SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : HQVNCH - PHÓ ĐỀ ĐỐC HỒ VĂN KỲ THOẠI VÀ TRẬN HẢI CHIẾN HOÀNG SA 19-1-1974 .

18 Tháng Giêng 20239:03 CH(Xem: 1752)
Phó Đề đốc Hồ Văn Kỳ Thoại (1933 - 2022), nguyên là một tướng lĩnh Hải Quân của Quân lực Việt Nam Cộng Hòa, Hải hàm Phó Đề đốc, cấp bậc Chuẩn tướng. Ông xuất thân từ những khóa đầu tiên tại trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang. Thời gian tại ngũ ông đã phục vụ trong Quân chủng Hải quân từ một sĩ quan với chức vụ nhỏ nhất cho đến sau cùng là Tư lệnh của một Hải khu (Vùng Duyên hải).
Ông là con trai trưởng của Dân biểu Hồ Văn Kỳ Trân, Tổng biên tập của Nam Kỳ tuần báo và Đại Việt Tập chí, cháu nội đích tôn của nhà văn Hồ Biểu Chánh.
Tiểu sử & Binh nghiệp​
Ông sinh vào tháng 11 năm 1933 trong một gia đình khá giả tại Ô Môn, Cần Thơ, miền Tây Nam phần Việt Nam. Dòng họ của ông là một Gia tộc khoa bảng trí thức, có nhiều thành viên là quan chức trong chế độ Việt Nam Cộng hòa và thời kỳ trước đó. Thời niên thiếu ông được học ở các trường chuyên về giáo trình Pháp như trường Tiểu học Tư thục Larègnère ở Cần Thơ. Năm 1946, khi học lên trên, ông được gia đình cho đi học ở trường Trung học Chasseloup Laubat, Sài Gòn. Đến năm 1952 ông học năm cuối cùng hệ Phổ thông ở trường Trung học Lycée Yersin, Đà Lạt. một năm sau, ông tốt nghiệp với văn bằng Tú tài toàn phần (Part II).
Quân đội Quốc Gia Việt Nam​ :
Đầu năm 1954, Thi hành lệnh động viên, ông nhập ngũ vào Quân đội Quốc Gia, mang số quân: 53/700.008. Trúng tuyển theo học khóa 4 (Đệ nhất Bắc giải) tại trường Sĩ quan Hải quân Nha Trang, khai giảng tháng 2 năm 1954 với 15 khóa sinh (12 khóa sinh ngành chỉ huy và 3 khóa sinh ngành cơ khí). Tháng 12 năm 1954 mãn khóa tốt nghiệp với cấp bậc Hải quân Thiếu úy ngành chỉ huy. Ra trường ông được điều đi phục vụ trên Hộ tống hạm Glaive của Hải quân Pháp do Hải quân Đại úy Jacques Gauthier làm Hạm trưởng.
Quân đội Việt Nam Cộng Hòa​ :
Trung tuần tháng 9 năm 1955, ông tham gia chiến dịch Hoàng Diệu và được tuyên dương công trạng trước quân đội và được ân thưởng Anh dũng Bội tinh với nhành Dương liễu, chiến dịch này kết thúc ngày 21 tháng 10 cùng năm. Năm 1956, sau một thời gian Quân đội Quốc Gia đổi tên thành Quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông được cử giữ chức vụ Trưởng phòng Truyền tin đầu tiên của Bộ tư lệnh Hải quân. Cùng năm, ông được cử làm Sĩ quan Tuỳ viên cho Tổng thống Ngô Đình Diệm. Cuối năm, ông được thăng cấp Hải quân Trung úy. Tháng 9 năm 1957, được đi du học khóa General Line của US.Naval Postgraduate School, tại Monterey, và khóa Instructor tại San Diego, California, Hoa Kỳ. Tháng 9 năm 1958 mãn khóa về nước, ông được cử làm Chỉ huy trưởng Trung tâm Huấn luyện Bổ túc Hải quân thay thế Hải quân Trung úy Vũ Xuân An. Tháng 8 năm 1959, ông được chuyển lên Bộ tư lệnh Hải quân giữ chức vụ Trưởng phòng Nhân viên & Hành chính.
Giữa năm 1960, ông được thăng cấp Hải quân Đại úy và được cử giữ chức vụ Hạm trưởng Hộ tống hạm Tụy Động HQ-4, dưới sự chỉ huy của Thiếu tá Khương Hữu Bá, Tư lệnh Hạm đội. Đầu năm 1962, tái nhiệm chức vụ Trưởng phòng Nhân viên & Hành chính Bộ Tư lệnh Hải quân hoán chuyển với Hải quân Đại úy Nguyễn Xuân Sơn[6] về làm Hạm trưởng Hộ tống hạm Tụy Động HQ-4 và cùng thời điểm này ông được thăng cấp Hải quân Thiếu tá. Cùng năm ông được cử đi du học khóa cao cấp đặc biệt Quản trị Nhân viên tại Ngũ giác đài ở Washington DC trong vòng 3 tháng.
Cuối năm 1963, sau cuộc đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm (1 tháng 11). Ngày 7 tháng 11, ông được chỉ định làm Chỉ huy trưởng căn cứ Hải quân Nha Trang và Duyên khu 2. Đầu năm 1965, ông được bổ nhiệm làm Chỉ huy trưởng Vùng II Duyên hải tại Nha Trang thay thế Hải quân Trung tá Khương Hữu Bá. Tháng 2 cùng năm, ông chỉ huy cuộc Hành quân Vũng Rô, Phú Yên. Đầu năm 1966, ông được thăng cấp Hải quân Trung tá và được cử giữ chức vụ Chỉ huy trưởng Sở Phòng vệ Duyên hải.
Cuối năm 1969, ông nhận lệnh bàn giao chức vụ Chỉ huy trưởng Sở Phòng vệ lại cho Hải quân Đại tá Nguyễn Viết Tân. Đầu năm 1970, ông được thăng cấp Hải quân Đại tá, và được bổ nhiệm làm Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải (Hải khu I) kiêm Tư lệnh Liên đoàn Đặc nhiệm 213 tại Đà Nẵng. Ngày Quốc khánh 1 tháng 11 năm 1972, ông được thăng cấp Chuẩn tướng, Hải hàm Phó Đề đốc tại nhiệm.
Ngày 19 tháng 1 năm 1974, thừa lệnh Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, ông ra lệnh cho Lực lượng Hải quân thuộc quyền khai hỏa tấn công Hải quân Trung quốc để bảo vệ chủ quyền của Việt nam trên Quần đảo Hoàng Sa.

1975​
Ngày 31 tháng 3, ông kiêm thêm chức vụ Tư lệnh các Lực lượng Hải quân yểm trợ chiến trường Quy Nhơn.
Đêm 29 tháng 4, từ Vũng Tàu di tản ra khơi trên Cơ xưởng hạm Vĩnh Long HQ-802. Sau đó, ông sang định cư tại Tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ.
Ông qua đời tại Houston, Texas vào ngày 20 tháng 12 năm 2022, hưởng thọ 89 tuổi.
Huy chương​ :
-Bảo quốc Huân chương đệ tứ đẳng
-Hải quân Huân chương đệ nhất đẳng
-Biệt công Bội tinh
-Năm Anh dũng Bội tinh với nhành dương liễu
-Ba Anh dũng Bội tinh với ngôi sao vàng, bạc và đồng
-Hải dũng Bội tinh với mỏ neo vàng
-Hai Huy chương Bronze Star with Combat V (HQ Hoa Kỳ)
-Huy chương Navy Commendation Medal (HQ Hoa Kỳ)
Bằng cấp Quân sự​ :
-General Line, US Naval Postgraduate School Monterey, Califfornia
-Senior Naval Personel Management, US Department of the Navy
-Nhảy dù của Lực lượng Đặc biệt Việt Nam Cộng Hòa
-Nhảy dù của Lực lượng Đặc biệt Hoa Kỳ
-Nhảy dù của Binh chủng Nhảy dù Việt Nam Cộng Hòa
-Nhảy dù của Hải quân Hoa Kỳ.
Gia tộc và Gia đình​ :
Tổ phụ: Cụ Hồ Văn Trung (Nguyên là quan Đốc phủ sứ và là nhà văn nổi tiếng ở miền Nam với bút hiệu Hồ Biểu Chánh).
Thân phụ: Cụ Hồ Văn Kỳ Trân (Nguyên là Giáo sư, Dân biểu Quốc hội thời Đệ nhất Cộng Hòa)
Thân mẫu: Cụ Liễu Cẩm Hồng.
Thúc phụ:
-Ông Hồ Văn Di Thuấn (nguyên Khu Trưởng Quan thuế Thương Cảng Sài Gòn, với cấp bật Thanh Tra, kiêm Hội Trưởng đội Túc Cầu Quan Thuế 1961-1963).
-Ông Hồ Văn Di Hinh (em song sinh với ông Hồ Văn Di Thuấn)
-Ông Hồ Văn Ứng Kiệt (Nguyên Đại úy Không quân, tử trận được truy thăng Thiếu tá, phi đội trưởng, thuộc phi đoàn Thần Phong).
Bào đệ: Ông Hồ Văn Kỳ Tường (Nguyên Hải quân Thiếu tá Hạm phó Tuần dương Hạm Trần Bình Trọng HQ-5, Chỉ huy trưởng Hải khu Đà Nẵng).

Hải chiến Hoàng Sa 19-1-1974 .
HQ-VNCH Đổ bộ . ​
Theo Hạm trưởng HQ-16, khoảng 10 giờ sáng ngày 18 tháng 1, Đại tá Hà Văn Ngạc ra lệnh cho ông đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa sau đó cho toán biệt hải đổ bộ lên đảo Quang Hòa và một toán của HQ-16 lên giữ đảo Quang Ảnh. Sau khi đưa viên cố vấn Mỹ lên đảo Hoàng Sa, HQ-16 tiến đến gần đảo Quang Hòa đổ bộ toán biệt hải lên đảo thì một tàu Trung Quốc xuất hiện, cản trước mũi, không cho HQ-16 tiến gần đến đảo. Hai tàu cọ vào nhau làm tàu Trung quốc hư hại nhẹ , tàu Trung quốc mang số hiệu 271, dài chừng 70 mét, có súng tương đương với súng 76.2 ly, 40 ly, 20 ly và đại liên 12,7 ly của HQ-16. HQ-16 chuyển hướng sau đó cho biệt hải dùng xuồng cao su tấn công từ mặt Nam của đảo Quang Hòa từ khoảng cách 1-2 hải lý. Cuộc đổ bộ thất bại. Một thiếu úy biệt hải bị bắn chết. Toán biệt hải trở về HQ-16. Chiều ngày 18 tháng 1, khoảng 6 giờ, Đại tá Ngạc gọi máy cho Trung tá Lê Văn Thự và ra lệnh cho ông chỉ huy HQ-10, bằng mọi giá phải đổ bộ cho được toán biệt hải lên đảo Quang Hòa. Sau khi nhận lệnh này, HQ-16 không còn liên lạc được với đại tá Ngạc trên soái hạm HQ-5, tàu HQ-4 hay Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên Hải do máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung quốc phá sóng. HQ-16 chỉ còn liên lạc được với HQ-10. Những ngày sau đó do bị thương khi hải chiến với tàu Trung quốc, HQ-16 không thể chấp hành lệnh đổ bộ của Đại tá Ngạc.
Vào khoảng 23 giờ ngày 18 tháng 1, Đề đốc Lâm Ngươn Tánh ban hành Lệnh Hành quân Hoàng Sa 1 nhằm chiếm lại một cách hòa bình các đảo Hữu Nhật, Quang Hòa, Duy Mộng, Quang Ảnh. Đại tá Hà Văn Ngạc chia lực lượng tham chiến thành hai phân đoàn đặc nhiệm: Phân đoàn I là chủ lực gồm Khu trục hạm HQ-4 và Tuần dương hạm HQ-5 do Hạm trưởng Khu trục hạm HQ-4 chỉ huy; Phân đoàn II có nhiệm vụ yểm trợ gồm Tuần dương hạm HQ-16 và Hộ tống hạm HQ-10 do Hạm trưởng Tuần dương hạm HQ-16 chỉ huy.
Theo tài liệu của Tổng cục Chiến tranh Chính trị và tường thuật của Đại tá Hà Văn Ngạc, 8 giờ 30 ngày 19 tháng 1, hai nhóm Biệt hải của Việt Nam Cộng Hòa gồm 74 người do Đại úy Nguyễn Minh Cảnh chỉ huy tiếp tục đổ quân vào đảo Quang Hòa. Đại tá Ngạc chỉ thị lực lượng này không được nổ súng trước và có nhiệm vụ yêu cầu toán quân Trung Quốc rời đảo. Trên đảo đang có một đại đội của Hải quân Trung quốc trấn giữ. Theo báo cáo của Biệt đội trưởng, chiến sĩ Đỗ Văn Long là người đầu tiên tiến vào đảo và vừa nổ súng vừa tiến vào trong nên đã bị hỏa lực trong bờ bắn tử thương ngay tại bãi biển. Sau đó Trung úy Lê Văn Đơn cũng tử thương. Việc đổ bộ thất bại. Hai toán Biệt hải được lệnh rút về HQ-5. Tổng số thương vong của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa gồm 2 người chết và 2 bị thương.
Hải quân Việt Nam Cộng Hòa khai chiến​ .
Việc đổ bộ thất bại được báo cáo ngay về Bộ Tư lệnh Hải quân Vùng I Duyên hải. Chừng ít phút sau đó (vào khoảng 9 giờ 30 sáng) Phó Đề đốc Hải quân Việt Nam Cộng Hòa Hồ Văn Kỳ Thoại theo chỉ thị của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ra khẩu lệnh vắn tắt "khai hỏa" cho Đại tá Ngạc trên băng siêu tần số SSB (single side band) và không có chi tiết gì khác hơn.
Ban đầu Đại tá Ngạc dự định cho hạm đội bắn pháo lên đảo để dọn đường cho lính thủy đổ bộ. Sau đó do các Hạm trưởng khác phản đối, Đại tá Ngạc quyết định tiêu diệt các tàu Trung quốc trước.
Lúc 10 giờ 22 cùng ngày, 2 chiến hạm của phía Việt Nam Cộng Hòa là HQ-16 và HQ-10 tiến vào lòng chảo Hoàng Sa theo thế gọng kìm, nổ súng trước vào các tàu chiến Trung quốc đang neo đậu trong khu vực này. Các tàu Trung quốc tích cực di chuyển và phản kích dữ dội. Hai chiến hạm còn lại của Việt Nam Cộng Hòa là HQ-4 và HQ-5 cũng tiến vào lòng chảo, tham chiến từ phía Tây nam. Vì tầm quan sát rất hạn chế, nên từ Tuần dương hạm HQ-5 không quan sát được Tuần dương hạm HQ-16 và Hộ tống hạm HQ-10. Do máy liên lạc âm thoại giai tần đơn bị Trung quốc phá sóng nên Soái hạm chỉ có thể liên lạc với các chiến hạm còn lại bằng máy PRC 25 nên việc liên lạc giữa các chiến hạm không liên tục và ổn định.
Tình hình chiến sự​ .
Sau vài phút hải chiến HQ-4 bị thiệt hại nhẹ nhưng do "trở ngại tác xạ", không phát huy được hỏa lực, nên tàu này lùi ra xa và không thể tham chiến tiếp tục . Sau khoảng 15 phút giao chiến, HQ-10 bị hư khẩu pháo chính 76 ly trước mũi tàu, tàu bị bắn xối xả, bốc cháy tại chỗ; Hạm trưởng là Ngụy Văn Thà tử trận vì bị mảnh đạn phạt ngang cổ, Đại úy Hạm phó Nguyễn Thành Trí bị thương nặng vẫn cố điều khiển HQ-10 húc vào tàu đối phương, ngay sau đó thì Đại úy Trí ra lệnh thủy thủ bỏ tàu nhảy xuống biển. HQ-16 trúng đạn pháo 127 ly của HQ-5 bắn nhầm, viên đạn xuyên thủng hầm máy khiến tàu bị nghiêng trên 10 độ, tàu mất khả năng chiến đấu và phải rút lui về phía tây. Theo trưởng khối hành quân của HQ-5 là Bùi Ngọc Nở, thì sau 15 phút chiến đấu, tàu HQ-5 bị trúng đạn pháo của địch khiến các khẩu pháo 127 ly và (10 nòng pháo) 40 ly bị vô hiệu hoá.
Trong thời gian xảy ra chiến sự, Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa nhận được thông báo của Văn phòng Tùy viên Quân sự Hoa Kỳ (DAO) tại Sài Gòn, cho biết radar Đệ thất Hạm đội ghi nhận một số tàu chiến và chiến đấu cơ từ Hải Nam đang tiến về phía Hoàng Sa. Số tàu chiến chi viện của Trung quốc vẫn chưa được xác định chính xác nhưng có thể bao gồm 2 tàu chống ngầm số hiệu 281 và 282 thuộc lớp tàu Hải Nam. Phó Đô đốc Hải quân Việt Nam Cộng Hòa Hồ Văn Kỳ Thoại cho biết họ phải quyết định rút lui khi cố vấn Hoa Kỳ cho biết 17 chiến hạm của Trung quốc trong đó có 4 tàu ngầm đang trên đường tới khu vực và khả năng là sẽ có phi cơ phản lực tới từ đảo Hải Nam nếu Việt Nam Cộng Hòa quyết định tăng viện 2 chiến hạm cho Hoàng Sa, nhưng phía Việt Nam Cộng Hòa chỉ có phi cơ khu trục F-5 thuộc Sư đoàn 1 Không quân tuy đang sẵn sàng hỗ trợ cho hải đội tại Hoàng Sa nhưng lại không đủ sức hoạt động lâu tại đây. Bộ Tư lệnh Hải quân Việt Nam Cộng Hòa sau đó yêu cầu Hạm đội 7 trợ giúp, nhưng phía Mỹ từ chối, thậm chí Hạm đội 7 từ chối cả việc cứu những thủy thủ của tàu HQ-10 đang trôi dạt trên biển. Sau khi Bộ Tư lệnh cân nhắc tương quan lực lượng, các chiến hạm Việt Nam Cộng Hòa được lệnh rút bỏ quần đảo Hoàng Sa.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn