[ LỊCH SỬ CẬN ĐẠI VIỆT NAM 1945 - 1975 ] THỰC DÂN PHÁP TẤN CHIẾM SÀI GÒN 1946 - CHÍNH PHỦ VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA VÀ CHÍNH PHỦ CỘNG HÒA NAM KỲ TỰ TRỊ .

06 Tháng Chín 20213:05 CH(Xem: 2152)
NẠN ĐÓI NĂM 1945
(Giáo Sư Trần Gia Phụng)
Ngoài những lý do thiên nhiên như thời tiết, lụt lội, nạn đói nầy còn do con người tạo ra cho con người, trong đó hai tác nhân chính là Pháp, Nhật và có một tòng phạm là Việt Minh CS.
Pháp và Nhật đã cố tình thi hành chính sách nông nghiệp nhắm cung ứng cho tình trạng chiến tranh của họ. Pháp và Nhật cố tình thu mua với giá rẻ mạt tất cả lúa gạo do nông dân sản xuất, để xuất khẩu sang Nhật và để nuôi quân, nhất là nuôi quân Nhật ở Trung Hoa. Do áp lực của Nhật, nhà cầm quyền Pháp còn ra lệnh một cách độc đoán buộc nông dân Việt phải thay đổi cách thức canh tác, từ độc canh cây thực phẩm, qua đa canh vừa cây thực phẩm, vừa cây kỹ nghệ. Nói cách khác, người Pháp buộc giới nông gia Việt Nam phải bỏ bớt các cánh đồng lúa để trồng bông vải, đay, gai, cây có dầu. Những cây kỹ nghệ nầy vừa để đáp ứng nhu cầu nguyên vật liệu của Đông Dương vì đường nhập cảng từ Pháp gặp khó khăn, vừa để cung ứng cho thị trường Nhật.
Bên cạnh đó, Việt Minh lợi dụng nạn đói để tuyên truyền. Để có gạo nuôi cán bộ và chiêu dụ những người bị đói, Việt Minh tổ chức cướp các kho gạo cứu đói, và khi miền Nam gởi gạo ra bắc để tiếp tế, Việt Minh cướp những chuyến xe hay tàu thuyền gởi gạo, đem lên chiến khu. Hành động nầy làm cho nạn đói thêm trầm trọng. Chính nhạc sĩ Văn Cao đã có lần xác nhận ông theo Việt Minh vì ông và gia đình ông đói quá.
Từ mùa thu năm 1944 đến mùa đông năm 1945, số người chết đói ước chừng từ 1,500,000 đến 2,000,000 người, trong đó những tỉnh bị nặng nhất là Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hà Nam, và Ninh Bình. Nên nhớ nạn sóng thần Tsunami năm 2003 chỉ làm chết có 200,000 người mà cả thế giới hoảng hốt, trong khi nạn đói năm 1945 làm chết 2,000,000 đồng bào Việt, mà cả Pháp và Nhật cho đến nay không một lời xin lỗi, và chế độ cộng sản trong nước im lặng vì chính đảng CSĐD, tiền thân của đảng CSVN hiện nay, cũng là một tòng phạm.
VUA BẢO ĐẠI THOÁI VỊ
Tại Huế, sau khi Nhật đầu hàng Đồng minh, vua Bảo Đại không biết rõ những chuẩn bị của Pháp để tái chiếm Đông Dương, và cũng không biết được quyết định tối hậu thư Potsdam, vua Bảo Đại gởi công hàm ngày 18-8-1945 kêu gọi sự ủng hộ của các nước Trung Hoa (lúc đó do Quốc Dân Đảng lãnh đạo), Anh, Hoa Kỳ, nhất là kêu gọi Pháp trao trả độc lập lại cho Việt Nam, đừng tái lập nền cai trị Pháp dưới bất cứ một hình thức nào. Nhờ Nhật giúp đỡ, bức công hàm nầy được đài phát thanh Nhật ở Sài Gòn, Hà Nội và Tokyo công bố rộng rãi.
De Gaulle im lặng vì De Gaulle muốn tái chiếm Đông Dương, áp đặt Đông Dương trở lại dưới sự cai trị của Pháp. Các nước Đồng minh cũng hoàn toàn im lặng. Về phía Hoa Kỳ, Roosevelt từ trần ngày 12-4-1945 (trong nhiệm kỳ), phó tổng thống Harry Truman lên thay, và cũng thay luôn chính sách Đông Dương của Hoa Kỳ. Harry Truman theo đường lối của người Anh, chủ trương tôn trọng chủ quyền Pháp ở Đông Dương.
Khi Nhật Bản đầu hàng, quân đội Nhật phải hạ khí giới, không còn hoạt động, thì việc gìn giữ an ninh xem như bỏ trống vì chính phủ Trần Trọng Kim không có bộ Quốc phòng hay bộ An ninh. Thời gian nầy là cơ hội thuận tiện chẳng những cho quân trộm cướp mà còn thuận tiện cho lực lượng Việt Minh lộng hành, không bị ai chận đứng. Đây là một trong những lý do giải thích vì sao chỉ với một lực lượng nhỏ dưới 5.000 đảng viên mà Việt Minh cộng sản cướp được chính quyền và thao túng đất nước.
Trong lúc vua Bảo Đại nao núng vì Pháp không chịu công khai tuyên bố trao trả độc lập cho Việt Nam, và các nước Đồng minh lại không đáp ứng nguyện vọng độc lập của người Việt do nhà vua đưa ra, thì Việt Minh đánh điện vào Huế yêu cầu vua Bảo Đại thoái vị.
Vị đại sứ Nhật ở Huế là Yokoyama đến gặp vua Bảo Đại đề nghị dùng lực lượng của Nhật tiêu diệt Việt Minh, vì tuy thất trận trên thế giới, quân đội Nhật ở Đông Dương vẫn còn nguyên vẹn, dư sức đàn áp Việt Minh.
Lo sợ nội chiến xảy ra trước sự lợi dụng của ngoại bang, vua Bảo Đại từ chối đề nghị của Yokoyama.
Không nhận lời đề nghị của Yokohama, vua Bảo Đại quyết định thoái vị theo lời yêu cầu của Việt Minh. Tại Huế, nội các Trần Trọng Kim họp phiên cuối cùng ngày 23-8, rồi giải tán. Vua Bảo Đại tuyên chiếu thoái vị ngày 25-8. Lễ thoái vị diễn ra ngày 30-8 tại cửa Ngọ Môn (Huế). Nhà vua trao bảo kiếm và quốc ấn, tượng trưng uy quyền của triều đình cho đại diện Việt Minh từ Hà Nội vào là Trần Huy Liệu, Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận (tức thi sĩ Huy Cận). Nhà vua trở thành "công dân thứ nhất" của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa với tên khai sinh là Vĩnh Thụy.
7.- NƯỚC VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Cựu hoàng Bảo Đại vừa thoái vị tại Huế được hai ngày, thì tại Hà Nội, Hồ Chí Minh liền gấp rút công bố thành lập chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa ngày 2-9-1945. Sự vội vàng của Hồ Chí Minh nhắm tạo ra tình trạng đã rồi trước quốc tế và quốc dân Việt Nam, trong thế chính quyền liên tục, từ chế độ quân chủ với vua Bảo Đại và chính phủ Trần Trọng Kim, qua chính phủ chế độ dân chủ với Hồ Chí Minh. Chính phủ nầy gồm đa số là đảng viên cộng sản như sau:
- Chủ tịch kiêm Bộ trưởng Ngoại giao: Hồ Chí Minh
- Bộ trưởng Nội vụ : Võ Nguyên Giáp
- Bộ trưởng Tuyên truyền : Trần Huy Liệu
- Bộ trưởng Quốc phòng : Chu Văn Tấn
- Bộ trưởng Tài chính : Phạm Văn Đồng
- Bộ trưởng Lao động : Lê Văn Hiến
- Bộ trưởng Thanh niên : Dương Đức Hiền
- Bộ trưởng Giáo Dục : Vũ Đình Hòe
- Bô trưởng Tư pháp : Vũ Trọng Khánh
- Bộ trưởng G. thông C. chánh : Đào Trọng Kim
- Bô trưởng Y tế Vệ sinh : Phạm Ngọc Thạch
- Bộ trưởng Xã hội : Nguyễn Văn Tố
- Bộ trưởng không bộ nào : Cù Huy Cận
Nguyễn Văn Xuân
8.- PHÁP TRỞ LẠI VIỆT NAM
Theo tối hậu thư Potsdam mà Hoa Kỳ, Anh và Trung Hoa gởi cho Nhật ngày 26-7-1945, ở trong Nam, tướng Anh là Douglas Gracey đến Sài Gòn ngày 13-9-1945, có trung tá Rivier thuộc Lực lượng biệt kích Pháp (commando) đi theo. Ngay trong tháng 9-1945, người Anh đã giúp người Pháp chiếm lại Sài Gòn, sau đó xuống các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, và lăm le tiến ra Bắc Bộ.
Cũng trong tháng 9-1945, hai trăm ngàn quân Trung Hoa do tướng Lư Hán (Lu Han) chỉ huy tiến vào miền Bắc nước ta. Chính phủ Trung Hoa và tướng Lư Hán đều thuộc Trung Hoa Quốc Dân Đảng nên họ chẳng ưa gì Việt Minh cộng sản.
Hồ Chí Minh gặp ba áp lực cùng một lần: các tướng lãnh Trung Hoa đưa quân vào Việt Nam theo tối hậu thư Potsdam, các lãnh tụ Đồng Minh Hội và Quốc Dân Đảng Việt Nam về Việt Nam theo quân Trung Hoa, quyết liệt chống đối ông Hồ, và người Pháp muốn tái chiếm Đông Dương.
Trước những đòi hỏi của các đảng phái không cộng sản, Hồ Chí Minh và Mặt trận Việt Minh đành nhượng bộ.
Ngày 11-11-1945, ông Hồ tuyên bố giải tán đảng Cộng sản Đông Dương (thực chất là rút vào hoạt động bí mật), tổ chức tổng tuyển cử quốc hội, tiến đến thành lập chính phủ liên hiệp để tạo ra một bộ mặt dân chủ hợp pháp trước mặt quốc tế.
Lúc đó, lãnh tụ các đảng phái quốc gia và các nhà trí thức yêu nước không phải là không biết về Hồ Chí Minh, và cũng không phải không có những nghi ngại đối với Việt Minh cộng sản, nhưng ở thế chẳng đặng đừng, họ phải gia nhập chính phủ liên hiệp vì các đảng phái quốc gia đã chậm chân để cho Việt Minh cướp được chính quyền trước, nay muốn tranh đấu giành lại chính quyền khỏi tay Việt Minh, thì phải chấp nhận ngồi lại tranh đấu chính trị.
Từ đó mọi người lo sửa soạn tham gia cuộc bầu cử được tổ chức ngày 6-1-1946.
Trên đây là sơ lược, hết sức sơ lược, những biến cố lớn dồn dập trong năm 1945 tại Việt Nam. Đây là những biến cố làm nền tảng cho tất cả những diễn tiến của lịch sử Việt Nam trong hậu bán thế kỷ 20, và còn ảnh hưởng cho đến ngày nay.
CHÍNH PHỦ LIÊN HIỆP KHÁNG CHIẾN (2-3-1946)
Nhà hoạt động chống Pháp, thủ lĩnh Việt Nam Cách mạng Đồng minh hội, tên thường dùng là Nguyễn Hải Thần, và còn có tên là Nguyễn Cẩm Giang. Quê làng Đại Từ, tỉnh Hà Đông (nay thuộc Hà Nội).
Thời tuổi trẻ ông theo Hán học, thi đỗ Tú tài, nên người đương thời gọi là "Tú Đại Từ". Năm 1905 ông theo Phan Bội Châu sang Trung Quốc hoạt động chống Pháp trong phong trào Đông du. Tại đây, ông được giới thiệu vào học tại Trường võ bị Hoàng Phố, từng quen biết với các nhà chính trị Trung quốc như Tưởng Giới Thạch, Trần Lạp Phu... nên có thời gian làm giáo sư môn chính trị tại trường Hoàng Phố.
Khoảng năm 1912-1913 ông về nước mưu sát toàn quyền Đông Dương là Albert Sarraut (trong lễ xướng danh một kỳ thi Hương ở Nam Định) nhưng thất bại, ông lại trốn sang Trung quốc lấy tên là Nguyễn Cẩm Giang.
Sau đại chiến thế giới lần thứ nhất (1914-1918) có lúc ông cùng một nhóm quân của Trần Trung Lập về đánh Pháp tại châu Đà Long (Đà Lùng) thuộc tỉnh Cao Bằng. Cuộc đột kích thất bại ông sang ở luôn vùng Hoa Nam, Trung quốc lấy tên là Nguyễn Hải Thần. Trong thời gian này ông hoạt động cùng với một số Đảng chống Pháp có khuynh hướng thân Quốc Dân đảng của Tôn Văn (Trung quốc).
Năm 1945, ông về nước theo đạo quân của Lư Hán, Tiêu Văn tham gia chính phủ liên hiệp kháng chiến với chức vụ Phó chủ tịch chính phủ.
Sau ngày toàn quốc kháng chiến (19-12-1946) ông lưu vong sang Trung quốc, rồi mất bên ấy trong năm 1954.
Dòng họ nổi danh và 3 nhà văn sáng lập Tự lực Văn đoàn : Nhất Linh , Hoàng Đạo , Thạch Lam .
Dù số phận nhiều chìm nổi và cả ba đều ra đi quá sớm nhưng với vai trò đặt nền móng, mở đầu phong trào cách tân văn học, tên tuổi 3 anh em nhà văn họ Nguyễn Tường luôn sống mãi trên văn đàn Việt Nam.
Nhất Linh - Nghệ sĩ toàn tài
Ông nội của ba nhà văn sáng lập Tự lực Văn đoàn là Nguyễn Tường Tiếp làm tri huyện. Cụ có người con trai duy nhất là Nguyễn Tường Chiếu (húy Nhu, 1881 - 1918) làm Thông phán nên được gọi là Thông Nhu hay Phán Nhu. Ông Nhu lập gia đình với bà Lê Thị Sâm, con gái cả viên quan võ Lê Quang Thuật, người gốc Huế ở Cẩm Giàng (Hải Dương).
Ông Nhu mất năm 1918 khi mới 37 tuổi, bỏ lại 7 người con thơ dại. Một mình bà Sâm tần tảo, gánh gồng, lam lũ nuôi con. Sau 5/7 người con (trừ Thạch Lam và bà Thế) đều có bằng cử nhân, cả 6 người con trai đều thành đạt gồm: Nguyễn Tường Thụy (Tổng Giám đốc Bưu điện), Nguyễn Tường Cẩm (Kỹ sư Canh nông), Nguyễn Tường Tam (Nhà văn Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Nhà văn Hoàng Đạo); Nguyễn Thị Thế, Nguyễn Tường Lân (hay Vinh, Nhà văn Thạch Lam) và Nguyễn Tường Bách (Bác sĩ).
Đặc biệt, cả 3 người con trai là Nguyễn Tường Tam (Nhất Linh), Nguyễn Tường Long (Hoàng Đạo) và bác sĩ Nguyễn Tường Bách đều trở thành đại biểu Quốc hội khóa I của nước Việt Nam độc lập. Rồi Hoàng Đạo làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế trong chính phủ liên hiệp lâm thời, sau đến Nhất Linh làm Bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ liên hiệp kháng chiến.
Những tên tuổi sống mãi của văn đàn Việt Nam
Theo bà Nguyễn Thị Thế, không phải cụ Thông Nhu mà chính nhà văn Nhất Linh đã đặt tên mới cho các anh em của mình theo bộ chữ Hán: Thụy, Cẩm, Tam, Long, Vinh, Bách, Thế (có nghĩa là ba con rồng như gấm đẹp, làm vinh hiển muôn đời).
Có người nói rằng, cuộc đời nhà văn Nhất Linh dường như duyên nợ với con số 7. Ông sinh ngày 25/7/1906, mất ngày 7/7/1963. Nếu ngày sinh là cái duyên thì ngày mất lại là cái nợ, vì chính ông đã lựa chọn ngày đó, ngày mang tới 2 con số 7, ngày song thất.
Nhất Linh là người con thứ 3 trong một gia đình có 7 người con. Nhất Linh thành lập Tự lực Văn đoàn gồm 7 thành viên: Nhất Linh, Khái Hưng, Hoàng Đạo, Thạch Lam, Tú Mỡ, Thế Lữ và Xuân Diệu.
Nghiệp văn của ông cũng gắn liền với 7 truyện dài tiêu biểu: Nắng thu, Đoạn tuyệt, Đôi bạn, Bướm trắng, Lạnh lùng, Xóm cầu mới và Dòng sông thanh thủy. Trong 7 tác phẩm của Nhất Linh, đến nay, đã có 5 tác phẩm ra mắt công chúng trong nước, còn 2 tác phẩm là Xóm cầu mới và Dòng sông thanh thủy - những sáng tác sau năm 1945 mới được biết đến ở hải ngoại. Bà Nhất Linh sinh 12 người con nhưng cũng chỉ nuôi được 7 người.
Tổng kết cuộc đời mình, Nguyễn Tường Tam tự nhận ra rằng: Nguyễn Tường Tam đã thất bại khi làm chính trị, chỉ còn một nhà văn Nhất Linh sống mãi trên văn đàn Việt Nam.
Trong số 5 cử nhân của gia đình, Nguyễn Tường Tam là cử nhân Khoa học Giáo khoa (Lý, Hóa) tốt nghiệp tại Pháp. Năm 1930, trở về nước, Nguyễn Tường Tam xin ra tờ báo trào phúng “Tiếng cười” nhưng không được duyệt.
Năm 1932, ông mua lại tờ tuần báo Phong Hóa của Phạm Hữu Ninh và Nguyễn Xuân Mai, trở thành Giám đốc kể từ số 14, ra ngày 22/9/1932. Nguyễn Tường Tam chủ trương dùng tiếng cười trào phúng để đả kích các hủ tục phong kiến, hô hào “Âu hóa”, đề cao chủ nghĩa cá nhân... Trong năm ấy, ông và các cộng sự quyết định thành lập Tự lực Văn đoàn trên nguyên tắc “dựa vào sức mình, theo tinh thần anh em một nhà”.
Tự lực Văn đoàn tuyên bố thành lập ngày 2/3/1934 (trên báo Phong Hóa số 87). Tháng 12/1936, trên báo Ngày Nay, Nhất Linh cùng nhóm Tự lực Văn đoàn phát động phong trào Ánh Sáng, một tổ chức từ thiện với mục đích cải tạo nếp sống ở thôn quê, trong đó có việc làm nhà hợp vệ sinh cho dân nghèo...
Song hành với làm báo, viết văn, Nguyễn Tường Tam còn hoạt động chính trị.
Nguyễn Tường Tam từng giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến. Ông cũng tham gia Quốc hội Khóa I đặc cách không qua bầu cử. Sau ông rời bỏ Chính phủ Liên hiệp Kháng chiến, lưu vong sang Trung quốc vào tháng 5/1946 và ở lại Hong Kong cho tới 1951.
Năm 1958, Nguyễn Tường Tam rời Đà Lạt về Sài Gòn, mở giai phẩm Văn hóa Ngày Nay ở Sài Gòn, phát hành được 11 số thì bị đình bản.
Năm 1960, Nguyễn Tường Tam thành lập Mặt trận Quốc dân Đoàn kết, ủng hộ cuộc đảo chính của Đại tá Nguyễn Chánh Thi và Trung tá Vương Văn Đông. Đảo chính thất bại, ông bị chính quyền Ngô Đình Diệm giam lỏng tại nhà riêng.
Ngày 5/7/1963, Tòa án Quân sự đặc biệt Sài Gòn có trát đòi Nguyễn Tường Tam có mặt lúc 7h30 ngày 8/7/1963, tại Tòa thượng thẩm, số nhà 131 đường Công Lý Sài Gòn, để nghe xét xử tội “xâm phạm an ninh Quốc gia”. Ngày 7/7/1963, tại nhà riêng, Nguyễn Tường Tam đã cho độc dược vào rượu uống để quyên sinh. Nhà văn Nhất Linh đã ra đi ở tuổi 58 để lại di chúc: “Đời tôi để lịch sử xử. Tôi không chịu để ai xử tôi cả...”.
Đám tang Nhất Linh, nhà thơ Vũ Hoàng Chương viếng ông đôi câu đối: “Người quay tơ, đôi bạn, tối tăm, anh phải sống chứ sao đoạn tuyệt.
Đời mưa gió, lạnh lùng, bướm trắng, buổi chiều vàng đâu chỉ nắng thu”. Trong đó, trừ bốn chữ ‘chứ sao’ và ‘đâu chỉ’ ra, còn là tên các tác phẩm của Nhất Linh.
Không chỉ là một nhà văn, nhà báo nổi tiếng, Nhất Linh còn là một nhà thơ, một họa sĩ tài năng. Với báo Phong Hóa và Ngày Nay trước kia ông ký tên Đông Sơn và sau này với Văn Hóa Ngày Nay ông ký tên Nhất Linh trên những bức vẽ. Có một số bức họa rất nổi tiếng của ông như Cảnh phố chợ Đông Phương, hay Cúc xưa...
Tháng 10/2010, một họa phẩm hiếm quí của Nhất Linh, bức Cảnh phố chợ Đông Dương (Scène de Marché de rue Indochinois) vẽ trên lụa, thực hiện khoảng 1926-1929 đã được bán đấu giá tại Hong Kong với giá 596.000 đô-la Hong Kong (tương đương với 75.000 USD).
Sinh thời, nhiều người vẫn nói, kỹ thuật viết văn của Nhất Linh bị chi phối và chịu ảnh hưởng nhiều bởi lối viết của Lev Tolstoi nhưng với Nhất Linh cuốn tiểu thuyết hay nhất mọi thời đại là cuốn Đồi gió hú của Emily Brontë. Đây cũng là cuốn tiểu thuyết duy nhất ông dịch trong đời. Ngay cả lúc quyên sinh, ông cũng nằm cạnh cuốn sách này.
Vợ Nhất Linh là bà Phạm Thị Nguyên (1909-1981), quê làng Phượng Dực, Thường Tín, tỉnh Hà Đông, trước năm 1945 là chủ hiệu buôn cau khô có tiếng ở Hà Nội mang tên Cẩm Lợi được ví như bà Tú Xương. Bà bán cau khô, mở rộng quan hệ buôn bán suốt trong Nam ngoài Bắc, toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp của chồng.
Những năm tháng Nguyễn Tường Tam mải mê làm báo, viết văn, làm chính trị, thì bà Nguyên vật lộn với nghề buôn bán cauở 15 phố Hàng Bè (Hà Nội), sau chuyển vào Sài Gòn, một mình lặng lẽ nuôi con, làm hậu thuẫn cho chồng thi thố giữa cuộc đời.
Hiếm ai biết rằng bà từng tham gia phong trào Ánh Sáng, xóa nhà ổ chuột, làm nhà tranh tre sáng sủa cho dân nghèo thợ thuyền.
Nhà văn Hoàng Đạo tên thật là Nguyễn Tường Long (1907-1948). Năm 1930, ông thi vào trường Luật Đông Dương tại Hà Nội. Tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân luật, Nguyễn Tường Long được bổ làm Tham tá lục sự Tòa án Đà Nẵng rồi Hà Nội.
Nguyễn Tường Long chỉ làm công chức ít lâu rồi chuyển sang lĩnh vực báo chí vào năm 1932 rồi cùng Nhất Linh, Thạch Lam sáng lập Tự lực Văn đoàn. Trên báo Phong Hóa, ông lấy bút hiệu là Tứ Ly, chuyên viết những bài đả kích và châm biếm giới quan lại và bài trừ hủ tục trong xã hội Việt Nam. Năm 1936, tờ Phong Hóa bị đóng cửa vì ông viết bài động chạm đến Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu.
Từ 1937 trở đi, Hoàng Đạo lần lượt cho ra đời những bài viết về xã hội, kinh tế, chính trị rất có giá trị, mang tư tưởng chống phong kiến và đế quốc rất cao như: Trước vành móng ngựa, Mười điều tâm niệm, Bùn lầy Nước đọng, Vấn đề Thuộc địa, Vấn đề Cần lao...
Văn phẩm của Hoàng Đạo được kể tên gồm có tập phóng sự Trước vành móng ngựa (1938), truyện dài Con đường sáng (1940), truyện ngắn Tiếng đàn (1941). Trong nhóm Tự lực Văn đoàn, Hoàng Đạo là người trông nom Nhà xuất bản Đời nay của nhóm. Riêng về văn nghiệp của Hoàng Đạo, Vũ Ngọc Phan trong tác phẩm phê bình văn học Nhà văn hiện đạiđã xếp Hoàng Đạo vào nhóm “tiểu thuyết gia luận đề” cùng với Nhất Linh, nhưng có nét khác là “tuy cũng thuộc loại tiểu thuyết luận đề nhưng khác với tiểu thuyết của Nhất Linh ở chỗ có khuynh hướng xã hội”.
Vũ Ngọc Phan nhận định: “Người ta nhận thấy Hoàng Đạo rất thiết tha với những sự công bình trong xã hội, nên tiểu thuyết của ông ngả hẳn về mặt bình dân. Nhưng cái khuynh hướng thương xót người nghèo của Hoàng Đạo vẫn còn là cái khuynh hướng của người phú hào nghiêng mình xuống hạng thấp kém hơn mình. Cái khuynh hướng ấy của ông phô diễn rất rõ trong tiểu thuyết của ông”.
Thực tế thì Hoàng Đạo đã trải qua những ngày thơ ấu khốn khó và những trang viết của ông thấm đẫm tình người chứ không phải xót thương người nghèo bằng “cái khuynh hướng của người phú hào nghiêng mình xuống hạng thấp kém hơn mình”.
Trong Việt Nam văn học sử giản ước tân biên, Phạm Thế Ngũ nhận xét, những năm 1937-1939 “thường là nơi diễn đàn thời sự cho cây bút sắc sảo của Hoàng Đạo đưa ra những vấn đề chính trị và xã hội đòi chính quyền thực dân giải quyết như vấn đề tự do của nghiệp đoàn, của báo chí, vấn đề đời sống dân quê trong mục Bùn lầy nước đọng; vấn đề công bằng và luật pháp trong Trước vành móng ngựa”.
Trên tờ Ngày Nay, trong mục Trước vành móng ngựa, Hoàng Đạo đã ghi lại những tình cảnh bi hài của dân nghèo trước tòa tiểu hình Hà Nội. Là một người tốt nghiệp ngành luật, Hoàng Đạo không tin hệ thống tòa án của thực dân. Ông đả phá lề thói quan liêu,ức hiếp người nghèo của bọn quan lại qua những bài viết sắc sảo đã gây tiếng vang rất lớn trong dư luận thời bấy giờ.
Hoàng Đạo tự thấy trách nhiệm của mình không chỉ là nêu ra thảm cảnh của dân tộc, đặc biệt là dân nghèo ở nông thôn, mà còn phải tìm hiểu nguyên do của thảm trạng và tìm cho ra biện pháp giải quyết. Tức là văn chương phải đi đôi với hành động. Do đó, khi Nguyễn Tường Tam thành lập đảng Hưng Việt, ông đã tham gia rồi bị Pháp bắt và bị đầy lên Sơn La. Mãi đến năm 1943, Hoàng Đạo mới được thả nhưng vẫn bị quản thúc tại Hà Nội.
Năm 1945 trong Chính phủ liên hiệp lâm thời, Nguyễn Tường Long làm Bộ trưởng Bộ Quốc dân kinh tế. Sau này theo Sắc lệnh số 94 ngày 4/6/1946, Nguyễn Tường Long được cử làm cố vấn Bộ Quốc dân kinh tế.
Tháng 9/1938, Hoàng Đạo cho xuất bản cuốn Bùn lầy Nước đọng, vừa bày bán thì bị chính quyền thuộc địa Pháp ra lệnh tịch thu và cấm lưu hành. Đây là một tiểu luận chính trị nhằm mổ xẻ phân tích thảm trạng của nông thôn Việt Nam, sau đó đưa ra các phương thức giải quyết.
Năm 1933, Nguyễn Tường Long được một người bạn của mẹ làm mối, ông lập gia đình với Marie Nguyễn Bình (1913-1975), con gái một quả phụ khá giả. Ông và vợ sống hạnh phúc và có cả thảy bốn người con (ba gái và một trai).Tháng 8/1948, Hoàng Đạo bị đứt mạch máu chết trên chuyến xe lửa từ Hong Kong đi Quảng Châu, khi xe ngang qua trấn Thạch Long, hưởng dương 42 tuổi.
CỘNG HÒA TỰ TRỊ NAM KỲ (tiếng Pháp: République autonome de Cochinchine)
Nam kỳ tự trị là chính thể trong khuôn khổ Liên Bang Đông Dương thuộc Pháp , tồn tại trong giai đoạn 1946 - 1948 ở địa phận Nam Kỳ.
Pháp tái chiếm Đông Dương .
Sau đảo chính mồng 09 tháng 03 năm 1945, Đế quốc Nhật Bản xem Nam Kỳ là một phần Đế quốc Việt Nam, tuy nhiên Chính phủ Đế quốc Việt Nam chưa kịp đặt định hệ thống hành chính thì tình hình đã thay đổi toàn diện .
Sau thế chiến thứ 2, lãnh thổ Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở xuống do lực lượng Anh dưới quyền chỉ huy của tướng Douglas Gracey nhân danh các quân đoàn Đồng Minh tiếp quản.
Cộng hòa Pháp được Đồng Minh cho toàn quyền quyết định số phận khu vực này, chính phủ Pháp tạm thời ủy thác chế độ quân quản để tiến tới lập một chính thể ngang hàng để đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đến ngày 23 tháng 09 năm 1945 người Pháp tái vũ trang và sẵn sàng tiếp quản Sài Gòn nhưng phải đợi đến tháng 10 khi quân Anh chính thức trao chủ quyền lại cho Pháp thì Quân đội Pháp mới đổ bộ rồi mở rộng đánh chiếm toàn Nam Bộ.
Từ trước khi giải phóng Pháp, tướng Charles de Gaulle nhân danh Tổng trưởng chính phủ lâm thời Cộng hòa Pháp đã tuyên bố chính sách của Pháp với Đông Dương vào ngày 24 tháng 3 năm 1945. De Gaulle cho rằng "Năm quốc gia tạo nên Liên bang Đông Dương được phân biệt bằng văn minh, chủng tộc và truyền thống, sẽ vẫn duy trì những đặc điểm riêng của họ trong Liên bang.". Việc thành lập Cộng hòa tự trị Nam Kỳ sau đó cũng nằm trong kế hoạch tái lập Liên bang Đông Dương của Pháp.
Ngày 5 tháng 6, Tổng trưởng Pháp Marius Moutet chấp thuận hành xử của ông d'Argenlieu để "bảo vệ quyền lợi của dân tộc Nam Kỳ".[9] Cũng vào đầu tháng 06, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh được đề cử làm Thủ tướng Chính phủ Cộng hòa Nam Kỳ tự trị. Ủy viên Cédile liền ký với tân Thủ tướng một hiệp ước nhìn nhận xứ Nam Kỳ là một xứ tự do, riêng biệt trong khuôn khổ của Liên bang Đông Dương. Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh được đề cử làm Thủ tướng nhưng chỉ được ít lâu thì ông tự sát. Thay ông là bác sĩ Lê Văn Hoạch rồi Nguyễn Văn Xuân.
Tình hình chính trị tại Nam Kỳ thời điểm này rất phức tạp. Có nhiều phe nhóm khác nhau cùng tồn tại, luôn gắng củng cố quyền lực riêng như Trần Văn Soái (Năm Lửa) đóng Cái Vồn (Cần Thơ), Lâm Thành Nguyên (Hai Ngoán) giữ Cái Dầu (Châu Đốc), Lê Quang Vinh (Ba Cụt) giữ Thốt Nốt (Long Xuyên), Nguyễn Giác Ngộ đặt bản doanh ở Cao Lãnh (Kiến Phong), Cao Đài cát cứ ở Tây Ninh và Bình Xuyên của Lê Văn Viễn (Bảy Viễn) định doanh ở Chánh Hưng (Chợ Lớn). Đó là chưa kể đến các tổ chức chính trị như Việt Minh, Đại Việt... Người Pháp có dụng ý võ trang mỗi nhóm riêng, trên danh nghĩa là giữ an ninh, nhưng chủ ý là chống lại lực lượng Việt Minh. Những nhóm này thường xung đột, tranh giành quyền lực khiến tình hình thêm hỗn loạn.
Theo kế hoạch của Mặt trận Quốc gia Liên hiệp, họ sẽ đưa bác sĩ Lê Văn Hoạch, người của Mặt trận, chính thức thành lập chính phủ Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ thay thế chính phủ của bác sĩ Thinh. Cuối cùng Mặt trận sẽ ủng hộ Thiếu tướng Nguyễn Văn Xuân thành lập Chính phủ Cộng hòa Nam Phần Việt Nam làm tâm điểm hoạt động chính trị cho các đảng phái quốc gia để đi đến thống nhất dân tộc. Chính phủ Cộng hòa Nam Phần Việt Nam do Nguyễn Văn Xuân lãnh đạo sẽ tạo ra thế cân bằng với chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa do Hồ Chí Minh lãnh đạo.
Chính phủ này sẽ được thay thế bằng chính phủ Quốc gia Việt Nam do cựu hoàng Bảo Đại lãnh đạo. Đây là một giai đoạn để đi đến sự đoàn kết cuối cùng của dân tộc đúng với lập trường của Mặt trận. Mặt trận ủng hộ việc thành lập Cộng hòa Vệ binh Việt Nam thuộc Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ. Quân đội Cao Đài là thành viên của Mặt trận được phép nhận khí giới của Pháp để lập quân đội làm nền tảng cho quân đội quốc gia sau này. Ngày 19 tháng 12 năm 1947, thủ tướng Nguyễn Văn Xuân sang Hồng Kông yết kiến Cựu hoàng Bảo Đại và xác nhận ý định thống nhất Nam Kỳ vào nước Việt Nam và mời cựu hoàng ra chấp chánh hầu điều đình tìm một giải pháp thứ ba ngoài Pháp và Việt Minh...
Cộng hòa Nam kỳ Tự trị
Thủ Tướng Nguyễn Văn Thinh .
Bác Sĩ Nguyễn Văn Thinh (1888-10 tháng 11 năm 1946) là một chính trị gia người Việt giữa thế kỷ 20. Ông là thủ tướng đầu tiên của chính phủ Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ.
Ông sinh năm 1888, trong một gia đình đại điền chủ Nam Kỳ, có quốc tịch Pháp. Vốn theo học Tây học từ nhỏ, đậu thủ khoa khóa đầu tiên Trường Đại học Y khoa Đông Dương năm 1907[1] rồi sau đó sang Pháp theo học tại Y Khoa Đại học Đường Paris (Faculté de Médecine de Paris) lấy bằng bác sĩ y khoa Pháp.
Ông là một trong những người Việt Nam hiếm hoi đầu tiên thi đỗ bác sĩ nội trú tại Bệnh viện Paris (Interne des Hôpitaux de Paris). Sau đó ông làm việc tại Viện Pasteur (Paris) và viết luận án tốt nghiệp bác sĩ tại đây.
Hoạt động chính trị​
Ông bước vào chính trị năm 1926 như một người theo phe Lập Hiến với việc tham gia vào Ủy ban tổ chức lễ tang cụ Phan Chu Trinh, và sau đó thành lập Đảng Dân chủ Đông Dương vào năm 1937. Ông cũng từng là hội viên sáng lập của Hội truyền bá quốc ngữ Nam Kỳ và hội trưởng Hội cứu đói Nam Kỳ, năm 1945 đã quyên được khá nhiều tiền cứu giúp nạn nhân đói kém theo lời kêu gọi của Chính phủ Trần Trọng Kim.
Sau khi Đế quốc Nhật Bản đầu hàng phe Đồng Minh thì Pháp mở cuộc tái chiếm Nam Bộ. Họ chủ trương ủng hộ Nam Kỳ thành lập chính phủ riêng theo ý tưởng về một Liên bang Đông Dương của De Gaulle. Để thực hiện chủ trương đó, Đại tá Jean Cédille, Ủy viên Cộng hòa Pháp tại Nam Kỳ (tức tương đương với chức thống đốc Nam Kỳ cũ) đã đề cử bác sĩ Thinh huy động nhân sĩ lập ra Hội đồng tư vấn Nam Kỳ để thành lập chính phủ Nam Kỳ Tự trị.
Ngày 4 tháng 2 năm 1946, đô đốc D’Argenlieu nhân danh Cao ủy Pháp tại Đông Dương ký sắc lệnh thành lập một Hội đồng Tư vấn Nam Kỳ gồm bốn thân hào Pháp, tám thân hào Việt Nam. Cũng hội đồng này đã cử bác sĩ Thinh làm thủ tướng lâm thời vào ngày 26 tháng 3 năm 1946, và ủy nhiệm thành lập thành lập chính phủ lâm thời. Chính phủ mới ra mắt dân chúng vào sáng ngày 2 tháng 6 năm 1946 trước Nhà thờ Đức Bà Sài Gòn với thành phần như sau :
Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Nội vụ: Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh
Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ quân đội trong nước: Đại tá Nguyễn Văn Xuân
Bộ trưởng Tư pháp: Trần Văn Tỷ
Bộ trưởng Công chánh: Lương Văn Mỹ
Bộ trưởng Y tế: Bác sĩ Khương Hữu Long
Bộ trưởng Tài chánh: Nguyễn Thành Lập
Bộ trưởng Công Nông: Ung Bảo Toàn
Bộ trưởng Giáo dục: Nguyễn Thành Giung
Bộ trưởng An ninh: Nguyễn Văn Tâm
Thứ trưởng Công an Đô thành Sài Gòn - Chợ Lớn: Nguyễn Tấn Cường.
Cố vấn: Hồ Biểu Chánh
Bác sĩ Nguyễn Văn Thinh lấy phòng mạch bác sĩ của ông làm nơi làm việc của chính phủ.
Ngày 10 tháng 11 năm 1946, ông đã tự sát . Đây vẫn còn là điều bí ẩn , không ai có thể đoán được uẩn khúc nội tâm của Thủ Tướng Nguyễn Văn Thinh cho đến bây giờ .
Cộng hòa Nam kỳ Tự trị
Thủ Tướng Lê Văn Hoạch (1898 – 1978) là Thủ tướng Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ từ tháng 11 năm 1946 đến tháng 9 năm 1947 kế tục Thủ Tướng Nguyễn Văn Thinh.
Ông sinh năm 1898 tại Phong Điền (Cần Thơ), tốt nghiệp Y khoa Bác sĩ tại Pháp năm 1923.
Ông là một chức sắc của đạo Cao Đài và được phong Bảo Sanh Quân năm 1930.
Ngày 10 tháng 11 năm 1946, bác sĩ Nguyễn Văn Thinh, Thủ tướng của Cộng hòa tự trị Nam Kỳ lúc đó, tự sát.
Hội đồng tư vấn Nam Kỳ nhóm họp để bầu người lên thay. Dưới sự chủ tọa của chủ tịch Béziat, hội đồng tư vấn chọn được 34 người, rồi 34 người này bầu ra tân thủ tướng. Bác sĩ Lê Văn Hoạch được các nghị viên dồn hết phiếu cho nên đắc cử thủ tướng.
Chính phủ Lê Văn Hoạch chỉ tồn tại đến tháng 9 năm 1947 thì giải thể.
Tướng Nguyễn Văn Xuân lập chính phủ mới nhưng đến tháng 5 năm 1948 thì đổi tên Cộng hòa Tự trị Nam Kỳ thành Cộng hòa Nam phần Việt Nam để xác nhận Nam Kỳ là một phần của Việt Nam, chuẩn bị cho "Giải pháp Bảo Đại".
Bác sĩ Lê Văn Hoạch cũng tham gia phái đoàn nhân sĩ sang Hong Kong để bái kiến Cựu hoàng Bảo Đại, chuẩn bị thành lập chính quyền Quốc gia Việt Nam.
Ông nhiều lần giữ chức vụ Quốc vụ khanh trong nhiều chính phủ với tư cách là nhân sĩ Cao Đài trong cả hai thời kỳ Quốc Gia Việt Nam và Việt Nam Cộng Hòa.
Khi Viện Đại học Cao Đài thành lập ngày 17 tháng 4 năm 1973, ông giữ chức Viện trưởng. Ông giữ chức vụ một thời gian rồi từ chức và trở về quê nhà ở Cần Thơ an dưỡng tuổi già./.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn