SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : NHỮNG DÒNG SÔNG , CON SUỐI BIÊN GIỚI - SÔNG BẰNG (BẰNG GIANG) NƠI ĐỊNH HÌNH LÃNH THỔ VIỆT NAM . (Phần 3 of 4)

24 Tháng Mười 20229:31 CH(Xem: 598)
Sông Bằng, còn có tên gọi là sông Bằng Giang chảy qua tỉnh Cao Bằng, Việt Nam.
Bắt nguồn từ tỉnh Quảng Tây, Trung quốc chảy theo hướng Tây bắc - đông nam vào Cao Bằng tại cửa biên giới Sóc Giang, xã Sóc Hà, huyện Hà Quảng.
Từ xã Sóc Giang, sông chảy theo hướng đông nam qua các huyện Hà Quảng, Hòa An, Cao Bằng, huyện Quảng Hòa. Đoạn sông chảy qua Tx Cao Bằng kết thúc tại cửa khẩu Tà Lùng, xã Mỹ Hưng, huyện Quảng Hòa (phía đông nam Cao Bằng) trước khi đổ vào tỉnh Quảng Tây, Trung quốc.
Sông Bằng hợp lưu với sông Kỳ Cùng gần Long Châu (Long Châu, Sùng Tả, Quảng Tây) để tạo thành sông Tả Giang, chi lưu phía nam của Úc Giang. Ở Trung quốc, sông Bằng được gọi là Thủy Khẩu Hà (水口河, Suikouhe) hoặc Lệ Giang (丽江, Lijang).
Sông Bằng có chiều dài khoảng 108 Km, trên đất Việt Nam sông Bằng có chiều dài khoảng 90 Km, diện tích lưu vực 4.000 Km²,độ cao trung bình lưu vực là 482 m . Sông Bằng Giang có 24 chi lưu trong đó có 3 chi lưu lớn là sông Sê Bao, sông Hiếu, sông Bắc Vọng.
Diện tích tự nhiên toàn lưu vực sông Bằng tính đến cửa biên giới Tà Lùng là 4.740 Km², trong đó thuộc địa phận Việt Nam là 4.264 Km², thuộc địa phận Trung quốc 476 Km².

Khói Lửa Biên Thùy .
Lịch sử đã chứng kiến những lần quân Đại Việt vượt biên giới đánh sang Trung quốc :
Thời Tiền Lê
•Năm 995, hơn 100 chiến thuyền của Đại Cồ Việt đã tiến sang bờ biển nước Tống, đánh vào trấn Như Hồng thuộc Khâm Châu.
•Đến mùa hè năm 995, đội hương binh 5.000 người ở châu Tô Mậu (Lạng Sơn) của Đại Cồ Việt đã tấn công vào Ung Châu rồi lui binh.
Thời nhà Lý
•Năm 1022 vua Lý Thái Tổ đã sai Dực Thánh Vương đem quân đi đánh giặc Đại Nguyên Lịch.
•Năm 1052 thủ lĩnh người dân tộc Tày, Nùng là Nùng Trí Cao đưa quân vượt biên giới đánh Tống chiếm được nhiều châu quận.
•Năm 1059, vua Lý Thánh Tông cho quân đánh Khâm Châu nước Tống.
•Năm 1060, châu mục Lạng Châu là Thân Thiệu Thái đánh vào đất Tống nhằm cứu dân Việt bị bắt trở về.
•Năm 1076, quân Tống chuẩn bị đánh Đại Việt, tập kết quân lương ở Ung Châu, Lý Thường Kiệt chủ động đưa quân tiến đánh vào Ung Châu của nhà Tống.
Thời nhà Trần
•Năm 1241, nhiều toán cướp từ đất Tống thường quấy nhiễu biên giới, vua Trần Thái Tông sai đốc tướng Phạm Kính Ân đem quân vượt biên giới đánh vào hang ổ quân cướp rồi rút về.
•Năm 1241 đích thân vua Trần Thái Tông đánh sang đất Tống, tấn công nhiều châu, trại.
•Năm 1242, biên giới có biến, tướng Trần Khuê Bình vượt biên đánh vào lộ Bằng Tường của nước Tống để dẹp loạn.
•Năm 1266 thủy binh Đại Việt đánh đến tận núi Ô Lôi (Quảng Đông) trong đất Tống nhờ đó phát hiện quân Nguyên có kế hoạch đánh Đại Việt.
•Năm 1285 lúc này quân Mông Cổ chiếm được Trung Quốc lập ra nhà Nguyên và đưa quân đánh Đại Việt nhưng thua trận phải rút về. Quân Việt truy kích đuổi theo tràn qua cả biên giới vào sâu trong lãnh thổ quân Nguyên ở Vân Nam và Tư Minh.
•Năm 1313 quân Việt tiến đánh nhà Nguyên ở Vân Động, châu Trấn Yên, sau đó tấn công các xứ Lôi Động, Tri Động và châu Quy Thuận, Dưỡng Lợi. Nhà Nguyên phải cho sứ đến thương lượng quân Đại Việt mới rút lui.
Thời Hậu Lê
•Năm 1438, thổ quan châu Tư Lang của Đại Việt đem quân đánh hai châu An Bình và Tư Lăng (nay thuộc Quảng Tây), vua Minh phải sai sứ sang nước ta thương thuyết.
•Năm 1480, tổng binh tri Bắc Bình của Đại Việt là Trần Ao sai Đào Phu Hoán đem 600 quân đánh vào Cảm Quả, chiếm được ải Thông Quang (thuộc Quang Lang, Ôn Châu, Trung quốc) rồi tiến vào Ban Động.

Vùng đất tỉnh Cao Bằng bắt đầu thuộc lãnh thổ Việt Nam vào năm 1039, khi Lý Thái Tông đánh thủ lĩnh châu Thảng Do và châu Quảng Nguyên (sau này là huyện Quảng Uyên) là Nùng Tồn Phúc.
Năm 1041 vợ A Nùng và con trai của Tồn Phúc là Nùng Trí Cao từ động Lôi Hỏa (Hạ Lôi, nay là khoảng hương Hạ Lôi huyện Đại Tân địa cấp thị Sùng Tả tỉnh Quảng Tây Trung quốc, phía đông bắc huyện Trùng Khánh) về chiếm lại 2 châu trên, nhà Lý cử quân lên đánh bắt được Trí Cao nhưng không giết mà cho làm quan nhà Lý cai quản các châu động trên. Nhà Lý gộp thêm các động Vật Dương, động Lôi Hỏa, động Bình An, động Bà Tư (là các động vốn trong số 10 động thuộc quyền cai quản của Tồn Phúc), cùng châu Thảng Do vào đất Quảng Nguyên và gọi chung là châu Quảng Nguyên. Ngoài châu Quảng Nguyên, thì năm 1041, châu Tư Lang (nay là đất 2 huyện Trùng Khánh và Hạ Lang tỉnh Cao Bằng) nằm ở phía đông bắc châu Quảng Nguyên, nhà Lý cũng phụ vào đất cai quản của Trí Cao, coi như đất Đại Cồ Việt vùng Trí Cao cai quản mà sau đó nhà Lý đòi chủ quyền với nhà Tống gồm 2 châu Tư Lang và Quảng Nguyên (gộp cả Bình An (nay thuộc Cao Bằng), Bà Tư (nay thuộc Cao Bằng), Thảng Do, Lôi Hỏa (phía đông nam Vật Dương), Vật Dương (phía đông Vật Ác), Vật Ác (vùng phía nam trấn An Đức của Tĩnh Tây Quảng Tây ngày nay)). Tuy bề ngoài thần phục nhà Lý, nhưng bên trong Nùng Trí Cao nuôi chí tự cường lập quốc gia độc lập. Năm 1048 Trí Cao lại nổi dậy đánh chiếm động Vật Ác (vùng phía nam An Đức trấn của Tĩnh Tây Trung quốc ngày nay), vốn thuộc nhà Lý từ năm 1039, nhà Lý đem quân lên đánh. Sau khi gây sự với nhà Lý không thành, Trí Cao đánh chiếm châu An Đức (Ande Zhou 安德州, nay là khoảng địa bàn trấn An Đức của thành phố cấp huyện Tĩnh Tây) và vùng biên giới các tỉnh Quảng Tây, Quảng Đông Trung quốc. Nhà Tống tiêu diệt quốc gia của Trí Cao năm 1055. Các thủ lĩnh địa phương cai quản châu động kế thừa Trí Cao, không thực sự thần phục nhà Lý, đem một số động thuộc châu Quảng Nguyên (là phần đất phía bắc Cao Bằng ngày nay thuộc huyện Tĩnh Tây Trung quốc) sang thần phục nhà Tốngː Nùng Tông Đán (Tông Đản) năm 1049 đem động Vật Ác (sau thuộc Tống bị nhà Tống đổi thành Thuận An châu, nay là các hương trấn biên giới thuộc huyện Tĩnh Tây địa cấp thị Bách Sắc khu Tự trị Dân tộc Choang Quảng Tây, nằm ở phía tây nam Tĩnh Tây tiếp giáp các huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh tỉnh Cao Bằng, có thể là vùngː hương Nam Pha, hương Thôn Bàn, hương An Ninh, trấn Long Bang (An Bang),...)
Nùng Trí Hội năm 1062 đem động Vật Dương sang Tống (nhà Tống đổi tên thành Quy Hóa châu, nay là các hương trấn phía đông nam huyện Tĩnh Tây, tiếp giáp huyện Trùng Khánh Cao Bằng, có lẽ làː hương Nhâm Trang (Nhâm Động), trấn Nhạc Vũ, trấn Hồ Nhuận (Nhuận Động), trấn Hóa Động,... Kèm theo đất Vật Dương nhập Tống đợt này, có thể có cả đất động Lôi Hỏa (Hạ Lôi),...). Đến Chiến tranh Tống-Việt, 1075-1077, châu Quảng Nguyên (bao gồm các vùng đất ngày nay là các huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, Quảng Uyên, Hòa An, Tx Cao Bằng, Phục Hòa), châu Tư Lang (nay là Trùng Khánh, Hạ Lang), cùng các châu nay thuộc Lạng Sơn làː Thất Nguyên (Thất Khê, Tràng Định), Môn (Cao Lộc), Tô Mậu (Đình Lập), bị Quách Quỳ tướng nhà Tống chiếm đóng không trả lại Đại Việt sau chiến tranh (Giai đoạn này châu Quảng Nguyên bị nhà Tống đổi tên thành Thuận châu).
Bằng chiến thuật vừa gây xung đột biên giới (lùng bắt Nùng Trí Hội), vừa ngoại giao triều cống và đàm phán, từ năm 1077 đến năm 1088, vua quan nhà Lý thời Lý Nhân Tông dần thu phục lại gần như hoàn toàn các vùng đất bị nhà Tống chiếm từ nhà Lý trước đó và trong cuộc chiến Tống - Việt. Kết quả đàm phán của phái đoàn Đào Tông Nguyên sứ thần nhà Lý năm 1079, thu lại được toàn bộ các châu nay là đất Lạng Sơn (là châu Tô Mậu, châu Môn và châu Thất Nguyên), đất nay thuộc Cao Bằng thì thu lại được châu Tư Lang, và phần lớn châu Quảng Nguyên (Thuận châu nhà Tống, phần đất nhà Tống chiếm trong cuộc chiến 1076-1077), trừ phân đất Vật Ác (châu Thuận An nhà Tống), Vật Dương (châu Quy Hóa nhà Tống), Lôi Hỏa mất về nhà Tống trước chiến tranh thì nhà Tống không trả.
Năm 1084, phái đoàn Lê Văn Thịnh sứ thần nhà Lý, tiếp tục sang Bằng Tường Quảng Tây Trung Quốc đàm phán đòi lại đất hai động Vật Dương và Vật Ác từ nhà Tống. Nhưng thay vì trả đất hai động Vật Dương và Vật Ác của châu Quảng Nguyên, thì nhà Tống đổi lại trả cho nhà Lý vùng đất 6 huyệnː Bảo Lạc, Luyện, Miêu (Pác Miêu), Đinh, Phóng, Cận (là đất nay thuộc các huyện Bảo Lạc, Bảo Lâm tỉnh Cao Bằng) cùng 2 động Túc (Tĩnh Túc), Tang (nay là khoảng vùng đất huyện Nguyên Bình Cao Bằng). Các huyện động này vốn là các châu động ki mi nằm kẹp giữa hai nước Lý, Tống, nằm ở phía tây châu Quảng Nguyên, ở phía đông châu Bình Nguyên (Vị Xuyên, Hà Giang).
Tuy nhiên, nhà Lý vẫn kiên trì tiếp tục đàm phán đòi đất 2 động Vật Dương, Vật Ác cho đến năm 1088, nhưng không thành công. Từ đó đất 2 động Vật Ác (châu Thuận An nhà Tống), Vật Dương (châu Quy Hóa nhà Tống) vĩnh viễn thuộc Trung quốc (ngày nay là vùng đất phía nam của huyện Tĩnh Tây khu Tự trị Dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây, tiếp giáp biên giới với các huyện Hà Quảng, Trà Lĩnh, và Trùng Khánh của Cao Bằng).

Sấm Trạng Trình !
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm và Địa cuộc Cao Bằng thời Mạc phủ .
Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (1491 - 1585) tên thật là Nguyễn Văn Đại, quê thôn Cổ Am, huyện Vĩnh Lại, Hải Dương, nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Ông đỗ Trạng Nguyên năm Ất Sửu (1535) đời vua Mạc Đăng Dung, để lại cho đời sau nhiều sấm tiên tri, thể hiện một tài năng kiệt xuất, được gọi là Sấm Trạng Trình.
Ngay từ lúc sinh thời, ông đã dùng tài lý số của mình “cứu vãn” cho triều nhà Mạc tồn tại được một thời gian khá dài tại vùng biên cương Cao Bằng.
Dưới thời nhà Mạc, năm 45 tuổi, ông mới đi thi và đậu Trạng nguyên. Vua Mạc Đăng Doanh cất ông lên làm Tả thị lang Đông các học sĩ. Nhưng sau khi dâng sớ hạch tội 18 lộng thần nhưng vua không nghe, ông cáo quan về ở ẩn.
Triều vua Mạc Mậu Hợp, năm Diên Thành thứ 8 (1585), tức năm Ất Dậu tháng 11 thì ông lâm bệnh. Lúc này tình hình nhà Mạc đã quá suy yếu, vua Mạc Mậu Hợp sai sứ đến vấn an và hỏi về quốc sự.
Ông chỉ trả lời rằng: "Tha nhựt quốc hữu sự cố, Cao Bằng tiểu địa, sổ thế khả duyên."
Nghĩa là: Sau này quốc gia hữu sự thì đất Cao Bằng tuy nhỏ bé cũng có thể dung thân được vài đời.
Trước khi ông mất, nhà Mạc xin ý kiến tồn tại thế nào, ông đọc hai câu thơ:
"Cao Bằng tàng tại - tam đại tồn cô" (nghĩa rằng rút về đất Cao Bằng thì sẽ tồn tại thêm được ba đời nữa).
Bảy năm sau, năm Quang Hưng thứ 15 (1592), triều Mạc sụp đổ. Theo lời khuyên của Trạng Trình, con cháu nhà Mạc chạy lên Cao Bằng cố thủ, dựa vào địa thế núi rừng hiểm trở để xây dựng căn cứ, chọn Na Lữ, xã Hoàng Tung (Hòa An ngày nay) là đế đô, vương phủ ở Cao Bình, xã Hưng Đạo .
Nhà Mạc ở Cao Bằng 84 năm (1593 - 1677) trải qua ba đời vua: Mạc Kính Cung (1593 - 1625), Mạc Kính Khoan (1625 - 1638), Mạc Kính Vũ (1638 - 1677).
Vương triều Mạc ở Cao Bằng duy trì một nhà nước có kỷ cương, có sách lược đối nội, đối ngoại kịp thời, linh hoạt. Tu bổ, sửa chữa các thành Na Lữ, Phục Hoà, Phúc Tăng, Kỳ Chỉ, Gia Bằng, Trà Lĩnh..., để phục vụ về chính trị, quân sự nhằm duy trì đế nghiệp lâu dài, bền vững ở Cao Bằng.
Nhưng đúng theo sự Tiên đoán của Sấm Trạng Trình đến đời thứ 3 của nhà Mạc ... Năm Vĩnh Trị thứ 2 thời vua Mạc Kính Vũ (1677) thì bị nhà Lê Trung Hưng đánh bại.

Mặt trận Cao Bằng những ngày đầu chiến tranh tháng 2/1979.
Ở Cao Bằng, hướng tiến công chính của Trung Cộng ở Thông Nông, Hà Quảng và Phục Hòa, Thạch An. Do huy động một lực lượng áp đảo nên ngay từ những ngày đầu Trung Cộng đã có nhiều mũi tiến khá sâu vào lãnh thổ Việt Nam, chia cắt và gây rối loạn hệ thống phòng thủ của Việt Nam .
Trên hướng Hà Quảng, Trung đoàn 246 Sư đoàn 346, Tiểu đoàn 6 Hà Quảng, Đồn biên phòng Sóc Giang, Nậm Nhũng… cùng bộ đội địa phương và dân quân tự vệ ...chiến đấu suốt 4 ngày liền từ 17-2 đến 20-2 trên các chốt Cốc Nghịu, Cốc Nhu, Cốc Vường, điểm cao 505, Trúc Long - Địa Lan, Nà Sác, Trường Hà… chặn đứng hướng tiến công mạnh của quân xâm lược Trung Cộng ở khu vực cửa khẩu Sóc Giang.
Bị tổn thất không tiến lên được, ngày 22-2 quân Trung Cộng làm đường cho xe tăng vượt biên giới ở khu vực mốc 109, theo đường Pác Bó - Nà Mạ - Đôn Chương đánh vu hồi vào sau lưng và bên sườn trận địa phòng ngự Việt Nam , kết hợp với tấn công chính diện theo hướng cửa khẩu Bình Mãng - Sóc Giang. Trung đoàn 246 bị bao vây và cắt đường tiếp tế, trước sức ép của địch phải rút khỏi Sóc Giang lên khu vực thung lũng núi giữa Hà Quảng và Thông Nông chuyển qua chiến thuật đánh du kích. Trung Cộng chiếm được Sóc Giang và tiếp tục triển khai xuống phía nam Hà Quảng.
Trên hướng Trà Lĩnh, Trung đoàn 677 Sư đoàn 346 bảo vệ hướng phòng ngự chủ yếu của sư đoàn phối hợp với Đồn biên phòng Trà Lĩnh và các đơn vị địa phương ... đánh chặn quyết liệt quân Trung Cộng ở bình độ 700, đồi Quyết Tử, đồi Thanh Niên, điểm cao 800 và 815 (Phai Can), khu vực mỏ mangan, trục đường Xuân Nội - Quang Trung… đánh bại các đợt tiến công của địch trong nhiều ngày.
Ngày 26-2 địch chiếm điểm cao 815 lần thứ hai. Trung đoàn 677 lui về phía sau, phân tán cùng dân quân các bản làng tiếp tục chiến đấu.
Trên hướng Quảng Hòa, Trung đoàn 567 cùng Đồn biên phòng Tà Lùng, tự vệ nông trường và dân quân Đại Tiến, Cách Linh… giữ vững chốt chặn ở khu vực đèo Khâu Chỉa (Phục Hòa) suốt 12 ngày đêm, có những ngày đẩy lui 7-8 đợt tiến công gây thiệt hại nặng quân Trung Cộng , không để quân Trung Cộng dùng khu vực này làm bàn đạp tiến về hướng Quảng Uyên, Mã Phục. Trên hướng Trùng Khánh, Hạ Lang, Bảo Lạc địch cũng tấn công các đồn biên phòng Pò Peo, Bí Hà, Lý Vạn, Cốc Pàng, Nậm Quét… cùng một số chốt của lực lượng địa phương.
Trên hướng Thông Nông và Thạch An, do phòng ngự của Việt Nam bị chọc thủng , quân Trung Cộng nhanh chóng chiếm được thị trấn Thông Nông và Đông Khê rồi dùng xe tăng tiến thẳng về thị xã Cao Bằng. Sáng 17-2, nhân viên bưu điện huyện Thạch An cấp báo về tỉnh Cao Bằng , cho biết xe tăng Trung Cộng ngụy trang giả cắm cờ Việt Nam đi qua trước cửa nhà bưu điện về hướng thị xã .
Bộ đội địa phương tỉnh Cao Bằng và Sư đoàn 346 đưa lực lượng đến đèo Ngườm Kim, Nậm Nàng chặn đánh , một bộ phận Trung đoàn 851 Sư đoàn 346 hành quân và trong các ngày 18 và 19-2 liên tục chiến đấu với mũi tiến công cơ giới của Trung Cộng trên đường số 4 và đường từ Nước Hai về thị xã, bắn cháy hơn chục xe tăng ở khu vực Bản Sẩy, Đức Long (Hòa An), cây số 9-12 trên đường số 4… Chiếc xe tăng trinh sát của Trung Cộng đến được Nà Toòng ngoại vi thị xã , bị đơn vị cao xạ 37mm của Sư đoàn 346 bắn hạ .
Từ ngày 19-2, địch bắt đầu áp sát thị xã Cao Bằng từ nhiều hướng. Cuộc chiến đấu bảo vệ thị xã diễn ra suốt nhiều ngày, nhưng do lực lượng chênh lệch, đến ngày 24-2 quân Trung Cộng chiếm được thị xã Cao Bằng và có những mũi vu hồi đánh lấn xuống khu vực đường số 3, Khâu Đồn, đèo Cao Bắc, có những mũi thọc sâu vào lãnh thổ Việt Nam 50-60Km (cầu Tài Hồ Sìn). Nhiều đơn vị của Việt Nam bị tổn thất, rơi vào thế bị chia cắt, bao vây cả 4 mặt.
Ngày 26- 2-1979 tình hình chiến sự căng thẳng . Ngày 28-2, Trung đoàn 677 và Trung đoàn 567 vượt vòng vây rút về phía sau để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho phản kích.
Trung đoàn 852 và 183, tiểu đoàn pháo tầm xa 122mm của Lữ đoàn 675, các tiểu đoàn bộ đội và tự vệ phía sau lên phối hợp với các đơn vị tại chỗ tổ chức phòng tuyến mới ở phía nam cầu Tài Hồ Sìn, đường số 3, mỏ thiếc Tĩnh Túc… Lực lượng quân sự Việt Nam đánh bật các đợt tiến công của quân Trung Cộng từ 20 đến 23-3, sau đó phản kích đẩy địch về khu vực cây số 5 và ngã ba Khâu Đồn, đồng thời bao vây một bộ phận mũi vu hồi của Trung Cộng ở Nguyên Bình.
Ngày 1-3-1979 trên mặt trận Cao Bằng, Sư đoàn bộ binh 311 gồm Trung đoàn bộ binh 169, 529, 531 bộ binh và Trung đoàn pháo binh 456 được thành lập. Tuyến phòng ngự thứ hai được hình thành từ Tài Hồ Sìn đến Ngân Sơn. Chiến sự diễn ra quyết liệt trên khắp tỉnh Cao Bằng.
Sư đoàn 311 tổ chức cắt đường số 4, ngăn chặn cơ động tiếp tế của đối phương. Các tiểu đoàn đặc công 20 và 45 luồn sâu vào sau lưng địch, phối hợp với dân quân tự vệ tổ chức nhiều cuộc tập kích, phục kích gây cho quân xâm lược Trung Cộng những thiệt hại nặng nề.
Hai ngày sau khi Bắc Kinh tuyên bố rút quân, ngày 7-3 quân Trung quốc bắt đầu rút khỏi Thông Nông, Trà Lĩnh, vừa đi vừa tàn phá các khu vực nằm trên đường di chuyển của chúng.
Trước tình hình thay đổi , quân Việt Nam chuyển sang phản kích, dùng pháo binh bắn phá đội hình hành quân, các điểm tập trung người và xe cơ giới của địch... Trước áp lực tiến công của Việt Nam , nhiều đơn vị Trung Cộng vội vã rút lui bỏ lại xe cộ, vũ khí và đồng bọn bị thương và tử trận .
Ngày 14-3, ở Minh Tâm (Nguyên Bình), một đại đội quân xâm lược Trung Cộng bị lực lượng Việt Nam vây hãm phải hạ súng đầu hàng .
Ngày 15-3, quân Trung Cộng rút khỏi thị xã và huyện Hòa An; ngày 16-3 rút khỏi Trùng Khánh, Quảng Hòa và Thạch An; ngày 17-3 rút khỏi Trà Lĩnh; ngày 18-3 rút khỏi Hà Quảng và Thông Nông. Đến đây, chiến sự trên mặt trận Cao Bằng tạm thời lắng xuống.
Thảm sát Tổng Chúp là một tội ác chiến tranh gây ra bởi Trung quốc trong Chiến tranh biên giới Việt–Trung 1979. Vụ việc xảy ra ở làng Tổng Chúp, xã Hưng Đạo , Tx Cao Bằng. Từ ngày 17 tháng 2 năm 1979, quân Trung quốc đồng loạt tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới .
Diễn biến​ .
Ngày 9 tháng 3 năm 1979, bốn ngày sau khi chính quyền Trung quốc tuyên bố rút quân khỏi Việt Nam, quân Trung quốc đã tấn công vào một trại nuôi lợn ở làng Tổng Chúp, giết chết 43 người, bao gồm phụ nữ, trẻ em và vùi xác trong một cái giếng.
Theo một số người dân ở Tổng Chúp, tất cả các thi thể đều bị bịt mắt, hai tay buộc chéo đàng sau, đầu bị móp vào trong. Trên một vài thi thể có dấu vết hàng chục vết đâm bởi vật sắc nhọn. Bên cạnh những xác chết là một chiếc gậy tre dính đầy máu đã cong. Trong số những xác chết, có nhiều em bé vẫn còn địu trên lưng mẹ.
Theo ông Lô Ích Vinh dân xã Hưng Đạo, bên trong chiếc giếng còn có một vài vỏ đạn AK và một chiếc búa.
Đinh Ngọc Tinh, chiến binh Cao Bằng cho biết: "Trên đường di tản, mẹ tôi cùng những nhân công một trại heo bị bắt. Quân Trung quốc giải đoàn người về Tổng Chúp .
Sau khi quân Trung quốc rút đi, anh em tôi trở về nhà tìm mẹ thì mới hay bà cùng 42 người khác đã bị thảm sát ở Tổng Chúp. Mẹ tôi được vớt lên khỏi giếng nước trong tư thế bị bịt mắt, trói tay và bị quân Trung quốc đâm nhiều nhát lưỡi lê vào bụng". Bà Đỗ Thị Hà, trên đường chạy trốn lính Trung quốc có ghé trú ẩn tại một căn hầm ở làng Tổng Chúp. Khi quân Trung quốc phát hiện ra, bà bị trúng lựu đạn và khiêng ra khỏi hầm. Bà cho biết lúc xảy ra vụ việc, từ hầm của bà có thể "nghe thấy tiếng hét lớn, chửi bới vọng lên từ các căn hầm" và "tiếng trẻ em khóc thét".
Một cuộc thảm sát , trong một cuộc chiến chống giắc ngoại xâm Trung Cộng tại Cao Bằng cũng man rợ không kém nhưng lại không nhiều người biết đến vì nhiều lý do. Nhưng với người dân Cao Bằng, đó là ký ức kinh hoàng không thể nào quên.
Tối 9/3/1979, 43 người, mà phần lớn là phụ nữ, trẻ em ở thôn Tổng Chúp, xã Hưng Đạo, Tx Cao Bằng, đã bị giết hại một cách dã man bởi những tên lính Trung quốc khi chúng đang trên đường rút quân về nước, tất cả thi thể sau đó đều bị quẳng xuống một cái giếng.
" Việt Nam Hận Đời Đời - Việt Nam Không Thể Nào Quên ! "
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn