NHỮNG NGÀY XƯA GHI DẤU SỬ XANH : TRẬN CHIẾN PHƯỚC LONG ( 13/12/1974 ) ĐÔNG NAM PHẦN - QUÂN ĐOÀN III - QUÂN KHU III - VNCH - VẾT CẮT ỨA MÁU MIỀN NAM VIỆT NAM.

13 Tháng Mười Hai 202011:45 SA(Xem: 4601)
(4567)
Phước Long là một tỉnh nhỏ, dân chúng đa số là đồng bào sắc tộc Stieng và M'Nông , dân số vào năm 1974 khoảng chừng 40.000 dân , trong số đó 20.000 dân sống ngay tại tỉnh lỵ Phước Bình .
Cả tỉnh chỉ có 5 tiểu đoàn địa phương quân, một tiểu đoàn pháo binh, cảnh sát và dân vệ, tất cả ước chừng 2.000 người và đa số là người sắc tộc. Lực lượng tăng cường gồm hai tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 5, ba đại đội trinh sát thuộc các Sư đoàn 5, 18 và 25, hai biệt đội Biệt kích 81 Dù và đơn vị tình báo 101 thuộc Phòng 2 Bộ Tổng Tham mưu .
Lực lượng binh sỹ đầu tiên trấn thủ tiểu khu Phước Long chưa tới 4.000 người.
Phước Long phía bắc sát biên giới với Cao Miên thuộc Quân Đoàn 3 -VNCH . Phía tây giáp tỉnh Bình Long , phía đông bắc tiếp với tỉnh Quảng Đức - Gia Nghĩa - M'Nông, phía đông giáp với Lâm Đồng- Đà Lạt và phía nam tiếp với Long Khánh , tỉnh Phước Long cách thủ đô Sài Gòn khoảng 110 cây số về phía đông nam .
Sông Bé là một phụ lưu chính của sông Đồng Nai xuất xứ từ cao nguyên M'Nông chảy qua tỉnh Phước Long với nhánh sông có tên DakGlun .
Trong khi cộng quân đang cố gắng nghi binh bằng một trận đánh vào khu vực tỉnh Tây Ninh nằm phía tây của tỉnh Bình Long , thì bộ binh và các đơn vị đặc biệt của CS như bộ chỉ huy Thiết giáp mang bí số M-26 lại di chuyển vào vị trí rất thuận lợi để bao vây các vị trí phòng thủ của QLVNCH từ ba phía .
Để di chuyển và tiếp tế , quân phòng thủ VNCH tại Phước Long chỉ có quốc lộ 14 đi về phía nam , và một sân bay ở tỉnh lỵ Phước Bình vừa đủ lớn để cho máy bay vận tải lớn loại C-130 đáp xuống . Quân phòng thủ VNCH có đủ đạn để chiến đấu trong vòng một tuần , và sau đó mới phải xin tiếp tế .
Bắt đầu vào ngày 13 tháng 12 ,1974 - quân chính quy của CS có 14.500 bộ đội tham dự , cộng quân dùng lực lượng rất mạnh thuộc Sư đoàn 7 CS , một sư đoàn mới lập mang số 3 và các trung đoàn chiến xa T-54 và pháo 130 ly đồng loạt tấn công .
Hôm sau , CS chiếm được 2 quận lỵ là Bố Đức và Đức Phong .
Quận Đôn Luân- Đồng Xoài , do một tiểu đoàn Địa Phương Quân chừng 350 binh sĩ bảo vệ ,cương quyết kháng cự và được không quân yểm trợ nên vẫn giữ vững trận địa không để lọt vào tay CS nhưng quốc lộ 14 đã bị cộng quân chặn và cắt đứt .
Đơn vị chính qui QLVNCH của tỉnh Phước Long mở cuộc phản công về phía Chi khu Bố Đức được một tiểu đoàn-Sư Đoàn 5 tăng cường và máy bay ném hàng ngàn bom xăng, phía CS thiệt hại nặng phải rút quân. Nhưng khi di chuyển đã bị sơ hở ở phía sau căn cứ hỏa lực Bunard .
Trong tình hình khẩn cấp pháo binh VNCH sử dụng hai đại bác bắn trực xạ vào bộ đội cộng sản nên trận đánh phơi đầy xác người. Trung uý Thoại bị bắt và bị giết tại chỗ. Do đó quân CS chiếm mất căn cứ hỏa lực mang tên Bunard . 4 đại bác 105 ly đã bị cộng quân tịch thu .
Máy bay của không quân VNCH chở đại bác tới thay thế , và bắt đầu chở thường dân ra khỏi Phước Long , nhưng hỏa lực của quân CS đã tiêu huỷ một chiếc C-130 và làm hư hại một chiếc C-130 khác , và làm cho sân bay Phước Bình không dùng được nữa .
Đến ngày 22 tháng 12 ,1974 thì các đơn vị phòng thủ VNCH còn lại của tỉnh Phước Long bị cô lập .
Trong lúc này tướng Dư Quốc Đống mới nhận chức tư lệnh Quân Đoàn 3 - VNCH vừa được một tháng . Tướng Dư Quốc Đống phải cân nhắc tầm quan trọng của hai mặt trận là Tây Ninh và Phước Long .
Các đơn vị lớn của Quân Đoàn 3 đang bị cầm chân trong nhiệm vụ phòng thủ tại nhiều nơi , trong khi hai sư đoàn trừ bị chiến lược của QLVNCH là sư đoàn Dù và sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến vẫn còn nằm tại miền Trung - Quân Đoàn 1 . Tướng Đống chỉ có vài tiểu đoàn có thể điều động tăng viện. Trong sự cân nhắc này, tướng Đống đã quyết định để dành các tiểu đoàn trừ bị của Quân Đoàn 3 để bảo vệ Tây Ninh vì Tây Ninh là vùng đất then chốt cho sự bảo vệ Sài Gòn .
Sau cùng , tướng Đống chỉ gửi một tiểu đoàn tăng cường cho Phước Bình
.Trước đó , khi lập kế hoạch tấn công Phước Long , tướng CS là Trần Văn Trà đã dự trù lực lượng tăng phái của VNCH cho mặt trận Phước Long tối đa là một trung đoàn .
Nhưng ở đây , sự tăng viên chỉ có một tiểu đoàn . Tướng Dư Quốc Đống ý thức được tầm quan trọng của sự thất bại một tỉnh lỵ của miền nam Việt Nam . Sự thất thủ ấy trong tình thế Hoa Kỳ cắt giảm viện trợ sẽ hết sức tai hại cho tinh thần chiến đấu của QLVNCH . Tướng Đống đã tiếp xúc với tướng Đặng Văn Quang phụ tá Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu về an ninh quốc gia và đề nghị cần được sử dụng ít nhất một phần của Sư đoàn Dù lúc này đang nằm ở phía bắc Đà Nẵng trong lúc mặt trận Thường Đức phía tây nam Đà Nẵng đang diễn ra quyết liệt với quân CS đã chiếm đóng quận Thường Đức từ 29 tháng 7 năm 1974 . ( Xem Trận Thường Đức - Quảng Nam - Đà Nẵng 29/7 /1974 ) .
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa đã bị dàn mỏng khắp lãnh thổ miền nam Việt Nam , cho nên nếu lấy đi một đơn vị chiến đấu ở vùng khác tăng viện cứu ứng Phước Long thì vùng khác ấy sẽ lâm ngay vào thế yếu .
Lúc này , Tổng Thống Thiệu chọn lựa một cách gai góc . Đó là chỉ bảo vệ thủ đô Sài Gòn . Tổng Thống Thiệu không muốn điều động Sư Đoàn Dù từ miền Trung về Nam và cũng không muốn sử dụng Liên đoàn Biệt Kích Dù đang là lực lượng trừ bị ở gần Sài Gòn nhất lên cứu ứng Phước Long .
Trước phản ứng quá yếu ớt của quân lực VNCH , cộng quân gia tăng áp lực xung quanh Phước Long . Lần này , CS tăng cường xe tăng và pháo tầm xa .
Quân lỵ Đôn Luân- Đồng Xoài tiếp tục chống cự rất oanh liệt , cộng quân đã tập trung pháo 130 ly để bắn dọn đường vào sáng ngày 26-12-1974 . Quận lỵ Đôn Luân đã lãnh hơn một ngàn trái đạn đại bác 130 ly tàn phá tan tành ...
Ngày 22/12, 1 trung đoàn CS lại mở cuộc tấn công vào chi khu Bố Đức (Bù Na) hôm sau 23/12 thì chiếm được.
Ngày 26/12, 1 trung đoàn với pháo binh và phòng không tấn công chi khu Đôn Luân (Đồng Xoài). Trước hỏa lực quá mạnh Sư Đoàn 5 không thể đổ quân tiếp viện . Sau cuộc bắn pháo chuẩn bị ghê gớm ấy , cộng quân xung phong và đã tràn ngập ... Đồng Xoài thất thủ.
Để thấu hiểu tình cảnh quân phòng thủ VNCH trong tỉnh Phước Long, xin đọc một lá thư gởi về cho cha trong những ngày nguy hiểm cận kề , của một sĩ quan QLVNCH đã hy sinh tại mặt trận !
“Kính thưa Cha ,
“ Tình thế đang suy đồi trong khu vực của con , không phải vì dân chúng đã trở mặt do sự tuyên truyền của bên kia , mà là vì chúng con thiếu phương tiện để chiến đấu . Các nông dân thuộc lực lượng tự vệ không có đủ đạn để bắn , và thường phải mua lựu đạn của những đơn vị chính qui nào ít phải giao tranh . Quân chính qui không từ chối chiến đấu , nhưng mỗi khi đụng độ thì họ lại bị thiệt hại nặng , vì địch quân trội hơn hẳn về vật liệu và về chiến cụ .
" Để cha hiểu tình thế của chúng con , con phải viết vài lời giải thích về kỹ thuật . Cộng quân đang xài xe tăng T-54 và đại bác cỡ 130 ly . T-54 là một thứ chiến xa rất tốt , rất lưu động , vỏ thép dày, và được trang bị một đại bác 100 ly , hai đại liên 30 , và một đại liên 50 . Tầm hoạt động là 400 cây số , và có 34 viên đại bác ở hầm đạn của xe . Khi bị tấn công thì chúng con chỉ có thứ bazooka M-72 để tự vệ . Súng ấy chỉ có hiệu quả khi bắn trong vòng 100 thước . Vậy là phải đến thật gần xe , và phải bắn trúng . Nhưng xe tăng địch có mang theo bộ binh nên M-72 không chắc gì đã bắn được xe tăng , mà người bắn lại dễ chết ... Mặc dầu được chế tạo cách đây hai chục năm , nhưng đại bác 130 ly là một khí giới đáng sợ . Nặng tám tấn, có xe xích kéo, tầm xa 27 cây số , bắn 6 viên một phút . Chỉ cần ba khẩu 130 ly , ngụy trang trong rừng rồi bắn trong một giờ là đủ phá nát một quận lỵ dưới một ngàn trái đạn . Vì đạn ấy xuyên phá 27 ly thép dày cho nên đạn ấy phá được mọi thứ kiến trúc cho tới nay . Dân chúng thì chạy trốn , còn binh sĩ thì chỉ có chờ chết , vì chỉ được trang bị bằng đại bác 105 ly yếu hơn nhiều . Đạn của chúng con đếm từng viên : mỗi khẩu đại bác chỉ có 3 viên mỗi ngày , còn địch quân thì dư thừa đạn .
“Trên lý thuyết thì chúng con có ưu thế không quân để trừ pháo binh địch . Nhưng trong thực tế , sự việc ấy sai . Từ khi có cuộc khủng hoảng dầu xăng ( năm 1973 ) , số máy bay trực thăng chỉ được bay trong 3 giờ mỗi ngày . Hơn nữa , địch quân lại được trang bị hỏa tiễn SA-7 có đầu đạn tự nó đi tìm máy bay , bắn rất dễ và rất trúng ...
“Thưa cha , con biết rằng cha quen biết rất nhiều người Mỹ . Địa vị chủ tịch Tổng liên đoàn Lao công của cha sẽ làm cho tiếng nói của cha có sức mạnh . Phải giải thích cho họ hiểu tính cách nghiêm trọng của tình thế . Họ phải cho chúng ta những khí giới tối tân . Họ có những thứ đó , tại sao không cho chúng ta ? Họ phải cho chúng ta sự viện trợ kỹ thuật và quân sự họ đã hứa . Xin cha can thiệp với họ . Nếu không , chúng con sẽ bị đè bẹp và thua . Chúng con không hèn và không sợ chết . Miễn là cho chúng con cơ hội để có thể thắng , hoặc ít ra cũng để chống cự một cách hữu ích ...Đụng độ và pháo kích diễn ra liên tiếp . Dẫu sao , con cũng nhất quyết giữ đồn của con , và còn sống thì không khi nào con rút bỏ ..."
Như vậy sau hai tuần VNCH chỉ còn giữ lại núi Bà Rá 736M khoảng 15 Km theo đường chim bay, phía đông nam thị xã Phước Long, thị trấn Phước Bình và thị xã Phước Long.

Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH đã cố gắng gửi hai đại đội của đơn vị Liên Đoàn Biệt Kích Dù 81 gồm Biệt Đội 811 và Biệt Đội 814 đang hành quân ở khu vực Tây Ninh tập trung về Biên Hòa và không vận cứu viện Phước Long .
Sáng 4/1, Hai Biệt Đội Biệt Kích 811 và 814 với chừng 250 binh sĩ thiện chiến Biệt Kích Dù đã được trực thăng chở tới trận địa sáng sớm hôm sau , và cuộc giao tranh xảy ra ác liệt ngay từ phút đầu tiên tiếp đất tại phía đông và phía bắc tòa hành chánh tỉnh Phước Long . Cộng sản đầu não Lê Duẩn và Trần Văn Trà cũng gia tăng áp lực , tung thêm lực lượng vào trận địa ,với số lượng hùng hậu xe tăng T-54 và đại bác 130 ly .
Trong đợt tấn công này , xe tăng T-54 của cộng quân đã gây thêm kinh ngạc cho các binh sĩ VNCH .
Một binh sĩ của quân lực VNCH sống sót sau trận Phước Long đã kể lại : " Xe tăng T-54 của CS có một cái gì vừa mới vừa kỳ lạ . Lần này , súng M-72 của chúng tôi không bắn hạ được xe tăng của CS nữa . Rõ ràng là chúng tôi bắn trúng xe tăng CS , nhưng các xe ấy chỉ khựng lại giây lát , rồi lại tiếp tục bò tới ." Thì ra người Nga đã trang bị thêm cho các chiến xa T-54 một tấm thép dày dùng như tấm lá chắn để cản các thứ đạn xuyên phá vỏ thép .
Trong tình thế nguy cấp , quân lực VNCH phòng thủ can đảm chống cự cuộc tấn công áp đảo của CS để bảo vệ Phước Long . Sự anh dũng của binh sĩ VNCH đã hy sinh trên chiến trường , nhiều binh sĩ VNCH nhất định tới gần xe tăng CS , leo lên ở phía sau thảy lựu đạn vào trong pháo tháp chiến xa CS . Binh sĩ VNCH đã bắn hạ ít nhất 16 xe tăng T-54 CS , nhưng lúc này cộng quân vẫn tiếp tục cho thêm xe tăng vào trận địa .
Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, Tướng Dư Quốc Đống và các tướng lãnh VNCH đã không có được những tiên liệu và quyết định đúng lúc để tiếp viện Phước Long. Tổng thống Thiệu và Bộ Tổng Tham mưu lên kế hoạch gởi một sư đoàn tiếp viện Phước Long nhưng không kịp.
Ngày 31/12, một trung đoàn CS với thiết giáp và pháo binh tấn công vào chi khu Phước Bình.
Không quân VNCH bắn cháy 15 xe tăng, nhưng do thiếu viện binh nên phải rút về lập phòng tuyến tại phi trường Sông Bé.
Cùng ngày 31/12, một trung đoàn cộng sản với pháo binh yểm trợ tấn công núi Bà Rá .
Bảy giờ sáng ngày 1/1/1975, Cộng quân có xe tăng yểm trợ bắt đầu tấn công vào phía Nam tỉnh lỵ Phước Long, nhưng khi đến chân đồi gần tỉnh lỵ thì bị khựng lại trước sự chống trả quyết liệt của quân trú phòng.
Cùng vào thời gian này, Cộng quân đã bao vây khu vực núi Bà Rá bất chấp các đợt không pháo và xạ kích của Không quân VNCH bắn chận tối đa.
Sau khi chiếm được núi Bà Rá, Cộng quân cho thiết lập ngay đài quan sát pháo binh và sử dụng súng 130 ly bắn ngay vào trung tâm tỉnh lỵ.
8 khẩu 105 ly và 4 khẩu 155 ly đặt trong tiểu khu Phước Long bị trúng đạn Cộng quân. VNCH phải rút về phòng thủ Phước Long.
Ngày 1/1/1975, sau cuộc tấn công vào phi trường, lực lượng phòng thủ đã bắn cháy bốn xe tăng, giết và bắt sống được trên 50 bộ đội CS .
Bên tấn công kéo đại pháo 130 ly lên núi Ba Rá bắn trực xạ vào hệ thống phòng thủ tiểu khu phá hủy 8 khẩu đại bác 105 ly và 4 khẩu 155 ly, rồi liên tục trực xạ vào thị xã có ngày lên đến 3.000 trái pháo. Súng phòng không đặt trên núi Ba Rá kiểm soát hoàn toàn không phận Phước Long.
Ngày 3/1, CS tăng cường tấn công, tuyến phòng thủ VNCH thu hẹp chỉ còn khu hành chánh tỉnh và phi trường.
Trong suốt ngày 2 tháng Giêng/1975, lực lượng trú phòng chiến đấu quyết liệt và gây tổn thất nặng cho Cộng quân, 15 xe tăng của địch quân bị bắn cháy.
Đến 18 giờ cùng ngày thì trạm liên lạc đặt trên đỉnh núi Bà Rá bị Cộng quân chiếm do đó sự liên lạc viễn thông với thị xã bị mất hẳn.
Ngày 3 tháng 1/1975, Cộng quân tăng cường áp lực quanh vòng đai phòng thủ ở phía Nam.
Tuyến phòng ngự của quân đội VNCH tại Phước Long chỉ còn thu hẹp ở chợ, khu hành chánh tỉnh và phi trường dành cho L-19. Tất cả các đạn bác của quân trú phòng đều bị hư hại, không còn tác xạ được do hơn 2 ngàn trái pháo của Cộng quân đã rót vào khu tòa hành chánh và bộ chỉ huy tiểu khu.
Hơn 20 tấn đạn dược được tiếp tế thả dù ngay phía Bắc của bộ chỉ huy Tiểu khu nhưng vì Cộng quân pháo kích liên tục nên việc thu hồi số đạn tiếp tế này vô cùng khó khăn.
Ngày 5 tháng 1/1975, vào lúc 8 giờ sáng, Không quân VNCH thực hiện 60 phi vụ chiến thuật để yểm trợ cho cho kế hoạch hình thành một bãi đáp trực thăng tại phía đông tỉnh lỵ để lực lượng của Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù đổ bộ.
9 giờ sáng ngày 5 tháng 1/1975, một đại đội Biệt Cách Dù đầu tiên đổ bộ an toàn. Ngay sau khi đổ bộ xong, thì hai bên bắt đầu liên lạc với nhau được ngay. Đến 11 giờ phi cơ chuẩn bị cho cuộc đổ bộ thứ hai và bộ chỉ huy đơn vị Biệt Cách Dù dự trù sẽ được trực thăng vận xuống phía Bắc khu Hành chánh tỉnh.
Khi hoàn tất cuộc đổ bộ vào lúc 3 giờ chiều cùng ngày, hơn 250 quân sĩ Biệt Cách Dù bị lọt vào ổ phục kích của pháo binh Cộng quân, tuy nhiên chỉ có khoảng 2 tiểu đội bị tổn thất. Nhiều trực thăng bị trúng đạn nhưng phi hành đoàn đã cố gắng thoát ra khỏi vùng hỏa lực phòng không của CS.
Do địch pháo dữ dội nên Không quân không thể tải thương được như đã dự trù. Biệt kích 81 với các toán cảm tử quân ba người một đã chạy ra đường phố để đánh xe tăng. Biệt kích 81, chỉ ngày đầu đơn vị phải quần thảo với xe tăng và đặc công CS tới hai lần, M72 bắn gần hết, thuốc men của quân y chẳng còn là bao so với nhu cầu. Hầm quân y chật cứng thương binh, chỉ khâu dùng hết phải dùng dây điện thoại để may tạm cầm máu vết thương và dùng penicilline để tránh nhiễm trùng.
Nhiều đợt pháo kích trực xạ vào bộ chỉ huy tiểu khu làm trung tá tiểu khu phó bị tử thương, còn trung tá chi khu trưởng Phước Bình bị thương nặng. Trung tâm Hành quân đã gọi bốn chiếc F-5 ném bom trực tiếp vào xe tăng CS . Đơn vị tình báo 101 do Đại úy Thường chỉ huy tìm ra địa điểm đóng quân của Bộ Chỉ huy Quân đoàn 4 CS và báo cho máy bay F-5 tới thả bom trúng mục tiêu .
Đến cuối ngày 4/1, Bộ chỉ huy biệt cách dù báo cáo về Bộ Tư Lệnh Quân đoàn 3 tình hình trận chiến vô cùng nguy kịch không thể cứu vãn được và xin lệnh rút quân.
Biệt đội Biệt kích 811 lập hàng rào bảo vệ dinh tỉnh trưởng và tòa hành chánh.
Đêm 4/1, hơn 1.000 trái pháo rót vào khu vực này. Đến sáng ngày 5/1, Tỉnh Trưởng Phước Long - Đại tá Nguyễn Thống Thành trúng đạn pháo vào sáng ngày 5/1/1975, Đại tá Thành chạy xuống triền dốc sau tư dinh để nhảy xuống chiến hào thì bị đạn cối 57 ly nổ, chết tại chỗ.
Trong ngày, pháo kích và tấn công của đối phương tiếp tục khi phía VNCH chống trả đã gần hết đạn.
Tối ngày 5/1, Trung tá Vũ Xuân Thông, Bộ Chỉ huy BK 81 ra lệnh rút quân.
Sáng 6/1, pháo binh và xe tăng lại mở trận tấn công, giao tranh suốt ngày nên phải đến 23 giờ đêm 6/1, hai biệt đội BK 81 mới rời khỏi Phước Long.
Biệt Đội 814 do Đại úy Lê Đắc Lực chỉ huy chỉ mất hai người, còn Biệt đội 811 do Đại Úy Trương Việt Lâm thiệt hại nặng có thể tới 100 người, vừa tử trận vừa bị bắt.
CS pháo kích vào đoàn người rút khỏi Phước Long, nhiều người chết và bị thương. Hơn 850 quân nhân, cảnh sát rút về được về vùng VNCH kiểm soát, nhưng để lại chừng 3.000 người tử thương hay bị bắt đưa ra Bắc.
Phía tấn công cũng thiệt hại rất nặng, số thương vong cao, nhiều đại đội chỉ còn vài người, nhiều pháo, phòng không bị máy bay oanh kích và gần 20 xe tăng bị loại khỏi vòng chiến.
Đến nửa đêm thì vũ khí nặng , các dụng cụ truyền tin của quân phòng thủ VNCH đã bị pháo binh CS trên núi Bà Rá bắn xuống tiêu huỷ .
Chịu hỏa lực trực tiếp của xe tăng cộng quân , một số binh sĩ của đơn vị BK Dù 81 và Địa Phương Quân đã cố gắng mở một đường máu rút vào rừng rậm phía đông bắc thị xã Phước Long .
Khi trận đánh Phước Long kết thúc thì trong tổng số 5.400 binh sĩ VNCH tham chiến bảo vệ Phước Long , chỉ còn khoảng 850 người thuộc nhiều đơn vị khác nhau về được vùng kiểm soát của chính quyền quốc gia VNCH ... Một nỗi buồn ...xót xa không thể nào quên ./.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn