SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : NHỮNG DÒNG SÔNG , CON SUỐI BIÊN GIỚI - SÔNG KỲ CÙNG NƠI ĐỊNH HÌNH LÃNH THỔ VIỆT NAM . (Phần 2 of 4)

29 Tháng Chín 20229:14 CH(Xem: 881)
Lạng Sơn là một tỉnh miền núi ở vùng Đông Bắc Việt Nam.
Phía bắc giáp tỉnh Cao Bằng
Phía đông giáp tỉnh Quảng Ninh và Sùng Tả (Quảng Tây, Trung quốc)
Phía nam giáp tỉnh Bắc Giang
Phía tây giáp tỉnh Bắc Cạn và tỉnh Thái Nguyên.
Địa hình
Đồi núi chiếm hơn 80% diện tích cả tỉnh.
Dạng địa hình ở Lạng Sơn là núi thấp và đồi, độ cao trung bình 252 m so với mặt nước biển. Nơi thấp nhất là 20 m ở phía nam Hữu Lũng và nơi cao nhất là núi Mẫu Sơn 1541M. Mẫu Sơn cách thị xã Lạng Sơn 31 Km về phía đông, được bao bọc bởi nhiều ngọn núi lớn nhỏ, thỉnh thoảng có tuyết rơi vào mùa đông.
Khí hậu, thời tiết​
Khí hậu của Lạng Sơn rõ nét khí hậu cận nhiệt đới ẩm của miền Bắc Việt Nam. Khí hậu phân mùa rõ rệt, ở các mùa khác nhau nhiệt độ phân bố không đồng đều do sự phức tạp của địa hình miền núi và sự biến tính nhanh chóng của không khí lạnh do quá trình di chuyển ở vùng nội chí tuyến đã gây nên những chênh lệch đáng kể trong chế độ nhiệt giữa các vùng.
Nhiệt độ trung bình năm: 17-23 °C
Lượng mưa trung bình hàng năm: 1200–1600 mm. Lạng Sơn là khu vực có tổng lượng trung bình năm thấp nhất khu vực bắc bộ. Khu vực thị xã Lạng Sơn trở sang đến khu vực Đình Lập lượng mưa trung bình ở các trạm quan trắc thường dưới 1400mm.
Sông ngòi trong tỉnh Lạng Sơn rất đa dạng , phong phú một số con sông bắt nguồn từ đây và trở thành phụ lưu cho một vài sông lớn đưa nước về miền châu thổ Bắc Việt qua các con sông như sông Thương và sông Lục Nam .
Nhưng đặc biệt của tỉnh Lạng Sơn là con sông Kỳ Cùng chảy ngược lên phía biên giới Việt Nam - Trung Hoa tạo nên vóc dáng biên cương lãnh thổ Việt Nam .
Sông Kỳ Cùng .
Độ dài:
Bắt nguồn từ vùng núi Bắc Xa cao 1166M thuộc huyện Đình Lập, tỉnh Lạng Sơn; dài 243 Km; diện tích lưu vực khoảng 6660 Km2, hầu hết thuộc tỉnh Lạng Sơn. Đây là con sông duy nhất ở miền Bắc Việt Nam chảy theo hướng Đông Nam - Tây Bắc, từ nơi bắt nguồn qua các huyện Đình Lập, Lộc Bình, Cao Lộc, Tx Lạng Sơn, Văn Lãng, Tràng Định và theo hướng đông nhập vào hệ thống sông Tây Giang thuộc Khu tự trị Choang Quảng Tây Trung quốc. Do vậy mảnh đất xứ Lạng còn được gọi là "nơi dòng sông chảy ngược".
Sông Bản Thín, phụ lưu của sông Kỳ Cùng, chiều dài 52 Km, diện tích lưu vực: 320 Km², bắt nguồn từ vùng núi cao thuộc huyện Ninh Minh,Quảng Tây (Trung quốc) chảy vào nước ta ở xã Tam Gia huyện Lộc Bình; nhập vào sông Kỳ Cùng tại xã Khuất Xá huyện Lộc Bình. (Các tài liệu và Maps : con sông này có tên là Ba Thín. Thực tế tên nó là sông Bản Thín, đặt tên chung đoạn qua thôn Bản Thín, xã Tú Mịch, huyện Lộc Bình).
Sông Bắc Giang, phụ lưu lớn nhất của sông Kỳ Cùng: bắt nguồn từ vùng núi xã Xuân Dương, huyện Na Rì, tỉnh Bắc Cạn, dài 114 Km, diện tích lưu vực 2670 Km², nhập vào sông Kỳ Cùng tại huyện Tràng Định.
Sông Bắc Khê, phụ lưu của sông Kỳ Cùng, dài 54 Km, diện tích lưu vực 801 Km², thuộc huyện Tràng Định.

Sự Tích suối Phi Khanh nơi ải Nam Quan biên giới Lạng Sơn - Việt Nam .
Từ thời Trung học, khi học Việt sử, chúng ta đều biết giai thoại Phi Khanh-Nguyễn Trãi. Tháng 6 năm Đinh Hợi 1407, Trương Phụ (Zheng Zu) sai Liễu Thăng bắt một số quan quân tướng sỹ của Việt Nam, giải về Tàu (Trung quốc) . Trong số những người bị bắt có Nguyễn Phi Khanh.
Theo sử liệu ghi chép thì Nguyễn Phi Khanh là một sỹ phu uyên bác, lầu thông kinh sử nên được quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán mời về làm ông giáo kèm dạy các cậu ấm cô chiêu trong gia tộc. Trong số học trò có cô Trần Thị Thái ngưỡng mộ thầy tới mức vượt qua tình thầy trò. Kề cận giai nhân, lại được tỏ lộ tình yêu đằm thắm làm sao Nguyễn Phi Khanh có thể cưỡng được định mệnh!; nên khi tiểu thư Trần Thị Thái có thai thì hai người sợ hãi bỏ trốn. Quan Tư Đồ cho người tìm về rồi chính thức gả con gái cho. Nguyễn Trãi là kết quả của đôi trai tài gái sắc đó.
Nguyễn Trãi lẽo đẽo theo cha trên đường Nguyễn Phi Khanh bị dẫn giải về Kim Lăng dù Nguyễn Phi Khanh nhiều lần khuyên con hãy quay về Nam tìm đường phục hận hơn là rỏ nước mắt nam nhi ủy mỵ trên đoạn đường thống hận hờn oan.
Khi đến Ải Nam Quan, bọn nhà Minh quyết liệt đuổi những người đưa tiễn thân nhân lùi về ranh giới. Nguyễn Trãi muốn dâng cha một bình nước cuối trước khi chia biệt nhưng hỡi ơi, bình nước mang theo đã cạn!!! Nguyễn Trãi ngửa mặt nhìn trời, khóc rống lên ba tiếng bi thương, lòng thành khẩn khấn nguyện: "Con đê đầu khấn lạy Chư Phật mười phương nếu nước Việt Nam còn cơ hội phục hồi tự chủ, xin ban cho con bầu nước cuối từ đất Việt thân yêu để thay nước mắt tiễn biệt cha già".
Khấn nguyện xong, quá bi phẫn, Nguyễn Trãi dậm mạnh chân xuống đất. Mầu nhiệm thay, tù nền đất khô cứng phun lên nguồn nước mát ngọt trong. Nguyễn Trãi quỳ xụp xuống cảm tạ Chư Phật rồi hứng nước thiêng đó mà dâng cha.
Giòng suối thiêng liêng từ đấy được dân địa phương gọi là Suối Phi Khanh.
Từ khi giòng suối mẹ phun nước nuôi con, mẹ Việt Nam vẫn trôi nổi cùng con dân nước Việt. Mẹ Việt Nam xả thân cùng các con bám chặt lấy đất, sống chết với ruộng vườn thôn xóm. Trải qua bao lần tranh chấp biên giới, các vị vua nước Nam quyết một mất một còn giữ từng tất đất quê mẹ; đặc biệt, hơn 18 lần dưới triều Lý, vua nước Nam đã can trường phá Tống bình Chiêm, không để một tấc đất phương Nam lọt vào tay giặc Tàu phương Bắc.

Ải Chi Lăng Ghi Dấu chiến trường Xưa .
Nằm ở tỉnh Lạng Sơn, ải Chi Lăng là một thung lũng hẹp giữa hai dãy núi, phía Đông là dãy núi đất Bảo Đài – Thái Họa và phía Tây là núi đá Kai Kinh dựng đứng, có sông Thương chảy dọc theo thũng lũng. Xung quanh ải có những ngọn núi thấp như núi Hàm Quỷ, núi Phượng Hoàng, núi Kỳ Lân, núi Mã Yên. Hai đầu thung lũng được đóng lại bởi 2 vòng cung núi đất phía Đông và núi đá phía Tây, ngoài ra còn có lũy Hàm Quỷ phía Bắc và núi Ngõ Thề phía Nam, khoanh kín trong lòng ải Chi Lăng.
Theo các nguồn sử liệu trong nước, năm 1020, vua Lý Thái Tổ cho mở “đại lộ thông quốc” làm con đường đi sứ được thuận tiện, con đường này qua ải Chi Lăng, nơi có núi Hàm Quỷ được gọi là Quỷ Môn Quan.
Sách Đại Nam nhất thống chí có chép rằng: “Cửa quan Quỷ Môn – ở phía nam châu Ôn (Lạng Sơn), thuộc địa phận xã Chi Lăng. Đường ải nhỏ hẹp, đá núi hiểm cao, phía tây gần khe sâu, nước độc không thể uống, hình thế hiểm ác, có đá như đầu ma đầu quỷ, nên đặt tên như vậy.”
Với địa thế hiểm yếu , ải Chi Lăng nhiều lần được chọn làm nơi quyết chiến để tiêu diệt quân xâm lược Tàu - Trung Hoa từ phía bắc.
Tháng 11 năm 1426, quân khởi nghĩa Lam Sơn đại phá quân Minh trong trận Tốt Động – Chúc Động, 5 vạn quân Minh bị diệt, hơn 1 vạn quân bị bắt sống, chưa kể số chạy qua sông Ninh Giang bị chết đuối. Bản thân Vương Thông bị thương. Kế hoạch dùng 10 vạn quân để phản công của Vương Thông bị sụp đổ khiến viên tướng này phải cố thủ trong thành Đông Quan ... sai người đào hào, rắc chông để phòng thủ và viết thư xin cầu viện vua Tuyên Đức (Minh Tuyên Tông) nhà Minh.
Vua Minh nghe lời, sai Liễu Thăng đem quân cứu viện thành Đông Quan và sai Hoàng Phúc đi tòng quân, chia làm 2 đạo quân:Liễu Thăng đi ra cửa Pha Lũy (Lạng Sơn) là chính binh, Mộc Thạnh đi ra cửa Lê Hoa (Tuyên Quang) làm quân ứng cứu cho Liễu Thăng.
Trước nguy cơ hoàn toàn thất bại, và để cứu đạo quân Vương Thông đang bị vây hãm ở Đông Quan, đầu năm 1427 nhà Minh đã quyết định phái sang Việt Nam hai đạo quân cứu viện lớn, một đạo do Liễu Thăng chỉ huy, một đạo do Mộc Thạnh chỉ huy.
Lực lượng quân Minh theo Đại Việt sử ký toàn thư lên đến 15 vạn quân, trong đó đạo của Liễu Thăng gồm 10 vạn, đạo của Mộc Thạnh gồm 5 vạn. Theo Lam Sơn thực lục thì quân cứu viện đông tới 20 vạn. Trong khi đó, theo Minh sử, cánh quân của Liễu Thăng chỉ gồm 7 vạn. Cả hai viên tướng Liễu Thăng và Mộc Thạnh đều đã có kinh nghiệm chinh chiến ở Việt Nam trước đây. Ngoài ra còn có Lương Minh là viên tướng thiện chiến, Lý Khánh và Hoàng Phúc là 2 viên quan cấp Thượng thư làm tham mưu cho Liễu Thăng.
Nghe tin viện binh nhà Minh xâm lấn, tháng 4, năm 1427 Lê Lợi sai Phòng ngự sứ Trần Ban đôn đốc tu sửa ải Lê Hoa. Ban lời dụ cầu người hiền tài, ban 10 điều quân luật cho quân lính, 3 điều răn cho quan văn võ, tuyển chọn tráng đinh bổ sung, phòng thủ nghiêm mật.
Lê Lợi sai các đạo quân Lạng Sơn, Bắc Giang, Tuyên Quang, Tam Đới dọn quang cánh đồng để tránh viện binh của quân Minh, hạ lệnh cho các xứ Lạng Giang, Bắc Giang, Tam Đái, Tuyên Quang, Quy Hóa dời vợ con của quân dân đi xa để tránh viện binh giặc tấn công.
Trận Chi Lăng​ .
Ngày 18, tháng 9, năm 1427 nhà Minh sai Tổng binh Chinh Lỗ tướng quân Thái tử Thái phó An Viễn hầu Liễu Thăng, Tham tướng Bảo Định bá Lương Minh, Đô đốc Thôi Tụ, Binh bộ Thượng thư Lý Khánh, Công bộ Thượng thư Hoàng Phúc, thổ quan Hữu bố chính sứ Nguyễn Đức Huân đem hơn 10 vạn quân và 2 vạn ngựa đánh vào cửa Pha Lũy. Chinh Nam tướng quân Thái phó Kiềm Quốc công Mộc Thạnh, Tham tướng Hưng An bá Từ Hanh, Tân Ninh bá Đàm Trung đem 5 vạn quân và 1 vạn ngựa đánh vào cửa Lê Hoa. Cả hai đều đã tới đầu địa giới Đại Việt.
Lê Lợi họp với các tướng bàn rằng:
"Giặc vốn khinh ta, cho là người nước ta nhút nhát, sợ oai giặc đã lâu, nay nghe tin đại quân sang, hẳn là ta rất hoảng sợ. Huống chi lấy mạnh nạt yếu, lấy nhiều lấn ít đó là lẽ thường. Giặc không thể tính được hình thế được thua của người của mình, không thể hiểu được cơ vi qua lại của thời của vận. Vả lại, quân đi cứu nguy cấp phải lấy mau chóng làm quý, giặc nhất định phải hành quân gấp vội. Binh pháp có nói: Hành quân 500 dặm mà chỉ vội hám lợi thì sẽ què thượng tướng. Nay Liễu Thăng đến, đường xá xa xôi, quân lính tất mỏi mệt. Ta đem quân nhàn khỏe, đợi đánh quân mỏi mệt, nhất định sẽ thắng "
(Đại Việt sử ký toàn thư)
Lê Lợi sai Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Lê Lãnh, Đinh Liệt, Lê Thụ ... đem 1 vạn quân tinh nhuệ, 5 thớt voi, bí mật mai phục trước ở ải Chi Lăng để đợi quân Minh.
Quân Minh tiến đến cửa Pha Lũy, Trần Lựu giữ cửa Pha Lũy, thấy quân Minh đến, lui giữ cửa ải Lưu . Quân Minh tiến đánh, Trần Lựu lại bỏ cửa Ải Lưu lui về đóng ở Chi Lăng, Liễu Thăng thừa thắng đuổi theo, đi đến đâu cũng không ai dám kháng cự, càng tỏ ra mặt kiêu ngạo.
Lê Lợi lại sai người đến quân môn của Liễu Thăng xin lập Trần Cảo, Liễu Thăng nhận thư không thèm mở xem, cứ dẫn quân thẳng tiến. Trần Dong nói với Lý Khánh rằng: Chí của Thống binh kiêu lắm rồi, quân địch quyệt trá lắm, biết đâu chúng không làm ra thế yếu để dử ta; huống chi trong sắc thư dặn rằng Lê Lợi chỉ chuyên dùng cách mai phục mà thắng, ta không nên khinh địch, Lý Khánh bảo với Liễu Thăng, Liễu Thăng không hề để ý.
Ngày 20 tháng 9 (10/10 dương lịch), quân Minh đánh ải Chi Lăng. Lê Sát, Lưu Nhân Chú mật sai Trần Lựu ra đánh rồi vờ thua chạy. Liễu Thăng đốc suất đại quân đuổi theo. Đến chỗ có phục binh, Lê Sát, Lưu Nhân Chú tung hết quân mai phục, bốn mặt đều nổi dậy xông vào đánh. Liễu Thăng bị chém ở núi Mã Yên rồi bị quân Lam Sơn phóng lao đâm chết, hơn 1 vạn quân Minh bị giết.
CUỘC XÂM LĂNG BIÊN GIỚI PHÍA BẮC CỦA GIẶC TRUNG QUỐC NGÀY 17-2-1979 ĐẾN 18-3-1979 KHU VỰC ĐỒNG ĐĂNG TỈNH LẠNG SƠN .
" Đồng Đăng có phố Kỳ Lừa ,
Có nàng Tô Thị , có chùa Tam Thanh "
5 giờ sáng ngày 17 tháng 2 năm 1979, lực lượng bộ binh Trung quốc bắt đầu tiến vào Việt Nam trên toàn tuyến biên giới, mở đầu là pháo, tiếp theo là xe tăng và bộ binh.
Tổng cộng quân Trung quốc xâm nhập Việt Nam trên 26 điểm, các khu vực dân cư Việt Nam chịu thiệt hại nặng nhất từ đợt tấn công đầu tiên này là Lào Cai, Mường Khương, Cao Bằng, Lạng Sơn và Móng Cái.
Trong ngày đầu của cuộc chiến, chiến thuật dùng biển lửa và biển người của Trung quốc đã có kết quả , bọn chúng tiến được vào sâu trong lãnh thổ Việt Nam hơn 10 dặm và chiếm được một số thị trấn. Chiến sự ác liệt nhất diễn ra tại các vùng Bát Xát, Mường Khương ở Tây bắc và Đồng Đăng, cửa Nam Quan , Thông Nông ở đông bắc. Quân Trung quốc cũng đã vượt sông Hồng và đánh mạnh về phía Lào Cai.
Trong hai ngày 18 và 19 tháng 2, chiến sự lan rộng hơn. Quân đội Việt Nam kháng cự rất mạnh và với tinh thần chiến đấu cao. Quân Trung quốc hầu như không thể sử dụng lực lượng ở mức sư đoàn mà phải dùng đội hình nhỏ và thay đổi chiến thuật. Quân xâm lược Trung quốc tiến chậm chạp, giành giật từng đường hầm, từng điểm cao, và cuối cùng chiếm được Mường Khương, Trùng Khánh, và Đồng Đăng.
Tại Móng Cái, hai bên giành giật dai dẳng. Cả hai bên đều phải chịu thương vong cao, có ít nhất 4.000 lính Trung quốc chết trong hai ngày đầu này. Sau hai ngày chiến tranh, quân Trung quốc đã chiếm được 11 làng mạc và thị trấn, đồng thời bao vây Đồng Đăng, thị trấn có vị trí then chốt trên đường biên giới Trung quốc - Việt Nam.
Trận chiến tại Đồng Đăng 14 Km phía Đông bắc thị xã Lạng Sơn :
Bắt đầu ngay từ ngày 17 và là trận ác liệt nhất. Đây là trận địa phòng thủ của Trung đoàn 12 Tây Sơn, Sư đoàn 3 Sao Vàng (Quân đội Việt Nam CS) Tấn công vào Đồng Đăng là 2 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng và chi viện của 6 trung đoàn pháo binh Trung quốc. Cụm điểm tựa Thẩm Mò , Pháo Đài, 339 tạo thế chân kiềng bảo vệ phía Tây nam thị trấn Đồng Đăng, do lực lượng của hai Tiểu đoàn 4 và 6, Trung đoàn 12 trấn giữ, bị Trung quốc bao vây và tấn công dồn dập ngay từ đầu với lực lượng cấp sư đoàn. Lực lượng phòng thủ không được chi viện nhưng đã chiến đấu đến những người cuối cùng, trụ được cho đến ngày 22.
Ngày cuối cùng tại Pháo Đài, nơi có hệ thống phòng thủ kiên cố nhất, không gọi được quân đội Việt Nam đầu hàng, quân Trung quốc chở bộc phá tới đánh sập cửa chính, dùng súng phun lửa, thả lựu đạn, bắn đạn hóa chất độc vào các lỗ thông hơi làm thiệt mạng hầu hết thương binh cũng như dân quanh vùng đến đây lánh nạn.
Trong trận Đồng Đăng, Trung quốc thương vong 2.220 lính (trong đó 531 chết). Về phía Việt Nam, trong số 700 bộ đội, dân quân và công an biên phòng tại pháo đài Đồng Đăng, chỉ có sáu người sống sót.

CHIẾN TRANH BIÊN GIỚI PHÍA BẮC VIỆT NAM NĂM 1979 .
Ngày thứ bảy 17-2-1979, lúc 3 giờ 30 sáng, khi vạn vật, chim chóc và con người đang chuẩn bị cho một ngày sống mới, thì 600.000 quân Tàu, tiền pháo hậu xung, ào ạt mở cuộc xâm lăng đại quy mô vào Việt Nam, trên vùng biên giới từ Lai Châu tới Móng Cáy. Thế là tình nghĩa vô sản quốc tế trong sáng giữa hai nước, đã trở thành hận thù thiên cổ. Những địa danh Cao Bằng, Lạng Sơn, Đồng Khê, Thất Khê.. lại đi vào những trang Việt sử đẫm máu, của Việt Nam chống xâm lăng Tàu.
Để tấn công Việt Nam, Trung cộng đã huy động nhiều quân đoàn từ nhiều quân khu khác nhau, gồm quân đoàn 13,14 tấn công Lai Châu-Lào Kay. Hai QĐ 41,42 tân công Cao Bằng. Riêng mạn Lạng Sơn, Quảng Yên, Hải Ninh thi giao cho quân đoàn 43,54,55. Tất cả do Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí chỉ huy trong mấy ngày đầu.
Về phía Việt Nam , một phần vì sự chủ quan tại Bắc bộ Phủ. Phần khác do quá tin tưởng sự liên minh quân sự với Nga Sô (LX) . Nên gần như sử dụng gần hết các đơn vị chính quy tại mặt trận Kampuchia. Bởi vậy ngay khi cuộc chiến bắt đầu, trong lúc quân Trung cộng đông đảo lên tới 150.000 chính quy, thì việc phòng thủ miền bắc, nhất là thủ đô Hà Nội, được giao cho các Sư Đoàn 308,312,390 của quân khu I. Nói chung, trong cuộc chiến đấu với Trung cộng tại biến giới, chỉ có các sư đoàn chủ lực của quân khu tham dự như Sư đoàn 3,327, 337, Tây Sơn ( mặt trận Lạng Sơn). Sư đoàn 567, B46, Sư đoàn Pháo binh 66 (mặt trận Cao Bằng). Các tuyến từ Hà Giang tới Lai Châu, do các Sư đoàn 316,345, Đoàn B68, M63, các trung đoàn chủ lực tỉnh, huyện đội, công an biên phòng. Sau đó khi thấy tình hình quá nguy ngập, Hà Nội mới gấp rút điều động các trung đoàn từ các tỉnh trung châu, cùng với các sư đoàn chủ lực của quân khu II và IV từ Kampuchia về tiếp viện.
Cuộc chiến thật đẫm máu ngay từ giờ phút đầu. Quân Tàu dùng chiến thuật cổ điển thí quân với tiền pháo hậu xung, bằng các loại hỏa tiễn 122 ly và đại bác nòng dài 130 ly, với nhịp độ tác xạ 1 giây, 1 trái đạn. Sau đó Hồng quân tràn qua biên giới như nước lũ từ trên cao đổ xuống. Tuy nhiên khắp nơi, Trung cộng đã gặp phải sức kháng cự mãnh liệt của Việt Nam, một phần nhờ địa thế phòng thủ hiểm trở, phần khác là sự yểm trợ hùng hậu của pháo binh các loại, gây cho giặc Tàu nhiều tổn thất về nhân mạng tại Lạng Sơn và Cao Bằng.
Sau khi kiểm soát toàn bộ miền Nam Việt Nam 30-4-1975 và tiếp thu Tổng kho Long Bình (Biên Hòa) , cộng sản HCM tịch thu 3 quả bom CBU.82 của Quân Lực VNCH nhưng không có đầu kích Nổ (WarHead) .
Trong cuộc chiến tranh biên giới từ ngày 17/2/1979 Trung quốc xâm lăng phía bắc , cộng sản HCM đã chở 3 quả CBU này lên khu vực biên giới bằng ba xe Molotova và dùng thuốc nổ TNT ốp sát phần đầu nổ cho kích nổ cho 3 quả CBU.82 theo kiểu đánh mìn Land Mine tại Lạng Sơn và Cao Bằng .
Quân xâm lược Trung quốc đã bị thiệt hại đẫm máu cấp sư đoàn và phải rút lui không dám tiến sâu hơn vào nội địa Việt Nam vì thấm đòn .
Điểm thọc sâu nhất của quân xâm lăng Trung cộng là 40Km phía bắc, cách thị xã Yên Bái .
Ngày 18/3/1979 , quân Trung cộng xâm lược đơn phương rút lui, sau khi tàn sát và đốt phá các thị trấn dọc biên giới phía bắc Việt Nam .
Do bị thiệt hại nặng nề trước sức kháng cự mãnh liệt của toàn thể Dân tộc Việt Nam và sức công phá dữ dội của ba quả Bom CBU.82 còn lại của Quân Lực VNCH .
Sự thất bại trong những ngày đầu, khiến Đặng giao chỉ huy mặt trận cho Dương Đắc Chí, đồng thời cũng thay đổi chiến thuật, dùng tăng pháo mở đường và bộ binh tùng thiết. Do quân Tàu quá đông, nên sau 10 ngày cầm cự, bốn thị xã Lai Châu, Lào Kay, Hà Giang, Cao Bằng lần lượt bị thất thủ. Riêng tại thị xã Lạng Sơn, Trung cộng tung vào chiến trường tới sáu sư đoàn chính quy 127,129, 160,161, 163,164 cùng hằng trăm thiết giáp và đại pháo từ khắp nới bắn vào yểm trợ. Phía Việt Nam có quân đoàn 14 gồm các sư đoàn 3,327,338,347,337 và 308. Trong lúc đó hai sư đoàn chính quy 304 và 325 từ Kampuchia, cũng đựợc không vận và di chuyển bằng xe lửa, tới Lạng Sơn tiếp viện. Nhưng cuối cùng Lạng Sơn cũng bị thất thủ đêm 4-3-1979. Sau đó giặc Tàu dùng mìn, bom phá nát hết các thành phố, thị xã tạm chiếm, kể cả hang Pắc Pó, suối Lê Nin và núi Các-Mác mà Hồ Chí Minh từng tạm trú, trước khi về Hà Nội cướp chính quyền vào tháng 9-1945. Ngày 16-3-1979, Đặng Tiểu Bình ra lệnh rút quân về nước.
Tóm lại sau 16 ngày giao tranh đẫm máu, Trung cộng cũng như Khmer đỏ, tàn phá tất cả tài sản của dân chúng, bắn giết tận tuyệt người Việt Nam, san bằng các tỉnh biên giới, mà suốt cuộc chến Đông Dương lần II (1960-1975), gọi là vùng an toàn. Đã có hằng trăm ngàn vừa dân vừa lính của cả hai phía thương vong. Tại miền bắc, hằng triệu dân chúng phải phân ly. Nhà cửa, vườn ruộng, của cải vật chất, đền đài, miếu võ, nhà thờ, di tích tổ tiên bao đời để lại.. đều vì CS gây chiến tranh, mà tan tành theo cát bụi.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn