NHỮNG NGÀY XƯA GHI DẤU SỬ XANH : ( 3/4/1975 --- 20/4/1975) GIỜ NÀY ANH Ở ĐÂU ? THIẾT ĐOÀN 5 / LỮ ĐOÀN 3 KỴ BINH - VNCH & CHIẾN ĐOÀN 52 BB TRÊN PHÒNG TUYẾN NGÃ BA DẦU GIÂY-LONG KHÁNH .

07 Tháng Tư 20229:04 CH(Xem: 3138)
Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh phối thuộc Chiến Đoàn 52 / Sư Đoàn 18 Bộ Binh - VNCH .
Sau khi chiếm Tây Nguyên, đại binh Cộng sản (CS) gồm hàng chục sư đoàn Bộ Binh có chiến xa và trọng pháo yểm trợ đã lần lượt chiếm các tỉnh miền Trung và tiếp đến Phan Rang, Phan Thiết, Bình Tuy, Lâm Đồng cũng rơi vào tay chúng. Cuối tháng 3 năm 1975, Quận Định Quán thuộc Tiểu Khu Long Khánh bị tràn ngập bởi Sư Đoàn 341 CS. Lực Lượng Đặc Nhiệm 52 (LLĐN 52) được thành lập, án ngữ tại xã Túc Trưng (trên quốc lộ 20 cách ngã ba Dầu Giây 25 Km về hướng Bắc), để ngăn chận bước tiến của địch gồm các đơn vị trực thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh như sau:
* Trung Đoàn 52 Bộ Binh (Đại Tá Ngô Kỳ Dũng chỉ huy, cũng là Chiến đoàn Trưởng), với 3 tiểu đoàn:
- Tiểu đoàn 1/52 (Thiếu Tá Cam Phú, tiểu đoàn trưởng)
- Tiểu đoàn 2/52 (Đại Úy Huỳnh Văn Út, tiểu đoàn trưởng)
- Tiểu đoàn 3/52 (Thiếu Tá Phan Tấn Mỹ, tiểu đoàn trưởng)
* Thiết đoàn 5 kỵ binh (Trung Tá Trần Văn Nô, thiết đoàn trưởng)
- Chi đoàn 1/5 chiến xa (Đại Úy Lê Đức Việt, chi đoàn trưởng)
- Chi đoàn 2/5 thiết kỵ (Đại Úy Vũ Đình Lưu, chi đoàn trưởng)
- Chi đoàn 3/5 thiết kỵ (Đại Úy Lê Sơn, chi đoàn trưởng)
* Tiểu Đoàn 182 Pháo Binh
* Lực lượng tăng phái: Công binh và đơn vị hỏa tiễn TOW
* Địa Phương Quân: một tiểu đoàn và Nghĩa Quân thuộc Tiểu Khu Long Khánh
Lực Lượng Đặc Nhiệm 52 được thành lập nhằm ngăn chặn đại binh CS đang tiến công dữ dội về hướng Nam (Biên Hòa, Saigon). Chiến trường khốc liệt máu lửa chính của những ngày tháng 4 là địa danh ngã Ba Dầu Giây, cũng là giao điểm của Quốc Lộ 1 và Quốc Lộ 20 cách thị xã Xuân Lộc 12 Km về hướng Tây.
Vùng Túc Trưng, Kiệm Tân Gia Kiệm là vùng đất đỏ miền Đông trù phú, với vườn cao su bạt ngàn và ruộng rẫy xanh tươi. Cư dân phân nữa là công nhân cạo mủ cho đồn điền cao su và xen kẽ là nhũng rẫy cà phê xanh tươi bát ngát, những vườn sầu riêng, chôm chôm, xoài và các loại trái cây khác của nông dân bản địa. Họ là những người miền Bắc di cư năm 1954. Sau bao năm dài thanh bình thịnh vượng của miền Nam tự do, nay lại phải tức tưởi gồng gánh lánh nạn cộng sản một lần nữa. Trước mắt tôi, dài theo QL20 xuôi về hướng Biên Hòa Sài Gòn cả dòng người chạy giặc bằng mọi phương tiện từ thô sơ đến cơ giới. Chiếc xe gắn máy hai bánh phải chở đến 4, 5 người nheo nhóc trẻ con. Chiếc xe lam cong cả nhíp với bao người đu bám xung quanh. Xe bò, xe trâu, xe thồ tấp nập di chuyển về một chiều. Tất cả cùng một hướng xuôi Nam, nơi họ tin tưởng rằng còn là phần đất tự do được bảo vệ, che chở bởi người lính Việt Nam Cộng Hòa. Trên tất cả mọi khuôn mặt từ những ông bà già đến đứa trẻ con đều lộ vẻ hốt hoảng, nặng trĩu lo âu không biết chuyện gì sẽ xảy ra cho gia đình họ trong những ngày sắp tới.
Đêm 3 tháng 4 năm 1975, trời vừa tối, một trung đoàn của Sư Đoàn 341 CS tấn công vào đồn Địa Phương Quân ở cầu La Ngà thuộc Chi khu Định Quán, tỉnh Long Khánh. Lực lượng trú phòng một tiểu đoàn trừ bị và một chi đội Thiết Vận Xa M113 (thuộc CĐ 2/5 TK) bảo vệ cầu La Ngà (cầu La Ngà nằm trên quốc lộ 20 cách ngã ba Dầu Giây 29 Km về hướng Bắc). Chúng pháo kích ác liệt suốt đêm và sau đó là tấn công biển người. Rạng sáng ngày 4 tháng 4, Thiếu Úy Nho - Chi đội Trưởng M113 Thiết Kỵ - báo cáo cho tôi (Chi đoàn Trưởng Chi Đoàn 2/5 Thiết Kỵ): “2 xe M113 bị bắn cháy, đồn Địa Phương Quân bị tràn ngập, địch đang cận kề.” Tôi ra lệnh cho Th/úy Nho dùng hết hỏa lực chống trả và rút lui bằng đường rừng theo cánh rừng chồi xuôi về phía Túc Trưng nơi có quân bạn. Chi đội này có 4 xe 113 thì 2 xe bị bắn cháy, 2 xe bất khiển dụng vì bị bắn đứt xích. Th/úy Nho cũng đã dụ địch bằng hai M113 bất khiển dụng. Ông lệnh cho anh em binh sĩ dùng dây thun cột mỏ vịt 2 trái lựu đạn rồi rút chốt bỏ vào thùng xăng, một lúc sau hai chiếc M113 cháy nổ dữ dội. Hơn nửa giờ, Chi Đoàn 2/5 Thiết Kỵ đã đến bắt tay với chi đội và một trung đội Địa Phương Quân trở về Túc Trưng. Riêng phần chi đội thiệt hại 4 xe M113 và 5 hy sinh và bị thương.
Ngày 5 tháng 4, 1975, địch bao vây thị xã Xuân Lộc. Thiết Đoàn 5 Kỵ Binh được lịnh rút về Long Khánh để tăng cường phòng thủ Xuân Lộc. Chỉ còn Chi Đoàn 2/5 Thiết Kỵ và 1 chi đội chiến xa M41 của Chi Đoàn 1/5 CX ở lại tiếp tục tăng phái cho LLĐN 52. Cầu La Ngà đã bị chiếm, áp lực của địch rất nặng nề với khoảng cách chỉ còn 9 Km từ cầu La Ngà đến Túc Trưng nên ngày 8 tháng 4, 1975 Lực Lượng Đặc Nhiệm 52 lui binh về hướng Nam lập căn cứ dã chiến tại ấp Nguyễn Thái Học, nằm trên QL 20 cách ngã ba Dầu Giây 4Km về hướng Bắc. Đây là một ấp nhỏ, chung quanh là vườn cao su bạt ngàn. Dân cư phần lớn là phu cạo mủ của đồn điền, một số nhỏ là nông dân làm các rẫy cây ăn trái ven lộ. Hầu hết dân chúng đã di tản khỏi ấp khi thấy chiến trận đã cận kề.
Ngày 9 tháng 4, 1975, Quân Đoàn 4 của CS bắt đầu mở cuộc tấn công vào thị xã Xuân Lộc với cường độ khốc liệt tiền pháo hậu xung.
Ngày 11 tháng 4, 1975, Tiểu Đoàn 2/52 tăng cường bảo vệ Xuân Lộc. Thời điểm này, LLĐN52 chỉ còn 2 tiểu đoàn Bộ Binh, Chi Đoàn 2/5 Thiết Kỵ 1, chi đội chiến xa M41, Đại Đội 52 Trinh Sát, Tiểu Đoàn Pháo Binh 182, Công Binh và đơn vị hỏa tiễn TOW; đối diện với Sư Đoàn 341 CS tăng cường Chiến xa và Pháo tầm xa.
Ngày 12 tháng 4, Chi Đoàn 2/5 và một đại đội của Tiểu Đoàn 1/52 (trừ bị) hành quân mở rộng phòng tuyến an ninh xuống ngã ba Dầu Giây. Chi đoàn băng qua vườn cao su di chuyển lên hướng Đông (Long Khánh) dọc theo phía Nam quốc lộ 1 cạnh khu nhà Tây (ấp Trần Hưng Đạo, dân địa phương còn gọi là ấp 97, cách ngã ba Dầu Giây 4Km). Bất ngờ đụng phải một lực lượng CS phòng thủ kiên cố, cuộc giao tranh cực kỳ quyết liệt. Sau hơn nửa giờ, một Thiết Vận Xa M113 của Thiếu Úy Sơn bị bắn cháy, Thiếu Úy Sơn thoát thân ra ngoài với thân thể bốc lửa. Phía Nam của đội hình chi đoàn xe của Thiếu Úy Chiến cũng trúng đạn, Thiếu Úy Chiến và Binh Nhất Thành hy sinh. Tuy vậy, kỵ mã sắt vẫn còn khả năng tác chiến dưới sự điều động của Trung Sĩ Hiếu, một hạ sĩ quan hành quân dày dạn kinh nghiệm mặc dù đã bị thương, vừa bắn trả vừa lui lại phía sau. Sau nhiều giờ giằng co, chi đoàn lùi về hướng ngã ba Dầu Giây và bố trí phòng thủ đêm trong rừng cao su tại đây. Một đêm không thể chợp mắt được vì phía xa, hàng trăm ánh đèn soi sáng chập chờn. Tôi bảo thiếu úy tiền sát viên pháo binh xin pháo. Khi tiếng “depart” pháo thì ánh sáng đèn tắt ngấm, sau loạt pháo chúng lại tiếp tục soi đèn. Tôi bồn chồn đi vội lại xem tình hình anh em hy sinh và bị thương. Tổng kết ngày hôm đó, chi đoàn 3 hy sinh, 3 bị thương. Bên phía Bộ Binh 2 hy sinh và 4 bị thương nằm rải rác trong các xe. Quỳ xuống gốc cây cao su, tôi làm dấu Thánh Giá và cầu nguyện cho linh hồn các anh sớm về chốn bình yên vĩnh hằng. Các anh đã trả nợ nước non, tôi cầu xin các anh che chở cho những người còn lại thoát khỏi cơn hiểm nguy còn chập chùng trước mặt. Vĩnh biệt các anh với đôi mắt ngấn lệ. Nhưng đêm đó địch không đánh, có thể vì chưa biết chính xác vị trí của chúng tôi.
Ngày 13 tháng 4, 1975, lực lượng chúng tôi lại lùi về hướng căn cứ Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn LLĐN ở ấp Nguyễn Thái Học và tái bố trí phòng thủ trong rừng cao su cách Căn cứ 1.5 Km, cạnh QL 20. Đến trưa, chúng tôi lại hứng pháo, CS pháo từng chập, đạn nổ khắp nơi, xung quanh, trên đầu, những cành lá cao su và miểng đạn bay tung tóe. Hạ sĩ Thảo, Hiệu thính viên Truyền Tin đã ngã gục trên người tôi, máu anh đã nhuộm đỏ bộ quân phục màu xanh của tôi. Sau tiền pháo là hậu xung, chúng ồ ạt tấn công. Với địa hình đã chuẩn bị sẵn sàng, Thiết Giáp bố trí vòng tròn, Bộ Binh đào hầm sâu xen kẽ, chúng tôi sẵn sàng chờ địch tới. Cường độ trận đánh thật ác liệt, địch ẩn núp sau các gốc cây cao su to, hết lớp này đến lớp khác bò tới, Thiết Giáp bắn đỏ nòng các khẩu đại liên 50 và 30. Khói súng không thoát khỏi các tàng cao su dày đặc, mờ mờ như màn sương. Hơn 1 giờ giao tranh, với lòng quả cảm và kinh nghiệm chiến đấu Kỵ Binh và Bộ Binh đã đẩy lùi được địch. CS rút lui với tổn thất nặng nề. Xác địch nằm rải rác trong vườn cao su từ gần đến xa, đếm không xuể. Bộ Binh lao lên thu chiến lợi phẩm gom thành một đống cao đủ loại vũ khí. Tinh thần mọi binh sĩ cả Thiết Giáp và Bộ Binh lên cao, hăng hái sau nhiều ngày lui binh từ chết đến bị thương. Số vũ khí tịch thu được tôi cho 1 chiến xa M41 cán nát vì có giữ cũng vô ích, cần chỗ trong xe để chở thêm đạn dược, xăng dầu, lương khô sẵn sàng cho những ngày sắp tới.
Trinh sát báo về, địch quân chỉ còn cách căn cứ không đầy 2Km. Tôi gọi 18 (danh hiệu truyền tin của Đại Tá Ngô Kỳ Dũng) xin chi đoàn về bố trí phòng thủ ở Bộ Chỉ Huy Chiến Đoàn (LLĐN 52) để tải thương và tiếp tế. Chúng tôi về và bố trí các xe thành một vòng cung rìa ấp Nguyễn Thái Học, giữa các xe là Bộ Binh của Đại Đội 52 Trinh Sát. Công việc xong lúc 6 giờ tối.
Đêm đó, 13 tháng 4, ngã ba Dầu Giây được phòng thủ bởi Tiểu Đoàn1/52 Trừ Bị, Sư Đoàn 6 CS tràn ngập. Mất ngã ba Dầu Giây, toàn bộ lực lượng Đặc Nhiệm 52 còn lại như cá nằm trên thớt, tứ bề thọ địch. Trên QL20 địch đã tiếp cận đơn vị chúng tôi. Phía Nam trên QL1, địch đã chiếm ấp Trần Hưng Đạo và giao tranh với chúng tôi trọn ngày hôm qua. Đêm nay lại mất Dầu Giây nữa. Tình hình mặt trận chắc còn tệ hơn lực lượng Pháp đóng tại Điện Biên Phủ vào năm 1954.
Ngày 14 tháng 4, 1975, một ngày yên bình hiếm hoi, sáng dậy tôi mới biết là mình còn sống. Tôi xin trực thăng tản thương, tiếp tế xăng dầu, đạn dược lương khô được chở theo bằng xe M548 (một loại xe tải chạy bằng xích) và GMC. Tôi cho anh em kiểm tra bảo trì xe, vũ khí sau 2 ngày liên tục quần thảo với CS, sẵn sàng cho một cuộc giao tranh mới.
Tôi cùng các đơn vị trưởng trực thuộc có cuộc họp khẩn cấp tại Trung Tâm Hành Quân của LLĐN 52. Nơi họp là một căn hầm kiên cố do Công Binh xây dựng vách dày 1 mét, nóc với hàng chục lớp bao cát. Sau cuộc họp tôi được biết tình hình vô cùng nguy ngập. Trên tấm bản đồ Hành quân nhiều ký hiệu màu đỏ chỉ quân CS đang bao vây và tiếp cận chúng tôi gồm Sư Đoàn 341, Sư Đoàn 6, Trung Đoàn 95 thuộc Sư Đoàn 325, 2 Trung Đoàn Địa phương 33 và 274.
Trong khi đó LLĐN52 thì có Tiểu Đoàn 1/52 kiệt sức và thiệt hại nặng (200 hy sinh và bị thương). Tiểu đoàn 3/52 trấn giữ đồi Móng Ngựa (hướng Tây Bắc cách Xuân Lộc 12km) để yểm trợ Bộ chỉ huy LLĐN52. Một trung đội hỏa tiễn TOW. Chi đoàn 2/5 Thiết Kỵ, Đại Đội 52 Trinh Sát, Pháo Binh, Công Binh. So sánh lực lượng thì quân số CS 20 còn quân ta chỉ có 1. Địch dùng lực lượng áp đảo này để mong xóa sổ toàn bộ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa ở đây, để mở đường cho đại binh CS tiến chiếm Saigon. Trong những ngày kịch chiến vừa qua, chỉ có Pháo Binh yểm trợ cầm chừng vì mặt trận Xuân Lộc đang hồi quyết liệt, nên tất cả các phi tuần oanh tạc đều tập trung vào đó.
Đơn vị tiếp ứng là Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh thì bị chận đứng tại ấp Hưng Nghĩa hai ngày không tiến lên hướng Dầu Giây nổi. Trên QL1, địch quân bao vây thị xã Xuân Lộc và khống chế một đoạn đường dài 20Km từ ngã ba Cua Heo ven thị xã Xuân Lộc đến ấp Hưng Nghĩa thuộc xã Hưng Lộc. Phía QL20, địch quân chiếm toàn bộ tỉnh Lâm Đồng, Chi Khu Định Quán, Túc Trưng, Gia Kiệm. Lực lượng VNCH như một ốc đảo trên sa mạc, bốn bề là địch quân.
Ra khỏi phòng họp hành quân, tôi không về xe vội. Ngồi xuống 1 thân cây ngã, lấy thuốc ra hút. Miệng cay xè, râu ria tua tủa vì mấy đêm không ngủ. Nhìn về hướng chi đoàn các binh sĩ đang tất bật lau chùi vũ khí chuẩn bị cho trận kịch chiến sắp tới, biết chắc là sẽ xảy ra, bất cứ lúc nào, hôm nay, ngày mai. Cường độ đánh sắp tới chắc sẽ vô cùng khốc liệt, ai còn, ai mất? Đem thân làm lính Kỵ Binh thì ngày xưa lấy da ngựa bọc thây, ngày nay nguyện chết trong lòng xe bọc thép...
Xem thêm Bài đã đăng 4/2020 : CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : MẶT TRẬN QUÂN ĐOÀN III - ĐÔNG NAM PHẦN ( 8 /4/1975 ) - Chiến Đoàn 52 VNCH và Thiết Giáp Giao Tranh Tây Bắc Xuân Lộc - Ngã Ba Dầu Giây - Long Khánh & CHƯƠNG TRÌNH NGHIÊN CỨU QUÂN SỬ - QUÂN LỰC VNCH : QUÂN ĐOÀN 3 VNCH - MẶT TRẬN XUÂN LỘC - LONG KHÁNH - Ngã ba Dầu Giây - CBU.82 : Quả BOM thả trong Trận Long Khánh .
Lữ đoàn 3 Kỵ binh
Quân Khu 3 - VNCH
Chuẩn tướng Trần Quang Khôi
Phối thuộc Quân đoàn III
Thiết đoàn 5
Chiến xa M.41
Thiết đoàn trưởng : Trung tá Trần Văn Nô
Phối thuộc Sư đoàn 18 Bộ binh .
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn