CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : MÙA HÈ ĐỎ LỬA NĂM 1972 : CHUẨN TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG - BÌNH LONG - AN LỘC - QUÂN ĐOÀN III VNCH.

03 Tháng Bảy 202110:11 CH(Xem: 2761)
CHUẨN TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG :
Chuẩn Tướng Việt Nam Cộng Hòa Lê Văn Hưng (1933 - 1975) nguyên là một tướng lĩnh Bộ Binh của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, cấp bậc Chuẩn Tướng. Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên tại trường Sĩ quan Trừ bị do Chính Phủ Quốc Gia được sự hỗ trợ của Quân đội Pháp đã mở ra ở Nam phần với mục đích đào tạo sĩ quan người Việt. Ra trường, ông được về đơn vị Bộ binh. Ông đã tuần tự giữ những chức vụ ban đầu là chỉ huy cấp Trung đội cho đến chỉ huy cấp Sư đoàn Bộ binh. Có một thời gian ngắn ông được chuyển sang lĩnh vực Hành chính Quân sự với chức vụ Quận trưởng, rồi Tỉnh trưởng. Sau cùng ông được tín nhiệm giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân đoàn IV . Ông là một trong năm tướng lĩnh đã tự sát trong sự kiện 30 tháng 4 năm 1975.
Tiểu sử & Binh nghiệp​ :
Ông sinh ngày 27 Tháng 3 năm 1933 tại Hóc Môn, Gia Định . Ông mồ côi cha từ nhỏ, ở với Mẹ và Dưỡng phụ. Thời niên thiếu, ông học ở trường Trung học Huỳnh Khương Ninh, Sài Gòn. Năm 1952, ông tốt nghiệp với văn bằng Tú tài bán phần (Part I). Sau đó, ông được tuyển dụng làm việc cho một Công ty người Pháp tại Sài Gòn.
Quân đội Quốc Gia Việt Nam​ :
Giữa năm 1954, thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc Gia, mang số quân: 53/115.100. Theo học khóa 5 Vì Dân tại trường Sĩ quan Trừ bị Thủ Đức, khai giảng ngày 16 tháng 6 năm 1954. Ngày 1 tháng 2 năm 1955 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Thiếu úy. Ra trường ông được cử đi làm Trung đội trưởng trong Tiểu đoàn 13 Việt Nam, đồn trú tại Bình Mỹ, Châu Đốc.
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa​ :
Đầu tháng 11 năm 1955, sau khi nền Đệ nhất Cộng Hòa ra đời và Quân đội Quốc Gia được đổi tên thành Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông đã cùng đơn vị trực tiếp tham dự chiến dịch Đinh Tiên Hoàng bình định miền Tây do Đại tá Dương Văn Đức chỉ huy, chiến dịch chấm dứt vào tháng 12 cùng năm.
Đầu năm 1957, ông được thăng cấp Trung úy và được cử giữ chức vụ Đại đội trưởng của Tiểu đoàn 13. Giữa năm 1959, ông thuyên chuyển qua Trung đoàn 31 thuộc Sư đoàn 21 Bộ binh giữ chức vụ Trưởng ban 2 của Trung đoàn.
Đầu năm 1961, ông được biệt phái sang lĩnh vực Hành chính làm Trưởng ty Cảnh sát tỉnh Vĩnh Bình. Đến giữa năm 1962, ông được cử giữ chức vụ Quận trưởng quận Trà Ôn thuộc tỉnh Vĩnh Bình.
Đầu tháng 2 năm 1964, sau cuộc Chỉnh lý ngày 30 tháng 1 của tướng Nguyễn Khánh, ông được thăng cấp Đại úy tại nhiệm. Sau đó trở lại đơn vị cũ là Trung đoàn 31 Bộ binh và được cử làm Tiểu đoàn phó Tiểu đoàn 2. Tháng 12 cùng năm, ông được cử làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2. Ngày Quốc khánh Đệ Nhị Cộng Hòa 1/11/1965 ông được đặc cách thăng cấp Thiếu tá tại mặt trận. Cuối năm 1966, ông được cử giữ chức vụ Trung đoàn trưởng Trung đoàn 31 .
Thời gian làm Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2 và chỉ huy Trung đoàn 31, ông đã trải qua các Tư lệnh Sư đoàn là Đại tá Đặng Văn Quang (6/1964-3/1965), Đại tá Nguyễn Văn Minh (3/1965-6/1968) và Đại tá Nguyễn Vĩnh Nghi (6/1968-5/1972).
Ngày Quân lực 19 tháng 6 năm 1967, ông được thăng cấp Trung tá tại nhiệm. Ngày lễ Quốc Khánh 1 tháng 11 năm 1968, ông được thăng cấp Đại tá tại nhiệm. Đầu năm 1969, ông được cử giữ chức Phụ tá Hành quân tại Bộ Tư lệnh Quân đoàn IV, lần lượt qua các Tư lệnh Quân đoàn là Thiếu tướng Nguyễn Viết Thanh (7/1968-5/1970) và Thiếu tướng Ngô Du (5/1970-8/1970)).
Trung tuần tháng 7 năm 1970, một lần nữa biệt phái sang lĩnh vực Hành chính Quân sự ông được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Tiểu khu Phong Dinh ( Thành phố Cần Thơ) thay thế Đại tá Nguyễn Văn Khương (tử trận, được truy thăng Chuẩn tướng). Thượng tuần tháng 6 năm 1971, được lệnh bàn giao chức vụ Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Phong Dinh lại cho Đại tá Chương Dzềnh Quay (nguyên Tư lệnh phó Sư đoàn 21 bộ binh). Sau đó ông được bổ nhiệm chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 5 Bộ binh thay thế Thiếu tướng Nguyễn Văn Hiếu được chuyển về Bộ tư lệnh Quân đoàn III làm Tư lệnh phó Quân đoàn.
Tháng 3 năm 1972, ông được thăng cấp Chuẩn Tướng tại Bộ tư lệnh Sư đoàn 5 ở căn cứ Lai Khê, Bình Dương. Sau chiến trận "Mùa hè đỏ lửa", ông được tặng thưởng tại mặt trận Đệ Tam đẳng Bảo quốc Huân chương kèm Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu cùng ân thưởng Huy chương đặc biệt mang danh hiệu "Bình Long Anh dũng". Đến tháng 9 cùng năm, ông được lệnh bàn giao chức vụ Tư lệnh Sư đoàn 5 lại cho Đại tá Trần Quốc Lịch, thuyên chuyển về Quân đoàn IV giữ chức vụ Phụ tá Hành quân cho Tư lệnh Quân đoàn là Thiếu tướng Nguyễn Vĩnh Nghi kiêm Chỉ huy trưởng Lực lượng Đặc nhiệm của Quân đoàn.
Thượng tuần tháng 6 năm 1973, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Sư đoàn 21 Bộ binh thay thế Đại tá Chương Dzềnh Quay được cử làm Tham mưu trưởng Quân đoàn IV. Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 năm 1974, ông được lệnh bàn giao Sư đoàn 21 lại cho Đại tá Mạch Văn Trường ( Chánh thanh tra của Sư đoàn), để về lại Quân đoàn IV giữ chức vụ Phó Tư lệnh Quân đoàn do Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam làm Tư lệnh.
Câu nói nổi tiếng​ CHUẨN TƯỚNG LÊ VĂN HƯNG :
" Tôi đã nhận được lệnh của tổng thống rất rõ ràng, và nếu tôi không giữ được An Lộc, tôi sẽ chết theo An Lộc.
Ngày nào tôi còn, An Lộc còn."
Những quyết định của Tướng Hưng :
1) Quyết định đánh bom và oanh kích vào khu vực của một bộ chỉ huy dã ngoại cấp Sư đoàn CS trên bờ tây Sông Bé.
2) Quyết định đưa Chiến đoàn 52 từ hai căn cứ Hùng Tâm ra ngã ba QL-13 lập thêm một tuyến án ngữ ở mặt bắc cầu Cần Lê, tuy chưa thực hiện nhưng đã chạm súng và kềm giữ được cánh quân lớn của CS đang bôn tập xuống tấn công cầu Cần Lê.
Vì nếu quân địch không trước tiên đánh cánh quân của Chiến đoàn 52 trên Tỉnh lộ 17, chúng sẽ bị đơn vị này đánh thúc ngang hông trên QL-13 khi bôn tập xuống hướng cầu Cần Lê. Trận đánh này đủ cho tuyến cầu Cần Lê chuẩn bị pháo tập lên khu vực tiến quân trên QL-13 phía đông bắc nơi chạm súng của Chiến đoàn 52 và có thời gian cần thiết phá các nhịp cầu Cần Lê.
3) Quyết định oanh kích và dội bom đoàn quân gồm chiến xa và quân bộ chiến của CS đang bôn tập từ Lộc Ninh hướng về cầu Cần Lê.
4) Quyết định cho Trung tá Nguyễn văn Hòa phá sập cầu Cần Lê ngăn cản kịp thời chiến Xa của CS tiến vào An Lộc khi thành phố chưa có lực lượng phòng thủ.
" Một đoạn cuối của Mùa Hè Đỏ Lửa tại Bình Long - An Lộc " ...
Vào những giờ phút khó khăn, gay cấn nhất của hai cánh quân “Giải tỏa An Lộc” nói trên thì đơn vị cứu tinh tái xuất hiện ở chiến trường nam An Lộc này. Đó là Tiểu đoàn 6 Lữ đoàn 1 Nhảy Dù, do Trung tá Nguyễn văn Đỉnh chỉ huy.
Nhớ lại, Trung tá Nguyễn văn Đỉnh trong tháng 4/1972, đã chỉ huy Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù đổ quân vào tăng cường An Lộc, chiếm hai cao điểm đông nam An Lộc, Đồi Gió và Đồi 169. Khi đang đóng quân tại Srok Ton Cui gần đó thì đêm 20/4 rạng ngày 21/4 cả ba địa điểm này bị hai Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CSBV và Trung đoàn 209 của SĐ-5/CS tràn ngập, ông phải chỉ huy hai Đại đội đánh mở đường máu rút xuống ven Sông Bé và được trực thăng đón về Lai Khê với hơn một trăm chiến sĩ Dù. Ngày đó địch đã tấn công đơn vị của ông với lực lượng 6/1 (2,400/400). Phải đánh mở đường máu mà thôi. Sau hơn một tháng, Tiểu đoàn của ông được bổ sung với quân số thặng dư của Sư đoàn Nhảy Dù gồm các chiến sĩ Dù của tất cả các đơn vị Dù khác bị thương trong nhiều trận đánh, hồi phục sau thời gian trị bịnh --trong đó có nhiều sĩ quan các cấp dày dạn chiến trường-- và một số tân binh tình nguyện, thường là những thanh niên can đảm, nên khi tái thành lập, Tiểu đoàn đã có khả năng tác chiến như các đơn vị Dù khác. Trở lại chiến trường An Lộc để tái sát nhập với Lữ đoàn 1 Nhảy Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng. Tướng Minh giao trách nhiệm cho Trung tá Đỉnh đánh giải vây cho hai cánh quân của hai ông Cẩn và Cần, trước khi Tiểu đoàn Dù này vào An Lộc. Nên khi vào trận địa, Trung tá Đỉnh còn dẫn theo đơn vị của mình 300 quân bộ binh bổ sung cho Chiến đoàn 15 của Trung tá Hồ Ngọc Cẩn.
Ngày 4 tháng 6, 1972 TĐ6ND được trực thăng vận đổ quân ở một bãi đáp cách căn cứ pháo yểm Long Phi ở Tân Khai chừng 2km, hướng đông bắc. Tiểu đoàn cặp theo hướng đông QL-13 tiến lên hướng bắc, qua khỏi ấp Đức Vinh, bất thình lình đánh thúc vào ngang hông của Trung đoàn 165/SĐ-7/CS lúc đó đang đối đầu với Trung đoàn 33 của Trung tá Nguyễn Viết Cần. Đơn vị địch tổn thất nặng phải bỏ trận địa rút lên hướng bắc vùng Đồi Gió và Đồi 169. Áp lực địch không còn, các đơn vị của Trung tá Cần có thể dọn bãi đáp cho trực thăng tản thương hơn hai trăm thương binh ra khỏi trận địa và đơn vị tiếp tục vượt qua Đồn điền cao su Xa Trạch vào ấp Đồng Phất 1, chừng 4km nam An Lộc. Ngày 6/6, đơn vị Dù của Trung tá Đỉnh tiếp tục tiến qua hướng tây trục lộ, một lần nữa đánh ngang hông Trung đoàn 141/SĐ-7/CSBV, giải vây, bắt tay với Chiến đoàn 15 và giao 300 quân bổ sung cho Trung tá Cẩn. Đơn vị của ông Cẩn cũng ngay sau đó cũng dọn bãi đáp cho trực thăng tản thương gần 150 thương binh (Bản đồ # 8). TĐ6ND là cứu tinh của hai cánh quân miền Tây này ở mặt trận nam An Lộc. Đơn vị của Trung tá Cẩn đã khoẻ hơn…. Người anh hùng, Trung tá Nguyễn văn Đỉnh, Tiểu đoàn trưởng TĐ6ND, đã lập kỳ tích lớn lao đánh những trận quyết định làm cho hai Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CS bị thiệt hại thật nặng --gần như tan rã-- báo được mối hận tháng trước bị hai đơn vị cộng sản này đánh xé đôi đơn vị của mình ở vùng Srok Ton Cui và Đồi Gió.
Ngày 8/6, hai đơn vị của hai ông Trung tá Dù và bộ binh này thành hai mũi nhọn song song cùng tiến lên An Lộc. Trong buổi sáng đó, khi TĐ6ND tiến đến phía đông xã Thanh Bình, lại lần nữa chạm súng dữ dội với một đơn vị của Trung đoàn 141, địch tháo chạy, bỏ lại trận địa trên 70 xác chết và hơn 30 súng cộng đồng và cá nhân. TĐ6ND tổn thất 11 chiến sĩ hy sinh và hơn 50 bị thương. Sau đó Tiểu đoàn này của Trung tá Đỉnh tiế́p tục tiến qua đồn điền Xa Cam và bắt tay với TĐ8ND của Trung tá Văn Bá Ninh. Trung đoàn 15 tiến theo sau và đóng quân bên ngoài An Lộc với thiệt hại trên 150 chiến sĩ hy sinh, gần 600 bị thương và trên 30 mất tích, nhưng cũng đã hạ tại trận trên 300 cán binh, thu hơn hàng trăm vũ khí cộng đồng và cá nhân, và bắn cháy 2 chiến xa của quân CS từ khi đổ quân vào Tân Khai và tiến lên An Lộc.
Trung đoàn 33 cũng đã tiến qua khỏi ấp Đồng Phất 1 và chạm khá nặng với một đơn vị địch quãng giữa đường khi tiến lên ấp Đồng Phất 2. Tiếc thay, khi đã đẩy lui được mọi cuộc tấn công của địch quân và vào đóng quân tại ấp này, đến ngày 29/6/72 Trung tá Trung đoàn trưởng Nguyễn Viết Cần hy sinh trong một đợt pháo kích của địch quân. Ông được truy thăng Đại tá. Nếu ở miền Đông gia đình “Đỗ Cao...” có hai người con hy sinh cho QLVNCH là Tướng Đỗ Cao Trí, Tư lệnh QĐIII & V3CT và em ruột là Thiếu tá Đỗ Cao Luận thì ở miền Tây gia đình “Nguyễn Viết...” cũng có hai sĩ quan một cấp Tướng và một cấp Tá hy sinh trên chiến trường làm rạng rỡ dòng tộc là Tướng Nguyễn Viết Thanh, Tư lệnh QĐIV& V4CT và em ruột là Đại tá Nguyễn Viết Cần. Còn bao nhiêu gia đình nữa có hai hoặc ba người con hy sinh ở chiến địa cho miền Nam tự do?.. Thương cảm biết bao!
Từ ngày 8/6 khi sĩ quan chỉ huy và chiến sĩ hai cánh quân TĐ6ND và Trung đoàn 15 tay bắt mặt mừng với các chiến sĩ phòng thủ An Lộc thì cục diện chiến trường này đã hoàn toàn thay đổi. Trong thành phố An Lộc, Tướng Lê văn Hưng ra lệnh cho các cánh quân phòng thủ phản công đánh chiếm lại các khu vực ở các tuyến đã bị quân CS chiếm trong các trận đánh trước.
Tuyến hướng Tây, Trung đoàn 7/SĐ5BB chiếm lại khu vực trại giam tỉnh ra cổng Phú Lố và trọn con đường dài Hoàng Hoa Thám bọc quanh phía tây thị xã. Tuyến phía bắc Liên đoàn 81/BCND tái chiếm lại toàn bộ khu vực thương mại bắc thành phố và Sân bay Đồng Long, Tuyến phía đông Chiến đoàn 3/BĐQ chiếm trọn lại tuyến cũ trên Đại Lộ Nguyễn Du, bung ra xa khỏi đường rầy xe lửa đến cổng Quản Lợi. Đến quá trưa ngày 12/6 tàn quân của các đơn vị địch không kịp rút chạy hay bỏ trốn đều bị hạ. Tuyến phía nam thị xã, Lữ đoàn 1 Nhảy Dù vẫn giữ chặt chẽ từ lâu, sân bay trực thăng tạm ở đầu xa lộ bắt đầu hoạt đông lại từ đầu tháng 6, khi các cánh quân từ Tân Khai tiến lên đang đánh nhau với các đơn vị địch . Từ khi hai cánh quân của TĐ6ND và Trung đoàn 15/SĐ9BB vào đến vòng đai An Lộc và bắt tay với TĐ8ND, thì đã có rất nhiều loại trực thăng chở quân đến, tải thương đi, khá đều đặn, tuy nhiên thỉnh thoảng vẫn còn những quả pháo từ xa rót vào. Điều đáng nêu lên là trong ngày 13/6 Trung tướng Nguyễn văn Minh ra lệnh cho SĐ18BB đưa trước Trung đoàn 48 trực thuộc vào An Lộc và đánh chiếm lại hai cao điểm đông nam thị xã là Đồi Gió và Đồi 169 và trấn đóng trong khu vực này.
Đến hết ngày này coi như thành phố An Lộc, tỉnh lỵ của Tỉnh Bình Long hoàn toàn được giải tỏa, Sài Gòn và Washington không còn bận tâm lo lắng nhiều nữa. Hà Nội đã vuột mất thành phố này, không như chúng từng tuyên bố. Kế hoạch về quân sự và chính trị của CS đã hoàn toàn thất bại.
Ngày kế tiếp, 14/6/1972, Tổng thống Nguyễn văn Thiệu, gởi công điện khen ngợi các Tướng Tư lệnh QĐIII & V3CT, Tướng Tư lệnh SĐ5BB, Tướng Tư lệnh SĐ21BB và toàn thể các đơn vị trưởng và chiến sĩ các cấp của tất cả các đơn vị phòng thủ và khai thông QL-13. Trên thực tế, con đường bộ từ Chơn Thành lên đến Tân Khai đã không thể nối liền được. Trung đoàn 32/SĐ21BB bị thiệt hại nặng ở khu vực chốt chặn suối Tàu-Ô, phải đưa về SĐ25BB để bổ sung và Sư đoàn này đưa Trung đoàn 46 trực thuộc vào thay thế để tiếp tục “bứng” chốt ở đó. Ở đoạn trên, các Trung đoàn 141 và 165 của SĐ-7/CS sau mấy trận đánh với Chiến đoàn 15, Trung đoàn 33 và TĐ6ND trong tuần lễ trước, tuy bị tổn thất nặng nề về vũ khí và nhân mạng, nhưng ngày 17/6 đã tập trung trong vùng ngoại vi Tân Khai, tổ chức thành cả hàng chục địa điểm phòng không và pháo với ý định dứt điểm căn cứ hóa lực Phi Long của Chiến đoàn 15 ở Tân Khai. Tướng Nghi, Tư lệnh SĐ21BB phải điều động Trung đoàn 31 từ ngoại vi ấp Đức Vinh quay về, phối hợp với hai Tiểu đoàn bộ binh và Thiết đoàn 9 Kỵ binh (-) trong căn cứ để bảo vệ căn cứ hỏa lực này. Ngày 18/6 Lữ đoàn 1 Nhảy Dù của Đại tá Lê Quang Lưỡng được lệnh xuất phát ra khỏi SĐ5BB rời chiến trường An Lộc, di chuyển hành quân xuống Tân Khai và lập thêm thành tích đánh một trận lớn nữa, hạ gần 600 quân của hai Trung đoàn nói trên của SĐ-7/CS --bỏ xác tại trận-- và tịch thu trên 70 súng đủ loại, trong đó cả nhiều loại đại liên phòng không. Đó là trận đánh lớn cuối cùng của mặt trận Binh Long mà Lữ đoàn cứu tinh này đã thực hiện. Sau đó tất cả các đơn vị Dù của Đại tá LQL được trực thăng vận về Chơn Thành và trở về Sài Gòn bổ sung rồi tăng viện cho QĐI & V1CT. Tàn quân của các Trung đoàn CS rút về tăng cường chốt chặn Tàu-Ô. Coi như SĐ-7/CS đã mất ba phần tư nhân lực và phân nửa vũ khí ở chiến trường nam An Lộc và trên QL-13 mặc dù chúng vẫn giữ chặt được chốt chặn Tàu-Ô này trong khi các tướng chỉ huy của chúng ở TWC/MN đã để thua một cuộc chiến lớn nhất trong thời điểm đó.../.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn