BIỂN ĐÔNG VÀ HẢI SỬ - NHỮNG DẤU TÍCH VIỆT NAM TRÊN BIỂN ĐÔNG ( Phần 2 of 4 ) : Vua Minh Mạng đóng Tàu máy Hơi nước - Bản Đồ Đại Nam 1820 ghi chứng chủ quyền Hoàng Sa và Trường Sa .

26 Tháng Chín 202110:00 CH(Xem: 1399)
NGHIÊN CỨU VÀ THỰC HIỆN ĐÓNG TÀU MÁY HƠI NƯỚC THỜI VUA MINH MẠNG .
Giữa nhiều Suy-thoái, Còn có một Tiến-bộ
Vào đầu thế kỷ 19, Vua Gia-Long thống-nhất đất nước, dân chúng bắt đầu yên ổn làm ăn. Ông lại có một người con nối-nghiệp tài giỏi. Vua Minh Mạng được xem như một trong những vì vua giỏi giang về quản trị hành chính, đã mở mang bờ cõi rộng lớn nhất trong dòng sử Việt. Thời đó biên giới Đại Việt-Nam sang tận Cao Miên và Ai Lao. Dù vậy sau này, khi mất nước vào tay nước Pháp, các vương triều Nguyễn đều bị kết tội là không biết canh-tân đất nước, áp-dụng chính sách bế môn toả cảng, bất chấp các bản điều trần yêu cầu canh tân của các sĩ phu tiến bộ.
Thế nhưng giữa nhiều lỡ lầm gây suy-thoái, cũng có một sự kiện đáng ghi-nhận thực-sự là tiến-bộ. Chỉ tiếc cho nước ta, ngọn lửa bùng lên ấy chỉ cháy trong khoảnh-khắc rồi tàn lụi ngay: khai-sinh kỹ thuật tàu máy.
Theo Ông Nguyễn Văn Đăng viết trong bài “Vài Nét về Ngành Đóng Thuyền theo Kiểu Phương Tây triều Minh-Mạng”: Nguyễn Ánh khi còn ở Gia Định, dưới sự cố vấn của người Pháp đã triển khai việc đóng thuyền theo kiểu phương Tây. Trong những năm 1792-1793, John Barrow đã ghi lại trong hồi ký rằng: “Ngài (tức Nguyễn Ánh) đã học qua nghệ thuật châu Âu, cần nhất là việc đóng tàu biển và hàng hải… Ngài đã học qua việc đóng tàu, muốn thi hành ngay, mới mua một chiếc tàu Bồ Đào Nha, tự tay tháo ra từng mảnh ván cho đến khi ráp lại thành một chiếc tàu mới hoàn toàn” .
Đến thời Minh Mạng, việc đóng thuyền phỏng theo kỹ thuật phương Tây được tiếp tục với các quy chế chặt chẽ hơn, biểu hiện rõ rệt nhất trong hai loại thuyền bọc đồng và thuyền máy.
Tàu máy hơi nước
Ra đời ở phương Tây đầu thế kỷ XIX, tàu máy hơi nước lần đầu tiên xuất hiện ở nước ta vào cuối thời Minh Mạng. Xưởng đóng tàu ở Huế thời này cũng đóng được 3 chiếc. Năm 1838 nhà vua nhận thấy ưu điềm của nó: “Kiểu thuyền ấy nhờ hơi mà chuyển động, không cần gió nước thuận hay nghịch, không bắt người chèo chống mà thuyền tự phóng nhanh, máy móc thật là tinh xảo…” nên “…sức cho Vũ khố nghiên cứu theo đúng cách thức thuyền máy mua của Tây dương trước đây để tâu lên xin làm . Sau khi thí nghiệm lần đầu vào tháng 2 năm 1839 thất bại vì “nồi hơi nước bị vỡ”, tháng 4 thí nghiệm thành công ở cầu sông Bến Ngự, vua “thưởng cho đốc công phó giám đốc Hoàng Văn Lịch, Vũ Huy Trinh mỗi người một nhẫn pha lê bịt vàng, một đồng Phi long đại kim tiền, lại gia cho làm Giám đốc, thêm hai cấp, thưởng cho cả đốc công và lính thợ 1000 quan tiền. Bảo rằng…thuyền ấy mua cũng được, nhưng muốn thợ thuyền nước ta học biết máy móc khôn khéo, cho nên không kể nhọc tốn mà thôi”.
Tháng 10 năm đó chiếc thứ 2 ra đời, “chế tạo thêm một chiếc thuyền lớn, chạy bằng hơi nước, phí tổn 11.000 quan” . Chiếc này lớn hơn, dài 4 trượng 3 thước 2 tấc, rộng 1 thước 8 tấc, sâu 3 thước 6 tấc; thùng nước dài 4 thước 5 tấc, rộng 5 tấc, cao 3 thước 2 phân . Trong quá trình đóng tàu thuyền, nhà vua luôn chỉ đạo tỉ mỉ. Nếu chiếc đầu, tàu còn dùng máy cũ của Tây lắp vào thì chiếc này tự tay Giám đốc Hoàng Văn Lịch cùng thợ quan xưởng chế tạo ra bộ máy mới, có huy động thêm nhân lực: “…ở Hà Tĩnh 60 thợ rèn, ở Bắc Ninh 30 thợ đúc đem khí cụ phải giải về kinh để lựa chọn người thông thuộc làm máy móc” . Hai chiếc đầu tiên chế thử nghiệm thành công chứng tỏ trình độ đóng tàu của người thợ thủ công Việt Nam truyền thống đã có thể tiếp cận và làm chủ kỹ thuật cơ khí máy móc của phương Tây thời bấy giờ.
Năm 1840, triều đình mua lại một chiếc có máy móc han rỉ, nồi sắt rò nước, chạy chậm. Vua sai thợ tháo ra xem xét chỉnh đốn lại, cho chạy thi với thuyền Bình hải (loại tàu bọc đồng vốn nổi tiếng chạy nhanh) từ Thuận An đến Đà Nẵng. Thuyền máy chạy nhanh hơn. Từ đó vua sai chưởng vệ Đoàn Kim, chánh phó giám đốc Lê Văn Quý, Lê Văn Xuyên theo cách thức tàu này, chế tạo chiếc tàu hạng trung kiểu mới. Chiếc này có kỹ thuật cải tiến hơn: “…hai đầu trục bánh xe guồng thêm mỗi bên một cái đỡ trục bằng đồng. Còn ống còi, ống khói, cột đồng trung tâm cái guồng và nắp chứa nước hoặc làm sắt, hoặc làm bằng đồng…ván thân tàu dùng gỗ đỗ, gỗ thị chỉ dày 8 phân” ... Tàu máy cuối thời Minh Mạng được xếp thành 3 hạng. Chiếc mới mua loại lớn gọi là Yên Phi, chiếc vừa mới đóng gọi là Vân Phi và chiếc nhỏ gọi là Vụ Phi. Chiếc cũ dùng làm tàu vận tải sơn đen.
Việc đóng tàu máy thành công tạo ra khả năng đóng đồng loạt tàu thuyền của người thợ Việt Nam. Nhưng sau đó, vua Thiệu Trị chỉ cho đóng thêm 2 chiếc, còn lại là mua. Vua Tự Đức đã từng sai quan, thợ đến Hương Cảng, Gia Định để học tập chế tạo tàu thuyền, súng ống nhưng sau đó không thấy sử sách nói đến việc sử dụng họ. Nhà nước chỉ quan tâm đến những vấn đề trước mắt nên chỉ bỏ tiền ra mua của phương Tây và thuê thợ “hoa tiêu coi máy” người nước ngoài rất tốn kém . Các thuyền máy, sau thời gian ngắn sử dụng quá tải, lần lượt bị chìm, gãy, vỡ …Nhà nước tỏ ra không đủ kinh phí cũng như năng lực tổ chức thợ thủ công để sửa chữa. Điều đó cho thấy rằng, việc đóng tàu máy mang nặng tính chất thử nghiệm và bắt chước “phỏng theo” kém hiệu quả. Đến khi người Pháp tặng cho 5 chiếc vào năm 1876 thì trước sau, triều Nguyễn chỉ có 16 chiếc tàu máy.
Ông Nguyễn Văn Đăng kết-luân: “Có thể thấy là tình hình nước ta thời Tự Đức đã khác thời Minh Mạng và phức tạp hơn. Triều đình bị động đối phó giặc biển và giặc ngoại xâm. Thuyền bọc đồng tỏ ra có hiệu quả nhất vẫn được tiếp tục đóng nhưng số lượng không đủ dùng. Bản thân vua Thiệu Trị, Tự Đức không đủ kiên trì và quyết tâm theo đuổi việc tổ chức, triển khai đóng thuyền máy trên quy mô lớn. Như vậy, dù Minh Mạng đã có công quan tâm tiếp thu những yếu tố kỹ thuật đóng thuyền phương Tây nhưng các vị vua kế tục ông đã không phát huy được kinh nghiệm đó, đặc biệt trong lĩnh vực đóng thuyền máy, lãng phí kỹ thuật cơ khí hiếm có này.”
Còn đồng-bào ta không có hải-thuyền lớn, chẳng đi đâu xa. Việt-Sử ghi-nhận việc tàu nước ngoài đến buôn bán rất nhiều. Khi họ đến thì thuyền ta hì hục kéo vào bến, trầm-trồ khen ngợi những hàng-hoá tốt, chứ người nước ta không bao giờ sang xứ họ, dù là xem chơi cho biết.
BẢN ĐỒ ĐẠI NAM 1820 VIỆT NAM THỜI VUA MINH MẠNG VỚI LÃNH THỔ - HẢI PHẬN RỘNG LỚN NHẤT .
Tính theo lịch hiện đại thì thời điểm ấy là năm 1835, khi ấy diện tích lãnh thổ của Việt Nam là lớn nhất.
Bản đồ nước Việt thời vua Minh Mạng bao gồm cả lãnh thổ của nước Ai Lao trước đây và hầu như hết lãnh thổ của nước KamPuChia với diện tích hơn 575 nghìn km vuông, to gấp 1,7 lần diện tích lãnh thổ nước Việt Nam hiện tại ( là 331 nghìn km vuông).
Sau khi đã có sự thay đổi lớn về bản đồ nước Việt thế kỷ 19 này, vua Minh Mạng đã đặt tên nước thành Đại Nam có nghĩa là vùng đất lớn mạnh tại phương Nam. Nếu tính theo lãnh thổ hiện nay thì vừa bao gồm lãnh thổ quốc Việt Nam hiện nay và cộng vào gần hết lãnh thổ của KamPuChia, một phần lớn lãnh thổ của nước Lào.
Lời Bài hát : Bên Bờ Đại Dương
Tác giả: Hoàng Trọng & Hồ Đình Phương
Đất nước tôi màu thắm bên bờ đại dương
Bắc với Nam, tình nối qua lòng miền Trung
Đất nước tôi từ mái tranh nghèo Bắc Giang
Vượt núi rừng già Trường Sơn
Vào tới ruộng ngọt phương Nam
Dân nước tôi từng đấu tranh diệt ngoại xâm
Trên máu xương từng hát ca bài thành công
Dân nước tôi nòi giống hùng cường Lạc Long
Là gái toàn là Trưng Vương
Làm trai rạng hồn Quang Trung
Ai ơi, ai đã mơ màng chia mối tơ đồng
Của một khối non sông vinh quang
Ai ơi, ai nhớ chăng rằng
Gươm súng đâu diệt
Được nòi giống muôn năm hiên ngang
Anh với tôi còn sống bên bờ đại dương
Tôi với em còn thắm trong lòng niềm thương
Đất nước tôi còn gió độc lập Trường Sơn
Còn lúa tràn đồng phương Nam
Còn xóa được hờn quê hương … ( Nghe Qua YouTube ).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn