SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : DÃY NÚI TRƯỜNG SƠN BẮC - SÔNG BẾN HẢI , CẦU HIỀN LƯƠNG - VIỆT NAM CUỘC THƯ HÙNG QUỐC-CỘNG . (Phần 5b of 5)

08 Tháng Giêng 20222:24 CH(Xem: 1037)
SÔNG NÚI NƯỚC NAM - ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT : DÃY NÚI TRƯỜNG SƠN BẮC - SÔNG BẾN HẢI , CẦU HIỀN LƯƠNG VỚI CHUYẾN ĐÒ VĨ TUYẾN . (Phần 5b of 5).
- Ngày 2/5 Tướng Giai tuyên bố bỏ thành phố Quảng Trị và di tản chiến thuật.
Tin trên chẳng những làm cho mười bảy triệu quân dân miền Nam đau xót bùi ngùi, mà còn khiến cho toàn thể thế giới sửng sốt.Tất cả không ai tin được là tại sao tỉnh Quảng Trị, lại bị lọt vào tay giặc một cách quá dễ dàng, nếu đem so sánh với sự kinh hồn bạt vía, trời long đất lở, hoàn cảnh nguy ngập tại hai mặt trận Kon Tum và nhất là địa ngục An Lộc lúc đó, không một chiếc xe tăng hay đại pháo và bị vây khổn giữa chốn ba quân bạt ngàn, có sức mạnh chẻ tre chém đá mà còn giữ được.
Ngay sau khi kế hoạch lui binh bắt đầu, Tướng Hoàng Xuân Lãm ra lịnh tử thủ Quảng Trị. Lệnh Sư Đoàn và phản lệnh của Quân Đoàn bất nhất làm cho các đơn vị trưởng bất mãn, bất tuân thượng lệnh. Hệ thống chỉ huy phòng thủ Quảng Trị bị gãy đổ ngay từ đó, các đơn vị tự ý rời vị trí rút lui về hướng Nam. Tướng tư lệnh SĐ3BB đã cùng với các cố vấn Mỹ và một ít sĩ quan tham mưu thân cận, đã được 3 trực thăng CH-54 bốc đi từ Cổ Thành Quảng Trị bay về Đà Nẵng lúc 16 giờ 40 cùng ngày. Cổ thành Đinh Công Tráng-Quảng Trị, một căn cứ hỏa lực và phòng thủ vững chắc gấp 100 lần thị xã An Lộc, bị bỏ ngỏ và lọt vào tay cộng sản , tối ngày 2-5-1972.
Giữa cảnh hỗn loạn đó, Đại Tá Khoái Chỉ Huy Trưởng BĐQ Quân Khu I đã họp các cấp chỉ huy 3 Liên Đoàn BĐQ và ra quyết định LĐ5BĐQ làm nổ lực chính đánh trì hoãn để cho các cánh quân còn lại lui binh trên QL1. Sự dũng cảm và hy sinh vì màu cờ Binh Chủng, trên một chiến trường do CS chọn sẵn , Các chiến sĩ BĐQ đã đánh một trận phản phục kích để đời tại Sông Trường Phước mặc dù địch có chiến xa yểm trợ.
- Vào lúc 14 giờ 30 chiều, LĐ147/TQLC với 4 tiểu đoàn và gần 30 chiến xa & thiết vận xa còn lại của LĐ1 Kỵ binh, bắt đầu triệt thoái khỏi Quảng Trị về Huế theo Quốc lộ 1. Thêm nhiều quân nhân thất lạc đơn vị và đồng bào đi theo đoàn quân này gây trở ngại không ít khi điều quân và lúc giao tranh với địch. Lực lượng TQLC đã đụng độ suốt đêm với trung đoàn CS tại Hải Lăng, có nhiều quân nhân và đồng bào tháp tùng đã tử thương trong lúc giao tranh. Nhờ hỏa lực mạnh mẽ của thiết giáp, địch rút lui vào buổi trưa hôm sau. LĐ 147/TQLC, chiến xa và đoàn người chạy giặc đã tới Mỹ Chánh vào buổi chiều, nơi LĐ369/TQLC đang án ngữ.
Trên đường lui binh, Lữ đoàn 147 TQLC, và các đơn vị của SĐ3BB, vừa phải bảo vệ dân chúng di tản, vừa mở đường máu, vừa đụng độ và lãnh đạn pháo kích nặng nề của giặc.
Quốc lộ 1, đoạn từ Hải Lăng về Mỹ Chánh, mất an ninh nhiều ngày trước, đang bị quân cộng sản chiếm và đóng chốt., nhất là cầu sông Nhung, trên Quốc Lộ I, đoạn đường đã bị gián đoạn giao thông, vì đoàn xe di tản của dân và lính, dài hơn ba cây số. Đây là mục tiêu chính, để cộng quân phục kích tấn công, tha hồ tác xạ dữ dội và tàn bạo, bằng đủ loại súng lớn nhỏ, từ cá nhân, cộng đồng, đại bác tới thiết giáp. Hàng ngàn xe cộ, quân xa cũng như xe dân sự, đồng bào, lính tráng chết thảm thương trong những xác xe cháy nằm la liệt khắp mặt đường, dưới ruộng. Chỉ những kẻ biết bơi lội, mới sống sót được khi bơi qua sông Nhung, chạy về Mỹ Chánh.Một phóng viên chứng kiến thảm cảnh này khi thuật lại, đã đặt tên cho đoạn đường này là "Đại Lộ Kinh Hoàng".
Lúc đó Lữ đoàn 369 TQLC được tăng cường với nhiệm vụ, giữ phòng tuyến Mỹ Chánh từ sông Ô Khê tới đầu cầu Mỹ Chánh, ranh giới hai tỉnh Thừa Thiên-Quảng Trị.
Sáng sớm ngày 2/5/1972 Trung Đoàn CS với 18 chiến xa yểm trợ tấn công Lữ Đoàn 369 TQLC tại tuyến phòng thủ Mỹ Chánh. Sau nữa ngày giao tranh với pháo binh cơ hữu và hải không yểm trợ, 17/18 chiến xa T54 bị bắn cháy. CS bị thiệt hại nặng và tháo lui về hướng Hải Lăng bỏ lại trận địa trên 500 xác chết..
Ngày 2/5/1972 Tỉnh Quảng Trị thất thủ, Thiết Đoàn 20 chỉ còn lại 6/48 chiến xa, Các đơn vị TQLC bị thiệt hại nặng, cầu Mỹ Chánh được Công Binh VNCH giật sập để cản bước chiến xa của địch. Cố đô Huế hiện giờ trong tình trạng hoảng loạn vô trật tự.
Tuyến phòng ngự Mỹ Chánh :
- Ngày 3/5/1972 Thiếu Tướng Ngô Quang Trưởng nguyên Tư Lệnh Quân Đoàn 4 được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu chỉ định thay thế Tướng Hoàng Xuân Lãm Tư Lệnh Quân Đoàn I trong buổi họp Hội Đồng An Ninh Quốc Gia tại Dinh Độc Lập.
- Ngày 4/5/1972, sau khi được chỉ định, Tướng Trưởng cấp tốc bay ra Quân Khu I và lập ngay phòng tuyến cố thủ tại cố đô Huế chống lại áp lực của các SĐ304, 308 và 325 CS ở phía Bắc sông Mỹ Chánh và SĐ324B ở phía Tây.
Tướng Trưởng cấp tốc thành lập Bộ Chỉ Huy Tiền Phương tại Huế và ban lệnh thiết quân luật, buộc tất cả quân nhân phải trở về trình diện đơn vị, cho lệnh bắn tại chổ những người mang vũ khí lang thang ngoài đường phố hay bị bắt quả tang trộm cướp,bắn bỏ tại chổ những tên cướp giựt, tổ chức lực lượng quân cảnh tuần tiểu bằng Thiết Vận Xa V100. Đồng thời thành lập “Trung Tâm Điều Hợp Hỏa Lực” và một “Toán Đặc Biệt” chỉ nhằm thâu nhận các mục tiêu và vị trí địch quân, để phối hợp khai thác khả năng dồi dào của không địa hải pháo Việt Mỹ yểm trợ chiến trường.
- Ngày 5/5/1972 Tướng Trưởng cũng phổ biến kế hoạch phòng thủ cho các vị Tư Lệnh Sư Đoàn 1BB trách nhiệm phòng thủ phía Tây và Tây Nam Huế . Nhằm ngăn chận địch quân từ hướng mật khu Ba Lòng; SĐ/TQLC trách nhiệm phòng thủ phía Bắc và Đông Bắc Huế, chận đứng mọi toan tính xâm nhập của địch từ phương Bắc. Các Tư Lệnh SĐ toàn quyền điều động và phối hợp Địa Phương Quân, Nghĩa Quân và Chủ Lực Quân vào kế hoạch tác chiến của Quân Đoàn. Đồng thời lập kế hoạch Lôi Phong, tập trung hỏa lực Không, Hải và địa pháo chiến thuật cũng như chiến lược cơ hữu Việt Mỹ nhằm ngăn chận, và tiêu diệt sự tập trung quân của địch. để có đủ thời gian tái tổ chức trang bị và huấn luyện các đơn vị bị thiệt hại vừa qua.( lần đầu tiên các đơn vị VNCH được trang bị hỏa tiển TOW)
Ngày này , Đại Tá Bùi Thế Lân được chỉ định giữ chức vụ Tư Lệnh SĐ/TQLC thay thế Trung Tướng Lê Nguyên Khang .
- Ngày 7/5 sự ổn định về phòng thủ tại Huế đã vững vàng, an ninh trật tự công cộng cũng được vãn hồi. Mặc dù giao tranh còn đang xảy ra tại một vài nơi nhưng dân chúng Huế cũng cảm thấy yên tâm, một số gia đình chạy loạn đã lục tục trở về. Các chiến cụ bị mất mát hay hư hỏng cũng được các phi cơ khổng lồ C141 và C5 Hoa Kỳ ồ ạt chở đến phi trường Đà Nẵng .
Ngày 8/5/1972, toàn bộ LĐ2ND với 3 TĐ 2, 7 & 11ND do Đại Tá Trần Quốc Lịch làm Lữ Đoàn Trưởng, từ mặt trận Tây Nguyên được không vận đến Phi Trường Phú Bài tăng viện cho Quân Đoàn I.
TĐ11ND sau trận chiến tại đồi Charlie ở Quân Khu 2, được tái chỉnh trang, tăng cường cho mặt trận Quân Khu I và khi vừa đến Huế thì nhận được lệnh tái chiếm phía Nam sông Mỹ Chánh. Vừa vuợt tuyến xuất phát tại Phong Điền dọc QL1, CS pháo dữ dội bằng đủ loại đại pháo và xung phong tấn công biển người vào TĐ11ND. Thiếu Tá Mể TĐT bị thương vì pháo kích. Th/Tá Thành thay thế. Đến 3 giờ sáng, 3 chiếc T54 xuất hiện, ĐĐ111 dùng M72 tiêu diệt, bắt sống 1 tù binh cấp Thượng Tá, 1 Tiền Sát Viên và 1 Âm Thoại Viên. Tịch thu 11 súng phòng không 30 ly.
( Khi TĐ11ND nhận lệnh lên đường ra Huế, Đại Tá Trần Quốc Lịch, LĐT/LĐ2ND đã lưu ý vị Tân Tiểu Đoàn Trưởng TĐ11ND, Thiếu Tá Lê Văn Mể rằng “ Chắc chắn bọn CS sẽ tấn công Anh tới cùng vì theo kinh nghiệm về chiến thuật CS nếu nó đã đụng mạnh một đơn vị nào của ta một lần rồi khi ra quân lại bọn chúng sẽ tìm cách triệt hạ bằng mọi giá, Nếu Anh cảm thấy chưa đủ sức tôi sẽ cho thằng khác đi thay Anh” Thiếu Tá Mễ tỏ vẽ rất tự tin và xin tiếp tục nhiệm vụ và CS đã dàn chào Ông một cách tận tình )
Các Tiểu Đoàn 2 và 7ND sau đó được triển khai dọc theo bờ phía Nam sông Mỹ Chánh cùng Tiểu Đoàn 11ND trấn giữ tuyến đầu. Tất cả chiến binh Nhảy Dù đều được trang bị súng chống chiến xa M72 và XM202 bốn nòng. Các đơn vị Nhảy Dù thường thả các toán Trinh Sát và viễn thám vào vùng địch chiếm đóng và biết được cộng quân đang tăng cường nhiều chiến xa, bộ binh , phòng không và đại pháo phía bên kia bờ sông Mỹ Chánh.
- Ngày 10/5/1972 tình hình tại Huế tạm ổn định. Liên Đoàn 1BĐQ vừa hoàn tất việc bổ sung quân số và tái huấn luyện tại Đà Nẵng được tăng phái cho SĐ/TQLC. Ngày nầy, quân số QL/VNCH tập trung quanh thành phố Huế lên đến 35,000 người.
- Ngày 12/5/1972, ĐĐTS/LĐ369TQLC vượt sông Mỹ Chánh, thám sát địa thế để lập đầu cầu chuẩn bị cho chiến dịch Sóng Thần 5/72. Sáng hôm sau, ngày 13/5/1972, 2 Tiểu Đoàn 3 & 8TQLC được trực thăng vận đổ vào Quận Hải Lăng, cách Quảng Trị 11Km về hướng Nam đánh bọc hậu trở về sông Mỹ Chánh. Đồng thời TĐ9TQLC vượt sông Mỹ Chánh đánh ngược lên phía Bắc. Trung Đoàn 66 CS bị kẹp giữa hai gọng kềm nên bị thiệt hại nặng nề.
- Ngày 14/5/1972 CS quyết chí trả thù, 23.00 giờ Trung Đoàn 66/SĐ324 pháo dữ dội vào ĐĐ111ND. Địch vẫn áp dụng chiến thuật cổ điển tiền pháo hậu xung và nhị thức bộ binh tùng thiết, dùng biển người dự định tràn ngập đơn vị Nhảy Dù này.
ĐĐ111ND phản công quyết liệt với sự tiếp ứng kịp thời của 2 Đại Đội 112, 114ND và dưới sự yểm trợ hỏa lực của Pháo Binh Dù và 24 chiếc Phantom của Không Quân Mỹ. Đến sáng sớm hôm sau TĐ11ND hoàn toàn tiêu diệt các đơn vị CS, 26 chiến xa bị bắn cháy gồm cả T54, BTR85 và PT76, xác địch ngổn ngang bên ngoài rào phòng thủ. TĐ11ND bị thương vong 20 binh sĩ vì đạn pháo kích.
- Ngày 15/5/1972 Thiếu Tướng Phạm Văn Phú, Tư Lịnh SĐ1BB, tung 2 Trung Đoàn /SĐ1BB hành quân tái chiếm hai căn cứ Bastogne và Birmingham phía Tây Nam cố đô Huế.
- Ngày 16/5/1972 hai Tiểu Đoàn Bộ Binh thuộc Trung Đoàn 3/SĐ1 bất ngờ được trực thăng vận đổ ngay vào Bastogne. Buổi chiều Trung Đoàn 3/1BB hoàn toàn làm chủ tình hình tại căn cứ nầy.. Đến ngày 20/5/1972 SĐ1BB cũng tái chiếm căn cứ Checkmate.
TĐ3ND sau khi tham chiến tại mặt trận An Lộc giải tỏa QL 13, được tái trang bị và không vận ra Huế. ĐĐ33ND được tăng phái cho TĐ11ND và đến trấn đóng tại rặng Hồ Lầy phía Tây Bắc TĐ11ND.
- Ngày 21/5/1972, Hỏa tiển Tow được Hoa Kỳ vận chuyển đến Đà Nẵng bằng vận tải cơ khổng lồ C141 và C5.và lần đầu tiên trang bị cho các đơn vị / QL VNCH.
- Ngày 22/5/1972 BTL/SĐND và BCH LĐ3ND được không vận tới Huế.Trung Đoàn 4/2BB cũng được tăng cường để bảo vệ Huế. Trung Đoàn nầy được tăng phái cho SĐND trấn giữ phần lảnh thổ phía Nam sông Mỹ Chánh để các đơn vị Nhảy Dù rảnh tay vượt sông tái chiếm Quảng Trị.
- Ngày 24/5/1972 QĐ1 mở cuộc hành quân Sóng Thần 6/72 thăm dò bằng 2 mũi tấn công vào phía Đông và phía Nam tỉnh Quảng Trị : Mũi thứ nhất TĐ7TQLC đổ bộ vào bờ biển dọc theo “Dảy Phố Buồn Thiu”(tức là Hương lộ 555) phía Đông thành phố Quảng Trị. Mũi thứ hai gồm 2 Tiểu Đoàn 4 và 6 TQLC đổ bộ bằng trực thăng xuống giao điểm hương lộ 555 và 602, chạm địch khá mạnh với Trung Đoàn 18 CS. Sau đó các đơn vị TQLC rút về tuyến Mỹ Chánh.
Trong lúc đó Cộng quân lại tấn công vào mặt phía Tây trong 3 ngày liên tiếp, với chiến xa và bộ binh tùng thiết chỉa mũi dùi vào tuyến của LĐ369TQLC. Một Tiểu Đoàn của CS đã tấn công vào vị trí của TĐ9TQLC trong khi hai Tiểu Đoàn CS khác mưu toan tràn ngập Tiểu Đoàn 1 TQLC. Cả hai cuộc tấn công nầy đều bị đẩy lui và hằng trăm xác cộng quân bỏ lại tại trận địa. - Ngày 28/5/1972 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đến thăm chiến trường Quân Khu I, ban quân lịnh mở chiến dịch”Lôi Phong” tái chiếm Quảng Tri và thăng cấp Chuẩn Tướng tại mặt trận cho Đại Tá Bùi Thế Lân, Tư Lệnh SĐ/TQLC tại Huế.
Trong ngày nầy, LĐ1ND sau khi giải tỏa An Lộc được không vận ra Huế tăng cường lực lượng chuẩn bị tái chiếm Quảng Trị. BTL/SĐND đóng tại An-Lổ, 17 cây số phía Bắc thành phố Huế, căn cứ Hiệp Khánh.
- Ngày 2/6/1972 một lần nửa quân cộng sản thuộc Trung Đoàn 66 có chiến xa yểm trợ đã vượt cầu ngầm tấn công vào TĐ11ND tại bờ Nam sông Mỹ Chánh, đồng thời địch cũng pháo dữ dội vào vị trí đóng quân của TĐ2ND tại căn cứ Nancy do 1 Đại Đội Nhảy Dù trấn giữ cầu phao bắt qua sông do Công Binh QĐI thiết lập.
Nhờ chuẩn bị sẳn, Khi chiến xa địch vừa vượt qua sông càn vào tuyến phòng thủ, các chiến sĩ Dù đã dàn chào bằng những loạt đạn M72, và XM202 chống chiến xa cùng Pháo binh yểm trợ. Các chiến xa địch lật gọng, những chiếc khác tháo chạy. Bộ binh CS nhào lên xung phong biển người, từng đợt bị rơi rụng vì mìn claymore, lựu đạn, đại liên ,tiểu liên thi nhau nhả đạn. Sáng sớm hôm sau, Cộng quân tháo lui bỏ lại chiến trường trên 100 xác, 5 tù binh bị bắt sống. 4 chiếc T54 bị bắn cháy, 7 chiếc khác còn nguyên vẹn bị tịch thu vì xa đoàn bỏ trốn, tại bờ sông 9 chiếc nữa bi đâm vào nhau vì hoảng loạn tháo chạy.Về sau, khi Trung Đoàn 4/2BB đến thay thế trấn giữ đồi Trần Văn Lý, các chiến sĩ TĐ11 Nhảy dù bung rộng lục soát về phía Bắc tận sông Nhung đã phát hiện thêm nhiều chiến xa BTR85 do CS cất dấu trước khi tháo lui.( Các chiến xa nầy được đem về trưng bày tại căn cứ Hiệp Khánh) .
- Ngày 8/6/1972,4 Tiểu Đoàn TQLC đã vượt sông Mỹ Chánh đánh qua phía Bắc mở cuộc hành quân Sóng Thần 8/72. Quân CS đã phản kích kịch liệt dọc theo hương lộ 555. Nhưng TQLC cũng đã mở rộng được tuyến bờ sông phía Bắc Mỹ Chánh.
- Ngày 18/6/1972 tiếp nối cuộc hành quân Sóng Thần 8/72, ba Tiểu Đoàn 1, 5 và 6 TQLC mở cuộc hành quân Sóng Thần 8A/72. Cộng quân tung bộ binh và chiến xa kháng cự dữ dội. BCH hành quân gọi phi pháo yểm trợ và pháo đài bay B52 can thiệp. Địch quân bị thiệt hại nặng, TQLC đã mở rộng phòng tuyến phía Bắc sông Mỹ Chánh thêm 6 Km.
Tái chiếm Quảng Trị : Hành Quân Lam Sơn 72 ...
ĐẤT LINH SINH NHÂN KIỆT
Anh-Hùng Trần-Thế-Vinh .
Trong trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa 1972 khi cùng cả nước ra sức ngăn chận cuộc xâm lăng của Cộng quân trên cả ba mặt trận chính Quảng Trị, Komtum và Bình Long, các đơn vị và chiến sĩ KQVNCH đã tạo được nhiều thành tích chói ngời cho quân sử Không Quân Việt Nam Cộng Hòa góp phần quan trọng trong những chiến công giữ vững miền Nam. Tuy nhiên trong năm này Không Quân VNCH cũng phải chịu nhiều mất mát và một trong những cái tang gây nhiều tiếc thương cho cả trong lẫn ngoài Quân Chủng là sự ra đi của ĐạI Úy Trần Thế Vinh Phi Đoàn 518 Phi Long trên vùng trời Quảng Trị.
Đại úy Trần Thế Vinh sinh ngày 27-9-1946 tại Ninh Cường, Nam Định, Bắc Việt. Cùng gia đình di cư vào Nam năm 1954. Anh gia nhập Không Quân cuối năm 1964 khi đang theo học Đại học Luật Khoa.
Sau khi mãn khóa hoa tiêu quan sát tại quân trường Nha Trang, Trần Thế Vinh được gửi theo học khóa phi công khu trục AD-6 tại Hoa Kỳ. Anh tốt nghiệp thủ khoa khi cùng học với nhiều phi công ngoại quốc khác. Được coi là một phi công “AS” sau các bậc đàn anh như Quốc, Chấn, Tế, Huề, Du . . . Về nước Trần Thế Vinh phục vụ tạI Phi Đoàn 518 Phi Long, bên cạnh những bậc đàn anh lừng danh qua những phi vụ Bắc phạt. Anh lần lượt mang cấp bậc Thiếu úy từ tháng 3 –1967, thăng Trung úy vào tháng 3-1969. Đại úy từ tháng 1-1972, giữ chức Phi tuần trưởng A-1 và từng được thưởng rất nhiều huy chương các loại, đáng kể nhất là những huy chương Anh Dũng và Phi Dũng Bội tinh các cấp cùng Chiến Thương Bội tinh.
Khi chiến cuộc vùng Trị Thiên sôi động vì Bắc quân vượt vĩ tuyến mở cuộc tấn công đại quy mô vào Quảng Trị. Ngày 01-4-1972 Phi đoàn 518 được biệt phái ra Sư Đoàn 1 KQ để trực tiếp yểm trợ cho các cánh quân vùng địa đầu giới tuyến, và ngay lập tức trần Thế Vinh hăng say tình nguyện tham dự tất cả các phi vụ không ngơi nghỉ bất kể thời tiết xấu như thế nào và phòng không địch đan kín bầu trời .
Ngày 2-4-1972 Trần Thế Vinh thực hiện phi vụ đầu tiên tại vùng giới tuyến, hạ 5 chiến xa Cộng quân ở phía bắc Đông Hà, phi cơ của anh bị trúng đạn phòng không 12 ly 7 bên cánh trái nhưng anh vẫn trở về căn cứ an toàn. Liên tiếp 3 ngày tiếp theo sau đó, ngày nào Đại úy Vinh cũng cất cánh bay và ngày nào cũng bắn hạ được xe tăng địch. Tổng cộng chỉ trong vòng 3 ngày 2, 3 và 4-7-1972 anh hạ tất cả 20 chiến xa Cộng quân, nhiều lần phi cơ bị trúng đạn phòng không nhưng anh vẫn trở về căn cứ an toàn.
Để động viên tinh thần chiến đấu của quân đội, bộ Tư Lệnh KQ/VNCH đã phối hợp vớI Cục Tâm Lý Chiến thực hiện một chương trình truyền hình về các chiến công của quân chủng phát trên đài truỵền hình quốc gia tại Sài Gòn vào hai ngày 7 và 8-4-1972. Trong chương trình này Thiếu tá Lê Phước Hùng, phi đoàn trưởng PĐ 518 đã giới thiệu ĐạI úy Trần Thế Vinh là phi công anh dũng và xuất sắc nhất của đơn vị. Ông hứa với khán giả rằng trong tuần lễ kế tiếp sẽ đưa ĐạI úy Vinh về giới thiệu trực tiếp với công chúng. Trong khi mọi ngườI hân hoan và nóng lòng chờ đợi được thấy mặt viên phi công anh dũng một mình trong ba ngày liên tiếp bắn hạ 20 chiến xa CS tại Quảng Trị thì bất ngờ sáng ngày 9-4 ĐạI úy Trần Thế Vinh gãy cánh trong khi thi hành phi vụ khẩn cấp giải vây cho căn cứ Phượng Hoàng lúc ấy do Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến phòng thủ đang bị Cộng quân vây chặt và tấn công dữ dội bằng pháo binh, chiến xa và bộ quân.
Cùng Phi tuần viên Đại úy Phan Công Định, phi tuần trưởng Đại úy Trần Thế Vinh cất cánh rời phi trường Đà Nẵng vào lúc 8 giờ sáng Chủ nhật 9-4 trong lúc thời tiết rất xấu, trần mây rất thấp. Tầm nhìn xa không quá 50 mét khiến Đại úy Vinh đã quyết định áp dụng chiến thuật táo bạo là cả hai phi cơ bay rất thấp gần đến mục tiêu mới bốc lên cao và từ đó lách mây đâm xuống oanh kích để tạo yếu tố bất ngờ. Chiến thuật gan dạ nhưng đầy liều lĩnh này đã khiến địch quân không kịp trở tay và các chiến xa Cộng sản không thể tránh kịp phơi mình làm mục tiêu ăn bom và có 4 chiến xa trúng bom từ phi cơ của Đại úy Vinh ngay khi anh vừa đâm bổ xuống. Tuy nhiên vì xuống quá thấp, phi cơ của anh đã bị trúng đạn phòng không và bốc cháy không kịp bay ra khỏi khu vực nguy hiểm. Đại úy Phan Công Định đã báo cáo phi cơ của Đại úy Vinh đâm xuống đất và không thấy có chiếc dù nào bay ra.
Đại úy Trần Thế Vinh gãy cánh tại Đông Hà , cách Quảng Trị chừng 10 Km phía bắc .
Đại úy Trần Thế Vinh, Chim Thiêng đã bỏ trời xanh, bỏ người tình, bỏ bạn bè . . . Chim Thiêng đã về ngàn. . . Vinh đã anh dũng hy sinh đền nợ nước khi tuổi đời chưa tròn 26. Anh ra đi trong sự xúc động của cả nước, từ dân đến quân, cả trong lẫn ngoài quân chủng. Chiến tích một mình trong một tuần lễ hạ 21 chiến xa địch đã khiến anh trở nên một huyền thoại có thực của Không Lực VNCH. Ngay sau đó chân dung Đại úy Trần Thế Vinh xuất hiện trên những tấm bích chương cổ động nhằm nâng cao tinh thần chiến đấu của quân dân được trưng bày khắp mọi ngả đường trên toàn quốc. Chưa bao giờ hình ảnh và tên tuổi một phi công được nhắc đến với lòng tiếc thương yêu mến mãnh liệt như thế !
Đại úy Trần Thế Vinh sống mãi trong Quân Sử hào hùng của Không Quân VNCH và Quân Lực VNCH !
Gửi ý kiến của bạn
Tên của bạn
Email của bạn