BIỂN ĐÔNG VÀ HẢI SỬ - NHỮNG DẤU TÍCH VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG ( Phần 4 of 4 ) : Mẹ Việt Nam Ơi - Mẹ Trùng Dương - HQ 10 Nhật Tảo - HQ 504 Quy Nhơn - HQ 800 Mỹ Tho : " Dù hành trình lỡ bước, mớ xương trắng sẽ thành rừng san hô ".

30 Tháng Mười 20215:31 CH(Xem: 1491)
Mẹ Trùng Dương - Nhạc Sĩ Phạm Duy .
Sóng vỗ miên man như câu ru êm của Mẹ dịu dàng
Nước biếc mênh mông như đôi tay ôm của Mẹ trùng dương
Mẹ Việt Nam cho quê hương muối trắng
Thêm thơm mâm cơm mặn nồng
Me còn cho con
Luôn luôn tôm to cá lớn tươi ngon đầy thuyền
Mẹ hiền không lên bão tố
Mẹ già không đem nỗi khó
Mẹ là mẹ nhà cho mưa với gió hiền khô
Ngày ngày vươn vai
Ra khơi đón ánh dương soi con tim bồi hồi
Chiều chiều chơi vơi
Không nguôi thương thương nhớ nhớ con trong cuộc đời
Mẹ tìm con trong gió Bắc
Mẹ về phương Nam nắng gắt
Tình nhà mở cửa đem ra góp với bao la
Sóng vỗ êm êm như khuyên con nên trở lại Mẹ hiền
Gió rít thông reo như kêu con mau trở về Mẹ yêu...
(Nghe Qua YouTube)
-Đá Hải Sâm là một rạn san hô vòng thuộc nhóm đảo Lưỡi Liềm của quần đảo Hoàng Sa. Đá này nằm cách đảo Quang Ảnh khoảng 1,5 Hải lý (2,8 Km) về phía đông và cách đảo Hữu Nhật khoảng 0,5 hải lý (0,9 Km) về phía nam.
Đá Hải Sâm là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan và Trung quốc. Hiện nay, Trung quốc đang kiểm soát rạn vòng này kể từ khi trận Hải Chiến Hoàng Sa 19-1-1974 với Hải Quân VNCH chấm dứt .
Tên gọi: đá Hải Sâm; tiếng Anh: Antelope Reef; tiếng Hoa: 羚羊礁; bính âm: Língyáng jiāo, Hán-Việt: Linh Dương tiêu
Đặc điểm: dài khoảng 3 Hải lý (5,6 Km), rộng khoảng 2 Hải lý (3,7 Km) và chìm xuống nước khi thủy triều lên. Ở góc đông nam nổi lên một cồn cát cao 1 M so với mực nước biển và rộng 1,5 ha; Trung quốc gọi là 筐仔沙洲 (Hán-Việt: Khuông Tử sa châu), tức bãi cát Khuông Tử, có tọa độ địa lý là 16°26′49″B 111°36′24″.
Những Dấu tích Việt Nam trên biển Đông .
(Trích đoạn Hải chiến Hoàng Sa 1974 – Hộ Tống Hạm Nhật Tảo (HQ10) đi vào lịch sử )
... Tình trạng HQ10 lúc này quá bi đát, gần 70% nhân viên đã hy sinh kể cả Hạm Trưởng, một số đang bị thương, phòng máy còn đang cháy, các nhân viên cơ khí bị cháy đen thui trong đó có Tr/Úy Thạch Cơ khí trưởng hai chân hầu như lìa khỏi thân mình, mặt mày cháy đen, 2 máy chánh và máy điện hoàn toàn bất khiển dụng, hệ thống liên lạc nội bộ và máy truyền tin không xử dụng được.
Quyền Hạm Trưởng Đại Úy Nguyễn Thành Trí từ Đài Chỉ Huy bò xuống sàn tàu. Trước tình trạng tuyệt vọng không được sự tiếp cứu từ các chiến hạm bạn, ngoài ra các chiến hạm địch cũng đang tự cứu lấy do đó không còn là mối đe dọa nữa. Có lẽ đây là những lý do đã khiến cho Đ/U Trí ra lịnh đào thoát.
Với gương mặt đầy máu, Đ/U Trí được hai nhân viên dìu đứng gần bè cấp cứu dõng dạc tuyên bố:” Hạm Trưởng đã hy sinh, tôi thay mặt Hạm Trưởng ra lịnh đào thoát.” Sau đó, Đ/U Trí đã lết đến từng chỗ mà kéo vực các binh sĩ xuống bè đào thoát (trong số này có Tr/úy Phạm Văn Thì đang ở tại nhiệm sở thủ cây đại liên). Ngoài ra Đ/U Trí chỉ định những nhân viên còn khỏe mạnh thả 4 bè cấp cứu cùng phụ giúp đưa những người bị thương xuống bè và chuẩn bị 1 bè nhỏ có 2 miếng ván kê lên để cho 2 chiến sĩ bị thương nặng là TS/VC Đa và TS/TP Nam nằm lên.
Khi tất cả nhân viên đã xuống bè, Đ/U Trí với vết thương quá nặng, khắp người nhầy nhụa máu cương quyết ở lại chết cùng Hạm Trưởng cùng nhân viên và chiến hạm nhưng hai nhân viên là HS/TP Trần Ngọc Sơn và TT/TX Trương Văn Long đã cặp và lôi ông xuống bè.
Như vậy cuộc đào thoát đã được thực hiện từng giai đoạn, rất có kỷ luật và theo đúng truyền thống Hải Quân. Quyền Hạm Trưởng Nguyễn Thành Trí là người cuối cùng miển cưỡng rời chiến hạm. Trong những giờ phút sau cùng, Đ/U Trí vẫn không quên những bài học về Hải Quy trong hai năm thụ huấn nơi quân trường.
Khi tất cả nhân viên đã lên bè đầy đủ (có người nhảy xuống nước rồi mới lên bè) kiểm điểm lại có tất cả 28 người trong đó có những người bị thương nặng và nhẹ trên 4 bè lớn và 1 bè nhỏ, ngoại trừ các chiến sĩ đã hy sinh.
Có 2 chiến sĩ oai hùng là HS1/VC Lê Văn Tây và HS/VC Ngô Văn Sáu đã từ chối không xuống bè đào thoát, quyết ở lại tử chiến với giặc thù Trung cộng và chết theo tàu..
Tình trạng các bè rất bi thảm, bè nào cũng bị trúng đạn. Riêng bè của Đ/U Trí bị bể một miếng lớn, khi 6 người ngồi lên, bè chìm xuống, nước ngập tới ngực. Dù bị thương nặng nhưng Đ/U Trí vẫn còn tỉnh táo, ông bảo thủy thủ cố đưa 4 bè lại gần nhau rồi dùng những sợi dây chung quanh phao, cột chúng lại với nhau để cho tàu chạy ngang qua dễ nhìn thấy.
Luồng nước và gió từ từ đưa các bè xa dần HQ10. Lúc này tiếng súng đã ngưng hẵn. Từ bè nhìn lại HQ10 vẫn còn bốc khói. Tàu bị trúng đạn quá nhiều lỗ chỗ như tổ ong; về phía Trung cộng, 3 chiếc cũng đang bốc cháy.
Tất cả mọi người đều hy vọng sẽ có chiến hạm bạn đến tiếp cứu nhất là HQ16 cũng không xa lắm, nhưng khi nhìn thấy HQ16 bị nghiêng một bên và đang từ từ chạy ra khỏi lòng chảo họ mới hiểu được lý do vì sao HQ16 không đến vớt họ lên.
Gió mùa Đông Bắc đưa các bè trôi theo hướng ra ngoài lòng chảo nhóm Nguyệt Thiềm và HQ10 cũng đang trôi theo. Khoảng hơn một giờ sau các thủy thủ trên bè thấy có khói xuất hiện ở cuối chân trời, niềm hy vọng có tàu bạn đến cứu nhóm lên, nhưng khi đến gần thì ra là hai chiếc số 281, 282 loại Hainan của TQ. Khi 2 chiếc này tới gần HQ10 vào lúc 12 giờ 12 phút khẩu đại bác 20 ly do 2 chiến sĩ anh hùng Tây và Sáu ở lại tử thủ bắt đầu nổ vang, chiến hạm địch vừa tiến vừa phản pháo bằng đại bác 57 ly và các loại súng khác. Một hồi lâu sau tiếng đại bác 20 ly từ HQ10 im bặt, HS1/VC Lê Văn Tây và HS/VC Ngô Văn Sáu đã trúng đạn của giặc thù TQ hy sinh đền nợ nước một cách oai hùng.
Mặc dù không còn tiếng súng chống trả trên HQ 10 nhưng tàu TQ vẫn tiếp tục bắn xối xả vào HQ10 trong khi HQ10 đang bốc cháy và trôi lềnh bềnh cho đến 14 giờ 52 phút thì chìm tại địa điểm cách phía Nam bãi đá ngầm Hải Sâm (Antelope reef) khoảng 2,5 Km mang theo thân xác của Hạm Trưởng Ngụy Văn Thà và 54 chiến sĩ anh hùng của HQ-VNCH.

-Đá Cô Lin (tiếng Anh: Collins Reef hoặc Johnson North Reef (hay Johnson Reef North); tiếng Hoa: 鬼喊礁; bính âm: Guǐhǎn jiāo, Hán-Việt: Quỷ Hám tiêu) là một rạn san hô thuộc cụm Sinh Tồn của quần đảo Trường Sa.
Đá Cô Lin đang là tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung quốc. Sau trận Hải chiến Trường Sa 1988 giữa Việt Nam và Trung quốc, Việt Nam vẫn giữ quyền kiểm soát và quy thuộc thực thể địa lý này vào xã Sinh Tồn, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.
Đá Cô Lin nằm cách đảo Sinh Tồn 8,1 Hải lý (15 Km) về phía tây nam, cách đá Gạc Ma khoảng 3,9 hải lý (7,2 Km) về phía tây bắc và cách đá Len Đao 7 hải lý (13 Km) về phía tây. Là một rạn san hô hình tam giác có cạnh hơi cong, có chiều dài mỗi cạnh khoảng 1 Hải lý. Đá này ngập chìm dưới nước khi thủy triều lên và chỉ có vài hòn đá nổi lên khi thủy triều xuống thấp. Bản đồ hành chính đều thể hiện danh từ riêng là Cô Lin còn danh từ chung để mô tả thực thể là đá.
Về địa lý, đá Cô Lin không phải là một đảo mà là rạn san hô.
"Đảo Cô Lin" - Tọa độ địa lí ghi trên bia chủ quyền Đảo Cô Lin là 9°46′25″B 114°15′19″Đ.

Những Dấu tích Việt Nam trên biển Đông
HQ 504 - Quy Nhơn HQ-VNCH .
Dương Vận Hạm HQ 504 - Quy Nhơn trực thuộc Hải quân Việt Nam Cộng Hòa chính là số hiệu tàu vận tải HQ-505 trong Hải quân CS Việt Nam .
Đây là một tàu hải quân từng phục vụ trong Hải quân Hoa Kỳ (USS Bulloch County (LST-509).
HQ-505 là tàu đổ bộ lớp LST-491 được đóng cho Hải quân Hoa Kỳ để tham gia chiến đấu trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Nó được đặt lườn vào ngày 7 tháng 10 năm 1943, hạ thủy ngày 23 tháng 11 năm 1943 và đưa vào biên chế vào ngày 20 tháng 1 năm 1944. Hải quân Hoa Kỳ sử dụng tàu này trong mặt trận châu Âu và đổ bộ lên Normandie. Sau chiến tranh, nó có tên là USS Bulloch County với số hiệu là LST-509. LST-509 được tặng một huân chương quân công.
Ngày 8 tháng 4 năm 1970, tàu được loại biên và biệt phái gia nhập Hải quân Việt Nam Cộng Hòa . Trong lực lượng HQ-VNCH được gọi là Dương Vận Hạm (tàu vận chuyển trên biển) và được đặt tên mới là Quy Nhơn với số hiệu là HQ-504.
Những năm 1973-1975, Hạm trưởng Lê Văn Phú và HQ-504 Quy Nhơn đã tham gia vận chuyển vật liệu, thiết bị và nhân lực để xây dựng các chốt trên đảo và giữ quần đảo Trường Sa.
Sau ngày 30-4-1975 HQ-504 Quy Nhơn đã được sử dụng trong Hải quân CS Việt Nam với số hiệu HQ-505 và tiếp tục được sử dụng để phục vụ việc xây dựng và bảo vệ Trường Sa.
Trong Chiến dịch CQ-88, HQ-505 được giao nhiệm vụ từ đảo Trường Sa ra đóng giữ đá Cô Lin (trước lúc đó, đá này không có người).
Thuyền trưởng HQ-505 Vũ Huy Lê lệnh cho tàu thả neo ở sát đá Cô Lin và cử chiến sĩ lên đá cắm mốc chủ quyền Việt Nam.
Sau đó, khi phát hiện thấy tàu HQ-604 bị hai tàu khu trục Trung quốc bắn chìm ở bãi đá Gạc Ma, ông đã ra lệnh nhổ neo cho tàu HQ-505 ủi bãi đá Cô Lin để tạo công sự cố thủ.
Phát hiện tàu 505 đang lên bãi, 2 tàu của Trung quốc quay sang tiến công tàu HQ-505.
Khi tàu HQ-505 trườn lên được hai phần ba thân tàu lên đá thì bốc cháy và thiệt hại nặng. Các chiến sĩ tàu HQ-505 vừa chữa cháy cứu tàu, vừa bảo vệ mốc chủ quyền Việt Nam , vừa di chuyển sang Đá Gạc Ma cứu đồng đội.
Sau đó Hải quân CS Việt Nam đã cố gắng cứu tàu đưa tàu HQ-505 về quân cảng Cam Ranh để sửa chữa, nhưng không được như dự định . Tàu bị gãy lớn , vô nước rồi chìm ở ngay gần đá Cô Lin ( Collins Reef ).
-Bãi Cỏ Mây ( Second Thomas Shoal, Spratly Islands )
Biển Đông
Tọa độ
9°49′B 115°52′ĐTọa độ: 9°49′B 115°52′Đ
Quốc Gia Việt Nam Chủ Quyền - Philippines Trấn Thủ .
Bãi Cỏ Mây là một rạn san hô vòng thuộc cụm Bình Nguyên của quần đảo Trường Sa. Rạn vòng này nằm về phía đông nam của đá Vành Khăn và cách bãi Sa Bin 35 hải lý (64,8 Km) về phía tây.
Bãi Cỏ Mây là đối tượng tranh chấp giữa Việt Nam, Đài Loan, Philippines và Trung quốc. Hiện Philippines đang kiểm soát rạn vòng này và dùng xác tàu BRP Sierra Madre mắc cạn tại đây vào năm 1999 để làm chỗ đóng quân cho binh lính làm nhiệm vụ canh gác bãi Cỏ Mây.
Tên gọi: bãi Cỏ Mây, có nơi ghi là bãi Cò Mây ; tiếng Anh: Second Thomas Shoal; tiếng Filipino: Ayungin; tiếng Hoa: 仁爱礁; bính âm: Rénài jiāo, Hán-Việt: Nhân Ái tiêu.
Đặc điểm: có hình dạng giống củ cà rốt với chiều dài tính theo trục chính bắc-nam là 9 hải lý (16,7 Km) và chiều rộng tối đa là 3 hải lý (5,6 Km) ở gần đầu mút phía bắc. Diện tích của rạn vòng này vào khoảng 60 Km². Bãi cạn hình giọt nước dài, vành san hô bao quanh một đầm sâu 27m tuyệt đẹp .
Sau 30-4-1975 Hải Quân VNCH di tản, không còn kiểm soát toàn vùng biển Đông và quần đảo Trường Sa .
Hải Quân của CS chưa sẵn sàng tuần tra biển Đông .
Do đó Philippines đã thừa cơ đổ bộ và chiếm giữ phía đông quần đảo Trường Sa như các đảo Thi Tứ, đảo Loai Ta , đảo Vành Khăn , Song Tử , và bãi Cỏ Mây ...
Tuy nhiên, cuộc tranh đấu giành lại các đảo do Philippines chiếm giữ , sẽ dễ dàng hơn nhiều lần so với cuộc chiến đấu chống lại sự xâm lăng chiếm đoạt từ Tàu Trung cộng tàn bạo , vì tiềm lực quốc gia của Cộng Hòa Philippines có giới hạn .
Do đó kẻ thù nguy hiểm nhất cho Dân tộc Việt Nam là Tàu Trung cộng .
Những Dấu tích Việt Nam trên biển Đông .
RVNS Mỹ Tho (HQ-800) chính là USS Harnett County (AGP-821) ở vùng biển miền Nam Việt Nam từ năm 1967-1970.
RVNS Mỹ Tho HQ-800, ban đầu tàu tên là USS LST-821, sau đổi thành USS Harnett County LST-821 (đặt theo tên Harnett County, North Carolina), tiếp nữa đổi thành USS Harnett County AGP-821; thuộc lớp tàu đổ bộ LST-542. USS Harnett County LST-821, phục vụ trong cuộc Chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và Chiến tranh Việt Nam.
Nguồn gốc :
Ngày 12 tháng 10 năm 1970, Hoa Kỳ chuyển giao tàu USS Harnett County cho Việt Nam Cộng Hòa theo Chương trình Hỗ trợ An ninh và đổi tên thành RVNS Mỹ Tho HQ-800.
Ngày 29-4-1975 “ HQ 800 MYTHO (Mỹ Tho) neo tại ngã ba sông Nhà Bè, được chỉ định đón ban tham mưu của BTL/HQ và nhận lệnh thẳng từ TL /HQ” Chiến hạm ra khơi đêm 29-4-1975 .
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975, RVNS Mỹ Tho là một trong những chiếc tàu của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa di tản đến Vịnh Subic - Philippines.
Vào ngày 05 tháng 4 năm 1976, chính phủ Hoa Kỳ chuyển giao USS Harnett County cho Hải quân Philippines và tàu mang tên mới là BRP Sierra Madre LT-57.
Năm 1999, chính phủ Philippines đã cố tình để BRP Sierra Madre bị mắc cạn trên Bãi Cỏ Mây thuộc quần đảo Trường Sa - Spratly Islands , nhằm biến con tàu thành một tiền đồn của Thủy quân lục chiến Philippines, để khẳng định chủ quyền của Philippines trong tranh chấp với Trung quốc về quyền sở hữu quần đảo Trường Sa.
BRP Sierra Madre LT-57 vẫn còn tồn tại vì mục đích đó. Danh sách các tàu của Hải quân Philippines sẽ không mang tên Sierra Madre nữa, nhằm mục đích vinh danh, tuy nhiên tàu vẫn chưa được chính thức cho ngừng hoạt động.
Danh Tướng Douglas MacArthur đã từng nói “người chiến sĩ già không bao giờ chết, họ chỉ biến mất đi.” Nhưng chiến hạm này không như thế, như là một chiến sĩ, nó có ngày sinh, có tên, có quốc tịch, có quá trình hoạt động, có chiến công và nay “tuy tuổi đời đã ngoài 70, nhưng sẽ không bao giờ chết, và cũng sẽ không biến mất hay đi vào quên lãng.”
Hy vọng là với quyết tâm bảo vệ lãnh hải của chánh phủ Phi, thân xác của con tàu LT-57 sẽ được ngàn đời yên nghỉ trên Bãi Cỏ Mây như là bằng chứng hùng hồn và là một thách thức cho TQ khi chúng biện minh về chủ quyền trên Biển Đông.
Và điểm đặc biệt là chiến hạm này còn mang dòng máu Việt Nam, vì thế đây cũng là biểu tượng sự góp phần của HQ-VNCH vẫn còn mang trách nhiệm đối với tổ quốc và dân tộc trong sứ mạng giữ gìn Biển Đông chống lại bọn giặc Trung cộng.
Nếu như trước 1975, Phi đã gởi quân sang giúp VNCH trong cuộc chiến Quốc – Cộng, thì nay HQ 800 với tên Phi là BRP Sierra Madre đang hiên ngang đứng vững giữa trùng dương sát cánh với quân đội Phi ngày đêm canh chừng quân xâm lăng .
Hình ảnh của Yểm Trợ Hạm Mỹ Tho-HQ 800 cô đơn trong tuổi xế chiều, thân xác hao gầy, tàn phế ... lại là một biểu tượng của thế liên kết giữa Việt Nam, Phi và Hoa Kỳ ở Biển Đông để chống kẻ thù chung là Trung cộng.
Những Dấu tích Việt Nam trên biển Đông .
30-4-1975 Việt Nam Cộng Hòa thất thủ.
Khởi đi từ đó dù cuộc chiến bom đạn đã chấm dứt trên quê hương nhưng lại mở ra một trận chiến âm thầm khốc liệt và đau thương khác cho dân tộc. Đó là cuộc chiến giữa cái thiện và cái ác, giữa tự do và độc tài, giữa nhân đạo và bất nhân mà bằng chứng cụ thể là hàng triệu người dân ruồng bỏ chế độ độc tài đảng trị tàn bạo cộng sản ra đi bằng đường bộ và đường biển khiến cho cả triệu người phải vùi thây dưới lòng đại dương hay chôn thân trong rừng sâu núi thẳm.
Từ bối cảnh đó hai chữ “thuyền nhân” ra đời trong sự thức tỉnh của lương tâm nhân loại trước định mệnh nghiệt ngã của dân tộc Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20. Trong ý nghĩa này, thuyền nhân là những người dám xông vào cõi chết để tìm đất sống.
Tại sao phải bỏ nước ra đi?
Tại sao một dân tộc có lịch sử mấy nghìn năm kiên trì bất bại bám giữ từng tấc đất của ông bà tổ tiên để lại như người Việt Nam lại phải chọn lựa cho mình con đường bỏ nước ra đi đầy hung hiểm, gian nguy và thử thách mà cái giá phải trả đã cầm chắc trong tay là vào cõi chết?
Nhà thơ Trần Dạ Từ trong bài thơ “Ném Con Cho Giông Tố” được viết trong trại tù Gia Trung của CS năm 1979 và được in trong tập Thơ Trần Dạ Từ được Việt Báo xuất bản tại Hoa Kỳ năm 2018, đã nói lên tâm trạng của người cha mẹ phải "nghiến răng " để cho con mình đi vượt biển, làm thuyền nhân, chẳng khác nào gửi con cho giông tố mà qua đó chúng ta hiểu được phần nào lý do tại sao:
“Em có lũ con thơ
bị quê hương ruồng bỏ
Từ bóng tối hận thù
Em nghiến răng
ném con cho giông tố…”
Nhà thơ Trần Dạ Từ đã nêu ra một hình ảnh “bóng tối,” một hiện tượng “hận thù,” và một bi kịch “bị quê hương ruồng bỏ” để cho thấy lý do tại sao người dân phải bỏ nước ra đi. “Bóng tối” là hình ảnh một đất nước chìm trong đen tối của nghèo đói lạc hậu và bất công. “Hận thù” là hiện tượng diễn trong đất nước mà chế độ xem dân là kẻ thù để bóc lột, đàn áp, trừng trị không nương tay. “Bị quê hương ruồng bỏ” là bị kịch của dân tộc mà trong đó người dân thấy mình bị ruồng bỏ trên chính quê hương của mình. Sống trong “bóng tối hận thù” như thế thì không người dân nào có thể còn muốn sống vì vậy họ phải ra đi để tìm đất sống cho dù phải đi vào cõi chết.
Sống trong một đất nước mà thực sự không khác một nhà tù lớn, không một người dân nào có thể sống nổi và ai cũng muốn bỏ nước ra đi tìm đất sống tự do khi có một chút phương tiện và cơ hội. Cho nên thời bấy giờ mới có câu “Cái cột đèn nếu biết đi cũng bỏ nước ra đi..”
Nhưng chuyện vượt biên, vượt biển là một chặng đường cam go, nguy hiểm ngay từ lúc có ý định cho đến khi xuống ghe ra khơi.
Hiểm nguy chập chùng .
Khi có ý định đi vượt biên, người dân phải rất cẩn thận trong quá trình chuẩn bị mọi thứ nếu không giữ bí mật chỉ cần hở môi một chút là có thể bị vào tù bất cứ lúc nào, vì mạng lưới công an chìm nổi vây bủa khắp nơi, từ công an khu vực đến người điềm chỉ nằm vùng trong làng xóm.
Nhiều người xem chuyện vượt biên là cơ hội để kiếm tiền nên đứng ra tổ chức vượt biên để nhận vàng của những người muốn đi vượt biên đóng góp trong gian đoạn đầu. Thậm chí những công an và cán bộ CS cũng không bỏ lỡ cơ hội để làm tiền những người vượt biên bằng cách đứng ra tổ chức hay làm tiền những người tổ chức vượt biên. Vào những năm 1978, 1979 chính quyền CSVN đã tổ chức những đợt vượt biển bán chính thức cho những người gốc Hoa ở Việt Nam đi vượt biển và mỗi người đi đều phải đóng vàng.
Chưa hết, những người tự đứng ra tổ chức vượt biên thì phải tự túc mọi thứ từ ghe, xăng dầu, la bàn, và ngay cả vũ khí để tự vệ. Trong quá trình chuẩn bị này rất dễ bị phát giác, bị bắt và vào tù.
Đa phần những người vượt biên đều ít nhất bị thất bại hay bị ngồi tù một lần trước khi có thể đi được trót lọt. Nhiều người bị thất bại năm bảy lần mà cuối cùng thì vẫn không đi được.
Đến ngày ra bãi để lên ghe đi vượt biên không mấy ai biết chắc là mình có thể đi được và tâm trạng nôn nao, hồi hộp, lo sợ, khủng hoảng kéo dài cho đến khi chiếc thuyền vượt biên chạy ra khỏi hải phận Việt Nam . Dĩ nhiên, sau đó còn vô số những mối lo và hiểm nguy khác đợi chờ nơi đại dương mênh mông.
Trước mắt thuyền nhân đang lênh đênh trên biển cả là một chân trời hoang mang vô định mà nơi đó hải tặc là một hiểm họa chết người.
Hải tặc Thái Lan tàn ác .
Các thuyền nhân Việt Nam không những chỉ đối diện với bão tố, bệnh tật và đói khát mà còn với hải tặc.
Thuyền nhân Việt Nam Lê Phước đã kể rằng ông đã rời VN với 17 người khác trên một chiếc thuyền dài 7 mét cố gắng vượt qua Vịnh Thái Lan dài 480 kilômét để tới miền nam Thái Lan hay tới Mã Lai. Không may, chiếc thuyền 2 máy của ông đã bị hỏng máy và chiếc thuyền đã trôi dạt mà không có điện và lương thực và nước uống cũng hết sạch. Hải tặc Thái Lan đã lên thuyền của họ 3 lần trong cuộc hành trình dài 17 ngày, đã hãm hiếp 4 phụ nữ trên thuyền và giết chết một người, cướp đi tất cả vật sở hữu của thuyền nhân, và bắt cóc một nam thuyền nhân không bao giờ được tìm thấy. Khi chiếc thuyền của họ chìm, họ được một tàu đánh cá Thái Lan cứu và đưa vào trại tị nạn trên bờ biển của Thái Lan.
Một câu chuyện khác trong nhiều câu chuyện được kể nói rằng một chiếc thuyền chở 75 thuyền nhân đã bị nhận chìm bởi các hải tặc với duy nhất một người còn sống sót.
Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc đã bắt đầu biên tập các thống kê về nạn hải tặc vào năm 1981.
Trong năm đó, 452 chiếc thuyền chở thuyền nhân đến Thái Lan mang theo 15,479 người tị nạn. 349 trong số những chiếc thuyền đó đã bị hải tặc tấn công trung bình 3 lần mỗi chiếc. 228 phụ nữ thuyền nhân đã bị bắt cóc và 881 người đã chết hay mất tích. Một cuộc vận động chống hải tặc quốc tế đã bắt đầu vào tháng 6 năm 1982 và đã giảm số vụ hải tặc tấn công dù họ vẫn tiếp tục đều đặng và thường giết người cho đến năm 1990.
Người Việt tị nạn CS đã bỏ nước ra đi năm 1975, nhưng đó là những người ra đi trong đợt di tản bằng máy bay và tàu Hải Quân của Hoa Kỳ trước và trong ngày 30 tháng 4 năm 1975 , có tới khoảng 138,000 người đã ra đi trong đợt này và đã được cho định cư tại Mỹ.
Cái tên “thuyền nhân” được gọi cho những người Việt ra đi bằng những chiếc thuyền nhỏ mà có khi là chiếc thuyền chỉ có khả năng chở mười mấy người, đối diện với muôn vàn hiểm nguy của bão táp phong ba và hải tặc, lần đầu tiên được nhìn thấy đã cập vào bở biển Mã Lai Á vào tháng 5 năm 1975 chở theo 47 người từ Việt Nam ra đi, theo tài liệu của Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc .
Những con số đau lòng .
Theo Bách Khoa Từ Điển Mở, số thuyền nhân rời Việt Nam và đến an toàn ở một nước khác là khoảng 800.000 người tính từ năm 1975 tới 1995.
Nhiều thuyền nhân không may đã bỏ mạng trên biển cả, có nhiều người đối diện với hiểm nguy từ hải tặc, chìm thuyền vì quá đông người, và gặp bão tố giữa biển khơi.
Theo Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc phỏng đoán số thuyền nhân chết vào khoảng 400.000 người. Các thống kê khác cho biết số thuyền nhân chết trên biển Đông chiếm tỉ lệ từ 10 đến 70% tất cả thuyền nhân vượt biển.
Hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam đã nằm xuống trong lòng biển cả mênh mông trên hành trình tìm đất sống còn dang dở... Đây là những con số đau lòng !
Nhưng đây cũng chính là Những Dấu tích Việt Nam trong lòng biển Đông .
Giòng lệ xót giống nòi ràng rụa giữa tăm tối
những con tim nô lệ bồi hồi,
gục đầu đêm biệt ly âm thầm đi giữa trời
Giòng lệ xót giống nòi khóc cho nhòa bóng tối
để lòng người chới với, những đôi mắt trông về từ bao la
mẹ hiền nơi quê nhà trọn đời vẫn xót xa
Một thời chết huy hoàng, một thời sống đen tối đã xui ai biết bỏ ngục đời
mặt lạnh như giòng sông ôm hoài mong xa vời
Đường đường sống huy hoàng, chết điêu tàn dưới nước
dù hành trình lỡ bước, mớ xương trắng sẽ thành rừng san hô
lạc loài tấp vô bờ ..đời tàn theo giấc mơ !
(Nhạc Sĩ Trầm Tử Thiêng - Người Ở Lại Đưa Đò)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn