VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG THƯƠNG NHỚ ! SÔNG NGÒI MIỀN TÂY NAM PHẦN - VIỆT NAM . ĐẤT PHÙ SA - ĐẤT PHƯƠNG NAM .

01 Tháng Năm 20222:34 CH(Xem: 1190)
SÔNG NGÒI MIỀN TÂY NAM PHẦN - VIỆT NAM .

Cũng như châu thổ sông Hồng, như các đồng bằng duyên hải miền Trung, châu thổ sông Cửu Long đã từng nằm dưới biển cạn. Biển cạn bao phủ toàn miền, kể cả vùng Nam Vang, Biển Hồ, chỉ trừ một vài hải đảo ngày nay nằm trong đất liền như Núi Sam, Núi Sập ở vùng Châu Đốc Hà Tiên. Thực vậy, hết thời kì băng giá lần cuối quãng 19 000 năm trước đây , nước biển dâng lên nhanh chóng, cao hơn mực nước biển ngày nay chừng 4m.5 vào thời Holocen sớm .. Lúc đó, bờ biển gần đến Phnom Penh (Nam Vang) ngày nay. Vùng biển cạn bao phủ toàn những cây tràm (Melaleuca), cây đước (Rhizophora sp.), cây mắm (Avicennia sp.). Những thực vật chịu mặn này đã tạo thuận lợi cho việc giữ lại các vật liệu lắng tụ, làm giảm sự xói mòn do nước hoặc gió, và cung cấp sinh khối cho trầm tích châu thổ. Rồi phù sa mỗi năm tràn về, làm lấp dần các rừng cây sú vẹt. Nhiều mũi khoan gần Angkor và Biển Hồ Tonle Sap cho thấy vết tích của các trầm tích biển như sú vẹt đầm lầy . Hình thái châu thổ sông Cửu Long dần dà được tạo thành trong khoảng 3 000 năm nay . Trong khoảng thời gian này, châu thổ đã tiến 200 Km trên thềm lục địa và mực nước biển hạ dần và mỗi lần hạ thấp xuống lại để lại một bờ biển mới .. Nhiều bờ biển cổ nay thường gọi là ‘giồng’ như trong dân gian gọi như Giồng Trôm, Giồng Ông Tố ... Nhiều tỉnh như Bến Tre, Trà Vinh có nhiều giồng cát là đất của các bờ biển cổ.
Đồng bằng này bằng phẳng với mạng lưới sông ngòi, kinh rạch ngổn ngang làm cho toàn vùng đều chịu ảnh hưởng của thủy triều hình thành những loại hình nơi mặn, nơi chua, nơi cả mặn lẫn chua, nơi bị ngập lụt và phèn nặng . Nông dân có vô số từ ngữ để gọi kinh rạch: ngoài các chữ thông dụng như sông, ngòi, mương, lạch, kênh, bàu, ao, hồ ... còn có thêm rạch, xẻo, ngọn, rọc, lung, láng, bưng, biền, đầm, đìa, trấp, vũng, trũng, gành, xáng .Môi trường sông nước với thủy triều lên xuống cũng có nhiều từ ngữ : ngoài chữ nước lớn (thủy triều dâng) và nước ròng (thủy triều hạ), còn có nước giựt, nước bò, nước nhảy, nước đứng, nước nằm .
Nhiều ca dao phản ánh kinh rạch chằng chịt với ghe thuyền buôn bán :
–Ghe anh đỏ mũi xanh lường,
Ở trên Gia Định xuống vườn thăm em
-Cái Răng, Ba Láng, Vàm Xáng, Xà No
Có thương em, anh mua cho một chiếc đò
Để em lên xuống thăm dò ý anh
-Anh đi ghe gạo Gò Công
Vô vàm Bao Ngược, gió giông đứt buồm
Cũng là miền đồng bằng phù sa mới bồi đắp do biển cả trước kia là một vịnh, cũng có đất phù sa, đất phèn, đất mặn nhưng miền này không bị lụt lội tàn phá như châu thổ sông Hồng. Thực vậy, dòng sông Cửu Long rất dài và đã trải qua nhiều xứ duyên hà như Nam Trung Hoa, Miến Điện, Ai Lao, Kampuchea trước khi vào lãnh thổ miền Nam Việt Nam; ngoài ra, nhờ Biển Hồ của Kampuchia trữ được nước lụt rất nhiều và chỉ từ từ hạ nước xuống, đem theo muôn vàn cá con về An Giang, Đồng Tháp làm giàu thủy sản nước ngọt ở đây.
Các dòng sông và các kinh đào :
- Sông Vàm Cỏ có 2 nhánh: Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây
-Vàm Cỏ Đông, còn gọi là sông Bến Lức, dài 300 Km, phát nguyên từ bên Kampuchia, chảy xuống tỉnh Tây Ninh (Trảng Bàng, Gò Dầu), Long An ( khu vực nhà máy đường Hiệp Hoà), rồi đổ ra cửa Soài Rạp
-Vàm Cỏ Tây cũng phát nguyên từ bên Kampuchia chảy qua Mộc Hoá đến Thủ Thừa rồi chảy qua cầu Tân An, gần châu thành Tân An. Cả hai sông này gặp nhau ở gần thị trấn Vàm Cỏ thuộc tỉnh Long An, rồi nhập vào sông Nhà Bè, đổ ra cửa Soài Rạp (cửa Vàm Láng)
Nhưng theo Bản đồ Nam Kỳ Lục Tỉnh 1862-1867 (Basse Cochinchine) thì khởi nguồn của hai con sông Vàm Cỏ Đông và Vàm Cỏ Tây đều nằm bên trên đường biên giới giữa Đại Nam (Việt Nam) và Cao Miên (Kampuchia), cho tới khi Pháp xóa nhòa biên giới Đại Nam - Cao Miên - Ai Lao (Lào) , rồi thành lập Liên Bang Đông Dương (1893) dưới sự cai trị bất chính của Thực dân Pháp trên đất nước Việt Nam .
- Sông Tiền và sông Hậu
Cũng cần biết là tại Phnom Penh (Kampuchia), sông Mê Kông bị tách làm hai nhánh, sang Việt Nam là sông Tiền và sông Hậu, cả hai đều chảy ra biển với chiều dài mỗi sông chừng 250 Km.
Sông Tiền khi tới tỉnh Vĩnh Long thì tách làm nhiều nhánh sông khác:
-sông Mỹ Tho chảy ngang qua Mỹ Tho và đổ ra biển ở Cửa Tiểu và Cửa Đại. Trên đoạn sông này, có một địa danh tên là Rạch Gầm-Xoài Mút, ở đó xưa kia, năm 1785, quân Tây Sơn đã đánh bại quân Xiêm La qua giúp chúa Nguyễn Ánh (tức vua Gia Long sau này)
-sông Ba Lai, chảy qua phía bắc tỉnh Bến Tre và ra biển bởi cửa Ba Lai .Hiện nay, cửa sông Ba Lai được thay thế bằng hệ thống cống đập ngăn mặn chặn vĩnh viễn dòng chảy, chỉ xả lũ ra cửa biển khi cần.
-sông Hàm Luông, chảy qua phía Nam tỉnh Bến Tre và ra biển bằng cửa Hàm Luông
-sông Cổ Chiên chảy qua địa phận của tỉnh Bến Tre và đổ ra biển bằng cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hầu .
Sông Hậu: chảy qua các thị trấn như Châu Đốc, Long Xuyên, Cần Thơ, Trà Ôn (Trà Vinh) và đổ ra biển qua 3 cửa sông là cửa Định An (về phía tỉnh Trà Vinh), Bassac (Ba thắc) và cửa Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) . Thực ra thì nay không còn cửa Bassac nữa vì bị bồi lấp. Sông Hậu rộng nhất là giữa huyện Cầu Kè (Trà Vinh) và huyện Long Phú (Sóc Trăng) khoảng gần 4 Km
Nối liền sông Tiền với sông Hậu là sông Mang Thít là một con sông nhỏ, dài khoảng 47Km, chảy trên địa phận tỉnh Vĩnh Long và sông Vàm Nao tức ranh giới giữa hai huyện Chợ Mới và Phú Tân của An Giang
Trong đồng bằng cũng còn có nhiều kinh đào khác quan trọng đóng góp vào sự lưu thông hàng hoá cũng như trị thủy:
Vài ví dụ:
*kinh Vĩnh Tế (nối Hà Tiên với Châu Đốc)
*kinh Rạch Giá-Long Xuyên
*kinh Phụng Hiệp (Cà Mau-Cần Thơ)
*kinh Cà Mau-Bạc Liêu
*kinh Xà No (Vị Thanh-Cần Thơ)
*kinh Lấp Vò (Vĩnh Long)
*kinh Thủ Thừa (Long An)
Vùng bán đảo Cà Mau đất mặn, đất phèn, đất phèn-mặn , đất hữu cơ và có vài con sông :
-sông Ông Đốc dài 58Km, đổ ra Vịnh Thái Lan. Hai bên sông có nhiều rạch như rạch Cái Tàu, rạch Giếng. Tại sao có tên sông Ông Đốc ? Tương truyền ngày trước, chúa Nguyễn Ánh bị quân Tây Sơn đuổi đánh đến đây. Đô đốc thủy binh Nguyễn Văn Vàng đã xin Nguyễn Ánh được mặc hoàng bào để nghi binh cho Nguyễn Ánh trốn. Vị đô đốc này hy sinh; sau này được lập miếu thờ tại vùng này vào năm 1802. Từ đó, sông này được dân gian gọi là sông Ông Đốc
-Sông Trẹm (còn gọi là sông Tràm Trẹm) là một chi lưu dài 36 Km của sông Ông Đốc. Sông chảy qua huyện An Minh tỉnh Kiên Giang và huyện Thới Bình tỉnh Cà Mau . Sông Trẹm chia rừng U Minh thành hai vùng U Minh Thượng (thuộc tỉnh Kiên Giang) và U Minh Hạ thuộc tỉnh Cà Mau.
-Sông Gành Hào là tên gọi một con sông chảy ở vùng ranh giới giữa hai tỉnh Cà Mau và Bạc Liêu và đổ ra Biển Đông ở cửa cùng tên . Sông bắt đầu Cà Mau với các dòng nước từ kênh Phụng Hiệp, kênh xáng Cà Mau-Bạc Liêu hợp lưu .Với những đặc điểm này, sông Gành Hào là một trong những đầu mối giao thông của Cà Mau và một phần Bạc Liêu, là nơi tập trung đi lại của các phương tiện đường thủy cùng với các chợ nổi trên sông
–Sông Bảy Háp đổ ra biển Tây dài hơn 50 Km. Sông Bảy Háp xuất phát từ đầu kinh xáng Đội Cường chảy ra cửa Bảy Háp (còn gọi Rạch Chèo) ở Biển Tây. Sông có độ sâu trung bình từ 3-5 m, tại cửa sông rộng gần 1,000 m, dài 48 Km. Sông Bảy Háp là con đường giao thông huyết mạch nối liền hai vùng Nam và Bắc của tỉnh Cà Mau, là ranh giới của 2 huyện Năm Căn và huyện Cái Nước.
–Sông Cửa Lớn hay Đại Môn Giang vốn là một con kênh dài 58 Km, rộng 600 m và sâu 12 m ở tỉnh Cà Mau, nối biển Đông (cửa Bồ Đề) với biển Tây (cửa Ông Trang). Cửa Ông Trang rộng hơn 1 Km, sâu từ 4-5 m; cửa Bồ Đề rộng 500 m, sâu 20 m. Dòng chảy có khi đứng, có khi rất mạnh gây bởi khác biệt thủy triều giữa Biển Đông và Biển Tây. Đại Môn Giang là ranh giới tự nhiên giữa huyện Năm Căn và huyện Ngọc Hiển, tách khu vực cuối cực nam của bán đảo Cà Mau thành một đảo, hiện chưa có cầu bắc qua đây.
–Sông Cái Tàu dài 43 Km, xuất phát từ ngã ba Cái Tàu (U Minh), đi qua rừng tràm U Minh, đổ vào Sông Ông Đốc ra biển Tây. Dọc theo sông là vườn cây ăn trái trù phú.
-Sông Cái Lớn là một con sông lớn tại tỉnh Kiên Giang.
Sông được bắt nguồn từ rạch Cái Lớn, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, dòng chảy rộng dần vào Kiên Giang tại địa phận xã Vĩnh Thắng, huyện Gò Quao. Từ đây sông chảy theo hướng Tây bắc đổ ra vịnh Rạch Giá tại thị xã Rạch Giá.
Sông có chiều dài khoảng 60 Km, chảy qua và làm ranh giới tự nhiên giữa các huyện Gò Quao, Vĩnh Thuận, An Biên và giữa huyện Châu Thành, An Biên.
- Sông Cái Bé là con sông nhỏ chảy ra vịnh Rạch Giá , gần như song song với sông Cái Lớn ở đoạn hạ lưu , sông Cái Bé nằm ở phía Đông bắc sông Cái Lớn và phía nam kinh Rạch Sỏi đi Vàm Cống.
-Sông Giang Thành bắt nguồn từ Kampuchia, chảy vào khu vực Hà Tiên, dài khoảng 23 Km. Sông đổ vào vũng Đông Hồ với chiều rộng cửa sông trên 200m. Sông Giang Thành nối liền với kênh Vĩnh Tế tạo nên tuyến đường thủy quan trọng từ Châu Đốc đến thị xã Hà Tiên.
- Kênh Vĩnh Tế là kênh đào lớn nhất, có vị trí quan trọng nhất ở vùng biên giới Tây Nam nước ta trong thời phong kiến nhà Nguyễn. Kênh dài gần 100 Km nối liền hai địa danh nổi tiếng miền Tây là Châu Đốc – tỉnh An Giang và thị xã Hà Tiên – tỉnh Kiên Giang. Đây là công trình có ý nghĩa quan trọng trong công cuộc phòng thủ và phát triển kinh tế của miền Nam Việt Nam , gắn liền với tên tuổi của Thoại Ngọc Hầu tên thật là Nguyễn Văn Thoại .
Kênh Vĩnh Tế bắt đầu đào vào tháng Chạp năm 1819, xuất phát từ bờ Tây sông Châu Đốc, chạy song song với đường biên giới Việt Nam – Campuchia và kết thúc tại điểm nối tiếp với sông Giang Thành (thị xã Hà Tiên, tỉnh Kiên Giang). Kênh được đào dưới sự chỉ huy của Thoại Ngọc Hầu cùng với 2 ông Nguyễn Văn Tuyên, Nguyễn Văn Tồn. Sau có thêm Tổng trấn thành Gia Định Lê Văn Duyệt, cùng 2 Phó Tổng trấn Trương Tấn Bửu , Trần Văn Năng và Thống chế Trần Công Lại cùng góp sức chỉ huy đến năm 1824 thì hoàn thành.
Tên gọi Vĩnh Tế được đặt theo tên vợ cả của Thoại Ngọc Hầu là bà Châu Thị Vĩnh Tế (1766-1826) hay còn có tên khác là Châu Thị Tế. Bà là người cù lao Dài, nay thuộc xã Quới Thiện, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long và là trưởng nữ của ông Châu Huy (có sách chép là Châu Vĩnh Huy) và bà Đỗ Thị Toán. Thời chúa Nguyễn, Nguyễn Văn Thoại theo mẹ rời làng An Hải (nay thuộc quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) di cư vào Nam sinh sống ở cù lao Dài nên đã gặp bà Vĩnh Tế và cưới bà tại đây vào năm 1788.
Bà Vĩnh Tế nổi tiếng là người vợ hiền đức, tận tụy, đảm đang, đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp lừng lẫy của chồng. Bà còn là người có công xây dựng miếu Bà Chúa Xứ núi Sam – Châu Đốc. Khi Thoại Ngọc Hầu được vua giao trọng trách đào con kênh nối liền từ Châu Đốc đến Hà Tiên, bà đã tận tụy giúp chồng chăm lo công việc đại sự. Những lúc chồng bận việc công cán, bà đã thay chồng lãnh phần đôn đốc, coi ngó việc đào kênh, tiếng nhân đức của bà được nhân dân truyền tụng. Bấy giờ trong dân gian có câu:
Nước Nam trai sắc gái tài,
Gương bà Châu thị lưu đời ngàn năm.
Để tuyên dương công trạng của vợ chồng Thoại Ngọc Hầu và thể theo lòng dân mến mộ, vua Minh Mạng cho lấy tên chồng bà là Nguyễn Văn Thoại đặt cho con kênh “Thoại Hà”, núi “Thoại Sơn”, đặt tên kênh Châu Đốc – Hà Tiên là “Vĩnh Tế Hà”, núi Sam gần đấy là “Vĩnh Tế Sơn” và làng cạnh núi là “Vĩnh Tế Thôn”. Năm Minh Mạng thứ 17 (1836), vua cho chạm hình tượng kênh Vĩnh Tế vào Cao đỉnh, đỉnh đồng lớn nhất trong Cửu đỉnh đặt tại Thế miếu, Huế.
Thoại Ngọc Hầu đã dành cho bà Vĩnh Tế những lời lẽ tốt đẹp trong bia Phụng đặc tứ danh Vĩnh Tế Sơn bi ký (Bia chép núi Vĩnh Tế do vua đặc biệt ban tên) như sau:
“… Năm trước đây, thần phụng mạng xem sóc việc đào kênh Đông Xuyên, vua đã lấy danh tước thần nêu lên bên bờ kênh núi Sập mà đặt tên núi là Thoại Sơn. Đến nay, hoàng ân lại xét đến lòng thần, cho là biết tề gia hợp hòa khí, lại hạ cố đến vợ thần là Châu Thị Tế, có chút công lao, nên xuống lệnh ban cho tên núi Sam là Vĩnh Tế Sơn…”.
Thoại Ngọc Hầu và bà Châu Thị Tế được người dân An Giang cảm mến, nhớ ơn. Ở huyện Thoại Sơn, ngoài đền thờ, bia đá còn có khu du lịch mang tên Hồ Ông Thoại. Tại chân núi Sam, có một làng mang tên Vĩnh Tế. Hai tiếng “Vĩnh Tế” biểu lộ sự nhớ ơn của nhân dân đối với ông bà Bảo hộ Thoại Ngọc Hầu… Nơi này vẫn còn lưu truyền câu ca dao:
Đi ngang qua cảnh núi Sam
Thấy lăng Ông Lớn hai hàng lụy rơi.
Ông ngồi vì nước vì đời,
Hy sinh tài sản không rời nước non
Nước kênh Vĩnh Tế lờ đờ,
Nhớ ông Bảo Hộ dựng cờ chiêu an.

Bài hát Giòng An Giang
Nhạc Sĩ : Anh Việt Thu
Giòng An giang sông sâu nước biếc
Giòng An giang cây xanh lá thắm
Lả lướt về qua Thất sơn
Châu đốc giòng sông uốn quanh
Soi bóng Tiền giang Cửu long.
Giòng An giang xanh xanh khóm trúc
Giòng An giang tung tăng múa hát
Đêm đến giòng sông thở than
Bên mấy hàng cây hắt hiu
Đã mấy mùa xuân thanh bình.
Giòng An giang đáy nước in sâu
Nhịp cầu tre ngắm bóng say sưa
Nắng vẫn chiếu trên làn sóng nhấp nhô
Nắng vẫn chiếu trên gò má hây hây mơ màng, ngây thơ
Cô thôn quê đang giặt yếm trên sông,
Tiếng sáo vắng trên đồng lúa xanh tươi
Trâu lang thang đôi cò trắng tung bay dập dìu.
Giòng An giang ai qua vẫn nhớ
Giòng An giang lơ thơ bến nước
Đâu những thuyền ai lắc lơ
Đôi mái chèo trăng lướt qua
Lơ lửng vầng trăng vỡ tan.
Giòng An giang sông sâu nước biếc
Giòng An giang cây xanh lá thắm
Đây những người thôn nữ xinh
Duyên dáng chuyền tay dắt nhau
Múc mấy vầng trăng đổ đi.

(NgheQua YouTube)
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn