XÁO THỊT . ĐẠI VIỆT THỜI TRỊNH-NGUYỄN PHÂN TRANH . ( Phần 4 of 5 )

22 Tháng Mười Hai 20218:52 CH(Xem: 2484)
Sông Gianh: ( Linh Giang ) dài 160 Km, khơi nguồn từ vùng núi Cô Pi cao trên 2000 M của rặng Trường Sơn chảy ngang qua địa phận tỉnh Quảng Bình và đổ ra biển Đông. Đây là dòng sông lịch sử đánh dấu thời Trịnh Nguyễn phân tranh. Vùng biên cương xung đột vũ trang giữa Đàng Ngoài và Đàng Trong gần nửa thế kỷ ( 1627 – 1672 ). Nơi, đã để lại bao đau xót cho con Lạc cháu Hồng.
Tiên sinh Đằng Phương ( Gs Nguyễn Ngọc Huy ) đã cảm khái nỗi đau bất tận… của giống nòi qua bài thơ Hận Sông Gianh vô cùng bi tráng vào khoảng thập niên 1950. Bài thơ này, hầu như quí vị cao niên không ai là không biết.
Sông Gianh ghi dấu tích Huynh đệ Tương tàn .
Hận Sông Gianh . (Đằng Phương - Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy - Lãnh Tụ Đảng Tân Đại Việt hay Đảng Đại Việt Cấp Tiến )
Đây sông Gianh đây biên cương thống khổ
Đây sa trường đây nấm mộ trời nam
Đây giòng sông, giòng máu Việt còn loang
Đây cổ độ xương tàn xưa chất đống
Sông còn đây hận phân chia nòi giống
Máu còn đây cơn ác mộng tương tàn
Và còn đây hồn dân Việt thác oan
Bao thế kỷ chưa tan niềm uất hận
Ôi Việt Nam cùng Việt Nam gây hấn
Muôn đời sau để hận cho giòng sông
Mộng bá vương Trịnh - Nguyễn có còn không
Nhục nội chiến non sông còn in vết
Đây sông Gianh nơi nồi da xáo thịt
Nơi gươm Hồng tàn giết giống Lạc Hồng
Nơi máu hồng nhuộm đỏ sóng giòng sông
Máu nhơ bẩn muôn đời không rửa sạch.
Bối cảnh ​Đại Việt thời Lê Trung Hưng .
Nam-Bắc triều - chúa Trịnh, và chúa Nguyễn .
Năm 1527, Mạc Đăng Dung cướp ngôi nhà Hậu Lê lập ra nhà Mạc. Năm 1533, tướng cũ của nhà Lê là Nguyễn Kim lập con vua Lê Chiêu Tông lên ngôi, tức là Lê Trang Tông. Năm 1545, Nguyễn Kim bị sát hại, con rể là Trịnh Kiểm lên thay. Để nắm trọn binh quyền, Trịnh Kiểm đầu độc giết con cả của Nguyễn Kim là Nguyễn Uông. Em của Uông là Hoàng lo sợ bị anh rể hại, nên nghe theo lời khuyên của Nguyễn Bỉnh Khiêm, xin vào trấn thủ Thuận Hóa. Trịnh Kiểm cho rằng đất ấy là nơi xa xôi, hoang vu nên đồng ý cho đi, với hy vọng rằng khi đụng độ với quân nhà Mạc, Hoàng sẽ bị giết chết dưới tay chúng. Tuy nhiên, ngạc nhiên thay, Nguyễn Hoàng không những đánh bại được quân nhà Mạc, mà lại còn lấy được lòng dân Thuận Hóa nữa.
Do đối phó với nhà Mạc ở phương bắc, Trịnh Kiểm cho Nguyễn Hoàng kiêm trấn thủ luôn Quảng Nam. Năm 1570, Trịnh Kiểm chết, con cả là Trịnh Cối lên thay.
Trịnh Kiểm xuất thân trong một gia đình nghèo tại Thanh Hóa. Lớn lên ông theo Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim nổi quân chống nhà Mạc, dựng Lê Trang Tông làm hoàng đế ở phía Nam.
Nguyễn Kim thấy ông có sức khỏe và tài lược khác thường, nên gả con gái là Nguyễn Thị Ngọc Bảo, cho coi binh mã và cất nhắc đến tước Dực nghĩa hầu.
Trịnh Kiểm lập nhiều chiến công trong các trận đánh quân Mạc. Vua Lê Trang Tông cũng coi là người tâm phúc, năm 1539 phong ông lên chức Đại tướng quân, tước Dực quận công. Lúc đó ông 37 tuổi.
Sau khi Nguyễn Kim chết. Từ đây, trên cương vị là Đô tướng tiết chế các dinh quân thuỷ bộ các xứ kiêm tổng nội ngoại bình chương quân quốc trọng sự, Thái sư Lượng quốc công (1545) và Thượng tướng Thái quốc công (1569), ông lãnh đạo chính quyền, quân đội của triều Lê trong gần 30 năm, trải qua 3 đời vua Lê Trang Tông, Lê Trung Tông và Lê Anh Tông. Ông là người đóng vai trò lớn trong việc tổ chức nhà nước của Nam triều, qua những quyết định như dựng hành dinh tại ở Vạn Lại...
Trịnh Cối không màng chính sự, bị em là Trịnh Tùng đoạt quyền. Cối cùng đường đầu hàng nhà Mạc và chết già ở đất Bắc.
Trịnh Tùng nắm đại quyền, thao túng triều đình, cho người ám sát vua Lê Anh Tông lập vua nhỏ là Thế Tông. Năm 1592, Trịnh Tùng đánh chiếm được Thăng Long, đuổi họ Mạc chạy lên Cao Bằng. Khi rước được vua Lê về kinh thành, Trịnh Tùng bắt đầu tính tới người cậu Nguyễn Hoàng ở phương nam.
Chiến tranh ngấm ngầm​ Trịnh – Nguyễn
Cuộc chiến Trịnh – Nguyễn thực sự diễn ra từ năm 1627 nhưng đó là chỉ tính về mặt quân sự. Nếu tính cả trên mặt trận ngoại giao, xung đột giữa hai bên đã nổ ra từ nhiều năm trước.
Nguyễn Hoàng trốn về Nam​ .
Năm 1593, Trịnh Tùng triệu Nguyễn Hoàng ra Bắc với lý do để cùng đánh tàn dư họ Mạc còn tản mát ở Bắc bộ. Hoàng vâng lệnh mang quân ra bắc, phá tan quân Mạc ở Hà Trung và Sơn Nam, sau đó được Tùng giao trách nhiệm trấn giữ Sơn Nam.
Nguyễn Hoàng đóng quân ở Sơn Nam được 8 năm cố tìm cách thoát về nam. Năm 1600, nhân họ Mạc nổi dậy, Hoàng ngầm xúi giục các hàng tướng Mạc cũ là Phan Ngạn, Bùi Văn Khuê, Ngô Đình Nga nổi loạn để lấy cớ đi dẹp. Trịnh Tùng do đối phó họ Mạc ở Cao Bằng, họ Vũ ở Tuyên Quang (tức Chúa Bầu) nên đồng ý cho Nguyễn Hoàng đi dẹp. Hoàng nhân cơ hội đó chạy thẳng ra biển đi thoát về nam.
Thấy Nguyễn Hoàng trốn thoát, Trịnh Tùng sai người cầm thư vào nam dụ ra lần nữa nhưng Hoàng không ra, sau đó lại bỏ không nộp thuế đều đặn cho miền bắc. Để xoa dịu tình hình, Hoàng gả con gái là Ngọc Tú cho con Tùng là Tráng (tức là cháu lấy cô).
": Ta không nhận sắc."​
Năm 1613, Nguyễn Hoàng qua đời, người con trai thứ 6 là Nguyễn Phúc Nguyên lên thay, tức là Sãi vương (hay chúa Sãi). Năm 1623, Bình An Vương Trịnh Tùng qua đời, con là Trịnh Tráng lên thay, tức là Thanh Đô Vương.
Sử sách nhà Nguyễn chép rằng, năm 1627, lấy cớ Nguyễn Phúc Nguyên bỏ không nộp thuế cho vua Lê, Trịnh Tráng làm sắc đứng tên vua Lê gửi trách Nguyễn, đòi đích thân hoặc sai con tải thuế ra bắc. Theo kế của mưu sĩ Đào Duy Từ, Phúc Nguyên một mặt lo tăng cường phòng thủ, một mặt tìm cách trả lại sắc thư.
Theo giai thoại, vì lực lượng yếu không thể ra mặt trả sắc thư cho chúa Trịnh, chúa Nguyễn sai đúc mâm hai đáy, để sắc thư kèm theo một bài thơ do Đào Duy Từ viết, cho vào đáy dưới, bên trên để vàng bạc, rồi sai Văn Khuông mang ra bắc tạ với chúa Trịnh. Khuông dâng mâm lên chúa Trịnh rồi giả cách về công quán nghỉ, trốn luôn về nam. Phía Trịnh phát giác mâm hai đáy bèn mở ra, bên trong có tờ sắc thư và một bài thơ chữ Hán như sau:
矛而無腋
覔非見跡
愛落心腸
力來相敵
Âm Hán-Việt:
Mâu nhi vô dịch
Mịch phi kiến tích
Ái lạc tâm trường
Lực lai tương địch
Các bầy tôi dưới quyền chúa Trịnh không giải được nghĩa bài thơ. Mãi sau Trạng Bùng Phùng Khắc Khoan mới giải được nghĩa rằng:
Câu đầu ý là chữ "mâu" (矛) bỏ nét phẩy. Chữ "mâu" không có nét phẩy thì thành ra chữ "dư" (予), nghĩa là "ta", "tôi".
Câu thứ hai ý là chữ "mịch" (覔) bỏ chữ "kiến" (見). Chữ "mịch" sau khi bỏ chữ "kiến" thì còn lại chữ "bất" (不), nghĩa là "không".
Câu thứ ba ý là chữ "ái" (愛) bỏ chữ "tâm" 心. Chữ "ái" không có chữ "tâm" thì thành ra chữ "thụ" (受), nghĩa là "nhận".
Câu cuối ý là chữ "lai"(來) ghép với chữ "lực" (力). Chữ "lai" đem ghép với chữ "lực" thì thành chữ "sắc" (勑).
Ẩn ý của bài thơ này là "dư bất thụ sắc" (予不受勑), nghĩa là "Ta không nhận sắc".
Theo sử sách nhà Nguyễn, sau khi hiểu được nghĩa bài thơ, nhận ra câu trả lời ngang ngạnh của Nguyễn Phúc Nguyên, Trịnh Tráng tức giận quyết định khởi đại binh vào nam. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu đều cho rằng điều này không phải là sự thật. Trên thực tế, người giải được bài thơ của Đào Duy Từ là Phùng Khắc Khoan đã mất từ năm 1613, trước đó 14 năm rồi. Không những thế, trong chính cuốn sử biên niên Đại Nam thực lục của nhà Nguyễn cũng chép rằng, sau khi Văn Khuông dâng mâm xong trốn về, tướng Nguyễn đóng ở biên giới đã chủ động đánh lấn sang đất Trịnh gây hấn trước, do đó Trịnh Tráng mới động binh vào nam, dẫn tới cuộc đại chiến đầu tiên giữa Trịnh và Nguyễn.
Sau này, các sử gia hiện đại tìm ra rằng chân tướng của sự việc này không giống những gì sử nhà Nguyễn chép. Chiếc mâm đồng hai đáy và bài thơ mà Đào Duy Từ dụng tâm khổ trí làm ra thì có thể có, nhưng thực ra phía Trịnh đã không phát giác ra cái mâm có hai đáy và do đó chúa Trịnh không phải tức giận về bài thơ này. Nhà Nguyễn muốn cha ông mình – chúa Sãi – đấm được họ Trịnh một cú đòn ngoại giao ngoạn mục, nhưng trên thực tế quả đấm đó "chỉ trúng vào không khí". Các sử gia nhà Nguyễn đã sơ hở khi ghi rằng Trạng Bùng làm người giải bài thơ của mưu sĩ họ Đào, nhưng lại quên rằng lúc đó Trạng Bùng đã qua đời từ lâu (ông qua đời năm 1613). Theo các nhà nghiên cứu, việc chúa Nguyễn tiếp tục không nộp thuế, cũng không ra nộp mình và cũng không sai con ra nhận sắc lệnh của vua Lê (chúa Trịnh nhân danh), rồi họ Nguyễn chủ động gây hấn mới là lý do để Trịnh Tráng khởi binh.
Cuộc chiến đầu tiên 1627​ :
Tháng 3 năm 1627, Trịnh Tráng khởi 20 vạn đại quân thủy bộ vào nam, cùng các tướng Nguyễn Khải, Lê Khuê chia làm hai đạo tiến vào, hội binh ở cửa Nhật Lệ. Phía Nguyễn cử các tướng Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Vệ, Nguyễn Phúc Trung đón đánh.
Quân Trịnh chủ động tấn công nhưng không chọc thủng được tuyến phòng thủ của quân Nguyễn. Phía Nguyễn có lợi thế là đại bác kiểu Bồ Đào Nha nên làm quân Trịnh sợ chạy dạt. Hai tướng Trịnh là Nguyễn Khải và Lê Khuê đều thua chạy.
Trong lúc hai bên tiếp tục giằng co thì Nguyễn Hữu Dật phao tin ở miền bắc, Trịnh Gia và Trịnh Nhạc âm mưu làm phản. Trịnh Tráng nghi ngờ vội thu quân về bắc.
Cuộc chiến thứ hai 1633​:
Quân Trịnh rút về, Nguyễn Phúc Nguyên theo kế của Đào Duy Từ gấp rút xây lũy Trường Dục (Lũy Thầy) để phòng thủ.
Năm 1631, con trưởng chúa Nguyên là thế tử Kỳ chết, con thứ hai là Lan được lập làm thế tử, con thứ tư là Anh ra thay Kỳ trấn giữ Quảng Nam. Anh bất mãn không được làm thế tử, mưu thông đồng với chúa Trịnh, bèn viết thư hẹn làm nội ứng cho Trịnh Tráng.
Năm 1633, Trịnh Tráng khởi binh nam tiến lần thứ hai, đóng ở cửa Nhật Lệ. Chúa Nguyễn cử Nguyễn Hữu Dật, Nguyễn Hữu Tiến làm tướng ra đánh. Trịnh Tráng đang đợi suốt hơn 10 hôm không thấy hiệu làm nội ứng của Anh thì bị quân Nguyễn đánh úp, quân Trịnh hoảng loạn tan vỡ bỏ chạy. Trịnh Tráng rút về bắc, để lại con rể là Nguyễn Khắc Liệt trấn thủ châu Bắc Bố Chính.
Quân Nguyễn đánh ra Bố Chính​ :
Năm 1634, Đào Duy Từ chết, năm sau Nguyễn Phúc Nguyên chết, thế tử Lan lên thay, tức là Thượng vương. Em Lan là Anh nổi loạn bị giết chết.
Năm 1637, Thượng vương Lan sai Nguyễn Đình Hùng mang quân đánh úp chiếm Nam Bố Chính, giết tướng trấn thủ là Nguyễn Tịch.
Năm 1640, tướng Trịnh là Nguyễn Khắc Liệt mang quân đánh phá Nam Bố Chính rồi rút về. Chúa Nguyễn theo kế phản gián của Nguyễn Hữu Dật, viết thư cho Trịnh Tráng nói Liệt mưu thông đồng với chúa Nguyễn nên mặt ngoài gây chiến mà bên trong muốn hàng. Mặt khác, Nguyễn Phúc Lan thúc quân đánh Khắc Liệt. Khắc Liệt thua chạy, viết thư cầu cứu. Trịnh Tráng tin lời gièm của bên Nguyễn nên khi Liệt xin viện binh, Tráng điều Trịnh Kiều mang quân vào cứu, thực ra là để thay Liệt.
Kiều theo lệnh đến nơi nhưng không cứu Liệt mà chặn đường bắt Liệt mang về nộp chúa Trịnh, do đó quân Nguyễn nhân thời cơ đánh chiếm luôn Bắc Bố Chính. Nguyễn Khắc Liệt bị Trịnh Tráng xử tử.
Cuộc chiến thứ ba 1643​ :
Mất Bắc Bố Chính, năm 1643, Trịnh Tráng điều quân vào nam chiếm lại. Chúa Trịnh cử hai con là Tạc và Lệ đi tiên phong, cùng các tướng Phạm Công Trứ, Nguyễn Danh Thọ, Nguyễn Quang Minh.
Quân Trịnh ồ ạt tiến công giết chết tướng Nguyễn là Bùi Công Thắng, chiếm lại Bắc Bố Chính, tiến lên đóng ở cửa Nhật Lệ. Sau khi hai con ra quân được một tháng, chúa Trịnh rước vua Lê Thần Tông cùng đi nam chinh. Hai bên đối trận chưa phân thắng bại, gặp lúc mùa hè, khí hậu oi bức, quân Trịnh bị bệnh nhiều nên Trịnh Tráng đành ra lệnh lui quân.
Tháng 6 năm 1643, theo đề nghị của chúa Trịnh, ba tàu chiến Hà Lan (trước gọi là Hòa Lan) là Wojdenes (De Wijdeness), Waterhond và Vos tiến vào cửa Thuận An đánh chúa Nguyễn. Thế tử Nguyễn Phúc Tần chưa được lệnh của cha vẫn mang quân ra nghênh chiến, làm một tàu của Hà Lan bị va phải đá ngầm rồi chìm, chiếc chỉ huy bị quân Nguyễn vây chặt nên thuyền trưởng phải tự đốt tàu, chiếc còn lại chạy thoát được.
Cuộc chiến thứ tư 1648​ :
Tháng 2 âm lịch năm 1648, Trịnh Tráng sai Lê Văn Hiểu khởi binh nam tiến lần thứ tư, dẫn bộ binh đánh Nam Bố Chính, còn thủy quân đánh cửa Nhật Lệ. Cha con Trương Phúc Phấn cố thủ ở lũy Trường Dục, quân Trịnh đánh không hạ được.
Thế tử Tần mang quân cứu viện ra Quảng Bình, chia quân thủy phục ở sông Cẩm La, sai Nguyễn Hữu Tiến mang quân đánh úp quân Trịnh lúc nửa đêm. Quân Trịnh thua lớn, bị thủy quân Nguyễn chặn đánh chạy đến tận sông Gianh.
Tháng 3 năm 1648, quân Nguyễn định vượt sông Gianh đánh ra Bắc Bố Chính thì nghe tin chúa Nguyễn ngã bệnh chết trên thuyền trên đường về Thuận Hóa nên phải lui binh. Con chúa Lan là Nguyễn Phúc Tần lên thay, tức là Hiền vương.
Trịnh Tráng lui binh, sai Lê Văn Hiểu giữ Hà Trung, Lê Hữu Đức đóng ở Hoành Sơn, Phạm Tất Toàn giữ Bắc Bố Chính.
Đại chiến lần thứ năm 1655 – 1660:
Giằng co ở Nghệ An​ Cuộc chiến lần thứ năm là cuộc chiến dài nhất, lớn nhất trong cuộc xung đột Trịnh - Nguyễn và là lần quân Nguyễn chủ động đánh ra bắc.
Quân nam chiếm 7 huyện Nghệ An , giằng co ở Nghệ An​ .
Tháng 4 năm 1655, chúa Nguyễn sai Nguyễn Hữu Tiến, Nguyễn Hữu Dật mang quân vượt sông Gianh đánh Bắc Bố Chính. Tướng Trịnh là Phạm Tất Toàn đầu hàng. Tiến và Dật thừa thắng tiến lên đánh Hoành Sơn, Lê Hữu Đức thua chạy. Tiến và Dật đánh luôn Hà Trung, Lê Văn Hiểu thua chạy nốt, cùng Đức lui về giữ An Trường (Nghệ An).
Trịnh Tráng thấy các tướng thua luôn, sai Trịnh Thượng làm thống lĩnh mang quân vào nam, triệu các tướng cũ về. Lê Văn Hiểu bị thương, nửa đường chết, còn Đức bị giáng chức.
Trịnh Thượng lãnh binh, tiến quân bộ vào huyện Kỳ Hoa, chia quân thủy tiến đến cửa Kỳ La. Hữu Tiến rút về nam sông Gianh. Trịnh Thượng thấy địch vô cớ rút, biết có mưu nhử nên không đuổi, đóng lại Lạc Xuyên, chia quân ra giữ Hà Trung. Hữu Tiến, Hữu Dật thấy địch không đuổi, liền chia quân thủy bộ đánh ra. Quân Trịnh hai cánh đều thua, quân thủy bỏ Kỳ La về Châu Nhai, quân bộ bỏ Lạc Xuyên về giữ An Trường. Thế là 7 huyện Nghệ An ở phía nam sông Lam là Kỳ Hoa, Thạch Hà, Thiên Lộc, Nghi Xuân, La Sơn, Hương Sơn, Thanh Chương về tay chúa Nguyễn.
Trịnh Tráng giáng chức Thượng rồi cử con là Trịnh Tạc vào làm Thống lĩnh. Hữu Tiến thấy viện binh Trịnh bèn lui về giữ Hà Trung. Gặp lúc họ Mạc phía bắc quấy rối, Trịnh Tạc phải rút về bắc, để Đào Quang Nhiêu ở lại đóng ở An Trường, Vũ Văn Thiêm lãnh thủy quân đóng ở Khu Độc; Thân Văn Quang và Mẫn Văn Liên đóng ở Tiếp Vũ.
Năm 1656, Hữu Tiến đánh Tiếp Vũ, Quang và Liên bỏ chạy. Hữu Dật phá tan thủy quân của Văn Thiêm, Thiêm cũng chạy. Quân Nguyễn hợp lại đụng Đào Quang Nhiêu, Nhiêu bại trận chạy về giữ An Trường. Trịnh Tráng bèn cử con út là Trịnh Toàn cầm quân​ vào cứu viện.
Toàn đốc quân tiến đến Thạch Hà, sai Nhiêu và Dương Hồ tiến lên đóng ở Đại Nại và Hương Bộc, Văn Thiêm tiến lên cửa Châu Nhai (cửa khẩu sông Lam). Hữu Dật sai Nguyễn Cửu Kiều một lần nữa đánh tan Văn Thiêm, Thiêm lại bỏ chạy. Dật sang bờ sông Lam hợp binh với Kiều kéo đến Đại Nại. Quân bộ của Hữu Tiến đánh Nhiêu ở Hương Bộc, Trịnh Toàn mang quân đến cứu, đánh bại quân Nguyễn. Sau đó Toàn lại sang đánh quân Nguyễn ở Đại Nại, giết chết Cửu Kiều, quân Nguyễn thua to, chạy về Hà Trung. Toàn và Nhiêu cùng đuổi đến Tam Lộng lại bị Tiến và Dật đánh bại, phải rút về An Trường.
Sách Việt Nam sử lược mô tả trận này hai bên có thắng có thua, sách Đại Việt Sử ký Toàn thư của Lê - Trịnh mô tả trận này quân Trịnh thắng lớn, ngược lại sách Đại Nam thực lục tiền biên của nhà Nguyễn soạn sau này lại mô tả trận này quân Nguyễn thắng. Các nhà nghiên cứu thống nhất với Việt Nam sử lược rằng hai bên có thắng có thua: sau trận thắng đầu quân Trịnh bị thua, nếu không đang đà thắng lợi phải tiến lên chứ không thể lui về giữ An Trường.
Trịnh Tráng bệnh nặng, thế tử Trịnh Tạc cầm quyền điều hành. Thấy Trịnh Toàn rất có uy tín với quân sĩ, Trịnh Tạc lo lắng. Tạc sai con là Căn mang quân vào Nghệ An, tiếng là tăng viện nhưng để kìm chế Trịnh Toàn. Tháng 4 năm 1657, Trịnh Tráng chết, Tây Định vương Trịnh Tạc lên thay. Biết anh em chúa Trịnh bất hòa, chúa Nguyễn sai người đến dụ nhưng Toàn cự tuyệt. Chúa Trịnh cử Trịnh Căn thay Toàn làm Thống lĩnh, triệu Toàn về kinh. Thủ hạ của Toàn một số người sang với Trịnh Căn, một số hàng Nguyễn. Toàn về kinh, chúa Trịnh lấy cớ trách Toàn không chịu tang cha rồi giam vào ngục và giết đi.
Tháng 6 năm 1657, Trịnh Căn lãnh binh​ chia quân sai Hoàng Thể Giao, Lê Thì Hiến và Trịnh Thế Công vượt sông Lam đánh tướng Nguyễn là Tống Hữu Đại ở huyện Thanh Chương. Do có người tiết lộ, Hữu Tiến biết trước phòng bị nên quân Trịnh bị thua rút về bờ bắc sông Lam.
Hai bên tạm hưu chiến cầm cự ở sông Lam, chỉ giao tranh những trận nhỏ. Tháng 6 năm 1658, tù trưởng Lang Công Chấn ở Quỳnh Lưu theo Nguyễn, mang quân đánh Trịnh, bị quân Trịnh đánh bại bắt được giải về Thăng Long. Tháng 7, quân Nguyễn vượt sông Lam thắng được Nguyễn Hữu Tá ở huyện Hưng Nguyên nhưng bị Lê Thì Hiến đánh bại phải rút về. Tháng 12, quân Trịnh đánh huyện Hương Sơn, thắng quân Nguyễn. Tháng 8 năm 1660, quân Trịnh lại đánh Nghi Xuân bị bại trận.
Chiến tranh hậu phương​ xãy ra ở Đàng Ngoài và Đàng Trong :
Trong khi ngoài mặt trận diễn ra các trận đánh lẻ tẻ thì phía trong mỗi bên đều lo củng cố hậu phương. Hữu Dật nhân lúc ngưng chiến tung gián điệp ra bắc dụ Phạm Hữu Lễ trấn thủ Sơn Tây, Văn Dũ trấn thủ Hải Dương làm phản Trịnh, lại hẹn họ Vũ ở Tuyên Quang và họ Mạc ở Cao Bằng cùng nổi dậy. Tuy nhiên do lực lượng các cánh này đều yếu, nhất là hai cánh Vũ, Mạc đều có ý đồ riêng. Tất cả có ý chờ quân Nguyễn vượt sông Lam, bắc tiến thật gấp mới ra mặt. Trong khi đó, quân Nguyễn cũng không hùng hậu, đi đánh xa lâu ngày đã mệt, cũng có ý chờ miền bắc có biến mới dám đánh lớn. Hai bên dùng dằng chờ nhau. Chúa Trịnh biết Hữu Lễ thông đồng với Nguyễn bèn dụ và giết chết. Ngoài biên cương, Trịnh Căn cũng cầm quân rất nghiêm, xử tử tướng Hoàng Nghĩa Chấn vì đố kỵ không tiếp ứng cho Đào Quang Nhiêu, sau đó lại giết Nguyễn Đức Dương vì bán trộm lương cho quân Nguyễn. Bên kia, Hữu Dật cũng giết hàng tướng Phạm Tất Toàn vì có ý về bắc.
Các tướng Nguyễn nảy sinh mâu thuẫn. Hữu Tiến và thuộc tướng ghét Hữu Dật vì Dật được chúa Nguyễn tin yêu hơn. Trịnh Căn nhân đó sai người mang vàng đến dụ nhưng Dật không nghe, báo hết cho chúa Nguyễn biết.
Tháng 9 năm 1660, Trịnh Căn chia quân, sai Hoàng Nghĩa Giao và Lê Thì Hiến đang đêm vượt sông Lam đánh Lận Sơn. Cánh quân của Giao đến Lận Sơn bị Nguyễn Hữu Dật vây ngặt, mấy thuộc tướng tử trận. Trịnh Căn thấy vậy mang quân bộ đến cứu Giao, lại điều quân thủy tiến lên áp sát quân Nguyễn mà bắn, đánh tan Dật, Dật thua chạy về Khu Độc. Cánh quân của Thì Hiến và Mẫn Văn Liên đụng độ Nguyễn Hữu Tiến ở Tả Ao, tuy Liên bị tử trận nhưng quân Trịnh phá được lũy, đánh bại được Hữu Tiến. Tiến phải rút về Nghi Xuân.
Nguyễn Phúc Tần mang quân tiếp ứng, đóng ở Quảng Bình. Hữu Dật muốn khoe công với chúa bèn lẻn về ra mắt Tần, thuật chuyện các chiến công vừa lập ngoài mặt trận. Tần ban cho Dật thanh bảo kiếm và sai quay lại đánh tiếp. Tiến nghe tin đó càng ghét Dật. Nhân lúc quân mới hàng ở Nghệ An bỏ trốn nhiều, tướng sĩ Nguyễn đều ngã lòng, Tiến bàn rút lui, chỉ có Dật không nghe.
Chúa Trịnh tăng viện cho Trịnh Căn. Tháng 11 năm 1660, biết bên Nguyễn các tướng bất hòa, quân lại bỏ trốn, Trịnh Căn sai Lê Thì Hiến và Lê Sĩ Triệt đánh huyện Nghi Xuân, Hoàng Nghĩa Giao và Nguyễn Năng Thiệu đánh huyện Thiên Lộc, phá tan quân Nguyễn. Quân Trịnh lấy lại 7 huyện ở Nghệ An mất từ năm 1655. Trịnh Căn thu hồi đất cũ​ .
Hữu Tiến thua trận buộc phải rút quân, nhưng vì ghét Dật nên giả cách hạ lệnh đánh An Trường và bí mật rút về Nam Bố Chính mà không báo cho Dật biết. Quân Trịnh đang đà thắng, sang sông đánh Khu Độc. Dật biết tin Tiến rút rồi, bèn làm nghi binh khiến quân Trịnh không dám đuổi gắt. Về đến Hoành Sơn, Dật gặp Tiến, vừa lúc Trịnh Căn thúc quân đuổi tới, hai bên giao tranh ác liệt và cùng thiệt hại lớn.
Hai bên bèn hưu chiến, Trịnh Căn lui về giữ Kỳ Hoa, Hữu Tiến giữ Nhật Lệ, Hữu Dật giữ Đông Cao. Trịnh Căn sai Đào Quang Nhiêu trấn thủ Nghệ An kiêm Bắc Bố Chính, còn mình rút về bắc.
Cuộc chiến thứ sáu 1661–1662​ :
Sau 1 năm nghỉ binh, nhân vừa thắng quân Nguyễn, tháng 10 năm 1661, Trịnh Tạc mang vua Lê Thần Tông cử đại binh vào nam, cử Trịnh Căn làm thống lĩnh cùng các tướng Hoàng Thể Giao, Đào Quang Nhiêu, Lê Thì Hiến vượt sông Gianh.
Nguyễn Hữu Dật trấn thủ Nam Bố Chính chia quân đắp lũy thế thủ, quân Trịnh đánh mấy tháng không hạ được. Tháng 3 năm 1662, quân viễn chinh mệt mỏi, lương hết, chúa Trịnh bèn rút quân về bắc. Hữu Dật đuổi theo đến sông Gianh rồi rút về.
Cuộc chiến thứ bảy 1672​ :
Vua Lê Thần Tông rồi Lê Huyền Tông qua đời, Lê Gia Tông lên ngôi. Sau khi dứt được họ Mạc ở Cao Bằng (1667), năm 1672, chúa Trịnh lại cử binh nam tiến, sai Trịnh Căn lĩnh thủy binh, Lê Thì Hiến lĩnh bộ binh.
Bên Nguyễn năm 1666, Nguyễn Hữu Tiến chết. Chúa Nguyễn cử em là Hiệp làm chủ tướng cùng Hữu Dật và Nguyễn Mỹ Đức ra chống cự, tự chúa Nguyễn ra tiếp ứng. Quân Trịnh hăng hái đánh lũy Trấn Ninh mấy lần suýt hạ được nhưng Hữu Dật cố sức chống đỡ. Quân Trịnh đánh mãi không thắng phải rút về Bắc Bố Chính, Trịnh Căn lại bị ốm nên Trịnh Tạc rút đại quân về kinh, cử Lê Thì Hiến, Lê Sĩ Triệt ở lại trấn thủ.
Chia đôi đất nước​ :
Trước sau trong 46 năm ròng rã, hai bên Trịnh – Nguyễn đánh nhau lớn 7 lần và một số lần đánh nhau quy mô nhỏ hơn. Chiến trường chủ yếu ở hai bờ sông Gianh, vùng Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình ngày nay.
Hai bên đều có lợi thế và điểm yếu nên không thể tiêu diệt được nhau, tuy cùng mang khẩu hiệu "Phù Lê". Sau nhiều năm giao chiến, cả hai bên đều kiệt quệ về sức người sức của nên phải chấp nhận đình chiến, chia cắt lâu dài. Sông Gianh, sử sách hay gọi là Linh Giang, trở thành ranh giới chia nước Đại Việt thành Đàng Trong và Đàng Ngoài.
Họ Trịnh không thể tiến vào chiếm Thuận Hóa nên tập trung diệt tàn dư nhà Mạc ở Cao Bằng (1677), dứt họ Vũ ở Tuyên Quang (1699), củng cố địa bàn Bắc Bộ. Họ Nguyễn không thể ra Thăng Long nên dồn sức diệt Chiêm Thành, lấn sang Chân Lạp để mở mang bờ cõi vốn nhỏ hẹp về phía nam. Hai bên đều có những chúa cai trị giỏi nên ổn định được lãnh thổ suốt hơn 100 năm.
Cuộc chiến cuối cùng​ :
Quân Trịnh lại Nam tiến​ :
100 năm sau khi đình chiến, có một biến cố lớn ở Đàng Trong làm xáo trộn cả Nam Hà lẫn Bắc Hà. Ba anh em Tây Sơn nổi dậy khởi nghĩa nhân lúc chính quyền họ Nguyễn lục đục rơi vào tay quyền thần Trương Phúc Loan. Khi thủ lĩnh Tây Sơn là Nguyễn Nhạc làm chủ được Nam Trung Bộ thì họ Trịnh nhận thấy thời cơ tiêu diệt họ Nguyễn đã đến.
Đầu tiên dùng danh nghĩa đánh Tây Sơn giúp Chúa Nguyễn, tháng 9 âm lịch năm 1774, chúa Tĩnh Đô vương Trịnh Sâm cử lão tướng Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc (thường gọi là quận Việp) làm Bình nam thượng tướng quân, Bùi Thế Đạt làm phó tướng mang 36.000 quân nam tiến.
Quân Trịnh tiến tới địa giới Bắc Bố Chính, tướng Nguyễn là Trần Giai chạy sang đầu hàng, làm hướng đạo cho quân Trịnh. Hoàng Ngũ Phúc vượt sông Gianh. Chúa Nguyễn biết ý Trịnh muốn đánh chiếm nên điều quân kháng cự.
Việp quận công Hoàng Ngũ Phúc đánh chiếm Phú Xuân​ .
Được sứ giả họ Nguyễn là Kiêm Long gợi ý, Hoàng Ngũ Phúc sai Hoàng Đình Thể tiến đánh lũy Trấn Ninh. Các tướng Nguyễn làm nội ứng mở cửa đầu hàng. Quân Trịnh chiếm được Quảng Bình.
Tháng 11 năm 1774, Trịnh Sâm tự cầm thủy quân vào Nghệ An làm thanh viện cho quận Việp. Quận Việp đánh Lưu Đồn, thống suất bên Nguyễn là Tống Hữu Trường bỏ chạy. Quận Việp tiến đến Hồ Xá dùng chiêu bài khác, lấy cớ trừng phạt Trương Phúc Loan chuyên quyền để nam tiến tiếp.
Quân Nguyễn yếu thế không chống nổi, Định vương Nguyễn Phúc Thuần phải trói Trương Phúc Loan nộp quân Trịnh. Giết Loan rồi, Hoàng Ngũ Phúc lại dùng lý do giúp Nguyễn đánh Tây Sơn để tiến vào Phú Xuân hội binh. Chúa Nguyễn sai các tướng trá hàng để quấy rối Quảng Bình, Bố Chính sau lưng quân Trịnh, nhưng các cánh quân đó bị quân Trịnh nhanh chóng phá tan. Chúa Nguyễn điều Tôn Thất Chí, Nguyễn Văn Chính ra đánh đều bị quận Việp đánh bại. Quận Việp sai Hoàng Đình Thể, Hoàng Nghĩa Phác theo đường núi qua thác Trầm Ma đánh tan quân Nguyễn, giết chết Chính.
Đầu năm 1775 quân Trịnh tiến vào Phú Xuân. Chúa Nguyễn không chống nổi phải bỏ chạy vào Quảng Nam. Quân Trịnh chiếm toàn bộ Thuận Hóa.
Tây Sơn tạm thời theo Trịnh​ :
Nguyễn Nhạc nhân chúa Nguyễn bỏ chạy vào Quảng Nam bèn mang quân hai đường thủy bộ ra đánh. Nguyễn Phúc Thuần vội bỏ Quảng Nam theo đường biển trốn vào Gia Định, để lại Nguyễn Phúc Dương.
Tháng 2 năm 1775, Trịnh Sâm từ Hà Trung trở về kinh, hạ lệnh cho quận Việp đánh Quảng Nam. Quân Tây Sơn cũng tiến ra, lùng bắt được Phúc Dương. Tháng 4, quân Trịnh vượt đèo Hải Vân và đụng độ với quân Tây Sơn. Hoàng Ngũ Phúc đang đà thắng lợi, sai Hoàng Đình Thể, Hoàng Phùng Cơ đánh bại quân Tây Sơn ở Cẩm Sa. Nguyễn Nhạc phải rút quân về Quy Nhơn.
Nhân lúc Nguyễn Nhạc thua trận, tướng Nguyễn là Tống Phúc Hiệp từ Bình Khang đánh ra Phú Yên, quân Tây Sơn lại thua phải co về Quy Nhơn. Tình thế của Nguyễn Nhạc rất nguy ngập, bèn sai người đến chỗ Hoàng Ngũ Phúc xin đầu hàng và làm tiên phong cho chúa Trịnh để đánh chúa Nguyễn. Quân Trịnh đi xa bấy giờ đã mệt mỏi, quân sĩ nhớ nhà, Hoàng Ngũ Phúc cũng muốn mượn sức Tây Sơn diệt họ Nguyễn nên nhân danh chúa Trịnh cho Nguyễn Nhạc hàng, sai Nguyễn Hữu Chỉnh đem sắc, ấn, cờ đến phong Nguyễn Nhạc làm "Tây Sơn trưởng hiệu tráng tiết tướng quân".
Tuy thế, quận Việp lão luyện vẫn không lui quân, đóng sát địa giới Quảng Ngãi, định chờ nếu Tây Sơn bại trận sẽ tiến vào chiếm Quảng Ngãi và Quy Nhơn. Nhân lúc Tây Sơn mang quân vào đánh Phú Yên, quận Việp liền lấn tới đóng quân ở Chu Ổ thuộc Quảng Ngãi.
Thịnh - Suy và Suy - Thịnh
Tháng 7 năm 1775, nghe tin Nguyễn Huệ thắng quân Nguyễn chiếm lại Phú Yên, quận Việp án binh lại. Theo yêu cầu của Nguyễn Nhạc, quận Việp phong chức cho Nguyễn Huệ làm "Tây Sơn hiệu tiền tướng quân". Ít lâu sau, quân Trịnh bị bệnh dịch chết khá nhiều, quận Việp tuổi già sức yếu bèn bỏ Quảng Nam lui về Phú Xuân, sau đó giao lại thành này cho Bùi Thế Đạt, còn mình dẫn đại quân về bắc. Tháng 10 năm đó, quận Việp bị bệnh chết trên đường về.
Lần đầu tiên sau 150 năm nam chinh, họ Trịnh tiến tới Quảng Nam, mở cương thổ cho vua Lê thời trung hưng tới gần được như thời Lê Thánh Tông của Lê sơ trước đây. Cũng lần đầu tiên, họ Nguyễn mất toàn bộ đất căn bản Thuận - Quảng, bị dồn vào Nam Bộ, mảnh đất họ Nguyễn đã đặt bộ máy hành chính của mình chưa đầy 100 năm.
Cuộc nam tiến lần thứ 8 năm 1774 – 1775 của quân Trịnh cũng là trận chiến Trịnh – Nguyễn cuối cùng. Từ đây hai bên bị địa bàn của Tây Sơn ngăn cách và không còn tái chiến. Sau 8 cuộc chiến vẫn không bên nào diệt được bên nào.
Sau trận 1774, lãnh thổ họ Trịnh quản lý phát triển đến cực thịnh. Nhưng sau khi quận Việp chết, phía Trịnh từ chúa đến quân đều có ý tận hưởng chiến thắng, lơ là phòng bị biên cương phía nam.
Chỉ hơn 10 năm sau thắng lợi ở Phú Xuân, chính kinh thành Thăng Long của họ Trịnh bị thất thủ và họ Trịnh mất theo.
Lực lượng Tây Sơn do Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ chỉ huy đã Bắc tiến và giật sụp luôn quyền lực của chúa Trịnh ở đất Bắc Việt.
Ca Dao
Cái cò lặn lội bờ sông,
Gánh gạo đưa chồng tiếng khóc nỉ non
Nàng về nuôi cái cùng con
Cho anh đi trẩy nước non Cao Bằng.

- Danh Tướng Đào Duy Từ .
Đào Duy Từ (1572-1634) quê ở xã Hoa Trai, huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia, Thanh Hóa , thông minh, học rộng biết nhiều. Nhưng khi đi thi Hương ông bị gạch bỏ tên vì có cha làm nghề phường chèo.
Ông buồn bực quay về, căm giận họ Trịnh lúc bấy giờ.
Rồi mùa Đông năm Ất Dậu (1627). Đào Duy Từ trốn được vào xứ Đàng Trong.
Năm 1627, Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đã gặp và trọng dụng Đào Duy Từ. Nguyễn Phúc Nguyên gọi Đào Duy Từ là thầy để tỏ lòng kính trọng. Năm Canh Ngọ 1630, ông chủ xướng việc thiết kế và chỉ đạo xây dựng hai công trình phòng thủ quan trọng là Lũy Trường Dục ở huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình (1630) và Lũy Thầy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu (Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình).
Đào Duy Từ là một người văn võ song toàn đã đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chúa Nguyễn giữ vững cơ đồ của mình tại Đàng Trong trong suốt gần 50 năm giao tranh ác liệt với chúa Trịnh từ năm 1627-1672.
Người dân Đàng Trong gọi hệ thống thành lũy phía Nam sông Gianh là Lũy Thầy để tỏ lòng tôn kính Đào Duy Từ.
Sau này, vua Thiệu Trị đi qua hệ thống Lũy Thầy hùng vĩ này đã xúc động trước công trình thành lũy này và đã ban cho lũy này tên mới “Định Bắc trường thành” để nhớ ơn tổ tiên đã giữ vững cõi Nam.
Khôn ngoan qua được Thanh Hà
Dẫu rằng có cánh khó qua Lũy Thầy.
Tháng Mười năm Giáp Tuất (1634), Đào Duy Từ lâm bịnh nặng rồi mất, thọ 63 tuổi . Chúa Nguyễn Phúc Nguyên đích thân đến thăm viếng.
Đến năm thứ 5 đời vua Gia Long, Đào Duy Từ được tùng tự ở Thái Miếu, đến thời vua Minh Mạng truy phong là Hoằng quốc công./.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn