NHỮNG TÀI DANH LÀM VẺ VANG DÂN TỘC VIỆT : Phò Mã THÂN CẢNH PHÚC đã hy sinh trên chiến trận Lạng Sơn - Đại Việt vững cỏi phương Nam.

30 Tháng Bảy 20222:24 CH(Xem: 953)
Phò mã Thân Cảnh Phúc .
Thân Cảnh Phúc (chữ Hán: 申景福, 1030 - 1077), còn có tên là Cảnh Nguyên, Đạo Nguyên hay Cảnh Long, biệt danh Phò mã Áo Chàm, tương truyền có thể là Thân Vũ Thành (theo thần tích các đền thờ về nhân vật này dọc bờ sông Lục Ngạn), là tù trưởng động Giáp châu Lạng, tức châu Quang Lang (hay châu Ôn, Lạng Sơn), ngày nay thuộc tỉnh Lạng Sơn của Việt Nam . Ông sinh ra trong gia đình nhiều đời làm thổ mục ở Động Giáp (là phần phía nam tỉnh Lạng Sơn và một phần phía bắc của tỉnh Bắc Giang), tức vùng giáp khẩu Kép, Lạng Giang (Bắc Giang), là người dân tộc Tày, vốn gốc họ Giáp, sau lấy công chúa của nhà Lý nên được vua nhà Lý đổi sang họ Thân và phong chức Tri châu. Thân Cảnh Phúc là người đã lãnh đạo một đội quân người dân tộc Tày dựa vào địa hình rừng núi hiểm trở, dùng chiến thuật du kích chống Tống, chiến đấu sau lưng đạo quân nhà Tống đến khi hy sinh, góp phần không nhỏ vào cho chiến thắng của nhà Lý trước nhà Tống năm 1077 ở phòng tuyến sông Như Nguyệt.
Thân thế và gia thất .
​ Thực ra, cả dân Động Giáp đều mang họ Giáp. Thời nhà Lý, triều đình rất coi trọng việc thắt chặt các quan hệ với tù trưởng các dân tộc thiểu số, đặc biệt là vùng biên giới phía Đông Bắc giáp với nhà Tống. Các tù trưởng họ Giáp ngay từ thời vua Lý Thái Tổ đã chủ động liên kết chặt chẽ với triều đình bằng các mối quan hệ gia tộc, thường là lấy công chúa nhà Lý. Điển hình từ thời ông của Thân Cảnh Phúc đến đời của ông đã có 3 đời liên tiếp lấy công chúa nhà Lý. Các tù trưởng động Giáp cũng đồng thời là các phò mã nhà Lý này cũng ra sức giúp đỡ triều đình, tạo nên một vùng biên cương ổn định phía bắc giáp nhà Tống. Ông nội của Thân Cảnh Phúc là Giáp Thừa Quý thời đứng đầu động Giáp được vua Lý cho lấy con gái và đổi họ sang họ Thân bằng việc ban thêm cho một nét chữ vào chữ Giáp (甲), tên họ, để trở thành chữ Thân (申). Giáp Thừa Quý được đổi tên thành Thân Thừa Quý. Từ đó, dân động Giáp phần nhiều mang họ Thân để ghi ơn vua, đây có thể được xem là một trong những nguồn gốc của họ Thân ở Bắc Giang và ở Lạng Sơn.
Cha đẻ của Thân Cảnh Phúc, là Thân Thiệu Thái là con của Thân Thừa Quý, khi làm chủ động Giáp, năm 1029 niên hiệu Thiên Thành thứ 2, triều vua Lý Thái Tông, đã được vua gả công chúa Lý Bình Dương cho làm Phò mã. Tới năm Canh Tý, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ 2 (1060), triều Lý Thánh Tông, Thân Thiệu Thái đem quân sang huyện Như Ngao châu Tây Bình nhà Tống, đánh chiếm bắt được viên chỉ huy sứ Dương Bảo. Thân Cảnh Phúc là con trai của Thân Thiệu Thái với công chúa Bình Dương.
Tháng 3 âm lịch năm Kỷ Hợi, niên hiệu Chương Thánh Gia Khánh thứ nhất (1059), vua Lý Thánh Tông đi săn ở vùng Nam Bình (tức lưu vực sông Thương) thuộc châu Lạng, nhân đó ngự giá đến nhà Thân Cảnh Phúc.
Tháng 11 âm lịch năm Bính Ngọ, niên hiệu Long Chương Thiên Tự thứ nhất (1066), Thân Cảnh Phúc được vua Lý Thánh Tông gả con gái là công chúa Thiên Thành nhà Lý cho làm Phò mã.
Sự nghiệp​
Sau khi được làm Phò mã (năm 1066), Thân Cảnh Phúc được phong làm Châu mục Lạng Châu.
Năm 1075, Thân Cảnh Phúc cùng các tù trưởng Vi Thủ An, Tông Đản, Lưu Kế Tông, Hoàng Kim Mãn chỉ huy bộ binh đánh thẳng lên thành Ung Châu, phối hợp với đạo quân thái uý Lý Thường Kiệt đi bằng đường thuỷ tấn công Liêm Châu, tiêu diệt quân nhà Tống đang chuẩn bị xâm lược nước Đại Việt.
Mùa xuân năm 1077, 30 vạn quân Tống do Quách Quỳ và Triệu Tiết chỉ huy, theo đường ải Nam Quan Lạng Sơn ồ ạt tấn công Đại Việt - Việt Nam thời Lý Nhân Tông . Tới khu vực ải Chi Lăng, quân Tống gặp sự kháng cự quyết liệt của dân quân động Giáp do Thân Cảnh Phúc chỉ huy. Nhưng trước thế tấn công ồ ạt của đối phương, Thân Cảnh Phúc phải cho dân quân động Giáp rút lui vào rừng núi để bảo toàn lực lượng. Sau khi rút lui, Thân Cảnh Phúc cùng các tù trưởng khác là: Sầm Khánh Tuân, Nùng Trọng Linh,... tổ chức dân binh Động Giáp dùng chiến thuật du kích tiêu hao sinh lực quân Tống, quấy rối vùng sau lưng của chúng, góp phần làm chậm sức tiến của quân Tống, giúp cho quân đội chính quy của nhà Lý do Lý Thường Kiệt chỉ huy chặn được quân Tống tại phòng tuyến sông Như Nguyệt (sông Cầu).
Trong vùng tạm chiếm, ông thực hiện vườn không nhà trống, địch đến ông "cho dân rút hết vào rừng, chỉ để một vài người ốm yếu ở nhà" .
Giặc Tống phải thừa nhận: "Lưu Kỷ, Thân Cảnh Phúc đều cầm cường binh".
Chúng nhận xét về Thân Cảnh Phúc và đội dân binh giàu lòng yêu nước, chiến đấu gan dạ của ông: "Thấy quân Tống đi lẻ loi thì ra giết chết hoặc bắt về. Người đó quả là một vị thiên thần".
Sau này , ông đã lẫm liệt hy sinh trong một trận kịch chiến ở vùng sông Lục Ngạn-Lạng Sơn ! Nhân dân đã lập đền thờ ông nhiều nơi. Lễ hội đền Hả từ ngày 6 đến ngày 10 tháng Giêng (ÂL). Tương truyền sau khi ông hy sinh, ngựa của ông đã đưa về đến Từ Hả (Hồng Giang, Lục Ngạn) thì ông mới ngã xuống.
*- Thiết nghĩ: Những vị vua nhà Lý, từ đời Lý Thái tổ đến Lý Nhân tông, đã khéo léo kết hợp được toàn dân, kể cả dân ở vùng rừng núi và thủ lĩnh của họ. Vì vậy nước Đại Việt trong thời gian này, tinh thần đoàn kết các dân tộc vùng biên cương phía Bắc rất chặt chẽ, nên trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Tống, đã bảo vệ vững vàng nền độc lập nước nhà. Từ đấy phát triển nước Đại Việt mạnh mẽ về mọi mặt: kinh tế phồn thịnh, xã hội ổn định, quân sự hùng mạnh...
Thân Cảnh Phúc, là một trong những vị tổ về lối đánh du kích độc đáo, có nhiều sáng tạo lạ lùng, bất ngờ; mà đời sau cần nghiền ngẫm học hỏi ở vị tướng lãnh tài ba này.
. Cảm kích : Thân Cảnh Phúc .
Lý triều khuyến khích các anh hùng
Tưởng thưởng những ai, giỏi kiếm cung
Giáp Động, nhân tài ra giúp nước
Chiến công lừng lẫy, rạng kiên trung!
Thờ phụng​ .
Thân Cảnh Phúc được phụng thờ tại các đình làng đều mang tên Đình Thân, với tên gọi Thân Vũ Thành, cùng Cao Sơn, Quý Minh (có thể là Thừa Quý và Thiệu Thái) và các công chúa nhà Lý, nằm tại: xã Hương Sơn huyện Lạng Giang, thị trấn Đồi Ngô huyện Lục Nam tỉnh Bắc Giang. Đình Thân ở Đồi Ngô, còn có một đạo sắc phong cổ và các câu đối nói về công lao của tướng quân Vũ Thành và các công chúa nhà Lý.
Đền Bồng Lai được nhân dân xây dựng ngay chính Gốc cây Thị (hàng nghìn năm tuổi) - xóm Bòng hoặc thôn Bòng (xã Phượng Sơn, huyện Lục Ngạn ngày nay), trước kia thôn Bòng có tên được ghi trên bia đá là Bồng Lai, là đại bản doanh của Đội quân du kích của Vũ Công Thành. Tại gốc thị hàng nghìn năm tuổi này, chính là nơi mà con chó của gia đình Ông bơi từ thôn Tòng Lệnh qua sông Lục Nam (Sông còn có tên khác là sông Lục Ngạn) và đã sinh ra 10 con chó con ở gốc thị.
Đền Từ Hả: là một trong các nơi thờ Ông nằm rải rác dọc theo sông Lục Nam. Ông bị hy sinh sau trận đánh với Quân Nam Tống, khi đó Động Giáp nằm ở phía sau của chiến tuyến sông Như Nguyệt (Lý Thường Kiệt chỉ huy), ngựa của ông đã mang ông về đến Từ Hả (Hồng Giang, Lục Ngạn) thì ngã xuống. Sau khi ngã xuống, mối đùn thành đống cao phủ hết phần thi thể của Ông chỉ qua một đêm, nhân dân lập Đền thờ để tưởng nhớ đến công lao của Ông - Vị Anh hùng Dân tộc Thân Cảnh Phúc hay Thân Vũ Thành ../.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn