SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : NHỮNG DÒNG SÔNG , CON SUỐI BIÊN GIỚI - SÔNG BẮC LUÂN NƠI ĐỊNH HÌNH LÃNH THỔ VIỆT NAM . (Phần 1 of 4)

12 Tháng Chín 20229:22 CH(Xem: 1035)
TỪ SÔNG DƯƠNG HÀ (AN NAM GIANG) ĐẾN SÔNG BẮC LUÂN (KA LONG).
Bán đảo Bạch Long Vĩ (đuôi rồng trắng) là tên gọi Việt Nam của một bán đảo dạng mũi đất ở bờ biển phía bắc vịnh Bắc Việt nhô ra vịnh này, vốn khoảng trước thế kỷ XX thuộc lãnh thổ Việt Nam và từng là vùng tận cùng, kề cửa sông An Nam Giang là biên giới đất liền và biển đảo nước Việt Nam theo hướng đông bắc giáp với tỉnh Quảng Châu nước Trung Hoa.
Bán đảo Bạch Long Vĩ có hình dạng thuôn dài, to ở phía đông bắc phía đất liền, chạy dài nhỏ dần theo hướng Bắc Đông Băc-Nam Tây Nam theo góc phương vị so với đường kinh tuyến khoảng 30°-45°, hơi cong vồng về phía đông, như hình ngà voi, với điểm mũi đất cực nam của bán đảo có tọa độ địa lý là (21°29'57.49" vĩ độ bắc, 108°13'3.40" kinh độ đông).
Trong các bản đổ cổ của phương Tây từ thế kỷ XIX trở về trước, có vẽ về khu vực vịnh Bắc Việt, thì bán đảo Bạch Long Vĩ có tên là Cap Pak-lung, với "cap" là mũi đất và "Pak-lung" là phiên âm La-tin của từ Bạch Long. Bán đảo Bạch Long Vĩ ngày nay nằm sâu trong lãnh thổ Trung quốc với tên gọi là Bạch Long bán đảo (白龍半島). Mũi Bạch Long Vĩ nay thuộc địa bàn hương Giang Sơn , quận Phòng Thành , Phòng Thành Cảng tỉnh Quảng Tây Trung quốc.
Do có hình dạng mũi đất chạy thuôn dài như đuôi động vật nên người Việt xưa, theo cách giống như việc đặt tên cho các thực thể địa lý ven bờ vịnh Bắc Việt khác nhưː Hạ Long, Bái Tử Long,..., đã gắn tên gọi mũi đất này là "đuôi rồng trắng" (một loài vật huyền thoại, là biểu tượng linh vật của người Việt và một số dân tộc Á đông).
Tên gọi Bạch Long Vĩ của bán đảo này có lịch sử lâu đời hơn tên gọi của đảo cùng tên nằm ở giữa vịnh Bắc Việt là đảo Bạch Long Vĩ, mới được đặt vào năm 1937 (thế kỷ XX). Trong các bản đồ cổ của phương Tây từ thế kỷ XIX về trước thì đảo Bạch Long Vĩ ngày nay lại có tên là Nightingale Island (đảo chim Dạ Oanh hay chim Họa Mi), còn tên Việt Nam xưa là đảo Vô Thủy .
Công ước Pháp Thanh 1887 cắt cho nhà Thanh mũi Bạch Long hay mũi Bạch Long Vĩ (Paklung) thuộc xã An Lương, cùng các làng Mễ Sơn , Vạn Vĩ , Mi Sơn tổng Hà Môn phủ Hải Ninh trên bản đồ năm 1888.
Từ đó , biên giới Việt-Hoa chuyển xuống phía nam, tới cửa sông Bắc Luân (sông Ka Long) ở Hải Ninh (Móng Cái).
Dãy núi Nam Châu Lãnh :
Vùng núi ở biên giới đông bắc Việt Nam, phía tây giáp sông Tiên Yên, phía nam là đồng bằng ven biển Đầm Hà - Hà Cối, phía đông là sông Ka Long - sông Bắc Luân , phía bắc là đường biên giới Việt - Hoa đồng thời dính liền với dãy núi Thập Vạn Đại Sơn của Trung quốc.
Cấu tạo chủ yếu bởi đá phun trào riolit. Diện tích khoảng 875 Km2, cao trung bình 1.000M. Các đỉnh: Nam Châu Lãnh (1.506M), Cao Xiêm (1.330M).
Sông Bắc Luân - Sông Ka Long (Móng Cái - Quảng Ninh):
Khu vực cửa sông Bắc Luân (Ka Long) năm 1888. Công ước năm 1887 giữa Pháp và Nhà Thanh lấy cửa sông này làm đường biên giới.
Sông Ka Long là sông chảy ở vùng biên giới giữa tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam và tỉnh Quảng Tây, Trung quốc. Một đoạn dài của sông là ranh giới tự nhiên cho đường biên giới Việt Nam - Trung Hoa .
Tại Trung quốc sông còn được gọi là BeiLun He là con sông tại khu vực biên giới giữa Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) và Đông Hưng ,Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Trung quốc. Tuy nhiên theo các bản đồ của Việt Nam thì quan niệm về dòng chảy của sông Ka Long - sông Bắc Luân không hoàn toàn trùng khớp với quan niệm của Trung quốc .
Dòng chảy​ :
Theo bản đồ của Việt Nam , sông Ka Long bắt nguồn từ rìa bắc xã Quảng Đức, Hải Hà 21°36′36″B 107°41′2″Đ, phía tây cửa khẩu Bắc Phong Sinh cỡ 5 Km, chảy uốn lượn về hướng đông đông bắc. Đoạn sông này dài cỡ 16 Km.
Đến "bãi Chắn Coóng Pha" ở bản Thán Phún xã Hải Sơn, Móng Cái 21°39′34″B 107°48′24″Đ, sông hợp lưu với BeiLun He bên Trung quốc, và đổi hướng chảy về đông, sau đó đông nam đến nội thị của Móng Cái. Toàn bộ đoạn sông nói trên là ranh giới tự nhiên cho đường biên giới Việt Nam - Trung Hoa.
Đến ranh giới Móng Cái thì sông chia nhánh 21°32′13″B 107°57′58″Đ:
Dòng Ka Long chảy trong đất Việt theo hướng Nam xuyên qua Móng Cái ra biển ở nơi giáp ranh giữa xã Hải Xuân và xã Vạn Ninh.
Chi lưu là dòng sông Bắc Luân chảy theo hướng đông, tiếp tục là đường biên giới Việt Nam - Trung Hoa, đi qua rìa phía đông bắc Hải Hòa, dọc theo rạch Tục Lãm và đổ ra Biển Đông ở cửa Bắc Luân .
Bên phía Trung quốc coi BeiLun He bắt nguồn từ khu vực Thập Vạn Đại Sơn 21°45′3″B 107°45′31″Đ ở Phòng Thành, Trung quốc, chảy theo hướng đông nam tới vùng "bãi Chắn Coóng Pha". Từ đây sông là ranh giới tự nhiên cho đường biên giới Việt Nam - Trung Hoa đến cửa Bắc Luân . Sông có tổng chiều dài 109 Km, trong đó đoạn tạo thành biên giới là 60 Km .
Ngoài ra , sông Bắc Luân còn nhận nước từ dãy núi Nam Châu Lãnh là một vùng núi biên giới đông bắc Việt Nam, phía tây giáp sông Tiên Yên, phía nam là đồng bằng ven biển Đầm Hà - Hà Cối và tiếp nối với Cánh cung Đông Triều về phía Nam .
DẤU LỬA BINH NƠI ĐỊA ĐẦU BIÊN GIỚI : TRẬN VÂN ĐỒN 1288 VÀ DANH TƯỚNG TRẦN KHÁNH DƯ .

Với quyết tâm đè bẹp Đại Việt, cuộc xuất quân lần thứ ba được nhà Nguyên Mông tiến hành ngay sau khi cuộc viễn chinh thứ hai vừa chấm dứt (cuối năm 1285).
Vua Nguyên đình chỉ cuộc xâm lược Nhật Bản để tập trung binh lực cho cuộc đánh chiếm Đại Việt lần này.
Toàn bộ quân viễn chinh lần thứ ba lại đặt dưới quyền thống lãnh của thân vương Thoát Hoan với tước hiệu Trấn Nam Vương như cũ. Hành động khởi đầu của vua Nguyên là cấp cho quân của Thoát Hoan 4.000 con ngựa.
Tháng 2/1287, việc xâm lược Đại Việt được thành lập với tên gọi “Chinh Giao Chỉ hành thượng thư tỉnh”.
Áo Lỗ Xích được cử làm Bình chương chính sự, A Bát Xích và viên tướng Tống đầu hàng Trình Bằng Phi là Hữu thừa; A-lý làm Tả thừa; Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp làm Tham tri chính sự. Tất cả đều dưới quyền chỉ huy của Thoát Hoan.
Tháng 12/1287, với số quân khoảng 50 vạn, quân Mông Nguyên chia làm ba đạo tiến vào nước ta theo ba hướng.
Khác với các cuộc tiến công trước, trong lần tiến công này, cùng với hai mũi tiến theo đường bộ từ Quảng Tây và Vân Nam, lần này quân Mông Nguyên lập thêm một mũi tiến công bằng thủy binh gồm 600 chiến thuyền do Ô Mã Nhi, một “dũng sĩ quen thủy chiến” cùng Phàn Tiếp, Trương Ngọc thống lĩnh xuất phát từ Khâm Châu vượt biển tiến vào nước ta theo đường sông Bạch Đằng.
Huy động quân đông để tăng cường sức mạnh, song quân càng nhiều thì việc tiếp tế lương thực là điều không dễ, nhất là chiến trường xa và đi lại hiểm trở như Đại Việt.
Bài học cho quân Mông Nguyên trong những lần xâm lược trước chính là lương ăn.
Mặc dù, đã tiến được vào Thăng Long, kinh đô của Đại Việt nhưng chúng không thể chiếm đóng được lâu dài do quân dân nhà Trần đã thực hiện kế hoạch “thanh dã” khiến quân xâm lược lâm vào tình trạng thiếu đói không còn đủ sức chống lại các cuộc tập kích của quân Đại Việt .
Do vậy, vấn đề lương thảo đặc biệt được quân Mông Nguyên chú trọng trong cuộc tiến quân lần này.
Không thể huy động một lực lượng với hàng chục vạn dân phu gánh gạo theo quân, vả lại biện pháp này đã được thực thi ở các cuộc xâm lược trước nhưng không mang lại hiệu quả cao.
Trong cuộc xuất quân lần này, Hốt Tất Liệt quyết định tải lương bằng đường biển. Vì thế trong hướng tiến công bằng đường biển của quân Mông Nguyên, bên cạnh đạo thủy binh có cả một đoàn thuyền lương.
Đây là một thủ đoạn mới của quân Mông Nguyên vốn chỉ mạnh về kỵ binh nhằm có thể đánh mạnh và chắc thắng ở Đại Việt.
Đoàn thuyền lương của quân Mông Nguyên do Trương Văn Hổ chỉ huy gồm 70 chiếc thuyền chở 170.000 thạch lương, được đoàn thuyền chiến của Ô Mã Nhi đi trước hộ tống, từ Khâm Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) theo đường biển đông bắc tiến vào Đại Việt.
Ngày 17/12/1287, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Ô Mã Nhi, Phàn Tiếp đạo thủy binh và thuyền lương được lệnh xuất phát.
Trọng trách của đạo thủy binh này không chỉ là tiến quân mà phải đưa bằng được đoàn thuyền vận tải lương thực về đến Vạn Kiếp, nơi quân Mông Nguyên đang muốn xây dựng thành một căn cứ quân sự lớn, lấy đó làm nơi xuất phát các cuộc tiến công tiêu diệt quân Trần Đại Việt .
Nếu số lương thực được chuyển đến an toàn thì quân Mông Nguyên yên tâm về mặt hậu cần, không phải lo cướp lương ăn như những lần xâm lược trước.
Quân ta vừa tổ chức chặn đánh kiềm chế, tiêu hao sinh lực địch trên các tuyến đường bộ ở biên giới phía bắc vừa tập trung lực lượng tăng cường phòng thủ đường biển.
Một lực lượng thủy binh mạnh được bố trí trên vùng biển đông bắc, một vùng địa bàn chiến lược trọng yếu nhằm tiêu diệt thủy quân và phá hủy lương thực của giặc.
Nhân Huệ Vương Trần Khánh Dư, một trong những viên tướng dũng mãnh của nhà Trần được phong làm phó tướng, chỉ huy đánh giặc ở đây.
Vùng biển đông bắc là trọng yếu .
Khi thủy binh của quân Nguyên đi vào vùng biển nước ta, chúng bị thủy binh Đại Việt chặn đánh ở Ngọc Sơn (Mũi Ngọc, Móng Cái), nhưng đoàn thuyền của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp vẫn tiến được vào cửa An Bang (Quảng Yên).
Thủy quân Đại Việt giao chiến với binh thuyền giặc nhưng không đủ sức tiêu diệt chúng: “Khi ấy, thủy quân nhà Mông Nguyên đánh Vân Đồn. Hưng Đạo Vương giao hết công việc ở biên thùy cho Vân Đồn phó tướng là Nhân Huệ Vương Khánh Dư - Khánh Dư đánh nhau với giặc bị thua” .
Thừa thắng Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp theo sông Bạch Đằng vội tiến về Vạn Kiếp để nhanh chóng hội quân với Thoát Hoan theo như kế hoạch đã định, bỏ lại phía sau đoàn thuyền vận lương nặng nề của Trương Văn Hổ.
Ô Mã Nhi cho rằng thủy quân Đại Việt đã thất bại, đường tiến quân của chúng không có gì trở ngại, vì vậy y đốc thúc quân lính tiến thẳng không phải hộ tống đoàn thuyền lương. Sai lầm này của Ô Mã Nhi đã bị Trần Khánh Dư phát hiện.
Không ngăn được thủy binh quân Nguyên, Trần Khánh Dư và quân tướng của ông chưa hoàn thành được nhiệm vụ trọng yếu triều đình giao cho.
Được tin thủy quân Đại Việt không thắng giặc, Thượng hoàng Trần Thánh Tông nổi giận, lập tức cho Trung sứ tới Vân Đồn triệu Khánh Dư về kinh đô trị tội cho dù Khánh Dư là thân vương rất được trọng dụng. Nhưng “quân pháp vô thân”, nhà Trần thực hiện rất nghiêm về kỷ luật quân đội.
Trần Khánh Dư biết rất rõ tội của mình, ông xin với Trung sứ: “Lấy quân luật mà xử, tôi xin chịu tội, nhưng xin hoãn cho vài ba ngày, để tôi lập công chuộc tội, rồi sẽ chịu búa rìu cũng chưa muộn” .
Mặc dù không đánh bại được thủy binh Mông Nguyên nhưng Trần Khánh Dư vẫn nhận thấy ông còn có cơ hội lập công.
Giặc vẫn còn ở phía sau, các thuyền lương và một bộ phận thủy quân đi với thuyền lương của chúng chưa tới.
Hướng đòn tiến công vào đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ là sự táo tạo của Trần Khánh Dư.
Diệt được đoàn thuyền lương là cắt được dạ dày của giặc, sẽ làm rúng động thế trận của quân Nguyên, khiến kế hoạch của chúng sẽ bị đảo lộn.
Sau khi vượt qua được những cuộc chặn đánh ở Ngọc Sơn, Vân Đồn, Ô Mã Nhi thừa thắng thúc quân thúc quân tiến về Vạn Kiếp.
Say sưa với thắng lợi ban đầu, Ô Mã Nhi quên đi một nhiệm vụ quan trọng mà y đảm nhận: Hộ tống đoàn thuyền lương. Sai lầm của Ô Mã Nhi tạo thời cơ và điều kiện thuận lợi thủy binh của Đại Việt tiêu diệt đoàn thuyền lương của Trương Văn Hổ.
Mặc dù vừa thua trận nhưng Trần Khánh Dư vẫn đủ tỉnh táo, kịp thời phát hiện sai lầm của Ô Mã Nhi.
Ông nhanh chóng chấn chỉnh lực lượng, tổ chức chặn đánh đoàn thuyền lương, tuy thời gian rất ngắn nhưng ông đã kịp thời dàn trận chờ giặc tới để tiêu diệt.
Trần Khánh Dư tổ chức trận địa phục kích tại Vân Đồn (Cẩm Phả) và Cửa Lục (Hòn Gai), theo trình tự mạnh dần về phía Cửa Lục.
Quân Đại Việt có nhiều lợi thế: thủy binh nhà Trần là những đội quân tinh nhuệ, có tinh thần quyết chiến cao, đã có kinh nghiệm đánh thủy binh Nguyên.
Đoàn thuyền lương của Trương Văn Hỗ chở nặng, đi chậm, không có đạo thủy binh của Ô Mã Nhi hộ tống, sức chiến đấu bị hạn chế.
Tháng 12 âm lịch (5/1 đến 2/2/1288), yên chí có quân của Ô Mã Nhi đi trước dọn đường, Trương Văn Hỗ cho đoàn thuyền chở nặng lương thực và khí giới chậm chạp tiến vào Hạ Long, chúng không ngờ bị rơi vào trận địa phục kích của quân Đại Việt.
Khi quân giặc vừa tới Vân Đồn, thủy binh của ta từ các vị trí yểm sẵn bất ngờ xông ra tiến công mãnh liệt.
Trương Văn Hổ cùng quân lính ra sức chống đỡ và cố thúc đoàn thuyền tiến vào đất liền nhưng bị quân Đại Việt liên tục tiến công.
Giặc bị chặn đánh trên chặng đường dài hàng chục ki-lô-mét, đến Cửa Lục (Hòn Gai) thủy binh của Đại Việt đổ ra đánh càng đông, quân giặc không chống đỡ nổi, phần bị đắm thuyền, phần bị quân ta tiêu diệt, chúng phải đổ cả thóc xuống biển hòng thoát thân nhưng không thể, phần lớn số quân bị tiêu diệt.
Trương Văn Hổ may mắn thoát chết chạy về Quỳnh Châu (Hải Nam, Trung quốc) trên một chiếc thuyền.
Toàn bộ số lương thảo của giặc bị nhấn chìm. Quân ta toàn thắng. Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Khánh Dư đánh, giặc bị thua, bắt được lương thực khí giới của giặc không xiết kể, bắt sống quân giặc rất nhiều” .
Tin thắng trận lập tức được báo về triều đình, Thượng hoàng tha tội trước không hỏi đến, Trần Khánh Dư và quân của ông đã chuộc được tội trước đây để cho thủy quân của Ô Mã Nhi qua được Vân Đồn.
Nhằm làm cho quân Nguyên chóng “ngã lòng”, vua Trần ra lệnh thả những quân lính bị bắt trong trận Vân Đồn về doanh trại, để chúng báo tin cho chủ tướng.
Trong khi đó tại Thăng Long, đại quân Mông Nguyên đã hội đủ mà thuyền lương chưa đến, việc thiếu lương ăn đã thành nguy cơ cấp bách.
Chờ mãi không thấy đoàn thuyền lương tới, Thoát Hoan sai Ô Mã Nhi đem thủy quân ra biển đón đoàn thuyền của Trương Văn Hổ, khi đến An Bang thì mọi hy vọng về đoàn thuyền lương của chúng bị tiêu tan.
17 vạn thạch lương đã bị chìm ở Vân Đồn, còn Trương Văn Hổ đã cao chạy xa bay, Ô Mã Nhi đành phải cho quân quay về Thăng Long.
Chiến thắng Vân Đồn có tầm quan trọng rất lớn đối với toàn bộ cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ ba, làm thất bại ngay từ đầu kế hoạch hậu cần của quân Mông Nguyên, đẩy chúng vào khó khăn không thể khắc phục nổi về mặt lương thảo.
Đây là đòn vào chỗ hiểm của đối phương. Một lần nữa đội quân của Thoát Hoan lâm vào tình trạng thiếu đói phải cướp lương thực để sống, khó có thể tiếp tục chiến tranh.
Đó là một nguyên nhân đẩy nhanh quân xâm lược đến thất bại. Kế hoạch hậu cần mà triều đình Nguyên Mông dày công chuẩn bị đã tan thành mây khói.
Với kinh nghiệm của một đội thủy binh đã từng xông pha nhiều chiến trận, dưới sự chỉ huy của một danh tướng tài ba, quân Trần đã nhử được giặc vào sâu trong trận địa để rồi tung ra một lực lượng mạnh đánh áp đảo khiến kẻ thù phải thất trận hoàn toàn.
Chiến thắng Vân Đồn đầu năm 1288 là một chiến công lớn trong cuộc kháng chiến chống quân Mông Nguyên lần thứ ba của quân dân Đại Việt, là lưỡi dao cắt toàn bộ dạ dày của quân Mông Nguyên xâm lược, tạo ra tiền đề cho thắng lợi của Đại Việt, góp phần quan trọng đẩy nhanh cuộc rút quân của đạo quân xâm lược nhà Mông Nguyên.
Danh tướng Trần Khánh Dư, người chỉ huy trận Vân Đồn lịch sử, ông thuộc dòng dõi hoàng tộc nhà Trần, cha là Thượng tướng quân Trần Phó Duyệt, được triều đình phong ấp ở Chí Linh (Hải Dương). Thời trẻ, ông ham học võ nghệ, giỏi binh thư. Vua Trần Thánh Tông nhận ông làm con nuôi.
Do có việc trái ý, ông bị vua Trần cách chức, tịch thu hết tài sản, đuổi về quê ở Chí Linh. Đã có lúc, ông phải làm nghề đốt than để sinh sống, truyền rằng ông có làm bài thơ “Người bán than” để tự vịnh.
Năm 1282, trước nguy cơ xâm lược của nhà Nguyên Mông , vua Trần lên vùng quê ông, gọi ông về họp ở Bình Than (Hải Dương) bàn việc chống giặc.
Nhờ công lao trong cuộc kháng chiến chống Mông Nguyên lần thứ hai, từ cuối năm 1287 ông được cử chỉ huy đạo quân phòng ngự giữ vùng biển Đông Bắc, đóng doanh trại ở Vân Đồn (Quảng Ninh).
Chiến thắng Vân Đồn đầu năm 1288 đã đẩy quân Mông Nguyên vào thế cùng quẫn, phải tìm cách rút về.
Tháng 4/1288, chiến thắng Bạch Đằng đã kết thúc cuộc xâm lược của quân Nguyên.
Ngày toàn thắng, Trần Khánh Dư được phong Phiêu kỵ thượng tướng quân, một chức chỉ dành cho các hoàng tử, tước Nhân Huệ Vương.
Khi Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn biên soạn xong bộ Binh thư yếu lược, Trần Khánh Dư vinh dự được viết lời tựa.
Trần Khánh Dư là vị tướng giỏi, lập nhiều công, trải thờ ba đời vua, khi mất được truy phong Đại Vương.

MÓNG CÁI 1978 SỰ VỤ NẠN KIỀU "GỐC HOA" GÂY RỐI LOẠN TRÊN CẦU BẮC LUÂN .
Năm 1978, CSHCM Hà Nội sau khi bị Trung cộng tố cáo là vong ơn bạc nghĩa, kể cả sự phanh phui Võ Nguyên Giáp không phải là người chỉ huy mặt trận Điện Biên Phủ năm 1954. Để trả đũa, CSHCM cho phổ biến bạch thư, nói về quan hệ Việt-Trung trong 30 năm qua, đồng thời tố cáo Hoa Kiều trong nước là gián điệp, tay sai của Trung Cộng chống lại VN. Tiếp theo CSHCM xua quân tấn công tiêu diệt Polpot và Khmer đỏ , vốn là đàn em chư hầu của Tàu, khiến cho dầu được đổ thêm vào lửa chiến tranh giữa hai nước, chỉ chờ bùng nổ.
Tại miền Nam, ngày 24-3-1978 bắt đầu đánh tư bản. Hằng ngàn công an, bộ đội và nam nữ thanh niên xung phong đeo băng đỏ trên tay, rải khắp các đường phố Sài Gòn-Chợ Lớn, Gia Định, xông vào các hãng xường, nhà buôn, tư gia.. những người có máu mặt Hoa lẫn Việt, để lục lọi, vơ vét , soi xét , khám tịch thu tiền bạc, đô la, vàng ngọc, hàng hóa và tất cả tài sản riêng tư của dân chúng, những ai bị đảng CSHCM kết tội là mại bản.
Theo tài liệu được bật mí, chỉ riêng mẻ lưới trên, CSHCM Hà Nội đã vơ vét tận kiệt của cải người giàu Sài Gòn , của cả người Việt miền Nam và lẫn người gốc Hoa .
Ngày 3-5-1978, cả nước lại được đổi tiền lần thứ ba, khiến đồng bào trước sau trở thành vô sản chuyên chính.
Ở miền bắc, hằng ngàn Hoa Kiều bị trục xuất về nước do nghe theo lời xúi giục trở về Trung quốc của Đặng Tiểu Bình , gây ra cảnh ứ đọng , rối loạn trên cầu Bắc Luân của thị xã Móng Cái . Trong nam, hằng vạn người Hoa trắng tay, tiêu tan sản nghiệp, bị đầy ải lên vùng kinh tế mới tận Bình-Phước Long, Bình Tuy, Long Khánh, Bà Rịa.
Để trả đũa, Trung cộng ngưng hẳn 72 công trình xây dựng viện trợ cho Việt Nam . Đã có 70.000 người Hoa tại VN hồi hương về Hoa Lục. Ngày 16-5-1978, Trung cộng tuyên bố gửi hai chiến hạm tới Hải Phòng và Sài Gòn, để đón hết Hoa kiều. Nhưng đây chỉ là đòn tuyên truyền chính trị, vì tàu chiến chỉ đậu ngoài khơi một ngày, rồi kéo neo về nước. Nắm được yếu điểm của đàn anh, CSHCM lần chót hốt hết những gì còn sót lại của Hoa Kiều, qua chiến dịch " xuất cảng người " .
Sau đó, tống khứ những kẻ khốn cùng ra khơi, khiến cho hơn triệu người bị chết vì sóng gió và hải tặc Thái Lan trên biển Đông, mà những trang Việt sử cận đại, gọi là cơn hồng thủy của thế kỷ.
Sau khi Việt Nam bỏ lỡ cơ hội nối lại bang giao với Hoa Kỳ. Ngày 24-5-1978, phụ tá an ninh của tổng thống Mỹ Carter là Brezinski, tới Bắc Kinh ký một hiệp ước liên minh quân sự với Tàu. Từ đó Đặng Tiểu Bình đã có chỗ dựa chống Nga, nên mới ra mặt quyết tâm xâm lăng VN để rửa thù phục hận.
Từ 28 tới 30-1-1979, Carter và Đặng Tiểu Bình đã họp mật tại Tòa Bạch Ốc. Sau đó tổng thống Mỹ đồng ý để Trung cộng trừng phạt VN và còn giúp cầm chân Nga, bằng cách chịu ký với Nga Sô hiệp ứơc SALT II. Để thêm kế nghi binh, Hoa Kỳ cử bộ trưởng tài chánh là Blumenthal tới công tác tại Bắc Kinh. Ngoài ra còn cho Hàng không mẫu hạm Constellation lảng vảng ngoài khơi vịnh Bắc Việt. Tất cả mơ mơ màng màng, khiến cho Nga Sô cũng không biết đâu mà mò.
Ngày thứ bảy 17-2-1979, lúc 3 giờ 30 sáng, khi vạn vật, chim chóc và con người đang chuẩn bị cho một ngày sống mới, thì 600.000 quân Tàu, tiền pháo hậu xung, ào ạt mở cuộc xâm lăng đại quy mô vào Việt Nam , trên vùng biên giới từ Lai Châu tới Móng Cái. Thế là tình nghĩa vô sản quốc tế trong sáng giữa hai nước, đã trở thành hận thù thiên cổ.
Những địa danh Cao Bằng, Lạng Sơn, Đồng Khê, Thất Khê.. lại đi vào những trang Việt sử đẫm máu, của Việt Nam chống xâm lăng Tàu. Để tấn công Việt Nam , Trung cộng đã huy động nhiều quân đoàn từ nhiều quân khu khác nhau, gồm quân đoàn 13,14 tấn công Lai Châu-Lào Kay. Hai quân đoàn 41,42 tân công Cao Bằng. Riêng mạn Lạng Sơn, Quảng Yên, Hải Ninh thi giao cho quân đoàn 43,54,55. Tất cả do Hứa Thế Hữu và Dương Đắc Chí chỉ huy trong mấy ngày đầu...
Sẽ Tiếp Theo (Phần 2 of 4).
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn