VIỆT NAM QUÊ HƯƠNG THƯƠNG NHỚ ! CAO NGUYÊN LÂM VIÊN VÀ ĐÀ LẠT TRONG SƯƠNG MỜ ẢO .

08 Tháng Giêng 202210:09 CH(Xem: 1572)
Vùng cao nguyên Lâm Viên từ xa xưa là địa bàn cư trú của người Lạch, người Chil và người Srê thuộc dân tộc Cơ Ho , trong đó người Lạch chiếm số đông nhất. Những người đầu tiên đến tiếp xúc với cư dân bản địa trên đất Lâm Đồng là người Chăm và có thể họ đã đặt chân lên cao nguyên Lâm Viên.
Theo một vài ghi chép, người Việt cũng có thể từng biết đến và có mặt ở vùng đất này. Đối với những nhà thám hiểm, trong toàn bộ vùng rừng núi Nam Trung Bộ, cao nguyên Lâm Viên chính là khu vực khó thâm nhập nhất. Nếu từ đồng bằng duyên hải miền Trung, để đến được cao nguyên Lâm Viên, cần vượt qua tầng cao nguyên thứ nhất, nơi có độ cao trung bình từ 900 đến 1.000 mét.
Người Việt đầu tiên có ý định thám hiểm vùng đất này là Nguyễn Thông, vị quan nhà Nguyễn nửa cuối thế kỷ XIX. Năm 1877, khi đang giữ chức dinh điền sứ tỉnh Bình Thuận, Nguyễn Thông và Trương Gia Hội, vị quan tuần phủ Thuận Khánh, đã tiến hành thám hiểm vùng đất nằm giữa ba con sông La Ngà, Đồng Nai và Đạ Huoai, trong đó nhóm đi xa nhất của đoàn thám hiểm đã đặt chân đến cực nam của tỉnh Lâm Đồng, thuộc địa bàn huyện Đạ Huoai ngày nay.
Toàn bộ hành trình chuyến đi được Nguyễn Thông ghi lại trong bài Sớ xin lập đồn điền khai khẩn vùng Thượng du.
Cuối thế kỷ 19, nhiều nhà thám hiểm người Pháp đã thực hiện những chuyến đi xuyên sâu vào vùng đất này. Tiên phong trong số họ là bác sỹ Paul Néis và trung úy Albert Septans với chuyến thám hiểm thực hiện đầu năm 1881.
Năm 1893, nhận nhiệm vụ từ Toàn quyền Jean-Marie de Lanessan, bác sỹ Alexandre Yersin đã tiến hành khảo sát một tuyến đường bộ từ Sài Gòn xuyên qua vùng đất của người Thượng và kết thúc ở một địa điểm trên bờ biển Trung Kỳ. Ngày 21 tháng 6 năm 1893, trên hành trình thám hiểm, Alexandre Yersin đã tới cao nguyên Lâm Viên.
Năm 1897, trong khi tìm kiếm một địa điểm để xây dựng trạm nghỉ dưỡng cho người Pháp ở Đông Dương, Toàn quyền Paul Doumer gửi thư hỏi ý kiến Alexandre Yersin. Khi nhận được thư của Paul Doumer, Alexandre Yersin gợi ý chọn cao nguyên Lâm Viên, một vùng đất lý tưởng thỏa mãn đầy đủ các điều kiện: độ cao thích hợp, diện tích đủ rộng, nguồn nước bảo đảm, khí hậu ôn hòa và có thể thiết lập đường giao thông.
Cuối tháng 3 năm 1899, Paul Doumer cùng với Alexandre Yersin đích thân đến khảo sát thực tế tại cao nguyên Lâm Viên.
Ngày 1 tháng 11 năm 1899, Doumer ký nghị định thành lập ở Trung Kỳ tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut-Donnai) và hai trạm hành chính được thiết lập tại Tánh Linh và trên cao nguyên Lang Biang. Đó có thể được xem là văn kiện chính thức thành lập trạm điều dưỡng trên cao nguyên Lang Biang – tiền thân của thành phố Đà Lạt sau này.
Ngày 20 tháng 4 năm 1916, vua Duy Tân đã ra đạo dụ thành lập thị tứ, tức thị xã (centre urbain) Đà Lạt, tỉnh lị tỉnh Lâm Viên. Đạo dụ này được Khâm sứ J.E. Charles chuẩn y ngày 30 tháng 5 năm 1916.
Trong hai thập niên 1900 và 1910, người Pháp đã xây dựng hai tuyến đường từ Sài Gòn và từ Phan Thiết lên Đà Lạt. Hệ thống giao thông thuận lợi giúp Đà Lạt phát triển nhanh chóng. Vào năm 1893, vùng Đà Lạt ngày nay hầu như hoang vắng. Đến đầu năm 1916, Đà Lạt vẫn còn là một khu thị tứ nhỏ với độ 8 căn nhà gỗ tập trung hai bên bờ dòng Cam Ly, chỉ có 9 phòng khách sạn phục vụ du khách, đến cuối năm này mới nâng lên được 26 phòng. Cuối năm 1923, đồ án thiết kế đầu tiên hoàn thành, Đà Lạt đã có 1.500 dân.
Ngày 31 tháng 10 năm 1920, Toàn quyền Đông Dương ra nghị định chuẩn y đạo dụ ngày 11 tháng 10 cùng năm của vua Khải Định về việc thành lập thành phố (commune- thành phố loại 2) Đà Lạt cùng với việc tỉnh Đồng Nai Thượng được tái lập. Nhằm biến Đà Lạt thành một trung tâm nghỉ mát ở Đông Dương, Nha giám đốc các sở nghỉ mát Lâm Viên và du lịch Nam Trung Kỳ được thành lập. Đứng đầu thành phố là một viên Đốc lý, đại diện của Toàn quyền Đông Dương. Năm 1928 chuyển tỉnh lỵ tỉnh Đồng Nai Thượng về Đà Lạt.
Tới thập niên 1940, Đà Lạt bước vào giai đoạn cực thịnh của thời kỳ Pháp thuộc, "thủ đô mùa hè" của toàn Liên bang Đông Dương. Trong những năm chiến tranh, thành phố vẫn giữ vai trò một trung tâm du lịch nghỉ dưỡng và khoa học giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa. Dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm, nhiều trường học, trung tâm văn hóa và các công trình kiến trúc tiếp tục ra đời. Đà Lạt cũng là nơi định cư của nhiều người di cư từ miền Bắc.
Năm 1941, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ tỉnh Lâm Viên (Lang Biang) mới tái lập. Thị trưởng Đà Lạt kiêm chức Tỉnh trưởng tỉnh Lâm Viên.
Trong thời gian Thế chiến thứ hai, những người Pháp không thể về chính quốc nên họ tập trung lên nghỉ ở Đà Lạt. Nhiều nhu cầu rau ăn, hoa quả của người Pháp cũng được Đà Lạt cung cấp.
Ngày 10 tháng 11 năm 1950, Bảo Đại ký Dụ số 4-QT/TD ấn định địa giới thị xã Đà Lạt.
Theo Địa phương chí Đà Lạt (Monographie de Dalat), năm 1953, thị xã Đà Lạt là thủ phủ của Hoàng triều Cương thổ, có diện tích là 67 Km², dân số: 25.041 người.
Sau Hiệp định Genève năm 1954, dân số Đà Lạt tăng nhanh bởi lượng người di cư từ Bắc vào Nam. Dưới chính quyền miền Nam, Đà Lạt được phát triển như một trung tâm giáo dục và khoa học.
Năm 1957, Đà Lạt trở thành tỉnh lỵ tỉnh Tuyên Đức. Thị xã Đà Lạt có 10 khu phố.
Nhiều trường học và trung tâm nghiên cứu được thành lập: Viện Đại học Đà Lạt (1957), Trường Võ bị Quốc gia Đà Lạt (1959), Thư viện Đà Lạt (1960), trường Đại học Chiến tranh Chính trị (1966), trường Chỉ huy và Tham mưu (1967)... Các công trình phục vụ du lịch được tiếp tục xây dựng và sửa chữa, hàng loạt biệt thự do các quan chức Sài Gòn, nhiều chùa chiền, nhà thờ, tu viện được xây dựng... Đà Lạt cũng là một điểm hấp dẫn với giới văn nghệ sĩ...
CÒN MỘT CHÚT GÌ ĐỂ NHỚ !
- Lịch Sử của Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam :
Là lịch sử của một thực thể gắn liền với lịch sử cận đại của dân tộc, của lịch sử chiến tranh Việt Nam nói chung và của dòng Quân Sử Việt nói riêng. Công cuộc tranh đấu đòi quyền tự quyết và độc lập đã đem lại một thành quả đầu tiên qua Hiệp Ước Vịnh Hạ Long vào năm 1948, mà theo đó, người Pháp công nhận Việt Nam độc lập trong khuôn khổ Liên Hiệp Pháp.
Lợi dụng cơ hội này, Quân Đội Quốc Gia sơ khai được thành hình nhưng vẫn nằm trong sự chi phối của người Pháp.
Dù vậy, chính phủ Quốc Gia Việt Nam lúc bấy giờ đã cho thành lập trường Sĩ quan Việt Nam ở Đập Đá bên cạnh dòng sông Hương, Huế, một quân trường nhằm đào tạo sĩ quan hiện dịch, nòng cốt cho Quân Đội Quốc Gia Việt Nam .
Sau hai năm, trường Sĩ Quan Hiện Dịch Huế được di chuyển về Đà Lạt vì nơi đây có đầy đủ các điều kiện về khí hậu và huấn luyện để rèn luyện các sĩ quan sẵn sàng chiến đấu trong mọi điều kiện khốc liệt của chiến trường .
Trường được cải tổ toàn diện và được cải danh thành Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt.
Năm 1955 , sau khi truất phế lật đổ Quốc Trưởng Bảo Đại và chuyển đổi chính thể Quốc Gia Việt Nam trở thành Việt Nam Cộng Hòa , Thủ Tướng Ngô Đình Diệm chấp chính nền Đệ Nhất Cộng Hoà.
Quân Đội Quốc Gia Việt Nam với toàn vẹn chủ quyền được thống nhất chỉ huy dưới danh xưng Quân Đội Việt Nam Cộng Hòa.
Trường Võ Bị Liên Quân cũng nằm trong khuôn khổ cải tổ đó và một lần nữa được cải danh thành Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam, do Nghị Định 317/QP/TT ngày 29-7-1959, được Tổng Thống Ngô Đình Diệm ký. Năm 1960, đầu tiên xây dựng một cơ sở huấn luyện khang trang tọa lạc tại đồi 1515, gần hồ Than Thở, khoảng 5 Km phiá Bắc trung tâm thị xã Đà Lạt.
Từ 1959, do nhu cầu chiến trường, chương trình huấn luyện của các khoá thay đổi theo thời gian thụ huấn, gần 4 năm rồi trở lại 2 năm. Từ 1966, chương trình và phương pháp huấn luyện phỏng theo các tiêu chuẩn đào tạo sĩ quan của Trường Võ Bị West Point, Hoa Kỳ. Kể từ đây, thời gian huấn luyện các khoá SVSQ là 4 năm.
Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam có trách nhiệm đào tạo các sĩ quan hiện dịch nòng cốt cho Hải-Lục-Không Quân, có khả năng chỉ huy, chiến đấu trong thời chiến và một trình độ kiến thức bậc đại học, để sẵn sàng phục vụ đất nước trong thời bình.
Chương trình huấn luyện quân sự luôn được cập nhật các kiến thức mới, các chiến thuật mới. Các sinh viên sĩ quan được huấn luyện chiến thuật tác chiến cấp trung đội và thêm một số kiến thức thuộc cấp đại đội, để sẵn sàng nhận nhiệm vụ trung đội trưởng bộ binh khi ra trường, cũng như sẵn sàng nhận một chức vụ cao hơn sau một thời gian ngắn phục vụ tại các đơn vị. Các tân sĩ quan mới ra trường sẽ thụ huấn thêm các khoá học khác theo quân binh chủng của họ.
Tuy nhiên, từ 1971, các sinh viên năm thứ 3 (bắt đầu từ Khóa 25 SVSQ) chọn Không Quân và Hải Quân theo học chuyên môn tại các trường của Không và Hải Quân vào mùa Quân Sự. Mùa Văn Hoá, họ trở về trường học chung với đồng khoá. Kể từ thời gian này, Trung Đoàn SVSQ có thêm 2 đại dội SVSQ Hải Quân và Không Quân (tổng cộng 10 đại đội).
Từ 1962, các ứng viên muốn gia nhập Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam phải tối thiểu có bằng Tú Tài II và được chọn lọc qua một cuộc khảo sát. Chương trình học mỗi năm được chia làm hai mùa, mùa Đông Quân Sự (2 tháng), các mùa khác học Văn Hóa (9 tháng), cũng như thêm các giờ huấn luyện quân sự, như Lãnh Đạo Chỉ Huy...
Để trao dồi nghệ thuật chỉ huy và lãnh đạo, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam có truyền thống tổ chức Hệ Thống Tự Chỉ Huy và 8 tuần huấn nhục cho các tân khóa sinh. Hệ Thống Tự Chỉ Huy ngoài mục đích giúp các sinh viên sĩ quan thực tập về chỉ huy, còn có tác dụng phát huy tình huynh đệ giữa các khóa. Tám tuần huấn nhục giúp khóa sinh dứt bỏ nếp sống dân chính, để khép mình vào khuôn khổ kỷ luật của nhà trường.
Từ 1966, thời gian thụ huần kéo dài đến bốn năm. Về văn hóa, sinh viên sĩ quan được dạy chương trình bậc đại học như các đại học dân sự, thêm vào các cuộc thực nghiệm tại các phòng thí nghiệm với các học cụ tối tân. Các tân sĩ quan các khoá sau cùng được cấp văn bằng Cử Nhân Khoa Học Ứng Dụng, tương đượng với các trường đại học khác, hoặc các trường quân sự khác trên thế giới.
Từ ngày thành lập cho đến tháng 4 năm 1975, Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đã cung ứng cho các chiến trường bốn Vùng Chiến Thuật tất cả 29 khóa Sĩ Quan với tổng số gần bảy ngàn Sĩ Quan, cùng với gần 500 sinh viên sĩ quan của 2 khóa cuối cùng. Các sĩ quan tốt nghiệp được phân phối đi khắp các Quân, Binh, Chủng để đảm trách vai trị cán bộ Chỉ Huy hoặc Tham Mưu. Dù ở cương vị nào, kỹ thuật hay tác chiến, người Sĩ Quan xuất thân Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam vẫn luôn nuôi dưỡng tinh thần "Tự Thắng Để Chỉ Huy" và câu châm ngôn "Tổ Quốc, Danh Dự, Trách Nhiệm" là kim chỉ nam minh chứng mọi hành động vị quốc an dân.
Đa số các cựu sinh viên sĩ quan đã thành công trên đường binh nghiệp và làm vang danh Trường Mẹ. Những người còn sống đang tiếp tục con đường đã chọn, những người nằm xuống đã trở thành những anh hùng Vị Quốc Vong Thân.
Trong 27 năm phục vụ cho đất nước, các sĩ quan xuất thân đã đóng góp tích cực cho sự tồn tại của chế độ Cộng Hoà của miền Nam VN, đồng thời chứng minh được tinh thần tận tuỵ hy sinh, kể cả mạng sống của mình cho đất nước và dân tộc. Những công trạng của họ, cùng những gương anh hùng, cùng trách nhiệm "Bảo quốc an dân" là những bằng chứng sống khiến người dân luôn tin cậy. Sau năm 1975, dầu Trường Võ Bị Quốc Gia Việt Nam đã đi vào Quân Sử, nhưng truyền thống Bất Khuất và Hào Hùng chưa lịm tắt được trong tâm tư của những sĩ quan xuất thân từ Ngôi Trường lịch sử này.
- Trung tâm Nghiên cứu Nguyên Tử Đà Lạt năm 1958 .
Lịch sử​ :
Năm 1958, Việt Nam Cộng Hòa đã thành lập Nguyên tử lực cuộc và đến năm 1961 một cơ sở nghiên cứu khoa học và kỹ thuật hạt nhân được thành lập mang tên Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt. Trung tâm được xây dựng tại một khu vực có diện tích 21 hecta bên đường Nguyên Tử Lực, phía đông bắc trung tâm Đà Lạt.
Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 4-1961 và được hoàn thành vào tháng 12-1962. Đây là một công trình do chính phủ Hoa Kỳ tài trợ.
Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ cùng các kiến trúc sư phụ tá Nguyễn Mỹ Lộc, Phạm Quỳnh Lân và Vũ Tòng chịu trách nhiệm thiết kế công trình.
Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là loại lò phản ứng nghiên cứu TRIGA - MARK II do hãng General Atomic thuộc công ty General Dynamics của Hoa Kỳ chế tạo, có công suất danh định là 250 kW. Lò sử dụng nhiên liệu Uranium-235 được kích hoạt bằng nguồn neutron chậm để tạo phản ứng phân hạch dây chuyền và chất phóng xạ.
Sau một thời gian lắp đặt và thử nghiệm, lò hạt nhân DLR - I (Dalat Reactor - I) là lò hạt nhân đầu tiên ở Đông Nam Á đã đạt trạng thái "tới hạn" vào lúc 12 giờ 40 phút ngày ngày 26 tháng 2 năm 1963 và chính thức đi vào hoạt động theo công suất danh định từ ngày ngày 3 tháng 3 năm 1963. Mục tiêu chính của lò khi đó là nghiên cứu, huấn luyện và sản xuất đồng vị phóng xạ.
Các bộ phận nghiên cứu khoa học của Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt dưới sự quản trị của Việt Nam Cộng Hòa gồm có: Phòng Vật lý lò, Phòng Kiểm soát Phóng xạ, Phòng Điện tử, Phòng Vật lý hạt nhân, Phòng Hoá học Phóng xạ, Phòng Sinh học Phóng xạ và một thư viện với hơn 3.000 đầu sách, hàng trăm tạp chí khoa học và hơn 30.000 báo cáo khoa học để phục vụ cho công tác nghiên cứu hoặc tham khảo.
Hiện nay, lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt là nơi duy nhất tại Việt Nam nghiên cứu và tạo ra các sản phẩm từ phóng xạ.
- Nhà máy Thủy Điện Đa Nhim năm 1961 .
Đa Nhim - công trình thủy điện của Việt Nam Cộng Hòa được xây dựng sớm nhất Đông Dương, do Nhật Bản bồi thường chiến tranh cho Việt Nam Cộng Hòa, cùng với Bệnh viện Chợ rẫy.
Đây là công trình thủy điện đầu tiên, nằm ở nấc thang trên cùng, khai thác tiềm năng thủy điện của hệ thống sông Đồng Nai, nằm giáp ranh giữa tỉnh Lâm Đồng và Ninh Thuận… Hai đường ống thủy lực chạy song song dẫn nước từ trên núi xuống nhà máy vẫn là ấn tượng nhất của nhà máy. Ban đêm, khi hệ thống điện bảo vệ bật lên, đường ống đẹp như dải lụa hình chữ S, có thể đứng cách xa mấy chục cây số vẫn nhận ra. Nhờ độ cao 800m, độ dốc tới 45 độ, thế năng lớn, nên 2 ống thủy lực này đã cung cấp một lượng nước đủ phát điện với sản lượng hàng tỷ kWh/năm, suất tiêu hao nước rất thấp, chỉ cần 0,56 m3 cho mỗi kWh, trong khi có những nhà máy, con số này lên tới hàng chục m3nước/kWh. Vì vậy, Đa Nhim được coi là nhà máy đạt hiệu quả cao nhất trong các nhà máy thủy điện ở Việt Nam.
Nhà máy thủy điện Đa Nhim (khởi công tháng 4 năm 1961, khánh thành cuối năm 1964).
Tại chỗ hợp lưu của sông Krông Lét vào sông Đa Nhim ở thị trấn Đơn Dương (Lâm Đồng), người ta xây hồ Đa Nhim (ở độ cao trên 1000 m so với mực nước biển, rộng 11–12 Km² và dung tích là 165 triệu m³ nước) để cung cấp nước cho nhà máy.
Đập ngăn nước của hồ dài gần 1500 m, cao gần 38 M, đáy đập rộng 180 m, mặt đập rộng 6 m. Ở đáy hồ có một đường hầm thủy áp dài 5 Km xuyên qua lòng núi nối tới hai ống thủy áp bằng hợp kim dốc 45°, dài 2040 m và đường kính trên 1 m mỗi ống. Nước từ hồ Đa Nhim theo hệ thống thủy áp này đổ xuống tới hệ thống 4 tuốc bin ở sông Krông Pha (sông Pha) ở độ cao 210 M .
Nhà máy cung cấp điện cho các tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận, Bình Thuận và Khánh Hòa thông qua các đường dây 110 kV và hòa vào hệ thống quốc gia thông qua đường dây 230 kV. Đồng thời, nước từ thủy điện Đa Nhim cung cấp mỗi năm hơn 550 triệu mét khối nước phục vụ tưới tiêu cho hơn 20.000 ha đất canh tác của tỉnh Ninh Thuận, vốn là một tỉnh có lượng mưa hàng năm thấp nhất Việt Nam.
Nhìn từ xa, có thể nhìn thấy hai ống thủy lực song song, dài khoảng 2 Km, dẫn nước từ trên núi xuống nhà máy thủy điện nằm ở dưới chân đèo Ngoạn Mục, làm quay tuabin để tạo ra dòng điện với 4 máy Phát Điện ,có công suất đạt 40 MW X 4 .
Sông Đa Nhim chảy qua các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và đổ vào sông Đa Dâng gần thác Pongour .
Sông Đa Nhim bắt nguồn từ phía bắc núi Gia Rích (1.923M) ở huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, gần ranh giới với hai tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận.
Trên sông Đa Nhim có hồ Đa Nhim (hay là hồ Đơn Dương), là một hồ nhân tạo trên huyện Đơn Dương. Ở đây có đặt nhà máy thủy điện Đa Nhim. Từ Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, ngược quốc lộ chừng 50 Km, ta sẽ nhìn thấy hai ống thủy lực chạy song song, dài khoảng 2 Km, dẫn nước từ trên núi xuống nhà máy nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục trông rất đẹp và ...
Sông Đa Nhim không chỉ có nguồn lợi thuỷ điện, mà còn tạo ra nhiều cảnh đẹp trở thành du lịch nổi tiếng của Lâm Đồng.
Dọc sông có 3 thác chính: thác Liên Khương, thác Gougah và Pongour.
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn