NHỮNG NGÀY XƯA GHI DẤU SỬ XANH : ( 12/4/1975 --- 21/4/1975) GIỜ NÀY ANH Ở ĐÂU ? LỮ ĐOÀN I NHẢY DÙ - VNCH GIAO CHIẾN MẶT TRẬN XUÂN LỘC-LONG KHÁNH .

12 Tháng Tư 20226:27 CH(Xem: 3602)
Lữ Đoàn I Nhảy Dù Vào trận địa:
Vừa rời khỏi mặt trận Thượng đức và Bắc Đèo Hải Vân, Đà Nẵng thuộc QĐ1/QK1 vào cuối tháng 3-1975. Sau những tháng dài quần thảo với mặt trận “B1” của quân khu 5, trực diện với các Sư đoàn 304, 320, 329B và 711 thuộc QĐ2/CS do Trung tướng Lê Trọng Tấn, TTM Phó QĐND/CS chỉ huy và Thượng tướng Chu Huy Mân,Tư lệnh QK.5, giữ chức Chính ủy.
Khi Lữ đoàn 1 Nhảy dù về đến “Hoàng Cung” tại Sài gòn được mấy ngày, chưa kịp chỉnh trang đơn vị. Điều đó hãy nghe Trung tá Đào Thiện Tuyển, TĐT/TĐ8ND tâm sự: “Lữ đoàn 1 được bàn giao vùng trách nhiệm cho đơn vị bạn TQLC và đơn vị được di chuyển về Thủ đô bằng máy bay. Đến Sài Gòn không một ngày nghỉ, binh sĩ không được một giờ phép, anh em Nhảy dù chúng tôi cùng với Thủ đô thân yêu bị đặt trong tình trạng báo động, ba Tiểu đoàn 1, 8 và 9 của LĐ1ND ứng trực thuộc quyền BTL/BKTĐ, được lệnh nằm ven đô, ứng chiến cho Bộ TTM”.
Ngày 12/4 nhận được lệnh họp hành quân khẩn cấp của BTL/HQ/QĐ3/QK3.
Sau buổi họp, thi hành ngay kế hoạch hành quân mới, kể từ ngày 12/4 Lữ đoàn 1 ND
tăng phái cho BTL/SĐ18BB với nhiệm vụ tăng cường phòng thủ tỉnh Long Khánh.
Sau đó toàn bộ Lữ đoàn 1ND được đưa vào trận địa bằng trực thăng của hai Sư đoàn 3,và 4 Không quân VNCH gồm hàng trăm máy bay Hu1B đã thả hơn 2,000 chiến sĩ Nhảy dù từ Trãng Bom vào khu Đồi Chuối cạnh chi khu Xuân Lộc, TĐ3PB/ND cũng được trực thăng Chinơk vận chuyển đến BCH/LĐ/HQ đóng kế BTL/SĐ18BB/HQ đặt tại quận lỵ Xuân Lộc.
BTL/SĐ18BB/HQ trú đóng trong một góc rừng phía Đông Nam gần ngã ba chi khu Xuân Lộc cùng với Pháo binh 155 ly và bãi đáp trực thăng, cạnh trung tâm hành quân sư đoàn. Trung tá Đỉnh LĐT/LĐ1 ND đã được đích thân Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh SĐ18BB cho biết khái lược về tình hình địch và Bạn cũng như dân chúng trong vùng, trên tấm bản đồ hành quân cầm tay có ghi nhiều chấm đỏ như sau:
Ngay sau khi cuộc đổ quân bằng trực thăng vận hoàn tất, Trung tá Nguyễn Văn Đỉnh LĐT/LĐ1ND liền khai triển lực lượng Nhảy dù tiến thẳng vào mục tiêu ấn định theo đội chân vẹt:
Tiểu đoàn 9 do Trung tá Nguyễn Văn Nhỏ làm Tiểu đoàn trưởng, trách nhiệm diệt các chốt địch trên QL 1, sau đó bung quân lục soát về phía Đông, tìm phương cách giap tiếp với dân trong ấp Bảo định rồi bố trí chờ lệnh.
Sau khi xuất phát khoảng nửa giờ thì ĐD3/ND do Đại úy Đinh Văn Tường làm ĐĐT, chạm địch ở phía Đông trên đường đến ấp Bảo định. Kết quả sơ khởi: địch có 12 tên nằm tại chổ, 1 súng cối 61 ly và 9 súng cá nhân bị ta tịch thu và còn một số tàn quân chạy về hướng Đông Bắc.
Trong khi của Tiểu đoàn 9ND tiến lên còn cách ấp Bảo định 500 thước thì lực lượng Dân vệ trong ấp báo động, súng các loại bắt đầu nổ kể cả súng cối 60 ly, trong ấp bắn ra như mưa, đạn bay vèo vèo về phía quân Dù, làm át cả tiếng loa kêu gọi, nên các chiến sĩ Dù lo ẩn núp chờ liên lạc giao tiếp .. Độ 15 phút sau, từ khi nổ súng ào ạt vào quân Dù nhưng thấy vẫn im lặng, không có phản ứng gì, dân trong ấp cũng ngưng bắn chờ đợi quan sát . Nhảy dù tiếp tục liên lạc loa kêu gọi khi giao tiếp được với nhau “quân – dân” tay bắt mặt mừng, buồn vui lẫn lộn. Trong lúc đó có Trung tá Nhỏ, Tiểu Đoàn Trưởng TDND và 2 binh sĩ đã bị thương vì mãnh đạn súng cối, được chuyển về phía sau chờ tản thương, Thiếu tá Lê Mạnh Đường TĐP được xữ lý chức vụ TĐT.
Tiểu đoàn 9ND được TĐ1ND lên hoán đổi nhiệm vụ cho nhau. TĐ9ND về hoạt động lục soát, bung quân rộng tìm diệt địch ở phía Tây Chi khu Xuân Lộc, TĐ1ND do Thiếu tá Ngô Tùng Châu làm Tiểu đoàn trưởng là lực lượng trừ bị cho Lữ đoàn, được điều động lên thay cho TĐ9ND bố trí về hướng Đông ấp Bảo định ở phía Tây Liên tỉnh lộ 2 chờ lệnh.
TĐ8ND do Trung tá Đào Thiện Tuyển làm Tiểu đoàn trưởng, có nhiệm vụ lục soát lên phía Bắc và Đông Bắc khu rừng chồi ở hướng Bắc QL1, bắt tay với Tiểu đoàn 82 BĐQ của Thiếu tá Dương Mộng Long làm TĐT, đang bảo vệ phi trường Long Khánh, sau đó bố trí quân về hướng Đông tỉnh lỵ. Tiểu đoàn 8ND xuất phát rời khỏi QL.1 khoảng 600 thước về phía Bắc thì chạm súng liên tục với các tổ tiền đồn của địch trong khu rừng chồi. Trung tá Tuyển cho tung các Đại đội trái phải thành đội hình nấc thang khép kín vòng vây tiến sát để truy diệt địch.
Trong thời gian này, BCH/LĐ1ND/HQ đóng cạnh Bộ Tư Lệnh SĐ18BB/HQ ở chi khu Xuân lộc, bị Cộng quân pháo kích 30 qủa đạn loại 130ly từ hướng Đông Bắc vào vòng đai phòng thủ, thiệt hại của các đơn vị không đáng kể.
Trong khi đó toán truyền tin đặc biệt của Phòng 7/BTTM tăng phái đã rà tần số bắt được “mật tin, đêm nay Cộng quân cho đơn vị tới giải cứu đồng đội đang bị lực lượng Nhảy dù bao vây để tản thương”, Trung tá Đỉnh LĐT cho lệnh TĐ1ND đang ở phiá Đông ấp Bảo định được điều động ngay chiều tối hôm đó lên giăng một tuyến phòng thủ kéo dài từ Bắc xuống Nam hướng về phía Đông chờ địch. Sau lưng TĐ1ND là TĐ8ND được tăng cường ĐD3/ND đang siết chặt đám tàn quân địch còn kệt lại bên trong hàng rào vườn cây ăn trái của cố Thống tướng Tỵ và một số ẩn núp trong khu vực nhà kho chứa hàng chứa hàng của Tổng Thống Thiệu.
Đồng thời TĐ3 pháo binh Nhảy dù do thiếu tá Nguyễn Văn Thông tức Thông gìa làm TĐT với nhiều kinh nghiệm pháo trận địa ,lúc nào cũng sẳn sàng hàng trăm qủa đạn pháo 105 ly để yểm trợ cận phòng tối đa cho quân bạn theo nhu cầu hỏa tập tiên liệu sẽ chụp xuống đầu địch bất cứ lúc nào.
Đúng theo kế hoạch tiên liệu, khoảng 10 giờ đêm Cộng quân xuất hiện dưới các tàng cây hầu hết trước tuyến án ngữ của TD1ND. Đợi địch đến gần.. gần thêm nữa, 150 thước.. rồi 100 thước.. Lệnh khai báo: “Ầm! Ầm! Ầm!..” chỉ mấy phút sau, có hơn 400 qủa đạn đại bác 105 ly vừa chạm nổ, vừa nổ cao chụp xuống đầu địch từ hỏa tập này chuyển sang hỏa tập khác được tiên liệu theo nhu cầu pháo yểm, thế là đơn vị của Trung đoàn 141/SĐ7/CS coi như bị xóa sổ hoàn toàn, vì đạn pháo đã cày nát vườn cây ăn trái, xác địch nằm la liệt tung tóe ngổn ngang. Các chiến sĩ TĐ1ND chỉ cần xử dụng vũ khí cá nhân, sau khi pháo binh ngưng tác xạ để thanh toán những tên “sinh Bắc tử Nam” cuối cùng còn sống sót cố thủ trong hầm hố chiến đấu, TĐ1ND sau khi thu dọn chiến trường tiếp tục án ngữ tại chổ chờ lệnh.
Tin chiến thắng của các Đại đội Nhảy Dù, đã tiêu diệt gần hết 2 tiểu đoàn Cộng quân được trực tiếp báo cáo về BCH/LĐ1ND/HQ, Trung tá Nguyễn văn Đỉnh LĐT, mỉm cười Ông lẫm bẫm: “Cho phép tôi hãnh diện nói theo ngôn từ quân sự một chút, vì đây là trận đánh thắng cuối cùng và toàn vẹn nhất của đơn vị Nhảy Dù từ trước đến nay. Thật đáng hãnh diện về chiến công hiếm có này!!”.
Ngày 16/4 trở lại LĐ1ND ở mặt trận Xuân Lộc, sau 4 ngày quần thảo với lực lượng Cộng quân trong vùng trách nhiệm các đơn vị Nhảy Dù vẫn giữ vững được tuyến phòng thủ và còn tạo được nhiều chiến thắng oai hùng mặc dầu bị quân số địch rất đông áp đảo. Sáng nay, dân chúng trong ấp Bảo Bình báo cho biết hiện Cộng quân còn một số đông khỏe mạnh vớ đủ loại cáng khiêng và có khoảng 200 tên khác bị thương nặng đang nằm băng bó trong ấp. Họ còn cho biết thêm là dân trong ấp Bảo Định đã bỏ nhà chạy hết sang trú ngụ bên ấp Bảo Bình ở phía Nam cách đó khỏang 1 cây số.
Vậy thì tốt, Pháo binh Nhảy Dù lại được dịp “bán Phở”, ngay sau khi Sĩ quan Tiền sát Pháo binh leo lên được tháp chuông nhà thờ Bảo Bình quan sát và điều chỉnh yếu tố lấy “thực đơn”. Thế là 200 qủa đạn đại bác 105 ly đủ loại được liên tục gửi tới chụp xuống đầu những tên “sinh Bắc tử Nam” vừa mới chạy thoát khỏi trận chiến đêm qua. TĐ1ND đang bố trí ở phiá Đông ấp Bảo Định tương đối yên tỉnh, đã được lệnh cho một đứa con lên lục soát mục tiêu pháo binh vừa tác xạ.
Ngày 18/4, Trung tá Đỉnh Lữ đoàn trưởng cho lệnh TĐ9ND đưa một Đại Đội vào vùng do Đại Đội Trinh Sát báo cáo, lục soát như thường lệ. Đại đội 94/ND trên trục tiến quân Trung Úy Thăng cho biết về hướng Đông gần cuối rừng cao su có thấy bóng nhiều xe vận tải Molotova. Khi rời vị trí đóng quân được khoảng 1,000 thước thì Đại đội 94/ND chạm địch khá mạnh, cấp tiểu đoàn dưới hầm hố ngụy trang cây lá, vũ khí cá nhân và cộng đồng bắn ra xối xả. Một khám phá mới Cộng quân còn làm ổ phục kích cả trên các ngọn cây cao su để bắn tỉa. Quả thật bọn chúng có nhiều lợi thế, nên rất hung hản “bu” xung quanh như muốn ào tới để đè bẹp lực lượng Dù.
Thấy Đại đội của mình có thể bị kẹp trong vòng vây nguy hiểm. Trung úy Thăng ĐĐT liền cho lệnh binh sĩ đào hố cá nhân chiến đấu tại chổ và lập tức xin yểm trợ. Được phi pháo yểm trợ vòng ngoài vì thời tiết quá xấu hơn nữa quân ta và địch qúa gần không có khoảng cách an toàn.
Ngay chiều hôm đó mặc dầu trời mưa tầm tã. Đại đội 93/ND do Đại úy Đinh Văn Tường, đã xuất phát lúc 5 giờ dể kịp giao tiếp với với ĐĐ4/ND. Dưới quyền điều động của Đại úy Trần Ngọc Chỉ tân Tiểu đoàn Phó TD9/ND, nhưng khi đại đội 93/ND mới vượt qua khỏi trảng trống vừa bám được vào bìa rừng cao su với Đại đội 94/ND thì chạm địch rất mạnh. Lại chơi trò “công đồn, đã viện” nữa đây chăng. Lúc bây giờ trời về chiều lại có mưa nên trong rừng cây tối đen. Ta và địch bắn nhau qua lại, lúc mạnh khi yếu, cầm chừng suốt đêm, vì bên này sợ bên kia mò tới. Tình hình trở nên giằng co căng thẳng, bất phân thắng bại. Còn Pháo binh Nhảy dù cũng chỉ can thiệp yểm trợ vòng ngoài thôi vì quân hai bên gần như lẫn lộn nhau không còn khoảng cách an toàn cho pháo yểm.
Trong ngày 18/4 Trung Tá Đĩnh, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 1 ND, cũng vừa nhận được lệnh của Chuẩn tướng Lê Minh Đảo, Tư lệnh chiến trường Xuân Lộc báo cho LĐ1ND chuẩn bị triệt thoái toàn bộ của đơn vị ra khỏi Long Khánh, đây là lệnh của Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh QĐ3/QK3 để bảo toàn lực lượng về phòng thủ Sài Gòn”. Ông hết sức ngạc nhiên: “đơn vị mình vẫn vững vàng, tại sao lại bỏ Long Khánh?. Ông liên tưởng đến những cuộc rút quân, triệt thoái, di tản chiến thuật, tái phối trí lực lượng v.v.. trước đây ở QĐ1” cửa biển Thuận An, Tư Hiền” và ở QĐ2 “Liên tỉnh lộ 7B, Phú Bổn, Tuy Hoà”, Trung tá Đĩnh đứng lặng người nghĩ nhiều đến những chiến hữu thân thương, bạn bè đã hy sinh, đã nằm xuống trong các trận đánh để đời này. Vì Ông cho rằng chiến thuật đúng, chiến lược sai thì:trận chiến có thể thắng nhưng cuộc chiến sẽ thất bại..”. Vậy xin Chuẩn tướng trình lại với Trung tướng..”.
Trung tá Đào Thiện Tuyển TĐT/TĐ8ND với quyết tâm của một người lính Nhảy dù, thề đổ máu để bảo vệ quê hương mẹ Việt nam. Ông nói: “mặt trận Xuân lộc, niềm hy vọng cuối.. Các đơn vị ta ở Long Khánh vẫn còn vững vàng đang chiến đấu và xiết chặt vòng vây suốt sáu ngày qua, đạn đã lên nòng, mũi súng hướng vào đầu địch. Chỉ còn giờ hay phút để “bắt bọn chúng phải giơ tay lên ở mãnh đất Long Khánh rực lửa căm hờn này”. Vậy các anh không được ngã gục. Các anh không được quy hàng. Các anh không được tan rã ra từng mảnh .
Nhưng Trung tướng Nguyễn Văn Toàn, Tư lệnh QĐ3/QK3, không cho thời gian và phương tiện để làm điều đó. Ông đã hướng về phía chúng tôi và hạ lệnh: “Các anh phải ngưng bắn, các anh phải rút lui ra khỏi mặt trận Xuân Lộc”. Quân thù đang qùy gối liền đứng dậy, kéo theo ngọn cờ chiến thắng. Còn anh em chúng tôi thì gạt nước mắt lui quân.. Trung tướng Toàn ra lệnh cho Chuẩn Tướng Đảo, Tư lệnh Sư Đoàn 18BB kiêm tư lệnh chiến trường Xuân Lộc – Long Khánh. Quân lệnh, được Ông lập lại “Đây là lệnh của thượng cấp..”.
Sáng hôm sau ngày 19/4, theo lời yêu cầu của Trung tá Đỉnh, LĐT/LĐ1ND, được một Chi đoàn Thiết vận xa M.113 tăng phái đặt thuộc quyền xử dụng trực tiếp của ĐĐ93/ND tiếp viện để thanh toán chiến trường nhanh gọn. Có được đoàn “cua sắt” trong tay Đại úy Tường, tung hoành ngang dọc như cọp được về rừng có thêm bánh. Với những khẩu đại liên 50 của Thiết vận xa M.113 cùng đại liên M.60, phóng lựu M.79 và M.16 của chiến sĩ Nhảy dù thi nhau nổ như pháo tết đêm giao thừa. Cây lá bị đạn chém tả tơi, mấy con chim “người CS” làm tổ ẩn núp trên những cành cây làm sao chịu nổi, phải rơi rụng như sung chín.
Rồi đến lựu đạn M.26 được ném ra cùng M.72 phá tung các cụm cây ngụy trang ở a thì trên miệng hầm trú ẩn. Vừa bắn ầm! ầm!, anh em chiến sĩ Đại đội 93/ND vừa bám theo Thiết vận xa M.113 tiến tới như thác đổ.. Tiếng Trung úy Thăng la qua máy truyền tin:”Coi chừng, đạn bắn gần quá, qua đầu tụi tui rồi đấy”. Có tiếng của Đại úy Tường đáp lại: “Bung ra chứ, bộ đợi tao cõng ra nữa hay sao?.
Thực ra thì Đại đội 94/ND kẹt ở hướng Nam vẫn cầm cự suốt hai ngày qua với quân số của địch đông gấp 3,4 lần. Nhưng bây giờ, thì đội hình bao vây của địch bị bể rồi, 2 Đại đội mới giao tiếp được với nhau. Đại úy tường liền cho đoàn Thiết vận xa chuyển xạ về hướng Đông Nam, thanh toán nốt đám tàn quân đang tháo chạy về cuối rừng cao su.
Địch quân bị ở thế gọng kềm trong bung ra, ngoài ép vào, thêm hỏa lực đại liên 50 trên Thiết vận xa M.113 bắn rà sát truy diệt, địch quân đã bỏ lại tại chổ khoảng 200 tên “sinh Bắc tử Nam” không còn “Nguyên Giáp”.
Quân ta tổn thất:”Thiếu úy Thoại và 2 binh sĩ hy sinh, 8 binh sĩ khác bị thương và 1 Thiết vận xa bị đứt xích”.
Sau đó, Chi đoàn Thiết vận xa M.113 được rời vùng, 2 đại đội Nhảy dù được lệnh đóng quân tại chổ, thiết lập một tuyến an ninh xa cho BTL/SĐ18/BB/HQ, tình hình chiến trận trên thực tế chưa hẳn êm ả hoàn toàn. Vì còn rất nhiều địch quân trong khu rừng cao su bát ngát mênh mông. Đêm về chúng có những toán trinh sát bám theo các Đại đội Nhảy dù và thường tác xạ trao đổi qua lại để thăm dò.

Sáng ngày 20/4, Trung tá Đĩnh lại được lệnh từ Tướng Đảo cho biết: “Đây là lệnh chuyển từ Sài Gòn của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, phải bỏ mặt trận Long Khánh..”.Lại chiến lược đầu bé, đít to” đưa đến các cuộc triệt thoái ấm ức xảy ra tại QĐI và QĐII trước đây.

Một buổi họp khẩn cấp được mở ra tại Trung tâm hành quân BTL/SĐ18BB/HQ, lệnh triệt thoái được Tướng Đảo, với tư cách Tư lệnh chiến trường Long Khánh, ban ra vắn tắt nhưng tương đối đầy đủ, tóm lược các điểm chính như sau:
Liên tỉnh lộ 2 nối liền giữa Long Khánh – Phước Tuy sẽ được xử dụng làm lộ trình rút quân về hướng Nam (Phước Tuy). LTL này đã từ lâu không xử dụng, hy vọng sẽ đạt được yếu tố bất ngờ. Nhưng còn mấy chục cây số đường rừng bị bỏ hoang phế trên LTL. 2 từ Tân Phong cho đến Đức Thạnh, Long Lể về Bà Riạ không phải là việc bình thường của một cuộc rút đoàn quân di tản có cả dân chúng người gìa, trẻ con lẫn lộn. Trên đường rút quân có căn cứ Long giao cách chi khu Xuân Lộc 8 cây số về hướng Nam, hiện là hậu cứ của Trung đoàn 48/BB, được coi như còn an toàn.
Từ đó tiến về hướng Nam khoảng 4 cây số là xã Cảm Mỹ được ghi nhận là có một tiểu đoàn VC cơ động trong vùng lân cận.
Lệnh tổng quát và thứ tự rút quân:
BTL/SĐ18BB và các đơn vị trực thuộc.
BCH/Tiểu khu Long Khánh và các đơn vị ĐPQ+NQ.
BCH/Lữ Đoàn 1Nhảy Dù.

Cuộc rút quân được khai triển ngay chiều tối ngày 20/4 với SĐ18BB mở đường và Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù đoạn hậu.
Đội hình chuẩn bị di chuyển chiến thuật của LĐ1ND lúc đó như sau:
Tiểu đoàn 1 ND đóng ở phía Đông ấp Bảo Định xa nhất, không chạm địch.
Tiểu đoàn 8 ND ở trong khu rừng chồi phía Bắc QL.1 đang bao vây đám tàng quân địch tại khu nhà kho của Tổng Thống Thiệu, ĐĐ1 CBND chuẩn bị chất nổ để cắt phá hàng rào.
Tiểu đoàn 9ND(-) làm trừ bị phía Tây LTL.2, còn 2 ĐĐ 93/ND và 94/ND vẫn giăng ngang làm tuyến án ngữ phía Đông Nam BTL/SĐ18BB/HQ. Hai Đại đội này tiếp tục chạm địch ngăn chận không cho chúng tiến ra LTL.2 để gài chốt chận.
Kế hoạch rút quân của Trung tá Đỉnh LĐT theo chiến thuật di quân “dương Đông, kích Tây”. Lợi dụng thành phần tiền phong của BTL/SĐ18BB di chuyển trước an toàn:
Tiểu đoàn 3PB/ND được chia ra làm 2 thành phần xử dụng quân xa kéo súng đại bác đi trước Lữ đoàn 1 Nhảy dù, theo đội hình “chân vẹt” để luôn luôn duy trì được hỏa lực yểm trợ liên tục cho các tiểu đoàn tác chiến đồng thời hổ tương yểm trợ lẫn nhau giưã các pháo đội trong lúc di chuyển.
Sơ khởi thành phần thứ 1, di chuyển bằng xe kéo pháo đến đóng tại căn cứ Long Giao sẵn sàng. Thành phần thứ 2, kế tiếp di chuyển qua khỏi Long Giao xuống phiá Nam khoảng 4, 5 cây số vào điạ thế sẳn sàng. Khi cánh quân bạn đến trong tầm yểm trợ của thành phần 2, thì lập tức thành phần 1 xếp càng, kéo súng vượt qua thành phần 2, đến một vị trí xa hơn 4, 5 cây số về phiá Nam. Và cứ như thế mà thi hành luân chuyển. Mỗi thành phần được một trung đội Trinh sát Nhảy dù đi theo bảo vệ.
Thứ tự di chuyển:TĐ8ND, BCH/LD và các đơn vị yểm trợ, TĐ1ND, TĐ9ND(-) cuối cùng là hai Đại đội Nhảy dù đang chạm địch, đến giờ phút rút lui phải cho nổ mìn Claymore và súng tác xạ vờ xung phong phản công nghi binh rồi im lặng đoạn chiến. Hỏa lực pháo binh ưu tiên yểm trợ cho hai Đại đội này.Chỉ có TĐ3PB/ND mới được di chuyển trên đường lộ cái.
Các đơn vị được thẩm quyền được thông báo tường tận về địch và bạn trong vùng tiếp cận. Tình hình mỗi lúc một thay đổi khác. Tôi cũng lưu ý anh em luôn luôn cẩn thận đề cao cảnh giác. Bộ chỉ huy LĐ1ND(+) do Trung tá Lê Hồng, Lữ đoàn phó chỉ huy.
Có thể nhờ vào yếu tố bất ngờ lúc đầu, nên các thành phần của BTL/SĐ18BB/HQ kể cả Thiết giáp rút đi an toàn. Lúc bấy giờ trời đã tối, tại ngã ba chi khu Xuân lộc, đông nghẹt người chen chúc đủ mọi thành phần: quân nhân thuộc các quân binh chủng, ĐPQ+NQ và gia đình, các nhà tu hành, dân chúng v.v.. Ngoại trừ các đơn vị Nhảy dù vẫn đóng quân tại chổ chờ lệnh, còn các thành phần khác mạnh ai nấy đi, không theo thứ tự như đã quy định trong lệnh di chuyển. Đoàn người chạy trốn “thần chết” nhưng cũng không thoát khỏi bởi cái gọi ‘quân đội nhân dân của CS” pháo kích truy đuổi đòi nợ máu dân tộc , cái thảm cảnh máu đổ thịt rơi như hồi mùa hè đỏ lửa 72, đại lộ kinh hoàng ở Quảng trị lại tái diễn..?
Khi đến Long Giao thì BCH/LĐ1ND(-) tạm dừng quân. 2 pháo đội 105 ly đã bố trí tại đây sẵn sàng yểm trợ cho thành phần rút chót của Lữ đoàn. Đồng thời 2 pháo đội khác cũng đã có mặt tại vùng xã Cẫm Mỹ. Trong khi đó, trên đỉnh đồi trọc bên kia đường phía Đông đối diện với căn cứ Long Giao địch quân đặt một khẩu thượng liên 12,7 ly để chế ngự cầm chân quân ta, mỗi vài phút thì chúng lại bắn trực xạ vào cổng căn cứ. Trung Tá Đỉnh liền quyết định làm câm họng khẩu thượng liên này bằng một loạt đại pháo với đầu nổ cao bắn đi từ 2 pháo đội ở xã Cẫm Mỹ.
TĐ8ND được lệnh khởi hành vào lúc 10 giờ đêm, gồm các thành phần thuộc LĐ1ND, kéo theo các đơn vị địa phương, gia đình và dân chúng chạy loạn. Các đơn vị Nhảy dù khai triển và phải luôn giữ đúng đội hình tác chiến và sẵn sàng phản ứng kịp thời khi chạm địch. TĐ9ND còn 2 Đại đội đang chạm địch rút đi đoạn hậu. Khi BCH/TĐ rút đồi Chuối sẽ có ĐĐ 94/ND của Trung úy Thăng tháp tùng. Khoảng 2 giờ sáng, Đại úy Tường cho lệnh ĐĐ 93/ND bấm mìn Claymore tấn công nghi binh, rồi đoạn chiến. Tiếng nổ vang ‘ầm! ầm!’ rồi ‘ầm! ầm!’ làm rung chuyễn cả một góc rừng trong đêm vắng, sau đó lặng lẽ lui quân.
Bây giờ Tướng Đảo, Tư lệnh chiến trường và Tướng Lưỡng, Tư lệnh sư đoàn Nhảy Dù nhận được báo cáo thành phần Nhảy Dù sau cùng đã rời khỏi mặt trận Xuân Lộc – Long Khánh an toàn, lúc 2 giờ sáng 21/4. Nhưng đây mới là giai đoạn đầu, vì trên đường về khu tập trung làng Bình Gĩa, quận Đức Thạnh tỉnh Phước Tuy còn dài,sẽ còn rất nhiều bất trắc và lắm gian nguy trên LTL.2.
“Tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn Nhảy Dù, Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng, trên nguyên tắc và định nghĩa là người chỉ huy trực tiếp Binh Chủng Nhảy Dù, nhưng trên thực tế kể từ ngày SĐND được bốc ra khỏi vùnh hỏa tuyến QĐ1/QK1, thì Tổng Thống Nguyễn văn Thiệu, Tổng Tư Lệnh Tối Cao của QLVNCH đã xé nát Sư Đoàn Nhảy Dù ra từng mãnh, đẩy đi khắp các mặt trận. Do đó quyền chỉ huy chiến thuật trong Binh Chủng Nhảy Dù và việc điều động anh em trong đơn vị Nhảy Dù cũng vượt ra khỏi tầm tay của vị Tư Lệnh Nhảy Dù có nhiều mưu lượt khả kính. Khi Ông nhìn thấy những chiến hữu đã từng “vào sinh ra tử” đang bị hiểm nguy trên trận địa, Chuẩn Tướng Lê Quang Lưỡng đã phải chạy ngược chạy xuôi, can thiệp phối hợp điều động lất TĐ7ND do Trung Tá Nguyễn Lô, Tiểu Đoàn Trưởng và Thiếu Tá Nguyễn Văn Qúy làm Tiểu Đoàn Phó chỉ huy cùng 2 Chi Đoàn Thiết Vận Xa M.113 thuộc Lực Lượng Xung Kích QĐ3/QK3, trừ bị tại tỉnh Biên Hòa, di chuyển gấp rút để tiếp ứng cho các thành phần của Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù đang trên đường rút quân từ căn cứ Long Giao về làng Bình Gỉa, Phước Tuy.
Đến khoảng 5 giờ sáng, đơn vị đoạn hậu của LĐ1ND đã đến căn cứ Long Giao, thì BCH/LĐ(-) đang đến với thành phần 2 pháo đội ở xã Cẫm Mỹ, trong khi đó thành phần 1 pháo đội ở Long Giao xếp càng, để di chuển vượt qua xã Cẫm Mỹ về vị trí mới ở phía Nam đúng theo kế hoạch. BCH/LĐ tiếp tục di chuyển trên LTL.2 ngang xã Cẫm Mỹ, hai bên đường phần lớn là những vạc rừng rậm, rừng tre gai xen lẫn rừng chồi cao thấp qúa đầu người, đi được khoảng 3,4 cây số thì trời vừa sáng, nghe có nhiều tiếng súng nổ liên hồi và đám bụi mù ở phía trước. BCH/LĐ dừng lại bố trí tạm bên lề đường quan sát, độ 30 phút sau có một số ĐPQ+NQ và gia đình chạy ngược lại, một sĩ quan ĐPQ cho biết:
Bộ Chỉ Huy Tiểu khu vừa tới khúc quẹo dưới dốc thì bị Cộng quân phục kích tấn công. Chúng trên đồi đông lắm, tràn ngập đoàn xe đang di chuyển. Trung tá Lê Quang Định, TKP bị đạn B.40 chết tại chổ, còn Đại tá Phúc Tỉnh trưởng, cũng bị thương nặng và bọn chúng đã kéo đi rồi..
Trung tá Đỉnh, quyết định cho Pháo Binh Nhảy Dù yểm trợ giải cứu, nhưng Ông nhận được báo cáo của sĩ quan Tiền Sát:
Thành phần pháo binh ở phía Nam chưa vào được vị trí sẵn sàng tác xạ.
Pháo đội ở phía Bắc đang bị địch tấn công biển người tràn ngập, Đại úy Điệp PĐT bị địch bắt đã dùng súng lục ‘tự sát’
Thế là BCH/LĐ cùng một số ĐPQ và gia đình đang bị kẹt giữa trận chiến: “phiá trước là BCH/Tiểu khu bị phục kích, sau lưng là Pháo Đội và Trung Đội Trinh sát Nhảy Dù bị tấn công tràn ngập”. Ông liền tung TĐ8ND lên tiếp ứng.
Trung tá Đào Thiện Tuyển, TĐT/TĐ8ND cho một đại đội lục soát đến vị trí của Pháo Đội, phần còn lại của Tiểu đoàn đánh bọc sườn phía Tây ngọn đồi chận địch. Cộng quân chỉ đánh chớp nhoáng lướt qua vị trí Pháo Binh, phá hủy 4 khẩu đại bác 105 ly, bắt một số quân nhân Nhảy Dù rồi rút chạy vội về hướng Đông. Đại đội Nhảy Dù lục soát đã tìm thấy 5 thương binh của ta, mau lẹ dìu họ theo. Có 12 chiến hữu hy sinh đành phải bỏ lại.
Khi tiếp giáp được với TĐ8ND, BCH/LĐ tiếp tục di chuyển về hướng Nam theo đội hình cũ, nhưng lộ trình thay đổi: “toàn bộ rời LTL.2, đi vào trong bìa rừng cách đường từ 500 đến 1000 thước tùy theo tình hình và địa thế “. Một đại đội của TĐ8ND cũng đến lục soát qua khu vực BCH/Tiểu khu Long Khánh vừa bị Cộng quân phục kích.
Kết qủa bi thảm, không còn gì..!.. Ngoài bãi chiến trường tang thương đẵm máu.. Xác Trung tá Lê Quang Định cùng một số quân nhân khác và gia đình tử thương cũng đành để nằm lại vĩnh viễn trên mãnh đất quê hương mà họ đã từng chiến đấu bảo vệ khi còn sống..
Toàn bộ Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù cũng không di chuyển được liên kết nối đuôi nhau. Từ Long Giao trở đi nhiệm vụ của từng đơn vị, cũng khác nhau tùy theo tình hình. Nhất là TĐ9ND có hai Đại đội chận địch phải đoạn chiến đi sau cùng. Ngày 21/4, lúc này trời đã sáng hẳn, TĐ9ND dừng lại để lấy nước, sau khi đã điều động Đại Đội 92/ND do Đại úy Lê đình Ruân chỉ huy vượt qua Suối Cả, bố trí dọc theo ven rừng dọc sau ấp Suối Cả, sát ranh giới giữa hai tỉnh Long Khánh – Phước Tuy. Còn ĐPQ+NQ gia đình và dân chúng thì nằm ngồi nghĩ ngỗn ngang trên mặt lộ.
Thành phần đầu tiên của TĐ9ND vừa xuống đến mé suối, thì hàng loạt súng cối 61 ly và thượng liên của địch từ phía Tây trong rừng tre lá bắn ra xối xả. Phần đuôi của TĐ9ND cùng ĐPQ+NQ tạt ngang sang bên phải đường. Đại đội 91/ND có nhiệm vụ thanh toán chốt này. Tất cả các loại vũ khí của Đại Đội được tập trung bắn như mưa bão vào khu rừng tre, chỉ một lát sau là tiếng súng của địch đã câm họng. Thiếu tá Lê Mạnh Đường cho TĐ9ND rời đường lộ ép sang bên phải, đi sâu vào bìa rừng để tránh lọt vào ổ phục kích của Cộng quân. Đội hình di chuyển của TĐ9ND lúc bấy giờ: “Đại Đội 93/ND đi chuẩn, Đại Đội 92/ND đi bên trái và Đại Đội 94/ND đi bên phải, nhắm thẳng về hướng Nam dựa theo LTL.2.
Đặc biệt trong cuộc hành quân triệt thoái ra khỏi tỉnh Long Khánh, cấp trên lúc đó cảm thấy những khó khăn, đói khát, hiểm nguy đang chờ họ trên đoạn đường dài mà mọi quân nhân các cấp thuộc LĐ1ND đang phải hứng chịu, nên đã xin điều động TĐ7ND, do Trung Tá Nguyễn Lô, TĐT và Thiếu tá Nguyễn Văn Qúy, TĐP thuộc lực lượng trừ bị tại tỉnh Biên Hòa với 2 Chi Đoàn Thiết Vận Xa M.113, TĐ7ND được chia ra làm 2 đoàn quân, cánh bên phải do Trung tá Lô chỉ huy, cánh trái do Thiếu tá Qúy chỉ huy cùng di chuyển thần tốc càn rừng, leo đồi, vượt suối như Đức Phù Đổng Thiên Vương đuổi giặc để bảo vệ hai bên sườn cho LĐ1ND trên đường rút quân về đến khu rừng cao su phía Bắc làng Bình Giã cách chi khu Đức Thạnh khoảng 10 cây số thuộc tỉnh Phước Tuy được an toàn.
Khi giao tiếp được với TĐ7ND, Trung tá Đỉnh tâm tình: “khi bắt tay hay nói đúng hơn là được TĐ7ND cùng 2 Chi Đoàn Thiết Vận Xa M.113 đến yểm trợ giải nguy kịp thời, đúng chổ, đúng lúc, anh em LĐ1ND như đang khát nước khô cả cổ trên sa mạc được gặp con sông nước mát chảy ngọt ngào tình “huynh đệ chi binh”. Vì khi LĐ1ND di chuyển đoạn hậu thì quân địch có đủ thời giờ để bu lại truy đuổi, do đó các đơn vị Nhảy Dù càng lúc càng chạm địch tứ tung trên đoạn đường rút quân..”.
Các đơn vị Nhảy Dù về đến quận Đức Thạnh lúc 4 giờ chiều, trể nhất là thành phần đoạn hậu sau chót của TĐ9ND khoảng 6 giờ tối ngày 22/4.
Toàn bộ LĐ1ND quay thành một vòng đai lớn quanh Chi Khu Đức Thạnh với TĐ8ND và TĐ1ND chiếm 2/3 vị thế hướng về phía Bắc, TĐ9ND vượt qua đơn vị bạn chiếm đóng phía Nam.
Sáng ngày 23/4, tổ tiền đồn của TĐ1ND đã bắn cháy 2 xe Molotova chở đầy đạn dược và chất nổ tại ngã ba Bình Giã, khi chúng định chạy rẽ về “mật khu Hát Dịch” hướng Tây Bắc tỉnh Phước Tuy.
Ngày 24/4, Thiếu tướng Nguyễn Duy Hinh, Tư lệnh SĐ3BB được giao trách nhiệm lập tuyến phòng thủ khu vực Bà Rịa – Vũng Tàu với lực lượng tăng cường gồm có 1 Chi Đoàn Thiết Vận Xa M.113 thuộc Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh và Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù.
BTL/SĐ 3BB/HQ đóng tại BCH/ Tiểu Khu Phước Tuy bên trong Thị Xã Bà Rịa. Để thực hiện kế hoạch điều phối trách nhiệm phòng thủ giữa các đơn vị: 2 Tiểu Đoàn thuộc SĐ3BB, LĐ1ND và một Chi Đoàn Thiết Vận Xa M.113 giữ phòng tuyến để bảo vệ QL.15 từ Long Thành về Bà Rịa. Theo lời của Thiếu tướng Hinh, thì quân số của các tiểu đoàn tác chiến thuộc LĐ1ND ở mức thấp, mỗi tiểu đoàn còn có khoảng trên dước 400 chiến sĩ.
BCH/LD1ND trấn đóng bên ngoài quanh thị xã Bà Rịa, ở đây LĐ1ND được thỏa mái một vài ngày với nhiệm vụ hành quân tương đối nhẹ nhàng hơn khi ở tỉnh Long Khánh. Trung Tá Đào Thiện Tuyển, TĐT/TĐ8ND được lệnh bổ nhiệm làm quyền Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 2 Nhảy Dù, Thiếu tá Nguyễn Viết Thanh TĐP, được chỉ định xử lý chức vụ Tiểu đoàn trưởng TĐ8ND.

Sáng 27/4 trên QL. 15 Sài Gòn – Vũng Tàu bị cắt đứt và Cộng quân đang hung hản tiến về Tổng Kho Long Bình. Trong khi đó , các đơn vị của SĐ18BB, SĐ3BB, LĐ1ND, TQLC.. đang tổ chức hệ thống phòng thủ ở phía Đông Sài Gòn và khu vực Bà Rịa.
Ngày 28/4, khi Cộng quân đã ào ạt tấn công vào tỉnh Phước Tuy, các đơn vị Nhảy Dù chống trả quyết liệt giữ vững tuyến phòng thủ đến chiều tối cùng ngày, LĐ1ND được lệnh rút về Vũng Tàu trước khi đơn vị Công binh và TQLC bảo vệ cho phá hủy cầu Cỏ May trong đêm 28 rạng ngày 29/4.

Nhìn lại lịch sử cuộc chiến Việt nam, từ những đỉnh cao có thể sẽ bị ghi nhận một cách thiên lệch hồ đồ bất xứng, nhằm mục đích để cố tình chôn lấp tinh thần và ý chí chiến đấu “chống cộng” của QLVNCH nói chung. Hay của một thế hệ thanh niên Miền Nam Việt nam đã đứng trong hàng ngũ chống xâm lăng của Cộng sản Quốc tế, đội lốt cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc bởi Hồ Chí Minh chủ đạo. Nhưng Quân sử của Binh Chủng Nhảy Dù QLVNCH nói riêng, chắc chắn sẽ đặt những sự kiện lịch sử oai hùng đó vào một chổ đứng đúng đắn xứng đáng và trang trọng của nó. Vì người chiến sĩ!. “Người Chiến Sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà đời đời không bao giờ chết”, mà “Tổ Quốc mãi mãi ghi ơn”.
Sự thật đó là: “Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù chưa bao giờ thua trận Xuân Lộc – Long Khánh”. “ LĐ1ND đã không bị đối phương quật ngã”. Hơn thế nữa LĐ1ND đã buộc đại quân của Tướng CS Võ Nguyên Giáp dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tướng CS Trần Văn Trà với quân số và chiến cụ đông hơn gấp 10 lần, hung hản tiến ào ào như thác đổ cũng phải khựng lại ở cửa ngõ Sài Gòn và phải chuyển hướng tấn công .
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn