NHỮNG NGÀY XƯA GHI DẤU SỬ XANH : TRẬN CHIẾN CỐ THỦ PHI TRƯỜNG PHỤNG DỰC - BAN MÊ THUỘT (10/3/1975 - 17/3/1975) - TRUNG ĐOÀN 53/SƯ ĐOÀN 23 BB NHỮNG ANH HÙNG LỠ BƯỚC .

11 Tháng Ba 20215:53 CH(Xem: 3241)
Cùng lúc tấn công vào thị xã Ban Mê Thuột 1 giờ 20 sáng ngày 10 tháng 3/1975, cộng quân đã không bỏ sót Trung đoàn 53. Chiến xa và bộ đội của cộng quân, với đại bác 130ly, và hỏa tiễn 122ly yểm trợ đã không ngừng luân phiên tấn công Trung đoàn 53. Và sau khi đơn vị quân lực Việt Nam Cộng Hòa cuối cùng rời bỏ Ban Mê Thuột , cộng quân càng tập trung lực lượng tấn công Trung đoàn 53 ác liệt hơn. Trận đánh thư hùng giữa Trung đoàn 53 Bộ binh và một lực lượng quân chính qui CS đã được tăng cường thêm đông hơn gấp 10 lần xảy ra lúc 5 giờ sáng. Đó cũng là lần xuất trận đầu tiên của Sư đoàn 316, Sư đoàn tổng trừ bị của CS tại mặt trận phi trường Phụng Dực trên chiến trường Cao nguyên.
Trung đoàn trưởng Trung đoàn 53 Bộ Binh là Trung tá Võ Ân. Biết rõ ý đồ của cộng quân, nhưng ông cũng hiểu rằng Phi Trường Phụng Dực là điểm tiếp liệu, tiếp vận duy nhất cho lực lượng tổng trừ bị là Sư đoàn Nhảy Dù sẽ đến giải cứu Ban Mê Thuột sau này, đồng thời đơn vị của ông là lực lượng đầu cầu và liên lạc duy nhất cho các đơn vị bạn về sau. Do vậy, ông đã ra lệnh cố thủ và chỉ thị cho các binh sĩ tiết kiệm đạn dược và mọi phương tiện quân y, dược cụ, cố gắng chiếm dụng vũ khí của địch để chống lại kẻ địch, và phải nhất định bắn trúng mục tiêu.
Trong suốt thời gian 6 ngày đêm, Trung đoàn 53 Bộ Binh không những đã đánh tan nhiều đợt tấn công biển người của cộng quân, mà còn tịch thu nhiều loại vũ khí cá nhân cũng như súng cộng đồng để tiêu diệt T-54 và hàng trăm xác quân thù bỏ lại chiến trường. Sự tổn thất nặng nề nhất của cộng quân trong mặt trận Ban Mê Thuột , hơn 200 nhân mạng, không biết được con số bị thương, và hàng chục T-54 bị phá hủy bằng chính B-40, B-41 của cộng quân do Trung đoàn 53 tịch thu tại mặt trận Phi trường Phụng Dực.
​ Góp phần đáng kể vào việc kéo dài trận chiến là một đại đội chừng 70 binh sĩ tinh nhuệ, gan lì, được huấn luyện đặc biệt và quyết tâm chiến đấu đến cùng. Tham gia trận chiến Ban Mê Thuột ngay từ ngày đầu, và là đơn vị sau chót rút khỏi là Đại Đội Thám Báo mà Thiếu úy Nguyễn Công Phúc là một Trung đội trưởng.
Đại đội đã chiến đấu trong hoàn cảnh cô đơn, cam go, căng thẳng và thiếu thốn súng đạn, lương thực. Họ đã gây tổn thương nặng cho một Tiểu đoàn địch, giúp Trung đoàn 53 của bạn chống trả lại những đợt tấn công mãnh liệt của đối phương, đồng thời chấm tọa độ hướng dẫn pháo binh bạn bắn vào những vị trí địch. Một trong những yếu tố để đại đội đạt được thành tích trên và tồn tại mà chiến đấu bền bỉ nhất ở Ban Mê Thuột là cộng quân không biết vị trí đóng quân kín đáo và bất ngờ của đại đội. Cộng quân khi tấn công Trung đoàn 53 đã bị thúc mạnh vào cạnh sườn vì không biết có đại đội thám báo nằm quanh những ụ đất dùng để che chở cho máy bay ở phi trường và gần rừng cao su phía ngoài căn cứ của Trung đoàn. Đại đội mới nhận vị trí đóng quân ở đấy vào buổi chiều. Chỗ đóng quân lại không phải là doanh trại. Quanh phi trường lại có những bãi trống, địch tiến quân dễ bị phát hiện.
Trong những giờ đầu của cuộc tấn công, Phúc theo dõi tình hình mặt trận qua máy truyền tin. Được trang bị hệ thống truyền tin tối tân hơn những đơn vị bộ binh thông thường khác, đại đội thám báo có thể liên lạc với những đợn vị bạn theo hàng dọc, mà cả với mấy đơn vị theo hàng ngang như quân đoàn, Sư đoàn và không đoàn ở Nha Trang. Nhờ vậy Phúc biết thêm một số diễn tiến ở trận chiến.
Từ sáng sớm ngày 10 tháng 3/1975 cho đến hết ngày 15 tháng 3/1975, Trung đoàn 53 Bộ Binh chỉ với một Tiểu đoàn Bộ Binh, và Pháo đội 105ly đã anh dũng chiến đấu với một lực lượng cộng quân nhiều gấp bội, có chiến xa và đại bác đủ loại, mà không cần biết đến Ban Mê Thuột đã thất thủ và đài BBC trong bản tin phát đi vào đêm 14 tháng 3/1975, đã loan tin Sư đoàn 23 Bộ Binh bị xóa tên trong quân sử Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Ngày 15 tháng 3/1975, một phi vụ yểm trợ tiếp liệu cuối cùng cho Trung đoàn 53 đã không rơi đúng điểm ấn định mà lại rơi xuống khu vực Vườn ương ở Hồ thực nghiệm. Ngày 16 tháng 3/1975, Trung đoàn 53 Bộ Binh hoàn toàn mất liên lạc với Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn 2. Hết đạn dược và thuốc men, Trung tá Trung đoàn trưởng Võ Ân đành phải ra lệnh rút khỏi phi trường Phụng Dực. Điểm liên lạc, tiếp vận duy nhất cho Ban Mê Thuột đã lọt vào tay cộng quân. Nhưng Trung tá Ân, đúng là người hùng của quân lực, và Trung đoàn 53 Bộ Binh anh dũng là những người con yêu của Tổ Quốc, đã làm khiếp đảm quân thù, và đem vinh quang về cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa kiêu hùng .
Với lịch sử của Sư đoàn 23 Bộ Binh, và thực tế của mặt trận Ban Mê Thuột , nếu thị xã Ban Mê Thuột được Trung đoàn 44 hoặc 45 Bộ Binh phòng thủ, thì cho dầu cộng sản có quân số nhiều hơn vài ngàn người trong cuộc tấn công này, Ban Mê Thuột và 60 ngàn dân đã không rơi vào biển đêm của lịch sử dân tộc. Và Sư đoàn 23 Bộ Binh vĩnh viễn sẽ là một đơn vị kiêu hùng của một quân lực kiêu hùng bất diệt.
Quân Đoàn II Tiếp cứu Ban Mê Thuột
Ban Mê Thuột lọt vào tay CS buổi sáng khi 2 trái bom 500 cân Anh của Không quân đánh sập một đầu hầm Trung tâm Hành quân của Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 Bộ binh, một số sĩ quan trong bộ tham mưu đã thoát lên được. Đại tá Quang ra lệnh rút quân vọt ra khỏi hàng rào và hướng về phía Tây tức là “Suối Bà Hoàng” – cách BTL Sư đoàn 250m. Cũng may mùa này là mùa khô nên suối cạn. Lòng suối lại thấp hơn mặt đất tới 15m nên rất dễ cho việc ẩn nấp. Anh em binh sĩ đi theo rất đông, khoảng 100 người. Xa xa tiếng phát thanh tuyên truyền của địch quân kêu gọi các binh sĩ ta đầu hàng. Cộng quân lúc này đầy khắp các ngả đường trong thành phố cùng với những đoàn xe tăng của chúng.
Sau cùng Đại tá Quang quyết định mọi người phải phân tán mỏng để tránh phát giác của địch quân. Đại tá Quang, vị Tư lệnh chiến trường Ban Mê Thuột sẽ đi về hướng Nam, đến gần cầu khoảng cách 14Km và tìm đường về Nha Trang. Còn Đại tá Nguyễn Trọng Luật cùng với Phó Tỉnh trưởng Hành chánh Nguyễn Ngọc Vỵ đi về hướng Tây, nhắm về khu vườn cà phê của Trung tướng Thái Quang Hoàng và chờ trời tối sẽ bọc lên phía Bắc Ban Mê Thuột và từ đó tìm về Nha Trang. Riêng các binh sĩ thì phân tán mỏng và tìm cách trở về Nha Trang. Hy vọng lúc đó sẽ tập họp lại để tiếp tục chiến đấu. Cũng thời gian này trên Quốc lộ 14, từ Đức Lập về Ban Mê Thuột , bộ Chỉ huy Hành quân nhẹ của Trung đoàn 53 Bộ binh cùng với một Tiểu đoàn, được lệnh rút từ vùng hành quân phía đông bắc quận Đức Lập về tiếp cứu Ban Mê Thuột , cũng bị cộng quân phục kích chận đánh. Trung tá Trung đoàn Phó Trung đoàn 53 và hầu hết các sĩ quan đều bị tử trận hoặc bị địch bắt. Cánh quân này coi như bị tan rã trước khi tới được trận địa Ban Mê Thuột .
Đến xế trưa ngày 11 tháng 3, bên cạnh Đại tá Quang chỉ còn có người Thiếu úy, Sĩ quan Tùy viên và một người lính. Không thể đi tới được phi trường Phụng Dực và cũng không còn phương tiện truyền tin để liên lạc, ba người đã lẩn tránh trong một vườn cà phê mấy tiếng đồng hồ, đợi đêm tối nhắm hướng nam đi về phía Quảng Đức.
Khoảng 2 giờ sáng ngày 12 tháng 3, Đại tá Quang và tùy tùng trốn khỏi Trung Tâm Hành Quân, đi được khoảng 6Km đường rừng, ngay khi vừa tới sát một làng Thượng, thì bị cộng quân nổ súng, xông ra vây bắt. Đại tá Quang vẫn còn mang cấp bậc trên cổ áo và xưng danh là Tư lệnh Phó Sư đoàn 23 Bộ binh, chúng đã trói lại, lột giầy và liệng xuống hố. Chừng một giờ sau, chúng được lệnh dẫn Đại tá Quang đi suốt đêm. Tới chiều hôm sau, ngày 13 tháng 3, được cởi trói, cho đi giầy vào và chở đi bằng xe Molotova sang Cam Bốt (KamPuChia)để khai thác.
Riêng cánh Đại tá Nguyễn Trọng Luật khi chạy đến vườn cà phê của Trung tướng Thái Quang Hoàng, tất cả cũng bị cộng quân dàn quân chận bắt hết. Riêng Đại tá Luật bị chúng bắt lên một xe thiết giáp chở đi mất.
Những cơ sở đầu não ở Ban Mê Thuột bị CS đánh chiếm trong hai ngày đầu. Mấy ngày sau Sài Gòn chưa nhìn nhận Ban Mê Thuột thất thủ vì chiến trận còn tiếp diễn ở Trung đoàn 53 khu vực gần phi trường nằm phía ngoài thị xã.
Ngày 12 tháng 3/1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II tổ chức cuộc đổ quân tăng viện để tái chiếm Ban Mê Thuột . Lực lượng chính của cuộc phản công là Trung đoàn 45 Bộ binh (BB) và 1 Tiểu đoàn của Trung đoàn 44 thuộc Sư đoàn 23BB đang phòng ngự tại PleiKu. Về phía Không quân VNCH tham gia cuộc đổ quân, ngoài các phi đoàn của Sư đoàn 6 Không quân, BTL đặt tại PleiKu, còn có các phi đoàn trực thăng của Sư đoàn 1 Không quân (Đà Nẵng) và Sư đoàn 4 Không quân (Cần Thơ), với hơn 100 trực thăng đủ loại kể cả các loại Chinook.
-Theo lịch trình đổ quân, hai Tiểu đoàn của Trung đoàn 45BB và đại đội Trinh sát Sư đoàn 23BB được trực thăng vận trước tiên. Tiếp đến, các Chinook móc theo các khẩu đại bác 105 thả xuống khu vực đổ quân của lực lượng đặc nhiệm tại quận lỵ Phước An.
-1 giờ 10 trưa ngày 12 tháng 3/1975, Thiếu tướng Phú từ bộ Tư lệnh Quân đoàn 2 bay đến Ban Mê Thuột trên một chiếc phi cơ nhỏ để trực tiếp điều quân. Tới Ban Mê Thuột vào khoảng 2 giờ chiều, Tướng Phú đã liên lạc với đơn vị trưởng của các đơn vị đang chiến đấu ở quanh Ban Mê Thuột như Trung đoàn 53BB ở phi trường Phụng Dực, Liên đoàn 21 Biệt Động Quân, các Tiểu đoàn Địa phương quân Darlac. Cùng đi theo cánh quân cứu viện còn có Đại tá Trịnh Tiếu, Trưởng phòng 2 Quân đoàn 2, được Tướng Phú chỉ định giữ chức vụ Tỉnh trưởng kiêm Tiểu khu trưởng Darlac thay thế Đại tá Nguyễn Trọng Luật được ghi nhận là mất tích. Cùng đi theo Đại tá Tiếu, còn có bộ chỉ huy lưu động của Tiểu khu Darlac vừa thành lập.
Tuy nhiên, sự phản công và kế hoạch giải vây của quân ta đã không hữu hiệu, các Trung đoàn 44 và 45 được đổ xuống Phước An dùng làm bàn đạp để tiến về thành phố Ban Mê Thuột. Nhưng Phước An vào lúc đó trở thành một trung tâm tản cư của những người dân chạy thoát ra từ Ban Mê Thuột. Ở đây nhiều binh sĩ gặp lại gia đình tự động lẩn vào đám đông bỏ ngũ. Một số các binh sĩ khác tự động rời hàng ngũ đi tìm thân nhân mất tích. Một đạo quân giải vây trong tình trạng như thế chắc chắn không thể hoạt động được. Bốn ngày sau, SĐF10 của CS tiến chiếm Phước An. Hy vọng giải vây BMT bị tan vỡ. Chiều ngày 12 tháng 3/1975, cùng lúc tấn chiếm tại chiến trường Ban Mê Thuột, thì tại PleiKu,cộng quân cũng đã pháo kích bằng hỏa tiễn vào phi trường quân sự Cù Hanh và bộ Tư lệnh Quân đoàn II.
Trưa ngày 14 tháng 3, 1975, trong khi Sư đoàn 23BB đang khai triển các cánh quân để tiến về giải cứu Ban Mê Thuột, thì tại Cam Ranh, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Thủ tướng Trần Thiện Khiêm, Đại tướng Cao Văn Viên, Trung tướng Đặng Văn Quang, phụ tá An ninh Quân sự của Tổng thống, đã họp mật với Thiếu tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Quân đoàn II-Quân khu II. Tại cuộc họp kéo dài gần 2 giờ, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra lệnh cho Thiếu tướng Phạm Văn Phú triệt thoái toàn bộ lực lượng của Quân đoàn II/Quân khu II khỏi Cao nguyên, di chuyển về các tỉnh duyên hải miền Trung thuộc lãnh thổ Quân khu II.
" Một buồn vô tận ...Một uất ức không nguôi "
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn