CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : GIAO TRANH CẦM CỰ PHÒNG TUYẾN PHAN RANG - NINH THUẬN ( 11/4/1975 - 17/4/1975 )

11 Tháng Tư 20211:38 CH(Xem: 3477)
Các ngày 10 và 11/4/1975 tiếp theo, tình hình được yên tĩnh trong toàn bộ vùng Phan Rang. Bộ Tư Lệnh tiền phương đang trù tính kế hoạch chiếm lại Cam Ranh để sau đó lấy lại Nha Trang. Địch sau khi bị đuổi khỏi các địa điểm xâm nhập đang tập trung ém quân tại vùng Vườn Dừa ở Cam Lâm chờ đợi viện quân.
Đêm đêm, bên dãy núi phía Tây, Các chiến sĩ Dù nhìn thấy những ánh đèn pin lập lòe của đoàn quân Cộng sản(CS) đang di chuyển tiến sát bao vây phi trường. Thiếu tá Thành TĐT/TĐ11ND đã gọi pháo binh bắn suốt đêm nhưng vẫn không ngăn chận nổi. Vị trí phi trường Phan Rang nằm sát chân núi, là điểm phòng thủ rất bất lợi.
Ngày 12.4.75 bất trắc trong việc phòng thủ Phan Rang.
Lệnh từ Quân đoàn III cho biết sẽ rút Lữ Đoàn 2 Dù vào ngày 13.4.75 và thay bằng Liên đoàn 31 Biệt động quân với 3 Tiểu Đoàn 31, 36 và 52 BĐQ, và Sư Đoàn 2 Bộ Binh với 2 Trung Đoàn 4 & 5, cùng 2 Pháo Đội và 2 Chi đội Thiết vận xa.
Liên đoàn 31 BĐQ vừa rút khỏi Chơn Thành, sau nhiều ngày tác chiến gian khổ với nhiều tổn thất, chưa kịp nghĩ dưỡng quân và bổ sung, thì được tung ra tiền tuyến với quân số thiếu thốn trầm trọng.
Sư đoàn 2 Bộ binh cũng vừa tháo chạy từ Quảng Ngải, vừa tập trung tại Bình Tuy và đang được bổ sung quân số thì được lịnh phải ra Phan Rang, trong khi cả đơn vị hảy còn hoang mang, dao động. Vì chưa kịp bổ sung thiết bị, đơn vị nầy phải thu lượm một số pháo và thiết vận xa để mang theo cùng với các Trung Đoàn ra Phan Rang bằng đường bộ.
Toán Truyền Tin Kiểm thính / Bộ Tổng tham mưu /Phòng 7 báo cáo vừa phát hiện rộ lên nhiều liên lạc vô tuyến của các đơn vị địch xung quanh Phan Rang.
Chuẩn tướng Lê Quang Lưởng Tư lệnh Sư Đoàn Dù và Trung Tướng Trần Văn Minh Tư lệnh Không Quân, cùng đến thám sát công cuộc phòng thủ. Cả hai vị đều tỏ ý bất đồng về việc điều quân nầy. Trung Tướng Minh nói để căn cứ không quân làm tiền đồn là sai lầm, vì khi hữu sự dưới lằn đạn pháo thì không thể sửa chửa, trang bị cho phi cơ có khả năng hành quân như yêu cầu được. Chuẩn Tướng Lưỡng cũng nói, muốn giữ Phan Rang làm bàn đạp để lấy lại Cam Ranh và Nha Trang, tại sao lại rút đơn vị đang chiến đấu tốt mà thay bằng 2 đơn vị đã từng vội vã rút quân và còn đang chờ đợi bổ sung quân số. Trung Tướng Nghi cũng bất ngờ vì không có được những đơn vị như đã hứa trước lúc ra nhận trách nhiệm phòng thủ Phan Rang.
Trong khi đó, Bộ chỉ huy CS họp tại xóm nhà dân cạnh QL1 cách Phan Rang 4Km để bàn kế hoạch đánh Phan Rang gồm Hoàng Minh Thảo, Tư Lệnh chiến dịch Tây Nguyên, Nam Long bộ chính trị, Hai Lê Bí Thư khu ủy 6, Ba Mỷ Tư Lệnh Phó Quân Khu 6, Nguyển Hửu Anh Tư Lệnh Phó Quân Khu 5, Trần Bá Khuê Tư Lệnh SĐ3CS, Mai Tần Tư Lệnh Phó SĐ3CS. Ngày 13/4/1975 Đại tá Nguyễn Văn Biết, chỉ huy trưởng Liên Đoàn 31 Biệt Động Quân và 3 Tiểu Đoàn 31, 36 và 52 cũng vừa từ Biên Hòa tới bằng phi cơ C-130. Quân số Liên Đoàn gồm khoảng 1.000 người. Các đơn vị liền vội vã đến thay thế vào các địa điểm đóng quân của lực lượng Nhảy Dù tại Du Long và Ba Râu. Tiểu Đoàn 31 trám tại Du long, Tiểu đoàn 36 trám từ Ba Râu đến Cá Đú và Tiểu đoàn 52 làm trừ bị. Đang thay quân thì bắt đầu chạm súng với các toán thăm dò của địch.
Sau khi bàn giao khu vực trách nhiệm cho các đơn vị bạn, Đại Tá Lương LĐT/LĐ2ND dự định cho BCH Lữ Đoàn cùng TĐ7ND được bốc đi trước, kế đến là TĐ11ND rồi TĐ3ND và sau hết là các đơn vị yểm trợ. Toàn bộ Lữ Đoàn sẽ di chuyển hoàn tất trong ngày 14/4 ngoại trừ TĐ1Pháo Binh phải lưu lại vài ngày để yểm trợ cho Liên Đoàn 31 BĐQ đến khi có đơn vị pháo binh khác đến thay thế.
Buổi chiều ngày 13/4, toàn bộ TĐ7ND và các thành phần trang thiết bị nặng của BCH/LĐ được chuyển vận về hậu cứ tại Biên Hòa. TĐ11ND cũng đã bàn giao nhiệm vụ phòng thủ Du Long lại cho đơn vị BĐQ. Bộ chỉ huy Tiểu Đoàn cùng Đại Đội 113 và ĐĐ114 di chuyển vào trong phi trường. Hai Đại Đội còn lại do Thiếu Tá Giới TĐP chỉ huy đang chờ thay quân tại mạn phải QL1. Tiểu Đoàn 3ND vẫn còn trú đóng tại Ba Râu.
Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, Tư lệnh Sư Đoàn 2 Bộ binh, cùng Trung Đoàn 5 vừa đến Phan Rang với khoảng 400 quân, được giao nhiệm vụ bảo vệ mặt Nam căn cứ và phi trường vì Lữ đoàn 2 Dù đã hết nhiệm vụ và đã bàn giao với Trung đoàn 4 hôm trước. Lực lượng Pháo binh chỉ có 1 Pháo đội 105 ly hiện diện tăng phái cho Tiểu khu trong đó có một Trung đội đóng tại An Phước, phía Nam phi trường lối 10 Km.
Thị xã Phan Rang được phòng vệ bởi khoảng 1 Tiểu Đoàn Địa phương quân còn lại. Cùng lúc, Chuẩn tướng Trần Văn Nhựt, theo lệnh, đề cử Đại tá Trương Đăng Liêm Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 4 giữ chức vụ Tỉnh Trưởng Phan Rang thay Đại tá Trần Văn Tự.
Sau khi bàn giao khu vực quận Du Long cho Biệt động quân, BCH/TĐ11ND đang trên đường rút về phi trường thì Cộng quân bắt đầu khai hỏa pháo kích vào đơn vị BĐQ vừa nhận vị trí, vì chúng nhận được tin TĐ7ND đã rút về Sàigòn hôm qua. Do đó buổi tối, BTL/QĐ3 gởi công điện khẩn yêu cầu Lữ Đoàn Trưởng và BCH nhẹ của Lữ Đoàn 2 ND ở lại đi chuyến bay sau cùng.
Ngày 14/4/1975 để dự phòng cho những ngày tác chiến sắp tới, Bộ Tư lệnh Không quân cũng vừa gởi đến một phi cơ C-47 để tăng cường phương tiện hành quân cho Bộ Tư lệnh tiền phương.
Bên ngoài căn cứ, từ sáng sớm, địch lần lượt tung vài đơn vị cấp Đại đội, đánh thăm dò cơ cấu phòng thủ tại Du Long và Ba Râu. Một trong các đơn vị CS đã xâm nhập được vào cổng số 2 phi trường về phía Bắc, lúc mờ sáng. Tình hình đã thay đổi, TĐ11ND và TĐ3ND phải ở lại chống trả áp lực địch.Phi cơ trực thăng tuần tiểu phát hiện, cùng với trực thăng võ trang và 2 chiếc Thiết vận xa yểm trợ cho một bộ phận của Tiểu đoàn 11 Dù đang chờ phi cơ về hậu tuyến, được gởi ra tiêu diệt toán xâm nhập nầy.
Vùng đất phía ngoài Cổng Số 2 khá trống trải, nên thiết vận xa và trực thăng võ trang đã yểm trợ rất hữu hiệu. TĐT Thành điều chỉnh pháo binh bắn dọn đường vào các điểm nghi ngờ; vừa tới ngoài rào phi trường thì địch quân khai hỏa xối xả.
Một chiếc M113 bị B40 bắn cháy, các chiến binh Nhảy Dù đồng loạt xung phong tấn công ào ạt, trực thăng yểm trợ cất cánh trong phi trường đã bắn vào cánh quân địch đang giao tranh với 2 Đại Đội Dù. Các phi tuần A37 oanh tạc vào các vị trí súng cối của chúng tại chân núi sát phi trường, Cộng quân cũng dùng các khói màu để lừa phi cơ yểm trợ.
Các chiến sĩ Dù dùng lựu đạn và lưỡi lê đánh cận chiến, với sức chiến đấu quá dũng cảm của TĐ11NDD, địch tổn thất rất nhiều, khiến địch hoảng sợ bỏ chạy rút vào rừng để lại hơn trăm xác chết và tịch thu được 80 súng đủ loại trong đó có 2 súng cối 82 ly và một 75 ly không giật. Bên ta có 6 chiến sĩ bị thương vong, 1 Thiết vận xa M113 bị bắn cháy. Trung Tướng Nghi tưởng thưởng huy chương Anh dũng bội tinh cho các quân nhân hữu công.
Khoảng trưa, Tướng Nghi ,Tướng Sang cùng Đại tá Lương chạy xe thong thả từ phi trường đến Ba Tháp, Ba Râu và Du Long thị sát công việc phòng thủ. Tại Du Long Tướng Nghi có tập họp và trấn an một số Binh Sĩ có mặt tại đây.
Mặc dầu có các cuộc đánh thăm dò của địch, mặt trận Phan Rang vẫn đứng vững .
Trận chiến tại phòng tuyến Phan Rang 16/4/1975
Ngày 15.4.1975 từ sáng sớm địch liên tục pháo từng chặp vào phi trường. Buổi chiều khoảng 2 giờ, có phái đoàn của Trung Tướng Trần Văn Đôn, Tổng trưởng Quốc phòng và Trung tướng Nguyễn Văn Toàn,Tư lệnh Quân Đoàn 3 đến thị sát mặt trận. Sau khi thăm thị xã , nghe Tướng Nghi thuyết trình tình hình và ghi nhận các đề nghị, Trung Tướng Tổng Trưởng Quốc phòng tỏ vẻ chú trọng đến việc phòng thủ Phan Rang cùng tái chiếm lại Cam Ranh và hứa sẽ tìm mọi cách bổ sung đầy đủ mọi trang thiết bị thiếu hụt.
Tại Trung tâm thị xã, lực lượng phòng thủ là Trung Đoàn 5/Sư đoàn 2 BB và một Tiểu Đoàn Địa Phương Quân thuộc Tiểu khu Ninh Thuận.
Hệ thống bảo vệ từ xa của phòng tuyến Phan Rang do Liên đoàn 31Biệt Động Quân, 1 tiểu đoàn Pháo binh, 1 chi đoàn M 113 phụ trách, đã bị Cộng quân khởi sự tấn công từ ngày 14/4/1975.
Trong khi Bộ Quốc phòng VNCH đang tìm cách để cung cấp các vũ khí tối cần thiết cho các đơn vị tại chiến trường thì tại mặt trận Phan Rang, Cộng quân tung 3 sư đoàn 325, 968 và SĐ3CS tấn công vào căn cứ Không quân Phan Rang và trung tâm thị xã.
Tại Ấp Ba Râu, sáng sớm ngày 15/4 Cộng quân đã bắt đầu pháo kích dữ dội quận đường Du Long ( quận đường di tản) do một Tiểu Đoàn ĐPQ bảo vệ, bằng đại pháo 130 ly. Đến 8.00 giờ sáng thì toàn bộ ấp Ba-Râu tan hoang và bốc cháy khắp nơi. BCH/Tiểu Đoàn 3 Dù liên lạc với 3 đại đội đóng quân tại núi Đá Mài mạn trái QL1 do Thiếu Tá Vân TĐP chỉ huy thì được biết địch quân đông như kiến, có cả tăng và pháo, đang bao vây nhưng không tấn công vào vị trí của ta. Lực lượng ND tìm cách tràn xuống đường thì địch quân dùng đủ loại hỏa lực mạnh nhất phản công do đó cánh quân Dù nầy phải lui về vị trí phòng ngự và từ đó cánh quân nầy không liên lạc được với BCH Tiểu Đoàn vì tần số liên lạc liên tục bị phá sóng..
Lúc 9.30 giờ, sau khi dập nát Ba Râu, địch quân CS chuyển pháo sang ấp Kiền Kiền, nơi vị trí đóng quân của BCH / TĐ3ND. Quả pháo đầu tiên của cộng quân đã kết liểu cuộc đời binh nghiệp hào hùng của Đại Úy Đinh Quốc Tuấn, một Sĩ quan trẻ tuổi tài ba, đẹp trai, còn độc thân , đánh giặc rất gan lì , ra trường Bộ Binh Thủ Đức cuối năm 1970, hiện đang nắm ĐĐT/ĐĐ32ND.
Tất cả dân trong ấp đều bồng bế nhau di tản, địch quân pháo càng lúc càng gia tăng cường độ ác liệt.. Hầm TOC (Trung tâm Hành quân ) bị sập, nhiều quân nhân ND bị thương vong. Thiếu Tá Lã Quí Trang TĐT ra lịnh cho đơn vị di tản lên núi Hòn Bà để tránh pháo địch.
Khoảng 11.30 giờ, một đoàn xe 16 chiếc GMC, chở đầy Quân nhân TĐ36BĐQ đổ xuống ấp Kiền Kiền để trám vào vị trí của BCH/TĐ3ND trong khi khói lửa vẫn còn mù mịt và pháo địch vẫn còn “cấm chỉ ” để không ai có thể cản bước tiến quân của chúng. Sau khi đổ quân, đoàn quân xa quay đầu trở lại hướng thị trấn Phan Rang thì đoàn quân cũng bắt đầu chạm địch. Cộng quân đã dùng tất cả hỏa lực tăng, pháo và bộ binh tấn công và bao vây TĐ36BĐQ vừa mới dừng quân chưa kịp tổ chức phòng thủ.
Trong khi Cộng quân dùng Tăng và pháo áp đảo cầm chân các đơn vị VNCH đang thay quân tại Du Long và Ba Râu, và cũng để né tránh đụng độ với lực lượng Nhảy Dù phòng thủ dọc quốc lộ I, Cộng quân lén di chuyển trong rừng núi từ hướng Tây và Tây Bắc, đặc công CS đi dò dẫm dọn đường để lực lượng chánh qui gồm các SĐ325, SĐ3 Sao Vàng và SĐ968 theo sau, rồi bất thần ào ạt tràn ngập xuống cánh đồng lúa chín vàng dọc theo QL1 hướng về phía Nam tiến về thị xã Phan Rang và Phi Trường Thành Sơn.
Khoảng 2.00 giờ chiều ngày 15/4 cánh quân của TĐ11ND gồm 2 Đại Đội do Thiếu Tá Nguyễn Văn Giới, TĐP chỉ huy từ Du Long di chuyển qua ấp Kiền Kiền (vị trí của BCH/TĐ3ND, Thiếu Tá Trang TĐT/TĐ3ND có đề nghị 2 đơn vị kết hơp để chiến đấu, nhưng Th/Tá Giới bảo là đã nhận lịnh đi đến Cảng Ninh Chử) rồi lần xuống bãi biển, tẻ sâu về hướng Nam dọc QL1 và tại đây họ không còn thấy Giang đoàn 27, chiến hạm WHEC cùng bất cứ chiếc tàu nào khác tại cảng Ninh Chử. Mãi tới chiều ngày 16/4, đến một bãi cát xa hơn về hướng Nam của thị xả là Thôn Phú Qúy, đơn vị Dù nầy, gặp và kháng cự với một toán quân địch khác đến bao vây. Sau khi thoát vòng vây với ít nhiều tổn thất, cánh quân Tiểu đoàn 11 Dù nầy được một đoàn trực thăng, bốc về an toàn. (Đoàn trực thăng cấp cứu nầy, dự trù đón Bộ tư lệnh tiền phương, nhưng vì Trung Tướng Nghi không thuận cho đáp vì lý do an toàn bãi đáp, nên trên đường trở về, mới bốc được toán Dù trên.)
Trong khi đó đến 6.30 chiều ngày 15/4, BCH/TĐ3ND không thể chờ đợi cánh quân phía trái QL1 vì chiến xa địch gầm thét mỗi ngày một gần, Thiếu Tá TĐT ra lệnh cho đơn vị còn lại rút quân đến mỏm phía Tây của núi Hòn Bà. Kiểm điểm lại BCH/TĐ và Đại Đội 32 chỉ còn có 73 người luôn cả Thiếu Tá Trang TĐT, Đại Úy Viên Trưởng Ban 3 và Thiếu Úy Đông, Quyền ĐĐT/ĐĐ30.
Đến 8.30 giờ đêm, một đoàn xe tăng 50 chiếc T54 của CS từ Cam Ranh chạy trên QL 1, hướng về Phan Rang, đến ngã 3 thôn Mỹ Nhơn đoàn tăng CS tấp vào đậu bên trái QL1 đối diện với BCH/TĐ3ND đang ém quân tại triền núi Hòn Bà.
BCH/TĐ3ND tức khắc liên lạc xin phi pháo oanh tạc. Chờ đến nửa giờ sau, hai chiếc phi cơ A37 xuất hiện ném 4 quả bom chính xác vào vị trí của địch đang dừng quân, chiến xa địch bị bốc cháy, tiếp theo là những tiếng nổ phụ của bom đạn kéo dài trên nửa giờ. Cánh quân TĐ3ND sau đó lặng lẽ rút lên cao hơn để tránh tầm tác xạ của chiến xa.
Từ chiều ngày 15/4 trở đi, Trung tướng Nghi liên tiếp nhận được tin tức cho biết địch sẽ tập trung tấn công Phan Rang lúc 5 giờ sáng. Địch sẽ tiến quân theo đường rầy xe lửa và dọc theo quốc lộ 1 cùng với 300 chiến xa, phát xuất từ rừng dừa ở Ba Ngòi. Biết ý định của địch, Trung tướng Nghi báo động ngay mọi nơi đề phòng, đặc biệt là Liên đoàn 31 Biệt Động Quân có nhiệm vụ án ngữ ở Du Long.
Đúng như nguồn tin kiểm thính, sau 8 giờ tối địch gia tăng cường độ pháo vào phi trường, đồng thời cho di chuyển suốt đêm rất nhiều đoàn xe chở bộ binh, thiết giáp, pháo binh …Chúng cố tìm mọi cách vượt qua đồi Du Long, chủ yếu chỉ để tràn qua tuyến phòng thủ của Tiểu Đoàn 31 Biệt Động Quân mà tiến nhanh về hướng Nam. Tiểu đoàn 31 đã ở tại chổ chiến đấu gan dạ mặc dầu đoàn xe địch đã vượt qua được.
Liên tục bị oanh kích, đoàn cơ giới của địch tẻ xuống đường, tắt đèn và lại tiến tới. Phi cơ A-37 không ngớt tung xuống nhiều đợt oanh tạc ngăn chăn, nhưng vì không đủ phương tiện hỏa lực, soi sáng và hỏa long, nên chúng vẫn tràn qua, sau khi bị tổn thất khá nặng nề. Bên ta có 4 A-37 bị bắn bể bình xăng phải về đáp. Trận nầy Không Đoàn 92/Chiến thuật đã tung toàn lực phi cơ cơ hữu kể cả 4 A-1 của Phi đoàn 530. Các đơn vị bộ chiến cứ liên miên chạm địch nên cấp số đạn dược mang theo đã gần cạn, BTL tiền phương đã gởi nhiều công điện khẩn cấp cầu cứu về Quân Đoàn 3 nhưng chẳng thấy hồi âm.
Trong khi đó thì pháo binh của CS liên tục nả vào phi trường Thành Sơn. Đến 4.00 giờ sáng ngày 16/4/1975, pháo binh CS bổng im bặt ngưng tác xạ, một chiếc phi cơ C130 màu tối đen từ từ đáp xuống phi đạo, đèn đóm vẫn chiếu sáng chang. 15 phút sau, chiếc C130 cất cánh bay đi, pháo binh CS lại tiếp tục pháo tới tắp.<BR/. Các mặt trận liên tục báo cáo: địch quân CS đang sử dụng hàng đoàn xe để đèn sáng chạy từ Du Long tràn xuống. Cuối cùng, đoàn xe tắt đèn vượt qua Ba Râu, và chiếm thị xã lúc 7 giờ sáng ngày16.4.1975.
Tại Phi Trường Thành Sơn, lúc vừa sáng sớm, địch quân lẻ tẻ xâm nhập vào cổng số 2 của phi trường về hướng Bắc và kho bom ở hướng Tây. Đến khi phòng không của CS bắn trúng chiếc phi cơ quan sát O-1 vừa cất cánh quan sát hành quân, phải trở lại đáp khẩn cấp, chúng bắt đầu gia tăng pháo kích.
Để dọn đường cho bộ binh tấn công vào căn cứ Không quân Phan Rang và trung tâm thị xã, Cộng quân đã pháo liên tục vào các vị trí phòng ngự vòng quanh căn cứ Không quân, đồng thời bắn phá dồn dập vào khu vực phi cơ đậu và phi đạo để không cho phi cơ chiến đấu của Sư đoàn 6 Không quân cất cánh.
Cùng lúc đó, Sư đoàn 325 thuộc Quân đoàn 2 CS được tăng cường xe tăng, thiết giáp cùng với Sư đoàn 3 Sao Vàng và Trung đoàn 25 từ ba hướng tiến công vào trung tâm thị xã Phan Rang và sân bay Thành Sơn. Lúc bấy giờ đại đa số cư dân Phan Rang đã di tản vào Nam, thị xã chỉ còn lại quân nhân, cảnh sát và một số công chức. Lực lượng phòng thủ thị xã chống trả quyết liệt, nhưng do Cộng quân quá đông nên các tuyến phòng thủ trung tâm thị xã đều lần lượt bị chiếm. Thị xã Phan Rang thất thủ vào lúc sáng sớm.
Mặt khác, Cộng quân lại tung một Trung Đoàn cắt đứt đường giao thông trên Quốc lộ 1 ở khu vực Cà Ná cách thị xã Phan Rang khoảng 48 Km về hướng Tây Nam cốt để chặn đường rút quân của các đơn vị VNCH.
Khoảng 8.00 giờ sáng ( 16/4) . Đại tá Biết Liên Đoàn Trưởng LĐ31BĐQ, báo cáo là Du long đã bị tràn ngập và địch đã vào thị xã khiến cho Trung tướng Nghi phải tìm phương thế thích nghi.Trung tướng Nghi mời Chuẩn Tướng Trần Văn Nhựt vào để duyệt xét tình hình. Tướng Nhựt cho biết các đơn vị của ông đang chạm địch và sau đó Ông đi thị sát mặt trận tại nơi trách nhiệm của đơn vị mình.
Trong khi Trung đoàn 4 Bộ Binh án ngữ bên ngoài phía Tây của phi trường và Trung đoàn 5 ngăn chận địch tràn lên từ thị xã , thì bên trong căn cứ tình hình bắt đầu có chiều hướng bất lợi. Địch vẫn giữ mức độ pháo kích quấy rối từng chập. Nhân có các khoảng trống giữa những đợt pháo kích, một số lớn phi cơ đã rời căn cứ. Còn lại chỉ có một số rất ít trực thăng võ trang và tản thương ở lại đến phút chót.
Khoảng 9.00 giờ sáng, một trực thăng võ trang bị hỏa tiển phòng không SA.7 bắn tại ngọn đồi gần phi trường. Trung Đoàn 4 báo cáo đang chạm địch. Trong lúc đó xe tăng địch quân đã lảng vảng ở cổng phi trường số 1. Đại Tá Lương phải điều động đơn vị Trinh Sát 2 Dù của Trung Úy Sáng bảo vệ Bộ Tư lệnh Tiền phương thanh toán các toán CS lẻ tẻ chạy lạng quạng gần khu vực bên trong phi trường. Đến lúc nầy, Trung tướng Nghi vẫn tin tưởng vào khả năng chiến đấu của Trung đoàn 4 bảo vệ phi trường và Trung đoàn 5 án ngữ ngăn chận địch tràn vào cổng số 1 của căn cứ.
Đến khoảng gần 10 giờ, khi tiếng súng càng lúc càng dồn dập, Tướng Nghi liền họp cùng Tướng Sang, Đại tá Lương để tái duyệt xét tình hình. Vì lẽ mặt trận đã bị thủng từ Du Long và địch đang hăm dọa căn cứ nên Trung Tướng Nghi dự tính sẽ dời Bộ Tư lệnh Tiền phương về Cà Ná để lập tuyến phòng thủ mới. Nếu địch chọc thủng được phòng tuyến bảo vệ phi trường, BTL Tiền Phương và các đơn vị sẽ rút đi khỏi phi trường từ cổng số 1 và Trung đoàn 5 sẽ là đơn vị hộ tống.
Thiếu Tá Nguyễn Văn Thành nhận lệnh điều động TĐ11ND (-) mở đường tiến về cổng sau phi trường để hộ tống toàn bộ BCH tiền phương QĐ3 và BCH/LĐ2ND rút ra khỏi phi trường Thành Sơn và đi về hướng Phan Thiết...
Bấy giờ Cộng quân đã tràn vào bên trong phi trường, chúng chạy khơi khơi trên phi đạo, mình ngụy trang đầy cây lá. Lực lượng SĐ2BB trách nhiệm bảo vệ căn cứ đã rút đi mất hết, vị trí phòng ngự đã bị bỏ ngỏ và BTL Tiền Phương không thể liên lạc được với họ. Trung Tá Trần Văn Sơn, Lữ-Đoàn Phó LĐ2ND, phải điều động các binh sĩ Đại Đội công vụ LĐ2ND cố gắng ngăn chận không cho địch tiến vào BCH hành quân, nhưng Ông đã hy sinh vì bị trúng nguyên một băng đạn AK-47 vào bụng.
Khoảng 10.30 giờ sáng, mãi đến khi các toán quân địch sắp tiến vào Bộ Tư lệnh Tiền phương thì Trung Tướng Nghi mới ra lịnh rời căn cứ bằng đường bộ, từng đơn vị theo đơn vị trưởng mình rút theo hướng Nam về Cá Ná để lập phòng tuyến mới. Trung tướng Nghi, Chuẩn Tướng Sang, Đại Tá Lương, Ông Lewis (ông nầy nói tiếng Việt rất lưu loát) chuyên viên Tòa Đại sứ Mỹ cùng các quân nhân của Bộ Tư lệnh Tiền phương, Sư đoàn 6 Không quân, BCH/Lữ Đoàn 2 Dù cùng các toán quân lẻ tẻ của Liên Đoàn 3I Biệt Động Quân lối 700 đến 800 người rời căn cứ tiến ra cổng số 1 về hướng Nam. Một Trung Đội Công Binh Dù đả dùng chất nổ phá hàng rào để đoàn người di chuyển về hướng núi Cà Đú .
Lúc đó Tướng Lê Quang Lưỡng, Tư-Lệnh SĐND, đang bay trên trời, thấy tình hình sôi động ông định đáp xuống để trấn an anh em binh sĩ . Tướng Lưỡng là một vị Tướng gan dạ và trầm tỉnh, đã từng sống chết với các chiến sĩ Nhảy-Dù trong chiến cuộc VN.
Thiếu Tá Thành nghe “Lê-Lợi” gọi Đại Tá Lương không được ( có lẻ trục trặc máy móc ) anh bốc ống liên hợp trả lời :
- Trình Lê-Lợi, còn gì để đáp xuống, phi trường đã bị tràn ngập...
- Anh bảo Ông Lương cố gắng cầm cự, tôi sẽ về Sài Gòn tăng cường quân ra. ( nhưng quá trể rồi, đâu còn phương tiện chuyển vận và trang thiết bị như thuở nào của một binh chủng QLVNCH ) Sau đó Ông đã liên lạc được với Đại Tá Lương và vị LĐ Trưởng đã khuyến cáo ông đừng xuống vì phi trường đã bị địch quân tràn vào và quân ta còn đang chống trả. Thiếu Tá Thành bây giờ chỉ huy lực lượng lui binh. Ông cho lệnh Đại Úy Long dẩn ĐĐ 114ND đi đầu mở đường và đoạn hậu là ĐĐ113ND của Tr/Úy Phạm Đức Loan. Đại Đội Công Binh và ĐĐ2 Trinh Sát ND cầm chân không cho địch đuổi theo BTL/QĐ3 và BCH nhẹ LĐ2ND cùng bộ tham mưu, Anh em Nghĩa Quân, Không Quân, Địa Phương Quân và dân chúng đi theo.
Đoàn quân di chuyển trật tự đến cổng số 1 khoảng 11 giờ. Tại đây, vì không liên lạc được với Chuẩn Tướng Nhựt, và cũng không gặp được Trung Đoàn 5 như dự định, nên Trung Tướng Nghi quyết định theo đường rào phía Nam, di chuyển dọc theo đường từ Tour Chàm đến ngã ba An Phước. Đoàn quân an toàn đến Thôn Mỹ Đức lúc 12 giờ trưa.
Tại phi trường, khi đoàn quân của Trung Tướng Nghi di chuyển khá xa, thì Sư đoàn 325 CS phối họp với Sư đoàn 3 CS cùng Sư Đoàn 968 CS tấn công và chiếm phi trường lúc 11.30 giờ trưa.
Thiệt hại của Sư đoàn 6 Không quân rất đáng kể vì mất toàn bộ kho bom đạn và các trang thiết bị phụ thuộc, với lối 10 phi cơ đủ loại không bay được. Tuy nhiên tổn thất hành quân tương đối là nhẹ: 1 A-37 rớt, 4 A-37 bị bắn về đáp an toàn, 2 trực thăng cháy, 1 phi cơ quan sát cùng khá nhiều trực thăng bị bắn nhưng về đáp được an toàn.
Tại Thôn Mỹ Đức lúc khoảng 4 giờ chiều, Trung Tướng Nghi được toán truyền tin của Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù cho hay có 1 đoàn phi cơ xin xác nhận vị trí để xuống bốc. Lúc bấy giờ, với một đoàn người gần 700 quân nhân và thân nhân nên khó bốc hết được, vả lại khi trực thăng đến, khó lòng mà giữ được trật tự, chắc chắn sẽ tạo hổn loạn làm lộ mục tiêu giúp địch đến vây bắt. Vì vậy Trung Tướng Nghi quyết định vì sự an toàn cho đồng đội, từng khổ cực chiến đấu với nhau mà không vì an toàn cho bản thân, nên ra lịnh toán cứu cấp đó không nên đáp, và chỉ nên đến ngày hôm sau, tại một địa điểm xa hơn về phía Nam. Và sau đó Đại Tá Lương ra lệnh cho tất cả bố trí dọc theo ruộng mía chờ đêm tối di chuyển vượt sông Dinh về hướng Nam.
Bắt đầu từ 5.30 sáng ngày 16/4, BCH/TĐ3ND vì không thể đợi cánh quân bên trái QL1 do Thiếu Tá Vân chỉ huy được, từ đỉnh núi Hòn Bà BCH bắt đầu di chuyển về hướng Đông mãi tới tối ngày 18/4 mới tới được bờ biển. Đến 11.00 giờ sáng ngày 19/4, TĐ3ND liên lạc được với Đại Tá Trương Vĩnh Phước Tư Lệnh Phó SĐND đang bay trên một chiếc C47 ở ven biển. Sau khi cho vị trí điểm đứng, đến 4.00 giờ chiều, một đoàn trực thăng bay là là sát mặt biển vào bốc hết toán quân 73 người ra đảo Phú Qúy lấy thêm xăng rồi đưa về phi trường Phan Thiết.
Buổi chiều tối ngày 19/4, đoàn trực thăng bốc 73 chiến sĩ /TĐ3Nhảy Dù phải đáp xuống phi trường Phan Thiết để lấy thêm nhiên liệu. Tất cả quân nhân phải rời phi cơ. Sau khi lấy nhiên liệu xong các quân nhân ND lại tiếp tục lên đường. Thiếu Tá Trang ra lịnh cho Đại Úy Viên phải đi chuyến bay sau cùng để kiểm điểm cho tất cả mọi người đều lên phi cơ…
Khi chuyến bay sau cùng chuẩn bị cất cánh thì cộng quân bắt đầu pháo vào phi trường và chiếc phi cơ bị trúng mảnh đạn không thể cất cánh được, đèn báo động chớp liên hồi. Phi hành đoàn bèn gọi một gunship quay trở lại đón họ, còn 11 quân nhân Nhảy Dù kể cả Đại Úy Viên còn kẹt lại phi đạo.
Liên lạc với BCH/TĐ không được ( có lẻ phi cơ đã đi xa quá tầm liên lạc của máy PRC.25 ) Đại Úy Viên cho lịnh 10 Quân nhân ND vào phòng đợi cùa Phi Trường Phan Thiết. Tại đây họ gặp đơn vị Tiểu Đoàn 64 BĐQ vừa từ Ban Mê Thuột di tản về và được chỉ định bảo vệ phi trường. Tiểu Đoàn Trưởng 64BĐQ là Thiếu Tá Đàng và TĐP là Thiếu Tá Phước. Các Binh sĩ Nhảy Dù được “mời” qua nhà bếp xơi một bửa cơm thịnh soạn vì ba ngày qua họ đã nhịn đói.
Đại Úy Viên đang ngồi suy tính : “Mình không có bản đồ vùng nầy, bọn CS tấn công vào phải làm sao đây?” Toán Nhảy Dù của Đại Úy Viên còn 11 người, lúc 8.00 giờ tối, một Binh sĩ đã xin phép về ghé qua nhà ngoài Tỉnh lỵ Phan Thiết để thăm Cha Mẹ, vì hai năm nay từ ngày đầu quân anh không có dịp về thăm.
9.20 giờ đêm, Đại Úy Viên dắt 9 binh sĩ còn lại băng qua phi đạo nhắm hướng biển mà đi. Đúng như Anh dự đoán, phía sau TTHL/ĐPQ cạnh phi đạo, tuột xuống khoảng 100m là bờ biển. Đại Úy Viên ra lịnh cho các Binh Sĩ phải đeo sát nhau kẻo bị lạc, 3 máy PRC25 phải cẩn thận đừng để hư hỏng. Chỉ để một chiếc mở máy trên tần số của BTL/SĐND còn 2 chiếc còn lại vặn tắt để tiết kiệm điện trì.
Toán Nhảy Dù lần chạy cách bờ biển khoảng 4 đến 5 thước hướng về phía Nam vì đi như vậy đỡ phải chồn chân và có nước để uống cầm hơi. Chạy được khoảng 3 Km thì bắt kịp 3 Đại Đội BĐQ của Thiếu Tá Đàng. Thiếu Tá Đàng muốn phối hợp với Đại Úy Viên để bàn kế hoạch di chuyển. Nhưng Đại Úy Viên trả lời “Thiếu Tá còn quân đông nên tránh vô trong lợi dụng đêm tối mà di chuyển, còn chúng tôi chỉ còn 10 với 6 khẩu M16, một colt, 3 máy PRC25 và hơn nữa chúng tôi không còn sức để chiến đấu lâu dài. Vậy để chúng tôi cứ chạy sát bờ nước bên ngoài nếu gặp phục kích , chúng tôi sẽ cùng nhào lên một lượt để giải quyết trận chiến chứ không còn giải pháp nào khác để chọn lựa.”
Toán của Đại Úy Viên tiếp tục chạy suốt đêm đến 6.00 giờ sáng ngày 20/4/1975 thì thấy ngọn hải đăng tại mũi Kê Gà thuộc địa phận tỉnh Bình Tuy. Đại Úy Viên cho cả toán dừng chân nghĩ ngơi. Trong lúc ăn uống, Đại Úy Viên lấy máy PRC25 dò tìm các đài bạn. Bổng nhiên nghe được một đài rất rõ ràng: “Hải Âu đây Hải Đăng…” Đại Úy Viên bèn dùng bạch văn chen vào hệ thống xưng danh ND và yêu cầu đài Hải Đăng tiếp chuyển lời cầu cứu về BTL/SĐND.
Chờ khoảng 5 phút Hải Đăng trả lời bảo :“Ông già của Anh ( Chuẩn Tướng Lưỡng) hiện đang ở tại tòa tỉnh Bình Tuy, 30 phút nửa chuồn chuồn sẽ đến với các Anh.”
Sau đó không lâu một trực thăng chở Trung Tá Lê Văn Mể Trưởng Phòng 3 SĐND đến bốc hết 10 chiến binh Nhảy Dù về tòa tỉnh Bình Tuy đúng 1.00 giờ trưa và Đại Úy Viên vào trình diện Chuẩn Tướng Tư Lệnh SĐND tường trình diển tiến.
Cuối đời chiến Binh :
Lúc 9 giờ tối ngày 16/4, dưới sự hướng dẫn của Đại tá Lương, đoàn người thuộc BTL Tiền Phương QĐ3 bắt đầu rời Thôn Mỹ Đức.Chưa đi được bao xa thì bị địch phát hiện và bao vây. Nhờ trời tối, hai đại đội Nhảy Dù bắt đầu xung phong đột phá vòng vây; một trận cận chiến diễn ra khốc liệt. Các Chiến sỉ nhảy dù nhận được lịnh xung phong càn qua xác địch và trực chỉ hướng Phan Thiết. Tr/Úy Loan dẩn Trung đội 1 đi đầu, binh sĩ ND nhào lên pháo tháp tăng của địch tung lựu đạn tiêu diệt xạ thủ bên trong. Trung Đội 2 và 3 dàn hàng ngang dùng M72 và MX202 tiêu diệt 3 chiếc khác kế bên. Địch hốt hoảng, bắn loạn xạ, bất ngờ một một loạt AK47 bắn trúng ngực Loan, khiến người Anh bị tung ngược về sau. Thành nhảy lên kéo Anh về đường thông thủy và Anh chỉ nghe được tiếng thì thào trăn trối lần chót của người Đại Đội Trưởng dũng cảm đã từng theo Anh lập nhiều chiến công cho TĐ11ND.
- Vĩnh biệt …
Thở ra vài hơi, Loan nói trong nghẹn ngào:
- Nhắn với Vợ Con em là em nhớ thương họ vô cùng !
- Vĩnh… biệt !
Thành tức giận điều động toàn bộ binh sĩ Tiểu Đoàn còn lại, quyết tâm tận diệt để rửa hận. Nhưng trong lúc hăng hái xung phong, một mảnh lựu đạn đã sớt qua mặt và tay làm máu chảy ra ướt mờ cả mắt. Thành bảo Sỉ Quan ban 3 điều động các binh sĩ thuộc cấp rút đi, để Anh cùng các chiến sĩ bị thương ở lại đoạn hậu kẻo liên lụy chung cả đám. Nhưng các đàn em làm sao bỏ được Ông Thầy.
- Ông Thầy không thể ở lại , tụi em dìu Ông Thầy đi !
Thiếu Tá Thành báo với Đại tá Lữ Đoàn Trưởng rằng ông đã bị thương, nhờ ông dìu dắt đoàn quân, anh không còn khả năng chỉ huy. Các chiến sĩ Dù là những người từng trải trong chiến trận, lợi dụng đêm tối, từng tổ một phân tán rút về hướng Phan Thiết.
Đại tá Nguyễn Thu Lương cho toán khinh binh Nhảy Dù mở đường. Đoàn quân đi được hơn 500 thước thì thấy xác địch ngổn ngang dọc 2 bên đường. Cộng quân không canh gác gì cả, có lẽ quá mệt mỏi do nhiều ngày di chuyển từ xa và phải chiến đấu triền miên.
Bất ngờ trên 2 chiến xa có đại bác phòng không 37 ly; lúc đó có một tên đang ngồi hút thuốc lá ...Thấy tiếng động, hắn bấm đèn Pin và hỏi:
- Ai đó ?
Toàn thể chiến sĩ Dù khai hỏa và hô xung phong tràn qua, dẫm cả bọn bộ đội đang nằm ngủ; rồi chạy băng qua đường tiến vào vùng rậm rập hướng về sông Dinh.
Trong khi rút chạy mọi người nghe rõ tiếng địch la ó lung tung, những khẩu phòng không bắn ria bậy loạn xạ, làm lá cây, lá dừa rụng rơi tơi tả. Các chiến sĩ Dù co mình chạy băng qua đường nhựa, tới khu lò đường gần bờ sông Dinh. Tạm thời dừng lại để cho khinh binh đi thám sát con sông trước mặt ,có một số tổn thiệt vì bị CS bắn vói theo .
Đại tá Lương dẫn đoàn người , đủ mọi thành phần qua sông được hơn 200 người, kiểm lại thì không thấy Tướng Nghi, Tướng Sang, và ông Lewis. ĐT Lương và toán binh sĩ Nhảy Dù phải trở lại chỗ cũ, đến gốc cây xoài lớn cách đường thông thủy khoảng 50 thước, thấy hai vị Tướng và người Mỹ cùng sĩ quan tham mưu còn đang kẹt lại tại đó. Sau đó mọi người trực chỉ hướng bờ sông Dinh.
Các chiến sĩ Dù đi một cách dè dặt vì địch còn nằm ngủ trên đường, bây giờ khi dẫn toàn bộ đám đông qua thì đại đội lính Dù dàn quân bắn áp đảo để địch không kịp ngẩn đầu bắn vào đoàn người di tản. Sau khi tới bờ sông, nhờ nước ròng ,sâu nhất chỉ tới bụng nên có thể lội qua bên kia bờ được.
Đoàn người di tản gấp rút qua sông vì sợ địch phản kích, mặc dù Cộng quân lúc đó đang mê ngủ, lại bị tấn công ào ạt dữ dội bởi các chiến sĩ Dù nên phải chém vè chạy bán mạng và cũng không dám bắn ngang vì sợ bắn nhầm với nhau .
Sau khi quân Dù mở đường máu vượt qua đường thì địch giàn các chiến xa theo đường và đồng thời mở đèn pha chiếu vào khe núi sáng như ban ngày!
Hai vị Tướng và người Mỹ không chạy theo kịp toán quân Dù VNCH ...Cuối đời chiến Binh !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn