CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : QUÂN ĐOÀN III VNCH - TRẠI LỰC LƯỢNG ĐẶC BIỆT KATUM - BIÊN GIỚI TÂY NINH - KAMPUCHIA .

25 Tháng Tám 20228:48 CH(Xem: 852)
Trận Chiến Katum - Biên giới Tây Ninh - KamPuChia
Trận Katum là trận chiến giữa quân chính quy Cộng sản (CS) vào trại Lực Lượng Đặc Biệt (LLĐB) Katum, diễn ra từ ngày 18 tháng 8 đến ngày 25 tháng 9, 1968.
Trại Katum, thuộc vùng 3 chiến thuật, nằm cách biên giới Campuchia 8 Km về hướng Nam, cách Tây Ninh 40 cây số về hướng Đông bắc và cách An Lộc 43 cây số về hướng Tây.
Trại có kiến trúc hình ngôi sao 5 góc với 3 vòng đai phòng thủ kiên cố từ ngoài vào trong. Đặc biệt, trại còn có một phi đạo dài 950 mét, chạy dọc theo hướng Bắc Nam, cho các loại phi cơ như C123, trực thăng Chinook CH 47 hay trực thăng cobra AH1, để chuyển tiếp ứng và tải thương cho trại Katum. Vì tính quan trọng, án ngữ và kiểm soát một vùng biên giới với Campuchia, có nhiệm vụ ngăn chặn xâm nhập và di chuyển của quân Cộng Sản (CS), nên trại Katum đã là mục tiêu đánh phá của quân CS.
Trại Katum được chỉ huy trực tiếp bởi toán A129 LLĐB Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) bên cạnh các cố vấn thuộc toán A322 của Liên Đoàn 5 LLĐB Hoa Kỳ. Toán A LLĐB VNCH có 14 sĩ quan và hạ sĩ quan, được tuyển chọn từ các quân trường hay đơn vị tác chiến, qua những khóa huấn luyện rất đặc biệt cho cuộc chiến ngoại lệ, không quy ước. Họ được học qua nhiều môn huấn luyện khác nhau, như du kích và phản du kích, phá hoại, cứu thương, gọi pháo binh, truyền tin, xâm nhập, thám sát, nhảy dù... Do đó, các sĩ quan và hạ sĩ quan LLĐB chiến đấu rất giỏi, can trường, và thích ứng với chiến thuật lấy ít chọi nhiều. Toán A LLĐB Hoa Kỳ có quân số tương đương nhưng chỉ làm công tác cố vấn. Binh sĩ của trại được gọi là CIDG hay dân sự chiến đấu, đa số là người thuộc dân tộc thiểu số như người Thượng, được LLĐB VNCH và Hoa Kỳ tuyển chọn và phân bổ vào 4 đại đội tác chiến.
Trưởng toán A129, cũng là trưởng trại Katum khi diễn ra trận đánh là Trung úy LLĐB Nguyễn Minh Đường. Với kinh nghiệm trưởng trại và thành tích chiến đấu qua nhiều trại LLĐB trước đây như: A Shau, A lưới, Bù Đốp, Tống Lê Chân ... ông được chọn trong danh sách 4 sĩ quan được đề cử, về làm trưởng trại Katum vào đầu năm 1968.
Quân CS thường xuyên đánh phá vào vùng biên giới, pháo kích và tấn công vào trại. Đạn pháo rơi vào trại nhiều đến nỗi các quân nhân LLĐB Hoa Kỳ đã đặt tên cho trại Katum là Ka Boom.
Vào ngày 18 tháng 8, 1968, công trường 5 Cộng sản cùng các đơn vị du kích CS đã nã đạn cối 82 ly và hỏa tiển 122 ly liên tục vào trại, theo đúng chiến thuật "tiền pháo hậu xung". (Cộng sản dùng chữ công trường để ngụy danh thay vì gọi sư đoàn.)
Sau đợt mưa pháo dày đặc, cộng quân đã tấn công nhiều đợt vào sát mặt Tây bắc của trại, nhưng đã bị kháng cự mãnh liệt của các binh sĩ dưới sự điều động của Trung úy Đường. Sau 10 giờ giao tranh, quân CS đã bị tổn thất, rút lui, để lại 10 xác cộng quân. Đây là trận đánh mở đầu và thăm dò khả năng phòng ngự của trại Katum, tiếp theo những chuỗi ngày CS pháo kích liên tục vào trại. Với ước tính có 150 đạn cối rơi vào bên trong trại Katum trong mỗi 10 phút. Cộng quân đã pháo kích mỗi ngày và mở những đợt tấn công, nghi binh đánh phá bên ngoài, nhằm làm suy yếu tinh thần và khả năng phòng thủ của các binh sĩ bên trong trại, trước khi chúng mở một trận đánh lớn dứt điểm trại Katum.
Để giữ an ninh cho trại, Trung úy Đường đã cho thiết lập hệ thống mìn claymore xung quanh trại và được điều khiển kích nổ từ hầm chỉ huy của ông. Ông ra lệnh giới nghiêm toàn trại từ 7 giờ tối, mọi di chuyển bên dưới giao thông hào. Mọi di động bên trên trong giờ giới nghiêm đều bị bắn. Ngoài ra, để dự phòng khả năng trại bị quân cộng sản tràn ngập, ông ra lệnh cho các đại đội phòng thủ: "khi địa điểm đơn vị bị quân Cộng sản tràn vào, thì ở đâu cố thủ ở đó, giữ vững, rút xuống giao thông hào, vì pháo ta sẽ bắn thẳng vào nơi cộng quân tiến vào."
Vào giữa tháng 9 năm 1968, quân Cộng sản đã tăng con số đạn pháo kích, nả suốt ngày đêm trong một tuần dài. Trại Katum ngập tràn mưa pháo. Các trụ phòng thủ với M60 và pháo 105 của trại liên lục khạc đạn đánh trả. Cao điểm trận đánh đã diễn ra từ chiều 24 tháng 9. Cộng sản đã xua vào trận chiến 2 trung đoàn chính quy và các đơn vị biệt lập với quyết tâm đánh chiếm trại Katum. Chúng mở nhiều đợt tấn công vào mặt Bắc của trại.
Trận chiến diễn ra hằng giờ. Với quân số áp đảo của cộng quân, tương đương 3 trung đoàn so với quân số phòng thủ trại Katum chỉ 4 đại đội, tương đương 1 tiểu đoàn. Quân CS đã tiến dần, áp sát vào trại. Trung úy Nguyễn Minh Đường bình tĩnh chỉ huy các đơn vị phòng thủ ở các mặt. Ông điều khiển hệ thống mìn claymore nổ ở những nơi lính cộng quân rơi vào bẩy mìn . Toàn trại Katum pháo nổ vang rền ngay bên trong và các phía xung quanh trại. Giao tranh giữ dội. Vào khoảng 3 giờ sáng, quân CS đã chọc thủng hàng rào phòng thủ, tràn vào mặt Tây bắc. Hệ thống liên lạc chỉ huy của Trung úy Đường bị pháo trúng hư hại, ông đã can đảm chụp lấy máy truyền tin PRC 25, đeo lên người, vụt ra vùng trống bên dưới lửa đạn, kết nối liên lạc lại với các đơn vị phòng thủ và cố vấn Hoa Kỳ, thiết lập đường pháo tiếp viện. Ông đã dũng cảm chạy trong phòng tuyến chỉ huy đánh cận chiến và động viên tinh thần binh sĩ chiến đấu. Ông ra lệnh các khẩu pháo 105 và M60 bắn trực xạ vào mặt Tây bắc, nơi cộng quân đang tràn vào. Trong tình thế nguy ngập, Trung úy Đường không những bình tĩnh chỉ huy, cầm súng bằn trả mà ông còn tiếp cứu binh sĩ. Ông cõng trên lưng một người lính bị thương về chỗ an toàn. Đến rạng sáng thì binh sĩ trại Katum đã đánh bật được các trung đoàn CS ra khỏi căn cứ. Chúng đã phải tháo chạy về bên kia biên giới.
Khi trời sáng hẳn, tiếng súng đã yên, binh lính của trại lục soát và bắt được 14 tù binh, với những khuôn mặt non trẹt, nhỏ nhất là 12 tuổi và tất cả đều là dân Bắc. Họ xâm nhập vào Nam theo đoàn quân, không quen biết địa hình. Những tù binh này cho biết là họ không dám rút lui vì sợ đạp mìn hoặc trúng đạn, nên nằm yên tại chỗ là an toàn nhất. Ngoài bắt được tù binh, khoảng 135 xác cộng quân đếm được nằm khắp nơi trong và ngoài trại. Chúng đã để lại vô số vũ khí, cùng nhiều lựu đạn và chất nổ. Trong khi đó lực lượng của trại Katum bị tổn thất nhẹ với 12 binh sĩ hy sinh.
Khi lửa khói của trận chiến chưa tàn và xác giặc còn nằm ngổn ngang, Trung Tướng Đỗ Cao Trí, Tư Lệnh Quân Khu III đã đáp trực thăng xuống trại. Trung úy Đường đã đón chào trung tướng Trí. Sau 38 ngày trại Katum bị pháo kích và tấn công, với râu tóc quá dài .
Trung úy Đường đã dẫn Tướng Trí đi xem bãi chiến trường. Đi một hồi, Tướng Trí nói :
- Thôi được rồi em, anh xem vậy đủ rồi.
Trung Tướng Đỗ Cao Trí đã khen ngợi Trung úy Nguyễn Minh Đường và toàn thể binh sĩ của trại LLĐB Katum. Tin vui chiến thắng của trại đã được điện về Bộ Chỉ Huy C3 LLĐB, về Quân Đoàn III và về Bộ Tổng Tham Mưu.
Trại Katum được tưởng thưởng Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh Cấp Quân Đội với nhành dương liễu. Trung úy Đường được đặc cách lên lon tại mặt trận, nhưng vì trở ngại trong quân bạ, nên ông lại nhận thêm Anh Dũng Bội Tinh cấp Quân Đội với nhành dương liễu. Về phía LLĐB Hoa Kỳ, ông được tưởng thưởng Huy Chương Anh Dũng Bội Tinh với ngôi sao đồng - Bronze Star Medal with V (Valor).
Chiến thắng Katum là niềm hãnh diện lớn cho Trung úy LLĐB Nguyễn Minh Đường khi ông nhận 3 huy chương cao quý của VNCH và Hoa Kỳ. Hơn nữa, ông đã được diện kiến, cùng sự khen ngợi từ Trung Tướng Đỗ Cao Trí.
Để nêu cao tinh thần chiến đấu của quân đội, trong bài diễn văn trên đài phát thanh gửi đến quân đội và toàn dân, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ca ngợi chiến thắng của trại LLĐB Katum và nêu tên Trung úy Nguyễn Minh Đường.
Sau thất bại thảm hại, quân CS đã tạm bỏ ý đồ đánh chiếm trại Katum. Trại LLĐB này đã đứng vững và phạm vi kiểm soát của trại được xiết chặt. Sang năm 1969, Trung úy Nguyễn Minh Đường được thăng cấp Đại úy và thuyên chuyển về nắm trưởng trại LLĐB Đức Huệ - Hậu Nghĩa (Long An), tiếp tục chỉ huy và chiến đấu qua các chiến trường lửa khói.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn