SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : LIÊN BANG ĐÔNG DƯƠNG THUỘC PHÁP 1893 VÀ THIỆT HẠI VÙNG ĐẤT TRẤN NINH & SẦM NỨA CỦA LÃNH THỔ VIỆT NAM .

30 Tháng Ba 20219:25 CH(Xem: 5170)
Xứ Bồn Man (盆蠻) :
Bồn Man hay Muang Phuan là một quốc gia cổ từng tồn tại ở khu vực tỉnh Xiêng Khoảng, một phần các tỉnh Hủa Phăn đến Khăm Muộn, ở phía Đông nước Lào, và một phần phía tây các tỉnh miền Bắc Trung Phần Việt Nam (khoảng Nghệ An đến Quảng Bình). Vùng đất này từng bị chi phối, tranh giành bởi nhiều quốc gia lân cận như Đại Việt, Lan Xang, Ayutthaya và sau cùng là Pháp, và ngày nay thuộc lãnh thổ Lào. Vùng này từng nằm dưới sự bán cai trị của Đại Việt từ thời vua Lê Nhân Tông với tên gọi là Trấn Ninh (鎮寧), thuộc xứ Nghệ An .
Lịch sử​ Thành lập​
Dân tộc Tai Phuan hoặc người Phuan là một nhóm dân tộc Thái-Lào theo Phật giáo, di cư từ miền Tây Nam Trung quốc đến (Ai Lao) Lào. Khoảng cuối thế kỷ 13 đã hình thành bộ lạc độc lập sống tập trung ở Cánh đồng Chum (trên cao nguyên Xiêng Khoảng).
Tiểu quốc Bồn Man của Người Tai Phuan được thành lập vào khoảng năm 1369 sau khi nhà Nguyên mất quyền kiểm soát ở Vân Nam vào tay nhà Minh bên Trung quốc. Các bộ tộc người Thái ở phía nam Vân Nam giành được cơ hội độc lập trong lãnh thổ họ cư trú.
Ranh giới Bồn Man với phía Bắc, phía Tây và phía Nam là vương quốc Lan Xang (Lào ) , phía Đông là Đại Việt. Ban đầu, khoảng nửa cuối thế kỷ 14, Bồn Man được hợp nhất vào Lan Xang dưới thời vua Fa Ngum .
Vương quốc Bồn Man được các tù trưởng thuộc dòng họ Cầm cai trị, với thủ đô là Xieng Khouang , dân số ước chừng 9 vạn hộ . Tuy nhiên, tiểu quốc Bồn Man đã có một quyền tự chủ cao trước Lan Xang, mặc dù họ đã phải cống nạp thuế cho Lan Xang.
Theo Khâm định Việt sử Thông giám cương mục
ː "Tháng 7, mùa thu. 1448. Tồn Bồn Man cầu xin phụ thuộc về ta. Triều đình đem đất của Tồn Bồn Man đặt làm châu Quy Hợp. Lời chua - Tồn Bồn Man: Đất này ở về phía tây tỉnh Nghệ An, đông nam giáp miền thượng du Nghệ An và phần rừng rú thuộc Quảng Bình, tây bắc giáp châu Ninh Biên thuộc Hưng Hóa và miền thượng du thuộc Thanh Hóa, phía dưới tiếp giáp với Quỳ Châu và Tương Dương thuộc Nghệ An. Tồn Bồn Man còn tên nữa là Bồn Man, Cầm Lư thị nối đới làm thổ tù.
Trong thời gian kháng chiến chống quân Minh , Lê Lợi và quân Lam Sơn còn phải đối phó với một bộ phận các tù trưởng miền núi tại địa phương theo nhà Minh và quân nước Ai Lao (Lào) bị xúi giục hùa theo. Dù gặp nhiều khó khăn, quân Lam Sơn mấy lần đánh bại quân Ai Lao có lực lượng đông hơn. Tuy nhiên do lực lượng chưa đủ mạnh nên Lê Lợi thường cùng quân Lam Sơn phải ẩn náu trong rừng núi, nhiều lần phải ăn rau củ và măng tre lâu ngày; có lần ông phải giết cả voi và ngựa chiến của mình để cho tướng sĩ ăn...
Ngày 20 tháng 11 năm 1421, tướng nhà Minh là Trần Trí thu quân các vệ Giao Châu hơn 10 vạn quân tiến tới chiến tuyến Lỗi Giang.
Lê Lợi chia quân tập kích doanh trại quân Minh vào ban đêm, phá 4 trại, chém hơn 1000 người. Trần Trí ngoan cố , đem quân phá núi, mở đường tiến đánh nghĩa quân, Lê Lợi sai quân phục ở đèo Ống, đánh tan quân Trần Trí, khiến Trí tháo chạy.
Vừa lúc ấy quân Ai Lao đem 3 vạn quân, 100 thớt voi đột xuất đến doanh trại nghĩa quân Lam Sơn, phao tin là hợp sức với nghĩa quân đánh quân Minh. Lê Lợi chấp thuận, quân Ai Lao nửa đêm đánh úp nghĩa quân. Lê Lợi đích thân đốc chiến, đánh tan quân Ai Lao, chém 1 vạn người, bắt 14 con voi, truy kích 4 ngày đêm đến tận sào huyệt quân Ai Lao rồi dẫn quân trở về đóng ở Sách Thủy.
Một thời gian sau, tù trưởng Ai Lao là Mãn Sát xin giảng hòa, Lê Lợi cho đó là kế gian, các tướng cố xin hòa, Bình chương Lê Thạch tiến đánh nhưng trúng phải chông ngầm mà chết.
Khi Lê Thái Tổ đã khai quốc, Bồn Man mới bắt đầu đến triều cống.
Xung đột với Đại Việt​ dưới thời vua Lê Thái Tông :
Tháng 8 âm lịch năm 1437, quân Ai Lao kéo sang quấy nhiễu châu Mã Giang và châu Mộc. Quân Đại Việt chống đánh, chém được tù trưởng Man Nữu cùng 20 người, bắt hơn 20 người khác dâng vua. Ai Lao phải cử sứ sang xin chuộc lại tù binh. Lê Thái Tông cho phép tù binh về nước.
Năm 1439, Thái Tông tăng cường quân đội và tổ chức duyệt quân binh lớn cả nước. Cùng năm họ Cầm ở châu Phục Lễ nổi dậy, tướng Ai Lao là Nữu Hoa đem 3 vạn người sang giúp họ Cầm chống lại Đại Việt, nhà vua tự mang quân đi đánh.
Tháng 3 âm lịch năm 1441, Hoàng đế đi đánh Nghiễm lần hai. Quan quân bắt được viên tướng Ai Lao là Đạo Mông cùng vợ con ở động La, rồi bắt luôn hai con của Nghiễm là Sinh Tượng và Chàng Đồng. Nghiễm thất thế, phải chịu quy phục triều đình. Hoàng đế về kinh sư làm lễ cáo thắng trận ở Thái Miếu.
Dưới triều Lê Nhân Tông, năm Thái Hòa thứ 5 (1447), Bồn Man đến tiến cống voi và xin phụ thuộc về ta. Nhà vua xuống chiếu cho đổi Bồn Man làm châu Quy Hợp lệ thuộc vào phủ Lâm An. Theo Nhất thống chí của Lê Định thì châu Quy Hợp có 12 sách và động, đều là dân người Mán cả. Có quan quân đóng ở đó để phòng thủ. Từ đồn Quy Hợp này đi lên phía tây thì đến phủ Trấn Ninh, đường dài 1.929 tầm. Đó là con đường mà nước Vạn Tượng sang ta triều cống tất phải đi qua."
Nguyên do một phần đất Bồn Man đã xin nội thuộc Đại Việt dưới triều Hoàng đế Lê Nhân Tông, được vua Nhân Tông nhập vào nước Đại Việt, thành châu Quy Hợp xứ Nghệ An và cử quan quân sang, nhưng vẫn cho họ Lư Cầm đời đời làm Phụ đạo.
Năm 1478, Cầm Công (hay Lư Cầm Công thủ lĩnh của Bồn Man) liên kết với Lan Xang đem binh quấy nhiễu châu Quy Hợp . Vua Lê Thánh Tông sai các tướng Lê Thọ Vực, Trịnh Công Lệ... đánh quân Bồn Man và Lão Qua. Quân Đại Việt đi chia làm 5 đạo từ Nghệ An, Thanh Hóa, Hưng Hóa và đã đánh bại đồng thời đánh đuổi tới lưu vực sông Mê Kông giáp với Miến Điện ngày nay.
Theo Việt Nam sử lược thì: Sau khi Cầm Công bị giết, vua Lê Thánh Tông đã sáp nhập lãnh thổ Bồn Man vào Đại Việt, đặt tên là Phủ Trấn Ninh và giao cho một người họ hàng của Cầm Công là (Lư) Cầm Đông làm Tuyên úy Đại sứ và đặt các quan cai trị (Quy Hợp) như trước. Vùng đất này đặt thành phủ Trấn Ninh, gồm 7 huyện là:
1.Cảnh Thuần , 2.Châu Lang , 3.Kim Sơn , 4.Minh Quảng , 5.Quang Vinh , 6.Thanh Vị, 7.Trung Thuận,
Sáp nhập vào Việt Nam​
Phần lãnh thổ Bồn Man thuộc về Việt Nam từ năm 1479 thời vua Lê Thánh Tông (ít phụ thuộc Lão Qua (Lan Xang) hơn), nhưng dưới hình thức tự trị (địa phương tự xử lý việc nội bộ), cho thổ quan là người họ Cầm cai quản, mà không cử lưu quan sang cai trị. Về mặt hành chính, lãnh thổ Bồn Man được Đại Việt xem là thuộc xứ Nghệ An của Đại Việt.
Năm 1707, khi nhà nước Lan Xang phân rã thành 3 tiểu quốc nhỏ: Vương quốc Vientiane, Vương quốc Luang Phrabang và Vương quốc Champasak . Muang Phuan trở thành một tiểu quốc chư hầu của Vương quốc Luang Phrabang.
Năm 1720, Muang Phuan phụ giúp vương quốc Luang Prabang trong cuộc chiến chống lại vương quốc của người Miến và người Xiêm. Dưới sự lãnh đạo của Chao Kham Sattha, Muang Phuan một lần nữa tham gia cuộc chiến với vùng Thakhek, 1 chư hầu của Vương quốc Vientiane. Vào khoảng thời gian cuối những năm Vĩnh Hựu (1735-1739) thời Lê Ý Tông, Trấn Ninh (với cả Sầm Châu và Trình Quang) bị một hoàng thân nhà Lê là Lê Duy Mật chiếm cứ (bắt giam tù trưởng Trấn Ninh là (Lư) Cầm Hương), chống lại nhà Lê-Trịnh. Năm 1770, Trịnh Sâm điều quân sang đánh dẹp Lê Duy Mật, lập lại Trấn Ninh và giao cho cháu Cầm Hương là Lư Cầm Uẩn làm tù trưởng. Đến cuối thế kỷ 18 (thập niên 1770), vương quốc Xiêm La đã hình thành và lớn mạnh, thì Muang Phuan (Trấn Ninh), trở thành một chư hầu của Xiêm La, nhưng vẫn triều cống Đại Việt.
Thời nhà Tây Sơn Việt Nam, các tù trưởng Trấn Ninh, theo Xiêm và Vạn Tượng (Viêng Chăn) chống lại nhà Tây Sơn. Năm 1791, Trần Quang Diệu mang 3 vạn quân sang Trấn Ninh bắt được các tù trưởng Thiệu Kiểu, Thiệu Đế của Trấn Ninh.
Sau khi Triều đại Nguyễn Tây Sơn sụp đổ , xứ Bồn Man rơi vào ảnh hưởng của Lan Xang ( Lào ) một thời gian ngắn . Vì ưu tiên củng cố vị thế chính trị nội bộ của Triều Nguyễn Gia Long , vua Gia Long không can thiệp vào chuyện xứ Bồn Man (Trấn Ninh) cho tới khi vua Minh Mạng lên ngôi .
Có hai lý do chính
Lý do thứ nhất vua Gia Long không can thiệp vào xứ Bồn Man : là do Gia Long Nguyễn Ánh muốn dùng thế lực của Lan Xang để ngăn cản lực lượng hùng mạnh Xiêm La ( Thái Lan ) và sử dụng đất Bồn Man như một trái độn phía tây Việt Nam .
Lý đó thứ hai : là Gia Long không muốn các nhân sĩ đất Bắc Hà còn trung nghĩa với nhà Hậu Lê , sẽ sử dụng đất Bồn Man - Trấn Ninh để làm căn cứ chống lại triều đình Nguyễn Gia Long . Dưới sự kiểm soát của Lan Xang , thì không có ai dưới tôn chỉ Phù Lê có thể đứng chân được ở đó .
Minh Mạng tái chiếm Trấn Ninh :​
Khi Chiêu Xanh, tù trưởng Trấn Ninh khi ấy chết, A Nỗ không lập con Chiêu Xanh là Chiêu Nội (Chao Noi) lên, nên Chiêu Nội thù A Nỗ, đồng thời Chiêu Nội chạy sang phủ Trà Lân xứ Nghệ và xin nội thuộc lại Đại Nam (nhà Nguyễn).
Đại Nam Thực Lục ghi lại sự kiện nước Vientiane diệt vong và Minh Mạng ra lệnh lấy lại phủ Trấn Ninh như sau:
Trấn Ninh vốn là bờ cõi cũ của ta, xưa đức Tiên đế đem cho Vạn Tượng, không tính đến tiết nhỏ. Nay A Nỗ xiêu dạt, tù trưởng đất ấy không chỗ nương tựa, lại đem đất ấy dâng ta, thế là ta không mất một mũi tên mà được người xa thần phục, kinh lược như thế là có tiếng giỏi. Vả lại đất ấy hiểm yếu, đời Lê trước Lê Duy Mật chiếm giữ hơn 30 năm, nhà Lê không làm gì được, hình thế vững chắc như thế đấy. Nay lại về ta, thực đủ san phẳng sào huyệt của kẻ gian mà thêm phên giậu mạnh cho nước nhà”
Đến khi A Nỗ chống lại nước Xiêm, bị vua Xiêm là Rama III sai Chao Phraya Bodin Decha đánh cho thua chạy sang Nghệ An, qua Trấn Ninh bị Chiêu Nội bắt nộp cho Xiêm năm 1828. Chiêu Nội bị Minh Mạng khép tội chết vì hành động này.
Sau khi giết Chiêu Nội, nhà Nguyễn cử quan Việt sang cai trị Trấn Ninh. Năm 1823, nhà Nguyễn đặt thêm huyện Liêm. Phủ Trấn Ninh từ đấy bao gồm 7 huyện:
1.Liên, 2.Khâm, 3.Quảng, 4.Khang, 5.Cát, 6.Xôi, 7.Mộc, 8.Liêm (vốn là mán Mường Hiểm).
Tù trưởng là Chiêu Nội xin đem đất Trấn Ninh về nội thuộc Việt Nam năm 1827
 Nước Nam về đời vua Thánh Tổ ( Minh Mạng ) thì to rộng hơn cả, là vì quân Tiêm La cứ hay sang quấy nhiễu cho nên các xứ ở Lào đều xin về nội thuộc nước ta.
Năm Đinh hợi (1827), người Nam chưởng (Luan Prabang) thông với Tiêm La, rồi cứ đem quân xuống quấy nhiễu đất Trấn Ninh. Tù trưởng là Chiêu Nội xin đem đất Trấn Ninh về nội thuộc Việt Nam. Vua Thánh Tổ phong cho Chiêu Nội làm Trấn Ninh phòng ngự sứ cai quản cả 7 huyện, lại phong cho những thổ mục làm thổ tri huyện và thổ huyện thừa. Chiêu Nội dâng sổ dân đinh và điền thổ, cả thảy được 3.000 suất đinh và 28 sở ruộng.
Lại có đất Tam động và Lạc Phàn ( trước thuộcvề Vạn Tượng) cũng xin nội thuộc. Triều đình chia những đất ấy ra làm hai phủ là Trấn Tĩnh phủ và Lạc biên phủ. Năm ấy lại có xứ Xa hổ, Sầm Tộ (Sam teu), Mường soạn, Mang Lan (Mường Lam), Trình Cố (Xiêng khô), Sầm nứa (Sam neua), Mương Duy và ở Ngọc Ma có Cám cát (Kham keut), Cam Môn và Cam Linh đều xin về nội thuộc. Vua Thánh Tổ chia những đất ấy ra làm ba phủ là Trấn Biên, Trấn Định và Trấn Man.
Phủ Trấn biên có bốn huyện là Xa hổ, Sầm tộ, Mang soạn, Mang lan; phủ Trấn định có 3 huyện là Cam cát, Cam môn, và Cam linh. Hai phủ ấy đều thuộc về Nghệ An. Còn phủ Trấn Nam có 3 huyện là Trình Cố, Sầm nứa, Man Duy thì thuộc về Thanh Hóa.
Ở gần địa hạt Hà tĩnh bây giờ.
Ở miền Cam Lộ thuộc Quảng Trị lại có những mường Mang vang, Ná bi, Thượng kế, Tả bang, Xương thịnh, Tầm bồn, Ba lan, Mang bổng, Lang thời, xin về nội thuộc, chia ra làm 9 châu, cho chiếu lệ triều cống.
Ước chừng 16.500 Km vuông đất Sầm nứa, đất Trấn Ninh, đất Cam môn và đất Savannakhet bây giờ, thủa ấy thuộc về Việt Nam .
Tháng 3/1832, nổ ra cuộc khởi nghĩa của hơn 200 binh lính Trấn Ninh, do Trần Tứ và Đỗ Bắc lãnh đạo, nổi dậy chống nhà Nguyễn và liên kết với cuộc khởi nghĩa của Lê Duy Lương. Những năm 1833-1834, trong chiến tranh Việt-Xiêm, người Thái Lan tấn công Đại Nam (một trong các hướng là qua ngả Trấn Ninh), đất Trấn Ninh bị người Thái lấn dần.
Các điều khoản trong hiệp ước Pháp-Xiêm 1893 đã đặt Xieng Khouang dưới sự cai trị như một phần thuộc địa của Đông Dương thuộc Pháp cho đến sau Thế chiến II.
Khi người Pháp thành lập Liên bang Đông Dương, năm 1893, đã dựa theo địa hình và cắt tỉnh Houaphan (Hủa Phăn), Xiêng Khoảng giao về lãnh thổ Lào (Ai Lao).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn